Những kẻ phiêu lưu

Chương 31 & 32

Nhưng chiến cuộc ở miền Bắc thì chưa. Bọn cướp không phải là lính, họ không đánh nhau theo những quy luật của chiến tranh. Đối với họ, đây không phải là một ván cờ, trong đó, nếu tình hình là vô vọng thì xóa đi bày ván khác. Đối với họ, chiến tranh là đánh đến chết. Họ tiếp tục giết, cho đến khi họ bị giết.

Và họ chết. Hàng trăm. Nhưng trong khi chết, họ cũng giết, không phải chỉ những người lính chính phủ, mà là bất cứ cái gì cản đường họ. Họ di chuyển như một bệnh dịch, và như một bệnh dịch, sự tàn bạo của họ lây lan ra. Quân đội chính phủ trở nên chai lì, nhẫn tâm và bất cần. Chỉ sau ít ngày, họ trở nên cũng chẳng thua kém gì kẻ thù. Cả họ nữa, cũng bắt đầu huỷ diệt tất cả những gì cản đường họ.

Chết chóc trở thành chuyện thường ngày. Hãm hiếp và tra tấn trở thành một lối sống. Tình trạng hỗn độn và luật rừng trở thành điều đương nhiên đối với cả quân đội và bọn cướp. Kẹp giữa hai thế lực này, các bản làng bị huỷ diệt dưới nhãn hiệu chiến tranh. Bọn cướp hành động vì sợ dân làng có thể dẫn quân đội đến nơi ẩn nấp của họ, còn quân đội hành động vì sợ dân làng có thể chứa chấp bọn cướp. Những người nông dân vô vọng, trên đe dưới búa, không  còn lựa chọn nào khác là chết, vì nếu lính tráng không bắn họ thì bọn cướp cũng sẽ chém họ.

Và cứ mỗi tên cướp bị quân đội giết thì ít nhất cũng có một tên cướp chọc thủng được phòng tuyến của họ. Từng ngày, chiến cuộc càng trở nên khốc liệt. Bởi vì thậm chí nó không còn là một mặt trận nữa. Nó là một sự huỷ diệt hoàn toàn.

Năm ngày sau khi tôi từ miền Nam trở về, Tổng Thống bảo tôi chở ông bằng máy bay để ông quan sát các mặt trận. Ông muốn chính mắt mình thấy sự tiến triển của chiến cuộc. Chúng tôi bay trong nắng chói chang trên một địa hình hãi hùng. Mặt đất bị thiêu trụi, người và súc vật chết và thối rữa. Toàn bộ làng mạc bị cháy rụi, một vài ngôi nhà sót lại đứng lặng trong sự  trống vắng đơn côi. Không đối xử còn dấu hiệu gì của sự sống.

Mãi cho đến khi bay gần tới vùng núi, không xa trang trại của tôi là bao, chúng tôi mới chứng kiến chiến cuộc thực sự.

Ở đấy, chúng tôi thấy cả trung đoàn đang vây chặt một làng nhỏ bằng đại bác, súng cối, và cứ mặc sức rót hết trái đạn này đến trái đạn khác vào đó. Ai có thể sống sót sau cuộc tàn sát khủng khiếp này? Tôi liếc xem phản ứng của Tổng Thống.

Ông đang nhìn xuống, mặt dửng dưng. Tôi cho máy bay xuống thấp hơn, lượn một vòng thấp và rộng. Đúng lúc đó, hai người đàn ông,tay cầm súng trường, chạy ra từ một ngôi nhà bên dưới chúng tôi. Sau họ là người đàn bà, kéo theo đứa trẻ nhỏ. Bà ta chạy len lỏi giữa các ngôi nhà. Rõ ràng là hai người đàn ông đang yểm trợ để bà ta chạy thoát. Bốn người đã chạy được đến bìa rừng sau làng, trước khi hai người đàn ông bị đốn gục bằng hai loạt đạn chéo cánh sẻ. Người đàn bà chạy tới căn nhà cuối cùng rồi thụp xuống, đứa trẻ bám chặt trên lưng.

Tôi nghiêng cánh máy bay, nhìn sang phía bên kia. Những người lính đang tiến tới. Từ từ và cẩn trọng. Không có tiếng súng bắn trả. Giờ thì cả tốp túm tụm quanh người đàn bà và đứa trẻ đang chằm chằm nhìn lên họ.

