Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm

Chương Mười Bốn

Không như sự tuyệt vọng của Long, các trường trong thành phố Nha Trang đã được mở lại và một số thầy cô làm việc trong các trường cũ vẫn giữ tạm thời những công việc đang làm trong lúc “lâm thời” để chờ xét lý lịch. Hạ trở lại trường để tiếp tục học tháng cuối cùng trước khi thi.

  Tấm bảng tên Huyền Trân của ngôi trường bị lấy đi từ lúc nào. Những người nữ sinh trung học ngày xưa xếp cất tất cả những chiếc áo dài trắng cũ để rồi  đến trường với những bộ áo quần đơn giản. Trường Nữ Trung Học Huyền Trân xưa không còn là chỗ độc quyền của bọn con gái mà chen lẫn sự hiện diện của học sinh nam của trường Võ Tánh với châm ngôn “Nam Nữ Bình Đẳng”. Tất cả bất cứ là trai hay gái đều phải làm lao động. Công việc lao động cho những đứa học sinh lúc này là sắp xếp bàn ghế và quét dọn các phòng, để chuẩn bị cho những chương trình học của năm chưa được hoàn tất.

  Vào một sáng thứ hai, tất cả học sinh nam nữ phải tập trung tại trường Nữ Trung Học Huyền Trân xưa để dự lễ khai giảng cho những ngày học dở dang của năm học 1974-1975. Toàn bộ thầy cô giáo và học sinh có mặt trong trường phải làm lễ chào cờ và nghe những lời huấn thị. Trùng hợp thay, vị trí xếp hàng của Hạ đúng ngay vào vị trí nơi mà Hạ đứng chào cờ trong những ngày trước biến cố chiến tranh. Tuy nhiên, trước tầm nhìn của Hạ bây giờ là bao nhiêu thay đổi: Những hàng áo trắng ngoan hiền ngày xưa thay thế bằng các học nam nữ với đủ loại áo quần khác nhau. Lá cờ vàng ba sọc đỏ ngày xưa đã thay bằng lá cờ đỏ chói với ngôi sao vàng.

Khi lá cờ đỏ lên tận đỉnh, tiếng hát khá cao của một số người nào đó lanh lảnh vang lên  “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...”  Giọng ca quyết liệt, mạnh mẽ của bài hát khiến Hạ cảm thấy gai ốc nổi đầy người. Sau khi bài hát này chấm dứt, tiếng thét to của một người nào đó vang lên “Quốc ca”. Hai từ này làm Hạ suýt thốt lên những lời hát quen thuộc “Này công dân ơi quốc gia..” như phản xạ từng có trước đây, nhưng rồi giọng ca của ai đó lại cất cao vi vút làm Hạ giật mình khựng lại, cố gắng giữ cho đôi chân đứng thật ngay trong cái im lặng ngột ngạt.  “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...”  Âm điệu của bản nhạc này không mạnh mẽ quyết liệt như bài hát trước nhưng hùng khí dồn dập của bài đã làm cho Hạ thấy sợ không kém.

Sau giờ chào cờ, học sinh của lớp 12C phải vào hội trường để học. Lớp C là lớp học văn chương và sinh ngữ. Trước đây lớp 12C của Hạ có hai nhóm học hai sinh ngữ chính khác nhau: Pháp văn và Anh văn. Nhóm Pháp văn của Hạ chỉ có bảy đứa con gái và ba đứa con trai Võ Tánh, còn lại nhóm Anh Văn khoảng hơn ba mươi đứa con gái. Mặc dù học chung các môn học khác và có cùng cô giáo chủ nhiệm, hai nhóm Pháp văn và Anh văn rất ít thân nhau. Sau biến cố tháng tư 1975, số lượng học sinh trong các trường trung học Huyền Trân và Võ Tánh giảm hơn xưa rất nhiều nên các lớp bị dồn lại để học chung trong hội trường. Lớp 12C Võ Tánh và Huyền Trân đều dồn vào học chung tại “trường Nữ Trung Học Huyền Trân cũ.” Sở dĩ phải gọi như vậy vì trường mất tên và phải chờ tên mới. Thời gian ấy, không hiểu vì con gái không còn áo trắng như xưa hay vì cái nghĩa “ Nam Nữ Bình Đẳng” mà con trai quên mất cái e dè của ngày cũ. Chỉ biết là từ lúc nam, nữ, Pháp văn, lẫn Anh Văn học chung, bọn con trai và con gái lớp 12C  trở nên dạn dĩ hơn, gần gũi hơn và thân nhau hơn.

