Mấy ngày sau, Âu Dương Tu đang ngồi dưới bóng cây chơi cờ “đánh song lục” với Ngũ Lang. Đây là một loại trò chơi cực kỳ lưu hành ở thời đại này.
Một bộ song lục bao gồm một bàn cờ, ba mươi quân cờ chia làm trắng đen, cùng hai con xúc xắc. Lúc chơi, ném hai con xúc xắc xuống, được mấy điểm thì tiến gần ấy bước. Phải đem tất cả quân cờ của mình vượt qua quân cờ của đối phương, đi đến điểm đích, thì là chiến thắng.
Bởi vì loại cờ này dùng xúc xắc, lại cần tính toán đường đi, nên tính thú vị cùng ngẫu nhiên rất mạnh, tính trí tuệ cũng cao. Bởi vậy người Tống từ trên xuống dưới đều yêu thích loại trò chơi này. Không thể tưởng tượng được chính là, Ngũ Lang đúng là cao thủ trong trò chơi này. Đánh với Âu Dương Tu thật khó phân thắng bại. Trần Khác và Tống Đoan Bình đứng một bên, không ngừng ồn ào cổ vũ.
Đang vui vẻ, hòa thượng Huyền Ngọc ngồi cạnh đấy, đột nhiên mở mắt ra nói:
- Có một nhóm người cưỡi ngựa vào thôn.
Tam Lang và Tống Đoan Bình lập tức đứng lên, Ngũ Lang cũng bỏ lại xúc xắc đứng lên đi theo.
- Đều ngồi xuống.
Âu Dương Tu cười mắng:
- Không việc gì phải cả kinh như thế. Những kẻ xấu này cho dù ăn tim gan hổ báo, cũng không dám đến tới trước cửa nhà lão phu hung hăng.
Mấy người Trần Khác lại không có sự tự tin như ông, lấy binh khí từ dưới bàn ra… Một thanh trực đao (http://baike.baidu.com/view/63306.htm) bằng thép tinh luyện sáng loáng, đây là bội đao của quân Bổng Nhật, đoạt từ trong tay mấy người Tiểu Quan Tác.
Nhìn mấy tiểu tử cầm binh khí sáng loáng, tư thế sẵn sàng nghênh địch, Âu Dương Tu không khỏi cười khổ:
- Thực đúng là một lũ thích bạo lực mà.
Đứng lên đầu tường, ngó ra ngoài xem, chỉ thấy mấy chục kỵ binh đang chậm rãi phóng ngựa trên con đường quê quanh co khúc khuỷu. Bọn Trần Khác lúc này mới nhẹ nhàng thở ra. Nếu tới bắt người, sẽ không đi từ từ như vậy, còn cẩn thận khỏi giẫm phải hoa mầu.
Đợi đội kỵ sĩ kia đến gần, thì thấy rõ người đi đầu là một vị thanh niên mặc một thân áo bào trắng, đang hỏi thăm thôn dân cái gì đó. Qua một lát, y lại xoay người xuống ngựa, dẫn theo hai gã tùy tùng, đi về hướng nhà Âu Dương Tu.
- Dường như là công tử ca của vị tướng quân nào đó.
Trần Khác buông lỏng tay, nhảy xuống đất nói:
- Phỏng chừng là tới tham kiến Âu Dương công.
- Làm danh nhân thật là phiền phức a.
Âu Dương Tu vuốt râu nói:
- Giúp ta ngăn cản người ấy.
- Vâng.
Trần Khác liền đi ra ngoài, vừa ra cửa thì gặp thanh niên mặc áo trắng kia. Hắn không khỏi sửng sốt, tiểu tử này đúng là rất đẹp trai. Dưới ánh mặt trời, đôi chân mày kia, khuôn mặt kia, thần thái kia, cùng với bộ áo trắng như tuyết, làm cho người ta hoa cả mắt. Thực sự là vị mỹ nam tử hiếm thấy trên nhân gian.
