Những Bí Quyết Giao Tiếp Tốt

Chương 8: Những Tình Huống Khó Xử Và Cách Chế Ngự Chúng

• Chế ngự nỗi ám ảnh

• Những tình huống khó xử nhất của tôi

CHẾ NGỰ NỖI ÁM ẢNH

George Burns đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất buồn cười:

Burns và Jack Benny chơi thân với nhau từ bé. Burn là người thích đùa còn Benny thì bao giờ cũng “sập bẫy” của Burn.

Dịp nọ, hai anh chàng đều được Jeanette MacDonald mời dự một bữa tiệc vào tối Chủ Nhật. (Bạn có biết Jeanette MacDonald? Cô ca sĩ nổi tiếng này cùng Nelson Eddy lập thành đôi song ca được mến mộ nhất nước Mỹ trong thập niên 1930-1940). Trước ngày đó, Burns hỏi Benny:

- “Benny này, Jeanette có nói với cậu về bữa tiệc tối Chủ Nhật không?”

- “Ồ, dĩ nhiên là có rồi. Tớ bao giờ lại chả được mời.”

- “Cậu có biết sau bữa tiệc thì Jeanerre luôn hát vài bài không?”

- “Biết chứ sau không! Tớ đến đó nhiều lần rồi mà.”

Burns làm ra vẻ nghiêm trọng; “Nhớ đừng cười nghe chưa!”

Benny không hiểu gì cả: “Cười cái gì chứ? Tại sao tớ phải cười?”

Burns không giải thích gì thêm, chỉ nhấn mạnh hai tiếng: “Đừng cười.”

Sáng sớm Chủ Nhật, Burns gọi điện cho Benny: “Tối nay tớ sẽ sang chở cậu.” Và không quên nhắc Benny một lần nữa: “Nhớ nghe chưa – Đừng cười.”

Chuyện gì phải đến đã đến. Ngay khi Jeanette MacDonald đứng lên hát ca khúc đầu tiên thì bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng cười khằng khặc của Benny. Vì sao Benny cười? chỉ vì trước đó cậu ta nhìn thấy nụ cười mỉm đầy tinh quái của Burns. Thế là “Rầm!”, Benny “sụp bẫy” ngay tức khắc.

Tôi kể lại câu chuyện này không phải chỉ để bạn cười giống Benny. Sâu xa hơn, chúng ta sẽ thấy những nỗi ám ảnh có tác hại to lớn thế nào. Khi quá khắc sâu, lo lắng về một điều gì đó nghĩa là ta đang mang một nỗi ám ảnh. Nếu không bình tĩnh, tự chủ được thì nó sẽ khiến ta làm những việc ngớ ngẩn và tai hại vô cùng. Benny không kiềm chế được và đã phá lên cười vì cậu ta bị hai tiếng “Đừng cười” của Burns ám ảnh. Nụ cười mỉm của Burns như một giọt nước làm tràn ly vậy.

Tập trung bình tĩnh để tự chủ được mình, tôi tin bạn sẽ không bị bất cứ nỗi ám ảnh nào chi phối, nhất là không “sụp bẫy” như anh chàng Benny tội nghiệp.

NHỮNG TÌNH HUỐNG KHÓ XỬ NHẤT CỦA TÔI

Đôi khi ta phải đương đầu với những tình huống khó xử không phải do ta gây ra. Như câu chuyện về buổi tường thuật trực tiếp trận cầu giữa hai đội bóng Dolphins và Bills là một thí dụ.

Sân vận động Buffalo, Miami, cuối thập niên 1960.

“Đài phát thanh Miami Dolphins xin kính chào quý vị thính giả! Mời các bạn theo dõi trận bóng giữa hai đội Dolphins và Bills, được chúng tôi tường thuật trực tiếp tại sân Buffalo. Các cầu thủ hai đội sẽ…” Ngay lúc đó thì trận bão tuyết diễn ra. Một cơn gió mạnh với tốc độ khủng khiếp quét qua chỗ chúng tôi đang đứng, rồi thổi bay đi tất cả giấy tờ, từ bảng danh sách các cầu thủ cho đến những tờ thống kê… Tôi và Joe Croghan không kịp hoàn hồn, chỉ còn biết nhìn mớ giấy tờ bay loạn xạ rồi mất hút…

