Nhân Tố Enzyme - Phương Thức Sống Lành Mạnh

Càng Uống Thuốc Dạ Dày Càng Làm Dạ Dày Kém Đi

Trong cơ thể con người có hai nơi cần có sự bảo vệ của axit mạnh mới có thể hoạt động được bình thường. Đó là dạ dày và âm đạo phụ nữ. Ở hai vùng này, độ pH luôn dao động từ 1.5 ~ 3. vậy tại sao ở hai vị trí này lại có axit mạnh đến vậy. Một trong các nguyên nhân chính là để diệt khuẩn.

Khi tắm rửa hay sinh hoạt tình dục, các vi khuẩn sẽ xâm nhập vào âm đạo của phụ nữ. Để diệt các vi khuẩn này, âm đạo sẽ tiết ra axit mạnh được hình thành từ vi khuẩn axit lactic.

Các vi khuẩn có thể xâm nhập vào dạ dày cùng thức ăn với số lượng lên đến 300 - 400 tỉ con. Để có thể diệt hết số lượng vi khuẩn khổng lồ này, chúng ta cần nhờ đến axit mạnh chứa trong dịch vị dạ dày.

Nói tóm lại, ở hai vị trí này, axit cần được tiết ra để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Nếu các bạn ức chế quá trình tiết axit cần thiết cho cơ thể bằng các loại thuốc dạ dày thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó, nếu trong các loại vi khuẩn đang tự do qua lại trong dạ dày có độc tính, bạn sẽ bị tiêu chảy hay nhiều loại bệnh khác.

Tác hại của thuốc dạ dày với cơ thể chúng ta không chỉ có vậy. Khi quá trình tiết axit dạ dày bị ức chế sẽ dẫn đến thiếu dịch vị và axit clohydric vốn rất quan trọng trong việc thúc đẩy các enzyme tiêu hóa, làm việc tiêu hóa thức ăn của cơ thể kém đi. Ngoài ra, không có axit dạ dày cũng gây ảnh hưởng xấu đến việc hấp thu các khoáng chất như sắt, canxi, magie. Những bệnh nhân từng phẫu thuật chữa viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày thường bị thiếu máu, nguyên nhân là do bị cắt dạ dày nên không thể tiết axit dạ dày được.

Thêm vào đó, ức chế quá trình tiết axit dạ dày cũng phá vỡ cân bằng các vi khuẩn trong đường ruột, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Trong đường ruột của chúng ta có khoảng 300 loại, tương ứng với 100 nghìn tỉ vi khuẩn đang sinh sôi. Trong đó có cả "lợi khuẩn" như vi khuẩn Bifidus và "hại khuẩn" như vi khuẩn clostridium. Nhưng chiếm đa số trong đường ruột của chúng ta lại là vi khuẩn trung gian, không phải lợi khuẩn cũng không phải hại khuẩn. Vi khuẩn trung gian có đặc tính, nếu lợi khuẩn tăng nhiều hơn, chúng sẽ biến thành lợi khuẩn, nếu hại khuẩn phát triển, chúng sẽ biến thành hại khuẩn. Chính vì vậy, sự cân bằng lợi khuẩn - hại khuẩn trong đường ruột quyết định đến quá trình tiêu hóa tốt hay xấu.

Khi axit dạ dày không được phân bổ đầy đủ, các enzyme tiêu hóa không thể hoạt động dẫn đến thức ăn không được tiêu hóa tốt và bị chuyển thẳng vào đường ruột. Như vậy, các loại thức ăn vốn dĩ được tiêu hóa tốt sẽ được hấp thu trong đường ruột thì nay lại bị ứ đọng ở đấy. Nhiệt độ trong đường ruột gần 37 độ, tương đương nhiệt độ mùa hè. Thức ăn bị tồn đọng trong môi trường như vậy sẽ sinh ra khí gas, và đương nhiên sẽ bị bốc mùi và lên men bất thường. Đây là điều kiện làm gia tăng hại khuẩn trong đường ruột và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Trong điều kiện như vậy, các vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết ở dạ dày lại càng có điều kiện phát triển hơn nữa. Do đó, sẽ thật ngạc nhiên nếu người bệnh không cảm thấy khó chịu.

Do đó tôi mới nói, càng uống thuốc dạ dày càng làm dạ dày kém đi.

Vậy, phải làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Câu trả lời rất đơn giản. Chỉ cần không để xảy ra tình trạng ợ nóng hay đầy hơi khiến bạn muốn uống thuốc là được. Nếu bạn biết nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng ợ nóng hay đầy bụng, bạn chỉ cần để ý một chút là có thể phòng tránh được ngay.

Ợ nóng là hiện tượng xảy ra khi axit dạ dày bị trào ngược vào thực quản. Thực quản là bộ phận có tính kiềm và rất nhạy cảm với axit. Thông thường, khi axit dạ dày bị trào ngược, chúng ta sẽ nuốt nước bọt một cách vô thức. Nước bọt có tính kiềm và sẽ rửa trôi axit trong thực quản. Tuy nhiên, khi bạn ăn quá nhiều hay tiêu hóa kém, lượng axit trào ngược nhiều đến mức nước bọt không trung hòa hết được, khi đó thực quản sẽ bị loét ra. Nếu axit dạ dày tiếp tục trào ngược, tình trạng sẽ giống như quét cồn lên miệng vết thương vậy. Khi đó, bạn sẽ bị "ợ nóng", đau và khó chịu. Khi uống thuốc dạ dày bạn không thấy ợ nóng nữa là do thuốc đã ức chế quá trình trào ngược axit dạ dày.

Tóm lại, để tránh bị ợ nóng cần phải làm cho axit trong dạ dày không bị trào ngược. Để làm được điều đó, bạn nên hạn chế ăn uống quá nhiều, hút thuốc, uống rượu, cà phê... Và điều quan trọng nữa là nên ăn bữa tối cách giờ đi ngủ khoảng bốn, năm tiếng, và nên để bụng trống khi đi ngủ.

Trong niêm mạc dạ dày có một lớp "lông nhung" nhấp nhô, tiết ra axit dạ dày. Bạn càng uống nhiều thuốc dạ dày ức chế axit, lớp lông nhung càng hoạt động kém và càng ngày càng co lại. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng co thắt niêm mạc dạ dày. Nếu tình trạng này kéo dài, niêm mạc sẽ bị mỏng đi và dễ bị viêm, có thể dẫn đến viêm thắt dạ dày. Khi bị viêm thắt dạ dày, lượng axit dạ dày tiết ra ít hơn, dạ dày trở thành nơi thích hợp cho các vi khuẩn như Helicobacter pylori (H.Pylori) phát triển. Viêm thắt dạ dày trở nên trầm trọng sẽ chuyển thành ung thư dạ dày. 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Nhật được cho là bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể di chuyển vào bên trong niêm dịch hay tế bào niêm mạc dạ dày nên có những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn này ngay cả khi dạ dày tiết ra axit. Hơn nữa, loại khuẩn này lây qua đường miệng nên tuổi càng cao, tỉ lệ lây nhiễm càng lớn. Tỉ lệ nhiễm khuẩn Helicobacter pylori ở người Nhật trên 50 tuổi là 60 - 70%. Mặc dù bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cũng không hẳn là trực tiếp chuyển biến thành ung thư, nhưng để phòng ngừa vi khuẩn này sinh sôi, bạn nền hạn chế sử dụng các loại thuốc dạ dày có chứa chất ức chế axit dạ dày.