NHỮNG MÔI TRƯỜNG THƯỜNG GẶP:
• Nói ở những buổi tiệc, đám cưới, lễ tang
• Câu hỏi tuyệt vời nhất
• Những cách “rút lui” lịch sự
• Làm thế nào để bắt chuyện trở lại
• Trò chuyện với những người nổi tiếng
Trong xã hội có vô vàn những tình huống giao tiếp. Chúng muôn màu muôn vẻ, từ nhỏ tới lớn, từ bình thường cho đến tối quan trọng. Trò chuyện chia vui trong đám cưới dĩ nhiên khác với phân ưu nơi đám tang. Nhưng dù ở nơi đâu, bạn cũng nên nằm lòng một nguyên tắc chung nhất: lắng nghe và cởi mở.
Ở NHỮNG BUỔI TIỆC
Đối với tôi, lần dự tiệc đông đúc khách khứa nào cũng khá hấp dẫn và mang chút thách thức. Trong một căn phòng ồn ào náo nhiệt, dù giọng nói của bạn lớn cỡ nào cũng sẽ bị lấn át đi. Tôi không uống rượu nên không có cớ mang chiếc ly thủy tinh sang trọng trên tay để đi chào hỏi người này người nọ. Tôi chỉ thường khoanh tay trước ngực một cách thoải mái. Có thể mọi người thấy vậy sẽ đánh giá: “Larry King khép nép quá!”, nhưng không sao, tôi sẽ bắt chuyện với một ai đó mà. Tôi không dè dặt đâu và nếu chịu tiếp chuyện với tôi, bạn sẽ thấy tôi cởi mở lắm đấy. Ở buổi tiệc bạn không nên cho phép mình trầm mặc hay quá ư nghiêm nghị. Hãy hòa nhập vào tốp đông nào đó, tự giới thiệu sơ nét về mình và nhanh chóng nở nụ cười hưởng ứng đề tài đang rôm rả.
Thường thì ở những buổi tiệc lớn nhỏ, chúng ta sẽ gặp chí ít một hoặc vài người quen biết trước, như anh hàng xóm, cô đồng nghiệp… Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng khơi mào một câu chuyện. Hãy nghĩ rằng họ cũng như bạn, và có điểm tương đồng với bạn, nên việc kiếm một đề tài để nói thì không khó chút nào!
CÂU HỎI TUYỆT VỜI
Đặt câu hỏi như thế nào cũng là một bí quyết giao tiếp. Tôi có tính tò mò về mọi thứ, nên khi đi dự tiệc tôi luôn hỏi câu: “Tại sao?”. Một anh bạn nói rằng cả gia đình anh ta sẽ chuyển đến sống ở một thành phố khác. Tại sao vậy? Một cô gái vừa đổi nghề. Tại sao thế? Có ai đó vừa bước chân vô ngành cảnh sát, ồ, dĩ nhiên là tôi sẽ hỏi tại sao ngay…
Trong những chương trình truyền hình, có lẽ tôi là MC sử dụng câu hỏi này nhiều nhất. Tôi nghĩ đây là câu hỏi hết sức tuyệt vời. “Tại sao?” – thật đơn giản, dễ dàng, hiệu quả! Nếu muốn khơi mào cho câu chuyện sống động và thú vị, bạn hãy hỏi: “Tại sao?”
BIỆN PHÁP “RÚT LUI” LỊCH SỰ
Nếu bạn cảm thấy chán hay nghĩ là đã tới lúc cần kết thúc cuộc trò chuyện, xin mách bạn một phương pháp hết sức hiệu nghiệm để rút lui ngay lập tức. Hãy nói rằng: “Xin lỗi, tôi phải đi vệ sinh”. Tỏ ra một chút “khẩn cấp” và chẳng có ai nỡ giữ bạn lại đâu! Khi quay lại, bạn có thể bắt đầu một câu chuyện khác với một người nào đó.
Hoặc nếu thoáng thấy người quen ở gần đó, ví dụ bạn đó tên là Stancey chẳng hạn, thì bạn có thể hô lên: “Stacey này, bạn có biết Bill không?”. Lúc Stacey đến bắt tay Bill thì bạn có thể lựa lời nói: “Mình biết hai bạn có nhiều chuyện để nói, vậy chút xíu mình sẽ quay lại nhé!”. Dĩ nhiên trong một bữa tiệc thật đông đúc thì sẽ không ai trách nếu không thấy bạn quay trở lại. Có điều nếu Bill là người nói chuyện vô vị và nhàm chán, thì Stacey chắc sẽ khó “tha thứ” cho bạn! Bởi vậy tốt nhất là nên tự mình xử lý tình huống tế nhị này.
Sau đây là một vài câu nói mà bạn có thể sử dụng:
1. “Món ăn này sao dở quá, mình đi kiếm món khác đây”.
