Nhất Nộ Bạt Kiếm

Chương 7: Kẻ Sĩ Không Thể Không Kiên Định

Dưới trướng Phương Ứng Khán, có mười ba thị vệ cận thân.

Bát đại đao vương vốn là cao thủ do nghĩa phụ của Phương Ứng Khán là Phương Cự Hiệp thu phục. Phương Cự Hiệp là đệ nhất cao thủ võ lâm trong truyền thuyết.

Lúc đó Thái Kinh làm tể tướng, được hoàng đế Triệu Cát sủng tín, cho dựng Đảng Nhân bia ở Đoan Lễ Môn trong Kinh thành, khắc tên một trăm hai mươi nhân vật quan trọng của Cựu đảng, ghi rõ tội trạng, Thái Kinh gọi đó là “gian đảng”, đồng thời chủ trương khởi binh, tấn công Tây Hạ, ngoài ra còn chiều theo ý Triệu Cát, ra sức tìm kiếm kỳ hoa dị thạch trong dân gian, xa xỉ cực độ. Dân chúng chẳng sống nổi, đứng dậy phản kháng, y bèn sai đại tướng Đồng Quán thảo phạt, trấn áp mạnh mẽ, khiến tiếng oán than càng lớn hơn.

Lúc đó dư đảng của Ma Ni giáo là Phương Lạp khởi binh ở Mục Châu, âm thầm cấu kết với Cựu đảng trong triều đình, phái ba sát thủ, âm mưu hành thích Tống Huy Tông. Ba sát thủ này lần lượt mưu sát Huy Tông, nhưng đều bị Phương Cự Hiệp và Gia Cát tiên sinh cản trở.

Chức trách của Gia Cát tiên sinh là bàn luận đạo trị quốc với quân chủ, đánh giá nhân tài, xem xét hình án, có quyền phong chức và giáng chức quan cấp dưới, chức danh của ông là Bình Chương Quân Quốc Sự, tuy có thể hỏi việc chính sự, nhưng thực quyền lại bị phe Thái Kinh khống chế. Gia Cát tiên sinh trước dẹp tan loạn trong kinh sư do Sở Tương Ngọc cầm đầu, sau bắt sống sát thủ Tiêu Kiến Tăng, cảm hóa rồi nhận y làm nghĩa tử. Còn Phương Cự Hiệp cho rằng giết hoàng đế không thể dẹp yên đại cục, lại càng khiến nguy cơ tăng lên, đồng thời cũng không đồng ý để người võ lâm xen vào việc triều chính, cho nên trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, đã giết chết thích khách, cứu mạng Huy Tông.

Huy Tông cảm ơn cứu mạng, đòi phong Phương Cự Hiệp làm vương hầu. Phương Cự Hiệp chẳng ham mê quyền bính, nên đã cùng hiền thê phất áo ra đi, rong chơi giữa chốn núi rừng, trước khi đi còn thẳng tiếng cảnh báo Huy Tông, nếu cứ tiếp tục xa xỉ, quốc sự cứ như nước sông trôi ra biển, muốn chặn lại cũng không kịp.

Song nghĩa tử của Phương Cự Hiệp là Phương Ứng Khán vẫn còn ở lại Kinh thành, võ công tài nghệ đều thập phần xuất sắc. Thái Kinh sớm đã có ý lôi kéo, cho nên tâu với Huy Tông, ban tất cả ân điển ấy cho Phương Ứng Khán. Đương nhiên, Huy Tông cũng có ý mượn sức của Phương Ứng Khán bảo vệ kinh kỳ, nhất là đối phó với tên sát thủ còn lại.

Tên sát thủ đó hai lần bị Gia Cát tiên sinh đánh bại, Phương Cự Hiệp đả thương nhưng vẫn có thể trốn chạy, vẫn còn ẩn nấp nơi bóng tối, quyết giết cho bằng được Huy Tông.

Sau khi Phương Cự Hiệp rời kinh, để lại Bát đại đao vương Tứ Chỉ Chưởng, tự nhiên đều trở thành tùy tùng của Phương Ứng Khán.

Một khi Bát đại đao vương liên thủ, cả Phương Cự Hiệp cũng từng nói: “Nếu tám người họ đồng tâm hiệp lực, liên thủ ứng địch, e rằng ta cũng chưa chắc thắng nổi.”

