Những Huyền Thoại

Các Lứa Đôi

Các lứa đôi

NGƯỜI TA cưới nhau lắm thế trên các hoạ báo tuyệt vời của chúng ta: những đám cưới đại gia (con trai thống chế Juin với con gái quan thanh tra Tài chính, con gái công tước De Castries với nam tước De Vitrolles), những đám cưới vì tình (Hoa hậu châu Âu 1953 với anh bạn thời thơ ấu của nàng), những đám cưới (trong tương lai) của các ngôi sao (Marlon Brando với Josiane Mariani, Raf Vallone với Michèle Morgan). Tất nhiên, tất cả những đám cưới ấy không được ghi lại vào cùng một thời điểm; bởi vì tính chất huyền thoại của chúng không phải như nhau.

Đám cưới đại gia (quý tộc hoặc tư sản) đáp ứng chức năng cổ truyền và ngoại nhập của hôn lễ: nó đồng thời là hội tặng phẩm của hai gia đình và cảnh tượng của hội tặng phẩm ấy dưới con mắt công chúng vây quanh xem phung phí của cải. Cần thiết phải có công chúng: vì vậy đám cưới đại gia bao giờ cũng được ghi lại ở nơi công cộng, trước nhà thờ: đấy là nơi người ta đốt tiền bạc và người ta làm cho công chúng loá mắt vì tiền bạc; người ta ném vào trong cái lò rừng rực ấy các bộ đồng phục và áo lễ, cuống huân chương và các dải huân chương (của Bắc đẩu bội tinh), Quân đội và Chính quyền, tất cả những vai kịch của sân khấu tư sản, các tuỳ viên quân sự (cảm động), một viên đại uý Lê dương (mù) và quần chúng Paris (chuếnh choáng). Sức mạnh, luật lệ, tinh thần, trái tim, tất cả những giá trị thể chế ấy đều ném cả vào hôn lễ, đều vung tay phung phí trong hội tặng phẩm, nhưng chính qua đó tất cả lại đều được thiết lập vững chắc hơn bao giờ hết. Một “đám cưới đại gia”, đừng quên điều này, là công việc kế toán có lợi, đó là chuyển khoản nợ nặng nề của Thể chế sang khoản tín dụng của tự nhiên, là hấp thu “câu chuyện buồn rầu và cục cằn của mọi người” vào niềm hân hoan công khai của Lứa đôi; Thể chế sống bám vào Tình yêu; dối trá, bóc lột, tham lam, mọi cái xấu xa ấy của xã hội tư sản được sự thật của lứa đôi cứu vãn.

Cuộc hôn nhân của Sylviane Carpentier, Hoa hậu châu Âu năm 1953, với anh thợ điện Michel Warembourg, người bạn thời thơ ấu của nàng, là cơ hội triển khai một hình ảnh khác hẳn, đó là hình ảnh túp lều tranh hạnh phúc. Nhờ vào danh hiệu của mình, Sylviane lẽ ra đã có thể sống cuộc đời lộng lẫy của một ngôi sao, đi du lịch, đóng phim, kiếm được rất nhiều tiền; nhưng nàng, hiền thục và khiêm nhường, đã khước từ “cái vinh quang phù du”, và trung thành với quá khứ của mình, nàng đã lấy anh thợ điện ở khu Palaiseau. Đôi vợ chồng trẻ ở đây được giới thiệu với chúng ta vào giai đoạn sau khi cưới, đang xây dựng nếp sống hạnh phúc đời thường và lui về sống chẳng ai biết tới trong một chốn tiện nghi nho nhỏ: họ thu xếp một căn hộ hai phòng có bếp, họ ăn sáng, họ đi xem phim, họ đi chợ.

Ở đây thao tác rõ ràng là muốn nêu lên tất cả niềm hạnh phúc tự nhiên của cặp vợ chồng nhằm ca ngợi mô hình tiểu tư sản: niềm hạnh phúc, dù là xoàng xĩnh, song vẫn có thể được lựa chọn, điều này cứu vãn hàng triệu người Pháp do thân phận mà họ chia sẻ niềm hạnh phúc kia. Giai cấp tiểu tư sản có thể tự hào về sự quy thuận của Sylviane Carpentier, giống như xưa kia Giáo hội lấy được sức mạnh và uy tín từ một vài nhân vật quý tộc thụ pháp quy y: cuộc hôn nhân khiêm tốn của Hoa hậu châu Âu, câu chuyện cảm động nàng lui về sống trong một căn hộ hai phòng có bếp ở khu Palaiseau, sau bao nhiêu vinh quang, thì cũng như ngài De Rancé* chọn dòng tu Trappe, hoặc phu nhân Louise de la Vallière chọn dòng tu Carmel: vinh hạnh lớn lao cho dòng tu Trappe, dòng tu Carmel và khu Palaiseau.