2. “Thứ lỗi cho mình nhé, mình đến đằng kia chào ông sếp một tiếng”.
3. “Ô, thằng bạn đằng kia lâu lắm rồi mình chưa gặp, có lẽ mình qua đó một lát nhé.”
Điều quan trọng là bạn đừng quá bận tâm về việc rút lui. Đừng tốn quá nhiều thời gian để nhìn ngó xung quanh tìm ai đó rồi cố tình biện giải lý do ra đi của mình. Hãy xem việc rút lui của bạn là một điều hết sức tự nhiên. Nhất là đừng bao giờ để người khác nghĩ rằng bạn không muốn nói chuyện với họ. Hãy nói đơn giản là: “Nói chuyện với anh thì thích thật!” như thế cũng đủ lịch sự và làm cho người đối thoại với bạn cảm thấy vui. Rồi từ tốn rút lui cũng không khiếm nhã.
CÁCH QUAY TRỞ LẠI CUỘC TRÒ CHUYỆN
Có lúc rút lui thì hẳn sẽ có lúc bạn muốn quay trở lại nhóm trò chuyện cũ. Và đây là một kỹ năng mà tôi không hề đánh giá thấp. Nếu bạn không là một MC chuyên nghiệp, bạn cũng có thể khéo xử trí tình huống này.
Sau đây là những phương pháp mấu chốt:
+ Chọn một đề tài liên quan đến tất cả mọi người
Hãy đặt những câu hỏi mà mọi người đều có thể nói lên quan điểm riêng của mình. Bắt đầu từ những chuyện thường nhật trong cuộc sống chứ đừng đụng đến đề tài quá hóc búa. Cũng nên tránh tối đa những đề tài ít người biết đến, hay chỉ chuyên gia mới bàn tới nổi.
+ Lưu ý quan điểm người khác
Chớ huyên thuyên nói về quan điểm của bạn. Bạn sẽ được người ta nhớ đến nhiều hơn nếu hỏi về quan điểm của họ. Henry Kissinger – người dùng cả đời mình để nghiên cứu về ngôn ngữ nói – rất coi trọng nguyên tắc này. Thậm chí trong những vấn đề thuộc lĩnh vực tinh thông của mình, Kissinger vẫn hỏi người đối diện: “Bạn nghĩ gì về vấn đề này?”
+ Giúp người rụt rè ít nói trong nhóm
Tôi luôn chú ý đến cách làm sao để tất cả các bạn hữu đều tham gia vào bàn tròn. Đặc biệt đối với những người bản tính rụt rè hay không thích nói nhiều. Nếu người bên trái của tôi rất năng cười nói còn người bên phải lại im thin thít, nhiệm vụ của tôi là phải tạo sự hào hứng cân bằng cho cả hai bên. Tôi luôn chú ý đến những người rụt rè, ít nói, quan sát từng phản ứng nhỏ của họ đối với đề tài đang được bình luận sôi nổi. Chú ý xem họ có muốn nói gì hay không và sử dụng ngay câu hỏi của Henry Kissinger: “Còn bạn, bạn nghĩ gì về vấn đề này?”. Khi ấy sự rụt rè sẽ thối lui và người ấy sẽ lên tiếng tham gia vào câu chuyện.
Hỏi về các vấn đề mà họ hoàn toàn có thể trả lời được. Nếu đề tài về giáo dục, bạn có thể hỏi: “Hình như con gái anh đang học ở trường trung học X. phải không? Dạo này cô bé ấy học hành ra sao?”
+ Đừng độc chiếm câu chuyện
Điều nguy hiểm trong giao tiếp cộng đồng là bạn muốn độc chiếm câu chuyện. Hãy chỉ nên nói những nét chính yếu, cắt xén và cô đọng lại câu chuyện dài lê thê của bạn. Đừng nói quá nhiều chuyện vì ngoài chuyện của bạn ra còn nhiều câu chuyện của những người khác muốn thảo luận nữa.
Nói quá nhiều (overtalk) chẳng tạo nên một thiện cảm nào nơi người nghe cả. Thậm chí nó còn phá vỡ những ấn tượng tốt đẹp mà trước đó bạn đã cố công tạo dựng. Người nói quá nhiều sẽ bị nhàm chán, hoặc có thể phải trả một giá đắt: Đánh mất sự tín nhiệm.
+ Chớ nghĩ rằng bạn đang nói với những bậc “giáo sư, tiến sĩ”
Ở nơi công cộng, bạn nên nhớ rằng không phải ai cũng là một chuyên gia hiểu biết, vì vậy chớ đưa ra những vấn đề ra vẻ trí thức cao siêu hay đòi hỏi người đối diện phải trả lời rốt ráo, khoa học. Không nên dò hỏi quá cặn kẽ, chất vấn người ta đến “đường cùng” như thể họ đang phải trải qua một kỳ thi vấn đáp vậy.