Một trong những tên lính ra hiệu cho bà ta. Từ từ, bà đứng lên làm cử chỉ kỳ lạ như phủi  bụi đất trên váy. Tên lính lại ra hiệu và bà cầm tay đứa bé. Tên lính dùng mũi súng thúc, bà ta chúi vào cửa túp lều nhỏ. Hắn ra hiệu cho bà vào trong. Bà ngập ngừng. Hắn giơ súng lên dọa. Liếc lại lần cuối, bà đẩy đứa bé lên trước rồi bước vào cửa. Một lát sau, tên lính, và nhiều tên khác nữa, vào theo bà ta.

Tôi liếc Tổng Thống. Cặp môi ông mím chặt và cặp mắt ông long lanh. Ông ngẩng lên, chợt thấy tôi nhìn. Mặt ông vô cảm.

"Điều đó sẽ dạy cho chúng một bài học" ông nói cay nghiệt "bọn nông dân đã giúp bọn cướp. Sẽ rất lâu trước khi có đứa nào trong chúng lại muốn làm một cuộc chiến tranh nữa".

"Nếu đứa trẻ ấy sống sót" tôi nói, "nó sẽ suốt đời căm thù chính phủ. Nếu là một đứa con trai, ngay khi đủ lớn, nó cũng sẽ trở lại núi rừng".

Tổng Thống hiểu tôi nói gì. Bao giờ cũng thế. Những đứa trẻ, bằng cách nào đó, sống sót sau bạo động, đều sợ hãi, một cái gì trong chúng bị bóp méo, và cả chúng nữa, cũng sẽ mang mầm mống của bạo lực.

"Chiến tranh mà" Tổng Thống thờ ơ, "và chẳng gì có thể ngăn được điều đó".

"Nhưng họ là những người lính, họ không phải là thú vật! Ông có thích họ cũng trở thành như bọn cướp không?"

Tổng Thống nhìn tôi "Phải, họ là lính, nhưng họ cũng là người. Con người trương lên với chiến thắng, sợ hãi cái chết và đương đầu với nhận biết bất chợt về sự trống rỗng của cuộc đời".

Tôi không trả lời. Tôi không có câu trả lời.

"Giờ chúng ta có thể về".

Tôi ngặt sang trái, rồi bằng vào linh cảm, quyết định bay qua trang trại của mình, hạ thấp độ cao xuống nữa. Thấp nhất có thể. Chẳng còn gì ngoài mấy khúc gỗ cháy dở và những phiến đá nền nhà.ngay cả chuồng gia súc cũng mất tiêu.

Chỉ còn khu mộ, những tấm bia đá trắng toát, bé tẹo, vẫn đứng như những mốc hiệu giữa những cánh đồng cháy trụi xung quanh. Tôi liếc Tổng Thống. Ông cũng đang nhìn ra cửa sổ, nhưng tôi không tin là ông nhận biết được chúng tôi đang ở đâu.

Tôi chuyển hướng để về thẳng Curatu. Ngực tôi như thắt lại. Bỗng lần đầu tiên kể từ hôm về, tôi nghĩ đến Beatriz.

Một cái gì đó trong tôi bừng lên. Giờ thì tôi mừng vì đã đưa cô đến đấy trước khi quá muộn. Và tôi cũng mừng vì cô đã giải phóng cho các hồn ma của gia đình tôi để họ không phải thấy cảnh nhà bị thiêu trụi.

Tôi dừng máy bay và tắt máy ngay bên chiếc limousine đen to tướng của Tổng Thống đang đậu trên sân bay. Ông quay sang tôi trước khi bước ra. "Chăm sóc máy bay của anh cho tốt nhé. Mai anh bay trở lại New York". Tôi gật đầu. "Tối nay tôi muốn nói chuyện với anh. Một mình. Chúng ta có nhiều chuyện phải bàn. Giờ thì tôi nghĩ người Mỹ sẽ cho chúng ta vay khoản đó. Hãy đến vào mười một giờ. Nếu tôi không ở đấy thì anh chờ tôi".

"Vâng, thưa ngài".

Tổng Thống cửa cabin rồi quay lại nhìn tôi. "Nhân tiện" ông nói như là vừa chợt nhớ ra "lần này anh không chỉ là đại sứ đâu, mà anh đi với cương vị phót Tổng Thống của Corteguay. Tin tức đã được công bố trên đài phát thanh vào buổi trưa, lúc chúng ta bay trên trang trại của anh ấy".

Tôi quá kinh ngạc để có thể nói gì.

Tổng Thống thoáng nở nụ cười rồi với một cái vẫy tay, ông đi. Tôi nhìn chiếc xe ông lăn bánh rồi đưa máy bay vào nhà ga.

New York, tôi nghĩ. Trở lại New York, thật là hay. Chẳng có gì giữ tôi ở đây cả. Trừ Beatriz. Tôi sẽ không đến New York một mình. Cô sẽ đi cùng tôi. Là vợ của tôi.