Trần Khác tự coi mình cũng là người tuấn tú lịch sự, nhưng so với người trẻ tuổi này, mới thấy mình không là cái gì. Cái gì gọi là tư thái thiên nhân? Cái gì gọi là tự nhiên, phóng khoáng, xuất trần? Cái gì gọi là phong thái như trích tiên? Nhìn tiểu tử này, thì biết ngay.
Vị thanh niên kia sớm đã quen bị người khác nhìn chăm chằm như vậy. Y ôn hòa cười cười, khách khí hỏi:
- Vị huynh đài này, tiểu đệ là Địch Vịnh, phụng mệnh gia phụ, tiếp kiến Âu Dương công. Xin hỏi, ông ấy có ở nhà không?
- Địch Vịnh…
Trần Khác trừng to mắt nói:
- Lệnh tôn là?
- Tục danh của gia phụ không dám nhắc đến, người khác xưng là Địch Hán Thần.
- Con thứ hai của Địch Thanh a!
Trần Khác giật mình, trong long nói, thảo nào được gọi là “Kiểu mẫu”.
Địch Thanh, nhiều năm qua vẫn được xưng là đệ nhất mỹ nam tử của Đại Tống. Sau này, danh hiệu của ông ta bị con thứ hai đoạt đi. Địch Vịnh đẹp tới mức độ nào, mà được người dân Đại Tống đều xưng y là “Kiểu mẫu”.
- Đợi ta đi bẩm báo một tiếng.
Trần Khác xoay người đi vào, một bên âm thầm buồn bực nói:
- Tiểu tử này, đúng là không để cho những nam tử khác ngẩng mặt lên mà…
Sau khi thông báo, Địch Vịnh được mời vào. Y trịnh trọng thi lễ với Âu Dương Tu, rồi dâng lễ vật cùng thư của Địch Thanh lên.
Mở bức thư ra nhìn, Âu Dương Tu nói với mấy người Trần Khác:
- Địch Nguyên soái mời các ngươi đi theo nhị công tử trở về.
- Chúng ta?
Trần Khác giật mình không nhỏ:
- Địch Nguyên soái làm sao biết chúng ta?
- Ha ha, gia phụ cũng là phụng mệnh làm việc.
Định Vịnh cười rạng rỡ nói:
- Quý nhân yêu cầu chúng ta, cam đoan sự an toàn của các ngươi.
…
Trần Khác nhìn phía Âu Dương Tu, thấy ông ta gật đầu, bèn nói:
- Vậy thì đợi chúng ta thu dọn một chút rồi đi theo ngươi.
Mấy người đi vào trong buồng, liền thấy Triệu Tông Tích vẻ mặt ảm đạm đứng ở đó. Y cũng quen biết Địch Vịnh, không tiện đi ra ngoài gặp nhau, nhưng những lời bên ngoài, y đều nghe được.
Mấy người Trần Khác cũng ảm đạm, tất cả mọi người đều biết, thời gian ly biệt đã đến rồi. Tiểu vương gia cùng bọn họ tới đây đã là không được cho phép, vẫn là duyên cớ Âu Dương Tu ở nơi thâm sơn cùng cốc này chịu đại tang, vạn lần không thể bất chấp lẽ phải trên đời, để gặp mặt với Địch Thanh.
- Yến tiệc nào cũng phải tàn.
Trần Khác là người theo lẽ tự nhiên, vỗ vỗ bả vai Triệu Tông Tích nói:
- Ngươi làm cách nào trở về?
- Các ngươi không cần lo lắng.
Triệu Tông Tích hạ giọng nói:
- Thị vệ của ta đã sớm tìm tới đây. Chỉ có điều bọn họ thông cảm ta được ra ngoài là không dễ, nên mới không quấy rầy.
- Vậy thì yên tâm rồi.
Mấy người Trần Khác cũng thở dài nhẹ nhõm nói:
- Các ngươi tiếp theo định đi đâu, xem xem chúng ta có thể gặp nhau hay không?
- Giờ chưa đi được, nếu không ta cũng muốn cùng các ngươi hồi kinh.