Trong cơn bão tuyết, các cầu thủ hai đội vẫn hăm hở ra sân. Cú phát bóng đầu tiên bắt đầu trận đấu và cũng bắt đầu một tình huống dở khóc dở cười cho tôi và Joe. Chúng tôi không thể biết được cầu thủ nào là cầu thủ nào. Đâu là đội Bills? Đâu là đội Dolphins? Chữ số trên áo của họ thì hoàn toàn mù tịt. Thậm chí vạch 16 mét 50 chúng tôi cũng không thấy. Tất cả đều nhạt nhòe trong cơn bão tuyết, căng mắt ra nhìn vẫn chỉ thấy một nhóm người loanh quanh với một vật gì tròn tròn. Ồ, đúng rồi, quả bóng!

Làm gì bây giờ? Cuối cùng, chúng tôi quyết định bất cứ giá nào cũng phải tường thuật trận bóng! Không thể để cho các thính giả Miami thất vọng. Sau vài trình bày về tình hình thời tiết quá xấu, chúng tôi bắt đầu bài tường thuật của mình, đơn giản là “chộp” được cái gì thì nói cái đó:

“Một cầu thủ đang dẫn bóng… Hình như anh muốn chuyền cho đồng đội… Không kịp rồi, một cầu thủ khác đã băng lên giành được bóng… Anh ấy di chuyển rất nhanh… qua mặt được một người, hai người… Lách bóng rất khéo… Vâng, thưa các bạn, một pha tranh bóng quyết liệt đang diễn ra… Anh ấy bị ngã. Không, anh ấy đã đúng dậy được… Chúng tôi không biết anh ấy là ai…”

Giá mà còn tờ sơ đồ trận bóng, ít ra chúng tôi có thể biết vị trí của cầu thủ hai đội trên sân. Trong điều kiện thời tiết bình thường các bình luận viên còn cần tới nó, huống hồ trong cảnh tuyết rơi mịt mù thế này… Tờ giấy sơ đồ ấy đã bị “cuốn theo chiều gió”. Thang máy lại ngừng hoạt động, nên không thể nhờ sự trợ giúp của những người bên dưới. Chúng tôi chỉ còn biết kêu trời, không biết những người nghe đài hôm ấy có kêu trời hay không…

Joe và tôi thay phiên nhau tường thuật “trực tiếp” trận bóng theo cách đó cho đến hết hiệp một. Thời tiết không khá lên nhưng thang máy đã hoạt động lại. Sang đầu hiệp hai, chúng tôi được “cứu hộ” với một tờ sơ đồ trận đấu. Tuy vẫn không thể nhìn thấy rõ hơn, nhưng nhờ nó ít ra có thể đoán được tên cầu thủ.

Cơn bão tuyết không phải do chúng tôi gây ra. Tuy không điều khiển được nó nhưng chúng tôi đã bình tĩnh chiến đấu với nó. Chúng tôi đã không hoảng loạn hay bị động. Kết quả là: Bài tường thuật trực tiếp “kỳ quái nhất” được mọi người thông cảm và tán thưởng nhiệt liệt.

Lần nọ trên radio, tôi hỏi một khách mời rằng: “Ông có mấy con rồi?”. Vị khách té cái rầm ngay giữa phòng thu, bởi ông là một linh mục Catholic. Sau khi bình tĩnh lại, ông nhắc tôi rằng linh mục thì sống độc thân và không cưới vợ.

Sao tôi lại hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy? Có lẽ vì đó là thói quen nghề nghiệp, lúc bắt đầu câu chuyện, tôi hay hỏi khách mời của mình những câu như thế. Nhưng dù sao đi nữa thì tình huống này cũng thật buồn cười. Từ đó tôi luôn cân nhắc khi đặt câu hỏi, không phải lúc nào cũng nói theo thói quen được.

