Những kẻ phiêu lưu

Chương 25 & 26

"Em không cần taxi" Beth nói khi chúng tôi bước ra phố. "Em ở ngay bên kia đường thôi. Marcel muốn em ở gần đây. Thôi, tạm biệt".

Chúng tôi nhìn Beth chạy vào cổng nhà chung cư bên kia đường. Một chiếc taxi dừng lại và tôi mở cửa xe. Dania ngồi tựa vào tôi, người cô run bắn lên dưới chiếc áo lông chồn. Cô khóc không thành tiếng, chỉ thổn thức, tức tưởi.

"Thôi nào" tôi nói "em sẽ không phải trở lại đó nữa".

"Nếu đúng như thế".

"Cả em cũng không tin à?" Tôi lạnh lùng hỏi. Cô gật đầu. "Nhưng hắn làm gì được em?"

"Tất cả" cô nói. "Điều lớn duy nhất mà em có là hợp đồng ghi âm. Giờ hắn sở hữu công ty sản xuất đĩa".

"Hợp đồng bao nhiêu lâu?"

"Bảy năm".

"Nhưng hắn vẫn phải trả tiền cho em chứ".

"Chỉ tối thiểu thôi. Phần lớn thu nhập của em là từ các khoản ngoài hợp đồng đĩa hát. Nhưng Marcel không cho em lui tới bất cứ nhà hát nào trên thế giới. Thậm chí họ có muốn mời em cũng không được".

"Hợp đồng ghi đĩa thì liên can gì đến công việc của em?"

"Rất nhiều. Hầu hết các công ty biểu diễn phải bù vào thu nhập thâm hụt bằng cách ghi âm toàn bộ chương trình opéra của họ. Thu nhập từ bán đĩa và bản quyền phát thanh khá nhiều tiền. Các công ty ghi âm thường đồng ý như vậy, thậm chí họ không quan tâm. Như vậy, mọi phía đều vui vẻ. Nhưng Marcel có thể rút hợp đồng, và như vậy thì còn công ty nào opéra nào muốn thuê em nữa?"

"Bảy năm có dài quá không?" Tôi hỏi.

Dania nhìn tôi. "Dài chứ. Nhưng em không còn là một cô gái trẻ nữa. Em đã ngoài ba mươi rồi. Khi đó, giọng em sẽ không còn, mà thậm chí chẳng còn ai nhớ đến Dania Farkas nữa".

Khi taxi dừng lại trước nhà, cô vẫn còn run rẩy. "Anh lên nhà với em chứ? Em không thể ở một mình được".

Tôi lặng lẽ nhìn cô trả tiền cho tài xế. Đến cửa phòng, cô quay nhìn tôi, mắt cô vẫn còn đỏ ngầu. "Anh có uống cà phê không?"

Tôi gật đầu, bước vào phòng khách, còn cô vào bếp pha cà phê. Chiếc máy quay đĩa để mở và tôi nhìn chiếc đĩa đặt trên mâm máy. Đấy là chương trình mới nhất của cô. DANIA FARKAS BIỂU DIỄN CARMEN.

Tôi ấn nút và một lát sau, chất giọng sung mãn, lộng lẫy ấy toả đầy căn phòng. Tôi nhắm mắt lại. Nếu có một bản opéra nào được viết cho Mỹ La tinh thì chính là bản này và nếu có một ca sĩ nào sinh ra để hát Carmen thì chính Dania Farkas là ca sĩ đó. Vì trong những giây phút ngắn ngủi của bài hát, Dania đã là Carmen.

Cô trở lại với chiếc khay. "Em hy vọng anh đừng chê, cà phê pha liền đấy".

Tôi nhún vai. "Nóng là được rồi".

"Nóng lắm đấy". Dania đặt khay xuống chiếc bàn con. "Anh uống đi, em trở lại ngay đây".

Tôi đã uống sang ly thứ hai và đang nghe mặt hai của chiếc đĩa khi Dania trở lại, với chiếc váy dài. Cô rót cà phê cho mình và uống một hơi khá dài. Chút ửng hồng như trở lại trên mặt cô. Dania nói.

"Marcel bảo phải lâu lắm hắn mới mua được công ty này".

Tôi không trả lời.

"Đã có thời em thích Marcel, và thích thật sự. Nhưng hắn không yêu ai cả, chỉ yêu chính hắn thôi. Đối với hắn, chúng ta chỉ tồn tại để phục vụ hắn".

Bài hát đã dứt, tôi ngồi lặng một lát, âm nhạc như còn vẳng trong tai tôi, rồi tôi đứng lên. "Anh phải đi".