Sử dụng những từ ngữ quá ngắn, quá khó hiểu, những thuật ngữ chuyên ngành ít phổ biến cũng có…tác hại hai chiều. Thứ nhất, người nghe khổ sở vì không hiểu nổi. Thứ hai, bạn sẽ bị mang tiếng xấu là người hay khoe mớ kiến thức “vĩ mô”, hoặc là người không đủ trình độ để diễn giải rõ ràng cụ thể! Liệu sau đó còn ai muốn nói chuyện với bạn?
+ Câu hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu…?” (“What if?”)
Loại câu hỏi này là một cách thức mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn cuộc chuyện trò thú vị và sinh động.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bin Laden bị bắt?”
“Nếu may mắn trúng số, bạn sẽ mua cái gì trước tiên?”
Những câu hỏi giả định kiểu này thì chẳng bao giờ giới hạn đề tài lẫn số lượng. Bạn có thể luôn nghĩ ra chúng với nhiều điều thú vị hơn nữa. Câu chuyện sẽ được tiếp nối sống động hơn. Và những câu trả lời thì muôn màu muôn vẻ.
Hãy chọn những đề tài liên quan đến mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay địa vị xã hội. Bất cứ ai cũng có thể trả lời và tranh luận sau câu hỏi giả định của bạn. Vậy là bạn thành công!
Có một câu hỏi mà tôi thường đặt ra khi gặp gỡ nhiều người ở các buổi tiệc…
Giả sử bạn ở trên một hòn đảo với duy nhất một người nữa là bạn thân của bạn, anh ấy sắp qua đời vì bệnh ung thư. Trước khi mất, anh tiết lộ với bạn rằng không ai biết anh ta có 100 ngàn đô la trong ngân hàng. Anh ta nói cho bạn biết mật mã rút tài khoản, nói tâm nguyện cuối rằng muốn trao số tiền ấy cho cậu con trai sắp thi vào đại học. Sau đó, anh ta qua đời. Nhưng cậu con trai ấy là một tay ăn chơi lêu lổng và chẳng có ý muốn học hành gì cả. Nếu trao cho hắn số tiền ấy, chắc chắn hắn sẽ nướng ngay vào sòng bạc và các hộp đêm trong phút chốc. Trong khi đó con trai của bạn lại là một đứa chăm chỉ, cũng sắp thi đại học và khát khao trở thành bác sĩ. Vậy thì, bạn sẽ đưa số tiền đó cho ai?!
Tôi đã kể chuyện và hỏi câu hỏi trên với rất nhiều người, từ những nguyên thủ quốc gia đến những anh lính mới nhập ngũ. Và cho dù hỏi với bất cứ ai thì bao giờ tôi cũng tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng thú vị và “gay cấn”. Mỗi người đều có ý kiến riêng của họ. Nhưng ai cũng thích thú và hào hứng. Đôi khi câu chuyện này được tranh luận suốt cả bữa tối.
Một tổ chức tên gọi là Mensa tập trung nhiều người tài trí trên khắp thế giới. Tổ chức này thường thích đưa ra những vấn đề tranh luận thú vị đề cập đến cuộc sống con người, khuyến khích sự động não và tư duy logic.
Chúng ta hãy thử tìm hiểu hai câu chuyện thú vị dưới đây của họ:
1. “Có bốn người đàn ông trong một hầm mỏ. Không may hầm mỏ bị sập. Họ cố gắng thoát ra ngoài nhưng chỉ có một lỗ thông duy nhất lên mặt đất. Bốn người xếp hàng rồi đo xem ai cao nhất. Không may người cao nhất trong nhóm lại là người mập nhất! Chỉ anh ấy mới với tay được tới cái lỗ, và khi đang leo lên lưng chừng thì bị kẹt cứng. Theo bạn thì ba người còn lại ở bên dưới sẽ làm gì? Có nên kéo anh vừa cao vừa mập rơi xuống lại để lỗ thông thoáng khí hay không? Liệu bọn họ có đánh nhau để giành phần thoát hiểm trước không? Và nếu là một trong số họ thì bạn sẽ thoát hiểm bằng cách nào?”
2. “Giả sử một vị thần ban cho bạn phép tàng hình thì bạn sẽ làm gì?” Đề tài này được đưa ra bàn luận trong một lần tôi có dịp đến tham dự buổi họp mặt của nhóm Mensa. Một người nói rằng sẽ sử dụng phép tàng hình để làm việc thiện giúp người. Nhưng không phải ai cũng tốt bụng như thế. Một người nói sẽ lợi dụng việc tàng hình để việc kinh doanh trở nên tiến triển hơn. Trời ạ, nếu có một con ma vô hình lọt vào thao túng thị trường chứng khoán, ắt hẳn sẽ biến một kẻ vô gia cư hóa thành tỷ phú giàu cỡ Bill Gates chứ chẳng chơi. Người khác lại nói ông ta sẽ tới ngay trường đua ngựa để lấy trộm những thông tin mật và sẽ có khối tiền. Không thể phủ nhận năng lực siêu nhiên này sẽ giúp bạn có thể thống trị cả thế giới. Nếu được tàng hình bạn sẽ làm gì đây, hoạt động từ thiện hay sinh lợi riêng cho bạn?