Làm MC trong dịp lễ ngoài trời kỷ niệm ngày Quốc Khánh 4/7 ở Miami là một sự kiện đáng nhớ khác. Buổi lễ choáng ngợp một rừng hoa và một rừng cờ. Chương trình hoành tráng với những ca khúc bất hủ và sau cùng sẽ là bài diễn văn của Nghị sĩ Claude Pepper. Trước một đại lễ như vậy, các nhà tổ chức đã đặt cùng lúc hai sân khấu, đẩy chúng lại kề nhau nhưng vẫn còn dư ra một khoảng nhỏ. Khi vừa bước lên sân khấu, chân phải của tôi đặt ngay vào cái khoảng nhỏ đó. Thế là tôi lọt xuống luôn. Khán giả thấy tôi đột nhiên biến mất. Nhưng ngay sau đó, họ lại nghe vài lời tự giới thiệu của tôi. Rất may cái micro không mất nên tôi vẫn có thể nói vài lời giới thiệu. Đến câu cuối cùng thì đám đông vỡ lẽ cười phá lên: “Tôi đã bị rớt xuống dưới sàn sân khấu, quý vị đừng lo, không hề hấn chi cả.”

Một ngày nọ anh bạn Miami của tôi, Jim Bishop, đến chương trình Larry King Live với tư cách là một khách mời. Jim là một nhà báo, nhà văn rất được công chúng mến mộ. Anh có văn phong thẳng thắn và sâu sắc. Một con người nghiêm túc chưa từng say rượu trong suốt 25 năm qua.

Nhưng vào buổi tối đến chương trình của tôi thì Jim lại xỉn quắc cần câu. Lần đầu tiên và lần duy nhất trong đời, tôi thấy Jim ngồi lên ghế bành còn té lên té xuống. Có thể anh chàng đã căng thẳng về buổi trò chuyện này nên uống vài ly rượu lấy nhuệ khí đây mà.

“Cậu lên chương trình được không Jim?” – “Không sao, vẫn chạy tốt!”

Sự căng thẳng của cậu ta đã chuyển sang cho tôi. Trời ạ, “văn phong thẳng thắn” kết hợp với vài ly rượu thì điều gì sẽ xảy ra đây? Người say thì nào có điều khiển được lời nói của mình… Tôi lo chương trình sẽ bị thất bại. Hay khủng khiếp hơn là sẽ bị thu hồi giấy phép rồi dẹp luôn. Tôi sẽ ra sao? Ra ga kiếm một vé tàu quay trở lại Brooklyn chớ còn phải hỏi!

Nghĩ đến điều này tôi trở nên dứt khoát và mạnh mẽ hẳn. Không thể để Jim lên chương trình được, phải bảo vệ cả hai chúng tôi. Tôi ra hiệu cho nhân viên phòng điều khiển chuẩn bị phát sóng chương trình, và nói vào micro trên bàn: “Mở tín hiệu.”

Tín hiệu được mở: “ON THE AIR” (“Đang phát thanh”)

Jim trông thấy tín hiệu. Tôi lập tức đứng dậy, chìa tay phải ra và nói: “Cám ơn Jim. Một giờ qua trò chuyện với anh thật thú vị! Anh thật tuyệt vời, như thường lệ”. Jim hơi lúng túng có vẻ không hiểu, anh ấy cám ơn lại tôi rồi ra về. Sau đó chúng tôi lấp vào chương trình với những cuộc điện thoại từ các thính giả.

Tình huống dở khóc dở cười nhất trong nghề phát thanh viên của tôi là câu chuyện vào buổi sáng đầu năm 1959, tại đài phát thanh WKAT, Miami.

Lúc đó, tôi là người duy nhất đang có mặt trong đài. Suốt đêm hôm qua tôi đã làm việc liên tục. Trước giờ giao thừa, tôi làm người thông ngôn chúc mừng năm mới trên các đường phố. Đến giờ giao thừa thì chạy ào đến bữa tiệc tiễn đưa năm 1958 và đón chào năm 1959. Nhưng tôi không dám uống một cốc rượu nào, vì ngay sau đó phải chuẩn bị cho chương trình của tôi từ 6 giờ đến 9 giờ sáng. Mọi việc đã thành công tốt đẹp. Chỉ còn một việc nữa…

Chín giờ sáng, chương trình “Don McNeil’s Breakfast Club” đang được phát thanh bắt từ làn sóng của đài ABC. Nhiệm vụ của tôi là chờ đến 9:30, tôi sẽ gạt cần điều khiển tắt sóng đài ABC, rồi nói vào micro: “Đây là đài phát thanh WKAT-Miami, Miami Beach. Chương trình “Don McNeill’s Breakfast Club” bắt sóng từ Chicago sẽ nghỉ giải lao trong 5 phút. Trong khi chờ đợi, mời các bạn nghe một vài bản nhạc.”

