Những bà bảo mẫu tốt là những người theo đạo. Tất cả. Vậy là tôi đã viết và phân loại mọi người. Tôi chẳng thể làm điều gì được về chuyện này. Đức tin bị cấm. Người ta nói với chúng tôi rằng không có Chúa. Vô thần là chuẩn mực. Giờ đây ít có ai tin vào điều này nhưng thời đó là như vậy. Tôi không biết trong số các thầy cô có ai theo đạo không. Có lẽ là có. Thầy cô bị cấm nói với chúng tôi về đề tài này. Họ có thể bị đuổi việc vì làm dấu thánh hay vì một quả trứng Phục sinh, các bảo mẫu thì không. Lương bổng của các bảo mẫu rất ít, công việc lại nhiều. Hiếm ai muốn đi cọ sàn và thay áo quần cho trẻ con. Người ta làm ngơ cho những bà bảo mẫu theo đạo. Và họ cứ việc tin. Họ tin, bất chấp tất cả. Họ cầu nguyện rất lâu trong các phiên trực đêm, thắp những ngọn nến họ mang theo. Ban đêm, họ rửa tội cho chúng tôi. Trong ngày lễ Phục sinh, họ mang đến cho chúng tôi những quả trứng tô màu và bánh rán. Thức ăn bị cấm mang vào cô nhi viện nhưng ban lãnh đạo có thể làm gì được đối với những phụ nữ ít học?
Các bảo mẫu tốt ít lắm. Tôi nhớ tất cả bọn họ. Giờ thì tôi cố gắng kể về một người trong số họ. Đây là một câu chuyện thực do bà bảo mẫu kể cho tôi nghe. Tôi cố gắng ghi lại một cách chính xác nhất có thể những gì trí nhớ non nớt còn giữ lại được.
°
“Bà đã làm ở đây rất lâu rồi, khi bà đến bà nhìn thấy lũ trẻ còn lít nhít, đứa không tay, đứa không chân. Tất cả đều nhem nhuốc. Bà rửa ráy cho chúng, còn chúng thì bò ra sàn và lại lấm lem. Có đứa phải đút cho ăn, có đứa mỗi tiếng phải tắm rửa một lần. Bà rất mệt. Trong đêm trực đầu tiên, bà không hề nằm nghỉ lấy một phút nào. Họ mang đến một đứa trẻ mới nữa, nó gọi mẹ cả đêm. Bà đến bên giường ngồi cạnh nó, cầm tay nó và ngồi như vậy cho đến sáng. Và bà cứ khóc suốt. Đến sáng ra, bà đến chỗ Đức Cha xin chúc phúc để thôi việc. Bà nói, con không thể nhìn cảnh đó, con thương tất cả bọn trẻ, tâm hồn như rạn vỡ. Nhưng Đức Cha không chúc phúc. Cha nói, đó sẽ là cây thập tự mà con sẽ phải vác suốt đời. Bà đã cầu xin Cha, đã van nài. Rồi làm việc một thời gian, bà quen dần. Nhưng vẫn thấy nặng nề. Bà viết lên trên giấy tên những đứa trẻ mà bà đã chăm sóc. Bà có một quyển vở và bà ghi tên tất cả các con vào trong đó. Rồi trong ngày lễ Phục sinh, bà thắp cho mỗi đứa một ngọn nến và đọc kinh cầu nguyện cho từng đứa. Bởi vì Đức Chúa Trời đã dạy phải cầu nguyện cho tất cả những đứa trẻ vô tội. Mà tên con thật lạ lùng, Ruben, chắc con là người Armenia. Người Armenia theo đạo Thiên Chúa, điều này bà biết chắc chắn. Con bảo con không phải là người Armenia sao? Bà cũng nghĩ ngay là nếu bố mẹ không đến đón con, chứng tỏ họ là người khác đạo nào đó. Một người đã được rửa tội không bao giờ bỏ rơi con mình. Chúng là bọn chó má, xin Chúa tha tội cho con, một mụ già ngu ngốc, không muốn mà vẫn bị phạm tội. Còn con sẽ được ghi trong sổ của bà, thiếu họ. Họ của con thật kỳ lạ, bà không thể viết được. Tất cả đều được ghi có họ, còn con thì lại không. Khi cầu nguyện, chỉ được đọc tên, nhưng dù sao cũng không hay lắm khi không có họ”.
Nói gì đây sau câu chuyện này? Tôi đã trưởng thành, đã đọc rất nhiều sách và đã nghĩ mình rất thông thái. Cám ơn thầy cô đã dạy cho tôi biết đọc. Cám ơn đất nước Xô Viết đã nuôi tôi lớn khôn. Cám ơn những người Mỹ thông minh đã sáng chế ra máy tính, đem lại khả năng đánh máy câu chuyện này chỉ bằng ngón trỏ của bàn tay trái. Cám ơn tất cả những bà bảo mẫu tốt bụng vì đã dạy tôi lòng nhân ái, vì sự ấm áp trong tâm hồn mà tôi đã mang theo, vượt qua tất cả mọi thử thách. Cám ơn vì tất cả những gì không thể nói thành lời, không thể tính toán trên máy tính và không thể đo đếm được. Cám ơn vì tình yêu và vì lòng từ bi Thiên Chúa, cám ơn vì tôi là một người Cơ đốc giáo, vì những đứa con tôi. Cám ơn tất cả.