Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm

Chương Hai Mươi

Những ngày tiếp theo đó, Hạ thường xuyên đi chơi với những người bạn sinh viên cùng học chung trong trường Cao Đẳng Sư Phạm trước đây. Quân vẫn thường xuyên tới thăm má Hạ, Thảo Vy, và bé Trực. Trái lại, Ân không đến nhà. Thảo Vy vẫn bận rộn muôn đời với bánh trái và bếp núc, lẫn bạn bè. Con nhỏ thích làm những món ăn lạ mà nó học được khi còn ở Sài Gòn rồi mời bạn bè đến thưởng thức để được khen.

  Một buổi chiều, khi căn nhà Hạ vui nhộn vì tiếng nói tiếng cười của đám bạn nhỏ Vy và Quân. Hạ ở nhà với mọi người. Chờ lúc không có ai trong nhà, Quân lần đến hỏi chuyện:

  - Đan Hạ có biết lòng người hay thay đổi không?

Hạ đáp ngay:

- Có chứ, những ngày này, cái câu: “Gió phất chiều nào, theo chiều ấy” nghe thuộc như cơm bữa đó.

- Nhiều người hiểu như vậy là không đúng mà vẫn làm.

  - Ý Quân  muốn nói gì?

  - Quân nghĩ ngày xưa bạn học cùng chung khối lớp. Sau chiến cuộc, vì hoàn cảnh mình không có bằng cấp làm công nhân quèn bị người ta khi dễ.

  - Sao Quân biết người ta khi dễ?

  -Biết chứ!  Như Đan Hạ vậy đó. Đan Hạ chỉ quen những người làm thầy cô giáo chứ đâu thèm chơi với những người làm công nhân như Quân.

- Ý Quân muốn nói Hạ là người phản bội bạn bè hay người ham danh lợi?

- Không biết!

  - Không biết tại sao nói?

  - Tại buồn.

Im lặng một lúc, Quân hỏi:

  - Bây giờ “bạn bè” mình đi xi nê nghe?

- Phim gì?

- Không biết!

- Không biết sao rủ “người ta” đi?

  - Tại Quân đâu biết Đan Hạ nhận lời. Đi nghe?

Hạ cười:

  - Ừ! Chờ Hạ một chút.

  Dứt lời, Hạ thoăn thoắt những bước chân tươi vui vào phòng để tìm chiếc áo hợp ý nhất.

Hôm ấy, Hạ đã làm cho mọi người trong gia đình ngạc nhiên vì Hạ đi với Quân ra khỏi khuôn viên nhà. Ngồi sau lưng Quân trên cái xe đạp cũ kỹ, Hạ cười thầm khi nghĩ đến chữ “công nhân quèn” mà anh ta dùng.

Ra đến phố Độc Lập, loanh quanh các góc phố, Quân quyết định coi phim trinh thám do Nguyễn Chánh Tín đóng. Được vé trên lầu ngồi gần lan can, Hạ có thể nhìn thấy quang cảnh xung quanh rõ ràng. Khán giả đi xem ăn mặc hết sức giản dị nếu không nói là luộm thuộm. Hoàn cảnh mới khiến mọi người cảm thấy bề ngoài không giá trị nữa. Nhiều người con gái mặc quần áo nhàu nhèo, xốc xếch như thể họ đang ở nhà. “Xi nê” bây giờ không là điểm của các cô gái điệu đà chưng diện quần áo mới, kiểu mới, cũng không phải là chỗ hẹn hò lịch sự của những đôi tình nhân mới quen nhau. Hạ nhớ quanh cảnh ngày xưa đi xi nê cùng bạn bè.

Cũng cái rạp Tân Tân này, cả nhóm mặc áo dài trắng vào xem phim “Romeo và Juliette” với một bao xoài ngâm, một bọc nhãn và một bó mía chẻ. Người soát vé rạp lắc đầu nhưng lại mỉm cười. Lũ “con gái Huyền Trân” xưa chuyên môn ngịch ngợm khi đi cả đám. Trái lại, khi chỉ hai ba đứa đi xem phim thôi thì mấy cô nữ sinh này trở nên nhu mì, nhai chầm chậm những mẫu kẹo cao su xanh hoặc trắng.

