Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 17: Thằng nhóc Kolynos

Từ người ayah đến mụ Góa phụ, tôi luôn là mẫu người thụ động hứng chịu tai ương; nhưng Saleem Sinai, nạn nhân kinh niên, vẫn nhất quyết xem hắn ta là nhân vật chính. Bất kể tội ác của Mary: gạt sang một bên bệnh thương hàn và nọc rắn, bỏ qua hai tai nạn, trong tủ giặt và vòng xuyến (khi Sonny Ibrahim, bậc thầy phá khóa, cho phép cặp sừng-thái dương mới nhú của tôi nhập vào hai hõm forcep của nó, và qua sự kết hợp này mở cánh cửa đến lũ trẻ nửa đêm); không đếm xỉa đến tác động từ cú đẩy của Evie và sự phản bội của mẹ tôi; bất chấp việc mất tóc vì trò bạo hành cay nghiệt của Emil Zagallo và mất ngón tay vì trò khiêu khích liếm môi của Masha Miovic; ngoảnh mặt với mọi dấu hiệu cho thấy điều ngược lại, bây giờ tôi sẽ cụ thể hóa, với phong thái và sự nghiêm túc phù hợp ở một con người khoa học, tuyên bố chủ quyền của minh đối với vị trí trung tâm của mọi sự kiện.

“… cuộc đời của cháu, nó sẽ là, theo một nghĩa nào đó, tấm gương của bản thân chúng ta,” Thủ tướng đã viết, buộc tôi, một cách khoa học, phải đối diện với câu hỏi: Theo nghĩa nào? Như thế nào, trên phương diện gì, sự nghiệp một cá nhân có thể tác động lên vận mệnh một dân tộc?

Tôi phải trả lời bằng các trạng từ và gạch giữa: tôi được gắn kết với lịch sử theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả chủ động lẫn bị động, theo cách mà các nhà khoa học (tiên tiến một cách đáng ngưỡng mộ) của nước ta có lẽ sẽ định danh là “dạng thức liên kết”, hình thành bởi cấu trúc đối ngẫu kết hợp của hai cặp trạng từ đối lập nêu trên. Đây là lý do phải có gạch ngang: theo nghĩa đen một cách chủ động và theo nghĩa bóng-một cách bị động, theo nghĩa bóng-một cách chủ động và theo nghĩa đen-một cách bị động, tôi và thế giới của tôi xoắn xuýt với nhau không gỡ ra được.

Nhận thấy vẻ ngơ ngác phi khoa học ở Padma, tôi đành quay lại với sự thiếu chính xác của ngôn ngữ bình dân: Bằng sự kết hợp của “chủ động” và “nghĩa đen”, tôi muốn nói, dĩ nhiên, mọi hành vi của tôi đi trực tiếp - theo nghĩa đen - tác động, hoặc thay đổi lộ trình của, những sự kiện lịch sử tầm cỡ, chẳng hạn như cái cách tôi đem tới cho đoàn diễu hành ngôn ngữ một khúc chiến ca.

Sự kết hợp của “bị động” và “nghĩa bóng” bao hàm mọi xu thế và sự kiện chính trị-xã hội mà, chỉ bằng sự tồn tại của mình, đã tác động đến tôi theo nghĩa bóng - ví dụ, bằng cách tìm hiểu nghĩa hàm ẩn của chương nhan đề “Ngón Tay Đang Chỉ Của Người Ngư Phủ”, quý vị sẽ nhận ra mối liên hệ không tránh khỏi giữa cố gắng nhảy vọt đến tuổi trưởng thành, lớn hết cỡ của quốc gia non trẻ với nỗ lực tăng trưởng sớm, bùng nổ của chính tôi...

Kế tiếp, “bị động” và “nghĩa đen”, khi có gạch giữa, bao gồm mọi giây phút khi các sự kiện quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến tôi và gia đình - trong đề mục này quý vị có thể liệt kê việc đóng băng tài sản của cha tôi, và cả vụ nổ Bể chứa nước Walkeshwar, khởi đầu cho cuộc đại xâm lăng của đàn mèo.

Và cuối cùng là “dạng thức” của “chủ động-nghĩa bóng”, tập hợp các sự kiện trong đó những thứ tôi làm hoặc được làm với tôi được phản chiếu lên tầm vĩ mô của các vấn đề đại chúng, còn sự tồn tại cá nhân của tôi đã được minh chứng là đồng nhất, một cách hình tượng, với lịch sử.

Thương tích ở ngón tay giữa của tôi là một ví dụ tiêu biểu, bởi vì khi tôi bị chia tách khỏi đầu ngón tay mình và máu (không phải Alpha hay Omega) phun ra thành vòi, điều tương tự đã xảy ra trong lịch sử, và đủ loại tấtcảbấtkỳthứgì bắt đầu trút xuống đầu ta; nhưng bởi vì lịch sử vận hành ở quy mô vĩ dại hơn bất kỳ cá nhân nào, phải mất rất nhiều thời gian hơn đế khâu vá vết thương và thu dọn chiến trường.

“Bị động-nghĩa bóng”, “thụ động-nghĩa đen”, và “chủ động-nghĩa bóng”: Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm là cả ba; nhưng chưa bao giờ nó thành điều tôi mong mỏi nhất: chúng tôi chưa từng hoạt động ở chế độ đầu tiên và ý nghĩa nhất của các “dạng thức liên kết”. Chế độ “chủ động-nghĩa đen” bỏ qua chúng tôi.

Thay đổi không hồi kết: Saleem chín ngón được đưa ra cổng bệnh viện Breach Candy bởi một y tá thấp đậm tóc vàng hoe, có gương mặt đóng băng thành một nụ cười thiếu thành thật đến đáng sợ. Cậu hấp háy mắt trước ánh sáng chói chang của thế giới bên ngoài, cố dõi mắt vào hai hình bóng đang dập dờn tiến về phía cậu từ ánh mặt trời.

“Thấy chưa?” cô y tá nựng, “Thấy ai đến đón con chưa?”

Và Saleem nhận ra rằng có điều gì đó khủng khiếp đã xảy đến với thế giới này, vì bố mẹ cậu, những người đáng lẽ phải đến đón cậu, trên dọc đường đã bị biến hóa thành ayah Mary Pereira và Cậu Hanif.

Cậu Hanif rền vang như còi tàu cập bến, tỏa mùi như một nhà máy thuốc lá cũ. Tôi rất yêu quý cậu, vì giọng cười, vì cái cằm không cạo, vì cái dáng điệu của một tạo vật được nhào nặn hơi lỏng lẻo, vì tính thiếu khả năng phối hợp khiến mỗi cử động của cậu đều chất chứa nguy cơ. (Khi cậu đến Biệt thự Buckingham mẹ tôi giấu tiệt đống bình pha lê mài.) Người lớn chưa từng tin tưởng cậu sẽ cư xử đúng phép tắc (“Coi chừng đảng Cộng sản!” cậu gầm lên, và họ đỏ mặt), điều gắn bó cậu với tất cả trẻ con - trẻ con nhà khác, vì cậu với Pia không có con. Cậu Hanif mà một ngày nọ sẽ, không hề báo trước, bước ra khỏi sân thượng nhà mình.

... Cậu vỗ lưng tôi thật manh, đẩy tôi nhào vào vòng tay Mary. “Chào, cậu đô vật nhỏ! Trông khỏe rồi đấy!”

Nhưng Mary, nôn nóng, “Nhưng gầy quá, lạy Chúa! Người ta cho cậu ăn thiếu à? Cậu thích pudding bột ngô không? Chuối dầm đường nhé? Họ cho cậu khoai chiên chứ?”