Ở đây Tình-yêu-mạnh-hơn-vinh-quang đề cao đạo lý về nguyên trạng xã hội: thoát ra khỏi thân phận của mình chẳng phải là khôn ngoan, quay về đấy mới là vinh quang. Để đổi lại, chính thân phận lại có thể phát huy những cái lợi của nó, về căn bản đấy là những cái lợi của sự trốn tránh. Hạnh phúc trong thế giới này là một thứ quanh quẩn trong nhà: các bảng câu hỏi trắc nghiệm “tâm lý”, những mánh khoé, những công việc sửa chữa vặt, các đồ gia dụng, các cách sử dụng thời gian, tất cả cái thiên đường nồi niêu xoong chảo của tạp chí Elle hoặc tạp chí L’Express tôn vinh cái khuôn viên khép kín, cuộc sống cá nhân ru rú xó nhà, tôn vinh tất cả những gì gắn với gia đình, làm cho nó mãi mãi như trẻ thơ, hồn nhiên vô hại và cắt đứt nó khỏi ý thức trách nhiệm đối với xã hội bên ngoài. “Hai trái tim vàng, một túp lều tranh”. Tuy nhiên thế giới vẫn tồn tại. Nhưng tình yêu duy linh hoá túp lều tranh, và túp lều tranh che khuất nhà ổ chuột: người ta phù phép đuổi sự khốn cùng bằng hình ảnh lý tưởng của nó là cảnh nghèo.

Đám cưới của các ngôi sao thì hầu như bao giờ cũng chỉ được giới thiệu là sẽ diễn ra mà thôi. Đám cưới ấy triển khai huyền thoại hầu như thuần tuý về Lứa đôi (chí ít là trong trường hợp Vallone-Morgan; với Brando, các yếu tố xã hội vẫn còn nổi trội, lát nữa ta sẽ thấy). Danh nghĩa vợ chồng vậy gần như là thừa, bị đẩy luôn chẳng cần suy xét vào một tương lai mơ hồ: Marlon Brando sẽ cưới Josiane Mariani (nhưng chỉ sau khi anh sẽ quay xong hai chục bộ phim mới); Michèle Morgan và Raf Vallone có lẽ sẽ trở thành một cặp vợ chồng chính thức mới (nhưng trước hết Michèle sẽ phải ly dị đã). Thực ra đó là một khả năng coi như có thể thành sự thật chừng nào tầm quan trọng của nó chỉ là thứ yếu, bị lệ thuộc vào tập tục rất phổ biến muốn rằng trước bàn dân thiên hạ, đám cưới bao giờ cũng là mục đích “tự nhiên” của chuyện ăn nằm với nhau. Điều quan trọng là khi đã được bảo lãnh là họ sẽ cưới nhau thì chẳng ai còn xì xào về chuyện chung đụng xác thịt của họ nữa.

Cuộc hôn nhân (trong tương lai) của Marlon Brando thì còn chứa đựng những phức tạp xã hội: đó là cuộc hôn nhân của cô gái chăn cừu và vị lãnh chúa. Josiane, con gái một dân chài “nghèo hèn” ở Bandol, tuy nàng cũng giỏi giang, vì nàng đã học xong tú tài phần thứ nhất và nói thạo tiếng Anh (chủ đề những sự “hoàn hảo” của cô gái đi lấy chồng), Josiane đã làm xúc động người đàn ông hắc ám nhất của điện ảnh, một loại trung gian giữa Hippolyte và ông vua Hồi giáo cô đơn và hung bạo nào đó. Nhưng chuyện quái vật Hollywood cuỗm một cô gái Pháp nghèo hèn chỉ trọn vẹn khi diễn biến đảo chiều: anh chàng bị tình yêu chinh phục dường như lại trút mọi uy thế của mình vào cái thành phố Pháp nhỏ bé, vào bãi biển, chợ búa, các tiệm rượu, các cửa hàng tạp hoá ở Bandol; thực vậy, chính là Marlon bị tiêm nhiễm mẫu lý tưởng tiểu tư sản của tất cả các nữ độc giả những tuần báo có tranh ảnh. “Marlon, tạp chí Một tuần của thế giới viết, Marlon, như một anh tiểu tư sản Pháp, thong dong dạo chơi khai vị cùng bà mẹ vợ (tương lai) và cô vợ (tương lai)”. Thực tế áp đặt phông cảnh và quy chế của nó cho mơ mộng, giai cấp tiểu tư sản Pháp ngày nay rõ ràng là đang ở vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa huyền thoại, ở cấp độ một, uy thế của Marlon là thuộc lĩnh vực cơ bắp, tình dục; ở cấp độ hai, uy thế ấy là thuộc lĩnh vực xã hội: Marlon được Bandol tôn vinh hơn là Marlon tôn vinh Bandol.