Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Hồi thứ sáu mươi chín

Chủ tiệm nói:

- Lôi đài đặt trước cửa chùa Chiêu Khánh còn người giữ lôi đài là Trương Quốc Càn, tính tình ngang ngược lại là quý tử của quan Hậu quân Đô đốc Trương Tuấn. Trương Đô đốc đã đón rước hai vị võ sĩ về dạy cho con trai một người tên Thích Quan Tổ, một người tên Thích Kế Tổ, hai anh em tên võ sĩ này đều là con của Thích Phương làm quan Đô Thống cho Nhạc Nguyên soái khi trước, nên võ nghệ cao cường.

Nay Trương Quốc Càn học võ đã thành thuộc rồi mới lập cái "đả lôi đài'' này quyết đánh thắng hết thiên hạ anh hùng. Đã hơn hai mươi ngày rồi mà không ai đánh lại chẳng biết hôm nay có võ sĩ nào dám lên đài tỉ thí không? Nếu có, thì quả là dịp may hiếm có. Cuộc vui như vậy thì còn gì thích thú cho bằng?

Còn đang chuyện vãn bỗng thấy tên tiểu nhị chạy vào báo với chủ tiệm:

- Có khách đến nghỉ, xin hãy ra tiếp đón cho mau.

Chủ tiệm nghe báo vội vã chạy ra ngoài. Chỉ mấy phút sau dắt ba người khách lạ vào, còn tên tiểu nhị xách đồ hành lý đem đến bên phòng kế cận.

Nghe thấy ba người khách hỏi chủ tiệm:

- Ngươi có biết "đả lôi đài'' lập ở đâu không?

Chủ tiệm đáp:

- Tại trước chùa Chiêu Khánh, chư vị quan khách muốn đi xem phải không?

Một người trong bọn trừng mắt, đáp:

. Ngươi xem chúng ta đường đường thế này lại đi xem sao? Ta cho ngươi biết rằng, ta sẽ tỷ thí với chúng đấy.

Chủ tiệm mơn trớn:

- Dạ dạ, thế mới phải chứ, nếu quan khách đánh thắng chúng nó thì chắc được làm quan to đấy.

Một người cao lớn trong bọn lại cười gằn:

- Ai thèm làm quan, chẳng qua chúng ta muốn sửa trị chúng một phen cho bõ ghét chơi thôi.

Chủ tiệm nghe nói cười xòa rồi bỏ ra ngoài. Dư Lôi nghe vậy nói nhỏ với mấy anh em.

- Ba người này tôi xem tướng mạo oai phong lại muốn đi đả lôi đài, chắc thế nào võ nghệ cũng cao cường, vậy thì trong chúng mình, người nào hãy qua đó hỏi thăm cho biết.

Nhạc Đình nói:

- Để tiểu đệ sang hỏi cho.

Nói rồi, bước sang phòng kế cận cúi đầu chào ba người và hỏi:

- Chẳng hay mấy huynh trưởng quê quán tại xứ nào?

Ba người chào đáp lễ, mời Nhạc Đình ngồi, một người trong bọn ôn tồn đáp:

- Chúng tôi đều là người Hồ Quảng, Đàn Châu, tôi tên Ngũ Liên người này tên Hà Phụng, còn người này là Trịnh Thế Bửu đều là bạn thân thiết với nhau.

Nhạc Đình lại hỏi:

- Huynh trưởng ở Đàn Châu có bà con gì với một người tên Ngũ Thượng Chí không?

Ngũ Liên mỉm cười, đáp:

- Tôi đây là con của Ngũ Thượng Chí, nhưng tại sao anh biết?

Nhạc Đình vỗ vai Ngữ Liên nói:

- Nếu vậy thì huynh là anh em cô cậu với tiểu đệ rồi?

Ngũ Liên ngạc nhiên hỏi vội:

- Thế anh là ai?