Trong khi Saleem mải nhìn quanh thế giới này nơi mọi thứ dường như vận động quá nhanh; giọng cậu, khi nói được thành lời, nghe the thé, như thể bị ai đó tua nhanh: “Amma-Abba?” cậu hỏi.

“Con Khỉ?”

Và giọng Hanif rền vang, “Rồi, chuẩn không cẩn chỉnh! Chú bé hơi bị tinh tươm đấy! Đi nào phaelwan: làm một chuyến Packard[1], nhé?”

Và cùng lúc một Mary Pcreira dồn dập, “Bánh sô cô la nhé,” cô hứa hẹn, “laddoo, pista-ki-lauz, samosa nhân thịt và kulfi nữa. Cậu gầy quá, baba, gầy gió thổi bay ấy.” Chiếc Packard đang lăn bánh, nhưng lại không rẽ sang đường Warden, lên ngọn đồi hai tầng; và Salcem, “Hanif mamu, mình đi đâu...”

Chưa kịp nói hết câu; Hanif ồm ồm, “Mợ Pia đang đợi cháu! Chúa ơi, rồi cháu xem, ta sẽ có một dịp vui chơi oách nhất quả đất!”

Giọng cậu hạ xuống đầy âm mưu: “Rất nhiều,” cậu nói vẻ bí hiểm, “trò vui”

Và Mary, “Arre baba, phải rồi! Bít tết này! Chutney xanh nữa!”…

[1] Một dòng xe ô tô đắt tiền của Mỹ.

“Không ăn loại sẫm đâu,” tôi nói, sau cùng cũng bó tay chịu trói; vẻ nhẹ nhõm hiện lên trên má hai kẻ bắt giữ.

“Không không không,” Mary lắp bắp, “xanh nhạt chứ, baba. Đúng ý cậu.” Và, “Xanh nhạt!”

Hanif gầm gừ, “Chúa ơi, xanh như châu chấu.”

Nhanh quá... chúng tôi đến Kemp’s Corner rồi, xe lao vùn vụt xung quanh như đạn bắn... nhưng một thứ không hề thay đổi. Trên tấm biển quảng cáo, thằng nhóc Kolynos cười toét miệng, nụ cười tinh linh vĩnh cửu của chú bé đội mũ xanh diệp lục, cái cười ngớ ngẩn của Nhóc bất lão, kẻ mãi mãi bóp tuýp thuốc đánh răng bất tận lên chiếc bàn chải xanh sáng: Giữ Răng Shạch và Giữ Răng Sháng! Giữ Răng Kolynos Cực Bóng Loáng!... và quý vị có thể nghĩ về tôi giống như một thằng Nhóc Kolynos bất đắc dĩ, nặn khủng hoảng và thay đổi ra từ tuýp thuốc không đáy, bóp thời gian lên chiếc bàn chải ẩn dụ; thứ thời gian trắng, sạch, có sọc màu xanh diệp lục[2].

[2] Màu trắng và xanh lá cây là hai màu của quốc kỳ Pakistan.

Đây, như vậy, là sự mở đầu cho cuộc lưu đày thứ nhất của tôi. (Sẽ có cuộc thứ hai, rồi thứ ba.) Tôi chịu đựng không kêu ca. Tôi, tất nhiên, biết rằng có một câu hỏi không bao giờ được phép hỏi; rằng tôi được đem cho mượn, như một cuốn truyện tranh của Thư viện sách cũ Scandal Point, không kỳ hạn; và rằng chừng nào cha mẹ muốn tôi trở lại; họ sẽ cho gọi tôi về. Chừng nào, chậm chí là nếu: bởi tôi đã tự trách mình không ít về vụ đày ải này. Chẳng phải chính tôi đã tự gây cho mình thêm một dị tật nữa để bổ sung vào chân vòng kiềng, mũi dưa chuột, sừng thái dương, má nhọ? Có phải ngón tay cụt của tôi chính là (như tuyên bố về những giọng nói đã suýt là), đối với song thân khốn khổ đã nhiều của tôi, giọt nước tràn ly? Rằng tôi không còn là một vụ làm ăn hời, không còn xứng đáng với sự đầu tư tình yêu và bảo bọc của họ?

Tôi quyết định tưởng thưởng cho cậu mợ tôi vì lòng nhân ái đã dang tay đón về một sinh vật thảm hại như thằng tôi, bằng cách đóng vai đứa cháu mẫu mực và đợi chờ diễn biến. Có lúc tôi ao ước con Khỉ sẽ đến gặp tôi, hay chỉ gọi cho tôi thôi cũng được; nhưng chìm đắm vào những chuyện ấy chỉ tổ chọc thủng quả bóng bình tâm trong tôi, nên tôi cố hết sức xua chúng khỏi đầu. Ngoài ra, sống với Hanif và Pia Aziz hóa ra đúng như những gì cậu tôi đã hứa: rất nhiều trò vui.

Họ bày ra với tôi đủ thứ trò vè mà trẻ con trông đợi, và đón nhận rất tự nhiên, từ những người lớn không con cái. Căn hộ nhìn xuống Marine Drive của họ không lớn, nhưng có một cái ban công mà từ đấy tôi có thể thả vỏ lạc xuống đầu khách bộ hành; không có phòng ngủ trống, nhưng tôi được dành cho một chiếc sofa trắng êm ấm sọc xanh lá (một bằng chứng sớm vì sự biến đổi của tôi thành Nhóc Kolynos); ayah Mary, người rõ ràng đã theo tôi dấn bước lưu đày, ngủ dưới sàn bên cạnh tôi. Ban ngày, cô nhồi dạ dày tôi bằng các thứ bánh kẹo cô đã hứa (bây giờ tôi tin rằng do mẹ tôi thanh toán) lẽ ra tôi đã béo tướng lên, chỉ có điều một lần nữa tôi lại bắt đầu phát triển theo hướng khác, và đến cuối năm của lịch sử được tăng tốc (khi tôi mới mười một tuổi rưỡi) tôi đã đạt chiều cao tối đa của người lớn; như thể ai đó đã túm lấy phần mô mỡ[3] của tôi và bóp thật lực, hơn với bất kỳ tuýp thuốc đánh răng nào, đến nỗi từng xăng ti mét trồi lên từ người tôi dưới áp lực ấy.

Được hiệu ứng Kolynos cứu thoát khỏi bệnh béo phì, tôi tắm mình trong nỗi hân hoan của cậu mợ khi có đứa trẻ trong nhà. Khi tôi đánh đổ 7 Up ra thảm hay hắt xì lên bữa tôi, cùng lắm cậu tôi cũng chỉ rầy “Hây dà! Cái thằng!” với cái giọng còi hơi rền vang, nhưng lại ngoác miệng ra cười rất phản tác dụng. Trong khi đó, mợ Pia sẽ trở thành người kế tiếp trong danh sách dài các phụ nữ đã bỏ bùa và rốt cuộc hủy hoại tôi hoàn toàn và triệt để.

[3] Nguyên văn: puppy fat, phần mô mỡ tự nhiên ở trẻ con, thường tự tiêu đến tuổi trưởng thành.

(Tôi phải đề cập rằng, lúc ở căn hộ trên Marine Drive, tinh hoàn của tôi, giã từ sự bảo vệ của xương chậu, đã đưa ra quyết định quá sớm và không báo trước là rơi xuống hai bìu nhỏ đựng chúng. Sự kiện này cũng có vai trò trong những gì diễn ra sau đây.)

