Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Hồi thứ tư

Nhạc Phi vừa ra khỏi thư phòng thì bọn Vương Quới cũng kịp về nhà.

Châu Đồng bước vào phòng không để ý mọi việc xung quanh, chỉ cúi đầu suy nghĩ:

"Lúa trổ hai bông là một chuyện lạ lùng, chẳng lẽ trong cái thôn bé nhỏ, hẻo lánh thế này lại có quí nhân sao?".

Đang suy nghĩ, bỗng thấy ba cuốn vở để trước mặt Châu Đồng bèn giở ra xem, thì lạ thay, văn bài của ba người học trò mình hôm nay từ lý rất thông, nét chữ lại sắc sảo tiên sinh nghĩ thầm:

"Lẽ nào ba đứa này học hành lại mau tấn tới đến thế Hay là thời vận ta' may mắn nên chúng mau giỏi chăng?".

Châu Đồng lại đem những bài cũ của học trò ra so sánh thì thấy các bài cũ chẳng thông suốt tý nào cả nên lại nghĩ:

"Hay là trong khi ta đi vắng, ở nhà chúng nó mượn ai làm cũng nên, nhưng kẻ nào làm đây phải là người tài giỏi, chí khí hơn người, để ta hỏi xem cho biết".

Nghĩ đoạn Châu Đồng gọi Vương Quới hỏi:

- Khi ta đi vắng, có ai đến thư phòng không?

Vương Quới thưa:

- Thưa thầy, con không thấy ai đến đây cả.

Đang lúc ngờ vực. Châu Đồng vụt nhìn lên trên vách thấy bài thơ của Nhạc Phi, vội bước đến xem. Bài thơ viết:

Phục thầy, hạ bút đôi câu

Công hầu, khanh tướng biết đâu mà cười

Tâm trong Tiêu Hán sẵn rồi

Còn chờ cảnh ngộ rạng ngời Đẩu Ngưu

Anh hùng chí cả noi theo

Rồng mây gặp hội, thỏa điều ước mong

Công danh hai chữ chưa xong

Tiếu đàm thiên hạ, bận tâm làm gì.

Thơ tuy chẳng hay lắm song thi pháp đáng khen, lại có khí chất anh hùng, cuối cùng lại đề rõ danh tự Nhạc Phi. Châu Đồng mới biết đây là người mà ông Vương Viên ngoại khen là kẻ thông minh hiếm có trên đời.

Châu Đồng trợn mắt nhìn Vương Quới quát mắng:

- Rõ ràng có Nhạc Phi đến thư phòng viết thơ trên vách đây sao các ngươi lại chối quanh? Hèn chi ba bài văn của chúng bay hôm nay khác xa, đúng là Nhạc Phi làm hộ cho chúng bay rồi. Thôi hãy đi mời hắn đến đây cho ta bảo gấp.

Vương Quới cúi đầu vâng dạ rồi chạy thẳng đến nhà Nhạc Phi bảo:

- Lúc nãy anh đến thư phòng chúng tôi chơi, nhưng không biết anh viết những gì trên vách mà thầy cho đi mời anh. Chắc thế nào thầy tôi cũng đánh anh đấy.

Bà An Nhân nghe nói thì kinh hãi, nhưng khi nghe Vương Quốc nói: "Thầy bảo đi mời" thì lòng mới bớt lo. Bà bảo Nhạc Phi.

- Con có qua thì phải hết sức lễ phép với người nhé!

Nhạc Phi chắp tay:

- Con xin vâng lời mẹ, con quyết không khi nào làm phiền lòng mẹ đâu.

Rồi Nhạc Phi theo chân Vương Quới đến thư phòng ra mắt Châu Đồng. Sau khi xá bốn vái, Nhạc Phi đứng tránh một bên chắp tay thưa:- Được tiên sinh cho gọi đến thì còn gì hân hạnh cho bằng, chẳng biết tiên sinh có điều gì chỉ giáo?

Châu Đồng thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, tuổi còn nhỏ mà ăn nói lễ phép, cử chỉ đoan trang nên đem lòng thương mến ngay. ông bảo Vương Quới kéo ghế mời Nhạc Phi ngồi rồi hỏi:

- Bài thơ trên vách kia có phải cậu viết không?

