Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn

Chương XIII

Tôi nghẹn thở, gần như sắp quỵ xuống. Bị kẹt ở trên một cái tàu đắm với một bọn cướp thế này! Nhưng thôi, chả có thì giờ mà ngồi than khóc nữa. Chúng tôi phải tìm cách gỡ lấy cái gì ở đấy mà thoát mới được. Chúng tôi vừa đi vừa rung lên thành tàu, mà sao nói lại chậm chạp thế nữa chứ, hình như đi được tới đằng sau lái phải mất đến một tuần lễ.

Chẳng thấy bóng dáng chiếc thuyền nào cả. Jim thì nói rằng không chắc hắn có thể bước đi được nữa không, hắn sợ quá đến nỗi không còn sức mà bước nữa – hắn bảo thế. Nhưng tôi giục cứ đi, nếu bị kẹt trên cái tàu đắm này thì chắc chết. Chúng tôi lại dò dẫm đi. Lần được tới đằng sau lái, nhô ra phía cửa kính bám chặt vào ô cửa, nhưng ô cửa đã gần chìm xuống mặt nước. Lúc ra đến cửa lớn để đi sang buồng hành khách thì thấy có một chiếc xuồng con ở đó.
Đúng là xuồng rồi, tôi nhìn thấy rõ ràng.
Trời ơi! Không còn mừng nào đáng mừng hơn nữa. Tôi vừa định trèo lên thì cánh cửa chợt mở. Một người thò đầu ra chỉ cách chỗ tôi độ nửa thước. Tôi tưởng thế là chết, nhưng rồi người kia lại thụt đầu vào nói:
– Nhấc cái đèn lên một tí thì mới nhìn thấy được, Bill ơi!
Hắn ta vứt một cái bọc gì vào khoang tàu, rồi bước vào theo bậc xuống. Đó là Packard. Rồi đến
Bill vào theo nữa. Packard nói nhỏ:
– Xong cả rồi, đẩy đi
– Tôi không đánh đu được lên cánh cửa, vì sức yếu quá. Bill nói:
– Giữ lấy nhé, mày đã soát kỹ lại nó chưa?
– Chưa, mày có soát lại không?
– Không, nhưng mà nó chưa lấy phần của nó đâu.
– Thôi, thế được rồi, đi đi, không cần phải lấy đồ đạc và bỏ tiền lại.
– Nhưng này, liệu có thể nghi là mình bỏ lên làm gì không?
– Có lẽ không. Nhưng dù sao mình cũng ăn chắc rồi. Đi thôi.
Rồi họ đi ra.
Cánh cửa đóng đánh sầm một cái, vì nó ở bên phía đốc đóng vào. Chỉ trong một nửa tích tắc, tôi đã nhảy vào chiếc xuồng con. Jim lập cập nhảy theo sau, tôi rút con dao nhíp ra cắt đứt dây thừng. Thế là chuồn.
Chúng tôi không hề đụng đến một cái mái chèo, không nói mà cũng không thì thầm, ngay cả thở mạnh cũng không dám nữa. Cho xuồng lướt nhẹ đi, im lặng như chết, đi qua cái guồng tàu, rồi đi qua đằng lái, rồi một vài giây đồng hồ sau, chúng tôi đã cách xa cái tàu đắm đến gần trăm thước. Bóng tối đã hoàn toàn che lấp hết không còn nhìn thấy gì ở chiếc tàu nữa. Và chúng tôi biết rằng mình đã thoát.