  - Hạ ăn kẹo nè. Quân chìa mấy thỏi kẹo trước mặt Hạ.

Hạ ngơ ngác, không hiểu anh chàng mua từ lúc nào. Chưa kịp nói gì, Quân đã nói tiếp:

  -Ăn ngọt thì được nhưng phải giữ hai chiếc răng khểnh cho Quân. Đừng để mất chúng.

Nói xong, anh ta huyên thuyên kể cho Hạ nghe cốt truyện và tóm ý những tập đầu của cuốn phim sắp chiếu. Hạ mơ màng nghe anh ta nói nhưng không nhớ được gì. Câu dặn dò của Quân về hai cái răng khểnh làm Hạ nhớ lại câu nói mà Hạ đã nghe bốn  năm về trước trên đường đến nhà Anh dự tiệc sinh nhật. Vậy mà, lúc đó Hạ cho rằng câu nói ấy chỉ là bâng quơ vô nghĩa. Thực sự, muốn hiểu con trai không phải là chuyện dễ dàng.

Cuốn phim Việt Nam mà Hạ xem với Quân có lẽ là cuốn phim mà lần đầu tiên diễn viên miền Nam đóng chung với diễn viên miền Bắc. Hạ không hiểu rõ câu chuyện mà chỉ nhớ Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân với cái áo “măng tô” phong trần và cái răng khểnh có duyên. Lần đầu tiên, Hạ thấy diễn viên miền Nam ngày xưa đóng vai chính trong phim “Cách Mạng”. Hạ không hiểu tại sao Quân đưa Hạ đi xem cái phim không đầu và còn phải chờ những phần kế tiếp của khúc đuôi. Vài hôm nữa thôi là Hạ phải trở lại miền khô khan và nóng bỏng của Sông Mao; lúc đó, cho dù rạp hát Tân Tân này được phép chiếu những phim tình cảm lãng mạn ngày xưa, Hạ cũng không thể nào xem được nữa. Hạ nghĩ đến ngày trở về Nha Trang, nơi mà Hạ đã sinh ra và lớn lên với hy vọng niềm đau trong tâm hồn sẽ được xoa dịu lại.

 

 

Quân thường xuyên đến nhà để nói chuyện với Hạ nhưng không bao giờ anh ta đề cập đến những kỷ niệm của ngày xưa. Cái thường xuyên mà cả hai thường làm là đạp xe song đôi dọc trên đường biển Duy Tân khi trời xẩm tối.

  Một hôm, khi đạp xe trên đường biển, anh ta đưa tay chỉ xuống bãi cát trước viện Yersin:

- Hạ muốn xuống biển ngồi không?

  - Muốn.

Đặt hai chiếc xe tựa vào nhau, Hạ đến ngồi cạnh bên Quân. Nhìn những cặp tình nhân ngồi tự tình bên nhau, Hạ cảm thấy ngượng ngập không hiểu anh ta sẽ nói điều gì và Hạ sẽ phải nói điều gì? Tiếng của Quân phảng phất trong gió:

  - Đan Hạ!

  - Hở?

  - Đan Hạ có biết Quân bị ở tù không?

  - Có.

Giọng nói anh chàng đều đều:

- Những ngày Quân bị tù khủng khiếp lắm. Tụi Việt Cộng đối xử với Quân rất dã man. Tụi nó nhốt Quân dưới hầm tối cùng với một vị sư. Chỗ nhốt chỉ vừa đủ hai người ngồi. Ăn, ngồi, tiêu, tiểu chỉ trong phạm vi chỗ nhốt. Mỗi ngày họ cho Quân chỉ một chén cơm. Quân ăn trong bóng tối với mùi hôi thối bởi vì trong hầm chỉ toàn là nước tiểu và phân. Lúc đó, Quân thật muốn tự tử chết cho xong.

  Hạ lặng người khi nghe anh ta nói. Hạ muốn nói một vài lời để an ủi nhưng cổ Hạ như bị một vật gì chặn ngang.