Nhạc Đình liền nói rõ tên họ của mình, hai người vùng khóc lên. Ngũ Liên lại nói:

- Từ ngày cậu với Nhạc Vân bị gian thần hãm hại, cha anh ở Châu Tiên trấn về, lòng quá thương nhớ cậu, nên rầu rĩ chẳng thèm ăn uống nên mang bệnh rồi qua đời Nay anh vâng lời mẹ xuống đây để tế phần mộ cậu, còn Hà huynh đây cũng là con của Hà Nguyên Khánh thúc phụ chứ không phải người xa lạ. Nay đến đây lại nghe con của đứa gian thần lập tòa lôi đài muốn tỉ thí võ với thiên hạ anh hùng nên anh muốn nhân cơ hội này đến báo thù cho cậu, còn hiền đệ đến đây để làm gì vậy?

Nhạc Đình đem việc vâng lệnh mẹ mình qua Ninh Hạ tìm anh mà không gặp nên trở qua đó viếng mộ cha khi đi đàng lại gặp mấy anh em đầu đuôi kể hết một hồi.

Ngũ Liên nói:

- Thế thì chúng ta đều là người nhà cả, sao hiền đệ không mời hết qua đây cho biết mặt?

Nhạc Đình trở về phòng mời hết bọn La Hồng, Kiết Thành Lương, Vương Anh và Dư Lôi bốn người ra mắt bọn Ngũ Liên tỏ bày tâm sự với nhau và bàn về chuyện đả lôi đài.

Lúc ấy chủ tiệm đã bưng cơm lên, tám vị hảo hán ăn uống chuyên vãn với nhau qua đến canh khuya mới đi nghỉ.

Sáng ra, sau khi ăn lót dạ, tám người dắt nhau đi xem xét tình hình đến trưa mới trở về tiệm. Nhạc Đình lấy ra hai đĩnh bạc trao cho chủ tiệm và căn dặn:

- Ông hãy làm ơn mua hộ đồ tam sinh phúc lễ cho tôi và phải mua bốn cái giỏ lớn đựng cho sẵn sàng để ngày mai anh em tôi có chuyện dùng.

Chủ tiệm nhận tiền đi mua sắm ngay trong đêm ấy. Sáng hôm sau tám anh em kẻ quảy đồ hành lý, người gánh đồ phúc vật dắt nhau ra đi.

Đến ngã ba, mấy anh em phân công cho La Hồng, Kiết Thành Lương và Vương Anh dắt bốn tên gia tướng khiêng đồ tế lễ ra Thê Hà Lãnh đặt bàn hương án chờ đợi; còn Nhạc Đình với bọn Ngũ Liên, Dư Lôi, Hà Phụng và Trịnh Thế Bửu năm người đi dự "Đả lôi đài"; hẹn đánh xong sẽ đến cùng nhau tế điện.

Khi đi đến trước chùa Chiêu Khánh thấy thiên hạ chen chúc đông vô số, trước cửa chùa xây một tòa lôi đài cao ngất hai bên có hai dãy trướng phòng đều là của gia tướng họ Trương.

Mấy anh em đứng coi giây lâu bỗng thấy Trương Quốc Càn đi trước. Thích Quan Tổ và Thích Kế Tổ, hai vị võ sư theo sau. Chúng dắt nhau đi thẳng lên đài.

Trương Quốc Càn biểu diễn quyền thuật một hồi rồi đứng hiên ngang giữa đài. Thích Quan Tổ bước ra ngó dưới đài, trịnh trọng nói:

- Bàn dân thiên hạ dưới đài hãy dỏng tai ra nghe ta nói đây: Trương công tử lập cái đài này với mục đích muốn làm quen với thiên hạ anh hùng. Nhưng đã mười ngày rày không gặp đối thủ, chỉ còn ba ngày nữa đã mãn kỳ. Trong số các người nếu có ai cảm thấy mình đủ sức hãy lên đài tỷ thí. Nếu thắng được công tử thì Trương đại lão gia sẽ bảo tấu phong quan chức cho, chớ nên sợ sệt.

Nói vừa dứt lời, bỗng thấy trong đám đông có một người trạc độ ba mươi, mặt vuông, đầu heo bước tới lớn tiếng nói:

- Có ta đây.