 

  Mặc dù các trường ở Nha Trang đều được mở cửa nhưng do hoàn cảnh mà nhiều học sinh phải bỏ học. Thay vì đi học, Ái xin được việc thư ký tại trường để tìm phương kế sinh nhai. Con nhỏ may mắn được cấp chỗ ở ngay trong trường nên có điều kiện cưu mang những người bà con bị mất nhà tại Pleiku. Còn nhóm năm đứa con gái, chỉ còn Hạ và Đoan Hạnh đến lớp. Trang và Hương quyết định lập gia đình chứ không muốn tiếp tục học. Anh nghỉ học không hiểu lý do gì. Hạ chờ Anh từng ngày để mong tin về những người bạn cũ nhưng thời gian họp tổ, khóm, phường ở mỗi địa phương khác nhau như là sự ngăn cách lớn giữa hai đứa.

Sự thay đổi lớn nhất và thú vị nhất mà Hạ có được là sự trở về của Thảo Vy. Trước khi Việt Cộng tấn công vào Sài Gòn, chị họ của Hạ đã bảo lãnh gia đình bác Tư sang Mỹ. Vy ở lại cùng gia đình cô bảy Mỹ chăm sóc cho bà nội rồi đưa bà nội về Nha Trang.

  Từ ngày có Thảo Vy về, nhà Hạ vui hẳn lên. Chị em Hạ nói chuyện tíu tít suốt ngày suốt đêm. Ngoài Thảo Vy ra, khuôn viên nhà nội còn có nhiều người bà con cùng lứa tuổi của Hạ. Mặc cho những người lớn trong gia đình lo lắng và buồn phiền vì cảnh mất nhà, mất việc, và tương lai mù mịt, tụi nhỏ như bọn Hạ vô tư quây quần bên nhau.

Khác hẳn với Anh, mặc dù Đoan Hạnh phải dời chỗ ở xa hơn nhưng Đoan Hạnh đến nhà Hạ thường xuyên. Ngay sau khi Nha Trang bị chiếm, những khu gia binh và khu thương phế binh đều bị giải tán, như khu thương phế binh ở trước ga xe lửa, khu gia binh Nguyễn Thiện Thuật và khu gia binh của không quân gần phi trường Nha Trang. Từ lúc khu nhà Đoan Hạnh bị giải tán, gia đình Đoan Hạnh phải tìm đến vùng đất trống vắng sau đường Nguyễn Thiện Thuật để dựng những tấm tôn tạm trú. Hạnh thường đến nhà Hạ để  kể tình trạng kém may mắn của mình rồi lân la trò chuyện với Vy. Ngày ngày hai đứa Đoan Hạnh, Thảo Vy bàn bạc đủ thứ về chuyện kiếm tiền để sinh sống và giúp đỡ gia đình. Thời gian này khoai mì và bột mì gần như là thức ăn chính trong những bữa ăn. Hạ không dám hỏi má vì sao không nấu cơm như những ngày cũ mà phải độn các loại khoai. Những khi thấy má ngâm những miếng khoai khô là Hạ hiểu mình sẽ nhịn ăn hay chỉ ăn qua loa, lấy lệ. Bị ăn khoai mỗi ngày và đi đâu cũng gặp mọi người ăn khoai độn với cơm hoặc thế cơm, vậy mà, hai đứa Đoan Hạnh và Thảo Vy cứ lục đục tối ngày làm những món bánh khoai mì để bán.