Triệu Tông Tích cũng dần hết thương cảm. Cười khổ nói:
- Bởi sau khi trở về, kiểu gì cũng bị cấm túc.
- Là tôn thất có khác, được đối xử nhẹ nhàng hơn.
Trần Khác cười nói:
- Nếu là chúng ta, kiểu gì chả bị đánh đến nát mông rồi.
- Thực hâm mộ các ngươi, có thể tùy ý đi ra ngoài du ngoạn, mở mang kiến thức.
Triệu Tông Tích thở dài nói:
- Phải viết thư thường xuyên cho ta nhé, báo cho ta tình hình của các ngươi.
- Không thành vấn đề.
Tống Đoan Bình cười nói:
- Lần khoa cử sau, chúng ta phải đi kinh thành thi cử. Đến lúc đó, ngươi cũng đừng quên lời hứa của mình.
- Không thành vấn đề
Triệu Tông Tích cười nói:
- Cam đoan là sẽ mang các ngươi đi khắp thành Biện Lương, ăn uống chơi bời thả cửa.
- Sau này còn gặp lại.
Trần Khác cùng mọi người lần lượt tới ôm Triệu Tông Tích một cái.
- Sau này còn gặp lại.
Mắt của Triệu Tông Tích đỏ lên. Tuy rằng những ngày vui vẻ đã qua rất khó lại có được, nhưng tình bằng hữu này, vĩnh viễn không bị mất.
Sau năm ngày rời khỏi Lư Lăng, mấy người Trần Khác đi theo Địch Vịnh, đến ngoài thành Sầm Mi, nơi Địch Nguyên Soái đang tập hợp ba mươi nghìn Tây quân. Ba mươi nghìn quân đội này, chính là quân đội chủ lực của Địch Thanh dùng để bình định. Tuy rằng nhân số không nhiều lắm, nhưng lại là quân đội mạnh nhất của Đại Tống.
Theo sự phân chia, quân đội Đại Tống phân làm cấm quân và sương quân. Cấm quân là quân chủ lực, tương tự chia làm ba bộ phận: Quân Hà Bắc, Tây quân cùng với Kinh doanh. Về phần các lộ ở phía Nam, tất cả cấm quân cộng lại rất là ít ỏi, gộp lại cũng không bằng một đội của cấm quân phía Bắc.
Ban đầu, trong ba bộ cấm quân, Tây quân là yếu nhất. Nhưng sau Hiệp ước Thiền Uyên, quân Hà Bắc nhanh chóng bị hủ bại. Kinh Doanh thì sớm chỉ là bài trí cho đẹp mắt. Chỉ có Tây quân, bất luận là quân chính quy, hay phiền binh, đều là những binh lính cường tráng, trang bị cung tiễn hoàn hảo. Trong các chiến dịch với người Khương, vẫn duy trì được sức chiến đấu hùng mạnh.
Đây là một nhánh quân đội có thể chịu khổ, dám hy sinh, dám xâm nhập vào sa mạc ngàn dặm dã chiến, vì Đại Tống mở mang bờ cõi. Cho nên, Hoàng Đế để cho Địch Thanh tuyển binh, ông ta liền không do dự lựa chọn Tây quân.
Tuy nhiên, quân kỷ của Tây quân lại rất kém, ngay cả Trần Khác cũng sớm nghe thấy. Nhưng khi ông ta bước vào tòa doanh trại ngoài thành, lại kinh ngạc phát hiện. Không chỉ có thành trại vững chắc, chiến hào được sắp đặt cẩn thận tỉ mỉ. Mà các lều trướng cũng được sắp xếp theo các phương Bát quái trong kinh dịch. Làm cho người ta nhìn hoa cả mắt. Sĩ tốt trong doanh trướng tuy nhiều, nhưng không có ồn ào, đi đường đều quy củ có hàng ngũ. Tuyệt không đi lấn với đường lớn dành cho kỵ binh.
