Những đứa con của thuyền trưởng Grant

Chương 3

MALCOLM – CASTLE  là một trong những lâu đài thơ mộng của vùng núi Scotland. Nó nằm sát làm Luss và vươn cao sừng sững trong một thung lũng đẹp đẽ.

Nước hồ Lomond trong xanh bao quanh những bức tường lâu đài được xây bằng đá hoa cương. Từ thuở xa xưa, lâu đài đã thuộc quyền sở hữu của dòng họ Glenarvan lưu tồn ở quê hương. Đây là xứ sở của các nhân vật Rob Roy và Fergus Mac Gregor trong các tác phẩm của Walter Scott – một vùng có truyền thống mến khách từ lâu đời. Trong những thời kỳ cách mạng ở Scotland, nhiều điền chủ nhỏ không trả nổi địa tô cho các thủ lĩnh thị tốc cũ đã bị đuổi đi(1). Một số bị chết đói, số khác cho rằng lòng trung thực chẳng những cần phải có đối với những người nghèo mà cả đối với những người giàu nữa, và vì thế đã không phản lại những tá điền của mình. Không một ai trong số những tá điền ấy rời khỏi nơi quê cha đất tổ, tất cả đều ở lại trên đất thị tộc. Do vậy, trong dinh thự hay trên tàu “Duncan” của huân tước Glenarvan, những người làm việc cho ông toàn là người Scotland, gốc vùng Stirling và Dumbarton, và đều là những người lương thiện và trung thực. Một số người trong đám họ vẫn còn nói tiếng cổ xưa của vùng Caledonie(2).

Huân tước Glenarvan là người sở hữu một cơ ngơi to lớn mà ông ta dùng để làm việc thiện cho những người nghèo ở chung quanh. Nhưng, lòng nhân hậu của ông thậm chí còn vượt quá lòng hào hiệp, bởi vì nếu lòng hào hiệp tất nhiên phải có giới hạn thì lòng nhân hậu lại vô hạn…

Huân tước Glenarvan không phải là người lạc hậu, cổ hủ, hẹp hòi, nhưng trong khi tán thành tất cả những cái mới ở địa hạt của mình, trong thâm tâm ông vẫn là người Scotland. Và khi tham gia các cuộc đua thuyền của câu lạc bộ thuyền buồm vương quốc Anh, ông chỉ nghĩ đến sự vinh quang của xứ sở Scotland. Edward Glenarvan, 32 tuổi, dáng người cao, nét mặt hơi nghiêm khắc, nhưng đôi mắt lại hiền từ một cách lạ thường. Ông là người chính thống của vùng núi Scotland thơ mộng này. Ông cũng là người dũng cảm, hoạt bát và độ lượng vô cùng, là một Fegus của thế kỷ 19. Nhưng, điều quan trọng là ông còn nhân từ hơn cả thánh Martin(3), và nếu ở địa vị của thánh,  ông ta không phải chỉ chia xẻ đâu, mà là cho luôn người hành khất ấy nguyên chiếc áo khoác của mình.

Huân tước Glenarvan mới lấy vợ được ba tháng nay. Vợ ông, nàng Helena, là con gái của một nhà du lịch nổi tiếng tên là Wiliam Tuffinel, một người cống hiến đời mình cho khoa học địa lý và cho sự ham mê khám phá.

Cô Helena không thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng là người Scotland, mà theo huân tước Glenarvan, điều ấy còn cao quý hơn bất kỳ tầng lớp quý tộc nào, và ông đã kén chọn cô gái tuyệt sắc, dũng cả, quên mình ấy làm người bạn đời. Ông quen biết cô ở Kilpatrick, nơi cô bị mồ côi, phải sống cô đơn và vật lộn với thiếu thốn. Glenarvan đáng giá cao đức tính kiên nghị của cô và đã lấy cô. Helena là một cô gái tóc vàng 22 tuổi, mắt xanh như nước hồ Scotland trong buổi sớm mùa thu tuyệt đẹp. Tình yêu của nàng đối với chồng còn sâu đậm hơn lòng biết ơn của nàng đối với chàng. Nàng yêu chàng đến nỗi dường như chàng là kẻ mồ côi đơn độc, còn nàng là người thừa kế cơ ngơi to lớn. Những người nông dân và đầy tớ đều sẵn lòng chết vì “bà chủ nhân từ của làng Luss” như họ vẫn thường gọi Helena như vậy.

Đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc ở Malcolm Castle, giữa khung cảnh tự nhiên kỳ diệu của vùng núi Scotland. Họ dạo chơi trên những con đường râm mát bóng sồi và phong, bên những bờ hồ, xuống các khe núi hoang dã. Nơi đây, những cảnh điêu tàn kể lại với mọi người về lịch sử Scotland. Nay họ đi dạo trong những cánh rừng bạch dương và tùng bách, trên những cánh đồng cỏ mênh mông, còn mai thì họ leo lên những đỉnh núi cao chót vót hoặc phi ngựa trong những thung lũng vắng vẻ. Họ đã nghiên cứu, tìm hiểu và yêu mến miền đất đầy chất thơ này, nơi vẫn thường được gọi là “xứ sở của Rob – Roy”, và tất cả những nơi danh tiếng mà Walter Scott đã hào hứng ngợi ca. Buổi tối, khi nơi chân trời trăng vừa mọc, họ đi dạo trên đường hành lang cổ kính bao quanh khắp toà lâu đài bằng những bức tường hình răng cưa. Còn bóng đêm thì dần dần quyện lại dày đặc trên đỉnh núi. Họ say sưa sống mãi với niềm hưng phấn, với sự gần gũi về tâm hồn, mà bí mật của nó chỉ có những trái tim đang yêu mới thấu hiểu nổi.

Những tháng đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ đã diễn ra như vậy. Nhưng huân tước Glenarvan không quên rằng vợ chàng là con gái của nhà du lịch nổi tiếng. Chàng cảm thấy rằng ở nàng cũng phải có những ước vọng như của cha nàng, và chàng đã không lầm. Chiếc tàu “Duncan” đã được đóng để đưa huân tước và phu nhân của chàng đi đến những nơi nào đẹp nhất thế gian, đến các hòn đảo của biển Egee, đến Địa Trung Hải. Ta có thể tưởng tượng Helena sung sướng biết chừng nào khi chồng nàng cho phép nàng toàn quyền sử dụng chiếc tàu “Duncan”. Quả thật, đối với cặp vợ chồng trẻ, còn gì vui thú hơn một chuyến du lịch sang vùng bờ biển mê hồn của Hy Lạp, hưởng tuần trăng mật ở những miền đất phương Đông thần tiên.

Thế rồi huân tước Glenarvan đã đi London. Vì chuyện liên quan đến việc cứu những người không may bị nạn, nên chuyến đi đột ngột của chồng không làm cho Helena buồn phiền. Nàng chỉ nóng lòng chờ đợi chàng. Bức điện tín nàng nhận được hôm sau đó hứa hẹn ngày chàng về không xa nữa. Buổi tối hôm ấy lại có thư cho biết huân tước bận ở lại London để giải quyết vài việc phức tạp mới xảy ra. Đến ngày thứ ba, nàng nhận được bức thư nữa, trong thư, ngài huân tước Glenarvan đã không giấu diếm sự phiền lòng đối với bộ tư lệnh hải quân.

Ngày hôm ấy Helena đã bắt đầu lo lắng. Buổi tối, nàng đang ngồi trong phòng riêng thì viên quản lý dinh thự là Halbert vào, hỏi nàng có thể tiếp một cô gái trẻ và một chú bé xin gặp huân tước Glenarvan được không?

- Họ là dân địa phương à? – Helena hỏi.

- Không, thưa huân tước phu nhân, - viên quản lý nói. – tôi không biết họ. Họ đáp xe lửa đến Balloch, rồi từ đó đi bộ đến Luss.

- Anh mời họ vào đây, Halbert. – huân tước phu nhân Glenarvan nói.

