Những Chàng Trai Xấu Tính

Chương 5

Từ khi phát hiện ra một người con gái có thể nhận cùng một thứ quà giống nhau của hai người con trai khác nhau (tôi đẹp trai hơn Biền!) mà nội vụ chỉ xê xích trong vòng ngày trước ngày sau, Biền cảm thấy mặt đất đang lở từng mảng lớn dưới chân nó. Hôm trước nó khoe hai vết thương trên ngực nó có một vết đã lành thì bây giờ cái chỗ lành đó đã bị thủng trở lại, toác hoác như miệng hố bom.

Đầu óc rối bời, cõi lòng tan nát, Biền chẳng buồn nhạo báng hay ám hại tôi nữa. Nó chỉ buồn rầu bình luận:

- Con nhỏ đó điên!

Vẻ thẫn thờ của Biền khiến lòng tôi bất giác nao nao. Những giận hờn đối với nó trước nay bay vèo đâu mất. Nỗi hả hê vì được cuộc qua đi nhanh chóng, bây giờ tôi lại đâm ra thương hại Biền. Tôi đặt tay lên vai nó:

- Quỳnh Như không điên như mày tưởng đâu!

- Không điên nhưng mà khùng! - Biền cay đắng.

- Nó cũng không khùng! - Tôi nghiêm nghị - Nó chỉ là một người tế nhị!

Biền nhăn mặt: - Tế nhị đến mức yêu hai đứa mình cùng một lúc?

Tôi phì cười:

- Yêu đâu mà yêu! Mày lúc nào cũng một tấc đến trời! Đây chỉ là chuyện nhận quà thôi! Nhưng nó nhận quà của mày là do ý thích, còn nó nhận quà của tao thì chỉ vì lòng tốt mà thôi!

- Vì lòng tốt? - Biền trố mắt.

Biền vốn thông minh nhanh nhạy hơn tôi, nhưng từ khi lâm vào đường tình ái nó tỏ ra đần độn kinh khủng. Tôi đành phải tặc lưỡi giải thích:

- Chứ còn sao nữa! Đã nhận quà của mày, tất nhiên nó không muốn nhận quà của tao. Nhưng nó không nỡ từ chối, sợ tao bẽ mặt. Khi nhìn thấy mấy cuốn sách và những câu thơ tao chép, nó thừa biết tao ăn cắp mẫu mã của mày nhưng nó cố tình lờ đi. Nó sợ nó “hê” lên, tao xấu hổ đâm đầu xuống hồ không thèm trồi lên thì khốn! Đó chính là sự tế nhị của nó, hiểu chưa thằng ngu?

Trước nay chỉ có Biền chửi tôi ngu và vì cảm thấy nếu mình không ngu thì cái đầu bã đậu của mình cũng chẳng ở cách xa chỗ đó là bao nên tôi thường im thin thít. Hôm nay lợi dụng cơ hội nó đang lú lẫn đột xuất, tôi tranh thủ chửi nó cho bõ ghét. Quả như tôi nghĩ, Biền chẳng còn lòng dạ nào để ý đến sự trả thù thô bỉ của tôi. Nghe tôi phân tích, nó thộn mặt ra:

- Như vậy là Quỳnh Như chẳng có tình ý gì với mày?

- Tình ý cái cóc khô! Nếu tình ý với tao thì trước đó nó đã vứt gói quà của mày vào sọt rác rồi!

Biền bắt đầu tươi tỉnh trở lại. Nó gật gù lẩm bẩm:

- Mày nói cũng có lý! Một đứa chậm chạp và lơ láo như mày làm sao lọt vào mắt xanh của tụi con gái được!

Biền quả là một thằng bạn khốn kiếp. Tôi mới vừa an ủi nó, đưa tay kéo nó lên khỏi bùn lầy, lên xong nó lại co cẳng đạp tôi xuống. Tôi tím mặt nhưng chưa kịp ngoác mồm chửi nó, nó bỗng lắc đầu buột miệng:

- Không đúng! Không đúng!

Tôi ngạc nhiên:

- Cái gì không đúng?

- Mày nói không đúng! - Biền tiếp tục ngúc ngoắc đầu - Quỳnh Như thực sự thích cả tao lẫn mày!

- Thích cả hai đứa? - Tôi kêu lên - Mày có nói “ngọng” không?