Vừa nói vừa nhảy thót lên đài. Trương Quốc Càn đứng dậy nhìn thẳng vào mặt người ấy, hỏi:

- Người ở xứ nào hãy nói tên họ ra rồi sẽ đánh.

Người ấy đáp:

- Ta là tay hảo hán tại Sơn Đông, người đời thường gọi ta là Thiên Sơn Hổ tên ta là Triệu Võ Thần, hãy cùng ta tỷ thí vài ngón võ xem nào.

Nói chưa dứt lời người ấy đã vung tay đánh bổ vào mặt. Trương Quốc Càn né khỏi và đánh trả lại ngay.

Hai bên đấu được bốn năm chiêu thế, Trương Quốc Càn lộn sang một bên đá một cước trúng Triệu Võ Thần văng xuống đài, ai nấy đều cười rộ lên làm cho Triệu Võ Thần hổ thẹn đứng dậy chạy mất.

Thích Kế Tổ ngửa mặt lên trời cười ngất một hồi rồi ngó xuống đài nói:

- Còn ai dám cả gan lên nữa không?

Hỏi luôn mấy lần vẫn không thấy ai lên tiếng. Ngũ Liên vừa muốn lên tiếng, Nhạc Đình vội nắm tay giật lại, nói:

- Hãy khoan đã Ngũ huynh. Để cho tiểu đệ lên trước, nếu thua hắn, đại huynh sẽ lên sau.

Nói rồi liền xô dạt người ra, lướt tới trước nhảy phóc lên đài, Trương Quốc Càn trông thấy Nhạc Đình tướng mảnh khảnh trông chẳng có dáng là một võ sĩ, hắn bước tới nhìn với vẻ mặt khinh thường hỏi:

- Thằng bé kia, mi tên họ chi?

Nhạc Đình đáp:

- Hãy tỷ võ rồi sau sẽ xưng danh.

Trương Quốc Càn gật đầu rồi hạ bộ xuống dùng thế "Đơn tiên lập mã thủ thân', dáng điệu ra vẻ dọa dẫm Nhạc Đình, Nhạc Đình liền dùng ngón "Xuất mã nhất chi thương ' nhảy vào lẹ như mũi tên bay, Trương Quốc Càn tràn sang một bên tránh né, rồi dùng ngón "Kim can đại đạt bộ" đánh tạt ngang quyết làm cho Nhạc Đình mất thăng bằng, nhưng Nhạc Đình lại nhảy vọt lên cao dùng ngón "Đồng tử bái Quan âm" đánh bổ xuống. Hai bên đánh với nhau hơn mười mấy chiêu thế. Trương Quốc Càn thấy không hạ nổi đối phương, nổi giận dùng ngón "Hắc hổ du tâm'' nhắm ngay hông Nhạc Đình đánh vào quyết hạ thủ cho kỳ được.

Nhạc Đình vẫn bình tĩnh, chờ cho đối phương tiến sát liền rún xuống lòn qua sau lưng Trương Quốc Càn nắm chân đối thủ giơ bổng lên ném mạnh xuống đài. Số người đứng xem vỗ tay như sấm ran. Còn Trương Quốc Càn bị vứt xuống đài tối tăm mặt mày rồi dậy không nổi. Ngũ Liên thấy vậy nhảy tới đạp Quốc Càn một đạp hộc máu chết luôn.

Lúc ấy anh em Thích Quan Tổ vừa muốn nhảy ra bắt Nhạc Đình thì Nhạc Đình đã nhảy xuống đài rồi. Còn Dư Lôi thì rút song chùy ra đánh phá lôi đài sập hết.

Hai bên trướng phòng, bọn gia tướng vội cầm binh khí xông ra quyết giết Nhạc Đình, Trịnh Thế Bửu liền trao cây đao cho Nhạc Đình, rồi năm vị anh hùng ra tay giết hết bọn gia tướng.

Thích Quan Tổ nổi giận vung đao tới chém, bị Dư Lôi giáng cho một chùy trúng cán đao, hổ khẩu rách toác, máu tuôn lai láng. Thích Kế Tổ nhảy tới đâm bừa một thương lại bị Hà Phụng vung roi đánh hất cây thương ra rồi đánh bồi một roi. Kế Tổ né không khỏi bị sứt văng mất một tai.