Nhạc Phi sợ hãi đáp:

- Tiểu tử còn thơ dại nên nhất thời cuồng vọng, xin tiên sinh tha tội.

Châu Đồng lại hỏi:

- Cậu đã có biệt hiệu gì chưa?

- Thưa, thuở mới chào đời, có một tiên sinh đến chơi đặt cho danh hiệu là Bàng Cử.

Châu Đồng gật đầu khen:

- Danh hiệu như thế là hay lắm rồi, còn văn học thì được thầy nào dạy cho?

Nhạc Phi thưa:

- Chỉ vì nhà quá nghèo nên mẹ tiểu tử phải mua sách về dạy và lấy cát bỏ vào khay tập viết cho đỡ tốn tiền.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, Châu Đồng nói:

- Cậu về thưa với thân mẫu, mời bà đến đây cho ta hầu chuyện nhé.

Nhạc Phi lắc đầu:

- Không thể được, mẹ cháu là góa phụ, đâu có thể đi như thế được?

Châu Đồng nói:

- Cậu nói đúng lắm, chính ta đã lỡ lời rồi?

Rồi cho gọi Vương Quới vào bảo:

- Trò về thưa với thân mẫu là, nay ta muốn mời bà An Nhân đến đây bàn chút việc học hành cho Nhạc Phi, vậy xin mời lịnh đường đến đây cho có bạn với bà.

Vương Quới vội chạy đi mời bà Viện Quân, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi:

- Ta đã cho mời bà Viện Quân đến, vậy cậu có bằng lòng về thưa với lệnh đường đến đây cho ta thưa chuyện không?

Nhạc Phi vâng lời về thưa với mẹ:

- Châu tiên sinh muốn mời mẹ đến thưa chuyện, người cũng có mời bà Viện Quân đến cho mẹ có bạn, chẳng biết mẹ có vui lòng đến đó không?.

Bà An Nhân gật đầu đáp:

- Nếu có bà Viện Quân thì mẹ cũng đến đó thử xem Châu tiên sinh dạy việc gì cho biết.

Rồi bà ta lập tức thay quần áo đi cùng Nhạc Phi thẳng đến nơi tiên sinh Châu Đồng dạy học.

Vừa đến nơi, đã thấy bà Viện Quân có mặt, bước ra tiếp đón nồng hậu.

Sau khi mọi người an toạ, Châu Đồng nói với bà An Nhân:

- Hôm nay tôi mời bà đến đây chỉ vì tôi thấy lệnh lang tướng mạo phương phi, tâm trung xán lạn nên đem lòng mến thương muốn đem tài sở học của mình truyền đạt lại cho cháu. Vậy xin bà cho Nhạc Phi làm con nuôi tôi chẳng biết bà có bằng lòng không?

Bà An Nhân nghe nói lắc đầu, sa nước mắt đáp:

- Khi tôi sinh nó ra mới được ba ngày thì bị nạn lụt khủng khiếp, trong lúc lâm nguy, chồng tôi phó thác nó cho tôi nuôi dưỡng, may nhờ có ân công là vợ chồng Vương Viên ngoại ra tay cứu giúp, ơn ấy mẹ con tôi chưa trả được. Hơn nữa tôi chỉ có một chút con nối dòng họ Nhạc nên việc ấy khó vâng lời, xin tiên sinh chở chấp.

Châu Đồng phân trần:

- Lẽ ra tôi không nên hỏi vậy, nhưng trong văn thơ thấy lệnh lang có chí khí lớn, ngày sau ắt nên danh vọng, tiếc thay không có thầy hay dạy dỗ, cung như ngọc kia không được giũa mài cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi. Chẳng phải tôi dám khoe tài, song tôi đã từng dạy hai đứa học trò làm nên danh phận, chỉ vì rủi ro bị kẻ gian thần hãm hại. Nay nhận lời của Vương viên ngoại dạy ba đứa này xét ra chí khí thua kém Nhạc Phi xa. Nếu được bà ưng thuận, tôi chỉ gá tiếng là dưỡng phụ mà thôi, chớ không dám cải danh diệt tính. Còn việc xưng hô cha con là để cho tăng phần thân mật, tôi mới có thể đem hết bình sinh sở học truyền đạt lại cho cháu và sau này tôi có cười hạc quy tiên thì có người chôn cất là đủ rồi, xin bà hãy an tâm.