  Cứ mỗi trưa sau khi đi học về, Đoan Hạnh đến nhà Hạ để tìm Thảo Vy. Hai đứa lục lọi, lăng xăng trong bếp một lúc lại ngồi dạng chân mỗi người một góc trên sân trước nhà để bóc vỏ và mài những củ khoai mì. Hạ không thích nhìn cảnh Đoan Hạnh và Vy vất vả nhưng lại thích có Đoan Hạnh ở trong nhà để nghe những bản nhạc của con nhỏ hát khi làm việc.

- “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xanh như mộng? Tìm đâu những ngày thơ?  Tìm đâu những chiều mơ? Tìm đâu biết tìm đâu bây giờ...”

Tiếng hát đột nhiên ngưng bặt. Hạ thò đầu ra sân:

-Hát nữa đi Hạnh!

Đoan Hạnh đứng dậy, mang vỏ khoai đi ra giếng, hát tiếp:

“...Còn đâu những ngày chưa biết yêu. Chỉ thấy thấy lòng nhớ nhung nhiều rồi đêm ta nằm mơ, Hồn say ta...”

  Nhớ đến đóa hoa “pensée” của Đoan Hạnh ngày xưa, trái tim Hạ như bị ai bóp nát. Hạ cắt ngang:

- Thôi, mi đừng hát bài này nữa.

Đoan Hạnh nói to vọng vào phòng:

- Hạ!

- Gì?

-Tau đập một cái là mi bẹp dí nghe chưa!

-Sao?

-Lúc thích, mi yêu cầu tau hát, lúc khùng khùng bắt tau ngưng. Mi nỡ lòng nào đối xử với ca sĩ “nổi danh” như rứa?

 Hạ bước ra sân. Đoan Hạnh chú tâm đập cái rổ tre xuống sân giếng cho những mảnh vỏ khoai rớt ra. Thấy con nhỏ không chút mảy may nhớ chuyện cũ, Hạ tiếp tục tranh cãi:

-Tụi bây khùng thì có. Thời buổi này thiên hạ ăn khoai mì đến mòn răng vậy mà còn làm bánh khoai mì đem bán. Ai mà thèm mua!

  -Vy ơi! Có lửa cho tau hui miệng con ni. Nó ăn mắm, ăn muối, nói bậy bạ tụi mình bán ế mần răng?

Nhìn thấy đồ đạc nấu nướng ngổn ngang ngoài sân, Hạ chán nản trở vào nhà.

Chiều chiều, sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, Đoan Hạnh và Thảo Vy thường đem các thứ đến góc đường Yersin để bán. Đến tối mịt, hai đứa kéo nhau về, lục đục dọn dẹp, chia tiền lời và chia những chiếc bánh còn sót lại. Mặc dù không thích Đoan Hạnh và Vy đi bán bánh khoai mì, không thích đến chỗ hai đứa bán nhưng Hạ thích chờ xem kết quả lời lỗ của hai đứa. Hôm nào Hạ cũng được ăn bánh dư và chờ Đoan Hạnh ra về mới đi ngủ. Càng buôn bán, hai đứa càng tròn trịa như hột mít vì càng ngày bánh ế nhiều hơn tiền lời. Vì uổng công sức bỏ ra, hai đứa cố ăn cho bằng hết bánh ế để “trả thù”. Hình ảnh “tuổi hoa, tuổi ngọc” của Vy từ từ biến mất sau những lần ăn bánh ế. Hình ảnh nữ sinh trung học trong tà áo dài trắng ngày xưa của Đoan Hạnh cũng tan biến như hình ảnh của Vy. Hai đứa bây giờ thực sự trở thành hai em “bé bự”, nếu không nói là bự quá xá! Có hôm vì bán quá khuya, Đoan Hạnh phải ở lại ngủ với chị em Hạ. Vậy là ba đứa có dịp đấu láo với nhau suốt cả đêm.

