Cô vào bếp rót cho tôi một tách cà phê, rồi hỏi làm cách nào tôi thành công được trong khi ba chuyên gia tâm lý học đã thất bại.
Tôi nhắc lại với cô rằng lũ trẻ có thứ ngôn ngữ riêng của chúng mà chúng ta đã lãng quên, một cách riêng của chúng để liên lạc với nhau.
- Và anh hình dung rằng cậu bé sẽ thổ lộ hết với cô nhóc đó!
- Anh hy vọng vận may mỉm cười với chúng ta, một cơ hội, cho dù rất mong manh, cũng đáng để thử, đúng không?
Sophie ngắt lời tôi, buộc tôi phải đối chất về lời nói dối của mình. Cô nhóc nọ đã thú nhận với cô rằng cô nhóc đã chơi nhảy ô suốt quãng thời gian tôi ở một mình với bệnh nhân nhỏ của cô.
- Vậy là lời nói của cô nhóc chống lại lời nói của anh, tôi mỉm cười nói với Sophie.
- Thật thú vị, cô đáp lại cũng tỉnh bơ như thế, và em nghiêng về tin cô bé hơn là anh.
- Anh có thể biết ai đã tặng em cái áo sơ mi này không.
- Em mua nó ở một hàng quần áo cũ.
- Em thấy đấy, em nói dối tệ chẳng kém gì anh.
Sophie đứng dậy đến bên cửa sổ.
- Trưa hôm qua em đã gọi điện thoại cho bố mẹ cậu bé, gia đình họ sống ở nông thôn, hai người không ngờ con trai họ lại gắn bó với con thỏ ấy đến thế, và càng không hiểu tại sao lại đúng là con thỏ ấy. Họ không hiểu. Với họ, người ta nuôi thỏ để rồi ăn thịt chúng.
- Thử hỏi xem họ sẽ cảm thấy ra sao nếu bị ép phải ăn con chó họ đang nuôi.
- Trách cứ họ chẳng giúp được gì cả, hai người đang rất khổ sở. Bà mẹ cứ khóc mãi, còn ông bố cũng chẳng khá hơn là mấy. Anh có ý tưởng nào có thể giúp con trai họ vượt qua tình cảnh hiện tại không?
- Có thể. Họ hãy tìm một con thỏ con, cũng đỏ hung như con thỏ ban đầu, và mang tới đây nhanh nhất có thể.
- Anh định mang một con thỏ tới bệnh viện sao? Nếu giám đốc bệnh viện phát hiện ra thì đó là ý tưởng của riêng anh, em không biết gì đâu đấy.
- Anh sẽ không khai ra em đâu. Giờ em có thể cởi cái áo sơ mi này ra được rồi chứ? Anh thấy nó xấu kinh lên được.
Trong lúc Sophie tắm dưới vòi hoa sen, tôi ngủ gà gật trên giường cô, tôi đã quá mệt nên không còn đủ sức lê chân về nhà. Một giờ nữa cô bắt đầu ca trực, còn tôi có tới mười tiếng đồng hồ nữa để chợp mắt. Cô và tôi sẽ gặp lại nhau ở bệnh viện, đêm nay tôi trực trên khoa Cấp cứu, còn cô ở khoa Nhi, cả hai chúng tôi đều phải trực đêm nhưng ở hai khu nhà khác nhau.
Khi tỉnh giấc, tôi tìm thấy một đĩa pho mát trên bàn bếp cùng một lời nhắn. Sophie đề nghị tôi nếu có thời gian thì ghé qua khoa gặp cô. Trong lúc rửa đĩa, tôi nhận ra cái áo sơ mi cô đã mặc khi ra mở cửa đón tôi đang nằm trong thùng rác.
Tôi tới khoa Cấp cứu lúc nửa đêm, người phụ trách bộ phận tiếp nhận bệnh nhân cho tôi biết tối hôm đó khá yên tĩnh, gần như tôi có thể ở lại nhà, bà vừa nói vừa viết tên tôi lên danh sách ngoại trú của khoa.
