Đã không còn kịp rồi, chỉ qua mấy ngày, tin tức Dương Điền chiến bại đã truyền tới kinh thành.
Dương Điền thật sự rất oan uổng. Đầu tiên, ông ta cũng giống như Âu Dương Tu, ở nhà cũng có đại tang. Nhưng Mã Chí Thư vây hãm Ung Châu, triều đình liền cưỡng ép ông ta hồi chức. Ai bảo ông ta là người văn võ song toàn, thuộc dòng dõi Dương gia tướng, còn có kinh nghiệm phong phú tiêu diệt phỉ ở phương Nam, không ông ta thì còn ai lãnh binh được nữa.
Tuy rằng Dương Điền không tình nguyện nhận nhiệm vụ. Nhưng là người trung liệt với quốc gia, nên ngay sau khi ông ta được bổ nhiệm làm “Quảng Nam Lưỡng lộ thể lượng an phủ, Kinh chế tặc đạo”, ông ta vẫn ngay lập tức ngựa không dừng vó qua Trường Giang, vượt Tần Lĩnh, đạp lên chiến trường Lưỡng Quảng.
Đến nơi ông ta bắt đầu nghĩ lại mộng cũ ở Hồ Nam. Trong khi quyết chiến, dưới sự tấn công hung mãnh của quân man dã, quân đội của ông ta liền chạy trốn không còn một bóng. Cũng may ông ta đã tiếp thu giáo huấn lần trước, đúng lúc đuổi kịp, mới không bị bỏ lại…
Nhưng ở Hồ Nam, ông ta có thể có thời gian thu thập tàn cuộc, huấn luyện quân đội, từ từ mưu tính. Bởi vì đây là nội địa, nổi loạn vài năm cũng không xảy ra cái gì. Nhưng Lưỡng Quảng là biên cương, nếu toàn là thất bại, Mã Chí Thư sẽ biến thành Lý Nguyên Hạo thứ hai. Bất kể Đại Lý hay là Ấp La, đều đã rục rịch. Vậy thì phía Tây Nam vĩnh viễn không có ngày yên ổn.
Huống chi, còn có Tây hạ và Liêu quốc như hổ rình mồi…
Cho nên, hoàn toàn có thể lý giải suy nghĩ của quan gia và nhóm tướng quốc ở Biện Kinh. Trận bại này thực sự khiến bọn họ khiếp sợ.
Trong điện Thùy Củng, Hoàng đế lại một lần nữa triệu tập các đại thần. Lúc này không chỉ có Hàn Kỳ, mà còn có hai vị Tể tướng Trần Chấp Trung, Bàng Tịch, còn một vị Xu Mật Sứ là Cao Nhược Nột.
Tiếp sau đó còn có một buổi hội nghị triều đình, nhưng kỳ thực ở loại hội nghị cao tầng này, đại sự của quốc gia coi như đã quyết định ra rồi.
Quan gia mặc một bộ áo bào đỏ thẫm, đầu đội khăn chít đầu trực cước màu đen (http://zh.wikipedia.org/wiki/File:Shenzong_of_Song.jp), nhìn xuống các vị đại thần đầu đội mũ tiến hiền quan, thân mặc áo lụa màu đỏ thẫm, cổ đeo Phương tâm khúc lĩnh (http://tc.wangchao.net.cn/baike/detail_1149941.html). Lúc này, quan gia thở dài nói:
- Các khanh gia, về thư xin hàng của Mã Chí Thư, các khanh thấy thế nào?
Hóa ra vị Mã Chí Thư sau khi đánh bại Dương Điền, nhưng vẫn đưa thư yêu cầu đầu hàng. Điều kiện của y là muốn triều đình nhà Tống phong y làm Tiết Độ Sứ bảy châu Ung Quế.
Lần này, không ai còn dám chặn lại thư của y. Thư xin hàng kia cùng chiến báo quân Tống bại trận được đưa đến kinh sư cùng một lúc.
Vài vị tướng công đang suy đoán tâm tư của quan gia. Tám phần là muốn dàn xếp ổn thỏa, suy nghĩ đến việc đáp ứng điều kiện của Mã Chí Thư.
