Vô danh
Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, tôi và Mẹ rời trại chăn nuôi ở Oklahoma đến Nashville, bang Tennessee. Tôi sẽ thử giọng để ghi đĩa ở đây. Khi đó tôi mới 20 tuổi và đã luyện âm khá tốt, sẵn sàng nắm lấy cơ hội của cả đời.
Khi đi qua sườn đồi, nơi đây rất đẹp bởi màu hồng và trắng của những tán cây và màu hoa rợp đỏ, tôi cảm thấy hơi khó chịu. Càng đến gần trung tâm nhạc đồng quê, tôi càng muốn cho chuyến đi dài hơn. Đó cũng là cơ hội cho Mẹ ngắm cảnh và ăn chút ít cho lại sức. Cuối cùng cũng đến nơi, Mẹ tấp chiếc Ford xanh vào quán Diary Queen bên lề đường.
Tôi ngồi lẩn mẩn với ly kem, không cần giải thích Mẹ cũng biết tôi sợ. Bà nói: “Rabe Nell! Chúng ta có thể về nhà nếu con muốn, mẹ hiểu mà. Nền âm nhạc không phải cho mọi người.”
Tôi nhìn mẹ qua cây kem đang chảy dần, bà không ép tôi. Hồi bằng tuổi tôi, Mẹ sẽ đánh đổi tất cả để có cơ hội như bây giờ. Tôi tự hỏi có phải đó là điều đang khiến mình hoang mang.
Chúng tôi luôn có mối liên hệ đặc biệt nào đó, có lẽ do khả năng ca hát của mình. Âm nhạc đã quay trở lại với cuộc đời Mẹ. Ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, Mẹ phải nhận công việc dạy học ở một trường làng nhỏ. Rồi bà kết hôn, làm thư ký cho ban giám thị trường học đồng thời phải nuôi bốn đứa con ở nhà.
Mẹ và tôi cùng là những người con giữa, và là người thứ ba trong 4 người con. Là một đứa con giữa, tôi luôn muốn được chú ý. Tôi rất phá phách và làm mọi thứ anh Pake có thể làm. Khẩu hiệu hồi đó là: “Bất cứ thứ gì anh làm được, em sẽ làm tốt hơn.” Tôi còn cố làm cả những việc như: chọi đá, cưỡi ngựa, kéo co. Hóa ra tôi là người giỏi thu hút sự chú ý nhất. Sau đó, tôi bắt đầu học hát.
Tôi nhớ hồi học lớp hai, giáo viên dạy nhạc là bà Kanton, tập tôi hát bài “My favorite things” từ album The Sound of Music. Khi về nhà hát cho Mẹ nghe, mắt bà nhìn thẳng vào tôi ngạc nhiên. Tôi hơi ngượng khi người lớn nói tôi có khiếu.
Mẹ gọi đó là món quà đặc biệt Chúa dành tặng tôi. Tôi rất giống bà khi bằng tuổi bà khi đó. Bà ngoại thường dẫn tôi đi câu cá ở một cái hồ nhỏ gần nhà. Chúng tôi câu được rất ít nhưng tôi thích quăng cần câu và ngồi nghe ngoại kể chuyện bên hồ. Bà kể về David, Moses, Daniel và những món quà Chúa tặng cho họ. Đó là sự dũng cảm, tài lãnh đạo và khả năng tiên đoán. Thật ra, David là một nhạc sĩ.
Có lẽ học được nhiều kinh thánh là do tôi đi câu cá với bà ngoại mỗi Chủ nhật. Bà dạy hát các bài thánh ca để tôi hát cho bà nghe. Bà nói: “Reba, Chúa cho chúng ta tài năng và cơ hội. Con phải biết sử dụng chúng.”
Những quả dâu đang tuột dần khỏi cây kem. Tôi nhìn cái đèn đang quay bên ngoài tiệm. Mẹ đang nâng niu cốc cà phê nhìn xe cộ qua lại. Bà rất chậm rãi không muốn ép tôi.