Đó đã là đánh giá cao nhất của Phương Cự Hiệp.

Lúc này Bát đại đao vương đang nhất tề xuất thủ, xuất đao, hạ sát thủ đối với Vương Tiểu Thạch.

Vương Tiểu Thạch ứng phó thế nào?

Vương Tiểu Thạch lui vào Sầu Thạch trai.

Bát đại đao vương, một khi đã hình thành đao trận, địch nhân ắt chết chẳng nghi.

Vấn đề là: Đao trận vẫn chưa thành.

Đao trận vẫn chưa thành, Vương Tiểu Thạch đã lui vào Sầu Thạch trai.

Sầu Thạch trai đương nhiên không chỉ có một cánh cửa, nhưng, trong tình cảnh này, không ai có thể đi vòng cửa sau hoặc cửa bên tấn công vào.

Cho dù có xông vào như thế, thời cơ đã mất, hơn nữa lực lượng đã phân tán.

Đao thế của họ đã phát, thân bất do kỷ, chỉ đành xông theo vào.

Đương nhiên, không thể tám người cùng vào.

Cửa quá hẹp, quá lắm cũng chỉ có thể hai người cùng tiến vào.

Không phải họ không thể phá cửa, mở một cái lỗ lớn để tám người đồng thời xông vào, nhưng tám thanh đao nếu liên thủ phá bức tường, đối phương phản kích, họ sẽ không dễ ứng phó.

Cơn giận không thể trút ra.

Lòng chứa đầy giận dữ.

Họ chỉ đành công vào trước rồi tính sau, tuyệt không thể để Vương Tiểu Thạch có cơ hội trả đòn.

Hầu như trong cùng một sát na, họ đã hình thành một trận thế mới.

Hai người một nhóm, lần lượt đánh vào.

Chỉ cần hai người tấn công Vương Tiểu Thạch một chiêu, những người còn lại đều có thể xông vào rồi kết thành đao trận.

Đây là sát na chưa giao thủ.

Nhưng chỉ một sát na này, đã quyết định sự thắng thua thành bại.

Trận thế của Bát đại đao vương, phát động hơi chậm một chút, vì Bành Tiêm đã bị thương.

Ngoài ra chính là bởi Vương Tiểu Thạch không tiến mà lui, bọn họ chỉ đành chia thành từng tốp công vào Sầu Thạch trai.

Chia thành từng tốp, có nghĩa là phân tán lực lượng.

Trong sát na địch nhân sánh vai chen vào cửa, kiếm của Vương Tiểu Thạch đã phát động ra đòn tấn công chí mạng nhất.

Miêu Bát Phương và Thái Tiểu Đầu là tốp tấn công đầu tiên.

Đao của Miêu Bát Phương lập tức bị chấn bay.

Hổ khẩu của Thái Tiểu Đầu bị đâm trúng một kiếm, đao cũng rơi xuống.


Tốp người thứ hai chính là Triệu Lan Dung và Mạnh Không Không.

Hai người họ chỉ chậm hơn một chớp mắt so với hai người Miêu, Thái. Một chớp mắt chỉ là một chớp mắt .

Nhưng Miêu Bát Phương và Thái Tiểu Đầu trên tay đã không còn đao nữa.

Đối với Bát đại đao vương, không còn đao, có nghĩa là mất khả năng chiến đấu.

Vương Tiểu Thạch vẫn chưa lập tức xuất thủ.

Mạnh Không Không và Triệu Lan Dung cũng không hề động thủ.

Họ xông vào, ngẩn ra, Triệu Lan Dung lập tức nói: “Ôi! Chúng ta bại rồi.”

Nàng vừa liếc mắt đã nhận ra, không cần thiết phải đánh tiếp.

Một người khi đắc thắng mà khiêm tốn thì chẳng có gì lạ, nhưng khi thất bại mà vẫn dũng cảm thừa nhận, không hề nhụt chí mới là lạ; cho nên nói, muốn quan sát thành tựu trong tương lai của một người thì phải quan sát trạng thái khi y thất ý.

Thua được, nói dễ, nhưng cho dù giang hồ hảo hán cũng nhìn không thấu, buông không được.

Triệu Lan Dung là một nữ tử.