Đây mới là quân đội đích thực. Trần Khác không khỏi âm thầm tán thưởng. Nhất là so với quân đội Lưỡng Quảng ở trong thành Hành Dương lui về, đúng chỉ là đống bùn nhão.
Kỳ thực, Tây quân vẫn là Tây quân ấy, bệnh cũ không tuân quân kỷ không đổi được. Nhưng phân ở dưới trướng của Địch Thanh, trong tay Địch Thanh, những đại hán Quan Lũng bướng bỉnh này cũng phải ngoan ngoãn vâng lời. Bởi vì không chỉ do uy danh của Địch Thanh, mà còn võ nghệ của ông ta, khiến nhóm binh sĩ trong Tây quân phải tán phục không thôi.
Những thứ tinh tế này, mấy người Trần Khác tự nhiên là không biết. Bọn họ chỉ cảm thấy đi trong doanh trại, giống như đi trên băng mỏng, sát khí vờn quanh. Còn chưa tới lều trung quân, loại kính sợ với Địch Thanh Địch Nguyên Soái đã tràn lan như nước Hoàng Hà, thao thao bất tuyệt.
Đi tới trước một lều lớn được phòng ngự nghiêm ngặt. Địch Vịnh bảo bọn họ chờ một chút, đi vào thông báo một tiếng, rồi quay lại nói:
- Nguyên Soái đang nghị sự, bảo các ngươi đi gặp Trần tri huyện trước.
- Cha ta đã được thả ra?
Lúc trước trên đường, Trần Khác đã hỏi Địch Vịnh việc này. Địch Vịnh bảo không rõ ràng lắm. Không nghĩ tới, vừa tiến vào quân doanh, đã nghe được tin tức tốt như vậy.
Đi theo Địch Vịnh đến trước một cái lều, thì gặp Trần Hi Lượng mặc một bộ nho sĩ, đang từ bên trong đi ra rót nước.
Nhìn thấy Trần Khác, Ngũ Lang, ông ta liền đánh rơi ấm nước, ấm nước rơi vung vãi trên mặt đất.
Mắt của Trần Khác và Ngũ Lang cũng đỏ lên.
Bọn họ đã từng nghĩ, cuộc đời này phải âm dương vĩnh biệt. Giờ phút này gặp lại, mặc dù không đến nỗi ôm đầu khóc rống. Nhưng Trần Hi Lượng hai tay giữ chặt Tam Lang và Ngũ Lang, thật lâu không có buông ra.
Cha con cùng nhau đi vào lều trại. Trần Khác liền giới thiệu Huyền Ngọc và Địch Vịnh. Trần Hi Lượng liền hướng Địch Vịnh tạ ơn:
- Lần này cha con có thể gặp lại, toàn bộ là nhờ Nguyên Soái che chở. Ta muốn đến trước mặt ông ấy cảm ơn, mong Nhị công tử có thể truyền đạt.
- Nhất định rồi.
Địch Vịnh đứng dậy lễ phép nói:
- Cha con Trần đại lệnh gặp lại, nhất định còn có nhiều lời muốn nói. Mạt tướng xin phép được cáo lui, sau đó lại đến thăm.
Đợi Địch Vịnh đi rồi, cha con bọn họ liền ôn lại chuyện đã qua. Không lâu sau khi Tống Đoan Bình thăm dò doanh trại, Trần Hi Lượng liền bị truy hỏi mấy ngày. Lúc đầu vẫn là nói bóng nói gió. Về sau, là trực tiếp bị bức khai ra. Nhưng Trần Hi Lượng vẫn một mực chắc chắn chưa thấy qua, mặc cho đối phương tra tấn như thế nào, đều không khai.
Cũng may bởi vì ông ta có thân phận là quan văn, nên đối phương không dám quá đáng, mới không lưu lại vết sẹo gì. Về sau lại có Chỉ Huy Sứ Tây quân cầm mệnh lệnh của Địch Nguyên Soái, đột nhiên đến huyện Hành Dương. Không nói một lời, liền đưa ông ta đi tới nơi này. Ông ta cũng chỉ là mới đến ngày hôm qua.