Những Điều Trường Harvard Thật Sự Dạy Bạn

Chương 15. TỐT NGHIỆP

Mọi người thường lấy làm thích thú khi được nhận lương hưu và tiền trợ cấp vì những đóng góp và cống hiến trong lao động của mình. Nhưng chẳng ai buồn tính đến giá trị của thời gian: con người thường phung phí rất nhiều thời gian như thể họ chẳng mất mát chút gì.

SENECA, trong cuốn Đời người thật ngắn

Kết thúc kỳ học, khối A tụ họp lại trong tiết học cuối. Thầy Felix phụ trách lớp học hôm đó và chúng tôi được yêu cầu phải đọc một bài viết của chuyên gia quản trị người Mỹ Peter Drucker với tựa đề “Tự quản lý bản thân”. Nội dung của bài viết chủ yếu xoay quanh những vấn đề của nền kinh tế tri thức, chúng ta phải làm gì để quản lý sự nghiệp, sự giáo dục và phát triển của chính mình. Chúng ta phải biết thừa nhận điểm yếu của bản thân, biết tập trung và phát triển sức mạnh của chính mình. Bên cạnh sự nghiệp, chúng ta cũng nên tập trung vào những lĩnh vực khác để có một cuộc sống ý nghĩa khi sự nghiệp đang nở rộ. Ý tưởng của bài viết này đã lý giải được phần lớn ý nghĩa của mục tiêu phát triển cá nhân luôn được đề cao tại HBS, mục tiêu “biến” chúng tôi thành những nhà lãnh đạo. Những sinh viên tốt nghiệp các khóa trước có thể xin làm việc cho một công ty lớn và dành toàn bộ sự nghiệp cho nó. Còn chúng tôi sẽ phải tự lo cho bản thân, coi mình như một dạng tài sản cá nhân, di chuyển từ công ty này tới công ty khác, từ nơi này tới nơi khác, tự chịu trách nhiệm về bản thân.

Tuy nhiên, câu hỏi gây tranh cãi gay gắt nhất lại liên quan tới một chủ đề khác. Câu hỏi đã được một sinh viên sẽ trở lại bán trái phiếu tại phố Wall đưa ra: “Làm sao chúng ta có thể biết được bao nhiêu là đủ?” Tiêu chuẩn để được coi là giàu có khi tôi còn học tại HBS là phải có một chiếc máy bay phản lực. Giá máy bay có thể lên tới 100 triệu đô la/chiếc, và chiếc máy bay sẽ giúp bạn bước lên hàng ngũ những người giàu có. Lisa, một phụ nữ Hồi giáo, nói rằng giàu có thật sự bắt nguồn từ sự cân bằng cuộc sống, công việc và một gia đình hạnh phúc. Nhiều người không đồng tình với ý kiến trên. Theo một phụ nữ sắp làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại New York, sống thoải mái mà không phải làm việc là quá đủ, cô dự định thực hiện thành công mục tiêu này trước tuổi nghỉ hưu. Câu hỏi này chứa đựng trong nó nỗi sợ hãi mà bất kỳ bài tập tình huống hay buổi thảo luận nào cũng không thể giải đáp. Thế giới này vẫn còn vô vàn những điều con người chưa biết. Nhưng chắc chắn, chúng ta đã được trang bị tốt hơn khi phải đối mặt với những ẩn số bí hiểm đó, tự tìm ra những lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, những câu hỏi liên quan đến sự tồn vong của loài người vẫn chưa được giải đáp. Chúng ta là ai? Và tại sao chúng ta làm vậy với cuộc sống của mình? Bao nhiêu là đủ?

Nhìn chung, cuộc họp khối hôm đó diễn ra khá suôn sẻ. Khác với năm nhất, mọi người đều đã có nhóm của mình. Nhưng giờ đây, đám sinh viên chúng tôi nhìn nhận nhau bằng đúng con người thật của mình: một nhóm người tình cờ đến với nhau trong một thí nghiệm giáo dục và giờ lại bị ném trở lại thế giới như những mảnh đơn lẻ. Tương lai sắp phải đi làm trở lại đè nặng không khí lớp học. Các nhân viên ngân hàng và chuyên gia tư vấn sắp phải đi làm trở lại sau kỳ nghỉ hai năm. Những người muốn đổi nghề lo ngại về những đổi thay sắp sửa diễn ra. Sau hai năm nhìn nhận thế giới dưới con mắt của giới lãnh đạo, những nhà tài phiệt, CEO, hầu hết đám sinh viên chúng tôi đều phải quay lại thực tế khắc nghiệt, nơi một kỹ năng lãnh đạo và phát triển hay các khuôn khổ chiến lược sẽ phát huy tác dụng. Bong bóng danh tiếng của HBS đã bảo vệ chúng tôi. Trong suốt hai năm qua, chúng tôi đã được khoản đãi như những sinh viên cực kỳ có triển vọng. Đã đến lúc chúng tôi phải thể hiện khả năng của mình.