Mumani - mợ tôi - nàng Pia Aziz thần thánh: sống với nàng tức là tồn tại giữa trung tâm nóng bỏng và ướt át của một bộ phim Bombay. Ngày ấy, sự nghiệp điện ảnh của cậu tôi đã bước vào giai đoạn thoái trào chao đảo, và bởi vì đời là như thế, ngôi sao của Pia cũng xuống theo. Trong phong thái của nàng, suy nghĩ vế thất bại là điều không tưởng. Không được đóng phim, Pia đã biến đời nàng thành một cuốn phim, trong đó tôi được đóng ngày càng nhiều vai phụ.

Tôi là chú Tiểu Đồng trung thành: Pia mặc áo lót, cặp hông mềm mại tròn căng trước cặp mắt lảng tránh trong tuyệt vọng của tôi, cười khúc khích trong khi mắt nàng, lấp lánh nhờ kẻ antimony[4], chớp lên đầy quyền uy.

“Lại đây, cậu bé, có gì mà xấu hổ, giữ mấy nếp sari này để ta gấp nào.”

Tôi còn là Bạn tâm tình Tin cẩn của nàng. Trong khi cậu tôi ngồi ở ghế sofa sọc diệp lục và dện máy chữ ra những kịch bản rồi sẽ chả ai dựng thành phim, tôi lắng nghe những lời độc thoại hoài cổ của mợ tôi, và cố rời mắt khỏi hai quả cầu không sao chịu nổi, tròn như dưa hấu, vàng ruộm như xoài: tôi muốn nói đến, chắc quý vị đá đoán ra, bộ ngực đáng ngưỡng mộ của Pia mumani.

Trong khi nàng, ngồi trên giường, một tay vắt ngang lông mày, hùng hồn tuyên bố: “Chàng trai, cháu biết không, mợ là một diễn viên vĩ đại; mợ đã thể hiện nhiều vai chính! Nhưng, nhìn xem, số mệnh sẽ làm gì! Một thời cậu bé ạ, có Chúa mới biết những ai sẽ vật nài van vỉ được đến căn hộ này; một thời phóng viên tờ Điện ảnh và Nữ thần Màn bạc sẵn sàng hối lộ để được vào! Phải, và nhảy múa, rồi ở nhà hàng Venice ai cũng biết mợ - cả đám tài tử nhạc jazz quỳ dưới chân mợ, phải, kể cả gã Braz[5] ấy. Ôi, sau Đôi tình nhân xứ Kashmir, còn có ngôi sao nào lớn hơn? Không phải Poppy, chẳng phải Vyjayantimala, không một ai!”

Và tôi, gật đầu dứt khoát, không-dĩ nhiên rồi-làm gì có ai, trong khi hai trái dưa mỹ miều của nàng nhấp nhô và...

Với một tiếng cảm thán não nùng, nàng tiếp tục: “Nhưng kể cả thời ấy, lúc đang ở đỉnh cao danh vọng, mỗi bộ phim là một kiệt tác trăm năm có một, ông cậu này của cháu vẫn thích sống trong một căn hộ hai buồng như một anh thư ký! Thế nên mợ cũng không đòi hỏi; mợ không như mấy đứa diễn viên rẻ tiền; mợ sống giản dị và không vòi vĩnh xe Cadillac và điều hòa nhiệt độ và giường Dunlopillo mua tận bên Anh; không cần bể bơi hình dáng như bikini giống của ả Roxy Vishwanatham! Ở đây, mợ đã sống, như một người vợ nhà thường dân; tại đây, lúc này, mợ đang chết mòn! Chết mòn, thực sự. Nhưng mợ biết: nhan sắc là gia tài của mợ; nói cho cùng, tiền tài mợ nào có cần gì?”

Và tôi, hăm hở tán thành: “Mumani, không; không cần gì hết.”

Nàng khóc thảm thiết, bên tai bị tát điếc của tôi cũng như bị xuyên thủng.

“Phải, dĩ nhiên rồi, các người đều muốn tôi khốn khó! Cả thế giới đều muốn Pia này đói rách! Kể cả hắn ta, cậu của cháu, ngồi viết ba cái kịch bản chán lăn chán lóc! Ôi Chúa ơi, mợ bảo cậu, đưa nhảy múa vào, hoặc các thắng cảnh! Cho vai ác thật ác, sao lại không, vai nam chính thì thật anh hùng! Nhưng cậu bảo, không, đấy chỉ toàn rác rưởi, giờ anh mới hiểu - dù trước đây cậu không kiêu hãnh thế đâu! Bây giờ cậu phải viết về những con người bình thường và những vấn đề xã hội! Và mợ bảo, ừ, Hanif, làm đi, thế hay đấy; nhưng đưa vào một ít ngón hài quen thuộc, một vài đoạn nhảy múa cho Pia của anh, rồi bi kịch và chính kịch nữa; đấy là điều Công chúng muốn!”

Mắt nàng rưng lệ. “Cháu biết cậu đang viết gì không? Về...” trong nàng như thể con tim sắp tan nát “... Cuộc đời Bình dị ở một Nhà máy Rau quả dầm!”

[4] Một hóa chất màu bạch kim, được dùng làm phấn kẻ mắt từ rất sớm trong lịch sử.

[5] Braz Golsaves, một nghệ sĩ saxophone có thật, gương mặt tiêu biểu của nhạc jazz Ấn những năm 1950-70.

“Suỵt, mumani, suỵt,” tôi nài, “Hanif mamu nghe thấy đấy!”

“Cho anh ấy nghe!” Nàng bùng lên, rồi khóc nức nở. “Cho cả mẹ anh ấy nữa, ở Agra; họ sẽ làm mợ chết vì tủi nhục!”

Mẹ Bề trên chưa bao giờ có cảm tình với nàng dâu diễn viên. Tôi từng nghe bà bảo mẹ tôi: “Đi lấy một ả đào hát, cái-gì-không-biết, con trai tôi đã trải chiếu ngủ dưới cống, chả mấy chốc, cái-gì-không-biết, nó sẽ cho thằng bé uống rượu và ăn thịt lợn[6].”

Sau cùng, bà đành chấp nhận cuộc phối ngẫu không tránh khỏi này một cách miễn cưỡng; nhưng bà bắt đầu viết những bức tâm thư răn dạy Pia.

“Nghe này, con gái,” bà viết, “bỏ cái nghề diễn viên này đi con ạ. Tội tình gì phải lầm những điều ô nhục như thế? Lao động, ừ, các cô có tư tưởng hiện đại, nhưng trần truồng múa may trên màn ảnh! Trong khi chỉ cần ít tiền con có thế lấy lại thương quyền của một cây xăng tốt. Mẹ có thế bỏ tiền túi ra mua cho con chỉ trong hai phút. Ngồi ở văn phòng, thuê nhân viên; thế mới là công việc đàng hoàng.” Không ai biết Mẹ Bề trên moi giấc mơ về cây xăng, thứ sẽ ngày một ám ảnh bà khi về già, từ đâu ra; nhưng bà mang nó ra để giội bom Pia, trước sự chán ghét của nữ diễn viên.

[6] Tín đồ đạo Hồi không được phép ăn thịt lợn.

“Sao bà ấy không bảo tôi đi đánh máy tốc ký ?” Pia than thở với Hanif và Mary và tôi trong lúc ăn sáng.

“Sao không lái taxi, hay ngồi dệt cửi? Tôi nói thật, cái chuyện xăng xe xè xửa này nó làm tôi phát rồ.”

Cậu tôi run lên (lần duy nhất trong đời) bên bờ vực giận dữ. “Ở đây có mặt trẻ con,” cậu bảo, “và bà ấy là mẹ cô; tôn trọng bà một chút.”

“Tôn trọng thì dễ thôi,” Pia hầm hầm bỏ đi, “nhưng bà ấy muốn xăng cơ.”