Hai anh em khiếp đảm, liệu thế không xong, trở về lại sợ Trương Tuấn bắt tội, nên dắt nhau chạy lẩn vào đám đông trốn mất.

Năm chàng hảo hán đánh phá ác liệt giết chết không biết bao nhiêu gia tướng của Trương Tuấn. Lôi đài bị nát tan. Một số chạy thoát về báo tin cho Trương Tuấn hay. Những kẻ đi xem thất kinh giải tán hết, mấy anh em cũng tìm đường chạy thẳng đến Thê Hà Lãnh.

ở đây bọn La Hồng đã đặt bàn hương án và trưng bày lễ vật.sẵn sàng, cùng nhau tế điện khóc lóc một hồi rồi đốt giấy, sau đó dọn ra ăn uống với nhau.

Ăn xong Nhạc Đình sai bốn tên gia tướng trở về Ninh Hạ để hồi phúc cho Tông Lưu Thú hay, còn tám anh em trở ra sau núi tìm đường tuốt qua Vân Nam.

Khi Trương Tuấn biết tin Trương Quốc Càn bị người ta đánh chết rồi, còn anh em họ Thích thì trốn đi mất tích, trong lòng cả giận liền sai vị Đô Thống điểm binh mã ra thành lùng bắt hung thủ, nhưng chúng tìm mãi không ra tung tích nên phải trở về chờ lệnh. Trương Tuấn không biết làm sao, phải phát văn thư truy nã tìm bắt cho được hai anh em họ Thích, một mặt tẩm liệm thây xác Trương Quốc Càn chôn cất, một mặt tâu với triều đình ra lệnh lùng bắt cho được hung thủ.

Bây giờ xin nhắc qua việc Vương Năng, Lý Trực, từ ngày cha con Nhạc Nguyên soái về thần rồi, hai người đều để tang và ăn chay, lại bàn với nhau:

- Nay trong triều, Tần Cối quá lộng quyền, hết thảy các quan trong triều lại sợ hắn thì biết đến chỗ nào minh oan cho Nguyên soái được? Chỉ có quỉ thần vô tư chánh trực họa may mới có thể hiểu thấu nỗi oan ức của Nguyên soái và báo ứng trừ khử được bọn gian thần này thôi.

Bàn luận rồi hai người rủ nhau đến các miếu chùa thành tâm đốt hương vái lạy để kêu oan cho người trung nghĩa. Nhưng than ôi? Hai người đã thành tâm khấn vái suốt ba năm trời mà không thấy báo ứng. gì cả. Người ngay vẫn mắc nạn, kẻ gian vẫn ngang nhiên lộng hành theo lòng ác độc của chúng và hưởng quyền cao chức trọng tột đỉnh cao sang?.

Hai người giận quá không còn tin tưởng thần thánh nữa, nên hễ thấy chùa là thẳng tay đập phá, thấy tượng thần thì mắng nhiếc.

Hôm ấy nhằm ngày rằm tháng tám là ngày nước rông, Vương Năng nói với Lý Trực:

- Đời này là đời hỗn loạn nên gian thần hưởng phúc, trung thần chịu tai ương, kêu trời không thấu, cầu thần chẳng linh. Anh em ta buồn đã nhiều, vậy hãy dắt nhau đi xuống mé sông xem nước rông chơi đỡ buồn.

Lý Trực đồng ý, hai người dắt nhau đi xuống mé sông, chẳng dè hôm ấy nước lại chẳng rông hai người càng buồn hơn nữa, liền dắt nhau đi dọc theo mé sông dạo chơi. Đi đến một tòa thần miếu, thấy phía dưới có treo tấm biển đề ba chữ lớn:

"Triều Thần miếu''.

Lý Trực đưa tay chỉ vào miếu nói với Vương Năng:

- Đời bây giờ quỉ thần có còn linh hiển gì nữa đâu, lại để miếu chùa làm gì cho thiên hạ mất công cúng tế? Thôi anh em ta vào phá cho xong, kẻo để đó chướng tai gai mắt lắm?

