Người Trộm Bóng

Chương 14

Sophie ngâm nga các giai điệu, trong khi trên nền của chúng Luc điền thêm phần lời bằng cách gân cổ lên hát đến độ inh tai nhức óc. Hai mươi lần Luc trách móc tôi không cùng tham gia với họ, và cả hai mươi lần Sophie lại bảo cậu ta để cho tôi yên. Sau bốn giờ đi đường, Luc chợt cảm thấy lo lắng trước cú tụt bất ngờ của đồng hồ đo mức nhiên liệu, kim của nó đã đột ngột ngả phắt sang trái.

- Chỉ có thể là một trong hai khả năng, cậu tuyên bố với giọng nghiêm trọng, hoặc là phao xăng hỏng, hoặc không mấy chốc nữa bọn mình sẽ buộc phải đẩy xe.

Hai mươi ki lô mét sau, động cơ bật kêu lọc xọc trước khi tịt hẳn chỉ cách trạm xăng vài mét. Chui ra khỏi xe, Luc vỗ nắp ca bô và chúc mừng chiếc xe cà khổ vì kỳ công nó vừa thực hiện.

Tôi đổ xăng đầy bình, khi đó Luc đang chạy đi mua nước uống và bánh quy, Sophie lại gần ôm ngang hông tôi.

- Anh vào vai nhân viên trạm xăng trông khêu gợi ra phết nhé, cô nói với tôi.

Cô hôn lên gáy của tôi trước khi đi vào cửa hàng theo Luc.

- Anh muốn uống ca phê không? Cô quay đầu lại hỏi tôi.

Và trước khi tôi kịp có thời gian trả lời, cô nhìn tôi mìm cười rồi nói thêm:

- Khi nào anh muốn nói cho em biết chuyện gì không ổn, em sẽ luôn ở ngay đây, ngay bên cạnh anh, cho dù anh không còn để ý đến điều đó nữa.

Chúng tôi đi tiếp được một lúc thì trời đổ mưa. Những cần gạt nước khó nhọc gạt nước mưa đi, âm thanh cọt kẹt chúng tạo ra khi đưa đi đưa lại trên mặt kính chắn gió có cái gì đó khiến người ra như bị ám ảnh. Phải rất lâu sau khi màn đêm buông xuống, chúng tôi mới về tới thành phố, Sophie ngủ say sưa, Luc do dự không muốn đánh thức cô dậy.

- Bọn mình làm gì bây giờ? Cậu thì thào.

- Tớ không biết nữa, bọn mình đỗ xe vào bên đường và đợi cô ấy tỉnh dậy.

- Thay vì nói linh tinh, hãy đưa em về nhà đi, Sophie lẩm bẩm, hai mắt vẫn nhắm nghiền.

Nhưng Luc không chấp nhận như thế, cậu ra lái xe về chỗ căn hộ một phòng của tôi và cậu. Không có chuyện chiều theo chứng nạn tưởng của những buổi tối Chủ nhật, cậu hùng hồn tuyên bố, và vào lúc trời mưa lại càng phải cảnh giác gấp đôi. Cả ba chúng tôi sẽ cùng nhau tấn công một lần dứt khoát vào tâm trạng ủ ê của các dịp kết thúc cuối tuần. Cậu hứa với chúng tôi sẽ chuẩn bị một món bột nhào tuyệt hảo mà chúng tôi chưa từng được thưởng thức qua.

Sophie ngồi thẳng dậy, đưa tay lên xoa mặt.

- Chấp nhận món bột nhào, còn sau đó, hai người phải tháp tùng em về.

Chúng rôi cùng ngồi bệt trên thảm trải sàn để ăn tối. Luc nằm xuống giường tôi ngủ thiếp đi, còn Sophie và tôi đã kết thúc đêm hôm đó ở nhà cô.

Khi tôi thức giấc, cô đã đi rồi. Tìm tìm thấy một tờ giấy nhắn trong bếp, được đặt dựa vào một chiếc cốc bên cạnh khay đồ ăn sáng.

Cảm ơn anh đã đưa em đi biển, cảm ơn anh vì hai ngày ngoài dự kiến đó. Em ước gì có thể nói dối anh, để nói với anh rằng em thấy hạnh phúc và làm anh tin em, nhưng em không thể làm được điều đó. Điều làm em buồn nhất là phải thấy anh cô đơn đến thế khi ở bên em. Em không giận anh đâu, nhưng em đã chẳng làm gì để xứng đáng được ở lại cùng anh. Em thấy anh hấp dẫn hơn nhiều khi chúng mình còn là bạn. Em không muốn để mất người bạn tốt nhất của mình, em quá cần đến sự âu yếm, sự chân thành của người bạn ấy. Em cần phải tìm lại anh đúng như chính anh.

Em sẽ gặp anh muộn hơn ở quầy cà phê tự phục vụ, anh sẽ kể cho em nghe ngày làm việc của anh, em sẽ kể cho anh về công việc của em, và mối tâm tình thân thiết giữa và em sẽ hồi sinh trở lại, từ đúng nơi chúng mình đã bỏ mất nó.

Thêm một thời gian nữa… chúng mình sẽ làm được điều đó, rồi anh xem

Khi anh đi, hãy để lại chìa khóa trên bàn.

Em hôn anh,

Sophie.

Tôi gấp tờ giấy lại cho vào túi áo. Tôi lấy lại mấy món quần áo của mình từ trong tủ, trừ một chiếc áo sơ mi trên đó cô đã gài một mẩu giấy ghi chú nhỏ: “Không phải cái này, giờ nó là của em.”

Tôi để chìa khóa phòng lại nơi cô yêu cầu rồi ra đi, tin chắc mình đúng là gã ngốc cuối cùng, mà cũng có thể là đầu tiên, trên đời.

 

Tối hôm đó, tôi tìm cách gọi điện thoại cho mẹ, tôi cần nói chuyện với bà, giãi bày tâm sự cùng bà, và cần được nghe bà nói. Chuông điện thoại cứ đổ dài trong thinh không. Thế nhưng mẹ đã nói với tôi là bà đi du lịch. Tôi đã quên mất ngày bà quay về.