… Và vai phụ tôi trân quý nhất được diễn mỗi lần Pia và Hanif tụ tập chơi bài thường xuyên với bạn bè, tôi được đôn lên chiếm giữ vị trí thiêng liêng của cậu con trai mợ chưa từng có. (Sinh ra từ một cuộc hôn phối thầm lặng, tôi có nhiều mẹ hơn phần lớn các bà mẹ có nhiều con; sinh ra cha mẹ là một trong những thiên khiếu dị thường của tôi - một hình thái sinh sản nghịch đảo, ngoài tẩm kiểm soát của những biện pháp tránh thai, thậm chí của chính mụ Góa phụ.)

Khi khách tới chơi, Pia Aziz sẽ kêu lên: “Các bạn, nhìn đây, đây là thái tử của tôi! Hòn ngọc trên chiếc nhẫn! Hạt trai trên dây chuyền của tôi!”

Và mợ sẽ kéo tôi về phía mình, ghì đầu tôi khiến mũi tôi bị dúi vào ngực mợ và khoan khoái nằm lọt giữa cặp gối êm ái không thể diễn tả thành lời là đôi bầu... không thể chịu đựng nổi thứ khoái cảm ấy, tôi giằng đầu ra. Nhưng tôi là nô lệ của mợ; và tôi biết vì sao mợ cho phép mình suồng sã với tôi đến thế. Có tinh hoàn sớm, lớn nhanh, thế nhưng tôi vẫn mang (một cách gian trá) chiếc phù hiệu của sự ngây thơ về tính dục: Saleem Sinai, trong thời gian tạm trú tại nhà cậu, vẫn mặc quẩn soóc. Đôi đầu gối trần là bằng chứng cho Pia thấy tôi vẫn còn là con nít; bị đôi tất cao đến gối lừa dối, mợ ghì mặt tôi vào vú mợ trong khi giọng hát hoàn mỹ như tiếng sitar[7] thủ thỉ vào bên tai tốt của tôi: “Bé ơi, bé ơi, đừng sợ; mây rồi sẽ sớm tan.”

[7] Một loại đàn dây cổ truyền của Ấn Độ, hình dáng gần giống như đàn guitar.

Vì cậu tôi, và vì cả bà mợ kịch nghệ, tôi diễn xuất (ngày càng trơn tru) vai đứa con trai thay thế. Vào ban ngày ta sẽ tìm thấy Hanif Aziz trẻn chiếc sofa sọc, bút chì và cuốn vở học trò trên tay, biên soạn thiên sử thi rau quả dầm của mình. Cậu vận tấm lungi[8] quen thuộc quấn hờ hững quanh eo và cài chặt bằng kim băng; đôi chân lông lá thò ra dưới lần vải. Móng tay cậu ố vàng vì suốt đời hút Gold Flakes; móng chân cũng xỉn màu tương tự.

Tôi hình dung ra cảnh cậu hút thuốc bằng ngón chân. Bị ấn tượng mạnh trước cảnh ấy, tôi hỏi cậu rằng trên thực tế cậu có làm được chiêu này không; thế là không nói một lời, cậu nhét điếu Gold Flake vào giữa ngón cái và ngón trỏ và oằn người thành một tư thế vặn vẹo kỳ quái. Tôi vỗ tay rối rít, nhưng hình như cậu lên cơn đau suốt cả ngày hôm đó.

[8] Một kiểu xà rông của Ấn Độ.

Tôi chăm chút cho cậu như một đứa con hiếu thảo: đổ gạt tàn, gọt bút chì, đem nước uống; trong khi cậu, người sau những khởi đẩu đậm chất ngụ ngôn đã nhớ ra mình là con của cha mình và dồn hết tâm huyết chống lại tất cả những gì mang hơi hướm phi hiện thực, nguệch ngoạc ra cái kịch bản yểu mệnh của cậu.

“Sonny Jim,” cậu bảo tôi, “đất nước khốn nạn này đã mơ mộng năm ngàn năm nay. Đã đến lúc nó cần tỉnh giấc.”

Hanif thích phản đối hoàng tử và yêu quái, thần thánh và anh hùng, hay, đúng ra, phản đối toàn bộ những hình tượng của điện ảnh Bombay; trong ngôi đến của những ảo tưởng, cậu trở thành đại tư tế của hiện thực; trong khi tôi, biết rõ về bản chất thần kỳ của mình, điểu gắn bó tôi vượt mọi yếu tố giảm trừ với đời sống thần thoại của Ấn Độ, cắn môi và không biết nhìn đi đâu.

Hanif Aziz, nhà biên kịch hiện thực duy nhất làm việc trong nền công nghiệp điện ảnh Bombay, đang viết câu chuyện về một nhà máy rau quả dầm được thành lập, quản lý và vận hành hoàn toàn bằng bàn tay phụ nữ. Có những cảnh lớn miêu tả sự hình thành của công đoàn; những đoạn miêu tả chi tiết quá trình làm rau quả dầm. Cậu sẽ tham vấn Mary Percira về các công thức; họ sẽ thảo luận, hàng giờ liền, về hỗn hợp tuyệt hảo của chanh vàng, chanh xanh với garam masala[9].Thật trớ trêu khi vị đại tông đồ của chủ nghĩa tự nhiên này đồng thời là một nhà tiên tri tài năng (dù vô thức) về vận mệnh của gia đình mình.

Trong những nụ hôn gián tiếp của Đôi tình nhân xứ Kashmir, cậu đã báo trước các cuộc gặp gỡ của mẹ tôi với Nadir-Qasim của bà ở Pioneer Café; và trong cái kịch bản về chutney chưa lên phim của cậu cũng ẩn chứa một lời tiên đoán với độ chính xác chết người.

[9] Một thứ bột nêm phổ biến ở Bắc Ấn, thành phần gồm nhiều loại gia vi khác nhau.

Cậu vây hãm Homi Catrack bằng kịch bản. Catrack chẳng sản xuất cái nào; chúng nằm trong căn hộ nhỏ ở Marine Drive, bao phủ mọi bề mặt có thể, khiến ta phải nhặt chúng khỏi nắp bồn cầu nếu muốn mở nó lên; nhưng Catrack (vì từ tâm? Hay vì một lý do khác, sẽ-sớm-được-tiết-lộ?) vẫn trả lương xưởng phim cho cậu tôi. Nhờ thế họ mới sống được, Hanif và Pia, bằng sự hào phóng của người đàn ông mà rồi đây, khi đến lúc, sẽ thành người thứ hai bị ám sát bởi Saleem phổng lên như nấm.

Homi Catrack nài nỉ cậu, “Chỉ một cảnh yêu đương thôi?”

Còn Pia, “Anh nghĩ gì thế, dân quê họ sẽ bỏ tiền đi xem phụ nữ ngâm Alfonso à?”

Nhưng Hanif, ngoan cố: “Đây là phim lao động, không phải phim hôn hít. Và không ai ngâm Alfonso cả. Phải dùng loại xoài có hột lớn hơn.”

Hồn ma của Joe D’Costa, theo chỗ tôi biết, không theo Mary Pcreira đến chốn lưu đày; tuy nhiên, sự vắng mặt của gã chỉ gia tăng sự hoang mang trong cô. Cô bắt đầu, trong những ngày ở Marine Drive, sợ hắn sẽ hiện hình trước mắt những người khác ngoài cô, và tiết lộ, khi cô vắng mặt, những bí mật khủng khiếp về chuyện xảy ra tại Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar vào đêm Độc lập. Thế nên sáng nào cô cũng rời căn hộ trong tình trạng lo sợ đến nhủn người, và cơ hồ ngã quỵ khi đến Biệt thự Buckingham; chỉ khi thấy Joe vẫn vô hình và im lặng cô mới thở phào. Nhưng khi về đến Marine Drive, ngập trong samosa và bánh trái và chutney, nỗi hoang mang lại bắt đầu tích tụ… nhưng do đã quyết tâm (bản thân đã có đủ phiền phúc) bỏ ngoài đầu mọi chuyện trừ Lũ trẻ, tôi không hiểu vì sao.

