Nhất Phẩm Giang Sơn

Quyển 1 - Chương 8: Tô thị

- Đúng là Tô Gia.

Cửa vừa mở ra, một cô nương rất duyên dáng yêu kiều với bộ quần áo màu xanh biếc, thắt lưng buộc bằng một dải lụa phấn nhạt, trên đầu búi tóc theo kiểu song la kế. Thon thả mềm mại đứng ở trước mặt Trần Thầm, nhẹ nhàng hỏi:

- Không biết đang được hân hạnh đón tiếp vị thư sinh nào đây ạ?

- Xin chào Tiểu Nương Tử.

Trần Nhị Lang liếc nhìn cô gái ấy một cái, vội cúi đầu nói:

- Tiểu sinh họ Trần người huyện Thanh Thần, phụ thân tiểu sinh tên tự là Công Bật, vì trong nhà có việc đến Mi Sơn, nên ghé qua quí phủ tìm kiếm, không biết có ở phủ…

Bình thường anh ta cũng không phải thuộc dạng đần độn gì, nhưng không biết tại sao, hôm nay lại ăn không nên đọi, nói không nên lời.

- Vậy huynh là công tử của Trần thế thúc.

Cũng may cô gái kia đủ trí tuệ để có thể hiểu rõ được ý của anh ta nói, liền che miệng cười nói:

- Thế thì là Trần Thế huynh rồi, mời vào, Trần Thế thúc đang ở hậu viện, cùng phụ thân muội viết văn.

Nghe tiếng của cô gái nói dịu dàng, dễ gần giống như gió mát từ Tây Hồ thổi vào, vuốt nhẹ lên sự sợ hãi trong lòng của Trần Nhị Lang, lại khiến cho tim hắn đập dồn dập rồi đột nhiên ngưng lại, rồi lại đột ngột nhanh hơn. Hắn cố gắng tập trung bình tĩnh lại, chỉnh đốn quần áo, theo cô gái đi vào phía hậu viện.

Đứng bên cạnh hồ nước ở bên trong hậu viện là hai đứa trẻ. Đứa lớn tám chín tuổi, đứa nhỏ chừng bảy, tám tuổi, đang chăm chú chơi trò đấu cỏ. Người Tống thích đánh bạc, trẻ già đều như thế. Trò đấu cỏ này, lại phân ra đấu văn và đấu võ, thông thường con trai chơi đấu võ, con gái chơi đấu văn. Chơi đấu võ đơn giản nhất. Trò chơi được diễn ra vào đúng thời điểm lập xuân, lúc cây cỏ tươi tốt, đi tìm những cây cỏ vừa ý, cho đấu với nhau. Cây cỏ ai cứng thì thắng, ai bị đánh gẫy thì thua.

Chị gái của đứa bé trai đang hướng dẫn đứa trẻ chơi, hiển nhiên là đấu văn. Từ lúc sáng sớm, cô chị đã dẫn đứa em gái đến sát đường của khu vườn, hái một bó hoa to gồm các loại cỏ với nhiều màu sắc, đem cắm vào chiếc bình cỡ trung có chứa nước, cùng hai em trai thi đấu… Yêu cầu là dựa vào đặc điểm hình thức của cây cỏ, ai biết được nhiều loại hơn, ai có trình độ cao trong thi đấu và kiên trì đến sau cùng thì thắng cuộc.

Làm chị cả, chủ yếu là dạy cho vui, hiển nhiên sẽ không thể hiện cùng với em trai. Vì thế, hai chú bé sẽ thi đấu với nhau.

Người bên này, tay cầm một nhánh liễu nói:

- Ta có một cành liễu Quan Âm.

Người kia liền cầm một cành tùng, đối lại:

- Ta có cành tùng la hán.

Người kia lại cầm một cành lên nói:

- Ta có một cây cỏ linh nhi.

Người kia liền nói:

- Ta có hoa trống tử.

Người này nói:

- Ta có cây cỏ kim trản.

Người kia liền thất vọng hoàn toàn:

- Đây là hoa ngọc trâm…

Khi tỷ tỷ kia dẫn Trần Thầm đi vào, thì gặp cậu em lớn đang cầm một cành cây nói:

- Ta có hoa huynh đệ.

- Cây này sao lại gọi là hoa huynh đệ?

Cậu em nhỏ trợn tròn mắt:

- Rõ ràng là hoa xuân mai mà.

