Người Trộm Bóng

Chương 12

Tối giao thừa, tôi chính thức phải trực đêm, tôi đã nhận đổi lấy ca trực này để được tự do vào đêm Giáng sinh và đã mất toi cơ hội đó. Luc ra tàu để quay về đoàn tụ với gia đình. Tôi vẫn không có tin tức gì của Sophie. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế tựa trong sảnh tiếp nhận bệnh nhân của khoa cấp cứu trong lúc đợi những nạn nhân đầu tiên của đêm chào năm mới ghé thăm chúng tôi. Tối hôm ấy tôi đã có một cuộc gặp gỡ lạ lùng nhất người ta có thể hình dung ra.

 

Bà lão được lính cứu hỏa đưa đến khoa cấp cứu lúc 23 giờ. Bà được đưa vào trên cáng, và khuôn mặt hiện rõ vẻ hân hoan của bà làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

- Ai đã khiến cụ vui vẻ đến thế này? tôi hỏi bà lão bệnh nhân trong lúc đo huyết áp cho bà.

- Chuyện này thì rắc rối lắm, cậu không thể hiểu được đâu, bà cụ vừa cười vừa đáp.

- Thì cụ thử cho cháu một cơ hội nhỏ đi nào!

- Tôi xin cam đoan với cậu là cậu đang coi tôi như một bà già mất trí.

Bà lão ngồi dậy trên cáng rồi chăm chú nhìn tôi.

- Tôi biết cậu mà! bà reo lên.

- Chắc cụ nhầm rồi, tôi vừa nói vừa tự hỏi liệu có cần thiết phải đưa bà cụ đi chụp cắt lớp hay không.

- Cậu, chắc chắn cậu đang tự nhủ tôi là một bà già lẩm cẩm và tự hỏi liệu có cần tiến hành khám cẩn thận hơn nữa hay không. Thế nhưng giữa hai chúng ta thì kẻ lẩm cẩm hơn lại là cậu đấy, chàng trai.

- Vậy cơ đấy!

- Cậu sống trong căn phòng bên phải ở tầng bốn, còn tôi ở ngay trên đầu cậu. Thế nào, chàng trai trẻ, ai trong chúng ta là kẻ đãng trí hơn đây?

Kể từ khi bắt đầu học nghề y, tôi đã luôn lo lắng đến ngày nào đó sẽ gặp lại bố tôi trong một hoàn cảnh như lúc này. Tôi hôm đó, người tôi gặp là bà hàng xóm của tôi, song không phải trên cầu thang tòa nhà nơi chúng tôi sống, mà lại trong khoa cấp cứu. Tôi đã dọn tới sống trong tòa nhà đó từ năm năm nay, đã năm năm tôi lắng nghe tiếng bước chân của bà trên đầu mình, tiếng ấm nước của bà kêu rít lên buổi sáng, nhìn thấy những cánh cửa sổ phòng bà khi bà mở chúng ra, thế nhưng chưa bao giờ tôi hỏi mình ai đang sống trong căn phòng đó, và con người mà cuộc sống thường ngày diễn ra gần với tôi đến thế có diện mạo ra sao. Luc nói đúng, các thành phố lớn làm con người ta trở nên điên rồ, chúng hút cạn tâm hồn bạn rồi lại khạc nó ra như một con rệp hút máu.

- Đừng bối rối, chàng trai, không phải vì tôi từng nhận hộ cậu hai ba bưu kiện mà cậu phải nợ tôi một lần ghé thăm đâu. Chiíng ta đã gặp nhau nhiều lần trên cầu thang, nhưng cậu leo lên nhanh đến mức nếu cái bóng của cậu phải chạy theo cậu, không khéo cậu sẽ đánh rơi nó dọc cầu thang mất.

- Những gì cụ vừa nói thật thú vị, tôi đáp trong lúc dùng đèn kiểm tra hai đồng tử của bà.

- Có gì thú vị vậy? bà cụ ngạc nhiên vừa hỏi vừa nhắm mắt lại.

- Không gì cả. Cụ có thể cho cháu biết điều gì đã làm cụ vui đến thế không?

- À không đâu, càng không khi giờ đây tôi biết cậu là láng giềng của tôi. Nhân tiện đây, tôi có một điều muốn nhờ cậu đây.

- Bất cứ gì cụ muốn.