*

Ba tuần lễ trôi qua. Những khi chúng tôi tình cờ gặp nhau ở bệnh viện, Sophie và tôi luôn cảm thấy ít nhiều gượng gạo, cho dù cả hai chúng tôi đều làm như thể không có gì xảy ra. Một tràng cười vang rồ dại đã làm sống lại tình bạn giữa hai chúng tôi. Lúc đó tôi và cô gặp nhau ngoài khoảnh vườn của bệnh viện, cả hai chúng tôi đều tranh thủ một thoáng nghỉ ngơi, Sophie kể lại cho tôi nghe một chuyện xui xẻo vừa xảy ra với Luc. Có hai bệnh nhân được đưa tới khoa Cấp cứu cùng một lúc. Luc lao vào cuộc đua cùng băng ca của cậu để đưa bệnh nhân cậu phụ trách vào phòng mổ trước. Đến chỗ ngoặt ở một hành lang, cậu ta đã buộc phải quặt gấp sang bên để tránh bà y tá trưởng, vậy là bệnh nhâu trượt ra khỏi băng ca. Luc lao mình xuống đất để đỡ lấy người bệnh, hành động thành công mỹ mãn, song chiếc băng ca đã đè lên mặt cậu. Vậy là cậu bạn tôi được kỷ niệm ba mũi khâu trên trán.

- Cậu bạn thân nhất của anh đúng là rất can đảm. Hơn nhiều so với anh vào ngày anh dùng dao mổ cắt ngón tay mình trong phòng thực hành giải phẫu, cô nói thêm.

Tôi đã quên khuấy mất kỷ niệm từ thời năm thứ nhất đó.

Cuối cùng tôi cũng hiểu ra tại sao Luc lại bị vết thương mà tôi phát hiện thấy hôm trước. Cậu đã muốn tôi tin vào chuyện cậu bị một cánh cửa đập thẳng vào giữa mặt. Sophie yêu cầu tôi phải hứa không được để cậu biết cô đã tiết lộ bí mật với tôi. Nói cho cùng, vì cô là người đã khâu trán cho cậu, cậu bạn tôi danh chính ngôn thuận đúng là bênh nhận của cô, và cô buộc phải giữ bí mật nghề nghiệp. Tôi hứa sẽ không phản bội cô. Sophie đứng dậy, cô cần quay lại khoa, đúng lúc ấy tôi gọi cô lại để đến lượt mình tiết lộ cho cô một bí mật về Luc.

- Em cũng không hoàn toàn thờ ơ với cậu ấy, em biết không?

- Em biết, cô vừa nói vừa quay đi.

Mặt trời tỏa khắp khu vườn làn hơi ấm dìu dịu, thời gian nghỉ của tôi vẫn chưa hết, vậy là tôi quyết nấn ná lại thêm một lát.

Cô bé hay chơi nhảy ô đi vào vườn. Sau những khung cửa kính của hành lang, bố mẹ cô bé đang nói chuyện với trưởng khoa Huyết học. Co bé bước lại gần tôi theo đúng cách của mình, một bước rới trước, rồi một bước sang ngang, tôi chợt hiểu ra cô bé đang tìm cách thu hút sự chú ý của tôi. Có điều gì đó cô bé đang mong mỏi được nói ra.

- Cháu bình phục rồi, cô bé tự hào nói với tôi.

Đã bao lần tôi nhìn thấy cô bé chơi trong khu vườn của bệnh viện mà chẳng bao giờ bận tâm đến căn bệnh cô bé đang phải chịu đựng?

- Cháu sắp được về nhà rồi.

- Chú rất mừng cho cháu, dù chú sẽ thấy nhớ cháu lắm. Chú đã quen thấy cháu chơi trong vườn rồi.

- Còn chú, chú cũng sắp được về nhà rồi chứ?

Ngay sau khi hỏi tôi câu đó, cô bé bật cười, tiếng cười mang âm hưởng của tiếng đàn violoncelle.

Có những điều nhỏ nhặt chúng ta để lại đằng sau mình, những khoảnh khách của cuộc sống neo lại giữa những lớp bụi thời gian. Ta có thể cố quên chúng đi, nhưng những điều nhỏ nhoi tưởng như vô nghĩa ấy nối với nhau thành một sợi dây ràng buộc ta với quá khứ.

Lúc đã chuẩn bị bữa tối. Cậu ngồi thượt ra trên chiếc ghế tựa, đợi tôi về. Vừa vào trong phòng, tôi tới cúi xuống xem xét vết thương của cậu.

- Được rồi, thôi đóng vai bác sĩ đi, tớ biết là cậu biết hết rồi, cậu vừa nói vừa gạt tay tôi ra. Nào, bắt đầu đi, tớ cho cậu năm phút để giễu cợt tớ, sau đó chúng ta chuyển sang việc khác.

- Cái xe bọn mình đã dùng để đi ra biển, cậu có thể giúp tới thuê nó không?

- Cậu đang định làm trò gì thế?

- Tớ muốn quay lại bờ biển.

- Cậu có thấy đói không?

- Có.

- Càng tốt, bời vì nếu muốn tớ chuẩn bị cho cậu thứ gì bỏ bụng, cậu sẽ phải nói cho tớ biết vì sao cậu muốn quay lại đó. Nếu cậu thích diễn trò bí ẩn hơn, thì cửa hàng đồ ăn sẵn vẫn còn mở cửa đấy. Vào giờ này, nếu gặp may, chắc cậu sẽ kiếm được một cái xăng uých.

- Thế cậu muốn tớ nói cho cậu biết cái gì đây?

- Những gì đã xảy ra với cậu trên bãi biển đó, bởi vì tớ thấy nhớ người bạn tân nhất của tớ lắm rồi. Từ xưa đến giờ đúng là lúc nào cậu cũng ít nhiều ở trên mây như thế. Về phần mình, tớ cũng quen với chuyện này rồi, song tớ cam đoan với cậu, dẫu sao trước đây vẫn còn dễ chấp nhận hơn. Cậu có bên cạnh cô gái tuyệt nhất trên đời, thế mà cậu cư xử ngu ngốc đến mức từ sau dịp cuối tuần đáng nhớ đó, cả cô ấy cũng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

- Cậu còn nhớ kỳ nghỉ mẹ tớ đưa tớ ra biển không?

- Còn.

- Vậy cậu còn nhớ Cléa chứ?

- Tớ nhớ là vào đầu năm học sau đó cậu có nói với tớ từ giờ trở đi cậu sẽ cười vào mũi Elisabeth, rằng cậu đã gặp được tâm hồn đồng điệu của cậu, rằng một ngày kia cô bé đó sẽ trở thành người con gái của đời cậu. Nhưng hồi đó bọn mình còn là hai cậu nhóc con, chắc chuyện đó cậu cũng còn nhớ chứ? Không lẽ cậu tin cô nàng đã đợi cậu ở bãi tắm đó sao? Tỉnh lại đi, bạn thân mến của tôi ơi. Cậu cư xử với Sophie chẳng khác gì một kẻ ngớ ngẩn cả.

- Như thế chắc rất vừa ý cậu, phải không nào?

- Cậu chăm chọc này có nghĩa gì đây nhỉ?

- Tớ chỉ muốn hỏi cậu thông tin để thuê một chiếc xe.