Quân nhìn Hạ và nói tiếp:

-Vị sư bị nhốt cùng với Quân đã bày cho Quân cách  quên đi nổi khổ sở và mùi hôi thối xung quanh. Thầy ấy khuyên Quân nhắm mắt lại và mơ tưởng đến những gì mình thích nhất. Lúc đó, Quân nghĩ đến Hạ. Và suốt bao nhiêu ngày dưới hầm tối ấy, Quân dùng khuôn mặt Hạ để quên những nỗi cực khổ trong hầm tù mà Quân chịu đựng.

Chăm chú nhìn Quân, Hạ không tin được những điều vừa nghe. Nhưng khi nhìn biển yên lặng với những cơn sóng hiền hòa, Hạ cảm tưởng như chúng đang reo vui như niềm vui trong trái tim của Hạ. Những lời nói của anh ta đơn giản và mộc mạc không như những lời chân thành chau chuốt trong cuốn sách “Uyên Ương Gãy Cánh”, nhưng chúng đã đưa bao nhiêu hạnh phúc và tin yêu của Hạ dâng cao. Hạ muốn nói gì đó để đáp lại niềm thương yêu vô hạn của Quân, nhưng dường như tất cả những ý tưởng của Hạ đã trốn chạy mất.

  Bẽn lẽn cúi mặt và tựa cằm vào hai đầu gối, Hạ

vẽ nguệch ngoạc trên cát rồi hỏi bâng quơ:

  -Vì sao Quân bị bắt?

  Im lặng một lúc, Quân ấp úng:

  - Quân... Quân dính líu đến vụ cướp trên đường Độc Lập khi Việt Cộng tiến vào thành phố.

  Hạ bật đầu lên, lắp bắp hỏi:

  - Quân nói là vụ cướp trên đường Độc Lập?

Quân cúi mặt:

  - Phải. Quân đã bị lừa.

Hạ chau mày, lo lắng:

- Vì sao? Vì sao vậy?

- Một người anh của bạn Quân nhờ Quân canh chừng dùm cho nhóm bạn ông ta khi họ vào mấy cái tiệm ở đường Độc Lập lấy đồ. Họ lấy xong, trốn đi cả, còn Quân đứng canh bị tụi Việt cộng nằm vùng chỉ điểm bắt.

Nước mắt ứa ra, giọng Hạ run run:

-Vì sao họ biết Quân canh cho tụi cướp mà bắt?

Ngập ngừng, Quân trả lời:

  -Vì Quân có súng.

  Như bị ai bóp ngẹt hơi thở, Hạ nghẹn ngào:

  - Quân đã tham gia cướp với mấy người đó! Quân đã cùng nhóm với họ!

Quân lắc đầu, nài nỉ:

-Đan Hạ không hiểu đâu. Quân vô tội.

Hạ không hỏi anh ta vô tội như thế nào, và vì sao anh ta có thể vô tội. Hạ chỉ biết nước mắt mình tuôn ra không ngừng, thần kinh tê cứng và tay chân lạnh ngắt. Hạ nhớ lại ngày mà Hạ đến tiệm Vĩnh Thạnh của cô Mỹ sau khi các dãy phố Nha Trang bị cướp, rồi Hạ nghe tiếng chị Huế vang vọng trong tai. Hình ảnh trần truồng của chị la lết từ nơi này sang nơi khác xin bọn cướp tha tội chết hiện ra trên biển. Tiếng cười khả ố của bọn cướp gớm ghiết hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng sóng xoáy buốt vào tận trong óc khiến cho Hạ thấy chơi vơi. Nghiêng mặt cho những giọt nước mắt thấm vào đầu gối, Hạ lại hỏi:

    -Vì sao Quân phải làm như vậy? Vì sao Quân giúp những người ăn cướp?

Quân cúi đầu:

  - Quân không biết.

Cũng may là anh ta không giải thích điều gì và cũng không nói thêm gì nữa. Nếu không, lời biện hộ dù có thích đáng bao nhiêu cũng sẽ xé nát trái tim Hạ.

  Rất lâu, Hạ mới lên tiếng:

- Quân biết không, Hạ không có bạn trai.

  - Quân biết mà.

Không nhìn mặt anh ta, Hạ cố gắng lấy hết can đảm để nói tiếp:

  - Mà Hạ không thể nào có bạn trai được.

