Người Trộm Bóng

Chương 10

Đến lượt mình, Sophie vặn hỏi cậu về những trò quỷ quái mà cậu bạn tôi nhắc tới hôm qua, khi chúng tôi đứng ngoài hàng rào trường học. Bất chấp tôi đưa mắt nhìn đầy ngụ ý, Luc vẫn kể cho cô nghe những chuyện đen đủi tôi từng gặp phải với Marquès, về lần tôi bị nhốt trong ngăn tủ, về cách cậu giúp tôi được bầu làm cán bộ lớp hằng năm, thậm chí cả vụ hỏa hoạn ở nhà kho cũ cũng được nhắc đến. Theo mạch chuyện, tiếng cười của Luc trở lại giống như ngày xưa, thật chân thành, thật cởi mở.

- Mấy giờ hai người đi? cậu hỏi.

Sophie bắt đầu ca trực của cô lúc nửa đêm, còn tôi bắt đầu làm việc từ sáng hôm sau. Chúng tôi sẽ đi chuyến tàu đầu giờ chiều. Luc ngoạc miệng ra ngáp, cậu đang cố chống đỡ cơn mệt mỏi. Sophie lên gác chuẩn bị thu xếp đồ vào túi của cô, để hai chúng tôi ngồi lại với nhau.

- Cậu sẽ trở lại chứ? Luc hỏi tôi.

- Tất nhiên rồi, tôi trả lời cậu.

- Cố gắng thu xếp để dịp đó là một ngày thứ Hai, nếu có thể, đương nhiên rồi, tiệm bánh nhà tớ nghỉ bán thứ Ba hằng tuần mà, cậu vẫn nhớ chứ? Như thế tớ và cậu có thể cùng nhau trải qua một buổi tối thực sự, điều đó sẽ làm tớ rất vui. Bọn mình chẳng có được nhiều thời gian, tớ rất thích được tiếp tục nghe cậu kể lại những gì cậu làm ở đó.

- Luc, sao cậu không tới chỗ tớ? Tại sao không thử giành lấy cơ hội cho bản thân? Cậu luôn mơ ước được theo học ngành y kia mà. Trong khi chờ đợi cậu tìm được một học bổng, tớ có thể thu xếp cho cậu một chỗ làm tạp vụ để kiếm thêm, hơn nữa cậu không phải lo trả tiền nhà đâu, chỗ tớ ở không rộng lắm nhưng bọn mình có thể ở cùng được.

- Cậu muốn bây giờ tớ quay lại đi học sao? Đáng ra cần nhắc nhở tớ chuyện này từ năm năm trước kia, bạn thân mến!

- Có sao đâu nếu cậu bắt đầu hơi muộn hơn những người khác một chút? Cậu đã bao giờ thấy ai hỏi tuổi bác sĩ khi bước chân vào phòng khám chưa?

- Tớ sẽ phải lên lớp với những người trẻ hơn tớ nhiều, và tớ không muốn trở thành anh chàng Marquès của lớp.

- Hãy nghĩ tới tất cả những cô nàng Élisabeth sẽ gục ngã trước sức cuốn hút từ vẻ trưởng thành của cậu.

- Hẳn rồi, Luc trầm ngâm đáp, nếu nhìn nhận từ góc độ đó... Mà này, chấm dứt trò làm tớ nằm mơ ban ngày đi nhé. Vai giây như vừa rồi đúng là làm tớ rất khoái, nhưng khi cậu lên tàu, những khoảnh khắc như thế chỉ làm tớ bị giày vò khổ sở thêm.

- Vậy cái gì ngăn cản cậu? Hãy nghĩ xem, chuyện này quyết định cả cuộc đời cậu đấy.

- Và cả cuộc đời của bố tớ, mẹ tớ và em gái tớ, tất cả họ đều cần tớ. Một chiếc xe hơi nếu chỉ còn ba bánh sẽ trở thành đồ bỏ đi. Cậu không thể hiểu một gia đình có nghĩa là gì đâu.

Luc cúi gằm mặt, chúi mũi nhìn xuống tách cà phê của cậu.

- Tớ xin lỗi, cậu nói với tôi, tớ không có ý nói thế. Bạn thân mến, sự thật là bố tớ sẽ không bao giờ để tớ ra đi. Ông cần đến tớ, tớ là cây gậy chống của ông lúc về già, ông mong đợi tớ tiếp quản tiệm bánh khi ông không còn đủ sức thức dậy giữa đêm khuya nữa.

- Trong hai mươi năm nữa, Luc! Bố cậu sẽ trở nên quá già sau hai mươi năm nữa, mà cậu còn một cô em gái nữa kia mà, đúng không?