Kỳ thật không chỉ có quan gia có ý nghĩ này, mà các vị đại thần cũng mong vậy. Chỉ có điều, ai dám nói nói ra.
Nhưng cuối cùng không thể để quan gia chịu sự quở trách này chứ? Đợi một hồi lâu, thấy không có người nào hé răng, Thủ tướng Trần Chấp Trung đành phải kiên trì đến cùng nói:
- Hồi bẩm quan gia, loạn ở Lĩnh Nam vốn là một việc hiểu lầm. Thần nghe nói, vị Mã Chí Thư kia vốn là muốn hàng từ đầu, nên gửi thư khẩn cầu sắc phong, chỉ mong làm một Tri châu nho nhỏ. Nhưng thư xin hàng của y, lại bị Thái Thú Ung Châu chặn lại. Mã Chí Thư cảm thấy bị nhục nhã, mới đem quân tấn công Ung Châu. Hiện tai, y lại dâng thư xin hàng, quan gia vì thương cảm sinh linh, vì xã tắc trường tồn, nên cho y một cơ hội hối cải làm một người tốt…Thần nghĩ, có thể chấp nhận thư xin hàng này.
- Ừ.
Đợi Trần Chấp Trung nói xong, Triệu Trinh gật gật đầu nói:
- Chư khanh còn có ý kiến gì không?
- Thần nghĩ tuyệt đối không thể!
Hàn Kỳ đi về phía trước một bước lớn tiếng nói:
- Khởi bẩm quan gia, nếu đáp ứng điều kiện kia của Mã Chí Thư, như vậy Lĩnh Nam nhất định sẽ vĩnh viễn thoát ly khỏi Đại Tống! Đến lúc đó, không chỉ có mất đi quốc thổ Lưỡng Lộ, mà toàn bộ thuế vụ cùng tài chính của Giang Nam, đều rơi vào chiến loạn. Vậy căn cơ của Đại Tống sẽ bị rung chuyển!
- Hàn tướng công nói có chút chuyện bé xé chuyện to.
Trần Chấp Trung lắc đầu nói:
- Phong y làm Tiết Độ Sứ, tuy nhiên là cách bất đắc dĩ, nhưng tương lai có thể chậm rãi thu phục lại tinh binh, lương thực cùng tiền bạc.
- Phương thuốc này của Hàn Vương, là kiến lập trên quân uy lớn mạnh của Thái Tổ Hoàng đế.
Hàn Kỳ luôn không thể lý giải, những kẻ vô năng ngu ngốc giống như Trần Chấp Trung và Cao Nhược Nột làm sao có thể làm đến chức vị Tể tướng cao cả này? Quan gia coi kho báu của quốc gia là cái gì? Ông ta châm chọc nói:
- Hiện giờ quân đội của ta bị bọn họ giết tè cả ra quần, đến lúc đó chỉ có thể tôn người ta làm ông nội để cung phụng! Nói gì đến việc thu lại tinh binh, lương thực cùng tiền bạc. Sợ là muốn tiền cung tiền, muốn lương thực cung lương thực, một khi không thuận theo, sẽ quay lại cắn trả!
- Ngươi…
Trần Chấp Trung là quân tử nho nhã. Đừng nói là đánh nhau, cho dù nói tục, y cũng chưa bao giờ nói. Lúc này, mặt y đỏ bừng, nghẹn ở cổ không nói được nên lời.
- Hàn khanh gia, nói năng cẩn thận.
Quan gia đành phải hoà giải.
- Vi thần biết sai.
Hàn Kỳ nói biết sai, nhưng thần thái lại chẳng thể hiện gì là hối lỗi.
- Ý của hai vị là như thế nào?
Quan gia lại nhìn về hai người còn lại.
- Thần tán thành với Hàn tướng công.
Bàng Tịch bước ra khỏi hàng trầm giọng nói.
- Thần, cũng tán thành Hàn tướng công.
Kỳ thực trong lòng Cao Nhược Nột vẫn là thiên hướng Trần Chấp Trung. Nhưng y sao dám đắc tội Hàn Kỳ? Đều làm việc ở Xu Mật Viện, ngày nào chả giáp mặt nhau, nếu không tuân theo chỉ sợ Hàn Kỳ suốt ngày làm khó. Vẫn là đắc tội Trần Chấp Trung thì tốt hơn, bởi y là quân tử, chắc sẽ không chấp vặt.
