Mọi chuyện bắt đầu từ những cơn đau thắt cơ lưng, luồn theo cột sống chạy lên vai, vòng xuống ngực, rồi dừng lại đâu đó ở phía tim, lấy hết của tôi phần sức lực còn lại sau khi nhận chìm lí trí của tôi vào chốn mờ mịt của vô thức. Căn bệnh quái ác đến bất ngờ vào cái tuổi bốn mươi tựa nắm đấm của một kẻ khổng lồ nào đó hất tôi văng ra khỏi dòng sống thường nhật. Chỉ mới sáu tháng đau đớn, một thoáng của cuộc đời, vậy mà tôi đã thành kẻ đứng bên lề với cảm giác mình bị xô dạt đi càng lúc càng xa những gì thân yêu nhất.
Tôi là một diễn viên xiếc đu bay. Tinh thần và thể lực tôi hầu như dành trọn vẹn cho nghề nghiệp mà tôi say mê. Khoảng không gian trên cao của rạp xiếc với những chiếc đu bay nhịp nhàng và bên dưới là khán giả, tiếng vỗ tay, âm nhạc, tất cả làm nên sức sống, làm nên máu thịt trong người tôi. Tôi yêu nghề xiếc, câu nói ấy tưởng chừng sẽ ngân mãi suốt đời tôi. Vậy mà giờ đây tôi bị bắt buộc phải đứng ngoài. Hai tháng trước, sự việc chưa đến nỗi tồi tệ như bây giờ. Tuy tôi không còn thể uốn lượn, bay bổng trên cao, nhưng dù sao tôi vẫn còn được đứng trên sàn diễn, trong vai chú hề gánh xiếc. Chú hề này sính chọc cười hơn là biểu diễn xiếc. Sau mỗi đêm diễn, soi gương tẩy phấn hoá trang, lòng tôi dâng đầy nỗi xót xa buồn tủi. Quả tôi có đau đớn thật, nhưng tôi cũng tự an ủi mình rằng ít ra tôi vẫn còn được sống và thở bầu không khí quen thuộc thân thương trong gia đình xiếc.
Nhưng chuyện gì cũng có kết thúc. Sáng nay ban Giám Đốc đoàn xiếc quyết định cho tôi nghỉ hưu non. Nghỉ hưu ở tuổi bốn mươi. Không lẽ đời một diễn viên xiếc ngắn ngủi như thế:
- Tại sao?
- Để bảo vệ sinh mạng cho anh đấy.
- Tôi hiểu rồi …
Tôi trả lời nhưng không hiểu gì cả. Người ta có biết là khi rời xa đoàn xiếc tôi không còn là tôi nữa.
VỢ …
Đêm yên tĩnh, sàn diễn chỉ còn chập chờn như trong giấc mơ, tôi muốn gục đầu lên vai em cho lòng dịu lại. Tôi muốn gối đầu trên tay em để được chìm sâu vào giấc ngủ bình yên, để quên hết đoạn đời qua.
Nhưng em ngồi trước mặt tôi, ánh mắt đen lạnh lùng như một quan toà trước giờ phán quyết.
- Anh không còn một chút dũng cảm nào à? Tại sao anh không chửi thẳng vào mặt tên giám đốc là đồ vắt chanh bỏ vỏ? Xiếc à? Anh nhìn xem, mấy thằng cha thay anh có hơn gì anh đâu. Chúng bay như một con chim ướt. Chúng không dám lên cao. Chúng đòi phải có lưới bảo hộ. Còn động tác đu bay của chúng. Ôi, mắc cười không chịu được … Đã vậy, anh còn can tâm làm một chú hề. Trời ơi, một tên hề bất lực … Em thật không biết phải nói như thế nào với anh … Rồi hôm nay, họ thả anh ra khỏi gánh xiếc như loại bỏ một con vật ốm, què quặc,không một lời an ủi tử tế nào …Ấy thế mà anh …
Ôi, em khen tôi để mà trách cứ tôi. Rốt cuộc, tôi vẫn là một kẻ bất lực như hận xét của giám đốc đoàn xiếc. Tôi không phản kháng ư? Nếu em biết rằng tôi đau đớn như thế nào khi thực hiện những động tác đu bay, tôi đã phải cắn môi tự đè nén cơn sợ hãi thế nào khi cảm thấy tay chân, cơ bắp mình đang cưỡng lại mệnh lệnh phát ra từ trung tâm não bộ. Bởi vậy,việc tôi rời đu bay là đúng thôi. Còn làm một chú hề, đó có lẽ là ân sủng cuối cùng mà Thượng Đế dành cho tôi trong mấy tháng trời nay để tôi được thở hơi thở của rạp xiếc, được ngắm nhìn khán giả, điều mà trước kia chưa bao giờ tôi làm khi còn bay lượn trên cao tít.
