Ngôi nhà nhỏ nằm giữa một vườn cau rộng lớn của tôi có bốn thế hệ sinh sống- bốn thế hệ khốn khổ.
Bà ngoại là người lớn nhất trong gia đình. Với con cháu, ngoại là một người bà tuyệt vời, tuyệt vời nhưng cay nghiệt. Cách yêu thương con cháu của ngoại khiến chúng tôi thấy sợ, ở đây là dì tôi, và hai chị em tôi. Những nỗi đau khổ cơ cực trong quá khứ cứ ám ảnh ngoại, khiến ngoại không thể nào trở thành một người bà hiền hậu như trong những áng văn thơ nữa. Ngoại không biết kể chuyện cổ tích, không biết hát ru, không biết ôm ấp lấy những đứa cháu mà vỗ về. Trong kí ức của chúng tôi, từ ngày chúng tôi còn nhỏ, ngoại là người lạnh nhạt, hay đay nghiến mẹ và dì nhiều lắm.
Ngày đó còn nhỏ, tôi và chị Hai không hiểu tại sao ngoại lại đối xử với con gái đẻ của mình như thế? Và chúng tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn những bữa cơm không lành, canh không ngọt trong ngôi nhà chỉ toàn đàn bà và trẻ con. Mẹ và dì Út lúc nào cũng im lìm trước những lời chửi rủa nhiếc mắng của ngoại. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ và dì ngồi khóc trong góc, còn quá nhỏ để được hỏi chuyện, và quá nhỏ để hiểu chuyện.
Mẹ ở nhà làm hàng thêu cùng dì. Mẹ tôi giống ngoại, nóng tánh nên mỗi khi bà ngoại mắng nhiếc, mẹ lại giận lây sang chị em tôi. Tôi thì chưa biết gì nên còn đỡ, chỉ có chị Hai là khổ. Nhất là hôm nào bé Bi quấy khóc là y như rằng nhà tôi lại bao trùm một bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Bà ngoại ngồi ngoài vườn mà nói vọng vào tận nhà:
- Mày làm mẹ kiểu gì mà không giỗ cho bố nhỏ mày nín đi thế hả? Đã nói rồi mà còn cố tình rước cái của nợ ấy về.
Mẹ đang ngồi làm hàng thêu với dì cũng nêm vào một câu:
- Sao không cuốn xéo về bên đó mà cứ vạ vật ở đây hành hạ mẹ mày thế hả? Tao đã bảo không có thằng đàn ông nào đáng tin đâu mà mày cứ khăng khăng theo nó. Giờ thì sáng mắt ra chưa con.
- Kìa chị…- Dì xen vào, bênh chị tôi- Thằng nhỏ đang ốm, nó khóc là chuyện bình thường thôi mà.
- Dì biết gì mà nói. Ngày xưa không phải dì cứ nằng nặc xin cho nó theo thằng đó thì giờ nó đã không khổ. Năm ấy mà nghỉ học về lấy thằng Sơn làm bún ở xóm Gạch thì có phải đã ổn rồi không.- Mẹ bắt đầu chì chiết- Học với chả hành. Rồi về đây bắt nuôi báo cô nó thế này đây.
- Mày cũng thôi đi.- Ngoại át cả lời mẹ- Mày làm mẹ mà cũng có ra làm mẹ đâu mà đòi dạy nổi con. Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư…
Trong nhà, mẹ khóc. Ở phòng trong, tiếng khóc của bé Bi cũng không át nổi cơn tức tưởi của chị Hai tôi.
Còn tôi, ngồi cời lửa nơi xó bếp, cũng đã đủ hiểu chuyện để bật thành tiếng khóc. Khóc cho những người đàn bà bất hạnh quanh tôi.