- Không ngọng nghịu chút nào cả! Biền nói, giọng trầm ngâm - Tao đã nhớ lại rồi. Không chỉ chuyện nhận quà hôm nay mà trước đây Quỳnh Như vẫn thỉnh thoảng lộ vẻ quan tâm đến mày. Hôm nó xức dầu cho mày, thật trông tình đến khiếp!

Tôi nhún vai:

- Mày chẳng bảo nó làm vậy để trêu tức mày là gì!

Biền thở dài:

- Thoạt đầu thì tao nghĩ vậy. Nhưng bây giờ “nghiệm” lại, tao thấy giả thuyết đó không vững. Nếu thực sự muốn trêu tức, nó chỉ “hành” tao khi tao chưa chịu tỏ lộ tình ý với nó. Đằng này tao đã “quà cáp biếu xén” cho nó đầy đủ, lại “đính kèm” thơ thẩn đàng hoàng, sao chiều nay nó còn trêu gan tao?

Tôi nheo mắt:

- Mày đúng là yêu quá hóa ngu. Lúc nãy tao đã nói sở dĩ chiều nay quỳnh Như chịu nhận quà của tao chính vì nó muốn cứu tao “một bàn thua trông thấy”, chứ đâu phải để chọc tức mày!

- Có mày ngu thì có! - Biền sầm mặt - Muốn cứu mày thì nó cứ việc cứu, tại sao nó lại không thèm mở miệng nói chuyện với tao?

Biền “vặn be sườn” tôi một cú quá hóc hiểm. Tôi đành cà lăm:

- Thì tại nó... bận!

- Không phải nó bận đâu! Biền nhìn tôi, cười bí hiểm - Mày biết tại sao không?

- Tại sao? - Tôi gãi cổ.

Biền nhếch mép:

- Tại hôm nay là ngày của mày!

- Ngày của tao?

- Ừ!

Tôi há hốc mồm:

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là có những ngày của mày và có những ngày của tao.

Tôi thở hắt ra:

- Mày cứ đố mẹo tao hoài, tao không hiểu gì hết!

- Có gì đâu không hiểu! - Biền liếm môi, mày nhớ lại đi, có phải từ khi gặp mày đến giờ, Quỳnh Như nó đối xử với mày mỗi ngày mỗi khác không?

Tôi nhíu mày:

- Hình như vậy!

- Rõ là như vậy chứ còn “hình như” với “có lẽ” gì nữa! Hễ ngày nào nó vồn vã với tao thì nó cóc thèm nhìn mày. Còn hôm nào nó quan tâm đến mày thì lại chẳng buồn ngó cái bản mặt đẹp trai của tao...

Tôi “xí” một tiếng nhưng Biền phớt tỉnh, tiếp tục dẫn giải:

- Và nhừng ngày này luôn xen kẽ với nhau. Nếu như tao nhớ không lầm thì hai tư sáu là ngày của tao, còn ngày của mày là ba năm bảy. Mày nhớ lại coi, xem tao nói có đúng không!

Thoạt đầu thấy Biền hăng hái phân tích, tôi cười thầm trong bụng. Tôi nghĩ chắc hồi chiều bị một vố đau nên nó phát rồ, đầu óc tưởng tượng lung tung. Nhưng đến khi nó nói xong và kêu tôi nhớ lại, tôi bỗng rùng mình.

Và càng nhớ tôi càng thấy ớn lạnh như đang lên cơn sốt rét. Quả đúng như Biền nhận xét, trong tuần lẽ sáu ngày, trừ ngày chủ nhật chúng tôi không đi bơi, thì ba ngày chẳn Quỳnh Như “riêng tặng” cho Biền, còn ba ngày lẻ nó lại thân thiện với tôi.

Tất nhiên tôi không ngu đần đến mức không nhận ra sự khác biệt đó. Nhưng tôi vẫn nghĩ Quỳnh Như sở dĩ thỉnh thoảng gần gũi với tôi chẳng qua là để thăm dò phản ứng của Biền. Do đó, tôi chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa và cũng chẳng để ý đến quy luật “hai tư sáu - ba năm bảy” Biền vừa khám phá. Bây giờ, khi hình ảnh của những ngày qua lần lượt tái hiện trong đầu tôi như một cuốn phim quay chậm, tôi mới nhận thấy tất cả vẻ kỳ quái của nó.

Tôi hoang mang nhìn Biền:

- Ừ, sao lạ quá hen mày?