Bà An Nhân còn suy tính chưa biết nên trả lời bằng cách nào cho phải thì Nhạc Phi đã chạy ra, chắp tay thưa với Châu Đồng:

- Nếu kết tình phụ tử mà không phải thay tên, đổi họ thì con xin ưng thuận, vậy xin gia gia hãy ngồi lại cho con tạ lễ.

Dứt lời, Nhạc Phi quỳ lạy tám lạy.

Nhạc Phi hành động như vậy chẳng phải là không tuân lời mẹ song cũng vì chàng ái mộ tài học của Châu tiên sinh đã lâu, muốn cho người giáo huấn thi thơ, thụ truyền võ nghệ. Ngờ đâu trong tám lạy ấy mà sau này Nhạc Phi làm đến chức Võ Xương Khai Quốc Công, Thái Tử Thiếu Bảo, Tổng Đốc bình lương, thống thuộc văn võ Đô Đốc Đại Nguyên Soái. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm sau. Hãy quay lại chuyện Nhạc Phi quỳ lạy nhận dưỡng phụ.

Lạy xong, Nhạc Phi còn làm lễ lạy vợ chồng Vương Viên ngoại và mẹ chàng nữa. Bà An Nhân nửa buồn nửa vui, nhưng vì con bà đã ưng thuận bà cũng đành phải chấp thuận theo.

Vợ chồng Vương Viên ngoại sai bày tiệc đãi đằng, mời cả Trương Đạt, Thang Văn Trọng đến dự rồi ai về nhà nấy.

Hôm sau Nhạc Phi vào trường học, Châu Đồng cho bốn trò kết nghĩa anh em, ai nấy đều tỏ cho cha mẹ mình hay, các ông bà ấy thảy đều mừng rỡ.

Từ đó Châu Đồng đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, chàng sẵn có khiếu thông minh hơn người nên tiếp thu rất chu đáo.

Ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang thấm thoắt, hạ hết thu sang, Nhạc Phi đã lên mười ba tuổi, mấy anh em cũng đều ở lại thư phòng, sớm tối chăm lo học tập, chẳng bao lâu ai nấy đều võ nghệ tinh thông, văn chương uyên bác.

Một hôm vào tiết tháng ba, khí trời mát mẻ, Châu

Đồng gọi Nhạc Phi vào, bảo:

- Hôm nay thầy bận đi thăm một người bạn là ông Chí Minh trưởng lão ở tại Lịch Tuyền, con hãy ở nhà cùng với mấy anh em đừng xao lãng học tập nhé!

Nhạc Phi thưa:

- Đường đi từ đây đến Lịch Tuyền xa xôi lại vắng vẻ, gia gia đi một mình e bất tiện, chi bằng cho chúng con đi với và để thăm tiên sinh luôn thể.

Châu Đồng gật đầu vui lòng, rồi năm thầy trò sắm sửa hành trang lên đường thẳng đến Lịch Tuyền.

Đường đi phải băng qua nhiều khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm, chim kêu vượn hú trên cành, càng tăng thêm cảnh vắng vẻ của rừng sâu.

Khi đi qua một hòn núi nhỏ, Châu Đồng trông thấy nơi ấy địa thế rất đẹp, bên đứng lại ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi:

- Chẳng biết chỗ này là đất của ai?

Vương Quới thưa:

Nơi đây là đất của phụ thân con, nếu thầy xem phong cảnh này có hợp ý thì sau này thầy có quy tiên, chúng con sẽ đem thầy đến đây làm nơi an giấc.

Nhạc Phi lườm Vương Quới một cái và nói:

- Gia gia tôi đang sống thế này mà sao anh dám loạn ngôn như vậy?

Châu Đồng khoả tay:

- Không hề chi, người đời ai mà khỏi chết? Nếu sau này thầy có mãn phần rồi, các con đem xác thầy đến chỗ này chôn cất thì thầy mãn nguyện vô cùng.

Đi chẳng bao lâu nữa, gia trang của trưởng lão Chí Minh đã hiện ra trước mặt, tuy không đồ sộ nguy nga lắm song cũng rộng rãi mát mẻ, nấp dưới lùm cây cổ thụ hoa quả tốt tươi trông ngoạn mục lắm.