Chẳng ai lý giải nổi vì sao có những đêm các khoa Cấp cứu đông nghịt bệnh nhân trong cơn nguy kịch, trong khi có những đêm khác thì không có gì xảy ra hoặc gần như vậy. Với trạng thái mệt mỏi của tôi lúc này, tôi sẽ chẳng thấy gì đáng phàn nàn ở đây cả.
Sophie tới căng tin bệnh viện gặp tôi. Tôi đang ngồi thiu thiu ngủ, đầu gối lên hai cánh tay, mũi chạm xuống bàn. Cô đánh thức tôi dậy bằng một cú huých.
- Anh ngủ sao?
- Giờ thì không, tôi đáp.
- Hai người nông dân của em đã tìm thấy của hiếm rồi, một chủ thỏ con lông đỏ hung, đúng như anh yêu cầu.
- Họ đang ở đâu?
- Trong một khách sạn gần đây, họ đang đợi chỉ thị của em. Em là bác sĩ ngoại trú nhi khoa chứ không phải bác sĩ thú y, vậy nên nếu anh có thể nói cho em rõ phần tiếp theo trong kế hoạch của anh, điều đó sẽ giúp em rất nhiều.
- Gọi cho họ, bảo họ tới khoa cấp cứu, anh sẽ ra đón họ.
- Vào 3 giờ sáng sao?
- Em đã bao giờ thấy giám đốc bệnh viện lang thang trên các lối đi vào lúc 3 giờ sáng chưa?
Sophie tìm số điện thoại khách sạn trong cuốn sổ nhỏ màu đen cô luôn mang theo trong túi áo blu. Tôi hối hả chạy về phía cửa khoa Cấp cứu.
Bố mẹ cậu bệnh nhân nhỏ tuổi của cô bạn tôi trông có vẻ rất hốt hoảng. Việc bị dựng dậy giữa đêm khuya để mang một con thỏ vào bệnh viện khiến họ ngạc nhiên chẳng kém gì Sophie. Con vật bé nhỏ được giấu trong túi áo măng tô của người mẹ, tôi dẫn họ vào, giới thiệu họ với người trực ở bộ phận tiếp nhận bệnh nhân. Một ông chú và một bà cô từ dưới tỉnh lên ghé qua thành phố tới thăm tôi. Bà ta thậm chí còn chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên lắm trước giờ giấc lạ lùng của cuộc hội ngộ gia đình này. Để gây ngạc nhiên cho ai đó làm việc tại khoa Cấp cứu của một bệnh viện lớn, cần phải có gì đó ấn tượng hơn thế nhiều.
Tôi dẫn bố mẹ cậu bé qua các lối đi, cẩn thận tránh gặp các y tá trực đêm.
Trên đường đi, tôi giải thích với mẹ cậu bé những gì tôi trông đợi ở bà. Chúng tôi đi tới đầu cầu thang rẽ lên khoa Nhi. Sophie đang đợi chúng tôi ở đó.
- Em đã nhờ cô y tá trực đi lấy cho em một cốc trà từ máy bán hàng tự động dưới căng tin, em không rõ anh định làm gì, nhưng hãy nhanh lên. Cô ấy sắp quay lại rồi. Em nghĩ chúng ta chỉ có tối đa hai mươi phút thôi, Sophie thông báo.
Chỉ mình người mẹ đi theo tôi vào phòng bệnh của cậu con trai. Bà ngồi xuống giường, vuốt trán con trai để đánh thức cậu bé dậy. Cậu bé mở mắt ra và nhìn thấy mẹ mình, giống như trong một giấc mơ. Tôi ngồi xuống mé bên kia giường.
- Chú không muốn đánh thức cháu dậy đâu, nhưng chú có một thứ muốn cho cháu thấy, tôi nói với cậu bé.
Tôi cam đoan với cậu bé rằng cậu không hề ăn thịt con thỏ của mình, và con thỏ của cậu không phải đã chết. Nó có một đứa con, và anh chàng hư hỏng này đã nhanh chóng chuồn mất để đi tán tỉnh một cô thỏ khác. Một vài ông bố vẫn làm những chuyện như thế.
- Bố cháu đang đợi cháu ngoài hành lang, một mình đứng sau cánh cửa kia giữa đêm khuya, vì bố yêu cháu hơn mọi thứ trên đời, giống như yêu mẹ cháu vậy. Bây giờ, nếu cháu không tin chú, hãy nhìn xem!