Những tuần cuối cùng tại trường là thời gian kinh khủng nhất. Tôi giành được danh hiệu là người duy nhất trong khối không nhận được bất kỳ lá thư mời làm việc nào. Những sinh viên còn lại của lớp đều chuyển tới làm tại Google và Yahoo!, các tập đoàn tài chính Merrill Lynch và Lehman Brothers, các công ty tư vấn như McKinsey, Bain và Boston Consulting Group của Mỹ. Annette tiếp tục từ chối sự cám dỗ của đồng tiền quanh phố Wall để tập trung vào ngành công nghiệp thời trang. Một vài sinh viên tìm đích đến tại Trung Quốc và Ấn Độ nhưng điều đáng ngạc nhiên là, họ lại quyết định tới hai quốc gia này mặc dù vẫn than vãn về chúng trong suốt hai năm qua. Các nhân viên ngân hàng từng tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại phố Wall nhưng giờ lại quay về đó, vì họ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của số tiền lương khổng lồ. Một nữ sinh quyết định trở lại làm việc cho một công ty đầu tư vốn tư nhân ở bờ biển phía Tây nước Mỹ dù cô thường xuyên chê bai môi trường làm việc tồi tệ ở đó. Nhưng cô đã kết luận rằng hiếm người có năng lực nhạy bén tài chính như cô, và trong 10 năm nữa, khi khoảng 30 tuổi, cô sẽ có đủ số tiền cần thiết để có thể làm mọi điều mình thích. Gia đình cô không giàu có, và cô hoàn toàn có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, dù từng giờ, từng ngày khốn khổ qua đi, cô vẫn không chịu từ bỏ cơ hội đó. Justin quyết định ở lại Harvard thêm một thời gian nữa và sẽ trở lại làm việc cho ngân hàng đầu tư nơi anh đã làm trong suốt mùa hè. Chỉ hai năm thôi, anh nói. Sau đó, mọi đảo lộn bắt nguồn từ HBS sẽ hoàn toàn biến mất. Anh sẽ lại có thể làm những điều mình muốn. Giới kinh doanh và chính phủ sẽ phải coi trọng anh sau hai năm làm việc tại phố Wall. Bo đã mua một căn nhà tại thành phố Kansas, nơi anh sẽ làm việc cho một quỹ từ thiện có sứ mệnh nghiên cứu và phát triển tinh thần kinh doanh thông qua các chương trình giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành. Công việc của anh bao gồm việc nghiên cứu phương pháp giảng dạy nghệ thuật kinh doanh tại các trường đại học và cách thức hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và giới doanh nhân trong việc đưa các ý tưởng từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Đây là chỗ làm lý tưởng cho một người muốn khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội. Cedric đã chấp nhận làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tại các thị trường mới nổi, nhưng anh cũng dự định làm việc cho một ngân hàng sẽ đưa anh tới châu Phi.

Dịch vụ giới thiệu việc làm tiếp tục đưa ra thông báo: “95% sinh viên niên khóa 2006 đã chấp nhận lời mời làm việc!” Một tuần sau đó: “97,6% sinh viên niên khóa 2006 đã nhận việc!” Tôi là thành viên thuộc nhóm thiểu số nhanh chóng giảm bớt đó. Tôi muốn nói rằng mình không sao. Rằng tôi vẫn muốn giữ vững lập trường. Rằng tôi đã rất chú ý từng lời nói của các diễn giả: hãy làm những việc bạn yêu thích. Đừng từ bỏ. Phải biết liều lĩnh, bởi cuộc sống sau này sẽ còn khó khăn hơn thế. Gia đình quan trọng hơn công việc. Đừng hy sinh tất cả chỉ vì tiền. Nếu bạn yêu thích công việc của mình, tiền sẽ tự động chảy vào túi bạn. Nhưng không phải vậy. Tôi đã vô cùng lo sợ. Càng đến những ngày cuối cùng của học kỳ, tôi càng thấy mình như kẻ sắp tới số.

Lo ngại lớn nhất của tôi chính là tôi đã lãng phí kinh nghiệm của mình. Còn bằng chứng nào lớn hơn việc tôi sắp trở thành kẻ thất nghiệp? Tôi biết mọi người sẽ chẳng trông đợi gì ở tôi. “Cậu đến học ở HBS mà chẳng thể tìm nổi một công việc ư?” Lúc này, lớp học cũng được phân cấp rõ rệt. Tốp đầu là những sinh viên sau khi ra trường sẽ làm cho các công ty vốn tư nhân và quỹ đầu tư phòng vệ rủi ro với mức lương hàng trăm nghìn đô-la một năm. Người ta gọi họ là “những chú ngựa nòi”. Tốp hai là những sinh viên sẽ làm việc, thường là theo nhóm, cho các ngân hàng đầu tư và công ty tư vấn có nhiệm vụ trao đổi các loại chứng từ với các đối tác. 5% lớp học, tức là khoảng 45 sinh viên, sẽ làm việc cho công ty tư vấn McKinsey. Trong số những sinh viên yêu thích công nghệ, một vài người đã may mắn tìm được việc làm tại các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu ở thung lũng Silicon và Boston. Bảy sinh viên khác đầu quân cho Google, chín người làm cho Microsoft. Như vậy, các công ty tài chính, tư vấn và công nghệ đã tuyển đến 69% sinh viên của lớp. Đứng cuối danh sách là những sinh viên chưa có việc hoặc chưa nhận được bất cứ lời mời làm việc nào, trong đó có tôi.