Chương 32

Sự thay đổi vị thế được chứng minh ngay khi tôi bước xuống máy bay trong nhà ga. Giraldo, người đã quen sống với tôi và đã trở nên khá cẩu thả so với tác phong và bộ quân phục của mình, giờ đang đứng nghiêm như khúc gỗ trong bộ quân phục láng cóong. Hai người thợ máy phía sau anh cũng đứng nghiêm. Thậm chí Mèo Bự, vốn dĩ luộm thuộm muôn thuở, cũng đứng thẳng hơn.

"Trung uý…"

"Vâng, thưa ngài" Giraldo đáp, trước khi tôi có dịp nói hết  câu. Giờ thì tôi phải nhớ nói nhanh hơn, hoặc phải ngắt lệnh ra làm hai lần. "Bảo dưỡng máy bay và kiểm tra cẩn thận".

"Vâng, thưa ngài".

Tôi nhìn anh ta, nhẹ nhàng. "Tôi đã nói xong đâu".

"xin lỗi, thưa ngài".

Tôi không thể kìm được, phải bật cười. "Đổ đầy nhiên liệu và chờ. Chúng ta sẽ trở lại New York ngay".

"Vâng, thưa ngài". Giraldo dập gót giày và đưa tay lên chào nghiêm chỉnh, rồi ngập ngừng nhìn tôi. "Tôi có được chúc mừng ngài, cùng với lời chúc ngài thành công trong vị trí mới và đoan chắc với ngài về sự trung thành của tôi không ạ?"

"Cảm ơn, Giraldo".

Anh ta lại đứng nghiêm chào, và lần này thì tôi chào lại.

Tôi bước ra khỏi nhà ga mà còn vẳng nghe lệnh của anh ta với các thợ máy. Giraldo đã tự coi mình nằm trong nhân sự của phó Tổng Thống.

Bằng khoé mắt, tôi có thể thấy Mèo Bự đi sau, hơi xa một chút. Gã vẫn ở trong cái bộ dạng kỳ quặc, rõ là gượng gạo. "Thư giãn đi" tôi nói. "Nếu không, anh sẽ  gẫy đôi người ra đấy".

Gần như ngay tức thời, mọi thứ đều sụp xuống. Ngực gã xì hết hơi còn bụng thì xuất hiện lại. "lạy Chúa" gã lẩm bẩm như biết ơn. "Tôi đã tưởng mình sẽ cứ phải như thế suốt đời!"

Hai lính lái xe của tôi đứng nghiêm bên chiếc jeep đều chào. Tôi chào họ, rồi họ lại chào lại, và cuối cùng, để chấm dứt chuyện này, tôi bước vào xe. Xe chạy thẳng về thành phố.

"Ngoài đó thế nào?" Mèo Bự thì thầm.

"Không hay lắm. Không biết bao năm nữa chúng ta mới hồi phục sau chuyện này". Tôi lặng thinh giây lát. "Trang trại tiêu rồi, chẳng còn gì ngoài tro bụi".

"Anh có thể xây lại".

Tôi lắc đầu. "Không, một nhà khác thì được. Nhưng không phải là cái ấy". Cảm giác mất mát bắt đầu ngấm vào tôi. Như thể một bộ phận của cuộc đời tôi đã biến mất.

Mèo Bự hiểu tôi nghĩ  gì và đổi chủ đề. "Tôi ở tháp không lưu khi tin tôi được phát trên radio. Ai cũng muốn biết thế có nghĩa là gì." tôi không trả lời. "Có vài người cho rằng cuối cùng thì ông già đã sẵn sàng bước xuống và chuyển giao lại cho anh. ít nhất thì đấy cũng là điều họ nói với tôi".

"Anh bảo họ sao?"

"Tôi biết nói với họ cái gì?" Mèo Bự hỏi thẳng. "Cứ để cho họ nghĩ tôi là một thằng ngốc thì hơn. Rằng tôi cũng ngạc nhiên chẳng kém gì họ".

Tôi phát hiện thoảng chút chỉ trích trong giọng anh. "Đấy là một tin hoàn toàn bất ngờ đối với tôi", tôi nói.

Mèo Bự nhìn tôi chăm chú rồi quyết định là tôi nói sự thật. Ánh trách móc không còn trong mắt anh nữa.

Chẳng bao lâu tôi phát hiện được vài lợi điểm trong vị thế mới của mình. Chúng tôi lao qua các vọng gác mà không bị dừng lại và khi về tới lâu đài Tổng Thống thì tôi thấy mình đã được dọn khỏi văn phòng nhỏ mà người ta đã cắt đặt cho từ khi tôi về. Giờ tôi có một căn lớn gồm nhiều văn phòng, ngay cạnh căn của Tổng Thống.

