Thất bại là chuyện bình thường
Nếu bạn dám chấp nhận thất bại và rút kinh nghiệm từ đó, nếu bạn xem thất bại như là một cơ hội trưởng thành cho mình, thì bạn hãy tin là mình đang bước đi trên con đường đến với thành công.”
- Joseph Sugarman
Ai cũng đã từng nếm mùi thất bại
Hãy hỏi bất kì người thành đạt nào xem họ đã từng gặp thất bại về chuyện gì hay chưa, và bạn bè sẽ có được hai câu trả lời. Câu đầu tiên sẽ là một nụ cười trầm ngâm hoặc sẽ là một tiếng cười lớn. Câu trả lời thứ hai sẽ là một câu hỏi đại khái như là: “Bạn muốn nghe về thất bại nào của tôi?”. Thất bại là một phần tất yếu trong cuộc sống mà không ai tránh khỏi. Vấn đề quan trọng không phải là chúng ta có thất bại hay không, mà chính là chúng ta đã thất bại như thế nào. Sự khác biệt giữa người thành công và người không thành công được xác định không phải bởi số lần thất bại của của họ mà bởi việc họ đã làm gì sau những lần thất bại đó.
Hai kinh nghiệm thất bại nổi tiếng
Tôi bắt đầu đọc tiểu sử của các danh nhân năm mười hai tuổi. Nhờ đó, tôi khám phá ra rằng, đó là những cuốn hay nhất về đề tài thành công. Điều làm tôi ấn tượng nhất là người ta không chỉ viết về thành công mà viết cả về những thất bại vì không ai thành công mà trước đó chưa từng nếm mùi cay đắng của thất bại.
Về kinh nghiệm thất bại, tôi nghĩ ngay đến hai người nổi tiếng là Albert Einstein và Thomas Edison. Một người là nhà toán học vĩ đại nhất và người kia là nhà phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại. Họ sẽ không thành công nếu không sẵn lòng rút ra những bài học từ thất bại và vẫn bền chí vào những thời điểm đen đủi nhất. Tuy không có nhiều người biết đến, nhưng những thất bại của họ đã góp phần không nhỏ mang đến sự thành công trong những phát minh của họ.
Khi Edison tìm cách kéo dài đời sống của chiếc bóng đèn tròn, ông đã thử hơn mười ngàn lần các kiểu kết hợp khác nhau của các vật liệu mà vẫn thất bại. Khi được hỏi rằng, bằng cách nào có thể tiếp tục thí nghiệm sau ngàn lần thất bại, ông trả lời ông không coi đó là thất bại, mỗi lần thử nghiệm đối với ông là mỗi lần ông tiến tới gần thành công hơn. Còn Einstein, người nổi tiếng là thông thái, nói: “Tôi không ngừng suy nghĩ và suy nghĩ. Chín mươi chín lần cho kết quả sai. Nhưng lần thứ một trăm thì tôi đúng”.
Với những người này, thất bại là điều bình thường. Và họ biết rằng thành công hiếm khi đến trong lần thử nghiệm đầu tiên. Với suy nghĩ như thế, chúng ta sẽ nhanh chóng hồi phục sau những lần thất bại và cố gắng lần nữa. Thành công là kết quả của thời gian, quyết tâm, và nỗ lực bền bỉ. Cả Edison và Einstein đều được xem là những thiên tài, nhưng không ai thích danh hiệu đó. Chính Edison đã định nghĩa: “Thiên tài là kết quả của một phần trăm cảm hứng thiên tài và chín mươi chín phần trăm mồ hôi, nước mắt”.
Điều ta có thể học được từ thất bại
“Người không chịu học hôi luôn lặp lại những sai lầm.
Người chịu học hỏi luôn tích lũy kinh nghiệm sau những thất bại xảy đến.
Vấn đề ở đây không phải là liệu bạn có chịu học hay không.”
- Benjamin Barber
Thất bại là một người thầy vĩ đại của cuộc sống. Sau đây là những bài học hay nhất từ sự thất bại :
• Thất bại dạy chúng ta biết khiêm tốn. Nó buộc chúng ta phải đương đầu bằng tất cả khả năng của mình để vượt qua.
• Thất bại dạy chúng ta biết điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình. Nó thúc đẩy chúng ta phải nhìn vào điều chúng ta đang làm và cho chúng ta cơ hội để thử nghiệm theo một hướng mới.
• Thất bại dạy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có được những gì mình muốn. Thỉnh thoảng, ngay cả khi ta làm toàn những điều đúng đắn cả, nhưng vẫn không đi đến một kết quả mong muốn nào.
• Thất bại dạy chúng ta về sức mạnh của cá tính. Nó thách thức chúng ta đào sâu hơn nguồn lực nội tại khi gặp phải thất bại.
• Thất bại dạy chúng ta về lòng kiên trì. Nó buộc chúng ta hoặc sẽ phải từ bỏ hoặc phải quyết tâm hơn nữa và nỗ lực không ngừng.
• Thất bại dạy rằng chúng ta có thể vượt qua thất bại, không gục ngã, không bỏ cuộc. Không hề có sự xấu hổ khi thất bại, chỉ xấu hổ khi sợ phải gượng đứng dậy và tiếp tục cố gắng.
Và còn một bài học quý báu nhất, đó là: Thất bại sẽ giúp ta mạnh mẽ hơn. Khi phỏng vấn hơn hai trăm người, phần đông là những người nổi tiếng và cũng đã từng trải qua nhiều lần thất bại để xem họ đương đầu với thất bại bằng cách nào, những câu trả lời của họ giúp tôi nhận thức rằng, tôi đã sai khi không ngừng tự dằn vặt về những lỗi lầm của mình trong quá khứ; thay vì thế, tôi cần phải tập trung rút tỉa những kinh nghiệm từ những lỗi lầm ấy.