Châu Đồng gõ cửa, một tiểu đồng từ bên trong chạy ra vái chào, Châu Đồng bảo:

- Phiền cháu vào thưa lại với tiên sinh Chí Minh rằng có người ở Hiệp Tây tên là Châu Đồng đến thăm.

Tiểu đồng cúi đầu vâng dạ rồi chạy thẳng vào trong, chỉ trong chốc lát đã thấy trưởng lão Chí Minh chống gậy bước ra tiếp đón niềm nở.

Mọi người vào nhà, trưởng lão mời ngồi đãi trà nước, có hai học trò đứng hầu hai bên.

Trong lúc đàm đạo văn chương, trưởng lão Chí Minh liếc thấy Nhạc Phi tướng mạo khôi ngô, cốt cách phi phàm, ông ta tấm tắc khen thầm rồi ông gọi tiểu đồng đem thức ăn lên thết đãi.

Đêm hôm ấy, thầy trò Châu Đồng nghỉ lại ở gia trang, rạng ngày sau mới từ tạ ra về. Trưởng Lão nằng nặc mời ở lại dùng cơm rồi mới cho đi. Khi tiểu đồng bưng trà lên, Châu Đồng vui miệng hỏi:

- Tôi có nghe người ta đồn rằng ở đây có suối Lịch Tuyền dùng nước suối ấy nấu trà uống ngon lắm phải không?

Trưởng lão đáp:

- Đúng đấy, nước trong suối Lịch Tuyền mà dùng nấu nước trà uống thì ngon tuyệt, nước ấy nếu đem rửa mặt thì mắt mờ sẽ sáng ngay. Lâu nay hễ có khách, tôi vẫn dùng nước ấy nấu nước trà đãi, ngờ đâu gần đây có một con quái không biết từ đâu đến, thường ngày nó hay phun một thứ khói độc làm hôn mê, nên không ai dám bén mảng đến đó nữa.

Châu Đồng chất lưỡi than:

Thế thì tại tôi vô duyên nên đến đây gặp trở ngại

không được dùng nước Lịch Tuyền.

Nhạc Phi nghe nói nghĩ thầm:

"Quả nước Lịch Tuyền quí giá như vậy thì dù con quái vật ấy có lợi hại đến đâu ta cũng quyết đến đó lấy nước cho kỳ được. Hay là tiên sinh Chí Minh tìm cách nói đùa chăng? Nhất định phen này ta phải đến đó lấy nước đem về để gia gia ta rửa mặt mới được.

Nghĩ đoạn, Nhạc Phi hỏi tiểu đồng thăm dò đường đi đến suối Lịch Tuyền, rồi bưng chén trà lớn đi thẳng ra phía sau am.

Đi quanh co hồi lâu, chàng trông thấy tại cửa núi có một vòi nước phun ra nước trong vắt, phía trên có một tảng đá lớn bên trên có khắc một hàng chữ:

- "Lịch Tuyền kỳ phẩm".

Đây chính là bút tích của ông Tô Đông Pha viết, bên trong vòi nước ấy có một động đá, trong động ló ra một chiếc đầu rắn khổng lồ, đôi mắt rắn sáng chói như hai chiếc đèn pha, miệng rắn há hốc ra để lộ mấy hàm răng gớm ghiếc, nước bọt từ trong miệng rắn nhỏ xuống từng giọt một màu trắng đục.

Nhạc Phi lẩm bẩm:

- Con quái xà này từ đâu đến đây phá rối, để ta giết quách cho thiên hạ nhờ.

Nói đoạn, chàng để chén xuống, nhặt một viên đá lớn nhắm ngay đầu rắn ném một cái thật mạnh. Viên đá trúng ngay chính giữa đỉnh đầu rắn, nhưng không thấy con rắn nao núng gì cả, nó liền phun ra một chất khói lam, đồng thời há miệng thè chiếc lưỡi đỏ loét, quăng mình tới mổ Nhạc Phi, nhưng chàng đã lanh lẹ tránh khỏi, với tay nắm lấy đuôi rắn chàng toan vụt một cái, nhưng lạ thay, Nhạc Phi xem kỹ lại thì trong tay cái đuôi rắn biến đâu mất mà chỉ có một cây thương láng bóng, trên cán có chạm một hàng chữ "Lịch Tuyền Thần Mâu".