Người mẹ lấy con thỏ con từ trong túi áo ra đặt xuống giường của con trai bà, giữ lấy nó giữa hai bàn tay mình. Câu bé nhìn chăm chăm vào con vật. Cậu từ từ đưa bàn tay tới vuốt ve đầu con thỏ, bà mẹ đưa con vật cho cậu bé, vậy là mối liên hệ đã hình thành.
- Chú thỏ bé bỏng này chẳng còn ai để chăm sóc cho nó nữa, nó cần đến cháu. Nếu cháu không khỏe lại thật nhanh, nó sẽ chết mất. Nhất định cháu phải ăn trở lại, để chăm sóc cho nó.
Tôi để cậu bé ở lại cùng mẹ cậu. Ra đến ngoài hành lang, tôi giục ông bố vào cùng hai mẹ con, tôi thực sự hy vọng cách làm của mình sẽ thành công. Người bố của cậu bé, một người đàn ông dáng vẻ chất phác, dang hai cánh tay ôm lấy tôi và ghì siết. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủ, tôi bỗng ước gì mình là cậu bé sắp được gặp lại bố này.
Hai hôm sau, khi tới bệnh viện, tôi nhận được một lời nhắn để lại trong ngăn tủ của mình. Đó là lời nhắn từ thư ký của ông trưởng khoa: tôi được yêu cầu tới văn phòng gặp ông ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một lời triệu tập kiểu này, và tôi cũng đã kịp trao đổi đôi chút với Sophie về nguyên do của nó. Cô y tá trực đêm tìm thấy lông thỏ trên ga trải giường của bệnh nhân nhỏ tuổi tại phòng 302, còn cậu bé đã thú nhận tất cả để đối lấy một cốc nước quả và ngũ cốc.
Sophie đã giải thích mọi chuyện với cô y tá, và căn cứ vào kết quả đạt được, cô đã van nài cô y tá giữ im lặng về bản chất phương pháp trị liệu. Nhưng than ôi, có những người ưa nghiêng về tuân thủ các nguyên tắc cứng nhắc thay vì đủ thông minh để thừa nhận việc đôi khi phá vỡ chúng cũng rất cần thiết. Cái cách mà các nguyên tắc làm an lòng những người nghèo nàn trí tưởng tượng thật đúng là điên khùng.
Nói gì thì nói, tôi đã từng sống sót qua được những án phạt liên tu bất tận của cô Schaeffer, chính xác là sáu mươi hai lần trong sáu năm học, nghĩa là cứ bốn thứ Bảy một lần, trong khi ở bệnh viện này tôi đang phải làm việc mỗi tuần chín mươi sáu giờ, liệu còn điều gì nữa có thể tới với tôi đây?
Tôi thậm chí cũng chẳng cần phải quá bộ tới tận văn phòng của giáo sư Fernstein. Hôm đó đích thân sếp lớn của khoa đảm nhiệm tới thăm bệnh buổi sáng, với hai trợ lý tháp tùng. Tôi gia nhập vào nhóm sinh viên theo sao ba người. Trông Sophie chẳng có chút gì bồn chồn lo ngại khi chúng tôi bước vào phòng 302.
Fernstein cầm treo cuối giường lên xem, bầu không khí im lặng nặng như chì bao trùm cả căn phòng trong khi ông đọc.
- Vậy ra đây là một cậu bé đã tìm lại được cảm giác ngon miệng sáng hôm nay, một tin thật đáng mừng, phải không nào? ông nói với những người cùng có mặt.
Vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh lập tức lên tiếng ca ngợi hiệu quả tuyệt vời của phác đồ điều trị ông ta đã lựa chọn áp dụng từ nhiều ngày qua.
- Thế còn cậu, Fernstem vừa nói vừa quay về phía tôi, cậu không có lời giải thích nào khác cho sự bình phục đột ngột này sao?
- Không, thưa giáo sư, tôi vừa trả lời vừa cúi gằm mặt.
- Cậu chắc chứ? ông gặng hỏi.
- Em chưa có thời gian nghiên cứu bệnh án của bệnh nhân này, em làm việc nửa thời gian bên khoa Cấp cứu...