Bà ngoại cưới ông ngoại là theo sự sắp xếp của gia đình hai bên. Khi đó ngoại mới vừa tròn 17 tuổi. Ông ngoại không yêu bà, mà đem lòng yêu một người đàn bà ở làng bên, hơn ông đến 7 tuổi và góa chồng. Ngày mẹ tôi chào đời, ông ngoại vẫn còn ở bên cạnh người đàn bà đó, để mặc bà ngoại một mình vượt cạn. Bà ngoại cắn răng chịu đựng những lời bàn ra tán vào của làng xóm, một mực im lặng để giữ gìn danh tiếng cho chồng và gia đình chồng.
Ba năm sau, dì Út vừa chào đời thì ông ngoại theo người đàn bà đó lên vùng biên giới làm ăn, để mặc bà ngoại lại với căn nhà nhỏ và hai đứa con thơ. Bà tần tảo nuôi mẹ và dì ngần ấy năm tháng. Nên dù ngoại có cay nghiệt chừng nào, thì chúng tôi cũng được dạy phải kính trọng và yêu ngoại, vì đời ngoại đã khổ lắm rồi.
Mẹ tôi, không hiểu sao cũng không thể thoát khỏi cảnh như ngoại năm xưa. Mẹ quen bố tôi trong một lần đoàn văn công tỉnh xuống giao lưu văn hóa nghệ thuật với nhân dân trong xã. Bố tôi khi đó là phó đoàn văn công tỉnh, còn mẹ là người dẫn chương trình do xã cử ra để dẫn chương trình cho đêm văn nghệ đó. Tôi quên chưa nói, mẹ tôi đẹp lắm. Thế nên mẹ và bố yêu nhau ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên đó. Bà ngoại đã ngăn cản mẹ tôi, vì bà vốn không ưa những người đàn ông làm nghệ sĩ, vì họ thường rất trăng hoa và đa tình. Nhưng mẹ tôi yêu bố tôi nên nhất quyết theo bố lên tỉnh sống.
Chị Hai tôi ra đời giữa tình yêu đang đầy hương sắc của họ. Nhưng mọi chuyện chỉ vỡ lở ra khi một ngày nọ, khi mẹ đưa chị tôi về thăm ngoại, một người đàn bà tướng tá hung dữ, kéo theo mấy tên côn đồ đến nhà bà. Người đàn bà này, theo như ngoại tôi kể lại, chính là vợ cả của bố tôi. Thì ra bố tôi là người đi lăng nhăng bên ngoài bấy lâu dù đã có vợ và có chung với người phụ nữ đó hai mặt con.
Ngoại muối mặt với bà con hàng xóm lần đó. Nhưng thương con, ngoại không cho mẹ tôi trở lại căn nhà trên tỉnh nữa vì sợ người đàn bà hung dữ đó sẽ đến sinh chuyện. Lúc đó cũng là lúc mẹ mang thai tôi. Ngoại cấm cửa bố tôi mỗi lần ông về thăm ba mẹ con tôi. Chị Hai nói thời gian chị đi học trên tỉnh, chị có gặp bố vài lần. Bố không đáng ghét như ngoại và mẹ vẫn thường kể, nhưng bố vẫn đáng giận vì đã lừa dối mẹ nhiều năm trời như thế.
Hết mẹ tôi lại đến dì tôi, và lần này, sự căm ghét đối với đàn ông của ngoại và mẹ lên đến tột đỉnh. Dì đi làm công nhân trên tỉnh, bất chấp sự ngăn cản của ngoại và dì. Ngoại muốn dì ở lại và lấy một người đàn ông trong làng, một người đàn ông vừa lùn vừa đen, lại bị thọt một chân. Dì không yêu người đàn ông đó, nên đã trốn nhà lên phố làm công nhân nhà máy may. Trong thời gian đó, dì gặp và yêu dượng- một anh chàng công nhân cũng làm cùng công ty với dì. Hai người tất nhiên có dắt nhau về xin phép ngoại cho được cưới, và ngoại tôi đời nào đồng ý.
