Biết quý trọng những điều đang có
“Đừng than phiền về những điều bạn chưa có…
Hãy vui với những gì bạn đang có.”
- H. Stanley Judd
Bạn thực sự quan tâm đến điều gì?
Nhà triết học Authur Schopenhauer từng có câu nói thật chí lý: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những điều chúng ta đã và đang có, mà chúng ta luôn tự đau khổ, dằn vặt về những điều chúng ta chưa có và muốn có”. Chính vì thế mà xã hội chúng ta lúc nào cũng nảy sinh biết bao nhiêu phiền toái. Một lần tôi thử yêu cầu các sinh viên cố gắng không phàn nàn về bất kỳ điều gì trong suốt hai mươi bốn giờ tới. Ngay lập tức, tôi nhận được lời phàn nàn về điều mình vừa đưa ra bởi vì hầu như các sinh viên đều nghĩ rằng họ không thể vượt qua được “thử thách” đó. Vì thế, tôi đề nghị họ viết ra giấy những phàn nàn của mình mỗi lần muốn phàn nàn về điều gì đó hay ai đó.
Sau hai mươi bốn giờ, tôi cùng với các em thảo luận cách về mục đích của cuộc thử nghiệm. Rõ ràng khi nhìn nhận lại danh sách những điều mình đã liệt kê ra, chúng ta có thể thấy rõ một ngày mình phàn nàn rất nhiều lần và hầu hết là phàn nàn về những chuyện vụn vặt, không đáng, không đâu vào đâu.
Trong phần tiếp theo của cuộc thử nghiệm, tôi yêu cầu mỗi sinh viên liệt kê những sự vật, những người hay những điều gì khác mà họ cảm thấy hài lòng hoặc đánh giá cao. Trong vòng hai mươi bốn giờ kế tiếp, mỗi người phải đọc những điều mình vừa liệt kê bốn lần: sau bữa trưa, sau bữa tối, trước khi đi ngủ, và buổi sáng hôm sau trước khi đi học hoặc đi làm. Trong buổi học đầu tiên sau khi áp dụng phần thử nghiệm này, tôi hỏi họ cảm thấy như thế nào so với những ngày trước đây, sau khi cố gắng không phàn nàn về những điều không cần thiết phải làm như vậy. Thật ra, biểu hiện và ngôn ngữ cơ thể của họ đã trả lời thay cho tất cả. Mọi người năng động hơn với những đôi mắt sáng mở to, cười nhiều hơn và tươi hơn.
Sau hơn ba mươi năm thực hiện thử nghiệm này, tôi có thể khẳng định rằng cảm giác hài lòng về xung quanh sẽ giúp con người ý thức về những điều họ đang có và củng cố cũng như hình thành thói quen hài lòng trong tính cách của họ. Tôi nghĩ bạn cũng thử lập một danh sách của những điều mình cảm thấy hài lòng và mỗi ngày dành ít phút để đọc hết một lượt để nhắc nhở về những điều tốt đẹp mà mình đang có. Đó là bước khởi đầu cho một cách nhìn lạc quan, điều rất cần cho thành công của bạn.
Biết quý trọng những gì đang có
“Chúng ta không bao giờ đánh giá đúng giá trị của loại nước chúng ta đang uống cho đến khi giếng nước bị cạn khô.”
- Benjamin Franklin
Eddie Rickenbacker, phi công nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, một lần bị trôi dạt trên một phao cứu sinh, đói khát trong suốt hai mươi mốt ngày cùng cực và vô vọng giữa biển Thái Bình Dương mênh mông giá lạnh. Anh đã phải đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết từng giờ một và anh đã sống sót qua thử thách kinh khủng đó. Anh đã rút ra trải nghiệm quý báu để động viên mình và bạn bè: “Nếu bạn có đủ nước ngọt để uống và đủ thức ăn để ăn trong một ngày thì bạn đừng bao giờ phàn nàn điều gì khác nữa”.
Eddie nhận ra trong thời gian hai mươi mốt ngày đó, khi cái chết cận kề, anh mới hiểu rằng anh đã may mắn đến dường nào! Thế nhưng một số người lại rất thường hay phàn nàn về những chuyện lặt vặt trong khi người khác lại cảm ơn cuộc sống đã cho họ chính điều đó. Vậy có phải là họ thực sự chẳng vui gì với cuộc sống chung quanh hay đó chỉ là do thói quen mà thôi?
Trong nhiều nhà thờ của người xứ Cromwell ở nước Anh, có hai từ đã được khắc lên những vách tường đá, đó là: Think and Thank (Hãy suy nghĩ và cảm ơn). Tôi mong ước hai từ đó được treo khắp nơi: trong nhà, trên xe, trong trường học, và nơi làm việc. Chúng sẽ nhắc ta suy nghĩ về những điều mà chúng ta đang có.
Đâu đó trong ký ức của mình, chúng ta vẫn thầm cảm ơn những người đã từng nâng đỡ tinh thần của chúng ta, chỉ bảo và giúp ta nhìn thấy điều tốt đẹp của chính mình. Nhờ họ, chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn hơn. Thế nhưng chúng ta có nói lời cảm ơn với họ chưa?
Chúng ta thường dễ thốt ra những lời than vãn, dễ bộc lộ sự giận dữ của mình nhưng lại hay ấp úng mỗi khi muốn nói lời cảm ơn một người nào đó. Đó là do chúng ta đã quen phàn nàn và không vừa lòng về tất cả những điều mà chúng ta gặp phải. Nếu chúng ta vượt qua được thói quen suy nghĩ đó, thì chỉ một lời nói cũng làm cho chúng ta và người mà ta đang cảm ơn đều cảm thấy vui và thoải mái. Hãy nhớ rằng, chỉ trong một khoảnh khắc, chúng ta có thể làm nên một ngày thật đặc biệt cho người khác và cho chính mình đơn giản chỉ bằng cách thể hiện lòng biết ơn của chúng ta.
“Vấn đề không phải là ta có bao nhiêu, mà là chúng ta cảm nhận về những điều chúng ta đang có như thế nào…”
- Charles Spurgeon