Biền cười khảy:

- Vì vậy tao mới bảo nó thích cả hai. Mỗi ngày nó thích một đứa.

Lần này tôi không bảo Biền “nói ngọng” nữa, mà thẫn thờ hỏi:

- Mày có biết tại sao vậy không?

Biền nhíu mày, vẻ đăm chiêu:

- Chuyện này khó hiểu lắm!

Rồi nó nhìn tôi, giọng ngập ngừng:

- Có thể do đồng hồ sinh học!

- Đồng hồ sinh học?

- Ừ.

- Là cái quái gì?

Biền tặc lưỡi:

- Tao thấy trong sách nói tinh thần của con người thay đổi theo một chu kỳ nhất định. Đó là đồng hồ sinh học, mỗi người đều có một cái, không ai giống ai. Đồng hồ của con nha đầu này cứ sau hăm bốn giờ vui lại tới hăm bốn giờ buồn. Khi vui, nó đùa cợt với tao, khi buồn nó thủ thỉ với mày!

Lần đầu tiên tôi nghe một chuyện lạ như vậy, nên không khỏi nghi hoặc:

- Thật không mày?

- Tao đía mày làm gì! Không tin, hôm nào tao đem cuốn sách tới cho mày coi!

Nghe Biền nói chắc như đinh đóng cột, bụng tôi đã bớt ngờ. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc:

- Nếu quả như vậy, sao “đồng hồ” của mày lại chạy lung tung thế?

- Lung tung gì đâu? - Biền trố mắt.

Tôi đằng hắng:

- Thoạt vui thoạt buồn mà không lung tung? Có khi mày lại cáu lên như một tên táo bón, trông chẳng giống con giáp nào hết!

- Có thể đồng hồ tao chạy sai! - Biền liếm môi.

- Đồng hồ sinh học mà sai?

- Sai chứ! - Biền gục gặc đầu - Thỉng thoảng nó cũng bị... vô nước giống như đồng hồ đeo tay vậy!

Bị tôi chất vấn, Biền cố làm ra vẻ ung dung nhưng khi buộc phải giải thích, nó không giấu được sự lúng túng. Nghe cái luận điệu “đồng hồ sinh học cũng vô nước” của nó, niềm tin của tôi đã giảm tới chín phần mười.

Dòm sắc diện tôi, Biền biết ngay tôi đang nghĩ gì. Nó hắng giọng định thanh minh gì đó nhưng rồi có lẽ không nghĩ ra được ý tưởng nào đáng giá, nó liền ngậm miệng làm thinh.

Bữa đó, cho đến lúc chia tay, cả tôi lẫn Biền chẳng đứa nào giải thích được tại sao Quỳnh Như lại “cả gan” chơi trò “hai mặt” với chúng tôi như vậy. Và thật ra thì nó có điên hay không?

 

Nhưng đúng như Biền nhận xét, tôi bẩm sinh là một đứa chậm chạp, đầu óc tôi như hũ nút. Chuyện đơn giản hơn gấp trăm lần tôi nghĩ còn không xong, huống gì là chuyện phức tạp này. Loay hoay cả buổi, óc chẳng lóe được tí ánh sáng còm nào đã đành, đầu tôi lại nhức như búa bổ, cứ chực nổ tung. Nếu theo cái đà này, tôi chưa kịp phát hiện ra Quỳnh Như có bệnh tâm thần hay không thì người ta đã chở tôi vô nhà thương điên Chợ Quán tự đi kiếp nào rồi.

Nhưng số tôi đúng là số hên. Như ông bà nói, tôi ở hiền nên gặp lành lia lịa. Tôi sắp sửa nhìn chậu sương rồng trước hiên thành con ngựa và chuẩn bị cởi lên nó thì Biền tới.

Tôi chưa mở miệng, nó đã cười toe:

- Tao tìm ra nguyên nhân rồi!

Biết nó nói chuyện Quỳnh Như, tôi hồi hộp hỏi:

- Nguyên nhân gì?

- Nguyên nhân ăn uống!

- Cái gì? - Tôi tưởng mình nghe lầm.

Biền khịt mũi:

- Tao đã nói rồi. Nguyên nhân ăn uống.

Tôi nhìn Biền chăm chăm. Trong một thoáng tôi ngỡ rằng nó cũng giống như tôi, trí óc làm việc quá sức nên đâm ra mụ mẫm. Tôi đang định lên tiếng dò hỏi thì nó bỗng nhe răng cười:

- Làm gì mà mày nhìn tao như nhìn quái vật vậy! Chuyện này tao đọc được ở trong sách đàng hoàng chứ có phải tao bịa ra đâu!