Ngoại và mẹ dùng mọi cách có thể để ngăn cản dì, nhưng dì vẫn quyết tâm lấy dượng. Ngày cưới của dì, ngoại và mẹ tôi thậm chí còn không lên dự, và chúng tôi tất nhiên cũng không được nhìn thấy dì trong ngày vu quy. Dì ngậm ngùi về nhà chồng trong con mắt dị nghị và bàn tán của bạn bè. Gia đình nhà chồng dì thì nghi hoặc về chuyện đó. Và những xích mích vụn vặt bắt đầu xảy đến khi dì lấy chồng được hơn một năm rồi mà vẫn không có con.
Vừa biết tin dì không thể có con, gia đình nhà chồng dì bắt dượng bỏ dì. Người đàn ông bạc nhược đó không còn lựa chọn nào khác là phải nghe theo gia đình. Dì lại xách va ly về nhà ngoại. Ngoại ngấm nguýt và đay nghiến dì có đến cả một năm trời liền. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy dì chạy ra bờ sông ngồi khóc. Cũng vì không thể có con nên dì yêu tôi lắm. Dì thường hay ra nhà trẻ đón tôi vào mỗi buổi chiều. Khi tôi học cấp 1, ngày nào dì cũng đạp xe đưa tôi đi học. Đi chợ, dì luôn mua quà cho tôi. Tôi nhớ khi bắt đầu học cấp 3, có hôm trời mưa, dì đạp xe lên tận trường huyện cầm áo mưa cho tôi. Nhìn dáng dì tất tả đạp xe về phía cơn dông, tôi ứa nước mắt.
Sống giữa những người bị ruồng bỏ như thế, chị Hai và tôi được giáo dục một cách nghiêm hắc, phải nói là hà khắc mới đúng. Trong thế giới của chúng tôi, đàn ông toàn là những người lọc lừa, xấu xa, dối trá. Ngoại và mẹ ngăn cấm tất cả những anh chàng đến chơi với chị tôi. Khi chị tôi có giấy gọi đi học trung cấp mầm non trên tỉnh, ngoại và mẹ cũng không cho chị đi mà muốn chị lấy anh Sơn làm bún ở bên xóm Gạch. Anh Sơn đó thì tôi biết, người đen như hòn than, khỏe mạnh, hơn chị Hai tôi 5 tuổi, nhà nghèo lắm. Anh hay qua trèo cau cho ngoại để bán. Đó là người duy nhất mà cả ngoại và mẹ tôi ưng ý.
Chị Hai thì một mực muốn đi học ở trên tỉnh. Dì tôi phải năn nỉ và phân tích mãi ngoại và mẹ mới xuôi. Trước khi cho chị tôi đi, ngoại và mẹ còn bắt chị hứa học xong sẽ về nhà lấy anh Sơn, rồi mới chịu để chị đi. Cuối tuần nào chị cũng phải về nhà chứ không được ở lại trên đó đi làm thêm như bạn bè khác. Mẹ tôi còn thỉnh thoảng bất chợt lên thăm chị vào ngày giữa tuần để kiểm tra và để yên tâm là chị không có dây dưa chuyện tình cảm với bất kì ai.
Nhưng chạy trời cũng không khỏi nắng, chị Hai yêu một anh bạn cùng trường. Chị giấu kĩ lắm vì biết thế nào ngoại và mẹ cũng phá cho bằng được. Nhà anh kia trên thành phố, nghe nói cũng giàu có lắm nên không chỉ bên phía gia đình tôi phản đối, mà cả gia đình anh ấy cũng không cho phép họ quen nhau. Hai người bí quá nên quyết định làm chuyện “gạo đã thành cơm” để không bị ai phản đối nữa. Chị tôi mang thai, nhưng anh kia thì bị gia đình đưa ra nước ngoài để cắt đứt chuyện của hai người. Ngoại và mẹ ép chị phá thai nhưng chị đã phải quỳ xuống xin giữ lại đứa bé, vì đó là tình yêu của anh chị. Hơn ai hết, chị tin anh sẽ không bỏ chị.