Cuối cùng, có thể khẳng định dạng câu hỏi giả định này có rất nhiều tác dụng. Ở những thời điểm cuộc trò chuyện đang kéo dài lê thê để khơi ngòi cho một đề tài mới hấp dẫn. Tuy nhiên bao giờ cũng vậy, bạn cần đặt câu hỏi giả định đúng lúc đúng nơi, nội dung cũng phù hợp và chừng mực. Ví dụ khi bạn nói chuyện với người tu hành thì đừng “giả định” những việc trần tục quá. Nói chuyện với vợ của bạn mình mà “giả định” rằng “Nếu tối nay chồng chị đi chơi với ai đó…” thì quả là thiếu tế nhị! “Giả định kiểu này có thể dẫn đến kết cục thảm hại là bạn sẽ nhận được cái tát trời giáng từ bà vợ, chưa kể sau đó tới lượt ông chồng tính chuyện phải quấy với bạn nữa. Tóm lại, ý của tôi là chúng ta chỉ nên châm ngòi cho một câu chuyện hấp dẫn chứ đừng dại dột châm ngòi cho một quả bom xung đột!
+ Quan tâm đến khung cảnh xung quanh
Những người tổ chức tiệc tùng có kinh nghiệm thường trang hoàng gian phòng, nhà cửa sao cho không khí thật thân mật và thoải mái. Tùy sự lựa chọn của bạn, hoặc mang tính khoa học hoặc tính nghệ thuật, một lọ hoa mềm mại hay những vật trang trí có góc cạnh, tất cả đều có tác dụng không nhỏ đến tâm lý người dự tiệc. Tôi không phải là một chuyên gia về hoa, cũng không phải kiến trúc sư thiết kế, nhưng tôi có thể thuật lại cho các bạn nghe vài điều về cách bố trí gian phòng quay hình của chương trình “Larry King Live” trên đài CNN của tôi.
Cái ghế của tôi cũng như của các vị khách mời đều được làm bởi các nhà thiết kế chuyên nghiệp hợp tác với CNN. Họ đã thành công trong việc tạo ra một không khí mang lại cảm giác thân mật, thoải mái giữa chủ và khách từ những chiếc ghế ngồi này. Trên bàn chúng tôi chẳng có một bông hoa nào, phía sau cũng không có những bức tranh khổng lồ nào về quang cảnh New York hay Washington làm phông cả. Chúng tôi chỉ có những chiếc ghế “phối cảnh” với một tấm bản đồ treo trên tường. Đơn giản nhưng hài hòa. Tôi nghĩ thế. Cám ơn những nhà thiết kế có óc sáng tạo thật độc đáo này!
Khung cảnh bạn chọn để bạn bè cùng nhau trò chuyện thì không cần quá màu mè. Cũng không vì chỗ đẹp mà quên đi thời điểm có hợp lý không. Ví dụ nếu nhà bạn có một khoảng sân vẫn thường là chỗ rượu trà lý tưởng, nhưng hôm nay thời tiết nóng bức oi nồng thì bạn nên chuyển vào trong nhà có quạt hay máy lạnh. Ngoài ra hãy sắp xếp chỗ ngồi một cách hợp lý. Phòng chật thì bảo khách ngồi gần, nhà rộng thì mời khách ngồi thưa ra. Nếu không đủ chỗ ngồi thì linh động tổ chức tiệc đứng (buffet). Không có gì khiến người ta cảm thấy khó chịu hơn khi suốt bữa tiệc phải nhúc nhích trong một cái bàn chật hẹp.
+ Trò chuyện với người khác phái
Việc trò chuyện với người bạn khác phái, nhất là giữa hai người vừa mới quen nhau, từ xưa đến nay vẫn được thừa nhận là không phải dễ. Ngay tôi cũng cho rằng việc này rất dễ… thất bại.
Thời xưa, trong những buổi dạ tiệc, một chàng trai đến bên một cô gái chỉ dám bắt chuyện nhẹ nhàng như thế này: “Trông cô thật xinh đẹp!” hay “Anh đã từng gặp em trước đây chưa nhỉ?” Giờ đây khoảng cách “giữ kẽ” được thu ngắn lại ít nhiều. Chúng ta có thể bắt đầu với vẻ bớt e ngại hơn, dạn dĩ hơn. Xã hội ngày càng văn minh, ranh giới và sự phân biệt nam nữ ngày càng ít đi. Nhưng dù sao thì bạn cũng nên cẩn trọng. Và điều này còn tùy thuộc vào sự khác biệt giữa các nền văn hóa, quan niệm đạo đức ở mỗi nơi nữa.