"Anh trở lại nhà hắn à?" Tôi gật đầu. Dania đến bên tôi, đặt đầu lên ngực tôi. ""Tội nghiệp Dax," cô thì thầm "hắn dùng anh hệt như hắn dùng tất cả  bọn em".

"Hắn chẳng có gì cả" tôi cộc cằn "chẳng có gì cả! chẳng có gì hết! hắn sẽ thấy ngay thôi!"

Dania nhìn vào mắt tôi. Có thể bằng vào bản năng, cô biết tôi đang toan tinh gì. "Đừng làm thế, Dax" cô khẽ nói. "Hắn không đáng để làm thế".

Tôi không nói gì. Khi tôi mở cửa thì Dania giữ lại. "Em không phải thế, Dax nhỉ? Như hắn nói, như là khúc củi ấy?"

Thằng khốn thực sự biết cách chọc vào chỗ đau của người khác. Hắn đã khám phá một cách chính xác khu vực nhạy cảm nhất của Dania. Tôi lắc đầu rồi cúi xuống hôn vào má cô.

"Không, em không hề như thế" tôi nói. "Vả lại, một người đàn ông như thế thì làm sao hiểu được về đàn bà? Nếu hắn không có ngần ấy tiền thì hắn chỉ còn có cách thủ dâm mà thôi".

Mèo Bự bước vào khi tôi đang nạp đạn vào khẩu  cối. Anh chớp mắt lia lịa và cơn ngái ngủ biến mất. "Định làm gì thế?"

"Tôi đi làm một việc mà lẽ ra phải làm từ lâu rồi".

"Campion?"

Tôi gật đầu.

Mèo Bự ngập ngừng một lát rồi bước đến bên tôi. "Để tôi làm, tôi nhiều kinh nghiệm hơn".

"Không" tôi nói, tuồn khẩu súng vào áo khoác.

"Sẽ không hay cho anh và Corteguay. Đã có quá nhiều đàm tiếu về vụ Guayanos rồi".

"Thì sẽ có thêm đàm tiếu" tôi nói "Vả lại, tôi có cơ hội khá hơn anh để giải thích cho cảnh sát đó là một tai nạn. Ai ở đấy để nghi ngờ khi tôi nói rằng chúng tôi xem  xét khẩu súng và  bị cướp cò?"

Mèo Bự nhìn tôi đầy ngờ vực.

"Cuối cùng thì" tôi nói "tôi là một đại sứ, phải không?"

Một lát sau, Mèo Bự nhún vai. "Vâng, thưa ngài". Một ánh chế giễu thoáng trong mắt anh nhưng tôi biết là anh thoả mãn với tôi. "Nhưng, thưa ngài, ngài có chắc là ngài còn nhớ cách sử dụng cái thứ đồ đó không?"

"Tôi nhớ".

"Thế thì cẩn thận" anh mở cửa. "Đừng bắn vào mình đấy".

Gần ba giờ đồng hồ sau khi tôi rời nhà Marcel, gã quản gia người phương Đông lì lợm lại để tôi vào. Lúc đó đã quá bốn giờ sáng, nhưng trông gã như chưa hề ngủ.

"Tôi có chìa khoá thang máy" tôi nói.

Gã gật đầu. "Ông Campion đã bảo tôi rồi. Đừng quên vặn chìa một lần nữa khi ông bước ra".

Phòng khách lớn lẫn phòng khách nhỏ đều không có hắn. Cánh cửa vào phòng ngủ của hắn hé mở, tôi bước tới, nhìn vào. Căn phòng tối om. Tôi bật đèn lên. Chiếc giường rỗng không. Chưa ai ngủ trên đó cả. Tôi đi vào phòng thay quần áo rồi phòng tắm. Chẳng có ai cả.

Tôi trở lại phòng khách rồi mở cửa phòng ngủ của khách. Nó được khoá từ phía bên trong. Hoặc là Marcel đã kêu một cô gái khác đến rồi cùng nhau vào đấy, hoặc là hắn vào đấy một mình nằm ôm căn bệnh hoang tưởng của hắn như thường lệ, và đã khoá cửa lại. Cách gì thì tôi cũng không chờ. Tôi đấm cửa thình thịch và quát lên "Marcel!"

Tôi chờ một lát, rồi lại la lên. Vẫn không có ai trả lời. Tôi trở lại quầy bar, rót một ly. Ít nhất thì tôi cũng chắc chắn là hắn chỉ có một mình. Nếu có ai đó ở cùng hắn thì đã trả lời. Có thể hắn đã vào đấy và  xỉn luôn.