Hoang mang hấp dẫn hoang mang; suốt những chuyến đi, ngồi trên xe buýt chật như nêm (tàu điện đã ngừng hoạt động), Mary nghe được đủ mọi loại tin đồn và chuyện ngồi lê đôi mách, mà cô kể lại cho tôi như những sự thật tuyệt đối. Theo lời Mary, đất nước này đang bị bóp nghẹt trong cuộc xâm lăng của các thế lực siêu nhiên.

“Phải, baba, họ bảo ở Kurukshetra một bà cụ người Sikh đang ngủ trong lều bỗng tỉnh dậy và thấy cuộc chiến cổ xưa giữa phe Kuru và Pandava[10] diễn ra ngay bên ngoài! Tin đăng khắp trên báo, bà cụ chỉ cho người ta chỗ bà nhìn thấy chiến xa của Arjuna và Karna, và quả có vết bánh xe trên bùn thật! Baap-re-baap, lắm điềm gở quá: ở Gwalior người ta nhìn thấy hồn ma Quận chúa xứ Jhansi[11]; và thấy những con rakshasa nhiều đầu như Ravana[12], làm chuyện ấy với phụ nữ và kéo đổ gốc cây bằng một ngón tay. Tôi là một con chiên ngoan đạo, baba; nhưng tôi cũng phát hãi khi họ bảo mộ của Đức Jesus được tìm thấy ở Kashmir. Trên bia khắc hai bàn chân bị đổng đinh và một bà dân chài địa phương thề rằng đã thấy chúng rỉ máu - máu thật, xin Chúa cứu vớt chúng con! - vào đúng ngày Thứ Sáu Lành[13]… điều gì đang xảy ra thế, baba, sao mấy thứ cổ đại ấy không chết rấp đi và đừng ám những người tử tế nữa?”

Và tôi, mắt mở to, lắng nghe; và mặc dù cậu Hanif cười ầm lên, tôi vẫn, đến bây giờ, nửa tin nửa ngờ rằng vào thời đại của những sự kiện bị đẩy nhanh tốc độ và những giờ phút bệnh tật, quá khứ của Ấn Độ đã sống dậy để đánh bại hiện tại; quốc gia thế tục vừa ra đời này đã nhận được một lời nhắc nhở chấn động về thời cổ đại huy hoàng của nó, khi dân chủ và quyền bỏ phiếu của phụ nữ đều vô nghĩa... khiến cho tất cả bị chế ngự bởi một khát khao hồi cổ, và, quên đi cái huyền thoại mới về tự do, họ quay lại với các lề thói cũ, lòng trung thành và định kiến địa phương chủ nghĩa xa xưa, và cái cơ thể chính trị[14] này bắt đầu rạn nứt. Như tôi đã nói: chặt có một đầu ngón tay thì rồi đủ thứ vòi phun của sự hỗn loạn sẽ được mở nắp.

“Rồi thì trâu bò, ba ba, bỗng dưng biến mất; bụp! Thế là ở làng quê, nông dân phải chết đói.”

[10] Trận huyết chiến Kurukshetra giữa phe Kuru và năm anh em nhà Pandava, được miêu tả rất chi tiết trong sử thi Mahabharata.

[11] Lakshmi Bai, Quận chúa (Rani) xứ Jhansi ờ Bắc Ấn, là một trong những thủ lĩnh của phong trào nổi dậy ở Ấn Độ năm 1857, chống lại ách thống trị của Công ty Đông Ấn thuộc Anh. Bà hy sinh tại Gwalior trong một trận đánh chống quân Anh.

[12] Rakshasa là một loài quỷ trong thần thoại Ấn Độ. Quỷ vương Ravana, vua của loài Rakshasa, chính là kẻ đã bắt cóc nàng Sita, vợ của Rama, trong sử thi Ramayana.

[13] Ngày Thứ Sáu Lành là ngày tín đồ Thiên Chúa kỷ niệm sự kiện Chúa Jesus bi đóng đinh câu rút.

[14] Nguyên văn: body politic, một khái niệm ẩn dụ, bắt nguồn từ thời Phục hưng, so sánh một quốc gia với cơ thể con người.

Đúng vào thời điểm này, tôi cũng bị một con quỷ kỳ lạ nhập vào; song để quý vị có thể hiểu đúng ý tôi, tôi phải bắt đầu cầu chuyện về việc này từ một buổi tôi vô hại, khi Hanif và Pia Aziz đón một nhóm bạn đến chơi bài.

Mợ tôi mắc cái tật hay cường điệu; bởi vì mặc dù thiếu vắng Filmfare và Screen Goddess, nhà cậu tôi vẫn là nơi, nhiều người lui tới. Vào những tối chơi bài, ngôi nhà sẽ chật ních những nhạc công jazz tán phét về các cuộc cãi cọ và bài phê bình trên tạp chí Mỹ, và những ca sĩ mang bình xịt họng trong xắc tay, và những thành viên của vũ đoàn Uday Shankar, đang nỗ lực hình thành một phong cách nhảy mới bằng cách kết hợp ba lê phương Tây và bharata natyam[15]; có những nhạc công vừa ký hợp đồng biểu diễn ở nhạc hội của Đài phát thanh Toàn Ấn, Sangeet Sammelan; có những họa sĩ bất đồng quan điểm dữ dội. Không khí dày đặc tào lao chính trị và các chủ đề khác.

“Trên thực tế, tôi là họa sĩ duy nhất ở Ấn Độ vẽ với một cảm quan đích thực của trách nhiệm về ý thức hệ!”

“Ờ, tội thằng Ferdy quá, sau vụ này còn lâu mới kiếm được ban nào.”

“Menon? Chớ có nhắc đến Krishna với tôi. Tôi biết hắn hồi hắn còn nguyên tắc. Như tôi đây, chưa bao giờ từ bỏ...”

“… Ơ này, Hanif, dạo này sao không thấy Lal Qasim ở đây nhỉ?”

Và cậu tôi, liếc nhìn tôi với vẻ bồn chồn: “Suỵt... Qasim nào ? Tôi chả quen ai tên thế cả.” .

[15] Điệu nhảy cổ truyền của bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ.

... Và hòa trộn với cái nhốn nháo trong căn hộ, là những sắc màu và âm thanh của Marine Drive: những khách bộ hành dắt chó đi dạo, mua hoa nhài và channa từ những gánh hàng rong; tiếng van nài của dám ăn mày và bán bhel-puri; và ánh đèn chiếu sáng thành một chiếc kiềng khổng lồ, lượn tròn và lên tận Đồi Malabar... Tôi đứng trên ban công với Mary Pereira, ngoảnh bên tai điếc vào những tin đồn cô đang thì thầm, sau lưng tôi là thành phố và trước mắt là hội chơi bài đang tụ tập và tán gẫu. Và một ngày nọ, giữa những con bạc, tôi nhận ra hình thù khắc khổ, cặp mắt trũng sâu của Ngài Homi Catrack.

Người chào tôi bằng một vẻ vồn vã bối rối: “Xin chào, nhóc! Khỏe chứ hả? Tất nhiên, tất nhiên là khỏe rồi!”