Khi đã xa khoảng ba bốn trăm thước rồi, quay lại nhìn, thấy cái đèn loé lên một chút ánh sáng ở chỗ khung cửa buồng máy chừng một giây đồng hồ. Chúng tôi biết là những gã kia không rời được khỏi tàu và cũng đang lúng túng, chẳng hơn gì cái tên Jim Turner đang bị trói.
Rồi Jim cầm lấy mái chèo, chúng tôi cho thuyền vượt nhanh lên để tìm cái bè của chúng tôi.
Đến lúc này, tôi mới bắt đầu nghĩ đến mấy gã kia, vì thật ra khi nãy chẳng còn bụng dạ nào mà lo cho họ cả. Tôi bắt đầu nghĩ rằng, ngay cả đối với những kẻ giết người đi nữa thì trường hợp bị chết kẹt như thế này thật là kinh khung. Tôi tự bảo không thể nói đến chuyện mình trở thành kẻ sát nhân, thế thì sao tôi lại có thể thích để cho họ như thế được. Tôi bảo Jim:

– Hễ thấy chỗ nào có ánh đèn thì chúng mình sẽ cập vào khoảng một trăm thước trên chỗ đó, tìm một chỗ để anh có thể đem chiếc xuồng con này nấp kín được, còn tôi sẽ đi tìm người nào cùng đến chỗ tàu đắm lúc nãy để mà cứu cho bọn cướp ấy.

Nhưng ý kiến đó không thực hiện được, vì vừa nói xong thì cơn bão lại kéo đến, và lần này còn ghê gớm hơn. Mưa đổ xuống mà không có chớp cả. Tôi nghĩ lúc này ai nấy đều ngủ hết. Chúng tôi cứ lao xuồng đi theo dòng sông, tìm ánh đèn, tìm cái bè của chúng tôi. Một lúc sau rất lâu, mưa tạnh nhưng trời vẫn còn nặng mây, lại có tiếng sấm ù ù rồi một tia chớp loè lên, chúng tôi thấy trước mặt có vật gì màu đen đen trôi lềnh bềnh, vào chúng tôi lại vượt lên đuổi.
Đó là cái bè. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ, lại trèo lên. Phía bờ bên phải ở chênh chếch về dưới một tí chúng tôi chợt thấy ánh đèn. Tôi định sẽ tới đó. Trong chiếc xuồng còn đầy những đồ đạc mà bọn cướp kia lấy được đã chất vào. Chúng tôi khuân vứt lên bè được một đống. Tôi bảo Jim cứ cho xuôi xuồng phía dưới nữa đi. Tôi trỏ cho hắn trông thấy cái ánh sáng mà hắn tưởng như mình đã đi xa gần hai dặm, ánh đèn lúc nãy vẫn lấp lánh cho đến lúc chúng tôi tới gần. Tôi cầm mái chèo lên, đẩy xuồng đến chỗ có ánh sáng. Tôi càng đến gần thì lại thấy ba bốn ánh sáng nữa loé lên ở phía lưng đồi. Ra đây là một cái làng. Tôi tiến đến chỗ có ánh sáng ở gần bờ nhất, mái chèo vẫn gác để cho xuồng nhẹ trôi. Đến tận nơi nhìn kỹ hóa ra một chiếc đèn lồng đang treo ở trên cột của một chiếc tàu phá. Tôi bước lên tìm người gác, thấy một anh chàng nào đang ngủ ở đó, đầu chui về phía trước và rúc hai đầu gối mà ngủ. Tôi khẽ đập vào vai hắn hai cái rồi lên tiếng làm ra điệu khóc mếu.
Anh ta giật mình choàng dậy, nhìn ra chỉ thấy có tôi, mới ngáp một cái, vươn vai rồi nói:
– Hả, cái gì thế? Đừng có khóc, chú em. Làm sao, làm sao?

– Bố tôi, mẹ tôi, và chị tôi, và…

Rồi tôi dừng lại. Anh ta hỏi:
– ồ, thôi đừng lo. Cứ yên trí. Ai mà không có khó khăn, nhưng rồi cũng xong cả. Sao, họ làm sao?