Ngày trước, tôi bay cho vinh quang và niềm kiêu hảnh của riêng mình. Tôi không nghĩ đến ai dù là khán giả,ngược lại, khán giả phải ngước mắt nhìn tôi, nghĩ đến tôi, tán thưởng tôi. Bây giờ, làm một anh hề, tôi đối diện với khán giả, chờ trông và mong mỏi thái độ của từng người tỏ lộ sau những động tác gây cười. Tôi tự thu nhỏ mình lại để làm trò vui cho thiên hạ. Nhưng tôi vô cùng biết ơn những ai khai sinh ra vai trò đó. Vai hề trong rạp xiếc, ngày trước là nhân vật tương phản làm tôn vẻ đẹp, dũng cảm của các nghệ sĩ như tôi, và bây giờ nó tắm mát tâm hồn cho tôi bớt đi sự dày vò chua xót.
Nhưng đúng là em không hiểu và tôi làm sao nói được nên lời trước thái độ thất vọng của em. Nhất là hiện tại, nghề đã chối tôi. Biết mình biết người, tôi nào dám oán trách ai. Tôi muốn ra khỏi nhà cho khuây khoả. Nhưng bạn bè còn ai, nào có ai đồng điệu để chia xẻ,ủi an? Theo dòng tất bật của cuộc sống, tôi là cái nút chai bềnh bồng không trôi, đứng tấp một bên bờ.
- Anh phải chứng tỏ cho họ thấy là anh không như họ tưởng. Anh phải tìm một việc làm khác, ngẩng cao đầu lên, làm cho chúng thun lại như một con giun dưới chân, làm chúng cay đắng đến chết vì nỗi ân hận, tiếc nuối điên cuồng bởi mất anh.
Anh của em, bao giờ anh cũng là người giỏi nhất. Con của chúng mình cần một người cha như vậy. Nó sẽ hãnh diện vì cha của chúng … Tại sao anh cứ im lìm như vậy? Anh đứng dậy và làm một việc gì đi chứ? …
Tôi đứng lên, bước ra khỏi nhà. Vì con tôi. Ôi,con thân yêu. Những khớp xương, ta van vỉ các ngươi đứng vặn vẹo như vậy, nhưng nỗi đau trong tim ta sao nhức nhối và tê cóng hơn sự hành hạ của các ngươi? Ta tiếc và ta không tiếc. Ta muốn và ta không muốn.
Em không hiểu gì cả, dù chúng mình đã chung sống với nhau hơn mười năm rồi. Tôi chỉ còn có em và con. Tôi thương yêu cả hai. Em đã nói gì, hở em? Hình như em đã nói giùm tiếng lòng tôi, tôi biết.Nhưng trong tôi còn có một tiếng nói khác, sâu khuất và e dè hơn. Nó chỉ vò xé tâm hồn tôi mà không bao giờ thốt được thành lời. Tôi không điều khiển được nó, trái lại, hành động của tôi luôn luôn bị nó ảnh hưởng một cách bất ngờ nhất. Em ơi, tôi muốn biết tiếng lòng không thể nói của em và con. Nhưng làm sao tôi lắng nghe được khi tim tôi tràn trề nước mắt.
CON …
- Bố ơi, bố thật tuyệt vời.