- Đệ xem, mai nở một cành, có trên có dưới, tựa như hai ta, cùng mẹ sinh ra, huynh trước, đệ sau. Thế chẳng phải là hoa huynh đệ sao.

Cậu em lớn nói năng một cách hùng hồn đầy lí lẽ.

- Cứ như thế thì gọi là hoa huynh đệ à, thế thì đệ cũng có đây…

Đứa em tìm ở trong bồn, cầm ra một bông tịnh đế, nói:

- Cành này là bông phu thê.

Cả hai đứa trẻ cùng nói năng đầy lí lẽ hùng hồn, khiến cho một đứa trẻ gái khoảng sáu bảy tuổi đang đứng ở một bên cười khanh khách, liến thoắng nói:

- Ý, các huynh nói như vậy, hoa nở một lớn một nhỏ, đã gọi là “hoa bố, hoa con”, vậy nếu hai bông hoa nở chụm lưng lại với nhau thì gọi là “Hoa kẻ thù” à?

Đứa bé gái nói làm cho hai anh trai mặt đỏ bừng. Cậu bé lớn hơn một chút chạy tới véo miệng cô em gái. Thế là hai người kẻ chạy người đuổi theo. Cô em nhỏ nhìn về phía cô chị lớn, vội chạy tới làm nũng:

- Tỷ tỷ, xem kìa, đại ca lại ức hiếp muội.

- Đừng có làm náo loạn nữa, không thấy có khách sao?

Đại tỷ quay về phía Trần Thầm xin lỗi, vừa cười vừa nói:

- Đã để Thế huynh chê cười rồi.

- Không có, không có. Lệnh đệ muội đều rất hoạt bát nhanh nhẹn, những việc đó đều ngây thơ hồn nhiên.

Trần Thầm nói hơi lắp:

- Tiểu sinh vô cùng hâm mộ.

Trông bộ dạng anh ta lúng túng, khiến cho tiểu muội kia không nín được liền cười ha ha không ngớt.

Đại tỷ trừng mắt liếc một cái, để cho hai đệ đệ dẫn khách đi vào ngồi chờ trong phòng khách, còn mình thì dẫn muội muội đi vào thư phòng mời “Trần Thế Bá”.

Ở giữa thư phòng của hậu viện, ở chính giữa căn phòng treo một bức họa Bát tiên Trương Quả Lão. Trên giá sách, trên bàn học, đều để đầy sách. Hai người đàn ông tuổi chừng trên dưới ba mươi, mỗi người ngồi một đầu bàn, đều đang múa bút thành văn.

Người hơi cao gầy một chút đó chính là chủ nhân của ngôi nhà này - Tô Tuân Tô Lão Tuyền, khi còn trẻ là một người thông minh, khả năng ghi nhớ rất giỏi, lại có cá tính mạnh mẽ. Ông ta không phục các hạng người quản giáo, căm hận cách giáo dục, dự thi của thời đại này nên chỉ yêu thích việc ngao du khắp nơi.

Nhưng sau này, khoảng chừng sau khi có con đầu, nhìn thấy chính anh trai mình, rồi anh vợ mình, lại còn hai anh rể đều đã thi đậu ở hai kì thi, sắp sửa ra làm quan, còn mình thì lại tầm thường vô vi, vẫn phải nhờ vào người nhà nuôi sống… Chính những điều này, ngay cả với những người có tài năng bình thường cũng bị kích thích, huống hồ là hạng người có trí lực siêu phàm, đương nhiên khó có thể chịu được.

Ông ta hối tiếc vì đã phung phí tuổi xuân sức trẻ, tự thấy đau mà thúc dục, bắt đầu dùi mài kinh sử, và theo các sĩ tử ôn học, đóng cửa đọc sách làm văn đã tám năm rồi.

Nhưng nỗ lực chưa chắc đã có thu hoạch. Trong tám năm, Tô Lão Tuyền đã hai lần trượt. Điều này khiến ông ta trở nên trầm mặc ít lời, tính cách kì quái, lại thêm tư tưởng kì cục, thường có những từ ngữ khiến người khác kinh ngạc. Hiển nhiên là không hợp với những thư sinh luôn chú trọng cái gọi là trung dung.

Đang ngồi ở đối diện ông ta là một trong số vài người bạn tốt. Họ Trần tên Hi Lượng, tự là Công Bật, người huyện Thanh Thần, dáng người gầy gò, bộ mặt thanh đạm, đôi mắt trong suốt như nước, vừa nhìn đã thấy, đó là người chính trực kiên định.