– Họ… ơ – họ… nhưng có phải ông là người gác tàu không?
– Phải – Anh ta trả lời với một giọng khoái trá. Ta là thuyền trưởng, là chủ tàu, là phụ việc, là lái tàu, là người gác, là chủ huy trên boong, có khi ta là hàng hoá, là hành khách đi tàu nữa. Ta đây không giàu có bằng lão Jim Hornback đâu, và ta đây cũng không thể ăn ở tốt với thằng Tom, Dick, Harry như lão Jim được, nhưng ta đã bảo lãnh nhiều lần là ta sẽ không đổi chỗ cho lão, bởi vì hãy nghe đâu này, đời ta là đời thuỷ thủ, mà nếu như ta sống xa thành phố hai dặm thì ta cũng buồm lắm, vì ở cái chốn này chẳng có chuyện gì thú vị; ta ở đây không phải vì tiền bạc của lão ta đâu, ta bảo không cần…

Tôi chen vào nói:
– Họ đang sắp chết đến nơi rồi và…
– Ai?
– Còn ai nữa, bố, mẹ chị và cô Hooker, nếu ông có thể lấy cái tàu này đi đến chỗ đó…
– Chỗ nào, họ đang ở đâu?
– ở trên tàu đắm
– Tàu nào đắm?
– Tàu nào nữa, chỉ có một cái thôi chứ
– Hả! Có phải chú em nói cái tàu Walter Scott đấy không?
– Phải
– Trời ôi, chết chửa, họ ra đây làm gì thế?
– Không phải là họ muốn ra đấy
– Ta biết! Chết thật rồi, nếu họ không thoát ra mau thì nguy lắm. Mà sao họ lại có thể không may như vậy được?

– Có gì đâu, chắc có Hooker định ngược phía ấy lên tỉnh chứ gì

– Phải, rồi sao nữa?
– Cô ấy định đi đường đó để đến Booth Landing, rồi thế nào đến lúc trời tối cô ấy lại đi với một người hầu da đen định đi một chiếc đò chở ngựa lên một nhà người bạn rồi ở đó đến suốt đêm, cái cô bạn gì ấy tôi chả nhớ rõ tên, ấy thế rồi đang đi thế nào lại tuột mất mái chèo, còn đò mới quay ngang rồi trôi xuống, đằng lái lao đi trước, xa đến gần hai dặm, rồi đâm ngay vào chiếc tàu đắm, cả người chèo đò, cả người hầu da đen nữa, đều mất tích. Còn cô Hooker thì bám được vào chiếc tàu đắm. Sau một lúc xẩm tối độ một giờ đồng hồ, chúng tôi chèo thuyền dọc xuôi tìm kiếm nhưng trời tối quá không nhìn thấy chiếc tàu đắm thành ra cũng đắm phải nó nốt, chúng tôi cũng bị lật thuyền. Tất cả chúng tôi đều lên được, chỉ trừ có Bill Whipple. Ôi trời ơi, Bill là người thông minh lắm. Tôi nghĩ tại sao tôi lại không chết thay cho Bill cơ chứ!
– Chú Goerge ơi, thật ta chưa nghe thấy điều đau đớn như thế bao giờ! Thế rồi các người làm sao nữa?
– Chúng tôi gào to lên gọi, nhưng chỗ đó sông rộng quá, chẳng ai nghe thấy. Rồi bố tôi mới bảo có ai lên bờ mà kêu cứu đi chứ. Chỉ có mình tôi biết bơi, tôi bèn đi ngay, cô Hooker bảo tôi là nếu không đi gọi được người cứu cho nhanh thì phải về đây ngay và gọi bác cô ấy đi để ông ấy sẽ tính cách giải quyết. Tôi đi đến gần một dặm tìm mãi, mong làm sao tìm được người đến cứu giúp, nhưng ai họ cũng bảo: Trời ơi, đêm tới, sông nước như thế này, cứu làm sao được, phải tìm lấy cái tàu phà cơ. Đấy, bây giờ xin ông đi cho và…
– Chà, ta cũng muốn đấy, nhưng mẹ kiếp, ta không biết có nên làm không. Mà ai là người đứng ra trả tiền cho ta đây? Có phải bố chú không?
– Sao? Cái đó cố nhiên chứ. Cô Hooker cô ấy bảo tôi thế mà, đặc biệt là bác cô ấy là ông Hornback…
– Chết chửa, lão ta là bác cô ấy ư? Đây này, ta bảo nhé, chú đi quanh cái chỗ có đèn kia kìa, rồi ngoặt sang phía Tây, đi chừng một phần tư dặm thì đến một cái quán, bảo họ chỉ cho chú đi ngay và lão Jim Hornback rỗi lão ta sẽ ký giấy trả tiền cho. Mà chú đừng có la cà, vì lão ta đang cần biết tin tức thế nào. Bảo với lão rằng ta sẽ đảm bảo cho cô cháu lão an toàn trước khi lão đi lên tỉnh. Thôi, ba chân bốn cẳng chạy đi mau lên. Còn ta sẽ ra gần đây tìm bác thợ máy.
Tôi đi quành ra chỗ có đèn, nhưng chờ cho hắn ra vừa đi ra phía góc thì tôi quay lộn lại và nhảy xuống chiếc xuồng con của tôi chuồn thẳng. Tôi cho xuồng đi dọc theo bờ có chỗ nước đứng vào khoảng sáu trăm thước, rồi tôi nấp vào đám thuyền gỗ đậu ở đấy xem, vì tôi chưa thấy chiếc tàu phá ở bến đi ra thì chưa yên tâm. Nhưng nói cho cùng thì tôi cũng cảm thấy khoan khoái vì đã vất vả với đám cướp kia mà trong khi đó nhiều người khác chả ai làm như thế. Tôi mong rằng bà goá biết về chuyện này. Tôi chắc mụ sẽ lấy làm tự hào về tôi đã cứu giúp những tay bất trị ấy vì những người bất trị, những kẻ vô tích sự ấy lại là những kẻ mà bà goá và những người đứng đắn hay quan tâm đến.