- Đến tối thứ Sáu này cậu sẽ tìm thấy nó đậu dưới đường, tớ sẽ để chìa khóa lại cho cậu trên bàn. Có một đĩa nướng bỏ lò trong tủ lạnh, cậu chỉ việc làm nóng lại thôi. Chúc ngủ ngon, tớ ra ngoài lượn một vòng đây.

Cánh của phòng khép lại. Tôi đến bên cửa sổ gọi với theo Luc để xin lỗi. Mặc cho tôi gào tướng lên gọi tên cậu, Luc vẫn không ngoái đầu lại và biến mất sau góc phố.

 

Tôi thu xếp ca trực của mình vào thứ Sáu để được tự do vào sáng sớm thứ Bẩy. Tôi quay về nhà lúc tờ mờ sáng và tìm thấy chìa khóa của chiếc xe cũ kỹ nọ trên mặt bàn, đúng như Luc đã hứa với tôi.

Sau khoảng thời gian cần thiết để tắm rửa thay quần áo, tôi lên đường vào cuối buổi sáng. Dọc đường, tôi chỉ dừng lại để đổ đầy bình xăng. Đồng hồ đo mức nhiên liệu không nghi ngờ gì nữa đã tiêu tùng hoàn toàn, vậy là tôi buộc phải tính toán mức tiêu hao trung bình để ước lượng thời điểm cần đổ xăng cho xe. Chí ít thì bài tập này cũng giúp tâm trí tôi bận bịu. Kể từ lúc khởi hành, tôi luôn có cảm giác không mấy dễ chịu là những cái bóng của Luc cũng như của Sophie đang hiện diện ở băng ghế sau.

Tôi tới khu nhà dưỡng lão kiêm khách sạn gia đình nọ vào đầu buổi chiều. Bà chủ nhà rất ngạc nhiên trước chuyến ghé thăm của tôi. Bà lấy làm tiếc, căn phòng chúng tôi thuê hôm trước đã có chủ nhân mới, và bà cũng không còn căn phòng nào trống.Tôi không hề có ý định lưu lại qua đêm. Tôi giải thích với bà chủ nhà sẽ chỉ lưu lại vừa đủ thời gian để nói chuyện với một trong những người đang dưỡng lão tại nhà bà, một ông lão có dáng người thẳng duột mà tôi muốn hỏi vài điều.

- Cậu đã đi từng ấy đường đất chỉ để hỏi ông ấy một câu thôi sao! Chắc cậu cũng biết chúng tôi có điện thoại chứ? Ông Morton đã đứng cả đời sau quầy tạp hóa, đó là lý do tại sao ông ấy luôn đứng thẳng người như vậy. Cậu sẽ tìm thấy ông ấy trong phòng giải trí thôi, hầu hết các buổi chiều ông lão đều ở trong đó, ông ấy hầu như chẳng bao giờ ra ngoài cả.

Tôi cảm ơn bà chủ nhà, tới gần ông Morton và ngồi xuống trước mặt ông lão.

- Xin chào chành trai, tôi có thể giúp gì cậu đây?

- Ông không nhớ ra cháu sao? Cháu mới đến chỗ này cách đây chưa lâu, đi cùng một cô gái trẻ và anh bạn thân nhất của cháu.

- Những điều đó chẳng làm tôi nhớ ra gì hết, cậu nói là cậu đã đến đây lúc nào nhỉ?

- Cách đây ba tuần, Luc đã làm bánh ngọt cho mọi người vào bữa sáng, cả ông cũng thưởng thức chúng mà.

- Tôi rất thích những chiếc bánh ngọt, nói cho cùng thì tôi thích mọi thứ đồ ngọt. Mà cậu là ai mới được cơ chứ?

- Ông còn nhớ chứ, cháu đã điều khiển một chiếc diều bay lượn trên bãi biển, chính ông còn nói cháy xoay xở không tồi chút nào mà.

- Nhưng chiếc diều, tôi đã từng bán rất nhiều, cậu biết đấy. Tôi từng là chủ hàng tạo hóa trên bãi biển. Tôi còn bán cả nhiều thứ khác nữa, nào là phao bơi, cần câu… chẳng có gì để câu quanh đây cả, dẫu vậy tôi vẫn cần câu, rồi cả kem chống nắng nữa. Tôi đã trông thấy không biết bao nhiêu người đi tắm biển trong đời mình, đủ mọi loại người… Xin chào, chàng trai trẻ, tôi có thể giúp gì cho cậu?

- Khi còn nhỏ, cháu từng đi nghỉ chừng mười ngày ở đây. Có một cô bé rất hay chơi với cháu, cháu biết mùa hè nào cô ấy cũng đến đây, cô ấy không giống như những cô bé khác, cô ấy bị câm và điếc.

- Tôi cũng đá bán cả dù che nắng và bưu thiếp, người ta ăn cắp của tôi nhiều quá, vậy là tôi thôi không bán bưu thiếp nữa. Tôi nhận ra chuyện đó vì tới cuối tuần lúc nào tôi cũng bị thừa tem. Luôn là những chú nhóc xoáy trộm của tôi… Xin chào, chàng trai trẻ, tôi có thể giúp gì cho cậu?

Khi tôi bắt đầu thấy tuyệt vọng về cơ hội đạt được mục đích của mình, một phụ nữ khá lớn tuổi lại gần tôi.

- Cậu sẽ chẳng hỏi được gì hôm nay đâu, hôm nay không phải là một ngày tốt lành với ông ấy. Hôm qua ông ấy minh mẫn hơn nhiều, chuyện đó cứ thoáng đến thoáng đi, ông ấy không còn hoàn toàn tỉnh táo nữa. Tôi biết cô bé cậu đang nhắc đến là ai, tôi vẫn còn nguyên vẹn trí nhớ của mình. Cậu đang nói đến Cléa, tôi biết rõ cô bé, nhưng cậu biết đấy, cô bé không hề điếc.

Và bà tiếp tục nói khi thấy vẻ ngơ ngẩn của tôi.

- Tôi sẵn sàng kể lại tất cả cho cậu, song tôi đang đói, mà tôi không thể nói ra hơi với một cái dạ dày rỗng không được. Nếu cậu mời tôi đi uống một tách trà ở tiệm bánh, khi đó chúng ta sẽ có thể trò chuyện. Cậu vui lòng đợi tôi đi lấy cái áo khoác đã nhé?

Tôi giúp bà lão mặc áo măng tô, rồi chúng tôi chậm rãi đi theo nhịp bước của bà tới tận tiệm bánh. Bà tìm một chỗ ngồi ngoài hiên và hỏi tôi một điếu thuốc lá. Tôi chẳng có điếu nào trong người. Bà lão ngồi khoanh tay trước ngực, nhìn chăm chăm vào quầy bán thuốc lá nằm bên vỉa hè đối diện.