Nàng không hề phát đao nhưng đã thừa nhận thất bại.

Nói xong thì lui ra.

Mạnh Không Không chỉ đành ngửa tay, cười cười với Vương Tiểu Thạch.

Vương Tiểu Thạch cũng cười cười với y.

Mạnh Không Không bước tới lượm đao của Miêu Bát Phương và Thái Tiểu Đầu, ba người bước ra, lúc này, tiếng vỗ tay khe khẽ từ sau lưng Vương Tiểu Thạch vang lên: “Đao pháp hay, kiếm pháp càng hay, đao pháp kiếm pháp đều hay như binh pháp.”

Vương Tiểu Thạch cũng không thấy lạ, chỉ từ từ xoay người, nói: “Đao pháp kiếm pháp binh pháp thảy đều không hay bằng các hạ.”

Đối phương cười ôn hòa nói: “Nói hay lắm.”

Không biết từ lúc nào, Sầu Thạch trai đã có bảy người trong gian thư họa.

Bảy người bất phàm.

Một trong số đó, thần thái ưu nhã tuyệt luân, mặt như quan ngọc, tay cầm bút lông của Vương Tiểu Thạch, đang chấm mực viết chữ.

Chính y nói chuyện với Vương Tiểu Thạch.

Nhưng không phải y vỗ tay.

Kẻ vỗ tay là một người khác. Người này nói, người kia phụ trách vỗ tay.

Người này trông có vẻ ăn mặc không đặc biệt xa hoa lắm, nhưng thân phận của y tôn quý đến độ tựa như dù y phải chết, vẫn có người chết thế cho y.

Người vỗ tay ngồi ở một bên, mặt chữ điền, râu dài năm chòm, không nộ mà oai.

Loại người này cho dù ngồi ở chỗ nào, chỗ đó cũng trở thành chốn trang nghiêm.

Nhưng thần tình trên mặt có vẻ như cực kỳ cung kính đối với người vừa cất tiếng.

Người vừa cất tiếng đã lớn tuổi rồi.

Ánh mắt y lấp lánh linh hoạt, khi cười có thể uy nghiêm mà cũng có thể hiền từ, nhưng nét mặt có vẻ xảo trá và gian hiểm, khó mà nhìn thấu được tuổi tác của y.

Vương Tiểu Thạch nhìn chữ của y, chỉ liếc qua, liền nói: “Đáng tiếc.”

Người này nhướng mắt, cười lớn: “Chữ không đẹp ư?”

Vương Tiểu Thạch nói: “Hảo thư, phi pháp.”

Người này thoáng ngẩn người, tỏ ý tò mò: “Ý ngươi nói là chữ của ta không hợp pháp độ?”

Vương Tiểu Thạch nói: “Không phải. Từ xưa đến nay, bị nguyên tắc trói buộc, chẳng bằng không nguyên tắc, kỹ thuật đến độ cao minh thì không còn tìm đâu ra vết dấu của kỹ thuật nữa. Kỹ thuật kinh điển chân chính, chính là bản thân mình phát hiện và sáng tạo, nếu không phải là sở đắc từ kinh nghiệm của chính bản thân người viết thì đó chẳng qua là một thứ trói buộc và trở ngại mà thôi.”

Người đó gật đầu: “Đông Pha cư sĩ từng nói: Thơ không cần chuẩn, chữ không cần gọt, trong sáng rõ ràng, chính là thầy ta, bốn chữ ‘trong sáng rõ ràng’ thì phải rọi vào bản ngã của mình mới thấy được. Đó mới là điển tắc thuộc về mình, điển tắc thực sự. Nhưng tại sao ngươi lại nói là hảo tự mà phi pháp?”

Vương Tiểu Thạch nói: “Bức thiếp này của các hạ chữ liên miên liền lạc, chẳng khác gì rắn chết treo trên cây, xấu cực kỳ.”

Người ấy càng cảm thấy thú vị, lại hỏi: “Nếu túc hạ đã cho rằng xấu xí như thế sao lại bảo là hảo thư?”


Vương Tiểu Thạch nói: “Nhìn từ xa trông giống như từng hàng giun đất mùa xuân, nhìn gần từng chữ giống như rắn rết mùa thu, xấu đến cực độ chính là đẹp đến cực độ, chẳng phải cao thủ thì không thể làm được điều này.”