  Nằm trong bóng tối Hạ lên tiếng:

-Sáng mai hai đứa muốn ăn sáng thì dậy chiên cơm ăn mà đi học. Hôm nay còn ít cơm dư. Ta không ăn sáng đâu, nhường cho hai đứa mi đó!

  Thấy cả hai im lặng nên Hạ hỏi tiếp:

- Mi có thường ăn sáng không Hạnh?

  Đoan Hạnh bốc khoác:

-Tau có ăn sáng chứ! Một là tau ăn sáng như phở, hủ tiếu hay bún bò, hai là nhịn đói chứ không thèm ăn cơm chiên đâu. Mà tau thường nhịn đói hơn là ăn sáng!

Hạ và Thảo Vy cười rũ rượi:

- Đúng mà! Mi là người “khoái ăn sang” nên sáng nào cũng ăn khoai.

Những buổi tối như thế, ba đứa không hề hỏi  hay nhắc gì đến chuyện ngày xưa, chuyện trước ngày ba mươi tháng tư năm 1975. Hình như mỗi đứa đều sợ khơi lại niềm đau buồn của sự mất mát.

Hạ nhớ những buổi đưa đón của Vân và Hạnh trước cổng trường và tình yêu ngọt ngào của hai người mà cảm thấy xót xa. Sau di tản, Vân biệt tin đã khiến cánh hoa “pensée” ngày nào trở thành cái gai “chia cách”. Còn Đoan Hạnh dần dà quen với hoàn cảnh cực khổ và tìm vui với những chuyện tếu lâm tự đặt ra.

 

 

Bởi vì không còn được đi học thêm và chương trình học thay đổi hoàn toàn nên Hạ dành hết thời giờ cho việc học để chuẩn bị ôn thi. Song song với việc bận học, Hạ dành thời gian cho quyển lưu bút. Mỗi ngày đến trường, Hạ thường mang nó theo để đưa cho bạn bè ghi những giòng chữ kỷ niệm.

Một bàn tay tuyệt đẹp với những ngón ngòi viết thon mền đưa tập vở trước mặt Hạ:

- Có phải Đan Hạ đang tìm cái này không?

Hạ ngước lên và hồi hộp. Ngọc Bích, người bạn lớp trưởng xinh đẹp và duyên dáng nhất của trường đang đứng trước mặt Hạ. Hạ cảm thấy bối rối khi gần người bạn gái có vẻ đẹp thanh tú như tây phương này. Cầm tập vở, lật vội những trang giấy bên trong, Hạ gật đầu với ánh mắt biết ơn:

  - Ngọc Bích thấy nó ở đâu vậy?

  - Trên bàn của giáo sư đó! Đan Hạ để quên ở đó hả?

- Không phải! Hạ đưa cho Đoan Hạnh để Đoan Hạnh viết cho Hạ. Chắc Hạnh để quên.

-Vậy Đan Hạ đưa lại cho Đoan Hạnh đi, nếu không Đoan Hạnh sẽ đi tìm đó. Ngọc Bích không biết tưởng Đan Hạ bỏ quên nên đưa lại.

- Sắp đến tiết học rồi. Sau giờ học Hạ sẽ đưa lại cho Đoan Hạnh. Hạ cảm ơn Ngọc Bích.

Nói xong, Hạ hy vọng Ngọc Bích sẽ đi ngay để khỏi phải ngượng nghịu khi tiếp xúc gần gũi với con nhỏ. Sắc đẹp và sự học giỏi cực kỳ của Ngọc Bích làm Hạ cảm thấy thua sút và mặc cảm khi phải tiếp xúc cận kề. Thế nhưng, Ngọc Bích dịu dàng hỏi:

- Ngọc Bích có thể ngồi ở đây không?

Hạ nhíu mày nhìn chiếc ghế dài mà mình đang ngồi rồi nhìn những dãy ghế trống khác trước mặt.