Chúng tôi mất khoảng một giờ tản bộ trên đường. Ông nội và bố là những nhà vô địch kéo co. Chúng tôi thường theo bố đến rạp xiếc vào mùa hè. Nhà có chiếc xe ngựa rất nặng, bốn đứa nhỏ phải đứng sau xe để bố có thể nhấc đầu xe lên và cài nó vào chiếc Ford. Sau đó chúng tôi ra hàng ghế sau ngồi chạy đến rạp xiếc ở Wyoming và Colorado. Trên đường đi, bọn nhóc nhà tôi thường tổ chức các trò như đếm cột kilomet, tìm xem biển số xe nào cũ nhất.
Rồi tình cờ một đứa hát lên khiến cả bọn ùa theo. Mẹ giúp chúng tôi giữ nhịp và hòa âm. Nếu lời hát bị lẫn lộn, bà nói ngay: “Dừng lại, Reba Nell bắt nhịp. Bắt đầu.” Đó là cách bà trở thành giáo viên dạy nhạc.
Khi lớn lên, Pake, em gái Susie và tôi hình thành ban nhạc đồng quê của trường Kiowa. Chúng tôi tự đặt tên nhóm là McEntires, và thường tập hát trong phòng khách khi Mẹ nấu ăn dưới bếp. Tôi nhớ có lần chúng tôi hát hơi bị nhập nhằng, tôi hát lộn phần của Susie còn Susie hát phần của Pake. Chúng tôi không nhận ra nhưng Pake hát rất lệch điệu và lôi chúng tôi theo. Mẹ nhận ra ngay, lập tức Mẹ chen vào khi trong tay còn cầm con dao.
“Được rồi, bắt đầu lại.”
“Susie, con đang hát phần của Reba” bà vừa nói vừa chỉ con dao. “Bây giờ hát lại đi nào.”
Chúng tôi hát lại. “Nghe tốt hơn rồi.”
“Tuyệt lắm, lại lần nữa.” Sau đó, Mẹ quay trở lại bếp. Đó chính là Mẹ tôi.
Tôi bắt gặp Mẹ nhìn đồng hồ. Tôi không thể chần chừ lâu hơn. Ly kem đã tan thành nước cả.
Khi giọng hát đã đủ chững chạc để là một ca sĩ thực thụ, tôi bắt đầu biểu diễn ở rạp xiếc. Tôi thích hát trước đám đông và nghe những ngôi sao nhạc đồng quê hát như Loretta Lynn, Dolly Parton biểu diễn. Tôi lên sân khấu và cố hát giống họ. Một ngày, Mẹ dẫn tôi ra ngoài dặn dò và đó là lần nói chuyện rất quan trọng.
Bà nói: “Reba Nell, con có giọng hát rất hay. Nếu mọi người muốn nghe Dolly hay Loretta, họ sẽ mua đĩa của các ca sĩ đó. Nhưng con phải tìm phong cách riêng của mình. Hãy hát những điều con cảm nhận bằng cả trái tim, con sẽ khám phá ra tài năng Chúa tặng cho con. Đó là cái họ muốn nghe.”
Mẹ nói đúng, sau buổi nói chuyện, mọi người bắt đầu nhìn tôi khác hơn. Đó là lý do tôi ngồi ở đây, quán Diary Queen ngoài thị trấn Nashville.
Tôi ngẩng lên nhìn mẹ, bà đang tìm chìa khóa xe. Mẹ nói: “Reba, mẹ nói nghiêm túc chuyện quay về. Nếu con nhận được hợp đồng ghi âm, mẹ tự hào về con. Nếu không, mẹ vẫn tự hào.” Rồi bà với tay ôm tôi, khi đó tôi nhớ ánh mắt bà khi hát bài “My favorite things.”
Tôi biết ánh mắt đó có ý nghĩa gì. Tất cả những gì bà muốn là tôi phải là chính mình, và đã thấy những gì tôi thể hiện. Mẹ không cần phải nói tôi cũng hiểu bà muốn tôi thực hiện giấc mơ của bà. Đột nhiên, tôi muốn chạy ngay đến Nashville.
Bây giờ, tôi đã có nhiều hợp đồng ghi âm. Tôi đã tận dụng tài năng bà ngoại và mẹ giúp tôi tìm ra. Chúa tặng chúng ta tài năng để mỗi người trở nên đặc biệt.
Reba McEntire