Nhạc Phi mừng rỡ khôn xiết, chàng xách chén cầm thương chạy thẳng về am. Kể lại mọi chuyện cho Châu Đồng nghe, ai nấy đều mừng rỡ. Trưởng Lão Chí Minh nói:

- Cây thương "Lịch Tuyền thần mâu" này là vật báu của thần linh nay đã về tay lệnh lang ắt sau này sẽ được đăng đài bái tướng đấy chứ chẳng chơi đâu.

Ngừng giây lát, trưởng lão nói:

- Sẵn đây tôi có cuốn sách binh thư bí truyền trong đó có truyền đầy đủ thương pháp và cách bày binh bố trận nữa, nhưng sách này chỉ người nào có binh khí thần linh mới có thể dùng được, nay lệnh lang đã có duyên như vậy tôi xin trao sách ấy cho, hãy xem trong ấy cố mà luyện tập, bây giờ tôi phải trở về ở tại Ngũ Đài sơn, chắc có lẽ khó mà gặp mặt nhau được. Chí Minh trưởng lão nói, hai mươi năm về sau, học trò tôi là Đạo Duyệt sẽ đến tại Kim Sơn để gặp lệnh lang, mong lang hãy nhớ lời tôi dặn và xin cáo biệt ngay đây.

Châu Đồng nói:

- Nói vậy thì tôi làm lỗi với tiên sinh rồi.

Trưởng lão nói:

- Không phải, đó là do nơi tiền định có tội gì đến ngài đâu?

Nói đoạn Chí Minh trưởng lão vào phòng lấy cuốn binh thư giao cho Châu Đồng, rồi Châu Đồng giao cho Nhạc Phi cất giữ. Thầy trò từ biệt xuống núi về nhà.

Sáng hôm sau, Châu Đồng hỏi Thang Hoài:

- Ngươi muốn học môn gì?

Thang Hoài đáp:

- Con thấy Nhạc huynh múa thương tốt lắm, nên con cũng muốn học thương.

Thế là Châu Đồng dạy thương pháp cho Thang Hoài. Còn Trương Hiển lại bảo:

- Thương thì tốt lắm, nhưng con lại muốn sử dụng thứ vũ khí gì đã đâm lại móc lại được nữa cơ.

- Vũ khí ấy chính là câu liêm thương đây, để ta vẽ kiểu cho con đến thợ rèn đặt làm một cái đem về ta dạy cho.

Vương Quới lại bảo:

- Thưa thày, con chỉ muốn sử dụng cây đại đao thôi vì đại đao chém chết được nhiều mạng hơn.

Châu Đồng biết Vương Quới là kẻ dũng phu nên cười thầm và nói:

- Được nếu con thích đại đao thì thầy sẽ dạy cho.

Từ đó về sau hễ hai ngày học văn thì một ngày luyện võ. ông Châu Đồng trước kia là người làm đến chức Đầu mục, cai quản tám mươi ngàn cấm quân tại Đông Kinh nên võ nghệ cao cường, ông đã từng dạy người học trò xuất chúng tên là Lưu Tuấn Nghĩa, nay lại có Nhạc Phi tuổi còn nhỏ mà có sức mạnh phi thường, ông ta vô cùng hoan hỉ, đem hết mười tám môn võ nghệ truyền đạt cho Nhạc Phi, nếu so sánh với hai người học trò trước kia, Nhạc Phi còn hơn gấp bội.

Một hôm Vương Viên ngoại cùng Châu Tiên sinh đi dạo chơi giải buồn, bỗng có lý trưởng sở tại đến ra mắt và thưa:

- Huyện đường ta sắp có cuộc khảo thi võ nghệ, tôi cũng muốn hiển vinh cho làng xóm nên đã đem tên bốn vị tiểu tướng công đến đăng vào xin ứng thí, vậy nay bổn chức xin tin cho chư vị biết để sắm sửa vào ngày rằm tháng này tựu trường.