Sinh viên quốc tế được chia làm hai loại, những người về nước và những người muốn sống thêm vài năm tại Mỹ. Trước khi về nước, sinh viên Mỹ Latinh thường muốn được chứng nhận trong bản lý lịch đã làm việc cho một công ty hàng đầu của Mỹ. Vài năm làm việc cho những ngân hàng nổi tiếng như Citibank hay Goldman Sachs không chỉ giúp họ trang trải nợ nần mà còn có thêm chút danh tiếng. Hầu hết đám sinh viên người châu Âu đều muốn băng qua Đại Tây Dương, rất nhiều người trong số đó muốn làm việc tại London. Một xu hướng mới xuất hiện trong đám sinh viên người Ấn Độ là trở về quê hương. Một trong số những sinh viên tài chính thông minh nhất khóa đã quyết định từ bỏ một vị trí tại quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn nội bộ hàng đầu của ngân hàng Goldman Sachs, New York để mở một quỹ đầu tư vốn tư nhân tại Ấn Độ. Đám sinh viên Trung Quốc cũng làm điều tương tự. Cơ hội cho những sinh viên tốt nghiệp HBS tại Trung Quốc lớn hơn nhiều so với việc phải bươn chải trên đường phố New York.

Mỗi khi cảm thấy lo lắng, tôi lại nói chuyện với Margret. Nàng liền an ủi, động viên rằng tôi không hề lãng phí thời gian. Tôi đã học hành chăm chỉ. Đọc kỹ từng bài tập tình huống. Luôn chuẩn bị bài vở chu đáo. Tham dự đầy đủ các buổi nói chuyện. Dành thời gian cho các buổi họp nhóm. Thử thành lập một doanh nghiệp. Đi phỏng vấn. Tôi chỉ chưa tìm ra điều mình nên làm. Nhưng vài tuần trôi qua, vợ tôi thừa nhận là bắt đầu cảm thấy lo lắng. Chúng tôi có hai cậu con trai, nên cần có thu nhập. Đôi lúc, dường như không khí quá căng thẳng, buộc tôi phải đưa ra quyết định. Nợ nần chồng chất trở thành gánh nặng với tôi. Tôi đã chỉ tiêu chính xác số tiền mà trường Harvard đã thông báo về chi phí học tập, bao gồm tiền học và chi phí chỗ ở, bảo hiểm sức khỏe, các chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Tổng chi phí là 175.000 đô-la. Phần lớn số tiền đều là vay mượn, và khoản nợ đầu tiên sẽ phải hoàn trả trong sáu tháng sau khi ra trường. Max, một doanh nhân người Đức, khuyên tôi không nên quá lo lắng: “Sẽ có sự linh động mà, anh có thể xin gia hạn nợ và giảm nợ.” Nhưng tôi chẳng cảm thấy yên tâm hơn chút nào.

Buổi tối, sau khi học môn tự quản lý bản thân, tôi đến nhà Bo ăn tối. Khi tôi tới nơi, Bo đang bận khui vại bia Budweiser và chuẩn bị món gà bỏ lò. “Chúng ta sẽ uống bia với gà”, cậu nói, “ngon lắm đấy!” Khi tôi nói về nỗi lo âu của mình, cậu ấy thả mình xuống chiếc ghế tựa rồi vò vò đầu hai chú chó nhỏ.

“PDBizzle”, cậu ấy gọi tôi bằng biệt danh mà cậu đặt cho tôi. “Đừng coi những cô cậu sinh viên này là đồng trang lứa với mình. Họ là những kẻ lập dị. Hầu hết họ đều muốn trở thành chủ nhà băng và tư vấn viên. Họ chẳng giống ai trên thế giới này. Tôi biết rất rõ điều đó, vì vậy hãy nghe tôi: cậu sẽ thấy chán ngán nếu phải làm việc cùng họ. Cậu sẽ thấy chán ngán nếu phải làm việc cho một công ty lớn. Có thể cậu nghĩ sẽ yêu thích những thứ đó vì cậu đã rất thích vài môn học ở trường này. Nhưng thực tế không phải vậy. Kinh doanh và trường kinh doanh là hai thứ hoàn toàn khác nhau.”

Thế nhưng, phải cố gắng lắm tôi mới thôi so sánh mình với các bạn học tại HBS. Mọi công ty đều thích các ứng viên có “hai năm kinh nghiệm tư vấn hay làm việc tại ngân hàng đầu tư”. Nhưng tôi vẫn nộp đơn xin việc để rồi vỡ mộng khi bị từ chối. Tôi từng nghĩ rằng tấm bằng MBA sẽ là một minh chứng hùng hồn cho niềm đam mê kinh doanh và những năng lực cơ bản của tôi. Nhưng với các công ty lớn có rất nhiều ứng viên đã tốt nghiệp HBS, bằng tốt nghiệp thôi chưa đủ. Bạn phải có quan hệ lâu dài với những công ty này. Mỗi khi tôi hỏi xin sự giúp đỡ hay lời khuyên từ các bậc tiền bối của Harvard, họ đều tỏ ra quan tâm và giúp đỡ rất tận tình. Họ đều giới thiệu cho tôi những người có tiếng tăm, bày cách để được nhận vào các công ty hay gợi ý các nguồn hỗ trợ tài chính. Rất nhiều người khuyên tôi đừng chấp nhận làm những công việc mà mình ghét ngay khi mới ra trường. Vấn đề lớn nhất của tôi là tôi thật sự không biết mình muốn làm gì, và tôi bắt đầu thấy chán nản.