Trong lớp học cũ, Ngọc Bích thường ngồi ngoài dãy bàn cuối lớp. Cô nhỏ này thường ghi điểm danh rồi đến văn phòng cô Tổng giám thị báo cáo. Mặc dù ăn mặc đơn giản trong chiếc áo dài tơ trắng và đôi guốc gỗ vông với đôi quai nhựa trong giản dị, nhưng cái mũi cao thanh tú cộng thêm mái tóc dài thẳng mượt đã làm tăng thêm cho cô nhỏ hình ảnh cao sang và kiêu kỳ một cách đặc biệt. Hôm nay Ngọc Bích không còn mặc áo dài tơ nữa nhưng cái áo ngắn trắng cổ thuyền và chiếc quần tây đen đơn giản không làm giảm bớt cái vẻ đẹp cao sang ngày nào.

- Được chứ! Hạ miễn cưỡng.

-Vậy thì nhích vào cho Ngọc Bích ngồi đi.

Hạ nhường chỗ mình rồi ngồi cạnh nhỏ bạn xinh đẹp mà trong lòng không hết ngượng. Ngọc Bích phá tan yên lặng:

  - Đan Hạ có muốn Ngọc Bích ghi lưu bút cho Đan Hạ không?

Hạ thật lòng:

 

Ngọc Bích cười:

-  Sao lại không? Khi nào các bạn viết xong, Đan Hạ đưa cho Ngọc Bích viết nghe.

  Hôm đó, khi đi học về, Hạ cảm thấy vui vì được đối thoại với cô bạn gái thần tượng của mình nhưng lo lắng vì khá lâu không gặp Anh đến lớp. Hạ nhớ Anh, và muốn thăm Anh. Câu nói đầy cảm động của Anh khi hai đứa đi trên đường Bá Đa Lộc, trước khi Việt cộng tấn công vào thành phố, ám ảnh mãi mãi trong ký ức của Hạ. Hạ bị dằn vặt nhiều lần khi phủ nhận ý nghĩ tìm thăm con nhỏ. Nhớ đến căn nhà Anh với sự lui tới của những người bạn trai cũ và sự lạnh lùng của họ, Hạ bằng lòng cam chịu là người có tội hờ hững với bạn bè hơn là đau lòng nhìn thấy sự thay đổi của những người xưa. Tin loáng thoáng, từ một số bạn ở Nguyễn Hoàng và Phước Hải, là Triệu sắp lập gia đình càng làm cho Hạ nhất quyết ẩn trốn những gì thuộc về quá khứ.. 

  Sau buổi nói chuyện trong trường, Ngọc Bích thường đến nhà chơi với Hạ. Cô bạn lớp trưởng kiêu kỳ ngày xưa như là thần tượng xa vời nay lại là bạn thân của Hạ. Mỗi buổi trưa, sau khi đi học về, Ngọc Bích thường theo Hạ ra chợ để đem cơm cho má và phụ má bán hàng. Hai đứa len lỏi qua các dãy hàng “chợ trời” với hàng triệu vật dụng bày dưới đất. Những vật dụng mà người ta thu nhặt trong thời gian loạn lạc khi chiến tranh. Những người buôn bán với của không vốn thì không hồi hộp như má của Hạ. Người Nha Trang không còn muốn mua hoa, quả. Cho nên, càng buôn bán thì má Hạ càng thua lỗ và có nhiều trái cây cúng Phật hơn.