Không biết bao nhiêu lần phải ngậm ngùi trước ánh mắt của bà con làng xóm, bà tôi thậm chí chẳng bao giờ ra khỏi nhà nữa, suốt ngày luẩn quẩn ngoài vườn, lẩm bẩm những câu gì đó. Mẹ thì suốt ngày cáu gắt. Chỉ có dì là nhẹ nhàng chăm sóc chị Hai và bé Bi, đứa con trai bé bỏng mà chị mới sinh được bốn tháng. Đứa bé ấy, sinh ra giữa sự uất hận của những người đàn bà, nên cũng mang một cái tên đầy đau khổ: Nguyễn Thiên Hận.
2. Và câu chuyện của tôi
Lớn lên giữa những bi kịch như thế, tôi cũng không thể thoát khỏi sự kìm kẹp đến khổ sở của bà và mẹ. Tôi không dám kết bạn với bất kì cậu bạn nào. Một cảm giác gần như là sợ khi phải đối diện với họ. Phải nói rằng, trong mắt bạn bè, tôi là đứa con gái cực kì kì cục và khó hiểu.
Tôi, không đủ mạnh mẽ để bứt mình ra khỏi những ràng buộc với gia đình.
Tôi, cũng không đủ vững vàng để tin vào một kết quả đẹp hơn trong tình yêu.
Cho đến khi tôi gặp anh.
Anh là con trai thành phố, chuyển về học ở trường tôi vì bố mẹ anh phải ra nước ngoài công tác dài hạn, và anh về đây sống cùng ông bà nội.
Anh học trên tôi một khóa, nghĩ là con trai lớp 12 sắp tốt nghiệp.
Anh là trung tâm bàn tán của con gái lớp tôi mỗi ngày đến lớp. Và tôi cũng không thoát khỏi cái ma lực khó hiểu ấy. Tôi thích nhìn anh từ xa, thích cái dáng cao cao khỏe khoắn, thích cả cách anh cười, thích vẻ mạnh mẽ của anh. Đó là tình yêu lặng thầm đầu tiên của tôi, và tôi không nghĩ nó lại da diết đến thế.
Không hiểu vì sao mà anh lại để ý đến tôi. Ngày 8/3, anh đứng trước cửa lớp tôi với một bông hoa và một hộp quà nhỏ. Con gái lớp tôi xôn xao, dáo dác không biết ai được anh để ý. Đến khi anh ngại ngùng đề nghị được gặp tôi, tôi còn cứ ngỡ anh nhầm với cô bạn trùng tên học lớp bên cạnh. Anh tặng quà cho tôi rồi chạy đi ngay, tôi thì ngượng chín cả người.
Nhưng việc đó nhanh đến tai mẹ tôi, vì học cùng lớp với tôi còn có mấy đứa nữa cùng làng. Tôi nghĩ chính Vy đã kể với mẹ tôi chuyện này. Vy thích anh, cũng như bao người con gái khác trong trường. Vy không thích tôi vì tôi luôn được cô giáo khen nhiều hơn nó. Và mẹ tôi luôn đến nhà nó để lấy hàng và giao hàng.
Tối hôm đó mẹ gọi tôi vào buồng, hỏi chuyện. Mẹ lạnh lùng cắt ngang lời nói đầy run rẩy của tôi:
- Mẹ cho con đi học không để con lại làm nhục mặt mẹ và bà ngoại như chị con. Suy nghĩ kĩ lời mẹ nói đi.
Tôi khóc. Khóc vì sợ, khóc vì không biết phải làm cách nào để nói với anh chuyện đó. Tôi không thể kể với anh về chuyện gia đình mình được. Có thể anh sẽ khinh thường tôi lắm, vì gia đình tôi với gia đình anh khác nhau nhiều quá!
Cũng đến ngày anh đi. Anh đi xa lắm. Sang tận một phương trời khác, cùng với cha mẹ của anh. Anh sẽ quên tôi, như những người đàn ông khác quên đi những người đàn bà mà họ từng hẹn thề chung thủy.
- Anh sẽ quay về để tìm em.- Anh nói với tôi khi lần cuối đi dạo cùng tôi trên con đường nhỏ trên cánh đồng, nơi tôi và anh thường bí mật gặp nhau và kể cho nhau nghe những câu chuyện của mình.
