Nhân Tố Enzyme - Phương Thức Sống Lành Mạnh

Mối Quan Hệ Không Thể Cắt Rời Giữa Con Người Và Thổ Nhưỡng

Người Âu Mỹ đã có thói quen ăn thịt động vật trong thời gian dài hơn hẳn người Nhật.

Mặc dù vậy, họ cũng không phá vỡ cân bằng đường ruột nghiêm trọng như người Nhật. Và tôi đã suy nghĩ xem tại sao giũa người Nhật và người Mỹ lại có sự khác biệt lớn đến như vậy. Tôi đã nghĩ ra một vài lý do, lý do đầu tiên chính là sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực đã được hình thành từ xa xưa. Người Âu Mỹ, trải qua hàng trăm năm vẫn duy trì thói quen ăn thịt. Nhưng người Nhật lại chỉ mới bắt đầu thói quen này từ thời Minh Trị, tính đến nay cũng chỉ được khoảng 150 năm. Đường ruột của người Nhật, vốn có thói quen ăn ngũ cốc và rau củ trong thời gian dài, nếu xét về tỉ lệ so với kích thước cơ thể thì dài gấp một, hai lần đường ruột của người Âu Mỹ. Đường ruột dài hơn dẫn đến thời gian cho đến lúc bài tiết hết thức ăn cũng dài hơn, và ảnh hưởng của thịt đến đường ruột cũng lớn hơn.

Một nguyên nhân nữa tạo ra sự khác biệt chính là "thổ nhưỡng". Người Trung Quốc cổ có một câu gọi là "thân thổ bất nhị" tức là thân thể con người và đất đai có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Ngày nay chúng ta có thể ở ngay tại nhà mình nhưng vẫn thưởng thức được hết các món ăn trên thế giới. Tuy nhiên có một điều cơ bản trong ăn uống đó là người sống ở vùng nào thì ăn thức ăn trồng được ở vùng đấy. Do đó, tùy theo tình hình thổ nhưỡng mà trạng thái sức khỏe của con người cũng khác nhau.

Đây là câu chuyện cách đây khá lâu rồi, khi tôi lần đầu trông thấy rau củ bán ở Mỹ. Khi đó tôi rất ngạc nhiên sao chúng có thể lớn đến vậy. Dù là cà tím hay dưa chuột, kích cỡ của chúng hoàn toàn khác với rau củ ở Nhật Bản. Vì thế tôi đã nghĩ rằng dù cùng là cà tím nhưng chắc chắn chúng là các loại khác nhau. Tuy nhiên, thực tế khi giống rau ở Nhật Bản và gieo trồng ở Mỹ, chúng vẫn cho quả, hạt to hơn hẳn khi trồng ở Nhật Bản. Đó chính là do hàm lượng các chất có trong đất ở Mỹ như canxi, khoáng chất, vitamin... nhiều hơn hẳn đất Nhật. Ví dụ, lượng canxi có trong rau chân vịt trồng ở Mỹ nhiều gấp ba đến năm lần hàm lượng canxi trong loại rau này khi trồng ở Nhật.

Thêm một ví dụ nữa, tôi đã từng thấy số liệu chỉ ra rằng hàm lượng canxi trong bông cải xanh ở Mỹ là 178 mg trên 100 gr trong khi hàm lượng này ở Nhật là 57 mg trên 100 gr.

Nói tóm lại người Mỹ dù ăn nhiều món thịt nhưng lại không chịu nhiều ảnh hưởng xấu như người Nhật là do họ ăn các loại rau được gieo trồng trong loại đất đai màu mỡ như vậy, do đó họ có thể cân bằng phần nào độ pH đang có chiều hướng chuyển sang tính axit trong cơ thể.

Trước đây, người Mỹ và người Nhật có khoảng cách rất rõ về hình thể. Tuy nhiên, hiện nay người Nhật cũng đã to cao hơn rất nhiều so với trước kia. Nguyên nhân chính là sự ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Âu Mỹ. Cùng với sự du nhập của văn hóa ẩm thực ưa chuộng thịt, sữa, phô mai, bơ... thói quen ăn uống và hình thể của người Nhật cũng thay đổi dần. Nhưng dù chúng ta có muốn thay đổi giống người Âu Mỹ thì cũng có một điều không thể thay đổi được. Đó chính là "thổ nhưỡng". Sự màu mỡ của đất đai, dù chúng ta có muốn cũng không thể bắt chước được.

Không quá lời khi cho rằng sự màu mỡ của đất đai phụ thuộc vào số lượng các vi sinh vật và các động vật nhỏ sống trong đất. Với phần lớn diện tích đất đai đều là tro núi lửa, đất đai ở Nhật có rất ít thức ăn cho các vi khuẩn làm giàu trong đất.

Dù chúng ta có bắt chước cách ăn thịt của người Âu Mỹ thì với hàm lượng dinh dưỡng trong rau củ chỉ bằng một phần năm rau củ của Âu Mỹ, cơ thể chúng ta sẽ thay đổi như thế nào. Rõ ràng là người Nhật sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Nguyên nhân khiến thực phẩm thịt động vật ảnh hưởng lớn đến cơ thể người Nhật chính là ở "chất lượng" rau củ mà người Nhật đang ăn hàng ngày.

Đất đai của Nhật vốn dĩ cằn cỗi. Nhưng với những món ăn truyền thống của Nhật từ xa xưa với các loại ngũ cốc, rau củ, cá, rong biển... được nuôi trồng trên chính đất Nhật, người Nhật đã tạo được sự cân bằng trong cơ thể mình. Và theo tôi, đấy cũng chính là sự cân bằng của tự nhiên.