9 giờ 10 phút, tôi buồn ngủ díu cả mắt. Ngay từ sáng sớm tôi đã véo tai bên trái, đập tai bên phải, tự nói với mình: “Ráng tỉnh táo! Ráng tỉnh táo!”. Còn bây giờ thì: “Đừng ngủ gục! Đừng ngủ gục!” Tôi cứ gật gù ngó đi ngó lại cái đồng hồ xem đã tới 9 giờ 30 chưa. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước gì được nằm thẳng cẳng xuống một cái giường và ngủ.

Cuối cùng cũng nghe thấy giọng nói của phát thanh viên đài ABC trong điệu nhạc tèng teng quen thuộc: “Và bây giờ là 5 phút giải lao của Chương trình “Don McNeill’s Breakfast Club”. Tôi mơ màng ngó cái đồng hồ, đến rồi, 9 giờ 30. Tôi với tay gạt cái cần tắt sóng đài ABC, đưa micro vào kề miệng… Và ngủ.

Buổi sáng đầu năm mới ấy, các thính giả của đài WKAT vào đã được thưởng thức một âm thanh khủng khiếp. Một âm thanh mà không ai có thể mô tả được: Tiếng ngáy của tôi. Chương trình “Don McNeill’s Breakfast Club” sau 5 phút giải lao không quay trở lại, vì ban nãy tôi đã gạt cần ngắt sóng. Thế là âm thanh “êm dịu” do tôi tạo ra chiếm vị trí độc quyền. Không có âm nhạc, không có giọng nói của phát thanh viên, không có những tiếng “bit”, chỉ có “nó” được quyền truyền qua làn sóng.

Người ta bắt đầu gọi điện lên đài, nhưng họ không nhận được một câu trả lời nào cả. Những người khách bộ hành nhìn vào cửa kính và thấy một người đàn ông đang gục đầu xuống bàn, cạnh cái micro. Rồi tiếp sau đó là một loạt những âm thanh hỗn loạn. Còi báo động inh ỏi, xe cứu hỏa và đội cấp cứu…

Các thính giả tội nghiệp của tôi lại nghe những tiếng kêu la, tiếng kính vỡ loảng xoảng, lại tiếp tục thắc mắc. Những người lính cứu hỏa và nhân viên cấp cứu lay tôi dậy: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Anh có sao không?!”

Tôi thức dậy, dụi mắt và ngó xung quanh… Ba giây sau, tôi nhảy chồm lên, nói lắp bắp: “C… á… i…gì… th… ế… n… à… y…?”.

Buổi sáng hôm sau, “sếp” Colonel Frank Katzentine gọi tôi lên văn phòng ông ấy và cho tôi một trận “bão lửa”. Sau khi cơn giận dịu đi phần nào, ông nói: “Tôi thích anh. Anh có tài. Nhưng cái vụ này thì… Anh có lời nào muốn nói không?”

Tôi nói: “:Ông biết hôm qua tôi đã làm gì không, ông Colonel?”

- “Không. Làm gì?”

- “Tôi kiểm tra xem đội cứu hỏa và đội cấp cứu Miami phản ứng nhanh ra sao trước một tình huống khẩn cấp.”

Colonel cho tôi làm việc trở lại – nhưng tôi phải trả tiền những tấm kính vỡ.

Những người hùng biện hay nhất, những nhà đàm phán giỏi nhất, những con người tuyệt vời nhất, tất cả đều có lúc mắc lỗi lầm. Chẳng phải trong bóng chày, chúng ta có một bảng danh sách phân loại các lỗi đó sao? Vì thế, khi lỡ phạm sai lầm bạn hãy bình tĩnh nhận trách nhiệm và khéo léo xử lý nó. Bối rối hay lo sợ chẳng giúp bạn giải quyết được gì. Tôi nghĩ câu tục ngữ này sẽ truyền sức mạnh cho bạn. “Người nào không hề mắc một lỗi nhỏ cũng chẳng thể tạo ra một thành tích vĩ đại.”