Bắt chuyện với người khác phái sao cho không nhút nhát mà vẫn giữ được sự lịch lãm quả không dễ dàng. Vấn đề này không chỉ riêng ở phái nam. Phái nữ cũng bận tâm về nó. Ở nữ giới còn khó khăn hơn bởi họ có những điều kiêng kỵ đặc trưng.
Nếu bạn là một cô gái, bạn vẫn có thể tha hồ trò chuyện với các anh bạn ở một bữa tiệc thân mật. Nhưng ở nơi công cộng, nếu quý cô bỗng dưng ngẫu hứng, đơn thương độc mã đến bên một chàng bảnh trai (chưa hề quen biết) để bắt chuyện thì phải hết sức khéo léo, nếu không muốn bị chê là “mất duyên con gái”.
Khi tôi còn ở lứa đôi mươi ở trường trung học, con gái bị cấm đoán gọi điện thoại cho bạn trai là điều đương nhiên. Các bậc cha mẹ quan niệm rằng con gái của họ không được phép gọi cho bọn con trai mà phải đợi “phe kia” gọi trước mới phải đạo. Việc làm quen hay hỏi chuyện đều ưu tiên cho nam giới. Cho dù ở bất cứ tình huống nào đi nữa, phái nữ cũng không được phép “đi trước” phái nam. Bên cạnh đó, còn có những luật lệ hà khắc bất thành văn nhưng lan rộng trong xã hội. Chẳng hạn như việc tặng quà. Hồi đó tôi chẳng bao giờ dám tặng một chiếc ví tay cho bạn gái! Một quyển sách hay cũng không dám nốt! Nói chi đến chuyện tặng một chiếc ví đầm… Nghe có vẻ vô lý, nhưng quả thật dạo ấy những món quà như thế này được coi là riêng tư và kém tế nhị nếu mang đi tặng. Vậy, người ta thường tặng nhau cái gì? Một chiếc cà vạt, một đôi găng tay, hay một cành hoa violet… thì cũng chấp nhận được. Thật là khó khăn và rắc rối.
Ngày nay tất cả những điều cấm kỵ đó đã đi vào dĩ vãng. Những món quà tặng người yêu thì luôn luôn không có giới hạn và thậm chí còn… bay cao ngoài sức tưởng tượng. Việc cô gái gọi điện cho chàng trai thì quá bình thường. Có gái hỏi chuyện trước cũng vô cùng bình thường. Vì vậy hãy trở lại vấn đề chính của chúng ta: Làm thế nào để trò chuyện ăn ý với người bạn khác giới
Bạn biết không, Arthur Godfrey đã khuyên tôi chỉ duy nhất mấy chữ: “Tự nhiên mà nói!”. Một lời khuyên chí lý! “Tự nhiên” bao giờ cũng giúp ta tự tin và thoải mái, có vậy mới nói năng trôi chảy, không ấp úng ngượng nghịu. Thế là trong lần đầu gặp nàng, tôi đã “tự nhiên mà nói” rằng: “Chào cô, tôi thực sự chẳng giỏi giang gì về việc này. Cái việc trò chuyện với quý bà quý cô ấy mà… Nhưng không hiểu sao tôi cứ muốn được trò chuyện với cô trong giây lát. Tên của tôi là Larry King, rất hân hạnh được làm quen với cô!”
Bạn hãy thử hỏi chuyện theo cách của Godfrey xem. Nếu cô ấy đáp lại lời bạn thì bạn sẽ có một cuộc nói chuyện thú vị. Nếu không thì xem như bạn bị “lạc quẻ”. Bởi nếu không có sự hưởng ứng từ đối phương thì dù cố gắng cuộc trò chuyện cũng chẳng đi đến đâu cả.
Nhưng ngược lại, nếu người ấy tỏ vẻ cũng muốn tán gẫu với bạn thì bạn sẽ nói về những việc gì?
- “Này, mọi người hình như ai cũng thắc mắc Mike Tyson có được cấp giấy phép lên võ đài nữa hay không, em thì nghĩ sao?”
- “Tôi vừa biết tin giá vàng giảm, anh có nghĩ là nó sẽ giảm nữa hay không?”