Tôi nhận ra mình đang bị giằng co giữa hai thái cực. Một bên là Joseph Galli, và một bên là Alice Trillin. Galli tới thăm trường vào một buổi chiều mùa đông u ám trong năm thứ hai, vài tháng sau khi bị cách chức Giám đốc Kinh doanh tập đoàn Newell Rubbermaid nổi tiếng của Mỹ. Ông được bổ nhiệm vị trí này khi mới 42 tuổi, sau thành công tại công ty sản suất thiết bị điện và đồ gia dụng Black&Ducker. Nhưng ông chỉ ở vị trí đó trong bốn năm do không thể giúp công ty phát triển. Ông cảm thấy mình bị trừng phạt sau thất bại tại Newell, nhưng vẫn duy trì niềm say mê công việc. “Tôi được lợi vì được nghỉ tới bốn tháng”, ông nói với giọng đầy vẻ hào hứng. “Trong suốt bốn tháng đó, tôi được gần gũi gia đình, được thư giãn, được đọc những cuốn sách từng rất muốn đọc”. Tôi phân vân tự hỏi, ông mất bốn tháng chỉ để làm ngần ấy việc thôi sao. Ông nói tiếp: “Bạn không thể vừa là một CEO giỏi mà lại vẫn có thời gian dành cho gia đình, chơi bài poker ba tối mỗi tuần, tham gia câu lạc bộ golf, tới bãi biển Myrtle ở Nam Carolina cùng với các con, vui chơi tại các quán rượu. Bạn phải từ bỏ vài thứ trong đó”. Ông nói đã không hề biết tới sự tồn tại của cô con gái chỉ vì quá bận rộn. Khi nghe ông nói những điều đó, tôi tự hỏi ông sẽ nói gì nếu ông thành công tại Newell. Nếu sự nghiệp của ông vẫn tiếp tục đi lên, liệu ông có nói về quan hệ của mình với con gái không? Tôi cảm thấy, Galli cũng giống vài doanh nhân từng khoe khoang về việc tới tham dự trận đấu bóng của con như những ông bố bà mẹ tốt, đều có lựa chọn của mình: công việc số một, gia đình số hai.

Một cậu bạn trong khối tôi đã tìm được việc làm tại một ngân hàng đầu tư danh tiếng. Cậu kể lại cuộc đối thoại kỳ lạ với lãnh đạo ngân hàng khi nói về trường. Khi vị CEO nọ còn đang nhìn chằm chằm vào chân của cậu, cậu buộc phải mở lời trước. “Ông có hối hận khi trở thành một chuyên gia ngân hàng không?”, cậu hỏi. “Mệt mỏi lắm”, vị CEO đáp lại mà không buồn nhìn lên. “Tôi hiếm khi được nói chuyện với con trai”. Bạn tôi đã miễn cưỡng duy trì cuộc nói chuyện. Nhưng cuối cùng cậu vẫn được nhận.

Alice Trillin là vợ của nhà văn Mỹ nổi tiếng Calvin Trillin. Bà mất năm 2005, và Calvin đã viết cuốn hồi ký tuyệt vời The New Yorker (Người New York) mà tôi đã đọc trong những ngày cuối cùng ở Harvard. Ông viết, Alice khá cứng nhắc trong chuyện dạy con. Dù con cái có là tâm điểm cuộc sống của bạn hay không, mọi thứ cũng chỉ là nguỵ biện. Những câu văn đó như sét đánh ngang tai tôi. Đó là sự thật mà tôi đã biết trước khi tới HBS nhưng rồi lại lãng quên. Trong cuộc sống, bạn không thể tập trung vào quá nhiều thứ. Mọi thứ sẽ rối tung lên. Chẳng có gì là cân bằng, chẳng có cái được cái mất. Chỉ có những lựa chọn cơ bản trong cuộc sống. Bạn buộc phải lựa chọn.

Một buổi tối, một người bạn mời tôi đi uống tại câu lạc bộ Racquet, New York. Anh này tốt nghiệp trường kinh doanh Georgetown, tự mở một quỹ đầu tư phòng vệ rủi ro và đã phải đóng cửa chỉ sau hai năm hoạt động. Chúng tôi ngồi trên ban công, nhìn ngắm những tòa cao ốc trên đại lộ Park Avenue trong ánh đèn và cuộc sống ban đêm. “Tôi sẽ nói cho anh biết vấn đề của anh là gì”, anh dứ dứ điếu thuốc về phía tôi và nói. “Vấn đề của anh chính là: anh muốn kiếm tiền nên anh đã tới HBS để tìm kiếm cơ hội. Nhưng anh không thể dập tắt ý nghĩ thường trực trong đầu rằng: kiếm tiền là cách ngu ngốc nhất để được sống. Đây chính là vấn đề của anh, tôi cũng từng trải qua nỗi khổ tương tự.”

Mùa hè trước tại London, trong một bữa tối, vài người bạn đã công kích tôi dồn dập, cho rằng tôi đang bán mình chỉ để kiếm được một công việc lương cao. Theo họ, tôi hoàn toàn có đủ điều kiện để được sống một cuộc sống mơ ước, tại sao tôi lại không biết nắm lấy cơ hội đó? Tại sao tôi phải tìm kiếm những thứ không thuộc về mình?

***

Sau khi các lớp học kết thúc để chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp, chúng tôi được nghỉ một tháng. Tôi quay lại Anh một tuần, chúng tôi cũng ở New York vài ngày. Một ngày nọ, khi ngồi trên xe buýt tới đại lộ Lexington trong giờ ăn trưa, nhìn sang bên trái, tôi thấy một người đàn ông nhỏ thó trong tấm áo khoác bằng da lạc đà dài tới đùi trên vỉa hè. Cách ông lê từng bước khiến tôi tưởng ông có vấn đề gì. Cái đầu lớn cạo nhẵn nhụi và bộ mặt nhăn nhó với cái môi trề xuống. Ông mặc một chiếc quần bò có vẻ đắt tiền, đi giày da đen mõm nhọn, những loại trang phục chỉ dành cho thanh niên. Cách đó vài bước là một người đàn ông to lớn, vận một chiếc áo mưa dài màu đen, tay cầm bộ đàm một vệ sĩ.