Khi đến được văn phòng thì tôi đã hứng cả một trận mưa những chúc tụng tốt đẹp, những tuyên bố hùng hồn về sự trung thành bất diệt. Cuối cùng, với cảm giác thư giãn, tôi khép cánh cửa văn phòng riêng lại, đi tới phía sau bàn, ngồi xuống. Tôi ngả người, đu đưa, thử sự tiện nghi của nó.

"Trông như thể anh sẽ ngồi đấy suốt đời" Mèo Bự nói.

Tôi ngước nhìn. "Thế  anh thì không bắt đầu à?" Mèo Bự không trả lời. "Lên lấy complê giúp với, tôi muốn ra khỏi cái bộ quân phục này".

Mèo Bự gật đầu, bước ra. Một lát sau, tôi tiếp người khách chính thức đầu tiên. Đấy là đại tá Tulia. "Tôi xin lỗi đã làm phiền ngài, nhưng tôi có những giấy tờ quan trọng cần ngài ký".

Có một cái gì đó về người lính kín đáo, cao lớn này mà tôi thích. Tôi không cảm thấy thứ dạt dào của dân Mỹ Latinh bình thường trong ông ta, những lời xưng tụng giả hiệu hoặc săn đón đối với cấp trên. Ông ta thậm chí không đề cập đến vị thế mới của tôi. "Chữ ký của tôi?" ngạc nhiên, tôi hỏi.

"Vâng, của phó Tổng Thống".

"Giấy tờ gì vậy?"

Ông lấy chúng ra từ chiếc cặp của mình và đưa cho tôi. "Lệnh tử hình" ông nói ngắn gọn. "Đối với Pardo và Vasquez".

"Tôi không được biết về việc xét xử họ ở toà án binh".

"Không có toà án binh nào cả, thưa ngài". Mặt Tulia vô cảm. "Họ bị kết án bởi lệnh của Tổng Thống".

Tôi trân trối nhìn ông ta. Tulia và tôi đều hiểu như thế là ngược lại với điều sáu của thoả thuận đầu hàng, quy định rằng không một người nào bị xử mà không có phiên toà. "Thế thì tại sao Tổng Thống lại không ký lệnh tử hình?" Tôi bực tức.

"Quy định của hiến pháp của chúng ta, thì phó Tổng Thống có quyền đưa ra hình phạt cuối cùng đối với các tội phản quốc. Tổng Thống được coi như là chính phủ, và vì vậy, có thể thiên kiến. Chỉ trong trường hợp không có phó thì Tổng Thống mới được quyền hành động". Tulia ngừng lại một lát, rồi nói thêm, đầy ý nghĩa "nay ngài là phó Tổng Thống, thưa ngài".

Tulia không cần phải chỉ ra điều đó. Nó đã ập xuống đầu tôi rồi. Tôi nhìn đám giấy tờ. Nếu Tổng Thống mà ký thì cả thế giới sẽ la toáng lên. Những người này đã bị truất quyền của họ thể theo thoả thuận đầu hàng. Nhưng sẽ không ai ho he, nếu là tôi ký. Tôi sẽ lãnh trọn trách nhiệm, và cả tai tiếng, tất nhiên.

Tôi nhìn Tulia. "Nếu những người này ra toà án binh thì ông cho là án của họ thế nào?"

"Tôi không thể đoán được quyết định của người khác".

"Nếu ngồi ghế thẩm phán thì ông có thấy họ có tội không?"

Tulia ngập ngừng một lát. "Không".

"Mặc dù thực tế là họ đã lãnh đạo quân đội chống lại chính phủ của chính họ?"

"Vâng" Tulia đáp không hề ngập ngừng. "Ngài thấy đấy, tôi biết sự thật về quyết định ấy".

"Sự thật?"

Tulia gật đầu.

"Tôi muốn nghe".

Lần đầu tiên tôi để ý thấy sự căng thẳng mà Tulia đang trải qua. Những giọt mồ hôi làm ẩm trán ông. Chợt tôi nhận ra dũng khí của ông đã đưa ông đi xa tới mức này, với tôi. Chỉ một từ thôi là ông sẽ đứng cạnh những người khác trên trường bắn.

"Ngồi xuống, đại tá" tôi nhã nhặn. "Ông đang bên bạn bè".

Tulia rơi người xuống ghế, thật biết ơn. Để ông có đủ thời gian trấn tĩnh, tôi lấy một điếu xì gà nhỏ trong hộp ra mời. Ông lắc đầu và tôi châm hút. Rồi tôi ngả người, chờ đợi.