Tiếng Quân bên tai:

  - Vì sao vậy?

- Hạ có bệnh.

- Bệnh gì mà không thể có bạn trai?

Hạ bối rối không biết bệnh gì để nói. Thấy tim mình đập thình thịch, Hạ nói nhanh:

- Bệnh tim. Bác sĩ nói Hạ không thể lập gia đình. Nếu Hạ lập gia đình thì sẽ bị chết ngay. Hạ cũng không thể có con được vì chứng bệnh tim của Hạ nguy kịch lắm.

  - Bác gái biết không?

- Không, Hạ giấu không cho biết vì sợ má buồn. Hạ cũng không cho ai biết cả.

Quân thở dài mà không nói gì. Hạ lo lo, không hiểu anh chàng có tin lời mình không.

  Một lúc sau, Quân nói:

  - Hạ khám bệnh lâu chưa?

  - Lâu rồi, khi còn ở trong Sông Mao.

  - Không chữa được sao?

  - Không. Bệnh nan y mà! Vì vậy, Hạ nhất định không muốn quen ai cả.

Giọng nói của Hạ run run và lạt đi nhưng Hạ cố gắng kết thúc lời khẳng định của mình:

- Hạ không thể nào lập gia đình được thì có bạn trai làm gì? Hạ không muốn tự làm khổ chính mình cũng như không muốn làm khổ người khác.

Quân lại thở dài và cũng không nói gì mà chỉ thòng hai cánh tay dài trên đầu gối và nhìn xa xa ra biển. Nhìn nét lo âu, căng thẳng trên mặt anh ta, Hạ muốn cầm hai bàn tay ấy và nói với anh ta rằng những lời Hạ vừa nói chỉ là những lời Hạ bịa đặt. Hơn thế nữa, Hạ sẽ nói là Hạ đã yêu anh ta vô cùng tha thiết. Hạ sẽ nói là Hạ đã cảm động với những lời anh ta nói về khuôn mặt của Hạ, và Hạ sẽ nói nhiều hơn nữa về mối tình câm nín mà Hạ  đã cố giữ kín bao nhiêu năm qua. Thế nhưng, hình ảnh chị Huế trần truồng với khuôn mặt hoảng hốt, với dáng đi khúm rúm cố gắng che người trên những con đường, và hình ảnh Quân cầm cây súng đứng trên một góc đường nào đó lại hiện ra trong đầu Hạ.

Mới chỉ vài phút thôi! Mới chỉ vài phút mà những hình ảnh kinh hoàng này lại hiện ra trong tâm trí Hạ thì làm sao Hạ có thể cùng anh ta an lành với những ngày sắp đến? Hạ muốn về nhà, muốn có một giấc ngủ dài thật dài để tin rằng những gì nghe được trên biển này chỉ là những lời mơ hồ trong mơ. Thở dài tuyệt vọng, Hạ chìa cánh tay phải trước mặt Quân:

- Cho Hạ mượn một bàn tay của Quân đi.

  Quân ngạc nhiên nhưng từ từ đặt cánh tay trái của mình lên trên tay của Hạ. Hạ đặt bàn tay còn lại lên bàn tay của anh rồi nói:

  -Tay Quân ấm thật! Tay Hạ lạnh ghê chưa? Mình phải về thôi, nếu không Hạ sẽ bị bệnh.

Vừa nói xong, Hạ buông tay của anh ta ra. Thấy Quân không có phản ứng gì, Hạ bối rối dùng hai bàn tay múc hai nắm cát bên cạnh chỗ ngồi rồi từ từ mở chúng ra cho những hạt cát trắng tuôn rơi qua các kẽ tay. Nước mắt Hạ lại tiếp tục rơi theo những giòng tuôn của cát. Hạ phải cần can đảm. Can đảm để tiếp tục giữ sự câm nín của niềm đau và hình ảnh đẹp cũ cho đến muôn đời. Phủi những hạt cát còn lại, Hạ đứng dậy,  đợi Quân đứng lên, rồi cùng nhắc xe lên đường. Trên đường về, không ai nói với ai một lời nào, mỗi người có riêng một niềm đau, niềm u hoài mà không thể giải tỏa được.