- Nếu cậu có thể đề nghị cậu bạn của cậu bớt ồn ào hơn khi cậu ta nhảy nhót vui vẻ với bạn gái cậu ta, tôi sẽ rất biết ơn cậu. Tôi chẳng có gì phản đối những cuộc vui của tuổi trẻ, nhưng than ôi, ở tuổi của tôi người ta có giấc ngủ thật chẳng được sâu.

- Nếu điều này có thể làm cụ yên tâm, cụ sẽ không còn nghe thấy gì nữa đâu, cháu tin rằng hai người họ sắp chia tay đến nơi rồi.

- Ái chà, bà cụ trầm ngâm, tôi thực sự lấy làm tiếc cho họ. Được rồi, nếu tôi không làm sao cả, tôi có thể quay về nhà được rồi chứ?

- Cháu cần phải giữ cụ lại để theo dõi, trách nhiệm của cháu là vậy.

- Thế cậu muổn theo dỗi cái gì?

- Cụ!

- Được rồi, thế thì tôi sẽ giúp cậu đỡ tốn thì giờ. Tôi là một bà già cũng đã có tuổi, chẳng liên quan gì đến cậu, và tình cờ tôi bị trượt chân ngã trong bếp. Chẳng còn gì khác để nhìn hay để làm ngoài việc băng bó lại cho tôi cái mất cá đang sưng vù mà chỉ cần nhìn bằng mắt thưòng cũng thấy rõ rành này.

- Cụ nằm xuống nghỉ đi, bây giờ mọi người ở đây sẽ đưa cụ đi chụp X quang, và nếu không có thứ gì bị gãy, cháu sẽ đưa cụ về khi cháu hết ca trực.

- Vì tôi với cậu là hàng xóm với nhau, tôi sẽ cho cậu ba giờ đồng hồ. Nếu không tôi sẽ tự tìm cách quay về.

Tôi viết phiếu yêu cầu chụp X quang rồi bàn giao bệnh nhân cho một hộ lý trước khi quay lại vị trí của mình. Nhưng đêm giao thừa bao giờ cũng là thời điểm tồi tệ nhất tại các khoa Cấp cứu, chỉ ba mươi phút sau nửa đêm các bệnh nhân đầu tiên đã bắt đầu đổ về. Tận hưởng đồ uống có cồn và thức ăn vượt xa ngưỡng thái quá, cách vui vẻ hội hè ở một số người luôn làm tôi không tài nào hiểu nổi.

Tôi gặp lại bà cụ hàng xóm vào đầu giờ sáng, bà đang ngồi trên một chiếc xe lăn, chiếc túi xách đặt trên hai đầu gối, bàn chân đã được băng bó.

- Thật may là cậu đã chọn nghề y, vì nếu làm lái xe thì cậu đã bị đuổi việc rồi. Giờ cậu đưa tôi về chứ?

- Nửa tiếng nữa cháu hết ca trực. Mắt cá chân có làm cụ đau lắm không?

- Bong gân thôi mà, chẳng cần phải là bác sĩ cũng biết. Nếu cậu chịu chạy lại chỗ máy bán tự động lấy cho tôi một cốc cà phê, tôi sẵn sàng đợi cậu thêm một lúc nữa; một lúc thôi, không hơn đâu đấy.

Tôi lại chỗ máy bán đồ uống tự động và mang cà phê về cho bà lão. Bà đưa cốc lên nhấp môi rồi trả lại nó cho tôi với vẻ ghê tởm và ra hiệu chỉ về phía thùng rác treo trên một chiếc cọc.

Sảnh tiếp đón bệnh nhân của khoa cấp cứu giờ trở lại vắng tanh. Tôi cởi áo blu ra, vào buồng dành cho nhân viên trực lấy áo măng tô rồi đẩy chiếc xe lăn ra ngoài.

Tôi đang tìm taxi thì một lái xe cấp cứu nhận ra tôi và hỏi tôi định về đâu. Anh cũng vừa hết ca và vồn vã đồng ý đưa chúng tôi về. Cũng nhiệt tình như thế, anh lái xe giúp tôi đưa bà lão hàng xóm của tôi lên cầu thang. Lên tới tầng năm, cả hai chúng tôi đều đã thở không ra hơi. Bà cụ hàng xóm đưa tôi chìa khòa nhà. Anh lái xe cấp cứu để chúng tôi lại, và tôi giúp bà lão ngồi xuống chiếc ghế tựa của bà.