Vương Năng khen phải, hai người hầm hầm giận dữ bước vào miếu. Nhìn lên bài vị, mới thấy đây là miếu thờ "Ngũ Tử Tư lão gia".

Vương Năng chỉ tượng thần trách mắng:

- Như thần nào chẳng nói làm chi, chớ như thần này đã bị đứa gian thần Bá Hy hãm hại chết oan, về sau Bá Hy qua sông, người đã hiển linh báo thù cho, đến nay đây, Nhạc gia là người trung nghĩa, vì nước vì dân, lại bị gian thần hãm hại. Ngươi đã làm thần sao chẳng cảm xúc tí nào cả? Không lẽ việc của Nhạc gia như vậy không thể báo thù được sao?

Vương Năng vừa nói đến đây thì Lý Trực nói giận xen vào mắng lớn:

- Những thần như vậy thì còn để làm gì, đập nát đi là đáng lắm?

Nói rồi, hai người ra tay đập nát thần tượng Ngũ Tử Tư và những tượng đứng hầu hai bên cũng đều bị phá tan.

Đập phá đã tay, hai người dắt nhau ra đi. Qua khỏi con đường hẻm, rẽ sang đường lớn đến một tửu lầu mười phần sạch sẽ, hai người đang đói bụng, liền ghé vào.

Tên tiểu thị bước ra hỏi:

- Chẳng hay nhị vị quan khách muốn dùng bữa ngay hay còn đợi ai nữa.

Vương Năng lắc đầu nói:

- Anh em ta đi xem nước rông về đây đói bụng lắm rồi, có món chi hãy dọn ra đây cho chúng ta ăn chứ còn đợi ai đâu?

Tiểu nhị dạ ran rồi chạy đi trong chốc lát đã bưng lên một một mâm rượu thịt đầy. Hai người vừa ăn uống, vừa ca ngâm rồi lại cùng nhau khóc rống lên, náo động cả tửu lầu hồi lâu hai người cười lên như nắc nẻ.

Thái độ ấy cứ tiếp diễn mãi, nghĩa là hết khóc lại cười hết cười lại khóc, cho đến tối vẫn không thôi.

Tên tiểu nhị bực mình quá lẩm bẩm:

- Hôm nay xui xẻo gặp hai thằng điên này nó làm khó chịu quá, đến giờ này mà không chịu đi cho rồi còn ở đó khóc khóc, cười cười mãi.

Rồi bực quá hắn đánh bạo vào hỏi:

- Nhị vị ở trong thành hay người ngoại thành mà bây giờ không lo đi về?

Hai người nghe hỏi mới sực nhớ là nhà mình ở trong thành nếu về khuya cửa thành sẽ đóng chặt không qua được, liền đứng dậy dắt nhau xuống lầu lấy bạc trao cho chủ tiệm, nói:

- Hãy nhận nốt đi, còn thừa bao nhiêu bữa khác sẽ tính.

Khi hai người đi đến cửa Hẫu Triều thấy cửa thành đã đóng chặt. Vương Năng nói với Lý Trực:

- Cửa Thành đóng rồi ta không thể về nhà được, chi bằng dắt nhau đến Thê Hà Lãnh, nằm tại mộ Nhạc Nguyên soái ngủ một đêm rồi mai sẽ về.

Lý Trực khen phải rồi hai người đi đến mộ Nhạc Phi nằm bên bờ cỏ ngủ khì.

Nói về vị thần linh Ngũ Tử Tư, hôm ấy mắc đi dự yến bên Nam Hải Long Cung, khi trở về trông thấy kẻ tả hữu mình ai nấy đều mạc áo rách, đội mũ hư, nhìn các pho tượng thì bị nát tan.

Ngũ Tử Tư hỏi:

- Ai dám cả gan đến đây đập nát tượng thần của ta vậy?