Tay vệ sĩ đảo mắt nhìn khắp khu phố đông nghẹt người. Phải mất vài giây sau tôi mới nhận ra người đàn ông trong chiếc áo khoác da lạc đà. Tôi đã không thể tin vào mắt mình. Tại sao ngay giữa ban ngày, nhà đầu tư tỷ phú Ron Perelman, người sở hữu tới bảy, tám hoặc chín tỷ đô-la, lại đứng trên một góc phố? Chẳng phải những người cỡ như ông ta còn đang mải thâu tóm các công ty?

Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Ron Rerelman là trong một ấn bản của tạp chí Vanity Fair hồi năm 1995. Bức ảnh chụp ông khi đang ngồi trong chiếc Porsche gần căn biệt thự ở Hamptons, Tây Nam Virginia. Khi đó, đầu ông vẫn còn lún phún vài sợi tóc như đám địa y mọc trên cái đầu giảo hoạt, ông vừa thoát khỏi cuộc hôn nhân thứ hai để chuẩn bị cho đám cưới lần ba. Trong ảnh, trông ông có vẻ rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, tựa như chẳng biết hay chẳng thèm bận tâm xem những người khác nghĩ gì về lão già nhỏ bé, béo phệ với những chiếc xe Porsches, những cô vợ tóc vàng hoe và hàng tỷ đô-la trong nhà băng.

Trong suốt thập niên 1980, khi Perelman kiếm được rất nhiều tiền, ông bị coi là quân phiến loạn, kẻ sát nhân nắm giữ giới kinh doanh nước Mỹ. Ông tìm kiếm và mua lại các công ty bị đánh giá thấp do các món nợ khổng lồ, sau đó bán lẻ cổ phần của các công ty này để kiếm lời. Ông thường vay tiền của ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert, do Michael Milken, người sau này bị tống giam do buôn bán cổ phiếu bất hợp pháp, nắm giữ. Do mức độ an toàn thấp, các khoản nợ thường được vay với lãi suất tương đối cao và được gọi là “thuốc phiện”. Nhưng thuật ngữ thuốc phiện chẳng có nghĩa lý gì với tôi. Rủi ro của một khoản nợ bắt nguồn từ khả năng thanh toán khoản nó. Bạn hoàn toàn có thể đánh giá khả năng thanh toán dựa trên số tài sản thế chấp cho khoản vay và dòng tiền khoản nợ đó tạo ra. Ngoài ra, bạn cũng có thể đánh giá khả năng thanh toán dựa trên đặc điểm của người vay.

Thông thường các ngân hàng dựa trên chỉ số tín nhiệm của mỗi cá nhân để phân loại người vay. Nhưng một chuyên gia cho vay sành sỏi lại nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn thế. Động cơ của người đó là gì? Người đó muốn thành công tới mức nào? Nếu tôi là người cho vay. Thì người như Ron Perelman, một người đầy nhiệt huyết và tham vọng, luôn biết xoay xở trong mọi tình huống bất trắc, với đam mê quyền lực, khát khao không thể dập tắt trước xe hơi và phụ nữ, tôi chắc chắn sẽ cho vay, cho vay mãi, và không bao giờ muốn gọi khoản vay của mình là “thuốc phiện” cả. Tôi sẵn sàng chấp nhận cơ hội cho một người có quyết tâm kiếm tiền vay.

Dẫu sao, thời gian và các sự kiện đã chứng minh tính đúng đắn trong phương pháp của Perelman. Ngày nay, ông lại được trọng vọng như một thiên tài đầu tư tư nhân, thậm chí trong tương lai còn có thể được mời làm bộ trưởng tài chính. Hậu duệ của Perelman và Milken chính là những người tạo nên xu thế tài chính chủ đạo hiện nay.

Tỷ suất đòn bẩy từng được coi là từ ngữ bẩn thỉu nay đã biến thành ngạn ngữ. Các công ty như tập đoàn cổ phần đầu tư Mỹ Blackstone đã tìm cách đi vay lãi suất thấp để mua lại và tái tổ chức các công ty bị đánh giá thấp để thu về lợi nhuận khổng lồ mà không bị những kẻ dưới thời Perelman chỉ trích. Quái vật trong quá khứ đã trở thành người hùng sáng lập.

Vậy là Ron đang đứng trên phố, một tay đút túi áo nắm chắc một thứ gì đó. Tôi nhìn chằm chằm hồi lâu khi xe buýt dừng lại đón khách.

Mãi ngoài 30 tuổi, sự nghiệp của Perelman mới bắt đầu khởi sắc, điều này mang lại cho tôi chút hy vọng. Như vậy là tôi vẫn còn thời gian. Nhưng khi sự nghiệp đã lên, không ai có thể cản bước ông. Ông đã trở thành triệu phú vào tuổi 36, và trở thành tỷ phú không lâu sau đó. Tuy nhiên, đời sống hôn nhân tan vỡ với bốn cuộc ly dị. Khi nhận ra Perelman, phản ứng đầu tiên của tôi là cảm giác sung sướng đến tê người. Trông ông thật bình thường! Trông mới đáng thương, quỷ quyệt làm sao trong buổi sáng u ám trên đường phố Manhattan này. Tôi chẳng bao giờ mong đợi được trông thấy vẻ hạnh phúc trên khuôn mặt một nhà triệu phú cả.