Tôi hứa với bà cụ sẽ quay lại, mang tới cho bà tất cả những gì bà cần; với mắt cá chân bị thương như thế, tốt nhất bà cụ nên tránh xa cầu thang một thời gian. Tôi ghi số điện thoại của mình lên một tờ giấy, để vào chỗ dễ thấy trên mặt bàn và buộc bà cụ phải hứa gọi ngay cho tôi không do dự nếu gặp bất cứ rắc rối nào. Tôi sắp sửa ra về thì bà cụ gọi tôi lại.

- Cậu có vẻ không tò mò lắm nhỉ, thậm chí cậu còn chẳng buồn hỏi xem tên tôi là gì nữa.

- Alice, cụ tên là Alice, trên giấy nhập viện của cụ có ghi rõ như thế.

- Cả ngày sinh của tôi nữa đúng không?

- Đúng thế.

- Tệ quá.

- Cháu vẫn chưa thử làm phép tính mà.

- Cậu thật lịch sự nhưng tôi không tin cậu đâu. Phải đấy, tôi chín mươi hai tuổi trên giấy tờ và tôi biết, tôi mới chỉ chín mươi thôi!

- Đúng là ít tuổi hơn nhiều, và cháu dám thề là cụ...

- Thôi cậu im đi, cho dù cậu có nói gì nữa cũng sẽ là quá nhiều. Nói gì thì nói cậu cũng chẳng phải người tò mò cho lắm, tôi vẫn chưa cho cậu biết cái gì đã làm tôi vui vẻ đến thế khi vào viện.

- Cháu quên mất chuyện đó rồi đấy, tôi thú thật.

- Vậy hãy vào bếp, tại đó cậu sẽ tìm thấy một gói cà phê trong tủ bếp phía trên bồn rửa, chắc cậu biết dùng máy pha cà phê chứ?

- Cháu nghĩ là có.

- Dù thế nào đi nữa, kết quả chắc cũng không thể kinh khủng hơn thứ thuốc độc cậu vừa cho tôi nếm thử lúc nãy.

Tôi viện hết tài khéo léo có thể trong việc pha cà phê rồi quay trở ra phòng khách mang theo một chiếc khay. Alice rót cà phê cho cả hai chúng tôi, bà uống tách của mình mà không đưa ra lời bình luận nào, vậy là tôi đã thành công mỹ mãn với nhiệm vụ được giao.

- Nào, tại sao tối qua cụ lại vui vẻ đến vậy? tôi trở lại với câu hỏi. Làm mình đau đầu có gì đáng để vui.

Alice cúi người về phía chiếc bàn thấp, đưa mời tôi một hộp bánh quy.

- Đám con cái của tôi làm tôi phát tởm, giá mà cậu biết tới mức nào! Tôi không tài nào chịu đựng nổi cách chuyện trò của chúng nó, vợ của một đứa và chồng của đứa kia còn làm tôi bực mình hơn nữa. Chúng nó lúc nào cũng chỉ biết phàn nàn, chẳng biết quan tâm tới bất cứ điều gì ngoài cuộc sống riêng nhỏ nhen của chúng nó. Mà có phải tôi không dạy cho chúng nó biết về thơ đâu cơ chứ. Tôi từng là giáo viên môn Pháp văn, cậu biết đấy, nhưng hai đứa ngu ngốc đó chỉ có hứng thú với những con số. Tôi muốn thoát khỏi cảnh phải đón giao thừa ở nhà đứa con dâu, như thế cũng đồng nghĩa với một cực hình, con dâu tôi đúng là dùng chân để nấu bếp chứ không phải tay, thậm chí một con gà tây mái cũng biết lo bữa ăn cho mình khá hơn thế. Để không phải bắt chuyến tàu sáng hôm qua tới ngôi nhà nghỉ đồng quê ám quẻ của chúng nó, tôi đã lấy cớ bị sưng mắt cá chân. Tất cả chúng nó đều làm bộ ái ngại; nhưng tôi xin cam đoan với cậu, chỉ trong năm phút là cùng, không hơn.

- Thế nếu có ai đó trong bọn họ quyết định đi xe tới đón cụ thì sao?