Những câu hỏi như vậy có hai mục đích: giúp cho các bạn làm quen với nhau, hiểu biết về nhau rõ hơn so với những lời giới thiệu sơ lược ban đầu; và đây cũng là dịp để “đo thử” kiến thức của đối phương, bạn sẽ bắt đầu biết họ thuộc trình độ nào, có quan tâm thời sự hay không…
Nếu cô gái mà bạn hỏi câu thứ nhất lập tức trả lời bạn rằng, “Tôi tiếc khi Mike Tyson không được cấp phép”, chứng tỏ cô ấy rất quan tâm sự kiện trên. Nhưng nếu cô ấy nói: “Ồ, tôi chẳng biết gì về Mike Tyson cả, sao hắn không được đấu nữa vậy?”, điều này có nghĩa là bạn cần kể qua loa sự việc, nói đôi chút suy nghĩ của mình rồi nhanh chóng bắt sang một đề tài khác là vừa.
Tương tự, với câu hỏi thứ hai, nếu nhận được câu trả lời: “Sáng nay tôi có đọc một bài báo phân tích giá vàng giảm…” thì bạn có thể thoải mái kết nối đề tài giá vàng với anh ấy.
Lời khuyên của tôi là, khi nói chuyện với người khác phái bạn phải nhanh chóng biết về đối phương càng nhiều càng tốt. Hãy thu hút sự chú ý của họ bằng cách nói đến những vấn đề thuộc lĩnh vực sở trường của bạn. Và phải nói về nó một cách thật tự nhiên. Nếu bạn là người hóm hỉnh có khiếu pha trò, hãy xem cô ta có thích sự vui nhộn hay không. Nếu bạn là người nghiêm nghị thì hãy xem anh ấy có nghiêm nghị hay không. Nếu bạn thích thể thao hay điện ảnh, cũng nhất thiết phải xem đối phương có thích như bạn hay không. Trong trường hợp người ấy tỏ ra không thích thú hoặc lưu tâm gì tới những lời nói của bạn, tốt nhất là nên rút lui một cách tế nhị. Nhất định sẽ có một ai đó trong nhóm đông thích hợp để chuyện trò cùng bạn.
NHỮNG BỮA ĂN TỐI THÂN MẬT
Trò chuyện trong những bữa ăn tối thân mật đối với tôi dễ dàng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng các bạn cũng cảm thấy như vậy. Vì trong dịp này hầu hết mọi người đã quen biết nhau cả nên việc trò chuyện sẽ thuận lợi và ăn ý hơn.
Tạo một không khí rôm rả trên bàn ăn ư? Không khó! Chỉ cần ta đề cập đến những sự kiện nóng bỏng mà ai cũng có thể bàn luận, đóng góp ý kiến. Đôi khi có những việc ngoài ý muốn, chẳng hạn một người nào đó vừa trải qua một ngày làm việc thất bại, hay có chuyện riêng tư chán nản…Lúc ấy nên tế nhị và đừng đề cập đến chuyện không vui của cá nhân họ, hãy nói về những đề tài thoải mái và hào hứng hơn.
TIỆC CƯỚI, SINH NHẬT, LỄ TANG…
Tiệc cưới, tiệc sinh nhật… là dịp để những người quen thân tụ tập lại và chung vui với nhau. Ở những nơi này bạn có thể trò chuyện với mọi người một cách thoải mái nhất, dù cho bạn có quen thân với họ hay không.
- “Anh có quen cô dâu không? Tôi là bạn thân của cô ấy. Nhưng đến bây giờ tôi mới biết mặt chú rể đấy. Cô ấy rất dễ thương, gia đình cũng đàng hoàng lắm…”
Bạn có thể tha hồ tán gẫu với người mới quen về cô dâu, về chú rể, về những việc đang diễn ra trong bữa tiệc… “Anh có biết họ sẽ đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu không? Anh quen với bên đàng trai như thế nào?” Có rất nhiều, rất nhiều đề tài để bạn trò chuyện.
Trái lại, việc phân ưu sẽ nhiều hơn nơi tang lễ. Một nguyên tắc cơ bản khi nói chuyện với những thành viên trong gia quyến người mất là: “Lựa lời mà nói”. Đừng nói những gì không thích hợp hay những gì thừa thãi. Không nên chia buồn bằng câu nói: “Tôi biết anh rất buồn, rất đau khổ…” Vì câu nói này là thừa. Lời chia buồn quá thống thiết càng làm cho gia quyến đau đớn hơn mà thôi. Càng tệ hại hơn khi ai đó chia buồn rằng: “Bi kịch làm sao, đau đớn làm sao”, hay “Đây quả là một mất mát khủng khiếp”. Trước khi nói những lời như vậy, tại sao bạn không nghĩ rằng khi nghe nó tang chủ còn xốn xang đến chừng nào.