Nhưng ngay lập tức, tôi tự hỏi, vấn đề của tôi là gì? Perelman đã từng làm gì tôi? Như thể tôi chưa từng muốn giàu có như con người này vậy. Vậy tại sao mỗi lần trông thấy ai đó có thật nhiều tiền, hành động bản năng đầu tiên xuất hiện trong tôi lại là ý nghĩ: “đương nhiên rồi, hẳn là ông ấy phải khốn khổ lắm”, rồi cố lần tìm từng bằng chứng vụn vặt nhất có thể để chứng minh cho giả thiết của mình. Ông muốn đi tiểu sao, Perelman? Ha ha! Có vô khối tỷ phú khác cũng hệt như ông. Còn tôi thì ngồi đây trong chiếc xe buýt ấm áp này với một cuốn sách trong túi, hạnh phúc vì sắp sửa được trở thành thạc sĩ thất nghiệp duy nhất của trường Harvard. Hãy cho tôi một tỷ đô-la và tôi biết mình sẽ phải làm gì với số tiền đó. Trả tiền cho vệ sĩ chỉ để đưa tôi đi bộ dọc trên đại lộ Lexington sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi. Ông là một kẻ thất bại, Perelman ạ. Tiếp tục đi, cứ đếm tiếp đống tiền và những bà vợ tóc vàng của ông đi. Chẳng thay đổi được gì đâu. Ông vẫn chỉ là một ông già mập ú mặc áo khoác chật với cái nhìn đầy vẻ lo âu trên một góc phố.

Nhưng tại sao, có vô khối nơi trên trái đất này nhưng tôi lại chọn tới học tại HBS, một thể chế có nhiệm vụ giảng dạy cho con người ta biết cách cóp nhặt từng đồng hào để biến chúng thành những nguồn lực khổng lồ? Tại sao cảm xúc này lại trỗi dậy trong tôi mỗi khi được gặp một người cực kỳ giàu có? Nếu tôi ngưỡng mộ họ đến vậy, tại sao tôi không cố ganh đua với họ mà lại thấy thương hại trước sự bất hạnh của họ. Do tôi đố kỵ chăng? Hay vì tôi đang phải nếm trải cảm giác đứa con tinh thần lệch lạc trong nhận thức mách bảo tôi rằng vì mình thiếu khả năng, phẩm chất và lòng nhiệt huyết nên tôi sẽ chẳng bao giờ trở nên giàu có như vậy đâu? Hồi mới 20 tuổi, tôi đã hình dung mình như huân tước Jimmy Goldsmith, một nhà tài chính hàng đầu của châu Âu. Giờ tôi đã 33, chẳng còn là con người 13 năm trước nữa, với chút ít hy vọng biến tham vọng đó thành hiện thực, nhưng chút hy vọng đó lại đang teo tóp dần sau mỗi ngày trôi qua.

Tôi nhớ lại một buổi sáng ở đại sảnh Aldrich, khi tôi và Cedric đang giết thời gian trong giờ nghỉ giữa tiết học bằng cách bàn về nền chính trị Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, một chính trị gia bảo thủ, cậu bảo ông này từng bị đồn đại là đã nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy tu Hồi giáo Tây Phi. Người ta nói những ông thầy tu Hồi giáo này có thể giúp một người đạt được quyền lực vĩ đại nhưng phải đổi lấy bằng một sự hy sinh cực kỳ khủng khiếp. Năm 1988, sau khi Chirac thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống, theo lời đồn, ông cho triệu một thầy tu tới Paris. Tên thầy tu nói nếu ông muốn có chiếc ghế tổng thống, ông cần phải hy sinh một trong số những đứa con gái của mình. Ngay sau đó, đứa con gái nhỏ của Chirac là bé Laurence bắt đầu mắc phải chứng biếng ăn, từ đó cô bé chẳng bao giờ có thể hồi phục lại như trước. Cedric khẳng định với tôi rằng tại Tây Phi, những câu chuyện kỳ dị kiểu này đều có thật.

Câu chuyện khiến tôi giật mình tưởng thầy phù thủy Faust của Đức hồi khoảng thế kỷ XV đã hồi sinh. Nếu bạn sẵn sàng đánh đổi linh hồn, hoặc con cái, quỷ dữ sẽ cho bạn bất cứ thứ gì. Có lẽ một ngày nào đó, sẽ có một nhà kinh tế học làm việc đó. Bao nhiêu người làm giàu hay trở nên có quyền lực bằng chính đôi tay mình đã phải chịu đựng những mất mát này? Và liệu họ có phải chịu đựng nhiều hơn bình thường không? Nhưng khi nhìn vào trường hợp của Perelman, tôi lại nghĩ về thầy phù thủy Faust theo cách khác. Thay vì là một câu chuyện cổ tích giáo dục đạo đức, có lẽ câu chuyện chỉ phản ánh cách những con người kém may mắn hơn an ủi bản thân. Chẳng ai có thể vừa giàu lại vừa hạnh phúc. Chỉ có thể có một trong hai thứ mà thôi. Phải là như vậy. Đúng không?