- Thuốc sợi vàng cũng được, bà nói với tôi.

Tôi quay lại mang theo một bao thuốc và diêm.

- Cuối năm nay cháu sẽ trở thành bác sĩ, tôi nói trong lúc đưa chúng cho bà lão. Nếu các giáo sư thấy cháu đưa những thứ này cho bà, chắc cháu sẽ bị treo bằng mất.

- Nếu các giáo ưu của cậu mất thời gian theo dõi những gì chúng ta làm nơi xó xỉnh này, tôi chân thành khuyên cậu hãy đổi trường ngay lập tức, bà vừa nói vừa quẹt diêm. Nói đến thời gian, về phần những gì tôi còn lại, tôi tự hỏi tại sao người ra cứ cố làm mọi cách quấy rầy chúng ta như thế. Cầm uống rượu, cấm hút thuốc, cấm ăn đồ ăn quá béo hay quá ngọt, và trong khi cố ép chúng ra sống dài hơn, bọn họ sẽ tước đi của chúng ta hết mọi hương vị của cuộc sống, tất cả đám bác học đang nghĩ ngợi hộ chúng ta đó. Người ta mới tự do làm sao khi tôi còn ở tuổi cậu, tự do giết chết mình nhanh hơn, phải rồi, nhưng cũng được cả tự do sống nữa. Vậy nên tôi sẽ tận dụng dịp may có được một người dễ mến như cậu làm bạn để thách thức y học, và nếu cậu không thấy quá phiền toái, tôi cũng sẽ không phản đối một suất bánh ngọt vị rượu rum ngon lành đâu.

Tôi gọi một bánh ngọt vị rượu rum, một bánh kem cà phê và hai tách sô cô la nóng.

- À, cô bé Cléa, chắc cậu đang muốn biết tôi còn nhớ gì về cô bé không. Lúc đó tôi bán hành ở hiệu sách. Cậu thấy đấy, với những người bán hàng, mọi chuyện luôn kết thúc như thế. Chúng tôi phục vụ mọi người suốt bao năm trời, và khi chúng tôi về hưu, chẳng còn ai nhìn ngó đến nữa. Tôi đã dành cho họ không biết bao nhiêu câu chào buổi sáng, lời cảm ơn, lời chào tạm biệt. Đã hai năm nay, từ khi tôi rời khỏi quầy thu ngân, chẳng có lấy một người tới hỏi thăm. Ở một nơi bé bằng bàn tay như nơi này… Cậu tin rằng họ nghĩ tôi đã dọn lên mặt trăng ư? Cléa bé bỏng, cô bé thật ngoan. Tôi từng nhìn thấy không ít đứa trẻ không được dạy dỗ tử tế nhưng vẫn thật ngoan ngoãn; cậu cứ thử để ý mà xem, nhưng đứa trẻ không được dạy dỗ tử tế không bao giờ tệ bằng bố mẹ chúng. Với cô bé, tôi hoàn toàn có thể tha lỗi chuyện nó không nói cảm ơn tôi, ít nhất cô bé cũng có lý do chính đáng, mà cậu có hình dung được không, cô bé đã viết những lời cảm ơn ấy ra. Cô bé rất hay tới hiệu sách, ngằm nhìn các cuốn sách, chọn lấy một cuốn rồi ngồi xuống một góc để đọc. Chồng tôi rất quý cô bé này, ông ấy để riêng sách ra cho nó, chỉ riêng cho nó mà thôi. Khi cô bé ra về, nó lấy trong túi áo ra một mảnh giấy, trên đó cô bé đã viết nguệch ngoạc mấy chữ “Cảm ơn bà, cảm ơn ông”. Không thể tin nổi, không thể hình dung ra được cô bé không hề thực sự câm hay điếc. À, phải đấy, Cléa bé bóng bị mắc một chứng tự kỷ, mọi thứ bị chặn lại từ chính bên trong đầu cô bé. Cô bé nghe thấy hết, có điều những lời nói không muốn phát ra, và cậu có biết điều gì đã giải phóng cô bé khỏi ngục tù đó không? Âm nhạc đấy, cậu có hình dung nổi không. Đúng là một cậu chuyện vừa đẹp đẽ, vừa buồn bã.

“Chắc cậu đang tự hỏi mình liệu tôi có bịa ra tất cả những chuyện này để moi từ cậu một bao thuốc lá và một cái bánh ngọt vị rượu rum không chứ gì? Yên tâm đi, tôi không phải loại người đó đâu, hay chí ít là chưa. Sau vài năm nữa thì có thể, nhưng nếu có ngày chuyện đó phải tới, tôi mong Chúa sẽ gọi tôi đi trước lúc đó. Tôi không muốn trở nên giống như ông chủ quầy tạp hóa kia. À, ông lão tội nghiệp, quả thực không phải lỗi của ông ấy, nếu phải ở vào vị trí của ông ấy chắc tôi cũng mất trí thôi. Khi cậu đã phải bươn chải cả cuộc đời để nuôi dạy con cái, để rồi không đứa nào từng một lần đến thăm nom cậu, hay thậm chí chẳng có cả thời gian gọi điện thoại cho cậu, quả là thừa đủ lý do để phát điên, để muốn xóa sạch mọi ký ức khỏi trí nhớ của mình. Nhưng người cậu quan tâm là cô bé Cléa, đâu phải ông chủ quầy tạp hóa. Vừa mới rồi, tôi có nói với cậu về sự vô ơn của khách hàng, những người tôi đã phục vụ suốt một đời nhưng lại làm như chẳng hề nhận ra tôi ở ngoài chợ, nói thật lòng, tôi không nên vơ đũa cả nắm. Ngày người ta đưa chồng tôi về với đất, cô bé cũng có mặt. Đúng đấy, chính xác như tôi vừa nói với cậu, cô bé đã tới một mình. Tôi thậm chí còn không nhận ra nó, đúng là cô bé lớn lên nhiều, mà tất cả các cô cậu đều vậy thôi. Tôi còn biết cả cậu là ai nữa, câu với chiếc diều! Tôi biết vì mỗi năm, ngay khi cô bé Cléa tới đây, cô bé lại tới gặp tôi và đưa cho tôi một tờ giấy để hỏi xem cậu bé với chiếc diều đã quay trở lại chưa. Chính là cậu, phải không nào? Ngày an táng chồng tôi, cô bé đi đưa tang, thật mảnh mai, thật lặng lẽ. Tôi đang tự hỏi không biết cô gái đó là ai, và cậu thử hình dung xem tôi ngạc nhiên biết bao khi cô ghé vào tai tôi và nói với tôi: “Là cháu đây, cháu là Cléa, chác rất tiếc, bà Pouchard, cháu rất quý chồng bà, ông đã luôn tử tế với cháu”. Lúc đó hai mắt tôi đã rưng rưng, và chỉ vài lời nói ấy thôi đã làm nước mắt cứ thế tuôn ra; đấy cậu xem, chỉ kể lại với cậu chuyện này thôi vẫn làm tôi xúc động lắm.”