"Có bảy trung đoàn ngoài mặt trận khi cuộc chiến đấu bắt đầu. Bảy trung đoàn, bảy đại tá kể cả Mosquera là người đã chết". Tulia vươn người về phía trước. "Trên nhiều bình diện, cuộc tấn công của quân phiến loạn hầu như y hệt cuộc vận động chiến kinh điển trong chiến tranh hiện đại. Giống như cuộc tấn công chớp nhoáng của người Đức vào Ba Lan và của người Nhật vào Trân Châu Cảng. Nó hoàn toàn bất ngờ.

"Sáng thứ bảy, các cuộc tấn công bắt đầu ở miền Bắc. Thoạt tiên, người ta chẳng nói gì mấy về nó, vì cho rằng đó lại chỉ là một cuộc càn quét của bọn cướp. Khi chúng tôi nhận ra rằng nó hơn thế nhiều, thì chiến sự bắt đầu ở miền Nam. Tin tức bay đến khi cả bảy chúng tôi đang cùng nhau ăn tối ở đại bản doanh của tôi. Ngài không thể tưởng tượng nổi sự bối rối bởi những lời đồn đại. Vào một thời điểm trong đêm, chúng tôi thậm chí còn được báo là Tổng Thống đã bị ám sát và quân phiến loạn đã thành lập chính phủ".

Tulia thò tay vào túi lấy ra điếu thuốc lá. "Chính vào thời điểm đó, chúng tôi nhận được lời mời của Mendoza. Hắn hứa rằng chúng tôi  sẽ được hoan nghênh ở miền Nam như là những anh em cùng chiến hào.

"Bảy chúng tôi đứng quanh bàn, nhìn xuống bức thư. Đường dây về Curatu đã bị cắt, chúng tôi thậm chí không thể tiếp cận với thủ đô bằng điện đài. Tin từ bên ngoài thì mâu thuẫn nhau chan chát. Cả Brazil lẫn Columbia đều thông báo rằng chính phủ đã đổ và không có một lời nào của Tổng Thống cả. Chúng tôi không biết phải làm gì khi đó.

"Tiếp tục chiến đấu khi chính phủ đã đổ thì chỉ dẫn tới những cái chết không cần thiết. Gia nhập quân phiến loạn mà chính phủ chưa đổ thì chỉ tiếp tay cho chúng thắng lợi. Chính Vasquez là người đã đưa ra giải pháp cho sự tiến thoái lưỡng nan này. Vasquez, con người dịu dàng ấy, nhưng lại có trí thông tuệ của Solomon. Ngay lúc đó, chúng tôi thành lập một hội đồng cố vấn, thoả thuận rằng ba trung đoàn yếu nhất sẽ gia nhập với bọn phiến loạn. Họ sẽ cố trì hoãn cho đến khi tình hình được làm rõ".

Tulia dụi điếu thuốc. "Ba trung đoàn yếu nhất thuộc về Pardo, Mosquera và Vasquez. Họ chủ tâm đưa các trung đoàn của mình vào bán đảo, nơi biết rằng họ sẽ rơi vào bẫy. Mendoza gầm lên chửi rủa sự ngu xuẩn của họ, nhưng hắn chẳng làm gì được nữa. Đã quá muộn".

Giọng Tulia thoáng chút bí ẩn. "Tôi không biết Mendoza có nghi là chúng tôi chơi khăm hắn không".

"Mendoza đã bị bắt?"

"Vâng, nhưng vừa đêm qua hắn đã trốn thoát".

Loại ấy bao giờ cũng thoát, chúng như loài gặm nhấm mang theo dịch bệnh vậy. Tôi nhìn xuống đám giấy tờ.

"Đây mới chỉ là đợt đầu tiên ngài được đề nghị ký mà thôi". Đại tá Tulia chợt nói. "Từng sĩ quan của từng trung đoàn ấy, xuống cho đến trung uý, cũng sẽ lĩnh án tương tự. Các nhân viên đánh máy đang làm thêm giờ để chuẩn bị các lệnh tử hình".

"Từng sĩ quan một?" Tôi hoài nghi hỏi.

"Vâng, gần một trăm".

Tôi nhìn lại đám giấy tờ. Những người này thì Tổng Thống muốn giết, trong khi những con người như Mendoza thì lại chạy tung tăng để phun nọc độc của hắn? tôi đứng lên.

"Để giấy tờ lại cho tôi, đại tá. Tôi cho rằng trước những gì ông vừa nói với tôi thì Tổng Thống phải xem xét lại vấn đề này".