- Vậy là chúng ta buộc phải đi đến kết luận là kíp điều trị tâm thần phụ trách bệnh nhân này đã thực hiện hoàn hảo công việc của họ và dành cho họ toàn bộ vinh dự của thành công này chăng? ông ngắt lời tôi.
- Em không thấy có gì cho phép chúng ta nghĩ khác đi.
Fernstein để tờ giấy trở lại cuối giường bệnh rồi bước lại gần cậu bé. Sophie và tôi đưa mắt nhìn nhau, có vẻ cô đang rất bực. Vị giáo sư già xoa đầu cậu bé.
- Bác rất vui vì cháu đã khá hơn, cậu bé thân mến, chúng ta sẽ từ từ cho cháu ăn trở lại, và nếu mọi thứ suôn sẻ, chỉ vài ngày nữa là chúng ta có thể tháo những cái kim này ra khỏi tay cháu và cho cháu về nhà với bố mẹ.
Cuộc thăm bệnh tiếp tục từ phòng này qua phòng khác. Khi cuộc hành trình kết thúc ở lối vào khoa điều trị, nhóm sinh viên tản ra, mỗi người quay trở về vị trí của mình.
Fernstein gọi tôi lại khi tôi tìm cách lẩn đi.
- Tôi cần nói vài lời với cậu, chàng trai! ông nói với tôi.
Sophie lại gần chúng tôi và chen vào.
- Em cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì đã diễn ra, thưa thầy, là lỗi của em, cô lên tiếng.
- Tôi không rõ cô đang nói tới lỗi lầm nào, thưa cô, mà tôi cũng không biết nên làm gì hơn ngoài khuyên cô hãy ngậm miệng lại. Chắc cô vẫn còn việc phải làm, vậy mời cô cuốn xéo ngay cho!
Sophie không để giáo sư nhắc lại tới lần thứ hai và để tôi ở lại trơ trọi một mình với ông.
- Chàng trai, các nguyên tắc, ông nói với tôi, chúng được đặt ra để cho phép cậu có được kinh nghiệm mà không giết chết quá nhiều bệnh nhân, và kinh nghiệm có được sẽ cho phép cậu vượt qua các nguyên tắc. Tôi không rõ bằng cách nào cậu đã làm được điều kỳ diệu nho nhỏ này, hay điều gì đã chỉ dẫn cậu tới giải pháp đó, và tôi sẽ rất vui nếu một ngày nào đó cậu trở nên tử tế khủng khiếp đến mức hé lộ cho tôi vài lời về nó, tất nhiên tôi chỉ có quyền được biết chung chung một cách đại khái thôi. Nhưng hôm nay thì không, nếu không tôi đành buộc phải phạt cậu, mà tôi vốn thuộc về những người cho rằng trong nghề nghiệp của chúng ta, chỉ có kết quả là đáng kể. Từ giờ tới lúc đó, cậu cần cân nhắc tới việc chọn nhi khoa cho chuyên ngành nội trú của cậu. Khi người ta có một năng khiếu thiên phú, bỏ phí mất nó sẽ là vô cùng đáng tiếc, thực sự đáng tiếc.
Nói tới đây, vị giáo sư già quay đi, thậm chí chẳng buồn chào tôi.
Ca trực kết thúc, tôi quay về nhà trong tâm trạng lo lắng. Cả ngày hôm đó, rồi suốt cả đêm. Tôi có linh cảm về một điều gì đó không trọn vẹn đè nặng trong tâm trí, song không tài nào lý giải được nguyên nhân.
Cả tuần lễ đúng là một cơn ác mộng, khoa Cấp cứu không lúc nào vơi bệnh nhân, và những ca trực của tôi cứ thế kéo dài vượt quá hai mươi bốn giờ thông thường.
Tôi gặp lại Sophie vào sáng thứ Bảy, với đôi mắt thâm quầng hơn bao giờ hết.
Chúng tôi hẹn gặp nhau trong một công viên, trước bể lớn nơi lũ trẻ chơi đùa với những mô hình tàu thu nhỏ điều khiển từ xa.