Với họ, thất bại không có gì đáng phải xấu hổ. Sức mạnh thực sự xuất phát từ sự nhận thức rằng chúng ta sẽ vững vàng và trưởng thành hơn sau mỗi lần thất bại. Một trong những người được phỏng vấn là Bác sĩ Keith Reemstma. Ông là một bác sĩ phẫu thuật, đã nhiều năm có công tìm kiếm phương pháp chữa bệnh tiểu đường. Nhưng ông vẫn chưa thành công. Điều gì khiến ông vẫn tiếp tục tìm kiếm? “Tôi chẳng bao giờ nghĩ điều tôi đang làm là thất bại.” – Ông nói – “Đó chỉ là những kết quả chưa hoàn hảo mà thôi. Tôi luôn hình dung rất rõ điều tôi đang tìm tòi và hướng đến, mỗi thí nghiệm đều mách bảo cho tôi biết thêm một ít về điều tôi đã làm sai”. Thật là một thái độ tuyệt với! Nó thắp trong chúng ta một niềm tin rằng chúng ta không bao giờ thất bại.
Thất bại sẽ mang đến cho chúng ta câu trả lời
Khi nhìn lại những thất bại của mình, câu hỏi “Liệu ta có còn gặp thất bại nữa hay không?” không còn ý nghĩa nữa vì chắc chắn tất cả chúng ta đều có lúc sẽ thất bại. Khi nhìn vấn đề bằng câu hỏi “Ta thất bại như thế nào?”, chúng ta sẽ có hai sự chọn lựa:
1. Vì đâu bạn đã thất bại:
Có hai sai lầm thông thường đưa chúng ta đến thất bại. Thứ nhất là sợ hãi nó, cố gắng quá mức để tránh nó. Vì quá lo sợ thất bại nên chúng ta cố gắng đặt mình trong trạng thái quá an toàn đến nỗi ta chẳng bao giờ chấp nhận bất kì rủi ro nào. Nhưng trên thực tế, rủi ro, mạo hiểm vừa là một phần quan trọng của thành công vừa là một điều kiện cần cho sự trưởng thành. Marva Collins, một thầy giáo nổi tiếng ở Chicago, người đã giúp hàng ngàn trẻ em vượt lên nỗi sợ hãi, có một câu nói rằng: “Nếu bạn chưa từng mắc lỗi lầm thì bạn chưa thể làm được điều gì có ý nghĩa”. Hãy dám mạo hiểm và can đảm một chút. Không dám chấp nhận nguy cơ thất bại là thất bại tệ hại nhất trong mọi thất bại.
Lỗi lầm thứ hai chúng ta thường mắc phải là cho phép thất bại hạ gục chúng ta. Chúng ta nổi nóng, suy sụp, thất vọng, chán nản, thường chịu thua và bỏ cuộc. Tôi không nói những xúc cảm vừa kể là vô lý hoặc thiếu thực tế. Không có gì sai trái khi có những cảm xúc đó sau một thất bại to lớn. Những chúng ta không nên để những cảm xúc đó hủy hoại chúng ta mà hãy để nó giúp chúng ta kiểm tra mức độ quyết tâm của mình. Hàng ngàn năm trước, Khổng Tử có nói: “Vinh quang vĩ đại nhất của chúng ta không phải là chẳng bao giờ thất bại mà ở chỗ chúng ta dám đứng dậy sau mỗi lần thất bại”.
2. Khắc phục thất bại như thế nào?
Trước hết, hãy tìm đến với người nào mà bạn tin tưởng. Những lời tâm sự sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn; thấy mình không còn cô đơn khi phải đối mặt với sự thất bại và những lời động viên sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn để đứng lên.
Thứ hai, hãy viết. Viết về những điều bạn đã làm, về cảm giác hiện tại của bạn, về mục tiêu và về điều bạn sẽ làm sắp tới. Bạn sẽ ngạc nhiên về những gì xảy ra sau đó.
Thứ ba, hãy đọc sách viết về những con người đã vượt qua thất bại của chính họ để đi đến thành công như Lincoln, Edison, Gandhi, Martin Luther King. Những câu chuyện của họ sẽ thắp lên trong chúng ta những tia hi vọng, những suy nghĩ và cách nhìn lạc quan hơn.
Bạn sẽ mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua thất bại
Trong tác phẩm nổi tiếng Giã từ vũ khí, khi nói về đại chiến thế giới lần thứ 1, Ernest Hemingway đã viết: “Thế giới làm tan nát mọi người và nhiều người trở nên mạnh mẽ tại chính nơi bị đổ nát đó”. Cuộc sống cũng thế, quả thật cuộc sống đã và đang thử thách con người, và thường không chỉ một lần. Nhưng, chấp nhận thua cuộc hay trở nên mạnh mẽ hơn, tất cả tùy thuộc vào thái độ và chọn lựa của chúng ta. Chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ tại chính nơi bị đổ nát đó nếu chúng ta chọn cách rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm, tiếp tục nỗ lực. Những thất bại đau đớn trong cuộc sống có thể là những bài học kinh nghiệm quý giá nhất và là nguồn động viên mạnh mẽ nhất giúp tái tạo sức mạnh của chúng ta. Như Tướng George S. Patton đã từng nói, “Thành công là độ cao chúng ta nhảy bật lên sau khi tiếp đáy”.
“Đừng sợ thất bại. Hãy rút kinh nghiệm từ thất bại và tiếp tục đương đầu với thách thức mới. Nếu không thất bại, bạn sẽ không thể trưởng thành.”
- H. Stanley Judd