Cậu Hanif tôi chơi tá lả một cách say mê; nhưng cậu là nô lệ của một nỗi ám ảnh kỳ quái - nghĩa là, cậu quyết tâm không hạ bài chừng nào chưa có đủ một dãy mười ba con cơ. Luôn luôn cơ, tất cả đều cơ, và không gì khác ngoài cơ. Trong cuộc kiếm tìm sự hoàn hảo không thể đạt tới này, cậu tôi sẽ bỏ đi những bộ ba ngon lành và nguyên những dây bích tép rô, trước cơn ngạc nhiên huyên náo của bạn bè.

Tôi thấy tay kèn shehnai[16] danh tìếng Ustad Changez Khan (người có mái tóc nhuộm, khiến vào những tối trời nóng, tai anh bị đổi màu vì dòng chất lỏng màu đen chảy xuống) bảo cậu tôi: “Thôi nào, anh bạn; vứt cái chất cơ này đi, cứ chơi như anh em ờ đây thì đã sao.”

Cậu tôi đối mặt cám dỗ ấy; rồi rền vang át tiếng ồn, “Không, mẹ kiếp biến đi với quỷ sứ và để yên cho tôi chơi!” Cậu chơi bài như một thằng ngốc; nhưng tôi, người chưa từng thấy sự chuyên nhất về mục đích nào như thế, những muốn vỗ tay.

[16] Một loại kèn của Ấn Độ, hình dáng giống kèn ôboa.

Một khách quen của những đêm bài bạc lẫy lừng ở nhà Hanif Aziz là một tay nhiếp ảnh biên chế của tờ Thời báo Ấn Độ, một kho chuyện giật gân và tai tiếng. Cậu tôi giới thiệu tôi với ông ta: “Đây là người đã đưa cháu lên trang nhất đấy, Saleem. Đây là Kalidas Gupta. Một thợ ảnh kém cỏi; một gã badmaash chính hiệu. Chớ nói chuyện lâu với ông ấy; đầu cháu sẽ xoay mòng mòng với các xì căng đan!”

Kalidas có mái đầu bạc và chiếc mũi chim ưng. Tôi thấy ông ấy thật tuyệt. “Chú biết nhiều xì căng đan thật à?”

Tôi hỏi, nhưng ông ấy chỉ nói, “Nhóc ạ, ta mà kể ra, chúng sẽ làm bỏng tai nhóc đẩy.”

Nhưng ông ta chẳng bao giờ biết được tên tội phạm thiên tài, Các hạ xám[17] đứng sau vụ tai tiếng lớn chưa từng thấy tại thành phố này, không phải ai khác ngoài Saleem Thò lò. Nhưng tôi không được chạy trước. Câu chuyện về cây dùi cui kỳ lạ của Trung tá Sabarmati phải được tường thuật đúng thời điểm. Hậu quả (bất chấp bản chất lươn lẹo của thời gian vào năm 1958) không được phép đi trước nguyên nhân.

[17] Eminence grise, biệt danh cùa François Leclerc du Tremblay, cánh tay phải cùa Hồng y Giáo chủ Richelieu. Ông đứng sau màn trướng nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn tới chính trường nước Pháp thời Louis XIII, dù không được phong Hồng y, nhưng vẫn được tôn xưng là Các hạ, còn xám là vì ông mặc tăng y màu xám của dòng tu Capuchin. Ở đây dịch là Các hạ xám, theo cách dịch của Anh Vũ và Trần Việt ở Ba người lính ngự lâm.

Tôi đứng một mình ngoài ban công. Mary Pereira vào bếp giúp Pia chuẩn bị sandwich và pakora phết pho mát; Hanif Aziz vẫn chìm đắm trong cuộc kiếm tìm mười ba con cơ; và giờ Ngài Homi Catrack đi ra đứng cạnh tôi.

“Hít thở không khí trong lành hả,” ông ta hỏi.

“Dạ vâng,” tôi đáp.

“Thế,” ông ta hít thật sâu. “Thế, thế. Đời vẫn hậu đãi nhóc chứ? Anh bạn nhỏ xuất sắc. Cho bác bắt tay cái nào.”

Bàn tay mười tuổi bị nuốt thỏm trong nắm tay của đại gia điện ảnh (tay trái; còn tay phải bị tàn khuyết đang buông xuôi ngơ ngác bên sườn)... và giờ một cú sốc. Lòng bàn tay trái cảm thấy một mẩu giấy nhét vào – mẩu giấy ma quái, do một nắm tay linh hoạt tuồn sang! Nắm tay của Catrack siết chặt; giọng ông ta thấp xuống, xì xì, như rắn hổ mang; không thể nghe thấy từ căn phòng kê chiếc sofa sọc xanh, từng lời của ông ta xuyên vào bên tai tốt của tôi: “Đưa cái này cho mợ mày. Bí mật, bí mật. Được chứ? Cấm bép xép; kẻo tao cho cảnh sát cắt lưỡi.”

Và giờ, lớn tiếng và hổ hởi, “Tốt! Tinh thần cháu phấn khởi thế bác rất mừng!” Homi Catrack vỗ vỗ đẩu tôi; rồi quay lại chiếu bài.

Bị cảnh sát đe dọa, tôi đã im lặng suốt hai thập niên; nhưng hết rồi. Giờ đây, mọi thứ phải được phơi bày.

Chiếu bài kết thúc sớm: “Thằng bé phải đi ngủ,” Pia thì thẩm, “Mai nó phải đi học lại rồi.”

Tôi không tìm thấy cơ hội nào ở riêng vói mợ; tôi bị an trí trên sofa khi tay trái vẫn nắm chặt mảnh giấy. Mary nằm ngủ dưới sàn... Tôi quyết định giả vờ gặp ác mộng. (Ma lanh không phải quá xa lạ với tôi.) Tuy nhiên, không may là tôi mệt quá ngủ thiếp đi; và hóa ra, không việc gì phải giả vờ: bởi vì tôi đã nằm mơ thấy vụ sát hại thằng bạn cùng lớp Jimmy Kapadia.

... Chúng tôi đang đá bóng ở cầu thang chính trong trường, trên nền gạch đỏ, hết trôi lại trượt. Trên nền gạch đỏ máu có lát một chữ thập đen. Thầy Crusoe đứng trên đầu cầu thang: “Cấm trượt trên thành cầu thang đấy, ngày xưa có cậu bị ngã ở chỗ chữ thập rồi.”

Jimmy đá bóng ngay trên chữ thập.

“Vụ chữ thập là bịa,” Jimmy bảo, “Họ nói dối để mình chơi mất vui.”

Mẹ nó gọi điện thoại đến: “Đừng nghịch Jimmy nhé tim con yếu đấy.”

Chuông vào lớp. Điện thoại gác máy, và giờ chuông đổ... Không gian trong lớp nhoe nhoét viên mực, Perce Béo và Keith Nội tiết đang quậy. Jimmy muốn một cây bút chì, huých vào sườn tôi.

“Ê mày, có bút chì không, tao mượn. Một tí thôi.” Tôi đưa. Zagallo bước vào. Tay lão giơ lên ra lệnh im lặng: hãy nhìn tóc tôi mọc trên tay lão! Zagallo đội mũ lính chì chóp nhọn... Tôi phải đòi lại cây bút chì. Vươn ngón tay ra chọc chằng Jimmy một phát.

“Thưa thầy, thầy nhìn kìa, Jimmy bị ngã!”

“Thưa thầy em thấy Thò lò nó chọc!”

“Thò lò vừa bắn Kapadia, thưa thầy!”

“Đừng nghịch Jimmy nhé tim con yếu đấy.”

“Trật tự,” Zagallo quát to, “Lũ mán rừng, cầm mồm.”

Jimmy nằm một đống dưới sàn.

“Thưa thầy họ sẽ dựng một chữ thập chứ thưa thầy?” Nó mượn bút chì, tôi chọc, nó ngã. Bố nó lái xe taxi. Giờ chiếc taxi chạy vào lớp; một đống dhobi được chất lên ghế sau, Jimmy thế là đi.