Luc phá lên cười.

- Ái chà, tớ sẽ rất vui được chứng kiến bố tớ dạy nghề cho con bé, nhưng chính nó mới là người chỉ huy bố tớ. Với tớ, ông là một ông bố nghiêm khắc không khoan nhượng, nhưng còn em gái tớ, con bé có thể bắt ông chiều theo bất cứ điều gì nó muốn.

- Tớ rất vui được gặp lại cậu, cậu biết đấy. Đừng để quá lâu rồi mới quay trở lại. Nói cho cùng, dù một ngày nào đó cậu có trở thành giáo sư nổi tiếng, cho dù cậu có sống trong căn hộ đẹp ở một khu sang trọng tại thành phố lớn, nhà cậu vẫn luôn là nơi này.

Luc ôm chầm lấy tôi rồi đứng dậy ra về. Khi cậu bước tới bến ngưỡng cửa, tôi giữ cậu lại một lát.

- Cậu bắt đầu làm việc lúc mấy giờ?

- Điều đó thì có ý nghĩa gì?

- Tớ cũng làm việc ban đêm, vì thế nếu tớ biết giờ giấc của cậu, khi trực ở khoa cấp cứu tớ sẽ cảm thấy bớt cô độc hơn. Chỉ cần nhìn lên đồng hồ là tớ có thể tưởng tượng ra cậu đang làm gì.

Luc nhìn tôi với vẻ mặt thật lạ.

- Cậu đã hỏi rất nhiều về những gì bọn tớ làm trong bệnh viện, vậy cậu có thể kể cho tớ xem cuộc sống tại lò bánh của cậu diễn ra thế nào chứ?

- Từ lúc 3 giờ sáng, tớ bắt đầu phải ủ bột men gốc, cần trộn lẫn nó với bột mì, nước, muối và men để bắt đầu chuẩn bị bột nhào. Sau lần nhào bột đầu tiên, cho bột vào lò ủ để men gốc bắt đầu hoạt động. Đến khoảng 4 giờ sáng, những người thợ có một quãng nghỉ trong lúc chờ bột ngấu. Những lúc trời dịu mát, tớ hay mở cánh cửa thông ra con hẻm đằng sau tiệm và kê hai cái ghế đẩu ra đó. Bố và tớ cùng ngồi đó uống cà phê. Những lúc như thế hai bố con tớ cũng không nói gì nhiều, bố tớ viện cớ không được làm ồn để bột nhào được nghỉ ngơi, mà nói cho đúng chính ông là người tranh thủ nghỉ ngơi những lúc đó, giờ ông đã bắt đầu cần đến chúng. Uống xong cà phê, tớ để ông ngủ thiếp đi khoảng một tiếng trên ghế, tựa lưng vào bức tường đá. Tớ quay vào rửa các khay đựng rồi rải lên mặt khay những tấm khăn vải lanh dùng để lót bánh mì.

“Khi bố tớ quay vào, hai bố con lại chuẩn bị cho lần lên men thứ hai. Tớ và bố chia bột nhào ra, nặn thành hình, khía lên từng miếng bột để có những chiếc bánh đẹp, rồi cuối cùng cho vào lò nướng.

“Mỗi tối, hai bố con tớ lại lặp lại từng ấy động tác song mỗi lần thách thức đều khác nhau nếu muốn thu được cùng kết quả. Nếu trời lạnh, bột nhào mất nhiều thời gian để ngấu hơn, cần phải tăng thêm nước ấm và men; nếu trời nóng, nó lại cần có nước thật lạnh, nếu không sẽ khô lại quá nhanh. Người ta không thể làm ra những chiếc bánh mì ngon nếu không cẩn thận chú ý tới từng chi tiết kể cả vào lúc thời tiết như ngoài trời bây giờ; thợ làm bánh mì không thích những cơn mưa, chúng làm công việc của họ kéo dài hơn.

“Đến 6 giờ, tớ và bố lấy mẻ bánh đầu tiên trong ngày ra khỏi lò. Sau khi chờ cho bánh mì nguội đi, tớ mang bánh ra tiệm. Công việc của tớ là vậy đấy, bạn thân mến, nhưng nếu cậu tin những gì tớ vừa kể cho cậu nghe sẽ giúp cậu trở thành một người thợ làm bánh thì cậu nhầm to rồi đấy. Hãy nhớ, những câu chuyện kể về bệnh viện của cậu cũng không thể biến tớ thành bác sĩ được. Thôi nhé, giờ nhất định tớ phải đi ngủ đây, hãy giúp tớ ôm hôn mẹ cậu, và nhất là cô bạn gái của cậu. Cách nàng ngắm nhìn cậu trông dễ thương lạ lùng, cậu thật may mắn, và tớ chân thành mừng cho cậu.”