Ba hơn một, quan gia trầm mặt một lúc lâu mới nói:
- Chư khanh chủ chiến, có thể tất thắng không?
- Chỉ cần triều đình tuyển ra vị tướng giỏi, dùng tinh binh là tất thắng!
Hàn Kỳ nói như đinh đóng cột. Kỳ thực, trên đời này làm gì có tất thắng? Chỉ có điều, vị quan gia này cái gì cũng tốt, làm cái gì cũng muốn cầu ổn, không muốn mạo hiểm chút nào. Nếu ngươi không nói chắc chắn, đừng mong y sẽ quyết tâm.
- Như thế nào là tướng giỏi, như thế nào là tinh binh?
Vị Dương Điền được cả nhóm quan văn tâng bốc đều thua tơi tả, quan gia làm sao có thể tin tưởng ai.
- Hồi bẩm quan gia, nói về tinh binh, chỉ có Tây quân mới có thể. Tướng giỏi thì xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.
Bàng Tịch nói to:
- Tiêu diệt Mã Chí Thư, chỉ có Địch Thanh!
Lời vừa nói ra, trong mắt Triệu Trinh hiện lên ý cười không dễ nhận thấy. Nhưng vẻ mặt y vẫn thản nhiên nói:
- Nhớ tới khi tin tức từ Ung Châu bị địch chiếm đóng truyền đến, Địch Thanh đã nhẹ nhàng xuất chiến. Nhưng các đại thần đều nói, Dương Điền thích hợp hơn Địch Thanh…
- Khi đó, mọi người không coi trọng Mã Chí Thư, càng không nghĩ tới quân đội ở Lĩnh Nam lại hủ bại như vậy.
Mặt Hàn Kỳ đỏ lên. Đây chính là lời ông ta nói, bởi vì ông ta vốn không thích Địch Thanh. Cũng không biết vì lý do gì, chỉ là không muốn cho Địch Thanh có cơ hội. Chỉ sợ hiện tại, nếu có khả năng, ông ta cũng không muốn dùng Địch Thanh – Nhưng hiện tại, các vị danh tướng đánh Tây Hạ thời đó như Lưu Bình, Quách Tuân, Võ Cát, Vương Khuê đều đã chết trận. Trương Ba cũng bị thương mà qua đời. Chủng Thế Hành thành Thanh Giản đã quá già. Phóng nhãn khắp triều đình bây giờ, danh tướng có kinh nghiệm giờ chỉ còn lại có Địch Thanh.
- Lúc đấy thần nghĩ giết gà cần gì tới dao mổ trâu. Nhưng ai ngờ Mã Chí Thư kia đúng là một đầu mãnh hổ, chúng ta chỉ có dùng người giỏi nhất mới có thể trị được.
- Ừ.
Triệu Trinh gật gật đầu nói:
- Cũng chỉ còn có y… Chư khanh có thể đợi triều hội ngày mai đề cử Địch Thanh làm chủ soái.
- Mong quan gia suy nghĩ kỹ. Người luyện võ không nên quá tín nhiệm. Tốt nhất là giao cho một vị quan văn phụ tá y.
Hàn Kỳ không đồng ý nói. Cái gọi là phụ tá, kỳ thật chính là giám sát, kiềm chế. Tống triều là thời đại trọng văn ức võ, cho rằng người luyện võ có binh trong tay, là rất khó khống chế. Bởi vậy nhiệm vụ áp chế quan võ, là việc quan văn đều rất muốn làm.
Quả nhiên, lời ấy cũng được Cao Nhược Nột phụ họa, ngay cả Trần Chấp Trung cũng nói, nếu quan gia nhất định đánh, vẫn nên phái một gã quan văn làm chủ soái, đến lúc đó Địch Thanh quản quân sự. Dùng chủ soái áp chế Địch Thanh, mới có thể yên tâm.
Quan gia nhất thời không có chủ ý, nhìn phía Bàng Tịch hỏi:
- Ý Tể tướng là thế nào?
- Khởi bẩm quan gia.