Người ấy nheo mắt cười cười nói: “Kỳ thạch thì phải xấu, xấu mới là kỳ, đã rằng có thể thấy sự đẹp trong cái xấu, túc hạ sao còn nói là không hợp pháp độ?”

Vương Tiểu Thạch nói: “Bởi vì đó không phải là bút pháp của ngài.”

Người ấy nói: “Túc hạ làm sao biết đây không phải là bút pháp ta quen dùng?” Trong mắt đã thoáng lộ vẻ kính phục.

Vương Tiểu Thạch chỉ chữ trên tờ giấy, nói: “Các hạ viết mười sáu chữ: Tải hành tải chỉ, không bích du du; thần xuất cổ dị, đạm bất khả thâu 1; chỉ khi viết đến ‘bất khả’, hai chữ liền lạc với nhau, để lộ ra bút ý thong thả lả lướt vốn có, chẳng khác gì cô đơn câu cá trên sông lạnh của các hạ, từ đây rõ ràng có thể thấy bút pháp này không phải là sở trường của ngài rồi.”

Người ấy kêu “ồ” một tiếng, vẻ kính phục trong ánh mắt đã dần chuyển sang kinh ngạc.

Vương Tiểu Thạch nói: “Có thể viết được chữ đẹp như thế, người còn sống mà thân lại ở trong Kinh thành, thực sự không có bao nhiêu…”

Sau đó gã nhìn người ấy, nói từng chữ: “Thái thái sư, ngài đã quang lâm hàn xá theo cách này thì xin thứ cho tại hạ không thể hành lễ bái kiến.”

Kẻ đột nhiên xuất hiện ở Sầu Thạch trai rồi nổi hứng viết mấy chữ, không ngờ lại chính là người có quyền lực nhất trong triều đình hiện nay – Thái Kinh! Cũng có nghĩa là những chữ hoàn toàn không dùng bút pháp lâu nay của y vẫn bị Vương Tiểu Thạch vừa nhìn đã nhận ra, rằng y chính là Thái Kinh!

Giọng nói của Thái Kinh lộ vẻ tán thưởng: “Người ta nói Kim Phong Tế Vũ lâu có thể đánh Lục Phân Bán đường đến nỗi không thể trả đòn, đó là nhờ hai đại nhân tài, hôm nay được thấy, các hạ quả nhiên là một bậc kỳ tài!”

Vương Tiểu Thạch nói: “Biết nhìn chữ nhận tranh, cũng chẳng phải là nhân tài gì. Hoàng Tương 2 ghìm chữ, Thẩm Liêu 3 sắp chữ, Hoàng Đình Kiên 4 phỏng chữ, Tô Thức 5 họa chữ, Mễ Phất 6 biến chữ, đó mới là kỳ, đó mới là tài.”

Trong danh sách mấy danh gia vừa kể ra, Vương Tiểu Thạch cố ý không hề xếp vị Tam tỉnh sự thái sư Thái Kinh đứng trên cả tể tưởng này và hoàng đế Triệu Cát vào. Thái Kinh không lấy đó làm giận, chỉ cười nói: “Còn nữa không?”

“Còn,” Vương Tiểu Thạch nghiêm mặt nói: “Nếu người nào có thể đem tấm lòng vì nước vì dân, trung dũng nhiệt thành của mình đổ vào trong thư pháp, chữ của y ắt sẽ có huyết tính, cũng như ngọn bút xưa nay hiếm của Nhan Chân Khanh 7, đã nói lên nỗi đau trước họa nước nhà của ông, cá tính cương nghị chính trực của ông, đó mới là chữ đẹp hiếm có.”

Vương Tiểu Thạch nói rất lộ liễu. Thái Kinh vuốt râu, mỉm cười: “Ngươi đã từng nghe một bài từ thế này chưa?”

Vương Tiểu Thạch biết Thái Kinh chắc chắn có ý gì đó, chỉ nói: “Xin được rửa tai lắng nghe.”