Reng, chuông reo. Bố Jimmy hạ cờ trên taxi xuống. Bố Jimmy nhìn tôi: “Thò lò, mày phải trả tiền xe.”

“Nhưng thưa bác cháu không có tiền.”

Và Zagallo: “Chúng ta sẽ ghi nợ cho mày.” Nhìn thấy tóc tôi trên tay Zagallo. Lửa trào ra từ mắt Zagallo.

“Năm trăm chiệu, một mạng người?” Jimmy chết rồi; năm trăm triệu hãy còn sống. Tôi bắt đầu đếm: một hai ba. Những con số diễu quanh nấm mồ Jimmy. Một triệu hai triệu ba triệu bốn. Ai thèm quan tâm nếu có ai, có ai chết. Một trăm triệu và một hai ba. Bây giờ những con số diễu quanh lớp học. Thình thịch huỳnh huỵch hai trăm triệu ba bốn năm. Năm trăm triệu hãy còn sống nhăn. Và có mỗi mình tôi...

... Trong đêm tối, tôi bừng tỉnh khỏi giấc mơ về cái chết của Jimmy Kapadia sau đó trở thành giấc mơ về sự-hủy-diệt-bởi-những-con-số, kêu la gầm rú gào thét, nhưng vẫn nắm mảnh giấy trong tay, Và cánh cửa bật mở, hiện ra cậu Hanif và mợ Pia. Mary Pereira cố vỗ về tôi, nhưng Pia thật quyền uy, mợ là một cơn gió lốc thần tiên của váy ngủ và dupatta, mợ ẵm tôi trên tay: “Không sao! Kim cương của mợ, không sao rồi!”

Và cậu Hanif, ngái ngủ: “Nào, phaelwan! Ổn cả rồi; sang đây, sang đây với cậu; bế nó sang, Pia!”

Và giờ tôi đã an toàn trong vòng tay Pia,; “Riêng tối nay, ngọc trai của mợ, con có thể ngủ với chúng ta.” - và tôi nằm đó, rúc giữa mợ và cậu, cuộn mình nép vào những đường cong thơm mùi nước hoa của mumani của tôi.

Hãy tưởng tượng, nếu quý vị có thể, niềm hân hoan đột ngột của tôi; hãy tưởng tượng cơn ác mộng tan biến khỏi tâm trí tôi với tốc độ nào, khi tôi rúc vào tấm váy ngủ phi thường của mợ! Khi mợ trở mình, cho thoải mái, và một trái dưa vàng ruộm mơn trớn má tôi! Khi bàn tay Pia tìm và nắm chặt tay tôi... tôi bèn thực thi nhiệm vụ của mình. Khi tay mợ nắm lấy tay tôi, mảnh giấy được chuyền từ tay sang tay. Tôi cảm thấy người mợ đờ ra, im lặng; rồi, cho dù tôi rúc lại gần nữa gần nữa gần nữa, mợ đã quên bẵng mất tôi; mợ đang đọc trong bóng tối, và người mợ càng cứng đờ hơn; và rồi bỗng nhiên tôi hiểu rằng minh đã bị lừa, rằng Catrack là kẻ thù của tôi; và chỉ sự đe dọa của cảnh sát mới ngăn được tôi mách cậu.

(Hôm sau, ở trường, tôi được biết về cái chết bi thảm của Jimmy Kapadia, do nhồi máu cơ tim. Ta có thể giết một người bằng cách mơ thấy người đó chết? Mẹ tôi vẫn luôn bảo thế; và, nếu thế thật, thì Jimmy Kapadia là nạn nhân đầu tiên bị tôi sát hại. Homi Catrack sẽ là người kế tiếp.)

Lúc tôi quay về sau ngày đầu tiên trở lại trường, vừa đắm mình trong sự bẽn lẽn bất thường của Perce Béo và Keith Nội tiết (“Này, ờ, bọn tao đâu biết ngón tay mày... à, bọn tao có vé xem phim miễn phí tối mai đấy, mày muốn đi không ?”) và sự nổi tiếng cũng bất ngờ không kém của tôi (“Hết Zagallo rồi! Mày chất đấy! Mất tóc như thế cũng đáng!”), mợ Pia vắng nhà. Tôi ngồi im lặng cạnh cậu Hanif trong khi, ờ dưới bếp, Mary Pereira chuẩn bị bữa tối. Đấy là cảnh một gia đình nhỏ yên bình, nhưng sự bình yên bị phá vỡ, đột ngột, bởi tiếng cửa mở đánh sầm một cái. Hanif buông bút chì xuống khi Pia, vừa đóng sầm cửa chính, đẩy tung cửa phòng khách thô bạo không kém.

Rồi cậu vui vẻ ồm ồm, “Kìa, bà xã: gì mà kịch tính thế?”… Nhưng Pia không dễ xoa dịu.

“Viết lách đi,” mợ nói, vung tay chém gió, “Allah, khỏi cần dừng lại vì tôi! Tài ba cho lắm vào, đi đái ở cái nhà này cũng thấy dấu vết thiên tài của anh. Anh đẹp ý chứa, chồng tôi? Ta kiếm được nhiều tiền nhỉ? Chúa tử tế với anh nhỉ?”

Hanif vẫn hổ hởi. “Kìa Pia, có ông khách bé của ta ở đây. Mình ngồi xuống, uống trà đi...” Nữ diễn viên Pia như đóng băng lại với một vẻ khó tin.

“Ôi Chúa ơi! Tôi rơi vào cái nhà thế này bao giờ không! Đời tôi tan nát, và anh mời tôi trà; mẹ anh thì mời tôi xăng! Điên hết cả rồi…”

Và cậu Hanif, giờ đã nhíu mày: “Pia, thằng bé...” Một tiếng rít. “Ahaaa! Thằng bé - nhưng thằng bé cũng đã chịu đựng; nó vẫn đang chịu đựng; nó biết rõ thế nào là mất mát, là lẻ loi! Tôi đây, cũng đã bị bỏ rơi: tôi là một diễn viên kiệt xuất, và tôi ngôi đây, vây quanh là chuyện về những tay bưu tá và những gã đánh xe lừa! Anh biết gì về nỗi đau của đàn bà? Chỉ biết ngồi, ngồi, nhận bố thí của một lão chủ xưởng phim người Parsee giàu béo, chả cần biết vợ mình phải đeo đồ mỹ ký và hai năm trời không có lấy một tấm sari mới; đàn bà tuy giỏi chịu đựng thật, nhưng, người chồng yêu quý ạ, anh đã biến đời tôi thành sa mạc! Đi đi, mặc kệ tôi, để yên cho tôi nhảy qua cửa sổ! Bây giờ tôi sẽ sang phòng ngủ,” mợ kết thúc.

“Và nếu anh không nghe thấy gì nữa thì đó là vì tim tôi đã tan nát và tôi đã chết.” Lại những tiếng sập cửa: đó là một màn đi vào đầy ấn tượng.

Cậu Hanif đã bẻ cây bút chì, khi lơ đãng, làm đôi. Cậu lắc đầu khó hiểu: “Cô ấy làm sao thế?” Nhưng tôi biết. Tôi, người mang bí mật, người bị cảnh sát đe dọa, tôi biết và cắn môi. Vì, mắc kẹt giữa cuộc hôn nhân của cậu mợ mình, tôi đã phá vỡ nguyên tắc tôi vừa tự đặt ra và xâm nhập vào đầu Pia. Tôi đã thấy mợ đến Homi Carrack và biết rằng, mấy năm nay, mợ là tình nhân củalão; tôi đã nghe lão bảo mợ rằng đã chán nhan sắc của mợ, và nay lão đã có người khác; và tôi, vốn đã căm ghét lão vì quyến rũ mợ yêu dấu của tôi, thì nay căm ghét lão dữ dội gấp đôi vì đã bắt mợ hứng chịu nỗi nhục nhã bị ruồng bỏ.