Trần Hi Lượng không giống tính hoang tàn hay đùa như Tô Tuân. Ông ta là người nghiêm khắc, kỉ luật, thuở nhỏ đã chịu thương chịu khó, nỗ lực học tập, nhưng vận mệnh lại trêu chọc, con đường thi cử long đong lận đận.

Ông ta dùi mài kinh sử tới năm hai hai tuổi, cảm thấy nắm chắc kiến thức mới tham gia dự thi. Quả nhiên, ông ta dễ dàng qua kỳ cử giải (chế độ khoa cử, chọn giới thiệu sĩ tử ứng tiến sĩ đệ) tiếp tục lên kinh thành dự thi. Ai ngờ vào mùa xuân của kì thi năm sau, ngày hôm sau thi thì đúng vào đêm hôm trước, có tin báo ông ta phải quay về chịu tang, chỉ có thể đợi tới lần thi sau.

Việc thi cử của triều đình không tiến hành định kì mà là căn cứ vào nhu cầu cần quan lại, có khi thì năm nào cũng tổ chức, lại có khi mấy năm mới tổ chức một lần. Từ khi vị vua mới đăng cơ tới nay, các chức quan đều đã đủ, cho nên khoảng cách các khoa cử gần nhất đều là bốn năm.

Cho nên sau đó bốn năm, Trần Hi Lượng lúc ấy đã hai mươi sáu tuổi. Thêm một lần nữa, Trần Hi Lượng lại qua kỳ cử giải vào kinh thành ứng thí. Nhưng giám khảo lại không hề coi trọng kinh sử sách luận mà lấy “Chúc đối thanh luật” làm tiêu chuẩn chấm thi nên lần này, Trần Hi Lượng lại thi trượt.

Trên đường trở về nước Thục, ông ta gặp Tô Tuân cũng là người đồng cảnh như mình. Hai người trầm mặc ít nói, gặp nhau khi cùng ở dưới khoang thuyền, nhưng cả hai ngày nọ qua ngày kia đều không nói một câu. Nhưng trước khi bọn họ rời thuyền, lại trở thành những người bạn tâm giao, tâm đầu ý hợp. Trong mấy năm sau đó, thư từ thường xuyên qua lại, đồng thời họ cùng nhau nghiên cứu về “Chúc đối thanh luật”.

Vì thế cho nên, Tô Tuân dặn dò con gái, lúc cho hai đứa em ra chơi đùa, cũng phải tăng thêm mối liên hệ tới phương diện đối trận cách luật, có thể nói là rút ra được những kinh nghiệm xương máu.

Sau khi ba năm khắc khổ dùi mài kinh sử, Trần Hi Lượng đã hai mươi chín tuổi, Tô Lão Tuyền đã ba mươi bốn tuổi, tuổi tác đều không còn ít nữa. Thế nên, vừa mới khai xuân, Tô Lão Tuyền đã mạnh bạo kéo Trần Hi Lượng đến các nơi tham gia vào các hội thi văn, đàm luận về văn. Giữa việc luận bàn luôn đề cao về trình độ ngôn từ trong thơ ca.

Trần Hi Lượng vốn rất lo lắng cho ba đứa con, nhưng lại nghĩ tới một khi cử giải, đi cũng phải mất tới hơn một năm, phải nhờ tới anh trai và chị dâu chăm sóc ba đứa trẻ. Chị dâu và anh trai lại đã nói rất nhiều lời hay ý đẹp, dặn dò đi dặn dò lại, bọn trẻ cũng nghe theo. Lúc này, mới cùng Tô Tuân bắt đầu hành trình học hành khắp nơi.

Hiện giờ, hai tháng học bên ngoài ngắn ngủi này sắp kết thúc, chỉ còn có ba ngày, chỉ cần tới nha phủ báo danh nữa thôi. Trần Hi Lượng dự định sau khi báo danh xong, sẽ lập tức trở về nhà. Mấy ngày nay tạm thời ở lại Tô Gia, cùng với Tô Tuân làm mấy thiên văn để dự thi trình văn… Cử giải của triều đình nhà Tống không giống với các cuộc thi sau này là có thể thi suốt đời, mà là chỉ hiệu dụng một lần, nếu không thi đậu tiến sĩ, lần sau lại phải tham gia lại kỳ cử giải. Tuy rằng đối với hai người mà nói, điều này không thành vấn đề. Nhưng mấy năm lại đây, mạch văn Tứ Xuyên càng ngày càng thịnh, hai người nào dám phớt lờ.