Bọn quỉ phán đồng thanh bẩm:

- Cũng vì cha con họ Nhạc bị gian thần hãm hại, hai gã Vương Năng và Lý Trực đi cầu thần chẳng thấy linh nên trong lòng uất hận, vừa rồi chúng đến đây khóc lóc một hồi rồi mắng chửi, đoạn ra tay đập nát hết các pho tượng!

Ngũ lão gia nói:

- Hai tên cuồng si này không thông hiểu chút gì về việc nhân quả cả nên mới dám hủy mạ thần linh, nếu chẳng cho chúng thấy lẽ báo ứng thì những kẻ ngu trong đời đều oán trách cho rằng trời chẳng công. Thôi, bọn quỉ phán, bay hãy giữ gìn miếu võ, để ta đi giây lát ta sẽ trở về.

Nói rồì đằng vân đi thẳng về trời.

Vừa đến cửa Nam Thiên, nhằm bữa Ôn Nguyên soái giữ cửa, thấy Ngũ gia đến, vội hỏi:

- Ngữ Vương về đây có việc chi chăng?

Ngũ Vương đem hết đau đuôi các việc thuật lại một hồi, Ôn Nguyên soái nghe nói nổi giận mắng:

- Tần Cối quả là đứa bất lương dối vua hại nước, sát hại trung lương, lại làm cho con cháu Nhạc phi bị nhiều hiểm độc, tội ấy khó dung, nếu nay Ngũ Vương tâu cho Thượng đế hay tất nhiên người sẽ thưởng phạt công minh, vậy ngài hãy vào tâu gấp lên.

Ngũ Tử Tư qua cửa Nam Thiên rồi thẳng đến Linh Tiêu Biểu Điện, quỳ trước ngọc giai đem hết những lời Vương Năng, Lý Trực thuật lại một hồi. Ngọc Hoàng Thượng Đế sai Thái Bạch Kim Tinh đi tra xét việc ấy.

Kim Tinh vâng lệnh đi tra xét hồi lâu, trở về tâu:

- Thần đã điều tra rõ ràng nên biết rõ hiện nay dưới Trung nguyên vua Huy Tông hoàng đế vốn là Xích Khước Đại Tiên hạ giáng, chỉ vì ngày Nguyên đán tế trời viết biểu văn lẫn lộn nên Xích Tu Long phải hạ giới nhiễu loạn giang sơn nhà Tống. Còn Nhạc Phi vốn là Đại Bàng Điểu ở tại Tây Thiên, nhân lúc phật Như Lai đang giảng chân kinh, chư vị Tinh Quang lắng tai nghe giảng bỗng có một con nữ Thổ Bức làm nhơ uế Liên Đài nên Đại Bàng nổi giận mổ hắn chết đi, oan hồn nó thác đầu thai xuống dương gian làm vợ Tần Cối.

Phật như Lai thấy Đại Bàng phạm nhằm sát giới nên sai xuống phàm trần. Khi bay ngang qua Cửu Khúc Hoàng Hà lại mổ con Cù Long nên Cù Long tức giận dâng nước lụt làm hại cả huyện Thang âm, phạm Thiên Điều nên bị trảm, oan hồn của hắn đầu thai làm Tần Cối. Vì vậy mới có cái oan oan tương báo như ngày nay.

Nghe tâu xong, Ngọc Đế phán:

- Tuy Cù Long báo oán, song hắn đã dâng nước sát hại sinh linh cả huyện Thang Âm, phạm Thiên điều, sao còn muốn hại người trung lương nữa? Tội ấy thật khó dung. Vậy các trung hồn phải xuống phá khuấy lũ nịnh ấy một phen, chờ cho chúng chịu tội rồi, sẽ bắt hồn chúng xuống địa ngục chịu tội.

Còn Nhạc Phi vì dân, vì nước trọn đời trung hiếu đáng hưởng huyết thục của nhân gian, chờ cho quả báo xong xuôi sẽ thưởng thêm thiên tước.

Ngũ Vương lãnh ngọc chỉ bước ra khỏi Thiên đình.

Đến cửa Thiên Nam, Ôn Nguyên soái đón lại hỏi:

- Chẳng hay ngọc chỉ thế nào?