“Sang với mợ đi,” cậu tôi nói. “Biết đâu con sẽ làm mợ vui lên.”

Cậu bé Saleem đi qua những lần cửa bị sập liên tục đến nơi ẩn lánh của người mợ bi kịch; và bước vào, để thấy thân hình mỹ lệ tuyệt trần của mợ đang nằm soải trong lả lơi huyền diệu tên chiếc giường cưới – nơi, mới đêm qua, thân thể nép sát vào thân thể - nơi giấy tuồn từ tay sang tay… tay mợ run bần bật nơi tim; ngực mợ phập phồng; và cậu bé Saleem lắp bắp: “Mợ, ôi mợ, con xin lỗi.”

Một tiếng than thống thiết vang lên. Đôi cánh tay đào thương, xòe ra hướng về phía tôi. “Ôi! Hỡi ôi! Ôi hỡi ôi!” Chẳng cần mời gọi thêm nữa, tôi lao về phía vòng tay ấy; tôi nhào vào giữa chúng, nằm lên trên mợ đang thổn thức của tôi. Đôi cánh tay khép lại quanh tôi, chặt nữa chặt nữa, những móng tay bấu xuyên tấm áo học trò trắng, nhưng tôi mặc kệ!- nhưng tôi mặc kệ - bởi có gì đấy bắt đầu giần giật dưới chiếc thắt lưng khóa chữ S của tôi.

Bên dưới tôi, mợ Pia vặn vẹo trong nỗi tuyệt vọng và tôi vặn vẹo theo mợ, vẫn nhớ giữ bàn tay phải không loạn động. Tôi giữ cứng nó ở ngoài vòng cuộc đảo điên. Bằng một tay, tôi bắt đầu vuốt ve mợ, không ý thức được mình đang làm gì, tôi mới lên mười và vẫn mặc quần cộc, nhưng tôi đang khóc bởi mợ đang khóc, và âm thanh ấy tràn ngập căn phòng - và trên giường khi hai cơ thể vặn vẹo, hai cơ thể dần dần bắt một thứ nhịp điệu, không thể gọi tên không thể tưởng tượng, hông rướn lên lên phía tôi, trong khi mợ la lớn, “Ôi! Ôi Chúa ơi, Ôi Chúa ơi, Ôi!”

Và có lẽ tôi cũng la, tôi không dám chắc, có gì đó đã thay đau buồn ngự trị ở đây, trong khi cậu tôi mải bẻ gãy những cây bút chì trên một chiếc sofa sọc khị mợ oằn oại và quằn quại dưới tôi, và cuối cùng bị bóp nghẹt bởi một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của mình tôi hạ tay phải xuống, tôi đã quên bẳng ngón tay đau, và khi nó chạm vào vú mợ, vết thương ấn lên làn da…

“Yaaouuuu!” Tôi gào lên đau đớn; và mợ, choàng tỉnh khỏi bùa mê khiếp đảm của mấy phút giây ấy, đẩy tôi khỏi người mợ và giáng một cái tát vang dội vào mặt tôi. May thay, đấy là má trái; bên tai tốt của tôi không gặp nguy cơ tổn thương nào.

“Badmaash!” mợ tôi thét lên, “Một nhà toàn kẻ điên loạn và biến thái, khốn nạn thân tôi, có người đàn bà nào khổ sở như tôi không?”

Ngoài cửa có tiếng đằng hắng. Tôi đã đứng dậy, lẩy bẩy vì đau. Pia cũng đứng dậy rồi, tóc mợ chảy xuống như từng hàng nước mắt. Mary Pereira đứng ở ngưỡng cửa, đằng hắng, mặt đỏ bừng trong cơn bối rối, tay cầm một gói giấy.

“Baba, xem tôi quên cái gì này,” rốt cuộc cô cũng nói nên lời. “Giờ cậu là người lớn rồi: nhìn xem, mẹ gửi cho cậu một đôi quần dài trắng rất đẹp này.”

Sau khi mất tự chủ một cách khinh suất đến thế trong lúc cố gắng an ủi mợ tôi, tôi khó lòng tiếp tục ở lại căn hộ trên Marine Drive. Thường xuyên có các cuộc điện thoại dài và căng thẳng trong mấy ngày sau đấy; Hanif thuyết phục ai đó, trong khi Pia khoa tay múa chân, rằng có lẽ bây giờ, sau năm tuần... và một tối nọ sau khi tôi ở trường về, mẹ tôi lái chiếc Rover cũ đến đón tôi, và cuộc lưu đày đầu tiên của tôi kết thúc.

Cả trên chuyến xe về nhà, lẫn sau này, tôi đều không nhận được lời giải thích nào về cuộc lưu đày của tôi. Bởi vậy, tôi quyết định rằng mình sẽ không nghĩ đến chuyện đặt câu hỏi. Bây giờ tôi đã mặc quần dài, tôi, bởi vậy, là một người đàn ông, và phải gánh chịu khó khăn như một người đàn ông.

Tôi bảo mẹ tôi: “Ngón tay con cũng ổn rồi. Hanif mamu dạy con cầm bút theo cách khác, nên con có thể viết bình thường.” Bà dường như đang rất tập trung lái xe.

“Kỳ nghỉ này rất vui,” tôi lịch sự bổ sung. “Cảm ơn mẹ đã cho con đi.”

“Ôi bé con,” bà bật thốt, “mặt con như mặt trời mới mọc thế kia, mẹ biết nói gì đây? Hãy ngoan ngoãn với cha con; dạo nay ông ấy không được vui.”

Tôi bảo rằng tôi sẽ cố gắng ngoan; bà dường như bị loạng choạng tay lái và xe chúng tôi chạy sát sạt đầy nguy hiểm qua một chiếc xe buýt.

“Thế giới này thật là,” một lúc sau bà nói. “Bao chuyện kinh khủng xảy ra mà ta chẳng biết vì đâu.”

“Con biết,” tôi tán thành. “Ayah đã kể con nghe.”

Mẹ tôi nhìn tôi đầy kinh hãi, rồi ngoảnh nhìn Mary ở ghế sau.

“Đồ đàn bà đen đúa,” bà kêu lên, “cô đã kể những gì?”

Tôi giải thích về những quái sự mà Mary đã kể cho tôi, song những tin đồn gở dường như đã làm mẹ tôi bình tâm lại.

“Con thì biết gì,” bà thở dài, “con chỉ là một đứa trẻ.”

Tôi biết gì hả, Amma? Tôi biết về Pioneer Café! Đột nhiên, trên đường về, một lần nữa trong tôi lại dâng lên khao khát báo thù người mẹ bội bạc của tôi, một khao khát đã nhạt đi dưới ánh hào quang rực rỡ của cuộc lưu đày, nhưng giờ đã quay lại và hợp nhất với nỗi căm ghét mới phát sinh với Homi Catrack. Niềm khao khát hai đầu này là một con quái vật đã chế ngự tôi, và đẩy tôi đến chỗ làm điều tồi tệ nhất mà tôi từng làm… “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi,” mẹ tôi nói, “đấy rồi con xem.”

"Vâng thưa mẹ."

Tôi chợt nhận ra mình đã không nhắc gì, trong suốt chương này, tới Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm; nhưng, thực tình mà nói, hồi ấy, với tôi chúng không có vẻ gì là rất quan trọng. Tâm trí tôi còn nhiều chuyện khác.