Rồi tôi nhớ ra hệ thống truyền hình mạch kín. Tôi bước vào trong quầy bar, tìm được nút, rồi ấn.

Lặng lẽ, tấm cửa cuộn lên. Hệ thống mất một lát để khởi động. Chỗ đầu tiên tôi nhìn là chiếc giường. Nó rỗng không. Rồi tôi thấy Marcel. Tôi nhẹ nhàng thở ra. Ai đó chơi tôi rồi. Marcel đã chết cứng.

Hắn nằm ngửa trên sàn ngay dưới chân giường. Đầu hắn ngoẹo đi thật kỳ lạ, hai con ngươi lồi ra, cái lưỡi trương phềnh thè khỏi miệng. Hắn mặc sơmi xắn tay, khuy cổ bật tung. Một dải lụa đen quấn quanh cổ, chằng xuống trói quặt hai tay ra phía sau lưng rồi lại kéo xuống hai cổ chân. Dải lụa quá căng ở sau lưng làm cho cơ thể hắn uốn cong như một cánh cung.

Tôi chằm chằm nhìn hắn, quên khuấy ly rượu trong tay. Đấy là một sự hành quyết gọn ghẽ và đơn giản đến dữ dằn mà tôi từng thấy. Ai đã làm điều đó, hẳn là một tay chuyên nghiệp, và tôi chắc chắn là Marcel vẫn còn sống khi kẻ giết người rời phòng. Nhưng chỉ trong giây lát mà thôi. Rồi hắn tự giết mình vì cố vùng vẫy để tự thoát thân – điều đó chỉ làm siết chặt thêm dải lụa quanh chiếc cổ khốn nạn của hắn.

Tôi tợp ngụm rượu nữa rồi nhấc điện thoại trên quầy  bar, ấn nút có ghi chữ QUẢN GIA.

"Vâng, ông Campion?" giọng phương Đông xin xít cả trên điện thoại.

"Không phải ông Campion mà là ông Xenos. Có ai đến gặp ông Campion trong khi tôi ra ngoài không?"

Có một chút ngập ngừng. "Không, thưa ông, như tôi được biết thì không có ai. Tôi không đưa ai qua cửa trước từ lúc ông đi với  các tiểu thư ạ".

Tôi nhìn màn hình TV. "Vậy thì tôi cho là ông nên gọi cảnh sát đi. Ông Campion chết rồi".

Tôi đặt điện thoại xuống, châm điếu thuốc. Tôi ngồi đấy, hút thuốc và nhấm nháp ly rượu trong khi chờ cảnh sát tới, chợt nhớ câu nói của một tay cướp nhà băng tên là Willie Sutton mà tôi có lần gặp. Hắn đã viết một cuốn sách về chính mình và chẳng bao lâu thì hắn trở thành một thứ vật yêu của những buổi tiệc tùng.

"Không một két sắt nào, một nhà băng hay một nhà tù nào do con người làm ra mà một người khác lại không tìm cách phá được, nếu anh ta thực sự cần".

Chương 26

Vụ ám sát Marcel có đầy đủ các tố chất kinh điển mà báo chí yêu mến và khai thác đến cạn kiệt. Ngôi nhà được cảnh giới tối đa, tầng lầu không thể thẩm thấu, các căn phòng đầy khóa, và nạn nhân là kẻ giầu nhất và bị ghét bỏ nhất trên thế giới. Thêm vào đó là phong thanh về những mưu toan tài chính quốc tế và hàng  trăm những bức ảnh của những người đàn bà đẹp và những gái gọi sang trọng. Đối với họ ngày nào cũng như Noel vậy. Họ có mọi thứ họ cần, trừ một thứ. Kẻ giết người.

Hơn tuần sau, viên đại uý của ban trọng án đặt vấn đề thật khéo vào một buổi chiều muôn, trong văn phòng tôi. Lần này thì chúng tôi thấy như thể đã biết nhau quá rõ. Từ khi xảy ra vụ án, không ngày nào chúng tôi không gặp nhau. "Ông Xenos" ông ta nói, gõ tàn chiếc pipe vào  gạt tàn đặt trên bàn tôi "sẽ mất nhiều năm để hoàn tất vụ điều tra này. Và khi hoàn tất, thì chúng tôi cũng chẳng tiếp cận được gần hơn với kẻ giết người  so với bây giờ. Không phải là chúng tôi thiếu những kẻ bị tình nghi. Tôi có thể kể tên ít nhất là năm chục người, những người có đầy đủ lý do để giết ông ấy".