Tôi cười. Anh cứ nói những gì anh hứa, tôi sẽ tin anh, tin và quên anh. Tôi được dạy để làm như thế.
- Em không tin anh thì phải?- Anh nắm lấy tay tôi ngạc nhiên.
- Ừ…
- Vì sao?
- Chẳng vì sao cả. Vì anh sẽ quên em. Và em cũng sẽ quên anh.
- Em thử dám quên anh xem.- Anh lừ mắt- Lúc anh về mà em quên anh rồi thì em biết tay anh.
- Anh biết chuyện gia đình nhà em rồi đúng không?- Tôi thở dài- Em biết Vy nó có kể cho anh nghe rồi.
- Anh không quan tâm. Anh nghĩ anh sẽ có cách thuyết phục mẹ em và bà ngoại em mà. Còn một năm nữa là tốt nghiệp, em cố học hành cho tốt nhé! Anh sẽ viết thư về cho em.
- Anh cứ đi đi...- Tôi cười, gió mát lộng mà lòng tôi nặng trĩu.
Ngày anh đi, tôi không thể tiễn anh lên ô tô để về thành phố được, hay nói cách khác là tôi không đủ dũng cảm để xin mẹ cho tôi đi tiễn anh. Tôi yêu anh, tôi cũng yêu mẹ, và trong chuyện này, tôi chỉ có thể lựa chọn một người mà thôi.
“Dù sao anh cũng sẽ quên em mà, đúng không?”
Tối hôm ấy, dưới gốc cây xoài ngoài bờ sông tôi đã khóc rất nhiều. Và tôi hiểu tại sao dì và chị Hai hay trốn ra đây khóc. Vì trước mặt là sông, và đã có đôi lúc tôi có ý nghĩ, muốn được đắm mình xuống đó. Để quên.
Năm năm trôi qua, tôi vẫn không quên được mối tình thời áo trắng đó đi được. Anh vẫn ở đó, im lìm trong tim tôi. Tôi đợi chờ điều gì đây, một lời hứa của cậu học trò 18 tuổi sao? Lời hứa đó đã theo gió chiều trên cánh đồng quê hôm đó bay xa lắm rồi.
- Dì Như...- bé Bi chạy ra ôm lấy chân tôi- Hôm nay cháu được điểm 10, dì đưa cháu đi ăn kem nhé!
Giờ tôi làm ở trạm y tế xã, cho gần nhà, mặc dù không ít lần có công văn thuyên chuyển tôi lên huyện. Tôi muốn ở cùng gia đình mình, sáng sáng đến trạm xá, chiều lại về nghe đứa cháu ngoan ríu rít kể chuyện.
Giờ đây ngoại đã già lắm, chẳng còn sức để mà chì chiết nữa. Mắt ngoại đã đục mờ và ngoại cả ngày chỉ ngồi trên chiếc võng gai mắc giữa hai thân cây cau trước cửa. Ngoại cũng hay cười hơn, và thỉnh thoảng ôm ấp và mắng yêu bé Bi khi nó nô nghịch:
- Tổ cha mày... Nghịch gì nghịch như quỷ.
Đôi mắt mẹ cũng đã hiền hơn trước. Mẹ hay dắt thằng bi đi chơi hàng xóm và hãnh diện lắm vì cu cậu rất thông minh. Cái gì nó cũng luôn mồm: “Bà ngoại mua cho Bi.” Hàng xóm ai cũng khen nó nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Có hôm tôi nghe mẹ nói với chị:
- Hôm trước tao hỏi ông Việt làm ở ngoài ủy ban xã rồi, nó chưa đi học thì liệu ra mà đổi cho nó cái tên đi. Lấy cái tên nào cho nó dễ nuôi tí ấy.
Chị tôi ngồi thêu cắm cúi, không ngẩng mặt lên, nhưng tôi biết chị đang khóc.