Vương Minh cau mày nhìn lý trưởng bảo:

- Ông muốn đem con cháu chúng tôi ra ứng thí, ít ra cũng phải cho chúng tôi biết trước đã chớ, phỏng như chúng nó chưa đủ tư cách ra thí võ với người thì sao?

Châu Đồng xen vào nói:

- Chẳng hề chi đâu, tôi xét ra ông lý đây làm như vậy là tốt bụng và thịnh tình, tuy đồ đệ tôi còn nhỏ tuổi, nhưng trò nào cũng đủ tư cách ra tỷ thí với người cả rồi.

Châu Đồng lại căn dặn ba ông Viên ngoại về sắm sửa cho con mình đi thi võ. Hôm sau về trường, lại gọi các trò đến bảo:

- Các con hãy chuẩn bị áo quần tử tế và mang theo vũ khí sở trường đúng ngày rằm tháng này, đến trường thi võ đấy nhé!

Vương Quới, Thang Hoài, Trương Hiển vâng lời vội trở về nhà ngay, Châu Đồng lại bảo Nhạc Phi về thưa ' với thân mẫu sắm sửa đồ đạc lên đường.

Nhạc Phi thưa:

- Chắc khoa này con không đi được, xin hẹn lại khoa khác.

Châu Đồng ngạc nhiên:

- Tại sao vậy?

- Thưa gia gia, riêng phận con nghèo nàn rách rưới lấy chi sắm được ngựa và áo quần để đi với người ta? Vì vậy con xin chờ khoá sau thì hơn.

Châu Đồng suy nghĩ giây lâu, gọi Nhạc Phi bảo:

- Thôi con hãy vào phòng lấy chiếc áo Tố Bạch của ta đem về thưa cùng lệnh đường sửa chữa lại cho vừa mà mặc. Con nhớ lấy cả dây Hồng Lan nữa nhé. Còn ngựa thì không lo gì, con cứ việc lấy con ngựa của ta mà dùng.

Nhạc Phi bước vào phòng lãnh áo rồi bước ra lạy tạ trở về nhà thưa lại với mẹ. Bà An Nhân vui mừng khôn xiết.

Hôm sau, Châu Đồng đang ngồi xem sách bỗng nghe phía trước có tiếng động, vội nhìn ra thì thấy Thang Hoài đến. Anh ta xúng xính trong bộ quần áo mới cưỡi con ngựa ô, lưng đeo cung tiễn trông oai vệ lắm. Chàng lạy thầy một lạy và thưa:

- Xin thầy xem con ăn mặc thế này đi ứng thí với người ta có được không?

Châu Đồng gật đầu khen ngợi, rồi Vương Quới và Trương Hiển cũng lần lượt đến làm lễ thầy, người nào cũng nai nịt chỉnh tề, lưng đeo cung tiễn trông ra dáng con nhà võ lắm.

Châu Đồng bảo:

- Ba trò hãy về thưa lại với phụ thân, đến ngày ấy cứ việc tự nhiên đến trường thi, đừng đợi ta làm gì, miễn khi đến tỉnh thành, chúng tạ gặp mặt nhau là đủ rồi.

Ba trò vừa bái tạ ra về thì Nhạc Phi đến, ông Châu Đồng vỗ vai chàng bảo:

- Ngày mai ta sẽ sang dùng cơm bên nhà con rồi cùng đi luôn.

Nhạc Phi lấy làm ái ngại:

- Nhà con nghèo nàn biết lấy chi đãi gia gia cho xứng đáng!

- Con chớ nên ngại việc ấy, chúng ta đã kết tình phụ tử thì có gì dùng nấy mới thân mật chứ.

Nhạc Phi về thưa lại với mẹ, rồi sáng hôm sau, khi cơm nước xong xuôi, Châu Đồng cùng Nhạc Phi dắt nhau xuống tỉnh thành. Nơi đây thiên hạ đông đảo, nhan nhản những phòng trà quán rượu có đủ hạng người, náo nhiệt và vui vẻ vô chừng. Cha con Nhạc Phi ghé vào tiệm uống trà nghỉ mát, còn ba ông Viên ngoại là người giàu có, nên vào ngay tửu lầu gọi những thức ăn cao lương mỹ vị thết đãi bạn bè đồng thời cho người đi tìm Châu Đồng và Nhạc Phi.