Nguyên tắc cơ bản trong ăn uống là ăn đồ tươi mới.
Đồ càng tươi mới càng chứa nhiều enzyme giúp tổng hợp enzyme diệu kỳ.
Trên Trái đất, có nhiều loài động vật với các tập tính ăn uống khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là thích thức ăn chứa nhiều enzyme. Trong khi đó, phải chăng con người chúng ta lại đang quên đi nguyên tắc cơ bản ăn uống trong tự nhiên này.
Con người đã khám phá ra các chất dinh dưỡng có trong các loại thức ăn, phân loại chúng, tính toán lượng calo và tạo nên nền "dinh dưỡng học" hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, trong "dinh dưỡng học" hiện đại này, lại không có sự hiện diện của các "enzyme", yếu tố căn bản của thức ăn. Chính vì vậy, con người đang ăn phải các "thực phẩm chết", không chứa enzyme.
Ngay cả trong thức ăn của vật nuôi cũng xảy ra vấn đề tương tự. Các loại thức ăn cho vật nuôi hiện nay đều là loại thực phẩm không chứa enzyme. Kết quả là chúng ta đang bắt vật nuôi chịu khổ với các loại bệnh khác nhau.
Vì vậy, dù tôi cũng nuôi chó nhưng chưa bao giờ cho nó ăn thức ăn vật nuôi bán trên thị trường. Tôi cho nó ăn gạo lứt mà tôi ăn hàng ngày. Có thể loài chó không quen khi ăn gạo lứt, nhưng nếu tôi nấu cùng với rong biển thì nó lại rất thích ăn. Thêm vào đó, chú chó của tôi cũng rất thích hoa quả, và tất nhiên là cũng ăn cả rau xanh. Thậm chí nó còn ăn cả cuống bông cải xanh luộc nhừ.
Nhắc đến động vật ăn thịt, chắc hẳn mọi người sẽ nghỉ ngay đến loài động vật chỉ cần "thịt" thôi, nhưng sự thực lại không phải như vậy. Động vật ăn thịt còn cần ăn cả thực vật nữa. Vậy tại sao chúng lại chỉ ăn thịt? Nguyên nhân là trong cơ thể chúng không có enzyme phân giải thực vật. Nếu các bạn quan sát các loài động vật ăn thịt hoang dã, các bạn sẽ thấy chúng chỉ ăn các loài động vật ăn cỏ. Và khi săn được con mồi, chúng sẽ ăn ruột (cơ quan nội tạng) đầu tiên, nơi tiêu hóa lượng thực vật mà động vật ăn cỏ đã ăn cùng với các enzyme tiêu hóa tương ứng. Nhờ đó, động vật ăn thịt có thể hấp thu được các loại thực vật đã và đang được tiêu hóa trong dạ dày, đường ruột của động vật ăn cỏ.
Động vật ăn thịt chỉ ăn động vật ăn cỏ, động vật ăn cỏ chỉ ăn thực vật. Đây chính là quy luật của tự nhiên. Nếu bỏ qua quy luật tự nhiên này, chúng sẽ phải gánh lấy hậu quả. Ví dụ tiêu biểu chính là bệnh chứng BSE (bệnh viêm não thể bọt biển ở bò, hay gọi là bệnh bò điên).
Hiện nay, người ta vẫn chua lý giải hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh BSE. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng do sự phát triển bất thường của loại protein tên là "prion" khiến não bị suy thoái giống như các miếng bọt biển, vậy tại sao prion lại phát triển bất thường?
Các điều tra từ trước tới nay cho thấy bệnh BSE lan rộng thông qua việc phân phối thức ăn có chứa bột thịt xương (thức ăn chăn nuôi được làm từ phần thừa như thịt, da, xương... trong quá trình chế biến các món thịt). Các cơ quan chính phủ, đi đầu là bộ nông lâm thủy sản, cho biết "bột thịt xương có chứa mầm bệnh". Tuy nhiên, theo tôi đây chính là hậu quả của việc đi ngược lại quy luật tự nhiên khi cho bò, loài động vật ăn cỏ, ăn "bột thịt xương", thức ăn của động vật ăn thịt.
Việc cho bò ăn bột thịt xương cũng xuất phát từ sự tư lợi của con người. Khi cho bò ăn bột thịt xương, hàm lượng protein và canxi trong sữa bò sẽ tăng lên. Sữa có các hàm lượng này càng cao thì càng bán chạy. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc nhiễm bệnh BSE hay những người ăn thịt bò loại này cũng bị viêm não thể bọt biển chính là quả báo cho chính con người khi đã tự ý bỏ qua các quy luật của tự nhiên.
Tựu chung lại, tất cả các loài động vật, kể cả con người, nên ăn cái gì và ăn bao nhiêu mới tốt đều được quy định trong các quy luật của tự nhiên.
Bỏ qua các quy luật này, chúng ta không thể sống khỏe mạnh được.