NHỮNG DẢI TRẮNG TRÊN NỀN ĐEN

GIẤY PHÉP RA VÀO

Nhà dưỡng lão. Không phải ký túc xá, không phải bệnh viện. Hàng rào chắc chắn bằng những khối bê tông cốt sắt, cổng bằng thép. Trại nằm cách xa thành phố. Bên cạnh là nhà tù dành cho thường phạm. Nơi đó thì rõ rồi, có tù nhân, có giây thép gai. Các tù nhân thật sung sướng, mãn hạn, họ sẽ được tự do. Chúng tôi chẳng có gì để hy vọng. một khu cách ly. Người lạ không được vào. Người sống trong đó không có quyền bước ra khỏi cổng nếu không có giấy phép của giám đốc. Một cái giấy phép thông thường, có chữ ký và đóng dấu. Canh cổng cẩn mật là một người từng là cai ngục của trại bên cạnh. Ông ta đã già để có thể phục vụ trong ngành Công an, còn đôi với cái cổng của chúng tôi, ông ta vẫn còn phù hợp. Ngồi và mở cổng cho lãnh đạo. Một công việc bình thường, quen thuộc, hơn nữa lại có một khoản không tồi thêm vào lương hưu.

Người nào nhanh nhẹn hơn hay khoẻ mạnh hơn thì trèo qua hàng rào hay đào tường. Đối với chúng tôi, những người tật nguyền ngồi xe lăn, lão gác cổng bất hạnh đó là một con chó dữ thật sự.

Một thanh niên tật nguyền gọi taxi. Anh đã thoả thuận trước với đám bạn để họ đưa anh vào xe. Ba ngày trước chuyến đi, anh ta đã kiếm được một giấy phép ra vào. Mọi chuyện đều ổn, đều theo kế hoạch, ở đây mọi người cho anh vào xe, nơi đến sẽ có người đón. Anh ta đã ngồi trong xe, xe lăn gấp lại để trong thùng xe.

Họ tiến lại cổng. Bác tài bật đèn hiệu. Một lão già thấp lùn bước ra khỏi chòi canh, không vội vã, đôi mắt độc ác sắc lẻm.

Ai trong xe?

Bác tài không hiểu câu hỏi.

Một người.

Có giấy phép ra vào không?

Người lái xe lúng túng lấy của người thanh niên tàn tật giấy phép ra vào, đưa cho lão. Lão ta chăm chú xem xét tờ giấy bằng con mắt thạo đời.

Được rồi, hãy để anh ta đi qua. Tôi nhận ra anh ta, thường xuyên lảng vảng quanh cổng. Chỉ có điều lần trước anh ta ngồi xe lăn và không có giấy phép ra vào.

Nhưng lần này thì có. Ông mở cổng đi.

Anh không hiểu tôi rồi. Trong giấy ghi là “cho phép đi ra khỏi khu vực nhà dưỡng lão”. Đây là giấy tờ. Tôi phải thực hiện đúng theo như vậy. Nếu anh ta muốn ra, hãy để anh ta đi ra, không muốn thì thôi. Ngồi trong xe, anh ta sẽ không thể ra khỏi trại.

Bác tài tức giận. Người đàn ông đứng tuổi không quen thất bại. Ông ta lái xe tới khu nhà của nhà dưỡng lão, đi bộ vào bên trong. Sau nửa tiếng giải thích với giám đốc nhà dưỡng lão, trong tay ông ta vẫn là tờ giấy phép ra vào ấy, nhưng có thêm một dòng ngoài đề bằng bút mực “và xe đi ra”. Trong góc được dóng thêm một cái dấu tròn của trại. người thanh niên tật nguyền vui mừng. Hôm đó có lẽ giám đốc đang vui. Theo luật, phải huỷ giấy cũ, viết đơn xin cấp giấy phép mới và đợi mấy ngày để giải quyết một việc phức tạp như vậy. Xe tiến lại gần cổng lần thứ hai. Lão thường trực chăm chú nghiên cứu tờ giấy đã được sửa, trả lại nó cho bác tài và miễn cưỡng đi mở cổng.

Họ đi trong im lặng độ mấy phút. Bỗng bác tài dừng xe lại. Tay xiết chặt vô lăng, ông ta thở hắt ta. Không nhìn người hành khách, ông nói vào không khí trước mặt, giận dữ, căng thẳng.

Này chàng trai, đừng giận, ta sẽ không lấy tiền của cậu đâu. Không phải bởi vì cậu tàn tật. Thời trẻ ta đã ngồi tù ba năm, ta nhớ đến hết đời. Kể từ khi đó ta căm thù bọn cớm.

Ông tắt đồng hồ tính tiền, nhấn ga. Chiếc xe lao đi hết tốc lực, rời xa nhà dưỡng lão, xa trại giam, xa lão gác cổng khốn kiếp. Thật tuyệt. Tự do.