Thời gian này, nhiều sinh viên Nha Trang học ở các trường đại học Sài Gòn và Đà Lạt kéo về rất đông. Họ thường mời Ngọc Bích đi chơi suối, thăm vườn  và tham quan nhà Thủy Tạ ở Suối Dầu. Mỗi lần được mời đi chơi, Ngọc Bích thường kéo Hạ đi cùng. Và mỗi lần đi chơi như thế, len lỏi giữa những vườn cây, Hạ cảm thấy nhớ nhóm bạn cũ, nhớ tiếng cười nói rộn ràng, tự nhiên ngày nào. Nhóm bạn Ngũ cô nương “xóm nhà lá” của bọn Hạ thì hồn nhiên giành giựt, nói cười ồn ào, trái lại, Ngọc Bích thì chừng mực, phớt lờ và bất cần. Mặc cho vườn có nhiều ăn trái bao nhiêu, Ngọc Bích không thèm hái trái nào. Thỉnh thoảng con nhỏ níu nhẹ các cành có trái để ngắm chúng rồi thả ra cho chúng trở về vị trí cũ. Các anh chàng cựu sinh viên Sài Gòn và Đà Lạt dùng những bản nhạc tình yêu ngoại quốc huýt gió liên hồi “ Tất cả tình yêu anh chỉ dành cho em...”, “...yêu anh, yêu anh  nghe em bằng muôn trái tim...” để mong thố lộ tình cảm của mình. Họ thi nhau chăm sóc tận tình từ thức ăn đến nước uống, và tìm hái những trái cây đặc biệt nhất để dành cho người đẹp.

Trên đường về, Ngọc Bích hành tội các chàng cùng đưa Hạ về đến tận nhà. Tới cổng nhà Hạ, Bích đưa cho Hạ tất cả trái cây mà công trình các chàng chọn lựa suốt cả ngày. Hạ vừa ái ngại khi phải nhận những cái mà không phải dành cho mình, vừa thấy tộicho mấy anh chàng bị “hành hạ tàn nhẫn”. Văy mà lời nói của Ngọc Bích như là sự bắt buộc:

  - Đan Hạ đem hết tất cả những trái cây này vào nhà đi. Cho Thảo Vy nữa!

-Nhưng...

  - Không nhưng gì hết! Ngọc Bích không thích lấy cái gì cả. Ngày mai đi học, mình gặp lại.

  Hạ như đối diện một đóa hoa lạ. Ngọc Bích không những đẹp ngoài dung mạo mà sự cao ngạo của con nhỏ như là một đóa hoa với hương sắc khó tìm. Những người đẹp trong trường Hạ thường bị theo dõi kỹ không kém gì những ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng. Mấy đứa trong trường đồn Ngọc Bích yêu anh chàng nào đó rất “đẹp trai, con nhà giàu và học giỏi”. Anh chàng này được du học tại Mỹ vì đậu ưu trong kỳ thi Tú Tài toàn tại Nha Trang năm 1973-1974. Với những lời đồn đãi mà Hạ nghe trước đây, Hạ hiểu Ngọc Bích đang tự tạo một vòng vây đối với những người có tình ý. Hạ chợt nhớ đến câu “Theo tình tình đuổi, đuổi tình tình theo” và thầm buồn cho bạn. Biết đến bao giờ nhỏ bạn này của Hạ mới tìm được người cũ? Ở Mỹ ư? Trái đất hình như không nhỏ như người ta nói. Hạ nhủ thầm: “Hãy quên đi những mối tình của tuổi học trò, những mối tình đơn phương. Ta phải nhất quyết đậu tú tài hay 'phổ thông cấp ba' gì đó để được vào Đại Học.”

  Rốt cuộc, Hạ được đền đáp xứng đáng cho công sức mình. Hạ được giấy báo đậu tốt nghiệp phổ thông. Đoan Hạnh và Ngọc Bích đều được thi đậu như Hạ. Hạ cảm thấy mừng cho hai người bạn này vì họ được qua cái ải “lý lịch không tốt.”

  Trước chiến tranh, trường Đại Học Duyên Hải Nha Trang rất nổi tiếng nhưng thời  gian này trường không hoạt động nên những người thi đậu như bọn Hạ tíu tít ghi danh thi vào trường Cao Đẳng Sư phạm Nha Trang và các trường Đại Học Sài Gòn. Tình trạng thiếu giáo sư ở các trường và lối học nam nữ bình đẳng lẫn lộn đã khiến cho nhiều trường trong thành phố phải dồn lại. Trường Võ Tánh trở thành trường trung học cấp ba với tên mới là Lý Tự Trọng. Trường Huyền Trân trở thành trường cấp hai Thái Nguyên. Trường Pháp Hàn Thuyên trở thành Sở Giáo dục của tỉnh. Trường Đăng Khoa trên đường Lê thánh Tôn trở thành Phòng Giáo dục của thành phố. Còn trường dòng Bá Ninh thì trở thành trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang.