- Khỏi cần phải lo chuyện đó, con gái và con trai tôi đã cùng nhau thi xem đứa nào ích kỷ hơn từ khi chúng nó mới mười sáu tuổi. Giờ chúng nó đã lớn thêm bốn mươi tuổi nữa và vẫn chưa đứa nào chính thức thắng cuộc. Tôi đang ở trong bếp tự nhủ rằng sau khi chúng nó đi nghỉ về, tôi cần quấn băng quanh mắt cá chân để có bằng chứng biện minh cho lời nói dối của mình thì bị trượt chân và chổng cả bốn vó lên trời. Mười lăm phút trước nửa đêm, mấy anh chàng lính cứu hỏa tìm tới nhà tôi. Tôi vẫn xoay xở mở được cửa cho họ, sáu chàng trẻ tuổi đẹp trai trong căn hộ của tôi, chỉ riêng cho tôi vào đúng đêm giao thừa, thay vì đứa con dâu tệ hơn cả gà tây mái của tôi, quả thực tôi không đòi hỏi nhiều đến thế! Bọn họ khám cho tôi, đưa tôi lên cáng để khiêng xuống cầu thang. Lúc ấy vừa đúng nửa đêm, khi chúng tôi sắp sửa lên đường tới bệnh viện, tôi đã hỏi anh chàng đại úy liệu anh ta có thể đợi thêm chút nữa được hay không. Tình trạng của tôi chẳng có gì đáng phải vội vàng cả. Anh ta đồng ý, vậy là tôi mời họ sô cô la, chúng tôi đã đợi đủ thời gian cần thiết...

- Thế cụ đợi gì vậy?

- Theo ý cậu thì là gì? Đợi điện thoại đổ chuông! Có vẻ năm nay vẫn chưa phải thời điểm người ta phân định được thắng thua giữa hai đứa con quý hóa của tôi. Khi tới bệnh viện, tôi bật cười vì cái mắt cá chân của mình đã kịp sưng phồng lên trong thời gian ở trên xe của mấy người lính cứu hỏa. Cuối cùng thì tôi cũng có được nó, những miếng băng bó của tôi.

Tôi giúp Alice nằm xuống giường, bật ti vi của bà cụ lên rồi để bà nằm nghỉ. Vừa về đến nhà, tôi lao vội tới điện thoại gọi về cho mẹ.

*

Tháng Giêng lạnh buốt. Luc trở về sau kỳ nghỉ, quyết tâm hơn bao giờ hết với chuyện học hành. Ông bố đã làm cậu bạn tôi phát bực, còn cô em gái lại dành nhiều thời gian cho chiếc máy trò chơi điện tử hơn là trò chuyện cùng ông anh trai. Đúng như tôi nhờ, Luc đã ghé qua thăm mẹ tôi. Cậu thấy mẹ tôi có vẻ không được khỏe. Bà nhờ cậu chuyển lại cho tôi một bức thư và một món quà Giáng sinh.

Con yêu quý,

Mẹ biết công việc khiến con bận rộn tới mức nào. Đừng di ngại gì hết, tối hôm Giáng sinh mẹ thấy hơi mệt và đã đi ngủ sớm. Khu vườn cũng giống như mẹ, ngủ vùi dưới sương giá của mùa đông. Các dãy hàng rào đều phủ tuyết trắng xóa, quang cảnh quả là tuyệt đẹp. Ông hàng xóm có ghé qua, đem cho mẹ đủ củi để sưởi cho cả mùa đông. Tối đến, mẹ lại nhóm lò sưởi và vừa ngắm nhìn ngọn lửa bập bùng trong lò, mẹ vừa nghĩ đến con, đến cuộc sống hối hả của con. Điều đó làm mẹ nhớ lại biết bao hồi ức. Hẳn giờ đây con sẽ hiểu rõ hơn tại sao có những lúc mẹ mệt lả khi đặt chân về tới nhà và mẹ hy vọng giờ con có thể tha lỗi cho mẹ những buổi tối đó, khi không phải lúc nào mẹ cũng tìm được sức lực để trò chuyện cùng con. Mẹ không được nhìn thấy con thường xuyên hơn, me thấy thiếu vắng hình bóng con, nhưng mẹ tự hào và hạnh phúc vì những gì con đã làm được. Mẹ sẽ đến thăm con vào ngay đầu mùa xuân. Mẹ biết mẹ đã hứa sẽ tới thăm con vào tháng Hai, nhưng với thời tiết giá rét kéo dài như lúc này, mẹ nghĩ nên thận trọng là hơn; mẹ không muốn biến mình thành một bênh nhân ốm yếu để làm phiền con. Nếu con may mắn có cơ hội thu xếp được vài ngày nghỉ về với mẹ, và mặc dù khi viết cho con như vậy mẹ biết điều đó khó lòng có cơ hội xảy ra, mẹ sẽ là người mẹ hạnh phúc nhất.