Viên quản lý đi ra. Vài phút sau, một cô gái trẻ măng và một chú bé bước vào phòng Helena. Đó là hai chị em. Họ giống nhau đến nổi không thể nghi ngờ được điều đó. Cô chị tuổi chừng 16. Gương mặt xinh xắn của cô hơi có vẻ mệt nhọc, đôi mắt cô vừa khiêm tốn, lại vừa dũng cảm, quần áo cô nghèo nàn, nhưng sạch sẽ. cô dắt tay một chú bé tuổi chừng 12. nét mặt chú nom rất kiên quyết. Dường như chú coi mình là người che chở cho chị. Đúng thế. Hiển nhiên là, nếu ai dám có thái độ coi thường cô gái, nhất định phải coi chừng chú bé này.

Cô chị đứng trước Helena hơi lúng túng, nhưng Helena đã kịp lên tiếng bắt chuyện với cô ta.

- Cô muốn nói chuyện với tôi phải không? – Helena hỏi, nhìn cô gái có vẻ khích lệ.

- Không, không phải với bà, - chú bé tuyên bố bằng một giọng quả quyết, - mà là với chính ông huân tước Glenarvan kia.

- Xin bà tha lỗi cho em cháu, - cô gái vội nói, đưa mắt trách cậu em.

- Huân tước Glenarvan không có nhà, - Helena giải thích, - nhưng tôi là vợ của huân tước, nếu tôi có thể thay huân tước được thì…

- Bà là huân tước phu nhân Glenarvan ạ? – cô gái hỏi.

- Đúng rồi.

- Là vợ của chính huân tước Glenarvan ở Malcolm Castle, người đã cho đăng thông báo trên tờ “Times” nói về vụ đắm tàu “Britania” phải không ạ?

- Phải, phải! – helena vội vàng đáp. – Thế cô là ai?

- Cháu là con gái của thuyền trưởng Grant, còn đây là em trai cháu.

- Cô Grant! Cô Grant! – Helena kêu lên, rồi ôm chầm lấy cô gái, và hôn lấy hôn để chú bé.

- Thưa bà, - cô gái hồi hộp nói, - bà có biết gì về vụ đắm tàu và ba cháu không ạ? Ba cháu còn sống không ạ? Liệu có khi nào chúng cháu được gặp ba cháu không? Xin bà nói đi, cháu lạy bà!

- Cô bé yêu quý! Tôi không muốn đường đột khêu gợi cho hai chị em cô những hy vọng hão huyền…

- Xin bà cứ nói, cứ nói ạ! Cháu biết chịu đựng đau khổ và có thể nghe hết mọi chuyện.

- Cháu yêu quý ạ, - Helena đáp, - tuy rằng hy vọng rất mong manh,  nhưng vẫn còn có khả năng một ngày nào đấy các cháu sẽ được gặp lại người cha của các cháu.

- Trời ơi, trời ơi!... Cô gái kêu lên và, không kiềm chế được nữa, cô nức nở khóc.

Còn em trai cô, Robert, lúc ấy lại nồng nhiệt hôn vào tay huân tước phu nhân Glenarvan.

Khi nỗi xúc động đau thương ban đầu đã qua, cô gái lại hỏi Helena dồn dập hết câu này đến câu khác, và huân tước phu nhân đã kể cho cô nghe câu chuyện về những bức thứ, chuyện tàu “Britania” bị đắm ở bờ biển Patagonia, thuyền trưởng và hai thuỷ thủ thoát nạn có lẽ  đã lên được bờ và cuối cùng, chuyện bức thư bằng ba thứ tiếng được để trong chai thả trôi trên biển, kêu gọi mọi người trên thế giới hãy cứu giúp họ.

Trong lúc kể chuyện, Robert Grant nhìn huân tước phu nhân Helena chằm chặp, tưởng chừng như cả cuộc đời của chú phụ thuộc vào những lời kể ấy. Chú tưởng tượng lại những giây phút khủng khiếp mà cha chú đã phải trải qua, chú nhìn thấy cha trên boong tàu “Britania”, thấy cha ngụp lặn trong sóng biển, cùng với cha bấu víu vào những mõm đá, vừa bò vừa thở dốc trên cát. Trong lúc nghe kể đã mấy lần chú buộc miệng thốt lên:

- Ôi cha, cha tội nghiệp của con! – Và chú lại nép sát hơn vào chị.