Vị “Bàng thái sư” oan uổng giống như Trần Thế Mỹ, giờ nay đang tận tình khuyên bảo nói:
- Việc hành quân tác chiến cần một sự thống nhất, cao thấp một lòng. Địch Thanh xuất thân binh nghiệp, nếu dùng văn thần phụ tá, sẽ tạo thành cục diện hiệu lệnh không thống nhất. Đây là tối kỵ của binh gia. Nếu quan gia không tin tưởng Địch Thanh, thì đừng phái y đi là được.
- Nam Hán cũng được thành lập như vậy.
Hàn Kỳ lạnh lùng nói. Lão cái gì cũng dám nói khiến quan gia lập tức biến sắc.
- Không nói đến Địch Thanh xưa nay là người trung dũng. Hiện tại càng không phải là thời Ngũ Đại loạn lạc. Đại Tống đã lập quốc được trăm năm, thiên hạ thái bình, xã tắc vững chắc!
Bàng Tịch có chút phẫn nộ nói:
- Nói rõ ra rằng, đến lúc đó dùng Cấm quân cũng tốt, Tây quân cũng thế, gia đình của bọn họ đều ở phương Bắc, ai dám cùng Địch Thanh tạo phản?
- Ngài dám dùng tính mạng của mình bảo đảm?
Hàn Kỳ thách thức nói.
- Có gì không dám?
Bàng Tịch giọng nói như dựng lên:
- Chính là dùng cửu tộc đảm bảo, lão phu cũng không nói hai lời!
- Không cần cãi nhau!
Thấy hai người sặc mùi thuốc súng, quan gia ngăn cản nói:
- Bàng khanh nói rất đúng, dùng người thì không nghi ngờ người, nghi ngờ người thì không dùng người!
- Quan gia…
- Ý trẫm đã quyết, việc này không cần phải nói nữa.
Thiên tử quả quyết một câu, ra lệnh cho nội thị:
- Hồ công công, trời nóng, các tướng công chắc cũng nóng. Ngươi mang dưa lạnh do Tây Hạ cống đưa tới nhà mỗi người một gánh.
Đây là thói quen của Triệu Trinh. Mỗi lần y tiếp kiến đại thần, đều lấy loại vật phẩm không quá quý trọng nhưng rất được lòng người này ban tặng.
- Đa tạ quan gia.
Các đại thần biết điều tuân lệnh cáo lui.
Canh năm ngày hôm sau, các quan lại đều tập hợp trước điện Tử Thần. Theo tiếng trống vang lên, các văn võ bá quan sắp xếp thành hàng có trật tự đi vào triều. Quỳ bái, lễ nghi xong, chỉ thấy Binh bộ Thượng Thư dâng tấu nói:
- Khởi tấu bệ hạ, Dương Điền chỉ huy đại quân, tiến vào Lĩnh Nam đánh Mã Chí Thư. Do khí trời nóng bức, quân mã không quen với khí hậu, nên chiến đấu thất bại. Hiện tại, quân đội đã lui về Quế Châu tạm nghỉ, đợi thánh chỉ của hoàng thượng.
Quan gia liền hỏi:
- Vậy thì phải xử trí như thế nào?
- Dương Điền đương về kinh nghe luận tội. Dư Tĩnh trong quân tiếp tục làm việc. Lại cử một người khác làm chủ soái, tiếp tục chinh phạt, khất thỉnh thánh chỉ.
Hàn Kỳ đứng ra hàng nói.
- Quân địch chính là tâm phúc họa lớn, không thể không trừ. Ai có thể phân ưu cho quả nhân?
- Vi thần cho rằng, để đánh bại quân địch.
Bàng Tịch ra khỏi hàng nói:
- Không phải Xu Mật Phó Sứ, Tiết Độ Sứ Duyên Châu, Địch Thanh Địch Hán Thần thì còn ai khác nữa!
- Chư vị ái khanh thấy thế nào?
- Chúng thần tán thành.
Nhóm tướng công đã thống nhất ý kiến:
- Không phải Địch Thanh thì còn ai nữa!
- Một khi đã như vậy, lập tức mệnh lệnh cho Địch Thanh vào cung yết kiến.