Ngũ Vương đem hết các việc thuật lại cho ôn Nguyên soái nghe. Ôn Nguyên soái ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Ngài đã lãnh ngọc chỉ sai trung hồn xuống phá phách bọn gian thần, sao ngài không tâu xin một chỉ thị gì để làm bằng cứ cho chư thần không dám ngăn trở.

Ngũ Vương nghe nói mới sực nhớ, nói:

- Nếu Nguyên soái không nói thì tôi quên bẵng mất, thế thì tôi phải trở vào tâu lại mới được.

Ôn Nguyên soái nói:

- Thôi cũng đừng tâu đi tâu lại làm gì. Sẵn tôi có cái "Vô Cầu Thiên Hớn Bài" đây ngài hãy lấy cấp cho chúng hồn đem theo chỉ thì chư thần không dám ngăn trở. Nhưng nhớ khi xong việc trả lại cho tôi nhé!

Ngũ Vương tạ ơn rồi tiếp lấy "Vô Cầu Thiên Hớn Bài'' từ biệt Ôn Nguyên soái ra khỏi Nam Thiên môn bay thẳng xuống mộ Nhạc Phi.

Lúc ấy Vương Năng và Lý Trực đang ngủ tại đó, mơ màng ngó thấy Ngũ Tử Tư đến trước mộ Nhạc Phi kêu lớn:

- Nhạc Phi, hãy ra đây tiếp chỉ.

Nhạc Phi từ trong mộ bước ra quỳ xuống. Ngũ Vương mở chỉ ra, trịnh trọng đọc:

- "Phạt dữ, thưởng lành là lẽ công bằng, Thiên Tào không thể không thi hành. Dương làm âm trả là lẽ tất nhiên trong luật luân hồi. Nay căn cứ theo lời tấu của Ngũ Viên thì Tống Thừa tướng là Tần Cối tư thông với Kim Bang chuyên quyền, lừa dối chúa. Vợ là Vương thị lại thông dâm với Ngột Truật gian trá phụ nghịch. Hai tên tự thừa Vạn Sĩ Hóa và La Võ Tập a tòng gian tặc giết hại trung thần.

Nghĩ vì, Nhạc Phi chăm lo việc nước, toàn vẹn hiếu trung, cả nhà làm tròn bẩn đức thật đáng khen. Ngặt vì oán trước chưa trả xong, oán sau lại dấy lên, báo ứng cấp thời chưa tiện. Vậy nay cho Nhạc Phi tạm lãnh mệnh trời, điều khiển trung hồn đến nhà lũ gian, hiển linh làm chứng táng đởm kinh hồn, đợi đến khi mạng số chúng hết, sẽ bắt chúng xuống địa ngục giao cho Diêm Vương trị tội.

Còn hai chàng Vương Năng, Lý Trực đã phạm tội chế nhạo thần linh, đập phá thần tượng, song chỉ mang lòng trung nghĩa mà không thông việc quả báo nên đáng khen chớ không đáng phạt!

Nhạc Phi phải nhớ rõ lời và thi hành cho tròn sứ mệnh!

Sau khi cha con Nhạc Phi tạ ơn, Ngũ vương trao tấm "Vô Cầu Thiên Hớn Bài" rồi từ biệt bay mất.

Vương Năng và Lý Trực giựt mình tỉnh dậy, bàn luận với nhau:

- "Tuy lời thần nói vậy song chưa biết có kết quả nào không. Vậy chúng ta phải vào thành nghe ngóng xem có quả thật Nhạc Phi hiện hồn đến các nhà gian tặc không. Nếu quả hiển linh, anh em ta phải chọn ngày sửa miếu Ngũ Vương lại và đúc tượng thần, sơn son thiếp vàng cho xứng đáng."

Bàn bạc xong, hai người lặng lẽ dắt nhau vào thành nghe ngóng tin tức.