- Lại sách! - Tôi bĩu môi - Cái vụ “đồng hồ sinh học” mày cũng đọc được ỏ trong sách vậy!

- Nhưng chuyện đó tao đọc lâu rồi, chỉ nhớ mang máng! - Biền cười hề hề - Còn cái vụ “ăn uống” này thì tao mới vừa xem tức thì.

Nói xong, Biền rút từ trong túi ra một tờ tạp chí huơ qua huơ lại trước mặt tôi. Thấy lần này nó “nói có sách mách có chứng” rõ ràng, tôi đã bớt ngờ vực.

- Người ta nói gì trong đó vậy? - Tôi tò mò hỏi.

- Theo như một bài báo trong này thì đồ ăn thức uống có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của con người! - Biền vừa lúi húi lật sách vừa gật gù giảng giải. 

Chưa đọc thấy bài báo, chỉ mới nghe nó nói, tôi đã “thông” ngay.

- Bài báo hay ghê! - Tôi buột miệng khen - người ta ở xa lắc xa lơ mà nói trúng phóc trường hợp của tao!

- Trường hợp mày sao?

Thấy Biền quan tâm, tôi hào hứng khoe:

- Hễ hôm nào tao ăn mít là hôm đó tao bị Tào Tháo rượt mệt nghỉ! Trăm lần như một không sai!

Dẫn chứng của tôi khiến Biền vội vàng đưa tay bịt mũi. Mắt nó long sòng sọc:

- Mày ngu bỏ xừ! Hoạt động của mày là... hoạt động bài tiết, ai mà thèm viết báo làm gì! Còn hoạt động người ta đề cập ở đây là hoạt động tinh thần, những tâm trạng vui buồn sầu khổ...

Biết mình hớ, tôi im thin thít, hết dám lên tiếng phụ họa. Không đếm xỉa đến vẻ ngượng ngùng của tôi, Biền chỉ tay vào bài báo nó đánh dấu, hắng giọng:

- Người ta viết rõ ràng đây này! Mày đọc đi!

Tôi chúi mũi vào ngón tay Biền chỉ. Và sau khi lướt mắt qua những dòng chữ chi chít và đầy vẽ bác học kia, tôi mới hay rằng niềm vui và nỗi buồn của một con người hóa ra có liên quan mật thiết với những thứ mà người đó tọng vào mồm. Tác giả bài báo bảo rằng cái chất serotonin quỷ quái gì đó là một kích thích tố giúp con người ta vui vẻ, hoạt bát. Và vì chất đó thường nấp trong quả chuối nên ai khoái xơi chuối, bất kể là chuối già, chuối cau hay chuối sứ, chuối xiêm, đều chẳng biết phiền muộn sầu não là gì, suốt ngày tung tăng ca hát mệt nghỉ. Ngược lại, ai khoái ăn thịt, nhất là “kết mô-đen” với mỡ động vật, sẽ dễ trầm uất, ưu sầu, hệ thống tim mạch hoạt động chẳng ra cái cóc gì!

Thấy mắt tôi cứ dán chặt vào trang sách, có vẻ đang say sưa nghiên cứu, Biền đắc ý hỏi:

- Bây giờ thì mày tin chưa?

- Tin.

Tôi nói tin là tin Biền không dóc tổ. Quả là có bài báo như nó nói. Chứ với những điều người ta viết trong đó, lòng tôi vẫn còn bán tín bán nghi. Tôi nhà nghèo, ít được ăn thịt nên không rõ các món thịt hầm thịt quay mà mỗi khi nghĩ tới tôi thèm nhỏ dãi kia có thật khi chui vào bao tử nó sẽ khiến con người ta sầu muộn hay không. Không hiểu sao tôi vẫn đinh ninh chính những người không có tiền mua thịt ăn mới là những người sầu muộn hơn nhiều.

Tôi nghĩ trong bụng như vậy nhưng không tiện nói ra. Thằng Biền lúc nào cũng lăm le át giọng tôi. Hiện nay nó lại đang có “tài liệu chứng từ” trong tay, tôi mà hó hé, nó chặn ngang họng liền.