Bà Pouchard đưa mu bàn tay lên gạt nước mắt, tôi liền đưa cho bà một chiếc mùi soa.

- Cô bé ôm lấy tôi, rồi lại ra đi. Ba trăm cây số đường để tới đây, rồi ba trăm nữa khi quay về, tất cả chỉ để tới đưa tiễn chồng tôi. Cô bé Cléa của cậu chơi đàn trong dàn nhạc giao hưởng. Ôi, tôi kể mọi thứ lộn xộn hết cả, thứ lỗi cho tôi. Đợi đã, hãy để tôi quay trở lại chỗ tôi đang kể dở dang. Vào mùa hè mà cậu không quay lại nữa, cô bé Cléa đã yêu cầu bố mẹ mình một điều thật ghê gớm, cô bé muốn học chơi violoncelle. Hãy tưởng tượng bộ dạng của mẹ cô bé lúc đó mà xem! Cậu có hình dung bà ấy dã đau khổ đến mức thế nào không? Đứa con bị điếc của bà ấy muốn trở thành nhạc công, có khác gì sinh ra một đứa con cụt chân mà lại muốn học làm xiếc trên dây. Ở hiệu sách, cô bé giờ đây chỉ tìm đọc những cuốn sách về âm nhạc, và mỗi lần ông bố bà mẹ đến tìm cô bé về, chuyện đó lại khiến họ bối rối hơn. Cuối cùng bố của Cléa là người đã đủ can đảm đi đến quyết định, ông ấy nói với vợ: “Nếu đó là điều con gái chúng ta muốn, chúng ra sẽ tìm ra cách thực hiện điều đó”. Họ đăng ký cho cô bé vào học một trường đặc biệt, với một giáo viên giúp những đứa trẻ lắng nghe các rung động của âm nhạc bằng cách áp tai nghe lên cổ chúng. A, tôi thực sự muốn hỏi cậu những phát kiến như thế rồi sẽ đi tới đâu. Thường tôi hay nghiêng về phản đối chúng, nhưng trong trường hợp này, tôi buộc phải thừa nhận chúng đúng là hữu ích. Thầy giáo của Cléa bắt đầu dạy cho cô bé nhận biết các nốt nhạc, và đó là nơi điều kỳ diệu bắt đầu. Cléa, vốn chưa từng nhắc lại đúng dù chỉ một từ, đã đọc lại “đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đô” một cách hoàn tòa bình thường. Những nốt nhạc thoát ra khỏi miệng cô bé lẹ làng nhanh chóng cứ như một đoàn tàu hỏa lao qua đường hầm. Và tôi có thể nói với cậu rằng lúc đó đến lượt bố mẹ cô bé trở nên câm lặng. Cléa học nhạc, cô bé bắt đầu tập hát và những lời hát cứ thế được ghép vào từng nốt nhạc. Chính chiếc đàn violoncelle đã giải thoát cô bé khỏi ngục tù, một cuộc vượt ngục bằng violoncelle, nói gì thì nói cũng không phải chuyện xảy ra với bất cứ ai!

Bà Pouchard chậm rãi khuấy thìa trong cốc sô cô la nóng của mình, đưa tách lên nhấp môi rồi lại đặt nó xuống. Chúng tôi cùng lặng im một hồi, mỗi người chìm đắm trong những hoài niệm của riêng mình.

- Cô bé đã thi vào Nhạc viện Quốc gia, và đang theo học ở đó. Nếu cậu muốn gặp cô bé, nếu là cậu tôi sẽ tìm đến đó để gặp cô bé.

Tôi mua một ít bánh xốp và sô cô la cho bà Pouchard, rồi chúng tôi sang đường để mua cho bà một tút thuốc lá, sau đó tôi đưa bà lão trở về nhà dưỡng lão. Bà khuyên tôi nên cẩn thận khi lái xe trên đường và nhớ cài dây an toàn. Ở tuổi tôi, bà nói thầm, nói gì thì nói cũng đáng bỏ công ra chăm sóc bản thân một chút. Tôi lên đường quay về lúc cuối ngày và lái xe suốt phần lớn buổi tối hôm đó, tới nơi vừa kịp thời gian cho ca trực của mình.

 

Quay về thành phố, tôi bắt tay vào việc đổi chiếc áo blu trắng lấy chiếc áo choàng thám tử. Nhạc viện không nằm kế bên bệnh viện, song tôi có thể đi tàu điện ngầm tới đó, chỉ cần đổi tàu hai lần là đến quảng trường Nhà hát Opera. Nhạc viện nằm ngay phía sau nhà hát. Rắc rối nằm ở thời gian biểu của tôi. Kỳ thi cuối kỳ đang cận kề: giữa thời gian ôn thi và các ca trực, những khoảng thời gian ngắn ngủi tôi được rảnh rang đều quá muộn. Tôi phải đợi mất mười mấy ngày trước khi có thể tới đó trước giờ đóng cửa và những cánh cổng cũng đang từ từ đóng lại khi tôi tới nơi, hổn hển thở không ra hơi sau khi phải ba chân bốn chẳng chạy qua các lối di dưới ga điện ngầm. Người gác cổng bảo tôi hôm sau quay lại, tôi khuẩn khoản nài nỉ ông cho tôi vào, tôi nhất định phải vào trong văn phòng.

- Trong đó giờ này chẳng còn ai nữa đâu, nếu cậu muốn nộp hồ sơ xin nhập học, cần đến trước 17h.

Tôi thú thật với ông tôi đến không phải vì mục đích đó. Tôi là sinh viên y, và tôi tới đây không với lý do nào khác ngoài hy vọng tìm một cô gái trẻ yêu âm nhạc. Nhạc viện là manh mối duy nhất tôi có, nhưng tôi cần tìm ai đó để hỏi thăm thêm thông tin.

- Cậu đang học năm thứ mấy trường Y? ông gác cổng hỏi tôi.

- Chỉ vài tháng nữa cháu bắt đầu học nội trú.

- Còn vài tháng nữa là bắt đầu học nội trú, vậy là cậu đủ khả năng để khám qua một cái họng, phải không nào? Đã hai hôm nay, họng của tôi luôn đau rát mỗi khi tôi nuốt, và tôi chẳng có cả thời gian lẫn tiền để đi khám bác sĩ.