- Đúng vậy không con. Cám ơn con.
- …………………………………………
- Cái gì? Con muốn nói cái gì?
- Bố quên rồi sao? Hôm qua, bố đã làm vậy trong rạp xiếc đó. Con và lũ bạn cười thiếu chút lăn ra ghế. Bố cừ thiệt. Con bắt chước làm, bố chẳng cười, lại không hiểu nữa. Trong khi bố chỉ hếch mũi là cả rạp biết bố muốn gì và cười chết thôi. Làm sao bố có thể cừ như vậy được? Con thích bố ở dưới hơn mặc dù trên đu bay bố như chim vậy, nhưng bố bay cao làm con hồi hộp, lo quá nên sợ hơn là thích.
Tôi xoa đầu con. Mắt nó đen tròn như hai hạt nhản. Giọng nói và nét mặt của nó làm tôi an lòng. Trẻ con không có tiếng nói thứ hai trong trái tim. Và chính vì điều con vừa nói mà tôi cám ơn con hàng ngàn lần.
- Con không buồn gì bố sao?
Tôi hỏi một cách lơ đểnh vì mãi nhìn đôi mắt trong trẻo, ngây thơ của con
-Bố nói mắc cười quá. Bố làm gì mà con phải phiền? Có con làm bận chân bố thì có.
Tôi muốn nói nhiều hơn, nhưng với trẻ con như vậy đủ rồi, không cần phải giảng giải. Tự nó sẽ cảm nhận và trả lời đúng như ý nó muốn. Dứt khoát là con không nghĩ bố đã làm con vỡ mộng hình tượng cha mình. Nhưng bố cứ nghĩ hoài, có thật là bố làm bất cứ công việc gì con cũng tìm thấy được cái tốt của bố để mãn nguyện và khâm phục? Tôi thú nhận một cách dễ dàng không ngờ:
- Kể từ hôm nay, bố không còn làm việc trong gánh xiếc nữa.
Con tôi tròn mắt, một chút ngạc nhiên thoáng qua, thoáng nhíu mày như một triết gia, rồi đỉnh đạc nói:
- Bố sẽ làm một việc khác chứ? Bố của tụi bạn con mỗi người đều có công việc khác nhau. Rất nhiều việc để làm bố à.
- Cám ơn con.
Con tôi lại cười:
- Ấy vậy mà bố cám ơn. Người lớn thích cảm ơn quá bố nhỉ. Cô giáo cũng bảo con tập cảm ơn khi ai làm việc gì cho mình. Nhưng con có làm được gì cho bố đâu … À, bố này, con thấy bố ít cười hơn con đấy. Hình như người lớn không cười lớn trong rạp xiếc. Đúng thế không bố?
Tôi gật đầu, bởi tôi có thể làm gì hơn. Con tôi bé bỏng. Vả lại con tôi và dù cả người lớn cũng không sao thấy được nước mắt tôi khi mặt phấn hoá trang đã vẽ cho tôi một nụ cười đến tận mang tai.
VAI DIỄN CUỐI CÙNG.
Tôi tìm được một việc làm trên sân khấu cải lương. Sàn diễn, cách thể hiện lạ lẫm. Ban giám đốc nhà hát, một người biết tôi đã đề nghị công việc hợp lý. Tôi sẽ là diễn viên bay trên sân khấu cải lương. Đúng là việc làm mạt hạng của một nghệ sĩ xiếc. Nhưng tôi có gì để mà chọn lựa. Tôi cần một việc làm để sống.Rất đơn giản,tôi chỉ cần biểu diễn một đường bay vút ngang sân khấu. Sức khoẻ tôi có thể chịu đựng được. Vả lại, dù sao,khi bay, tôi vẫn còn ảo tưởng mình được đu bay. Hơn nữa, có một công việc để tự khẳng định mình còn tồn tại là chuyện cần thiết cho tôi hơn lúc nào hết. Cầu mong cho chứng cứng xương lưng của tôi không cản trở công việc nhỏ mọn này.