Nên nói những gì? Hãy kể về những kỷ niệm, những ký ức còn đọng lại về người quá cố. Tôi còn nhớ ở lễ tang của John, tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi tối thứ sáu hôm ấy, lúc tôi ở bệnh viện bên John trong những giây phút cuối cùng. Rồi chúng ta đưa anh về nhà giữa một cơn mưa tầm tã…”
Nếu bạn quen thân với gia quyến thì hãy gợi lại những điều vui vẻ: “Anh có nhớ Fritz kể chuyện hài làm bạn bè thích như thế nào không? Những chuyện cậu ấy kể là những chuyện khôi hài nhất mà tôi từng được nghe”. Có thể khi nói về những điều đó, bạn đã thắp nên một ngọn nến giữa không gian u buồn ảm đạm nơi lễ tang. Đặc biệt là những chuyện mà gia quyến không hề biết về người đã mất, thì đây là dịp để bạn có thể chia sẻ với họ những kỷ niệm quý báu ấy.
Nếu không biết rõ về người quá cố thì bạn có thể nói về những thành tựu mà ông ấy (hay bà ấy) đã đạt được. Như họ đã từng là những “viên ngọc sáng chói” ra sao, con cái của họ thành đạt thế nào… Ở tang lễ, bạn không cần quá băn khoăn trăn trở mình nên nói những gì. Hãy thử đặt mình là thành viên trong gia quyến, lúc ấy bạn muốn nghe những gì? Những điều càng đơn giản, càng thành thật càng tốt. Bởi suy cho cùng trong hoàn cảnh này mọi người sẽ chẳng để ý xem bạn ăn nói có tài hoa không, bạn có là một nhà diễn thuyết sắc sảo không. Chỉ cần nói một cách chân thành rằng: “Tôi xin chia buồn. Chúng ta đã thật sự mất cô ấy” thì cũng đã đủ.
Nếu bạn là người được chọn làm đại diện để phát biểu ở tang lễ thì những điều cơ bản cũng như tôi vừa trình bày. Hãy nói một cách đơn giản nhất và chân thành nhất. Tuy không phải là chuyên gia nhưng tôi đã từng trải qua kinh nghiệm này:
Tháng 10-1993, Bob Woolf, người bạn và đồng sự thân thiết nhất của tôi đã vĩnh viễn ra đi một cách đột ngột. Tôi quen biết gia đình Bob Woolf khá lâu và luôn giữ một mối quan hệ thân thiết. Tôi đã thường xuyên cộng tác với Bob lẫn cô con gái tài giỏi của ông là Stacey Woolf. Trong ký ức của tôi, Bob luôn là một con người lịch lãm, tài ba và có óc khôi hài. Tôi rất kính nể Bob. Tất cả chúng tôi khi đón nhận tin anh qua đời đều bị sốc mạnh. Bob mất trong lúc đang ngủ vào một chiều cuối thu ở Florida, chỉ vài ngày sau khi anh đứng ra tổ chức lần sinh nhật thứ 60 của tôi ở Washington. Stacey đã mời tôi là một trong năm người phát biểu tại lễ tang. Lúc ấy tôi vừa cảm thấy vinh dự vừa cảm thấy bối rối vì tôi thật sự không biết mình phải nói gì. Tôi vẫn đang choáng váng trước sự ra đi của Bob. Trong tâm trí không tỉnh táo này, làm sao biết nên hay không nên nói những gì. Liệu tôi có nói điều gì không phải hay không? Tôi cố trấn tĩnh và tự nhủ hãy tự tin lên, cứ nói những gì mà mình nghĩ lúc đó.
Tôi là người phát biểu sau cùng. Bốn người đầu đều nói rất hay, nhất là vị giáo sĩ người Do Thái của Bob. Và tới lượt tôi… Có thể nói đây là bài phát biểu khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng thật ra đó cũng không phải là một bài diễn văn. Đó chỉ là những cảm xúc và hồi tưởng trong ký ức mà tôi chia sẻ với gia đình Bob Woolf, như tất cả những ai từng rơi vào hoàn cảnh bối rối này.
Tôi đứng cạnh quan tài đóng chặt của người bạn thân yêu, cảm nhận rõ giây phút chia ly đau đớn. Đột nhiên khi nhìn thấy ánh mắt buồn bã của Stacey và những người khác trong gian phòng, tôi biết rằng ai cũng đang chịu đựng nỗi đau như tôi. Tôi biết mình phải kiềm chế cảm xúc lại. Và tôi bắt đầu nói:
“Bob có hai người bạn thân trùng tên Larry, và tôi là người bạn Larry thứ hai của anh ấy. Khi tôi và Larry Bird cùng gọi điện đến thì Bob chẳng biết nên nói chuyện với người nào…”
Những lời đầu tiên này đã làm vài người tủm tỉm. Sinh thời Bob rất hài hước và vui nhộn, lúc nào cũng muốn pha trò. Thế nên tôi tiếp tục nói:
“Quý vị biết đấy, Bob rất thích chụp hình. Đi đâu anh ấy cũng hay muốn chụp chọt một cái gì đó. Nếu bạn hỏi phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử là gì thì Bob sẽ trả lời ngay về sự ra đời của cái máy ảnh…”
Thế là chúng tôi đã có được một vài phút giây thư thả trong không khí u buồn căng thẳng. Tôi cảm thấy có lẽ mình đã đi đúng hướng. Tôi đã chọn được cách thích hợp để nói về Bob. Thiết nghĩ trong những tình huống như thế này, bạn hãy lắng nghe chính bản năng của mình. Bản năng sẽ mách bảo bạn nên nói cái gì và cái gì không nên nói. Nếu như cảm thấy rằng người khác muốn nghe những ký ức, một kỷ niệm hay một câu nói trước đây của người quá cố, thì hãy kể lại. Tất nhiên, sẽ có những điều không nên đề cập tới, thì đừng nói ra. Nhất là đừng để ký ức tràn về như một thác nước rồi thao thao bất tuyệt.