Còn tôi, có hôm mẹ nói với tôi:
- Mày cũng còn trẻ gì nữa, liệu mà lo chồng con đi. Mẹ nói thế chứ trên đời này đâu phải đã hết những người đàn ông tốt. Mẹ thấy thằng Đông, thằng bí thư xã đoàn mà thỉnh thoảng nó vẫn ghé nhà mình chơi đấy, thằng ấy có vẻ tốt nết, lại có học. Mày lấy nó mẹ thấy cũng yên tâm.
Tôi lặng yên. Đông thì tôi biết rõ lắm. Anh ta là bộ đội phục viên, giờ là bí thư xã đoàn, thỉnh thoảng vẫn qua trạm xá giúp tôi sửa cái này cái nọ. Anh ta nhiệt tình và có năng lực lắm, có thể tương lai sẽ vào ban lãnh đạo xã cũng không chừng. Anh ta cũng nhiều lần đánh tiếng ngỏ lời với tôi, nhưng tôi, hình như đã cạn sạch mọi cảm xúc để dồn hết cho anh- người mà bấy lâu nay tôi vẫn tin yêu và chờ đợi mất rồi.
Thằng Bi được đổi sang tên mới là Thiên An mấy ngày thì anh rể tôi, cha của nó về. Anh ta quỳ mọp xuống chân mẹ và bà ngoại tôi xin được đón chị Hai và thằng Bi về để chăm sóc cho họ, bù đắp những tháng này xa cách. Mẹ tôi khóc, chị tôi cũng khóc, đôi mắt trắng đục của ngoại hình như cũng có một dòng nước mắt chảy ra.
Chị tôi lên xe hoa về nhà chồng giữa niềm vui cũng như sự lo lắng của gia đình. Những vết thương trong quá khứ không khỏi làm ngoại tôi, mẹ tôi trăn trở. Mẹ sợ lại phải chứng kiến cảnh một lần nữa con mình quay lại mảnh đất đầy ám ảnh này.
Một chiều muộn, khi tôi vừa thay xong quần áo để chuẩn bị về thì người ta dìu đến một thanh niên. Anh ta rũ xuống như tàu lá héo, một bên đầu có máu chảy xuống.
- Đặt anh ta nằm vào đó. Có chuyện gì xảy ra thế? Lại đánh nhau ở đâu à?- Tôi chỉ vào cái ghế, lạnh lùng.
Nhìn cách ăn mặc của anh ta, tôi không nghĩ anh ta giống một trí thức hơn là cái bọn dăm bữa nửa tháng lại ghé chỗ tôi một lần vì đánh nhau vỡ đầu chảy máu.
- Không... Anh ta can đánh nhau nên bị vạ lây đấy.- Một người đáp lại.
- Được rồi, tôi sẽ băng bó và tiêm cho anh ta.- Tôi khoác lại áo lên người và lôi từ ngăn tủ ra một đống đồ khám.- Anh ta là người của thôn nào thế?
- Hình như anh ta ở xa đến.
- Ở xa đến à?- Tôi hỏi lại.
- Trong túi anh ta có tờ giấy ghi địa chỉ chỗ này.
Tôi ngẩn ra, buông chiếc xi-lanh xuống bàn và đứng dậy tiến về phía đó. Chẳng lẽ anh ta là bác sĩ mà trên huyện thuyên chuyển xuống như công văn hôm trước mới gửi về? Theo như công văn đó thì sắp tới huyện sẽ đầu tư xây cho 3 xã quanh đây một trung tâm y tế to và khang trang hơn, nên sẽ có sự điều động nhân sự về đây.
Tôi cúi xuống gương mặt tái nhợt đó, cả người run lên vì một cơn xúc động mạnh. Anh, chính là anh, đã trở về trong cái hoàn cảnh mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Anh hơi tỉnh khi tôi đưa tay gạt mớ tóc lòa xòa đang bết lấy chỗ vết thương lúc này đã khô lại của anh. Anh mở mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh, rồi anh mỉm cười khi nhìn tôi:
- Định làm em bất ngờ mà không ngờ lại te tua vậy. Ngại quá!
Tôi lặng yên khi anh nắm lấy tay tôi.
Bình yên. Và hạnh phúc.