Vừa tới nơi, cô đưa cho tôi một cái giỏ đựng đầy trứng, thịt muối và một tảng pa tê.
- Anh cầm lấy đi, cô nói với tôi, chỗ này là của hai vợ chồng người nông dân, hôm qua họ mang đến bệnh viện cho anh nhưng anh về mất rồi, vậy là hai người nhờ em đưa lại cho anh.
- Thề với anh đây không phải là pa tê thịt thỏ đấy nhé.
- Không, là thịt lợn. Chỗ trứng vẫn còn rất tươi. Nếu tối nay anh qua chỗ em, em sẽ làm món ốp lết cho anh.
- Bệnh nhân của em thế nào rồi?
- Cậu bé đang dần lại sức từng ngày một; chắc cũng sắp được ra viện rồi.
Tôi ngả đầu dựa vào băng ghế, hai tay để sau gáy, tận hưởng hơi ấm của những tia nắng mặt trời.
- Anh đã làm cách nào thế? Sophie hỏi tôi. Ba chuyên gia tâm lý đã thử mọi cách để cậu bé chịu nói ra mà không được, còn anh, chỉ sau vài phút ở bên cậu bé trong vườn, anh đã thành công...
Tôi đã quá mệt mỏi để có thể cung cấp cho cô một lời giải thích hợp lý như cô muốn nghe. Sophie luôn cần đến sự hợp lý, và đây lại đúng là thứ tôi thiếu nhất vào khoảnh khắc cô hỏi tôi. Những lời đáp cứ tự động tuôn ra khỏi miệng tôi mà tôi không kịp suy nghĩ gì về chúng, như thể một sức mạnh nào đó thôi thúc tôi nói ra thành tiếng mọi điều tôi chưa bao giờ dám thú nhận, thậm chí với chính mình.
- Cậu bé đó chẳng nói gì với anh cả, chính cái bóng của cậu bé đã cho anh hay lý do khiến cậu bé đổ bệnh.
Tôi chợt nhận ra trong đôi mắt Sophie ánh nhìn đầy thương hại mẹ từng nhìn tôi ngày trước trên tầng áp mái.
Cô im lặng một lát rồi đứng dậy.
- Không phải chuyện học hành của chúng ta đã ngăn cản anh và em có với nhau một mối quan hệ thực thụ, cô nói, đôi môi khẽ run. Giờ giấc quá khác nhau của chúng ta chẳng qua chỉ là một cái cớ. Lý do thực sự, đó là vì anh không có đủ lòng tin dành cho em.
- Có lẽ quả thực đó là vấn đề về lòng tin, nếu không hẳn em đã tin anh rồi, tôi đáp.
Sophie bỏ đi. Tôi đợi thêm vài giây, rồi một giọng nói khe khẽ từ trong sâu thẳm nội tâm tôi vang lên gọi tôi là thằng ngốc. Vậy là tôi bật dậy chạy đuổi theo giữ cô lại.
- Anh đã gặp may, tất cả chỉ có vậy thôi, anh đã hỏi cậu bé đúng những gì cần hỏi. Anh đã lục lọi trong hồi ức về tuổi thơ của chính mình, anh hỏi cậu bé liệu có phải cậu bé vừa mất đi một người bạn hay không, anh đã gợi chuyện để cậu bé nói về bố mẹ mình, và lần theo mạch chuyện anh đã tìm tòi được con thỏ, nói tóm lại, cách nói chuyện… Chỉ là chuyện may mắn tình cờ, và chẳng có gì để anh thấy tự hào cả. Tại sao em lại để tâm chuyện này đến thế, dù sao cậu bé cũng đang bình phục. Đó mới là điều đáng kể, đúng không?
- Em đã ngồi hàng giờ bên giường cậu bé mà chưa bao giờ nghe thấy giọng nói của nó, và anh muốn em tin rằng chỉ trong vài phút anh đã thành công trong việc làm cậu bé kể lại cho anh tất cả?
Tôi chưa bao giờ thấy Sophie giận dữ đến thế.
Tôi ôm lấy cô trong vòng tay, và trong lúc làm như thế, tôi không hề để ý thấy bóng của tôi hòa vào bóng cô.