Một vở diễn gì đó mà tôi là nhân vật thần thoại với đôi cánh bằng lụa mỏng, bộ quần áo rực rỡ sắc màu. Tôi phải bay một đường vòng cung, đậu lại bên trái sân khấu, quay một vòng rồi bay thẳng vào hậu trường.
Vợ tôi cười buồn nhưng không nói gì. Có lẽ cô ấy không còn gì để nói nữa. Tôi lẳng lặng chờ đón công việc của mình. Chờ đón chứ không phải tập dượt hoặc sửa soạn. Lần này tôi không dám mời cô ấy đi xem hát. Tôi nhớ những buổi trình diễn đầu tiên ngày xưa. Bao giờ cô ấy cũng đi thật sớm và ríu rít như chim. Mắt cô đầy tự hào và kiêu hãnh về tôi. Còn hôm nay, chỉ có con tôi thì thào thật nhỏ:
- Con đi với bố, bố nhé….
Tôi gật đầu nắm bàn tay bé nhỏ của con. Vợ tôi nhoài người như muốn nói lời gì nhưng cô ấy kịp dừng lại, thở ra nặng nề – Lẽ ra tôi không nên dẫn con theo. Nhưng em phải hiểu cho tôi, giây phút này, tiếng nói e dè sâu thẳm trong tôi đòi hỏi biết bao sự ân cần và âu yếm của người thân. Tôi đâu cần cổ vũ, cũng không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Nhưng chỗ dựa của linh hồn tôi là nơi tôi trú ẩn –
Khán giả cải lương đằm thắm hơn khán giả xiếc. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Tôi đứng trong hậu trường bức rức vì bộ quần áo rườm rà vướng víu. Cảm giác hồi hộp, căng thẳng không có như khi ở rạp xiếc, trước giờ trình diễn.
Ngoài kia trước sân khấu, tôi kiếm cho con một chiếc ghế nhỏ, rất nhỏ để không ngăn trở ai. Con ngồi một mình trơ trọi giữa những người lớn. Con ngồi rất im, chỉ có ánh mắt mở to tìm kiếm.
- Bố đấy con, hãy ngồi im đó, rồi bố sẽ bay trước mặt con, bay vút như một pha phóng người trao đu. Rồi con sẽ thấy bố bay rất đẹp, để cho con, cho khán giả biết bố đã từng là một nghệ sĩ xiếc đu bay.
Qua cánh gà, tôi thầm thì với con. Con ngẩng đầu nhìn quanh. Gương mặt con bầu bỉnh và đẹp như một thiên thần.
- Chuẩn bị, sắp đến phiên anh rồi đó.
Không phải xiếc. Người ta móc giây vào lưng tôi. Một hệ thống lằng nhằng gì đó sau lưng. Ngày xưa, toàn thân tôi thoải mái tự do. Tôi đu bay bằng cơ bắp dẻo dai, bằng ý chí và tài nghệ khổ luyện. Còn bây giờ, sợi giây đưa tôi đi. Đây không còn là xiếc dù cho là động tác đơn giản nhất. Tôi lặng lờ trong cảm giác thất vọng cực cùng. Không còn gì hết. Tôi chỉ là một kẻ bất lực không hơn không kém.
- Sẵn sàng …Kéo giây …bay …
Tôi co chân. Sống lưng tôi chợt co giật trong cơn thốn thấu xương. Cơn đau lên chất ngất. Tôi cố duỗi tay, nhưng hai cánh tay co quắp lại. Hình như tôi đang bay nhưng tốc độ chậm đến nỗi tôi nhận ra rõ ràng từng khuôn mặt khán giả. Họ đang im lặng. Chỉ có một cái bóng nhỏ nhoi, rất nhỏ quen thuộc, tươi cười vỗ tay vẫy gọi tôi. Từ hố sâu thăm thẳm trong tôi bùng lên rất nhanh cảm giác vô cùng của người nghệ sĩ xiếc trên chiếc đu bay. Tôi gối đầu lên tay con trai. Rất bình yên ……
KIM HÀI