Rồi một lúc lâu thấy chiếc tàu đắm thì nãy đi tới, đen lù lù, từ từ trôi xuống. Lúc trông thấy nó một cảm giác lành lạnh làm tôi giật mình. Trông nó thật đồ sộ, và trong giây phút tôi nghĩ rằng nếu có người nào ở trong đó thì rất khó mà sống được. Tôi đẩy xuồng ra gần và hú lên một tiếng khẽ gọi, nhưng không có tiếng trả lời, tất cả đều im lặng như chết. Tôi cảm thấy hơi buồn về đám cướp, nhưng cũng không buồn lắm, vì tôi nghĩ nếu như thiên hạ người ta có thể mặc nhiên được thì tôi cũng có thể được.
Rồi thấy cái tàu phá đi tới. Tôi liền chèo xuống ra giữa sông đến một chỗ có dòng nước ngầm, rồi khi tôi đã chắc chắn là ra ngoài tầm mắt nhìn của người khác, tôi gác mái chèo lên, quay lại nhìn chiếc tàu phá đi theo thả một làn khói che kín cả chiếc tàu hỏng đi trước, có cái xác của cô Hooker mà cái anh thuyền trưởng khi nãy yên trí rằng trong đó có cái xác của cô ta và nghĩ rằng sẽ đem được về cho lão Hornback. Rồi lát sau nữa thì cái tàu phà để mặc cho chiếc tàu trước cứ đi, còn nó thì rẽ vào bến.

Còn tôi lại trở về công việc của tôi và đẩy xuồng xuôi xuống dòng sông.
Chờ lâu lắm tôi mới thây ánh đèn của Jim, khi ánh đèn ấy loá lên nhìn như cách xa hàng ngàn dặm. Lúc này, phía chân trời đã hửng lên một màu xanh xám, thế là chúng tôi lại mò vào hòn đảo, giấu kín cái bè đánh đắm chiếc xuồng con, rồi quay lại ngủ như chết.