“Em chẳng có chút tài năng nào, em không nổi bật trong bất cứ lĩnh vực nào, các thầy giáo của em không ngừng lặp đi lặp lại điều đó với em. Em không phải là cô con gái bé bỏng mà bố em mong ước; nói gì thì nói, cái ông muốn là một cậu con trai. Không đủ xinh đẹp, quá gầy hay quá béo tùy theo độ tuổi, một học sinh khá nhưng còn xa lắm mới là người xuất sắc nhất... Em không hề nhớ từng có dù chỉ một lần được nghe một lời khen ngợi từ ông. Chẳng có gì trong con người em khiến ông vừa mắt.”
Từ cái bóng của Sophie, tôi lắng nghe những lời thì thầm tâm sự đó, chúng làm tôi bước lại gần cô hơn. Tôi nắm lấy tay cô.
- Đi theo anh, anh có một bí mật muốn chia sẻ với em.
Sophie để mặc tôi dẫn cô tới bên một cây dương, cô và tôi cùng nằm dài trên cỏ, dưới bóng cây, nơi không khí trở nên mát mẻ hơn đôi chút.
- Bố anh bỏ nhà ra đi vào một buổi sáng thứ Bảy, đúng lúc anh quay về nhà sau khi thực hiện xong hình phạt anh phải chịu ngay trong tuần đầu tiên của năm học. Ông đợi anh trong bếp để báo cho anh biết chuyện ông sẽ ra đi. Suốt thời thơ ấu, anh đã tự trách mình vì không thể là ai đó đủ giỏi giang để khiến bố anh muốn ở lại nhà. Anh đã trải qua hàng đêm không ngủ, trằn trọc tìm kiếm lỗi lầm có thể anh đã phạm phải, lý do anh có thể đã làm bố thất vọng. Anh không ngừng lặp đi lặp lại với chính mình rằng giá như anh là một cậu bé xuất sắc, đủ để khiến ông tự hào, chắc ông đã không bỏ anh ra đi. Anh biết ông yêu một phụ nữ khác không phải là mẹ anh, nhưng anh cần phải biến mình thành kẻ chịu trách nhiệm về việc ông vắng mặt. Vì nỗi đau là cách duy nhất để chống lại nỗi sợ rằng anh sẽ quên mất khuôn mặt của bố, để nhắc nhở anh rằng ông vẫn tồn tại, rằng anh cũng giống như tất cả bạn bè trong lớp, rằng anh cũng có một người bố.
- Tại sao bây giờ anh lại nói cho em tất cả những điều đó?
- Em muốn em và anh đặt niềm tin vào nhau, đúng không? Cái cách trở nên hoảng loạn mỗi khi xuất hiện một tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của em, thu mình lại mỗi khi em tin mình thất bại… Anh nói với em tất cả lúc này vì không chỉ có lời nói cho phép hiểu được những gì người khác không thể bày tỏ rõ ràng. Bệnh nhân bé nhỏ của em suy kiệt vì cô đơn, cũng vì thế mà buông xuôi cho bản thân tàn lụi, cậu bé đã trở thành cái bóng của chính mình. Chính nỗi buồn của cậu bé đã dẫn dắt anh tới với nó.
Sophie cụp mắt nhìn xuống.
- Em luôn xung khắc với bố em, cô thú nhận.
Tôi không nói gì, Sophie tựa đầu vào vai tôi, chúng tôi ngồi im lặng như thế một lúc. Tôi lắng nghe tiếng lũ chim chích hót trên đầu chúng tôi, những âm thanh ngân vang như lời trách cứ tôi đã không đi tới cùng những điều tôi phải nói, vậy là tôi lại thu hết can đảm để lên tiếng.
- Anh chắc sẽ rất vui nếu có được những lần trò chuyện cùng bố anh, cho dù có xung khắc đến đâu đi nữa. Không phải vì một người bố quá khắt khe không đủ khả năng hạnh phúc mà người con gái nhất định phải theo cùng con đường như của ông. Một ngày kia, khi bố em đau ốm, ông sẽ đánh giá đúng nghề nghiệp em theo đuổi. Thế nào, lời đề nghị làm cho anh món ốp lết của em vẫn còn nguyên giá trị đấy chứ?