Một năm mới tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta, tới tháng Sáu con sẽ được cấp bằng tốt nghiệp và bắt đầu thời kỳ nội trú. Con biết điều đó còn rõ hơn mẹ nhưng chỉ riêng việc viết những từ này cho con đã làm mẹ tự hào đến mức có thể viết lại cả trăm lần.

Và mẹ chúc con một năm mới tốt đẹp và hạnh phúc, con trai của me.

Mẹ của con, người luôn yêu con.

Tái bút: Nếu con không thích màu của chiếc khăn này thì cũng mặc, con sẽ không thể đem đi đổi được đâu, vì chính mẹ đã đan nó cho con. Nếu nó có đôi chỗ đan lỗi thì cũng bình thường thôi, đây là lần đầu tiên mẹ cầm que đan và cũng là lần cuối cùng, công việc này thực sự khiến mẹ kinh hoàng.

Tôi mở gói quà ra, lấy chiếc khăn quàng lên cổ. Luc lập tức làm bộ giễu tôi. Chiếc khăn được đan bằng len màu tím, một đầu rộng hơn đầu còn lại. Nhưng một khi đã quàng lại, sẽ chẳng ai phát hiện ra điều đó. Chiếc khan ấy tôi đã quàng trong suốt cả mùa đông.

 

Sophie xuất hiện trở lại vào cuối tuần lễ đầu tiên của tháng Giêng. Trước đó, tối nào tôi cũng ghé qua khoa nơi cô làm, nhưng chẳng bao giờ gặp cô. Lần này, chính cô tìm tới khoa Cấp cứu gặp tôi, đúng vào ngày cô quay trở lại bệnh viện. Làn da rám nắng của cô nổi bật lên giữa những khuôn mặt trắng trẻo xung quanh. Như cô nói với tôi, cô cần phải đi tìm cho mình chút không khí trong lành. Tôi kéo cô vào quán cà phê nhỏ đối diện bệnh viện, và hai chúng tôi cùng nhau ăn tối ở đó trước khi quay lại làm việc.

- Em đã ở đâu vậy?

- Như anh thấy đấy, dưới ánh mặt trời.

- Một mình?

- Cùng với một cô bạn.

- Ai thế?

- Em cũng có vài cô bạn thời niên thiếu chứ. Mẹ anh có khỏe không?

Cô để cho tôi nói một hồi lâu, thế rồi đột nhiên, cô đặt bàn tay lên bàn tay tôi và nhìn tôi như nài nỉ.

- Thế là đã bao lâu rồi, anh và em ấy? cô hỏi tôi.

- Tại sao em hỏi vậy?

- Trả lời em đi. Là khi nào, lần đầu tiên của hai đứa mình ấy?

- Là ngày môi của em và anh gặp nhau khi anh tìm tới khoa gặp em, tôi nói không chút do dự.

Sophie nhìn tôi với vẻ buồn rầu.

- Hay ngày anh mời em ăn kem trong công viên? tôi tiếp tục.

Khuôn mặt cô càng sa sầm hơn nữa.

- Em muốn hỏi anh ngày tháng cụ thể.

Tôi cần có vài giây để suy nghĩ, còn cô không cho tôi thời gian làm việc đó.