Thái Kinh nhàn nhã ngâm rằng: “Lão lai khả hỉ, thị lịch biến nhân gian, am tri vật ngoại, khán thấu hư không, tương hận hải sầu sơn, nhất thời niết toái, miễn bị hoa mê, bất vị tửu khốn, đáo xứ tỉnh tỉnh địa, bão lai mịch thụy, thụy khởi phùng trường tác hí. Hưu thuyết cổ vãng kim lai, nãi ông tâm để, một hứa đa ban sự, dã bất tu tiên bất mịnh Phật, bất học thê thê Khổng Tử, lãn cộng hiền tranh, tùng giáo tha tiếu, như thử chỉ như thử. Tạp kịch đả liễu, hí sam thoát dữ ngốc để.” 8

Ngâm xong, Thái Kinh nói: “Việc đời như mây trôi xuân mộng, cần chi phải cố chấp đến nỗi chẳng còn tự tại? Mễ Phất từng nói về thư pháp của mình rằng, tất cả chỉ là trò chơi, chẳng cần phải quá nhọc công, thấy đủ là đã đủ rồi, phóng bút chỉ là giỡn chơi. Con người ở trên đời, cần chi phải lo lắng muộn phiền, khi được vui thì cứ vui, có lòng nên cởi mở, há chẳng tốt hay sao?”

Vương Tiểu Thạch mỉm cười, bước tới.

Bên cạnh Thái Kinh có bốn người.

Bốn người này đều đang đứng.

Họ thấy Vương Tiểu Thạch bước tới, cũng chưa có động tác gì mà Vương Tiểu Thạch đã đột nhiên cảm thấy trước mặt tựa như có một bức tường đồng vách sắt.

Sát ý còn đáng sợ hơn cả Bát đại đao vương liên thủ.

Nếu gã nhất định bước qua đó, thì chỉ còn cách tông thẳng vào mà thôi.

Lao vào như thế, tường đổ hay là người chết?

Lúc này, Thái Kinh lại khẽ gật đầu.

Bức tường vô hình đó lập tức biến mất.

Vương Tiểu Thạch vẫn bước tới, đến trước mặt Thái Kinh, cầm bút, chấm mực, viết sáu chữ lớn trên giấy, nhanh đến kinh người, sau đó bỏ bút, thối lui.

“Sĩ bất khả bất hoằng nghị! 9”

Thái Kinh thốt lên: “Hảo tự! Diệu tự! Kỳ tự! Hạ bút như gió, chữ vừa mới viết xong đã bị che lấp, mực chưa kịp khô đã lại sinh một chữ, sinh diệt nối tiếp xoay chuyển hồi quy, sinh đó rồi lại diệt đó, thần khí đủ đầy chẳng khác gì thiên đạo nhân tâm, càng nhìn càng thấy kinh thấy hãi! Chữ như thế này thật đúng là thế gian hiếm có, đáng tiếc…”

Y lạnh lùng nhìn Vương Tiểu Thạch: “Chữ đã sắp bước vào hóa cảnh, nhưng người vẫn chưa nhìn thấu triệt, giống như viết chữ đẹp vào giấy xấu vậy.”

Vương Tiểu Thạch thản nhiên nói: “Nếu có thể thật sự nhìn thấu, thái sư cớ sao không nói bỏ là bỏ ngay, trước tiên hãy bỏ hết chức vị quyền hành của bản thân rồi đến khuyên tại hạ.”

Người mặt tím kia nghe đến đây, kìm không được quát lớn: “To gan!”

Vương Tiểu Thạch vẫn giữ vẻ ngạo mạn nói: “Đắc tội, đắc tội.”

Người mặt tím gầm gừ: “Ngươi có biết những lời của ngươi lúc nãy đáng trị tội gì hay không?”

Vương Tiểu Thạch nói: “Thấy thái sư có thể viết ra những dòng chữ phiêu dật thế này, vãn sinh mới dám nói thẳng.”

Ánh mắt Thái Kinh lấp lánh, nếp nhăn bên cánh mũi lộ rõ, một hồi sau mới nói: “Ngươi có biết vị này là ai không?”

Vương Tiểu Thạch biết người mặt tím này có lai lịch không nhỏ, cả bốn người đang đứng e rằng cũng chẳng phải tầm thường, nhưng gã càng chú ý hơn đến người đứng phía sau Thái Kinh, ngay trong xó tối.

Người này dáng dấp cao gầy, trên vai khoác chiếc tay nải cũ, không để ý nhìn, còn tưởng đó chỉ là xó tối, không dễ gì phát hiện ra có một con người như thế tồn tại.