Đang phân vân, sực nhớ đến “chủ đề” chính, tôi vụt hỏi:

- Nhưng bài báo này thì ăn nhập gì đến chuyện Quỳnh Như?

- Sao lại không ăn nhập? - Biền nhếch mép - Chính nhờ xem bài báo này, tao mới hiểu do đâu Quỳnh Như đối xử với tụi mình như những ngày qua. 

Biền úp úp mở mở, tôi chẳng hiểu gì ráo:

- Chẳng lẽ nó thích cả tao lẫn mày là do nó ăn uống... bậy bạ?

Biền cười hề hề:

- Bậy bạ thì không bậy bạ, nhưng có lẽ chế độ ăn uống của nó không thuần nhất nên tính tình mới khi mưa khi nắng.

Tới đây, tôi mới bắt đầu vỡ lẽ:

- Ý mày muốn nói tâm tính Quỳnh Như sở dĩ kỳ cục là do một ngày nó ăn chuối một ngày nó xơi thịt?

- Đại khái vậy! - Biền gật đầu - Tối nào nó xơi nguyên cả nải chuối thì ngày hôm sau nó tí tởn với tao, còn bữa nào nó hăm hở “xực” thịt thì y như rằng chiều hôm sau nó lết lại cạnh mày!

Cách giải thích của Biền khiến tôi ngẩn ngơ:

- Làm gì có chuyện Quỳnh Như xơi nguyên cả nải chuối!

- Sao lại không? - Biền quắc mắt - Nhìn thân hình thon thả của nó, tao biết ngay là nó theo một chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt. Mà phàm để giữ gìn vẻ đẹp của thân thể, người ta phải chén thật nhiều trái cây. Sách bảo vậy. Do đó, nếu con nha đầu đó ăn chuối một tuần ba lần, mỗi lần một nải, thậm chí một buồng, cũng chẳng có gì là lạ!

Tôi tính cãi lại Biền nhưng nghe nó hù “sách bảo vậy”, tôi liền câm như thóc. Thấy mặt tôi lộ vẻ bất phục, Biền nhe nanh:

- Mày không tin phải không?

Tôi ấp úng:

- Không phải là không tin, nhưng...

- Không có nhưng nhị gì cả! - Biền nóng nảy cắt ngang - Tao sẽ chứng minh cho mày thấy!

Tôi giương mắt ếch:

- Chứng minh cách sao?

Biền nhếch mép:

- Bí mật quân sự!

Thái độ lấp lửng của Biền khiến tôi lo lắng vô ngần. Tôi run run hỏi:

- Chẳng lẽ mày định hỏi thẳng nó?

- Ai lại hỏi thẳng! - Biền nhún vai - Chỉ có thằng ngốc mới đi làm chuyện đó!

- Chứ mày định đi làm chuện gì? - Tôi vẫn chưa hết lo âu.

- Bí mật quân sự!

Biền không buồn trả lời tôi, mà lặp lại câu nói khi nãy. Khi nói cái câu chết tiệt đó, mặt nó trông thâm trầm âm hiểm dễ sợ.

 

Trong khi đó, tôi vẫn không ngừng để ý đến thái độ của Quỳnh Như và càng ngày tôi càng nhận thấy nó quả đã đối xử với tôi và Biền bằng hai “chế độ” khác nhau rõ rệt. Trước đây do chẳng lưu tâm dò xét, Tôi còn mờ mờ về “chính sách” lá mặt lá trái của nó. Bây giờ sự khác biệt kia bày ra trước mắt rõ mồn một. Cứ một ngày Biền, một ngày tôi, rồi một ngày tôi, một ngày Biền, sự xen kẽ kỳ quặc đó diễn ra chính xác và đều đặn không thua bất cứ một loại đồng hồ tuyệt hảo nào.

Do vậy, dù không hoàn toàn tin tưởng vào cách giải thích của Biền, tôi vẫn mong nó sớm chứng minh cái giả thuyết sặc mùi ăn uống đó, miễn là đừng ngu ngốc tìm hiểu trực tiếp nơi đương sự về những gì đương sự đã tống vào dạ dày trước đó nếu không muốn ăn nước bọt vô mặt.

Trong khi tôi nóng ruột muốn chết, Biền lại cứ lừ lừ. Mãi đến ngày thứ ba, nó mới chịu mở miệng. Tôi đang say sưa lặn hụp ở góc hồ, bỗng thấy nó nhoài tới:

- Tưởng nè!

- Gì?