Tôi lập tức nhận lời khám họng cho ông ta. Ông gác cổng cho tôi vào, và cuộc khám bệnh diễn ra ngay trong phòng trực của ông. Sau chưa đến một phút, tôi đã đưa ra lời chuẩn đoán là chứng viêm họng. Tôi khuyên ông hôm sau tới gặp tôi ở Khoa Cấp cứu, tôi sẽ kê cho ông một đơn thuốc, ông có thể đi lấy kháng sinh tại nhà thuốc bệnh viện. Sau khi tôi đã hoàn thành phần công việc của mình, ông gác cổng hỏi tôi tên của cô gái tôi đang tìm.

- Cléa, tôi trả lời ông.

- Cléa gì mới được chứ?

- Cháu chỉ biết tên cô ấy thôi.

- Tôi hy vọng cậu đang đùa.

Vẻ mặt rôi khẳng định rõ ràng điều ngược lại.

- Nghe này, bác sĩ thân mến, tôi rất muốn đến lượt mình có thể giúp được cậu, nhưng hãy hiểu cho, ngôi trường này đón nhận hai trăm học viên mỗi năm, có một số chỉ ở lại vài tháng, số khác theo học trong nhiều năm liền, thậm chí có những người tham gia vào các hoạt động đào tạo khác nhau của học viện. Chỉ tính riêng năm năm gần đây nhất thôi, gần một nghìn học viên đã đăng ký vào đây học, và các bản danh sách không được lập theo tên mà theo họ. Muốn tìm cô bạn của cậu đúng là chuyện mò kim đáy biển… mà cô ấy tên là gì nhỉ?

- Cléa.

- Phải rồi, nhưng than ôi, Cléa không biết họ gì… tôi chẳng thể làm gì cho cậu hết, tôi rất lấy làm tiếc.

Tôi quay về, cũng tiu nghỉu như tôi đã từng vui sướng khi ông gác cổng đồng ý mở cửa cho tôi vào.

Cléa không có họ. Trong cuộc đời tôi em là vậy đấy, một cô bé của thời thơ ấu, giờ đây đã trở thành một người phụ nữ, một kỷ niệm thân thương, một lời nguyện ước vẫn chưa được hoàn thành sau bấy nhiêu thời gian. Trong khi bước theo lối đi dưới ga điện ngầm, tôi lại thấy em chạy trước mặt tôi trên con đê chắn sóng, kéo theo chiếc diều đang bay lượn trên trời cao; Cléa không có họ, nhưng lại biết vẽ nên những hình số “8”, những đường chữ “S” hoàn hảo trong không trung. Cô bé với tiếng cười như tiếng đàn violoncelle, cô bé với cái bóng từng gọi tôi giúp đỡ mà không hề để lộ ra bí mật của mình; Cléa không có họ từng viết cho tôi: Em đã đợi anh bốn mùa hè, anh đã không giữ lời hứa, anh không bao giờ quay trở lại.

 

Về tới nhà, tôi gặp lại Luc, vẫn luôn mặt sưng mày sỉa như trước. Cậu hỏi tôi tại sao lại mặt mũi bơ phờ vậy. Tôi thuật lại cho cậu nghe chuyến tới thăm nhạc viện và lý do tại sao tôi lại thất bại quay về.

- Nếu cứ tiếp tục như thế, cậu sẽ thi trượt cho mà xem. Cậu chỉ còn nghĩ tới chuyện đó, tới cô nàng đó mà thôi. Cậu đang mất trí đuổi theo một bóng ma đấy, bạn thân mến của tôi ơi.

Tôi càu nhàu vì cậu đã phóng đại quá đáng.

- Tớ đã dọn dẹp lại nhà cửa một chút trong khi cậu tiêu phí thời gian của cậu đi lang thang. Cậu có biết tớ đã tìm thấy bao nhiêu tờ giấy trong sọt rác không? Hàng chục, mà trên đó chẳng phải các bản tóm tắt bài giảng, cũng chẳng phải các công thức hóa học, mà toàn các khuôn mặt được vẽ đi vẽ lại, luôn chỉ là một khuôn mặt. Cậu rất có hoa tay với bút chì đấy, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu sử dụng năng khiếu ấy để vẽ lại các bản ký học giải phẫu. Ít nhất cậu cũng nghĩ đến chuyện nói với ông gác cổng ấy rằng Cléa của cậu chơi đàng violoncelle chứ?

- Không, tớ không hề nghĩ đến chuyện đó.

- Thật là vừa điên vừa ngớ ngẩn! Luc lẩm bẩm trong lúc buông mình ngồi phịch xuống chiếc ghế tựa.

- Làm sau cậu biết được Cléa chơi violoncelle, tớ chưa bao giờ nói chuyện đó với cậu mà?

- Đã mười ngày nay tớ bị đánh thức dậy bởi Rostropovitch, ăn tối cùng Rostropovitch và ngủ thiếp đi trong lúc lắng nghe Rostropovitch. Thậm chí tớ và cậu chẳng còn chuyện trò gì nữa, violoncelle đã thế chỗ cho những câu tán gẫu của bọn mình, vậy mà cậu còn hỏi làm sao tớ đoán ra được chuyện đó! Và cho dù cậu có tìm được cái cô Cléa này đi chăng nữa, ai dám chắc với cậu là cô ấy còn nhận ra cậu?

- Nếu cô ấy không nhận ra tớ nữa, tớ sẽ rút lui.

Luc nhìn tôi một lát, rồi đột nhiên đấm mạnh xuống bàn.

- Hãy thề với tớ đi! Hãy thề trên cái đầu của tớ, mà không, thế này hay hơn, hãy thề trên tình bạn của cậu và tớ, rằng nếu cậu gặp lại cô ấy và cô ấy không còn nhận ra cậu nữa, cậu sẽ đặt dấu chấm hết một lần dứt khoát với cô gái này và ngay lập tức trở lại đúng là anh chàng tớ từng biết.

Tôi gật đầu chấp nhận.

- Ngày mai tớ không phải làm việc, tớ sẽ qua bệnh viện lấy kháng sinh và thay cậu mang đến cho ông gác cổng nhạc viện, và tớ sẽ nhân cơ hội này thử cố tìm hiểu nhiều hơn, Luc hứa với tôi.

Tôi cảm ơn Luc, rồi rủ cậu đi ăn tối. Túi tiền của cả hai chúng tôi đều eo hẹp, nhưng ít nhất khi ra ngoài quán ăn, cho dù chỉ là một chỗ hết sức khiêm tốn, chúng tôi sẽ không còn phải nghe violoncelle nữa.

Hai chúng tôi tạt vào một quán cà phê trong khu phố gần nhà. Chúng tôi quay về nhà trong trạng thái đã ít nhiều chếch choáng, và khi Luc ngồi phịch xuống một băng ghế vì đầu cậu bắt đầu quay tít, anh bạn đáng mến thổ lộ với tôi một chuyện đang khiến cậu bối rối. Cậu thú nhận với tôi đã làm một chuyện hớ hênh ngớ ngẩn, rồi lập tức thề cậu không hề cố ý làm thế.