- Lần đâu tiên chúng mình làm tình với nhau là hai năm trước, cũng ngày hôm nay. Thậm chí anh còn không nhớ nổi nữa. Đã hai tuần nay anh và em không gặp nhau, vậy mà rồi chúng ta kỷ niệm dịp đầu tiên ấy trong một quầy bar thảm hại trước cổng bệnh viện, và cũng chỉ vì cần ăn qua loa thứ gì đó trước khi anh và em đi trực. Em không thể cứ tiếp tục lúc làm người bạn thân nhất của anh, lúc làm người tình của anh nữa. Anh luôn sẵn sàng tận tụy vì cả nhân loại, vì bất cứ người lạ mặt nào mới vừa gặp qua buổi sáng, còn em, em chỉ là một cái phao để anh bám vào những khi dông bão nhưng rồi lập tức bị bỏ quên ngay khi trời đẹp trở lại. Anh quan tâm tới Luc trong vài tháng còn nhiều hơn là dành cho em trong hai năm vừa qua. Cho dù anh có chịu chấp nhận hay không đi nữa, anh và em không còn là trẻ con chạy dưới sân trường để đùa bỡn nữa. Em chỉ là một bóng trong cuộc đời anh, trong khi anh lại là hơn thế với em, và điều đó khiến em đau khổ. Tại sao anh lại đưa em về gặp mẹ anh, tại sao lại dành cho em khoảnh khắc riêng tư đến thế trên tầng gác áp mái của anh, tại sao lại để em bước vào cuộc đời anh chỉ như một người khách qua đường như thế? Em đã nghĩ tới chuyện chia tay anh cả trăm lần, nhưng em không thể một mình làm nổi việc đó. Vậy nên em muốn anh giúp em một việc, hãy làm điều đó vì cả em và anh, hoặc nếu anh thực sự tin chúng mình có thứ gì đó để cùng chia sẻ, cho dù chỉ trong một thời gian thôi đi nữa, hãy thực sự giúp anh và em có những điều kiện cần thiết để cùng tiếp tục mối quan hệ này.

Sophie đứng dậy rời khỏi quán. Qua khung cửa kính, tôi trông thấy cô đứng trên vỉa hè chờ tới lúc đèn chuyển đỏ để sang đường, trời đang mưa, cô đã kéo cổ áo blu lên che sau gáy, và không hiểu vì sao cử chỉ vặt vãnh này bỗng khiến tôi khao khát muốn có cô. Tôi lục hết túi quần túi áo, để toàn bộ số tiền tìm được xuống mặt bàn để thanh toán rồi vội vàng lao theo cô. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hôn nhau dưới cơn mưa lạnh buốt, và giữa những cái hôn, tôi xin lỗi cô về những nỗi khổ tâm tôi đã gây ra cho cô. Giá như biết trước, hẳn tôi cũng đã xin cô tha thứ cho những nỗi đau khổ không bao lâu nữa tôi sẽ lại gây ra cho cô, nhưng lúc này tôi chưa hề biết đến chúng, và lời xin lỗi của tôi thực sự chân thành.

 

Mang theo một chiếc bàn chải đánh răng cắm vào cốc thủy tinh, vài ba món quần áo trong tủ, một chiếc đồng hồ báo thức trên mặt bàn đầu giường, dăm cuốn sách đi mượn, tôi để căn phòng của mình lại cho Luc và dọn tới ở cùng Sophie. Ngày nào tôi cũng đảo qua căn phòng của mình, một thoáng ghé qua ngắn ngủi, giống như một thủy thủ đảo qua kiểm tra những sợi dây buộc thuyền. Mỗi lần như thế, tôi đều nhân dịp dấn bước leo lên thêm một tầng nữa. Alice vẫn khỏe mạnh vui vẻ. Tôi nán lại trò chuyện một lát cùng bà cụ, bà tiếp tục thao thao bất tuyệt trút đủ thứ kinh khủng xuống đầu hai đứa con, và chuyện đó lúc nào cũng làm bà rất khoan khoái. Tôi đã để lại chỉ dẫn cụ thể cho Luc để những khi tôi vắng mặt, cậu sẽ thay tôi đảm bảo bà cụ không bị thiếu thốn gì.

Một buổi tối, tình cờ cả hai chúng tôi lại gặp nhau tại nhà bà cụ, bà bèn nói với chúng tôi một nhận xét chí ít cũng phải coi là đáng kinh ngạc.

- Thay vì sinh ra đời những đứa con và nhọc nhằn nuôi dạy chúng khôn lớn, tốt hơn người ta nên nhận chúng làm con nuôi khi chúng đã đến tuổi trưởng thành, ít nhất khi đó người ta cũng biết mình đang dính dáng đến loại ngưòi nào. Nếu là tôi, tôi sẽ ngay lập tức chọn hai cậu.

Luc ngỡ ngàng nhìn tôi, còn Alice, vô cùng hưng phấn trước hiệu ứng vừa tạo ra, tiếp tục diễn thuyết.