Còn cô Grant thì khoanh tay ngồi nghe không bỏ sót một lời.

- Thế còn bức thư, bức thư đâu, thưa bà?! – cô gái kêu lên khi Helena vừa dứt lời kể.

- Tôi không giữ béc thư ấy, cô bé yêu quý ạ! – Huân tước phu nhân Helena trả lời.

- Không còn giữ nữa ạ?

- Phải, vì lợi ích của cha cháu, nên huân tước Glenarvan đã phải mang bức thư ấy đi London. Nhưng tôi đã kể cho cô nghe hết nội dung bức thư và các chúng tôi tìm hiểu nội dung bức thư ấy. Trong số những chữ rời rạc còn lạ trong các câu bị nước biển xoá nhoà, sóng biển còn thương tiếc vài con số. thật không may, vẫn chưa biết được ở kinh độ nào…

- Có thể khỏi cần biết ở kinh độ nào cũng tìm được! – chú bé kêu lên.

- Tất nhiên là thế, Robert ạ! – Helena tán thành, bất giác mỉm cười trước thái độ kiên quyết ấy của Grant con – Cô thấy đấy, cô Grant ạ! – Helena lại quay sang cô gái. – bây giờ thì mọi chi tiết nhỏ nhất trong bức thư cô cũng đều biết rõ như tôi vậy.

- Vâng, thưa bà, - cô gái đáp, - nhưng cháu muốn được nhìn thấy nét chữ của cha cháu.

- Biết làm sao bây giờ, có thể ngày mai huân tước Glenarvan sẽ trở về. Có trong tay một bức thư rõ ràng, ngài huân tước đã quyết định trình nó lên bộ tư lệnh hải quân và yêu cầu phái ngay một chiếc tàu đi tìm thuyền trưởng Grant.

- Có thể như thế được ư? – Cô gái thốt lên – Phải chăng, ông bà đã làm điều đó vì chúng cháu?

- Đúng thế cô ạ, và tôi đang đợi huân tước Glenarvan từng phút đây.

- Thưa bà, - cô gái nói với lòng biết ơn và tin tưởng sâu sắc, - mong trời phù hộ cho bà và huân tước Glenarvan.

- Cô bé yêu quý, - Helena trả lời, - chúng tôi không xứng đáng được cảm ơn một chút nào cả; bất kỳ ai ở cương vị chúng tôi cũng đều làm như thế. Chỉ mong sao những hy vọng mà tôi đã gieo vào lòng các cháu sẽ được thực hiện. Còn trong lúc đợi nhà tôi về, dĩ nhiên là các cháu cứ ở lại đây…

- Thưa bà, cháu không dám lạm dụng lòng thương cảm của bà đối với chúng cháu, những người xa lại đối với bà.

- Những người xa lạ! không, cháu yêu quý, cả em trai cháu lẫn cháu đều không phải là những người xa lạ trong ngôi nhà này, và tôi nhất định muốn rằng nhà tôi khi trở về sẽ báo cho những đứa con của thuyền trưởng Grant biết cần phải làm gì để cứu cha của chúng.

Không thể từ chối một lời chân tình như thế, hai chị em cô Grant đã ở lại Malcolm Castle đợi huân tước Glenarvan. 

Chú thích:

 

(1) Sau cách mạng tư sản Anh thế kỷ 17 ở Scotland, những quan hệ ruộng đất cũ đã bị phá vỡ, nhiều nông dân từ những người sở hữu ruộng đất trở thành người lính canh.

(2) Tên gọi cũ của Scotland.

(3) Truyền thuyết về thánh Martin kể rằng có lần vị thánh đã xẻ đôi chiếc áo khoác duy nhất của mình cho một người hành khất để chống rét.