- Chuyện hớ hênh kiểu gì vậy?

- Hôm kia, lúc tớ xuống căng tin ăn trưa, Sophie cũng đang ở đó, vậy là tớ đến ngồi cùng bàn với cô ấy.

- Rồi sao?

- Rồi cô ấy hỏi tớ dạo này cậu ra sao.

-Vậy cậu trả lời thế nào?

- Rằng hiện cậu đang lâm vào tình trạng không thể tồi tệ hơn được nữa. Và, vì cô ấy tỏ vẻ lo lắng, tớ đã muốn trấn an cô ấy. Tớ tin rằng tớ đã lỡ mồm nói ra dăm câu ba điều về những mối bận tâm của cậu.

- Nhưng chí ít cậu không nói gì với cô ấy về Cléa chứ?

- Tớ vẫn chưa để lộ ra cái tên, nhưng tớ nhanh chóng nhận ra mình đã nói quá nhiều. Có thể tớ đã buột mồm để hở ra rằng cậu đang bị ám ảnh bởi chuyện tìm lại tâm hồn đồng điệu với cậu. Thế rồi tớ lập tức cười cợt nói thêm rằng cậu mới mười hai tuổi khi cậu từng gặp nàng.

- Thế Sophie phản ứng ra sao?

- Giống như Sophie vẫn phản ứng trước mọi thứ, đáng ra cậu phải biết cô ấy rõ hơn tớ chứ. Cô ấy hy vọng cậu sẽ hạnh phúc, rằng cậu xứng đáng được như thế, rằng cậu là một chàng trai đáng mến. Tớ xin lỗi, đáng ra tớ không được làm thế. Nhưng đừng cho rằng tớ đã trót gây ra trò ngớ ngẩn ấy vì một dụng ý nào đó. Tớ không được thông minh đến mức đó đâu. Chỉ là lúc đó tớ rất bực với cậu, thành ra tớ đã thiếu thận trọng.

- Tại sao cậu lại bực với tớ?

- Bởi vì Sophie đã rất chân thành khi nói tất cả những điều vừa rồi với tớ.

Tôi ghé vai đỡ Luc để giúp cậu leo lên cầu thang. Tôi đặt cậu nằm xuống giường của tôi, lúc đó cậu đã say mềm, rồi tôi nằm xuống tấm nệm của cậu, ngay dưới khung cửa sổ căn hộ một phòng của chúng tôi.

 

Lúc đã giữ đúng lời hứa. Hôm sau chầu say sưa của chúng tôi, bất chấp đầu đau như búa bổ, cậu tới bệnh viện tìm tôi, lấy thuốc kháng sinh ở nhà thuốc rồi đi đến nhạc viện. Năng khiếu của Luc trong việc giành lấy thiện cảm của những người từ họ cậu trông đợi điều gì đó vẫn luôn là một bí ẩn với tôi. Không ai có thể cưỡng lại được cách cậu tán dương bạn.

Luc trao lại thuốc cho ông gác cổng, gợi chuyện để ông ta nói về công việc của mình, dần dà thúc đấy ông gác cổng tới chỗ kể lại cho cậu nghe vài câu chuyện thú vị ông ta từng gặp trong đời, và sau một giờ, cậu đã giành được quyền thoải mái tra cứu các sổ đăng ký vào học của nhạc viện. Ông gác cổng dành cho cậu một chiếc bàn, và Luc bắt tay vào cuộc tìm kiếm với tất cả niềm hăng hái của một điều tra chuyên nghiệp.

Cậu lục tìm trong các sổ tiếp nhận học viên trong hai năm Cléa có nhiều khả năng đã đăng ký học. Cậu ta dò tìm từng trang của mỗi tập sổ, tỉ mẩn lần theo từng dòng các danh sách học viên với sự trợ giúp của một cái thước kẻ mà cậu dịch dần đi trên mặt giấy. Đến giữa buổi chiều, cậu dừng lại ở dòng có ghi cái tên Cléa Norman, năm thứ nhất hệ cổ điển, nhạc cụ chính: violoncelle.

Ông gác cổng cho phép cậu bạn tôi xem qua hồ sơ của học viên này, còn về phần mình Luc hứa sẽ quay lại cung cấp thêm thuốc cho ông ta nếu trong vài ngày nữa cái họng vẫn tiếp tục hành hạ ông.

 

Trời chuyển tối, tôi đang tranh thủ một khoảnh khắc êm ả tại khoa Cấp cứu chạy sang ăn lót dạ trong quá cà phê nhỏ đối diện bệnh viện thì Luc xuất hiện. Cậu ngồi xuống cùng bàn với tôi, lấy thực đơn và gọi liền một mạch món khai vị, món chính và cả món tráng miệng trước khi kịp chào tôi.

- Lần này là cậu mời tớ, cậu vừa nói vừa trả thực đơn lại cho cô phục vụ bàn.

- Vì lý do nào vậy? Tôi hỏi cậu.

- Vì những người bạn như tớ, cậu sẽ khó mà tìm được thêm một người khác đấy, cứ tin tớ đi.

- Cậu đã khám phá ra điều gì sao?

- Nếu tớ nói với cậu là tớ có hai vé cho trận đấu ngày thứ Bảy, tớ có thể hình dung, chắc cậu sẽ cười vào mũi tớ, đúng không nào? Vừa vặn lắm, bởi vì vào thứ Bảy, cô bé Cléa của cậu biểu diễn trong khán phòng của tòa thị chính. Dvorak, concerto dành cho violoncelle, sau đó là bản gian hưởng số 8. Tớ đã xoay xở kiếm cho cậu một chỗ ở hàng ghế thứ ba, cậu có thể ngắm nhìn nàng cận cảnh. Đừng giận tớ không tháp tùng cậu được, tớ đã thưởng thức đủ phần violoncell của mình cho một trăm năm tới rồi.

 

Tôi loay hoay lục lọi trong tủ quần áo để tìm đồ đóng bộ cho buổi tối. Chỉ cần mở cửa tủ là tôi có thể lướt qua hết lượt quần áo của mình. Nói gì thì nói, tôi cũng không thể tới dự một buổi hòa nhạc với một chiếc quần màu xanh lá cây là một cái áo blu trắng được.

 

Cô bán hàng ở cửa hàng quần áo khuyên tôi nên thử chọn một chiếc áo sơ mi màu xanh da trời và áo vest sẫm màu để đi kèm với cái quần vải flanen của tôi.