Việc phát biểu ở lễ tang của Bob đối với tôi không chút dễ dàng. Và tôi biết ai ở tình huống như tôi cũng vậy. Nhưng chúng ta phải biết kiềm nén sự xúc động lại, để nói một cách chân thành, để bày tỏ tấm lòng với người bạn đã mất và chia sẻ nỗi đau này cùng người thân trong gia quyến
Sau hết, chắc tang lễ là điều không ai muốn nhưng chúng ta vẫn phải đến đó vì cùng một lý do như nhau: chúng ta yêu người bạn, người thân của chúng ta. Không ai đến đưa tang Bob Woolf để nghe Larry King nói! Chúng tôi, tất cả chúng tôi, đến đó vì Bob và vì còn nợ anh ấy một lời chào tạm biệt.
Đó là chia sẻ của tôi dành cho bạn. Nếu một ngày nào đó bạn ở vào vị trí của tôi và nói trước một lễ tang, hãy nhớ đi nhớ lại rằng người ta đến đó không phải để nghe bạn nói. Họ đến để bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của một người đáng mến. Để hồi tưởng lại về lúc sinh thời của người quá cố. Hãy chia sẻ nỗi buồn, niềm cảm thông sâu sắc với tang gia. Đôi lúc bạn cũng có thể pha vào một chút khôi hài để làm vơi bớt không khí ảm đạm. Và nhớ là, nói càng ít càng tốt.
TRÒ CHUYỆN VỚI NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG
Đối với nhiều người, trò chuyện với những người nổi tiếng là một thách thức khó khăn. Nhất là khi họ “bị động” vì sự quá nổi tiếng của anh ấy (hay cô ấy).
Nếu không chuẩn bị tâm lý trước thì bạn sẽ thật sự bối rối. Ngôi sao điện ảnh, các ca sĩ hàng đầu, vận động viên lừng danh… Khi nói chuyện với họ đôi lúc bạn không biết nói cái gì, vì bạn biết quá ít về nó hay thậm chí chưa từng đặt chân vào lĩnh vực đó. Các ngôi sao vốn hay nhạy cảm, trò chuyện với họ bạn cần phải hết sức khéo léo. Nếu bạn nói từ hồi còn bé xíu đã là một fan của họ thì có thể họ sẽ nhăn mặt ngay. Họ nghĩ bạn ám chỉ họ đã già (dù ý của bạn không phải là như thế). Còn các cầu thủ sẽ xem lời nói nay của bạn thật sự là một châm chích: “Hồi xưa ba tôi dắt tôi đi xem anh đá hoài” (còn bây giờ thì không thèm xem nữa ư?!).
Nếu nói rằng: “Tôi từng luôn nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng (hay một diễn viên điện ảnh, một tuyển thủ bóng đá)” thì câu nói này sẽ giảm đi phần nào sự lẫy lừng của ngôi sao mà bạn đang trò chuyện. Họ sẽ nghĩ rằng ý bạn nói bất cứ ai cũng có thể làm được như họ.
Trong những chương trình của tôi trên truyền hình, tôi đã trò chuyện với rất nhiều người nổi tiếng ở mọi lĩnh vực. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, các ngôi sao cũng thích một cuộc trò chuyện bình thường như tôi với bạn mà thôi. Trò chuyện với họ tôi không đặt nặng ấn tượng rằng mình đang trò chuyện với một người nổi tiếng. Nếu như bị chi phối bởi danh tiếng lẫy lừng của họ, thì bạn sẽ thất bại ngay! Họ cũng là con người như chúng ta. Và họ cũng có những cảm xúc như chúng ta, thích hay không thích những điều gì đó như chúng ta vậy thôi. Tôi đã thành công khi trò chuyện với họ trong một không khí thoải mái.
Khi có quan điểm như vậy, bạn sẽ thấy rằng được trò chuyện với những người nổi tiếng là một dịp may thú vị. Họ là những con người đặc biệt và có ý tưởng cũng rất đặc biệt.