Gã mắt thì quan sát, trong đầu tính toán, tay phòng bị, miệng lại nói: “Đang định thỉnh giáo.”

Thái Kinh cười nói: “Ngươi thật sự rất có sĩ diện, ông ta chính là đương kim tể tướng, Phó Tông Thư, sao còn chưa mau bái kiến?”

Vương Tiểu Thạch thầm hít một hơi, biết rằng tể tướng Phó Tông Thư cũng đến, miệng nói: “Hai vị đại nhân, đã thất kính rồi.”

Khẩu khí của gã lạnh nhạt, còn lạnh hơn cả tách trà đã lạnh ở trên bàn.

1. Bốn câu trong bài thơ thứ 16 trong tập Thi Phẩm của Tư Không Đồ đời Đường. Tạm dịch rằng: Bước đi ngập ngừng, trời xanh man mác, thần thái u nhàn, tâm tình đạm bạc.

2. Có thể tác giả muốn nói đến Thái Tương 蔡襄(1012-1067), tự Quân Mạc, hiệu Hào Dương cư sĩ, người Tiên Du, Hưng Hóa. Đỗ tiến sĩ năm 1030. Là chính trị gia, thư pháp gia, chuyên gia về trà. Đã trải qua nhiều chức quan dưới triều Tống. Tác phẩm: Sái Trung Huệ tập.

3. Thẩm Liêu 沈 辽(1032-1085), tự Duệ Đạt, người Tiền Đường (nay là Hàng Châu, Chiết Giang), nhà thư pháp nổi tiếng đời Tống.

4. Hoàng Đình Kiên 黃廷堅(1045-1105), tự Lỗ Trực, biệt hiệu Sơn Cốc đạo nhân, Phù ông, người Phân Ninh, Hồng Châu (thuộc Giang Tây ngày nay). Ông là thư họa gia và thi gia trứ danh đời Bắc Tống, tề danh cùng thầy ông là Tô Thức, người đời thường gọi Tô-Hoàng. Ông đỗ tiến sĩ, có làm một số chức quan. Ông là người cầm đầu thi phái Giang Tây, một trường phái quá chú trọng đến kỹ xảo làm thơ mà không quan tâm đúng mức đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Hoàng Đình Kiên còn là một người rất am hiểu về hội họa và là một trong những người viết chữ đẹp nhất thời Bắc Tống.

5. Tô Thức 苏轼(1037-1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

6. Mễ Phất (1051-1107), thư pháp gia, họa gia đời Tống, chuyên về tranh sơn thủy. Ông không chiều theo thị hiếu chính thống triều đình, chỉ vẽ theo ý thích riêng, trung thành với cảm xúc thật của mình trước tạo vật, nên mặc dù có tài năng vẫn không được mời vào Họa viện triều đình. Nhưng phong cách nghệ thuật Mễ Phất lại có nhiều ảnh hưởng đến các họa sĩ trong Họa viện.

7. Nhan Chân Khanh 颜真卿(709-785) là một nhà thư pháp Trung Quốc hàng đầu và là một vị quan thái thú trung thành của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Do được phong chức Lỗ quận công nên đời sau còn gọi ông là Nhan Lỗ Công.

8. Đại ý dịch rằng: Điều đáng mừng của tuổi già đến, là từng trải niềm vui nỗi buồn trong cõi nhân gian, biết rõ mọi chuyện ở ngoại giới. Nhìn thấu vinh hoa quyền lực, cho dù ưu sầu oán hận to lớn đến mấy, cũng mau chóng bóp nát. Có thể tránh được tửu sắc bủa vây, đi đâu làm gì cũng tỉnh táo. Ăn no ngủ kỹ, thức dậy lại làm trò. Xin chớ cùng ta bàn luận việc xưa nay, những việc ấy đã không còn trong lòng ta rồi. Ta không cầu tiên, cũng chả học Phật, cũng không học theo Khổng Tử chu du dạy học khắp nơi. Ta chả muốn tranh cãi biện giải chi nữa, mặc ai cười nhạo, đã thế thì cứ thế. Diễn trò xong rồi, cởi áo ra, muôn sự chẳng còn liên quan tới ta.

9. Kẻ sĩ không thể nào không kiên định (rút từ sách Luận Ngữ).