*

Khán phòng tại tòa thị chính cũng không lớn lắm: một trăm chiếc ghế tựa được xếp thành hình bán nguyệt, sân khấu chỉ dài chừng hai mươi mét. Dàn nhạc trình diễn tối hôm đó cũng bao gồm đúng chừng ấy nhạc công. Ông nhạc trưởng cúi chào khán giả trong tràng vỗ tay liên hồi, các nhạc công đi lên sân khấu theo từng nhóm từ phía cánh gà bên phải. Tim tôi bắt đầu đập hơi mạnh một chút, tôi cảm thấy tiếng đập thình thịch của nó âm vang tới tận hai bên thái dương. Chỉ một phút là đủ để tất cả nhạc công ai ngồi vào chỗ người ấy, quá nhanh để tôi có thể nhận ra hình dáng người tôi muốn tìm.

Cả khán phòng chìm trong bóng tối, ông nhạc trưởng giơ chiếc đũa của mình lên, và những nốt nhạc đầu tiên cũng vang theo. Tám nhạc công nữ ngồi ở hành ghế thứ hai của dàn nhạc, trong đó chỉ một khuôn mặt duy nhất khiến tôi chú ý.

 

Em đúng như anh vẫn hình dung, nữ tính hơn và còn đẹp hơn rất nhiều. Mái tóc em để dài ngang vai và có vẻ làm em vướng víu khi điều khiển cây vĩ của chiếc đàn violoncelle em đang chơi. Không thể nhận ra riêng phần giai điệu của em giữa cả dàn nhạc. Rồi đến khoảnh khắc biểu diễn solo của em, chỉ vài nốt mà thôi, vài nốt nhạc mà tôi ngây thơ tưởng tượng là đang dành riêng cho tôi. Một tiếng đồng hồ trôi qua, trong suốt quãng thời gian ấy anh không hề rời mắt khỏi em. Và khi cả khán phòng đứng dậy hoan hô dàn nhạc, anh chính là người đã hoan hô lớn tiếng nhất.

Anh tin rằng ánh mắt em đã bắt gặp ánh mắt của anh, anh mỉm cười với em và vụng về ra hiệu cho em. Em cúi chào khán giả cùng lúc với những đồng nghiệp khác, và màn sân khấu buông xuống.

Anh ra ngoài đợi em, trái tim run lập cập, trước cửa ra dành cho các nghệ sĩ. Ở cuối lối đi ấy, anh đứng chờ khoảnh khắc cánh cửa sắt mở ra.

Em xuất hiện trong bộ váy đen, một chiếc khăn màu đỏ quàng trên mái tóc em. Một người đàn ông quàng tay quanh eo em, em mỉm cười với anh ta. Anh chưa bao giờ nghĩ có lúc lại cảm thấy mình mong manh yếu đuối đến thế. Anh nhìn thấy em đi cùng người đàn ông đó, và ánh mắt em nhìn anh ta chính là ánh mắt anh vẫn mơ được thấy trong mắt em khi em nhìn anh. Anh ta dường như thật cao lớn khi ở bên em, còn anh thật nhỏ nhoi trong lối đi này. Giá như anh có thể là người đàn ông đó, anh sẵn sàng trao cho em tất cả, nhưng anh lại chỉ là anh, là cái bóng của người em từng yêu khi chúng ta còn thơ bé, cái bóng của người đang ông anh đã trở thành.

Khi đi ngang qua trước mặt anh, em đưa mắt nhìn anh: “Chúng ta có quen nhau không nhỉ?” em hỏi anh. Giọng nói của em thật trong trẻo, đúng như anh từng nghe thấy khi em còn chưa nói được, giống như giọng nói cái bóng của em từng cầu cứu anh giúp đỡ nhiều năm trước. Và anh trả lời em rằng anh chỉ tới đây để nghe em biểu diễn. Thoáng bối rối, em hỏi anh liệu anh có muốn được ký tên kỷ niệm không. Anh lúng túng trả lời có, và em đã gọi bạn mình mượn một chiếc bút. Em ký tháu tên lên một tờ giấy, anh cảm ơn em, và em ra đi trong vòng tay anh ta. Vừa đi xa dần, em vừa nói với lại rằng em vừa có được người hâm mộ đầu tiên của mình, và ý nghĩ đó làm em thấy rất thú vị. Tiếng cười anh nghe thấy vọng lại từ cuối lối đi không còn chút âm hưởng nào của violoncelle nữa.

 

Tôi quay về nhà, Luc đợi tôi quay dưới lối vào tòa nhà.

- Tớ vừa đứng nhìn qua cửa sổ, tớ thấy cậu quay về, và cả vẻ mặt của cậu nữa, vậy là tớ tự nhủ sẽ tốt hơn nếu cậu không phải leo lên cầu thang một mình. Theo như tớ hình dung, có lẽ mọi việc diễn ra không được như cậu hy vọng. Tớ rất tiếc, nhưng cậu biết đấy, hy vọng vẫn thường là chuyện đếm cua trong lỗ mà. Đừng lấy thế làm phiền, bạn của tôi ơi. Thôi lên nhà đi nào, đừng đứng đực ra đó như thế, nào, bước mạnh lên, vận động một chút sẽ tốt cho cậu đấy. Không ai bắt cậu phải nói gì cả, nhưng nếu cậu muốn tâm tình thì tớ luôn có mặt. Rồi cậu sẽ thấy, ngày mai cậu sẽ bớt đau khổ hơn, và đến ngày kia, thậm chí cậu còn chẳng buồn để tâm nghĩ đến nó nữa, tin tớ đi, những cơn sầu tình luôn hành hạ người ta khổ sở nhất trong vài ngày đầu, rồi cùng với thời gian, mọi thứ sẽ đâu vào đấy hết, cho dù có theo một cách tồi tệ chăng nữa. Đi thôi nào, bạn thân mến, đừng đứng đó thở ngắn than dài làm gì. Ngày mai, cậu sẽ lại là một bác sĩ cừ khôi. Cô ta không biết mình vừa bỏ qua mất một người tuyệt vời thế nào đâu, nhưng rồi cậu xem, một ngày kia cậu sẽ tìm thấy nàng, người con gái thực sự của đời cậu. Đâu chỉ có các Élisabeth hay những Cléa trên đời này, cậu xứng đáng có được hơn thế nhiều.

 

Tôi giữ lời hứa với Luc, gạch một gạch chéo dứt khoát với tuổi thơ của mình và quay lại dồn hết tâm trí cho việc học hành.

Tối đến, thỉnh thoảng chúng tôi lại cùng ngồi với nhau, Luc, Sophie và tôi. Chúng tôi ôn bài cùng nhau, Sophie và tôi chuẩn bị cho kỳ thi nội trú, còn Luc cho kỳ thi cuối năm thứ nhất của cậu.

Cả ba chúng tôi đều thành công mỹ mãn trong kỳ thi của mình và cùng ăn mừng kết quả này một cách xứng đáng.