Đang cầm bút viết văn, bên ngoài có tiếng đập cửa “cốc, cốc” vang lên. Tô Tuân nhướn mày một cái, bỏ bút xuống, trầm giọng nói:

- Ai?

- Phụ thân, là con.

- Bát nương? Chẳng phải con gọi thế là quấy rầy sao.

Tô Tuân vừa nghe biết ngay là cô con gái, giọng điệu chậm lại không ít:

- Chuyện gì?

- Công tử nhà Trần Thế thúc tới đây, nói là có việc gấp tìm Thế thúc.

- Con trai ta…

Trần Hi Lượng lắp bắp một tiếng, bỏ bút nói:

- Lão Tuyền Huynh, đệ ra xem sao.

- Mau đi đi.

Chuyện của nhà người ta, Tô Tuân không tiện hỏi nhiều.

Trần Hi Lượng đứng dậy, theo bát nương bước nhanh ra nhà khách của tiền viện.

Trần Thầm đang bị anh em nhà họ Tô hỏi tới mức không biết phải trả lời thế nào, đúng lúc gặp phụ thân đến, vội vàng đứng dậy nói:

- Phụ thân, gặp chuyện không…

Trần Hi Lượng khoát tay, ra hiệu anh ta không cần nói ở đây:

- Theo ta trở về phòng.

Chuyện này không phải là dấu giếm chủ nhà, mà là sắp tới kì thi, nếu thật sự có chuyện gì khó giải quyết, chủ nhà nghe xong, liệu có giúp hay không? Nếu nói là giúp thì sẽ ảnh hưởng tới chuyện thi cử, còn nếu nói là không giúp thì trong lòng lại áy náy, cho nên rõ ràng là không nên cho chủ nhân biết.

Sau khi trở lại phòng khách và đóng cửa lại, Trần Thầm kể lại chuyện xảy ra ở trong nhà cho cha nghe:

- Con gửi lời nhắn, Tam Lang suýt nữa giết đại nương, hiện tại đang bị truy cứu.

Trần Hi Lượng cũng không tin nói:

- Tam Lang tính tình ôn hòa như vậy, chó con mèo con mà bị thương còn cứu nữa là, thế thì sao có thể làm bị thương tới người khác, hơn nữa người bị thương lại chính là thím của mình?

- Chuyện này…

Bởi vì tin đó Trần Thầm nghe được cũng chỉ là tin đồn, cũng không chắc chắn, vừa bị hỏi vặn lại, lập tức bị cứng lưỡi:

- Dù sao cũng là chuyện trong nhà, mọi người đang tìm phụ thân, họ nói phụ thân mà không quay về thì sẽ đi báo quan.

- Báo quan…?

Trần Hi Lượng sầm mặt lại, đem quần áo của mình ra gấp lại, bỏ vào trong hòm, đeo lên lưng, nói:

- Chúng ta quay về!

Nói xong bước ra khỏi cửa đi về phía cửa viện.

Bát nương đang chờ trong viện, thấy Trần Hi Lượng mang theo đồ, giật mình nói:

- Thế thúc phải đi sao?

- Cháu gái, nhà ta có việc gấp, nhất định phải về ngay lập tức.

Trần Hi Lượng vỗ nhẹ vào cô gái ấy nói:

- Không kịp vào chỗ cha cháu nói lời từ biệt, nhờ cháu chuyển lời xin lỗi giúp thế thúc.

Nói xong, ông ta liền bước ngay ra ngoài.

Bát nương chỉ kịp há mồm, chỉ thấy ông ấy giống hệt như một trận gió cuốn qua…

Trần Thầm quay về phía cô gái ấy xin lỗi:

- Thật là có lỗi, đấy chính là tính tình của phụ thân tôi…

- Là nhà có việc gấp, huynh mau cùng phụ thân đi đi.

Bát Nương cười cười, nói:

- Hy vọng thế huynh tất cả đều thuận lợi.

- Đa tạ, đa tạ.

Trần Thầm vái chào thật sâu, liền vội vàng đuổi theo phụ thân, suýt nữa thì đâm rầm vào bức bình phong.