***

Lễ tốt nghiệp thất bại thảm hại. Trời đã bắt đầu đổ mưa một vài ngày trước đó và chẳng có vẻ gì sẽ tạnh. Baker Lawn tập hợp mọi người cùng nhau vượt qua bão táp để xếp một hàng ghế gấp màu đỏ trước sân khấu không có nổi lấy một bóng người được che bằng vải bạt lõng bõng nước. Bố mẹ và dì tôi đã liều lĩnh lái xe từ Washington, nhưng khi tới nơi, họ chỉ muốn chứng kiến cảnh tôi nhận bằng tốt nghiệp rồi tới thăm lũ trẻ nhà tôi ngay lập tức. Họ không mấy hứng thú với Ngày tựu trường cũng như trước ngày lễ tốt nghiệp, khi một sinh viên và một vị khách được mời lên trình bày cảm tưởng của mình. Vì vậy, tôi tới đó một mình. Khán phòng Burden khi đó đã đông nghịt, nên tôi lê bước sang đại sảnh Aldrich nơi đám đông ướt như chuột lột xem diễn giả qua màn hình. Diễn giả đầu tiên là P. J. Kim, một sinh viên được chọn từ một đống đơn tự ứng cử gửi tới lãnh đạo khoa nhờ tài hùng biện. P.J là một người nhập cư gốc Á có gia đình sống tại phía Nam bang Texas. Giống như tôi, công cuộc tìm việc của cậu ấy cũng không mấy suôn sẻ như những người khác, nhưng cậu ấy vẫn hy vọng. Cậu nói: “Không kiếm được việc trong kỳ cuối tại HBS giống như tham dự một buổi dạ tiệc khi mọi người đã có đôi có cặp còn bạn đang đứng một mình trong góc ăn khoai tây rán.”

Cậu nói cậu đã đi vận động hỏi xin ý kiến bạn bè trong lớp học và đi đến ba kết luận. Justin đã từng chỉ cho tôi thấy, tại HBS bạn có thể lý giải ý nghĩa cuộc sống, vũ trụ và mọi thứ bằng những đoạn văn dài dòng, và sẽ chẳng có ai thèm để ý tới bạn đâu.

Nhưng nếu bạn có hẳn một danh sách thì mọi người đều sẵn sàng chuẩn bị ghi chép ý kiến của bạn. Danh sách của P.J gồm:

1. Khi nhìn lại, những điều to lớn sẽ trở nên nhỏ bé và điều nhỏ bé sẽ trở nên to lớn hơn.

2. So sánh sẽ giết chết hạnh phúc.

3. Chúng ta là tất cả những gì chúng ta có. Chẳng ai cứu rỗi chúng ta đâu.

Tôi đặc biệt thích kết luận thứ hai. So sánh bản thân với bạn bè hay những người đồng trang lứa chỉ khiến bạn bất hạnh mà thôi, bởi trong một số lĩnh vực của cuộc sống, luôn có người tài giỏi hơn bạn. Đó chính là điều bất hạnh của đường cong giới hạn. Tôi đã từng làm mọi việc rất tốt trước khi tới Harvard. Tôi cũng từng lãnh đạo, từng có chút địa vị. Nhưng tại HBS, dù rất chịu khó học kinh doanh và tìm hiểu bản thân, tôi đã tự đánh bại bản thân mình khi so sánh bản thân với người khác.

Diễn giả thứ hai là Hank Paulson, một cựu sinh viên của trường, người gần đây đã rời vị trí CEO của ngân hàng Goldman Sachs để trở thành bộ trưởng tài chính. Ông là một người kỳ quặc với đôi vai vạm vỡ và cái đầu trọc lốc. Ông nói bằng một thứ giọng rắn rỏi, cổ họng ông rung liên hồi hàng giờ không nghỉ quát tháo các luật sư trong các phòng hội thảo ngột ngạt. Theo ông, ngày nay, thế giới có vô vàn các cơ hội kinh tế, nhiều hơn rất nhiều những gì ông từng chứng kiến trước đó. Nhưng thế giới cũng có nhiều bất ổn hơn trước. Kẻ thắng cuộc sẽ là những kẻ “bán rẻ bạn bè”. Ông đưa ra bốn lời khuyên:

1. Cưỡng lại những ham muốn tầm thường, trước mắt.

2. Thành thực với bản thân, phải biết công việc nào là phù hợp với mình.

3. Gìn giữ la bàn đạo đức

4. Duy trì cân bằng giữa sự nghiệp với cuộc sống.

Ông kêu gọi chúng tôi không nên trở thành những “cỗ máy chỉ biết làm việc”, khuyên chúng tôi nên biết học hỏi và tỏa sáng mỗi khi thời cơ đến. “Thứ duy nhất bạn không thể không làm là học.” Về luận điểm thứ hai, ông nói, ngày nay những người ông gặp dường như đều tin rằng họ có năng khiếu bẩm sinh để đầu tư hoặc kinh doanh bằng tiền của người khác. Không phải ai cũng hợp với cái nghề này, còn có vô vàn ngành nghề khác để theo đuổi. Ông nói, hạnh phúc thật sự trong công việc sẽ xuất hiện khi bạn giỏi làm những việc khó.

Về la bàn đạo đức, ông nói bạn cần phải làm việc đúng và khiến mọi người biết bạn đang làm việc đúng. Ông cảnh báo chúng tôi trước lối tư duy theo đám đông và áp lực từ phía bạn bè sẽ buộc người tốt phải làm việc xấu. Ông nói, người xấu làm việc xấu và người tốt làm việc tốt là chuyện khá dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn, ta phải hiểu tại sao người tốt lại làm việc xấu để tránh điều tương tự xảy đến với bản thân chúng ta.