Tôi cười thầm. Tay cớm này đâu có ngu, mà chỉ quá lịch lãm để không nói rằng cả tôi cũng nằm trong số đó.

"Cứ mỗi lần trở lại ngôi nhà của ông ta, chúng tôi lại kiểm tra từng ly từng tí một. Không có một cách nào để kẻ giết người có thể vào ngôi nhà đó mà không bị phát hiện, trên gác lại càng khó hơn".

"Nhưng một người đã làm được" tôi nói.

Viên cảnh sát gật đầu. "Vâng, một người đã làm. Và đấy không phải người hầu kẻ hạ trong nhà. Lần này thì câu chuyện cười xưa về lão quản gia là không trúng. Họ đều có các chứng cứ ngoại phạm không thể tranh cãi".

Viên đại uý đứng dậy. "Vậy là tôi đã chiêm dụng thời gian của ông như dự tính" Ông ta đưa tay ra với một nụ cười nhạt trên môi. "Tôi sẽ về hu vào cuối năm nay, ông Xenos. Đấy là hy vọng tôi sẽ không gặp lại ông nữa".

Tôi nắm tay ông ta, nhìn ông đầy khúc mắc.

"Có nghĩa ít nhất cũng không phải là trong những hoàn cảnh như thế này. Trong hai tháng vừa qua, chúng ta đã gặp nhau hai lần, mà lần nào cũng có một người bị giết".

Rồi tôi nhớ ra. Tất nhiên. Ông ta đã thẩm vấn tôi sau vụ Guayanos bị giết. Tôi bắt tay ông ta và cười. "Gượm đã, đại uý. Ông nói như thể nguy hiểm nếu tôi quen biết một người nào đó".

"Tôi không có ý thế" ông ta vội vã. "Ông biết tôi nói gì mà".

"Khỏi giải thích, đại uý" tôi nói "tôi hiểu. Nhân tiện, ông giúp tôi một việc được không?"

"Nếu tôi có thể".

"Tôi muốn liên hệ với con gái Guayanos. Ông biết tôi có thể tiếp xúc với cô ấy ở đâu không?"

Mặt ông ta đầy ngạc nhiên. "Ông không biết à?" tôi lắc đầu. "Hôm chúng tôi trả lại thi thể, cô ta và ông chú đã đem về mai táng ở nhà".

"Về Corteguay?"

Viên đại uý gật đầu. "Vâng, vì thế mà tôi nghĩ là ông biết. Sứ qúan ông đã làm giấy tờ".

Thế là rõ. Hôm đó tôi ở Châu Âu. "'Người đàn ông tên là Mendoza có đi với họ không?"

"Tôi nghĩ là có. Ít nhất thì ông ta đã lên máy bay với họ, nhưng chuyến bay có chỗ dừng ở Miami, và ông ta có thể xuống đấy. Tôi có thể kiểm tra nếu ông muốn".

"Không, cám ơn đại uý. Cũng chẳng quan trọng lắm".

Viên đại uý đi khỏi, và tôi ngồi nghiền ngẫm chuyện đó. Kỳ lạ là tôi chẳng nghe được gì cả. Lẽ ra phải có tin tức từ Corteguay. Mendoza không phải là loại Hoyos dễ dàng bỏ qua. Tôi gọi điện lấy bản sao danh mục các chuyến đi, đến ở sân bay Curatu trong cả tuần đó.

Tên Beatriz và tên ông chú cô nằm trong danh sách, nhưng không có cái tên nào giống như Mendoza cả. Tôi gấp các tờ giấy lại. Có trong danh sách hay không, tôi chắc chắn Mendoza đang ở Corteguay. Một linh tính nảy ra, tôi toan gửi điện, nhưng rồi lại thôi. Tôi không phải là lính kín. Cứ để cho Hoyos và Prieto làm công việc bẩn thỉu của họ.

Cuộc bạo loạn vẫn không nổ ra cho đến gần hai tháng sau. Tin đầu tiên tôi nghe được về cuộc nổi dậy là vào sáng chủ nhật Lễ Phục Sinh, cùng ngày vốn được hoạch định cho cuộc bầu cử. Khi ấy tôi đang ở nhà Dania, cùng đang trên giường ăn sáng. Cô cầm chiếc điều khiển từ xa để bật TV, hỏi "Em xem tin tức mười hai giờ trưa nhé?"

"Anh có phải mặc quần áo vào không?" tôi hỏi lại.