- Bữa nay là “ngày của mày” phải không?

Tôi nhớ đến nụ cười niềm nở Quỳnh Như mới tặng tôi lúc nãy liền vội vã gật đầu.

- Vật lát nữa mày thực hiện kế hoạch của tao được rồi! - Biền cười cười nhìn tôi.

- Cái gì? - Tôi giật thót - Sao lại là tao?

Biền nheo mắt:

- Thì soạn thảo kế hoạch là phần tao, còn thực hiện kế hoạch là phần mày!

Tôi đớ người ra chưa kịp phản ứng, Biền khịt mũi nói thêm:

- Làm sáng tỏ cái “vụ” này là trách nhiệm của cả hai đứa chứ có phải của riêng tao đâu!

Định từ chối, chợt nghe Biền đem “tinh thần trách nhiệm” ra nhá, tôi liền nín thin, sợ nó chê tôi hèn nhát, cá nhân chủ nghĩa.

- Mày chịu rồi hén? - Biền tiếp tục gạ gẫm.

Tôi làu bàu:

- Nhưng mà tao phải làm gì?

- Dễ thôi! - Biền vuốt tóc - Lát nữa bơi xong, mày rủ Quỳnh Như đi ăn!

- Đi ăn?

- Ừ.

- Ăn gì?

- Ăn phở.

Tôi liếc Biền:

- Sao mày không rủ mà phải tao?

Biền thở dài:

- Bữa nay Quỳnh Như đâu có thèm nhìn mặt tao.

Biền lắc đầu:

- Không được! Ngày mai nó lại trở thành một đứa chua ngoa đanh đá, khó bề lay chuyển! Bữa nay nó hiền thục, dễ “dụ khị” hơn!

”Dự báo thi tiết cho đêm nay và ngày mai” của Biền chắc chắn là chính xác hơn ti-vi. Tôi đành chép miệng:

- Nhưng tại sao phải ăn phở? Ăn thứ khác không được sao?

Biền hừ mũi:

- Mày ngốc quá! Phở nhiều thịt! Mình sẽ dùng thịt để “ếm bùa” nó. Chất serotonin trong chuối nó ăn tối nay sẽ bị “nạm gầu” phá nát. Ngày mai nó sẽ rơi vào trạng thái trầm uất. Nó sẽ cóc khoái cà khịa với tao mà chỉ thích rủ rỉ rù rì với mày.

Tôi dè dặt:

- Lỡ không đúng vậy thì sao?

- Mày đừng có nói xui! Không thể “lỡ” được! - Biền trợn mắt - Tâm tính thất thường của nó dứt khoát là do ăn uống. Nếu muốn “chắc cú”, mày kêu thêm một chén nước béo và lừa thế đổ cả vào tô của nó!

Kế hoạch của Biền sao nghe giống phương pháp của bọn hắc đạo chuyên bỏ thuốc mê. Cổ tôi rụt lại như cổ rùa:

- Thôi, thôi, tao không làm theo lời xúi bậy của mày đâu!

- Cái gì mà xúi bậy? - Biền sửng cồ.

Tôi vẫn khăng khăng:

- Tao nhất định không làm! Tao sẽ không rủ Quỳnh Như đi đâu hết!

Thốt xong lời “vĩnh biệt”, tôi quày quả lội vào bờ, bỏ mặt Biền đang trân trối nhìn theo bằng đôi mắt tóe lửa. Hẳn nó đang thù tôi tận xương tủy. Nhưng tôi biết làm thế nào được khi nó mưu toan dùng tôi làm vật hy sinh trong cái kế hoạch quỷ quái của nó.

Tôi mà dại dột nghe lời xúi bậy của Biền, ụp nguyên chén nước béo vào tô của Quỳnh Như, biết đâu Quỳnh Như chẳng nổi quạu ụp nguyên tô phở của nó vào... mặt tôi. Lúc đó, chưa chứng minh được sự liên quan giữa ăn uống với tình tình đã phải trố mắt lên nhìn sự liên quan giữa ăn uống và tai họa. Tốt hơn hết là đừng có dây vào những trò phù phép của Biền, mặc nó muốn làm gì thì làm! Nghĩ vậy, tôi lủi tuốt vào phòng khách.

Thay quần áo xong xuôi, tôi len lén đi vòng sau lưng Quỳnh Như, thẳng ra cổng một lèo ra bãi gửi xe, đứng đó đợi Biền.