  Cao đẳng Sư phạm Nha Trang là trường sư phạm đầu tiên của chính quyền mới tổ chức. Hạ thích đậu vào trường này để được học gần nhà và khỏi phải gây khó khăn tài chính cho má. Sau khi thi đậu Tốt nghiệp Phổ Thông trung học, Hạ, Ngọc Bích và Đoan Hạnh rủ nhau cùng làm đơn thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Như mơ ước, Hạ toại nguyện cầm giấy báo đậu trong tay. Đoan Hạnh cũng được may mắn như Hạ. Chỉ có cô bạn thông minh nhất của lớp Hạ không những bị rớt Cao Đẳng mà liên tiếp nhận những điều không may dồn dập xảy đến. Ngày Ngọc Bích tuyệt vọng không thấy tên mình trên bảng điểm là ngày con nhỏ cùng gia đình tìm cách chạy trốn ra khỏi nhà. Đến thăm Hạ, Bích nói vội vàng:

- Ngọc Bích tặng Đan Hạ cái này.

  Hạ mở cái gói giấy nhỏ ra và kinh ngạc:

- Chiếc nhẫn cẩm thạch?

- Đây là chiếc nhẫn me Ngọc Bích cho. Ngọc Bích tặng Đan Hạ để kỷ niệm.

Hạ cười:

- Hạ không lấy đâu. Hạ không thích đeo trang sức đắt tiền.

- Không lấy thì Ngọc Bích giận đó vì mai Ngọc Bích đi rồi.

- Ngọc Bích đi đâu?

Hạ không hỏi thêm vì không muốn khơi dậy nỗi buồn của bạn. Học giỏi thông minh như Ngọc Bích mà thi rớt quả là chuyện khó tin. Hạ biết và tin là những người chấm thi chấm cả lý lịch học sinh. Ba Ngọc Bích bị gán chức là “ Ngụy Quyền” nên phải lao đao với những xét duyệt gắt gao của chính quyền mới. Ngọc Bích cũng là nạn nhân như ba mình.

- Gia đình Ngọc Bích phải vào Sài Gòn vì họ sắp lấy nhà.

- Lấy nhà? Vì sao vậy? Nhà của ba mẹ Ngọc Bích mà?

- Đúng vậy. Nhưng họ nói là họ sẽ tịch thu tất cả những nhà của những người có chức vị lớn ngày xưa vì những người này có tội với nhân dân.

- Có tội? Tội gì?

Ngọc Bích mỉa mai:

-Tội là làm lớn, nhiều tiền, và “bóc lột nhân dân”. Vì chỉ có những tội này nên gia đình Bích mới có nhà lớn để ở.

  Hạ ái ngại:

- Làm lớn mà có tội sao? Hiền lành như ba Ngọc Bích mà hại người nào?

Ngọc Bích thở dài:

-Người ta nói vậy, mình phải chịu vậy.

- Gia đình Ngọc Bích phải đi cả sao? Làm sao chuyển đồ đạc?

- Phải bỏ lại tất cả thôi Đan Hạ à! Gia đình Ngọc Bích trốn đi để khỏi bị bắt, chứ đâu phải dọn đi đâu mà chuyển đồ.

Hạ lặng người không hiểu an ủi Ngọc Bích như thế nào. Vài ngày trước đây, con nhỏ buồn tênh vì tin thi rớt, nay lại bị mất nhà. Hạ lo lắng:

- Rồi gia đình Ngọc Bích sẽ ở đâu trong Sài Gòn?

- Ngọc Bích chưa biết nữa. Có lẽ thuê nhà.