Dania phá lên cười rồi ấn nút. Một lát sau, hình ảnh  xuất hiện trên màn hình. Như thường lệ, đấy là quảng cáo xà phòng. Rồi một phát thanh viên chuẩn mực và tẻ nhạt xuất hiện. "Thưa quý vị, tin tức từ phòng tin của CBS ở New York".

Màn hình nhoà đi và lộ dần khuôn mặt một người đàn ông nghiêm chỉnh. Khuôn mặt khá bự, chiếc mũi khá trịnh trọng, bộ ria rậm rì và cặp mắt hơi lồi, gây ngay một cảm giác tin cây. Người đàn ông này hiểu ông ta đang đọc những gì người khác viết cho ông.

Tôi cắn một miếng bánh mì và bắt đầu xem.

"Xin chào quý vị" giọng trơn tru, oang oang khắp phòng. "Tôi là Walter Johnson, tin tức CBS. Tin đầu tiên. Chúng tôi có tin thêm về chiến cuộc ở Corteguay".

Tôi chỉ kịp liếc Dania trước khi ông ta tiếp tục. Mắt cô mở thao láo, đầy kinh ngạc.

"Những trận chiến đấu trên vùng núi giữa quân chính phủ và các bọn cướp tiếp diễn suốt đêm. Quân phiến loạn đã chiếm thêm hai làng và tuyên bố rằng họ đã gây thiệt hại nặng cho các lực lượng chính phủ. Theo họ tuyên bố, thu được từ chính đài phát thanh của họ trên hiện trường, họ đã ở cách thủ đô Curatu sáu mươi dặm và đã khống chế toàn  bộ nông thôn phía Bắc.

"Trong khi đó, ở miền Nam, các lực lượng phiến loạn khác đang lớn mạnh với những cuộc đào ngũ tập thủ của quân đội chính quy, những người đã gia nhập với họ trong cuộc hành quân về phía Bắc để kết nối với các lực lượng phiến loạn hùng mạnh ở Bắc Curatu.

"Ngay tại thủ đô, quân luật đã được thiết lập. Phố xá vắng tanh, nhưng thảng hoặc vẫn có những loạt súng nổ, nhất là ở khu cảng, nơi quân đội được tập trung để bảo vệ các tuyến đường từ biển vào thành phố. Hầu như bất cứ vật chuyển động nào cũng bị bắn".

Hình ảnh ở một góc máy khác. Phát thanh viên cầm tờ giấy lên. "Bộ Ngoại giao ở Washington đã công bố kế hoạch an toàn tức thời và sơ tán đối với công dân Mỹ ở Corteguay nếu cần".

Ông ta đặt tờ giấy vừa đọc xuống và cầm tờ khác lên. "Hãng hàng không Pan Ameircan đã tuyên bố hoãn các chuyến máy bay tới Curatu cho đến khi tình hình được làm rõ. Lịch bay hàng ngày vốn là New York-Miami-Curatu-Bogota, nay là New York-Miami-Bogota".

Hình ảnh thay đổi, và lần này là người phân tích tin nói vọ "Các cố gắng tiếp cận đại sứ Corteguay ở New York đều không thành. Cổng lãnh sự quán Corteguay đóng chặt trước báo chí ngay từ sáng sớm. Không hiểu ông Xenos, người cùng mới xuất hiện trên tin tức, còn ở thành phố hay không.

"Và bây giờ là các tin tức khác. Ở New York, cuộc diễu hành trong ngày Phục sinh…"

Có tiếng cách nhẹ và hình ảnh mờ dần trên màn hình. Tôi ra khỏi giường khi Dania quay lại hỏi.

"Tất cả nghĩa là gì?"

Tôi đang cài khuy áo và chằm chằm nhìn cô. Tất cả có nghĩa gì? một ngàn ý nghĩ loang loáng trong đầu tôi. Marcel có thể đúng. Tôi có quyền gì mà tiêu những buổi đêm ở xa lãnh sự quán khi mà sâu thẳm trong tôi hiểu rằng vào bất cứ thời điểm nào vụ nổ cũng có thể xảy ra? Tôi không phải tự hỏi là đầu óc tôi ở đâu. Marcel đã bảo tôi quá rõ ràng rồi.

Tôi cảm nhận một tội lỗi kỳ lạ, một cảm quan cá nhân về bi kịch mà mất mát mà tôi chưa từng thấy kể từ khi cha tôi mất. Tôi chợt cảm thấy áp lực và sự ấm áp của những giọt nước mắt đang trào ra trong mắt tôi.

"Thế nghĩa là sao?" Dania nhắc lại.

"Nghĩa là" tôi chán nản "tất cả những gì anh đã làm, tất cả những gì anh đã thử, anh đều thất bại".