Về vấn đề cân bằng, ông nói khi còn là một nhân viên ngân hàng trẻ tuổi ở Chicago, ông đã dành quá nhiều thời gian để làm việc ở văn phòng trong khi con ông còn nhỏ. Cuối cùng, vợ yêu cầu ông phải về nhà cho con ngủ. Ông bắt chuyến tàu muộn vào buổi chiều trở về nhà lúc sáu giờ để đọc chuyện cho chúng. Nhưng do đã quá quen với tốc độ gấp gáp của công việc nên ông đọc liến láu các câu chuyện như đọc chỉ số chứng khoán. Vợ nhắc ông đọc chậm lại, nhưng con gái ông bảo ông không nên nghe theo mẹ chúng. Cô bé thích ông đọc nhanh. Paulson nói, không một công ty nào có thể giúp chúng ta cân bằng. Chúng ta phải học cách nói không, sắp xếp kế hoạch để dành thời gian cho gia đình, bạn bè, và các mục tiêu cá nhân.

Sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng, lễ trao bằng tốt nghiệp đã bắt đầu. Tôi cũng định tới tham dự, nhưng lúc đó trời vẫn còn mưa và tôi tỉnh dậy, cần chút thời gian yên tĩnh một mình. Dù tôi đã làm được rất nhiều việc, học được rất nhiều điều, quen được rất nhiều bạn mới, nhưng cảm giác bất trắc về tương lai vẫn luôn khiến tôi thấy thất vọng. Tôi biết điều này thật nực cười. Học tại HBS không phải để kiếm việc mà để xây dựng nền tảng cho một cuộc sống thú vị hơn. Các số liệu thống kê cho thấy có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp Harvard bỏ công việc đầu tiên họ nhận sau khi ra trường trong năm đầu tiên. Môi trường học tập và làm việc như điên như dại và giới hạn chật hẹp của một ngôi trường kinh doanh buộc con người ta phải đưa ra các quyết định sai lầm, để rồi họ nhanh chóng sửa sai khi quay trở lại thế giới thực. Nhưng việc này chẳng có ích gì. Tôi nghĩ, tới thời điểm này trong đời, tôi đã có thêm nhiều câu trả lời và cứ thế tiếp tục buông trôi, chịu đựng, tôi tự hỏi liệu tôi có làm nhiều người phải thất vọng không.

***

Sáng sớm hôm đó, khi các thành viên khác trong lớp học chuẩn bị tới quảng trường Harvard, tôi mặc quần áo cho Augie và hai chúng tôi lái xe tới North End của Boston. Chúng tôi thường tới đây vào các buổi sáng thứ bảy để ăn món bánh nướng kiểu Ý khi Margret và Hugo còn đang ngủ. Chúng tôi ngồi vào chiếc bàn quen thuộc tại quán cà phê Caffe dello Sport, phía dưới một chiếc tivi khổng lồ chiếu các trận bóng đá Italia. Tôi đọc báo trong khi Augie nhai ngấu nghiến miếng bánh nướng. Sau đó chúng tôi đi bộ trong làn mưa bụi tới khu mua sắm phố Paul Revere, đi qua bức tượng anh hùng Revere, một người thợ vàng dũng cảm dám chống quân xâm lược Anh hồi thế kỷ XVIII, và một hàng cây. Đống tường gạch đỏ còn ẩm ướt, không khí nặng nề tĩnh lặng. Chúng tôi là những người duy nhất ở đó. Chúng tôi đi dọc theo đài phun nước dưới nhà thờ Old North và ngồi lại đó. Trong khi Augie nghịch chiếc xe đồ chơi, tôi lại gần bức tường đọc bia tưởng niệm những công dân nổi tiếng của North End. Trên đó có ghi tên của Revere. “Paul Revere (1735-1818). Một nhà ái quốc. Một thợ thủ công lão luyện. Một công dân gương mẫu. Sinh thành tại phố Hanover. Sống tại phố North. Làm chuông đúc trên phố Fosster đã qua đời tại phố Charter.” Ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc, một cuộc đời đã trở thành nút thắt kết nối các con phố nhỏ. Tôi đọc đi đọc lại tấm bia tưởng niệm. Chính việc làm giản đơn đó đã giúp tôi lấy lại tinh thần. Ông không đi đâu xa để kiếm tìm vận may của mình. Điều này khiến tôi nhớ đến lời khuyên của Lassite cố tìm lấy một bộ tộc những người cùng chung thế giới với mình và bám lấy họ. Những người dân North End trong Cách mạng Mỹ chắc chắn đã làm vậy. Tôi nghĩ về những người bạn Revere đã từng có, những người đồng chí thân nhau như ruột thịt. Rồi tôi nghĩ về đám bạn cùng lớp mình đang biến mất vào tận cùng thế giới để tìm kiếm cơ hội, lo lắng về công việc và cuộc sống, và tôi cảm thấy mình không nên là một người trong số họ. Không nên ràng buộc bản thân làm những điều mình biết mình sẽ không thích. Sau khi đi thơ thẩn hồi lâu, tôi thèm được sống cuộc đời được ghi trên tấm bia tưởng niệm đó quá. Tôi nhận ra nếu tiếp tục tìm kiếm, với những nền tảng kiến thức giáo dục tôi đã có, đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của tôi.