NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

Những Ước Mơ

Khi còn bé tí, tôi hay mơ về mẹ,  mơ đến năm lên sáu tuổi. Sau đó tôi hiểu, chính xác hơn tôi được giải thích rằng mẹ tôi là một "con đĩ nhọ", đã bỏ rơi tôi. Tôi không thích viết điều này, nhưng chính tôi đã được giải thích bằng những từ này.

Những người giải thích cho tôi là những người lớn và khoẻ mạnh, họ đúng trong mọi chuyện do đó họ cũng đúng trong chuyện nhỏ này. Tất nhiên còn có cả những người lớn khác.

Họ là thầy cô; họ kể cho tôi nghe về những đất nước xa xôi, về các đại văn hào, kể rằng cuộc sống rất tuyệt vời và mỗi người sẽ tìm ra chỗ đứng cho mình trong cuộc đời, chỉ cần học thật giỏi và nghe lời người lớn. Họ luôn dối trá. Dối trá trong mọi chuyện. Họ kể về những ngôi sao và các châu lục, nhưng không cho phép bước ra khỏi cổng cô nhi viện. Họ nói về sự bình đẳng của tất cả mọi người, nhưng chỉ đưa những đứa trẻ biết đi đến rạp xiếc.

Chỉ có các bà bảo mẫu là không nói dối. “Bảo mẫu” – một từ thật dịu dàng. Ngay lập tức khiến ta nhớ tới bà bảo mẫu của Puskin. Những bà cô nông dân bình thường. Họ không bao giờ nói dối. Thỉnh thoảng họ còn cho chúng tôi ăn kẹo. Có lúc họ độc ác, có lúc họ tốt bụng, nhưng họ luôn thẳng thắn và chân thành. Qua những lời của họ ta thường có thể hiểu được bản chất sự việc, trong khi không thể nhận được câu trả lời rõ ràng của các thầy cô. Khi cho kẹo, họ nói “Thằng bé tội nghiệp, giá như mày chết sớm đi để khỏi làm khổ bản thân và bọn ta”. Hay khi mang xác một đứa đã chết ra ngoài, họ nói “Ơn Chúa, cuối cùng nó cũng hết đau khổ”. Mỗi khi tôi bị cảm nằm trong phòng ngủ một mình với một bà bảo mẫu như vậy và không phải đến trường, bà cô nhân hậu mang đến cho tôi kẹo hay quả ngâm và kể về những đứa trẻ hy sinh ngoài mặt trận, về người chồng nghiện rượu, về nhiều chuyện thú vị khác. Tôi lắng nghe và tin tất cả, như trẻ con tin vào sự thật. Mà có lẽ chỉ có trẻ con tin.  Những người lớn thường không thể tin vào điều gì nữa. Và về “con đĩ nhọ”, các bà bảo mẫu kể cho tôi nghe giản dị và tự nhiên như kể về mưa và tuyết.

Lên sáu tuổi, tôi không mơ về mẹ nữa. Tôi mơ mình “đi được”. Hầu như ai cũng đi được. Thậm chí cả những đứa di chuyển khó khăn bằng nạng. Những đứa trẻ biết đi được đối xử tốt hơn nhiều so với chúng tôi. Họ là người. Sau khi rời khỏi cô nhi viện, họ có thể trở thành những người có ích cho xã hội – kế toán, thợ đóng giày, thợ may. Có nhiều người được học hành tử tế, “vươn lên thành người”. Sau khi rời khỏi cô nhi viện, họ quay trở lại trường trên những chiếc xe đắt tiền. Lúc đó người ta tập trung chúng tôi trong hội trường lớn, kể chuyện học sinh cũ của trường đang giữ chức vụ quan trọng nào. Từ các câu chuyện cho thấy, những cô chú to béo ấy luôn nghe lời người lớn, học giỏi và có được mọi thứ nhờ vào trí tuệ và sự nhẫn nại của mình. Nhưng họ đi được! Tôi cần gì phải nghe những lời huyên thuyên tâng bốc của họ, nếu chính tôi cũng biết cần phải làm gì nếu biết đi? Làm sao để đi được thì chẳng ai nói cả.

Lên tám tuổi, tôi hiểu ra một điều rất đơn giản: tôi chẳng cần cho ai hết. Người lớn và trẻ con chỉ nghĩ về bản thân. Tất nhiên tôi hiểu rằng ở đâu đó trên một hành tinh khác có tồn tại những ông bố, bà mẹ, ông bà, nhưng xa vời và thiếu thuyết phục đến mức tôi xếp những điều nhảm nhí đó vào cùng một loại với những vì sao và các châu lục.

Lên chín tuổi, tôi hiểu rằng mình không bao giờ có thể đi được. Điều này thật buồn. Những đất nước xa xôi, những ngôi sao và niềm vui khác nữa đều khép lại. Chỉ còn cái chết. Dai dẳng và vô nghĩa.

Lên mười tuổi, tôi được đọc về các phi đội Thần phong Nhật bản. Những chàng trai dũng cảm mang cái chết đến cho kẻ thù. Chỉ bằng một chuyến bay không hạ cánh, họ đã trả hết món nợ với đất nước vì tất cả những số gạo đã ăn, những tã lót đã dây bẩn, những cuốn vở học sinh, những nụ cười của các cô gái, mặt trời và những ngôi sao, quyền được nhìn thấy mẹ mỗi ngày. Điều này hợp với tôi. Tôi biết, người ta chẳng bao giờ cho tôi lên máy bay. Tôi mơ về một quả ngư lôi. Quả ngư lôi được điều khiển và nhồi đầy thuốc súng. Tôi mơ mình từ từ tiến lại gần tàu sân bay của địch và nhấn nút đỏ.

Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Giờ đây tôi đã là người lớn và hiểu biết mọi chuyện. có thể điều này là tốt, mà cũng có thể là không tốt lắm. Tất cả những người hiểu biết thường chán ngắt và hời hợt. Tôi không có quyền muốn chết. Bởi vì số phận gia đình phụ thuộc rất nhiều vào tôi. Vợ và các con tôi yêu tôi và tôi cũng yêu họ vô cùng. Nhưng đôi khi, nằm thao thức trong bóng tối, tôi vẫn hay mơ về một quả ngư lôi có nút đỏ. Ước mơ trẻ con ngây thơ đó vẫn ám ảnh tôi, và có lẽ sẽ còn ám ảnh mãi.