Nhắc qua tên gian thần Tần Cối, từ ngày hại được Nhạc Phi, lòng mừng khấp khởi, nhưng lại nghĩ:

- "Tuy trừ được Nhạc Phi rồi, nhưng trong nước còn bọn Nguyên soái như: Hàn Thế Trung, Trương Tín, Lưu Kỳ, Ngô Lân, Ngô Giới, bọn này cũng không kém phần quan trọng, chúng toàn là hạng trung lương nếu không trừ khử, ắt sinh hậu họa".

Nghĩ rồi, lên tại Vạn Huê lâu một mình ngồi viết bổn chương, định hại cho hết bọn trung thần.

Tần Cối quyết không từ một thủ đoạn tàn ác, dã man nào, nhưng tờ bổn chướng còn đang viết đã thấy trung hồn của Nhạc Phi và Trương Bảo hiện đến Vạn Huê lâu.

Hồn Nhạc Phi trông thấy Tần Cối đang viết bổn chương sát hại trung lương thì giận quá, vung chùy đánh vào lưng Tần Cối một quả té xấp xuống đất và mắng lớn:

- Loài gian tặc kia, tội ác của mi đã đầy rẫy sắp chết nay mai mà còn dám mưu hại trung lương nữa hay sao?

Tần Cối trông thấy Nhạc Phi, hồn bay phách tán, chắp tay lạy lia lịa và van lơn:

- Xin Nhạc gia dung mạng!

Nhạc Phi quay lại dặn Trương Bảo:

- Ngươi hãy ở đây phá nó, để ta sang nhà Vạn Sĩ Hoa, La Võ Tập và hiện hồn cho chúng biết tay.

Nói rồi Nhạc Phi bay sang nhà lũ gian thần ấy làm cho chúng kinh hồn táng đởm cầu khẩn van xin, đốt hương lậy như tế sao.

Nói về Vương thị (vợ Tần Cối) khi nghe chồng rên la trên lầu không biết việc chi, vội sai bọn a hoàn lên xem, chúng vừa lên khỏi thang gác thì bị hồn Trương Bảo đánh lăn xuống hết, đứa giập đầu, đứa gãy tay khóc la ầm ĩ. Chúng bảo rằng trên lầu có quỉ hiện nên Vương thị sai Hà Lập lên xem.

Hà Lập chạy lên, Trương Bảo tránh sang một bên để cho hắn tự do. Hà Lập trông thấy Thái sư té xỉu dưới đất mặt mày thất sắc, hôn mê bất tỉnh nhưng hai tay chấp lại vái lia lịa, miệng kêu Nhạc Phi xin dung mạng.

Hà Lập thất kinh quỳ xuống vái:

- Xin Nhạc gia dung thứ cho chủ tôi, rồi ngày mai tôi sẽ lên chùa tù trai sám hối sinh độ cho ngài.

Hà Lập vái dứt lời, Trương Bảo bay vụt đi mất. Tần Cối tỉnh dậy, Hà Lập cõng xuống lầu, Vương thị hỏi:

- Sao tướng công rên la dữ vậy?

Tần Cối vừa thở hồn hển vừa đáp:

- Ta ở trên lầu viết bổn chương bị Nhạc Phi hiện hồn đánh ta một chùy gần tắt thở.

Hà Lập nói:

- Khi tôi lên lầu thấy Thái sư té xỉu nằm dưới đất hôn mê bất tỉnh, tôi vái lạy hồn Nhạc Nguyên soái và hứa. nguyện lên chùa tu trai sám hối nên Thái sư mới tỉnh lại đấy

Tần Cối nghe nói liền lấy ra hai trăm lượng bạc trao cho Hà Lập và dặn:

- Ngươi hãy lên chùa Linh Ân nói với hòa thượng trụ trì sắm sửa cuộc tu trai sám hối cho ta, rồi ngày mai ta với phu nhân sẽ đến đó niệm hương.

Bọn Vương Năng, Lý Trực nghe ngóng tin tức biết được gian thần Tần Cối đang hoảng loạn tinh thần, hoảng hốt lo việc lên chùa làm lễ tu trai sám hối trong lòng mừng rỡ liền chạy về chọn ngày lo mời thợ tô tượng và sửa miếu Ngũ Vương.

o0o