Sau khi Luc đi khỏi, tôi ra ngoài vườn tìm mẹ. Tôi thấy bà đang ngồi xổm trước một luống hoa hồng. Cơn mưa đã làm những bông hoa rũ xuống, và mẹ tôi đang tỉ mẩn nâng từng bông lên.

- Hai đầu gối làm mẹ đau quá, bà rên rỉ trong lúc đứng lên. Còn con, trông con khá hơn hôm qua nhiều đấy. Con cần nghỉ ngơi lấy vài ngày để lại sức.

Con không nói gì, con lặng im ngắm nhìn đôi mắt mẹ đang mỉm cười với con. Giá mẹ biết con mong mẹ nói với con một lời tha lỗi đến chừng nào, giống như khi mẹ còn có khả năng tha thứ tất cả, kể cả sự vắng mặt.

- Hai đứa hợp nhau lắm, mẹ nói với tôi trong lúc đưa tay ra nắm lấy tay tôi. Vì tôi vẫn không nói gì, bà tiếp tục dòng độc thoại của mình.

- Nếu không tối qua con đã không đưa cô ấy lên thăm căn gác áp mái của con. Con biết đấy, mẹ nghe thấy hết mọi âm thanh trong ngôi nhà này, mẹ vẫn luôn nghe thấy tất cả. Sau khi con đi, mẹ đã từng leo lên đó. Khi nhớ con quá, mẹ mở cửa sập ra và lên ngồi trước khung cửa sổ. Mẹ cũng không biết tại sao nữa, nhưng ở trên đó mẹ có cảm giác trở nên gần gũi con hơn, như thể khi nhìn qua khung cửa kính, mẹ có thể trông thấy con ở nơi xa. Đã lâu rồi mẹ không lên lại trên đó; như mẹ vừa nói với con, bây giờ hai đầu gối làm mẹ đau, mà ở trên đó cần phải bò bằng cả hai tay hai chân giữa đống đồ đạc bừa bộn. Ồ, đừng có chường bộ mặt đó ra như thế, mẹ thề là chưa bao giờ mở bất cứ chiếc hộp nào của con ra. Mẹ của con cũng có những kiếm khuyết, nhưng mẹ không phải là người thiếu tế nhị.

- Con chẳng có gì để trách mẹ cả, tôi nói với bà.

Mẹ áp một bàn tay lên má tôi.

- Hãy thành thật với chính con, và nhất là với cô ấy; nếu thứ con cảm thấy không phải là tình yêu, hãy đừng để cô ấy hi vọng, đó là một cô gái tốt.

- Tại sao mẹ lại nói với con điều đó?

- Vì con là con trai mẹ, và mẹ hiểu rõ con như thể mẹ đã tạo ra con vậy.

Mẹ giục tôi lên với Sophie và để mặc bà với những cây hoa hồng của bà. Tôi lên phòng. Sophie đang chống tay đứng bên cửa sổ, trầm ngâm nhìn vào khoảng không.

- Em giận anh vì đã để mặc em một mình đúng không?

Sophie quay lại.

- Với những giờ lên lớp, em có thể ghi bài cho cả hai người, nhưng nếu em nhớ không nhầm, anh còn ca trực vào tối thứ Hai đúng không?

- Đúng thế, đấy cũng là việc thứ hai anh muốn nhờ em giúp. Nếu có thể, em tới báo với phụ trách khoa anh bị mệt, không có gì nghiêm trọng, một cơn viêm họng mà anh muốn điều trị cho khỏi hẳn để không lây sang bệnh nhân. Anh chỉ cần hai mươi tư giờ thôi.

- Không, em không giận anh đâu, anh hầu như chưa kịp gặp mẹ, và một tối được ở bên trò chuyện cùng anh chắc chắn sẽ làm bà rất vui. Mà vì em quay về một mình, em sẽ có nhiều thời gian để nghĩ ra một cái cớ hợp lý hơn.

Mẹ tôi rất vui khi được biết tôi sẽ ở lại lâu hơn dự kiến một chút. Tôi mượn xe của bà đưa Sophie ra ga.

Cô hôn lên má tôi, mỉm cười tinh nghịch trước khi leo lên toa. Ngày nay những ô cửa sổ trên toa tàu không mở ra được nữa, người ta không còn có thể chào tạm biệt nhau như trước đây. Đoàn tàu chuyển bánh, Sophie vẫy tay chào tạm biệt tôi, và tôi đứng lại trên sân ga cho tới khi ánh đèn của toa tàu cuối cùng khuất hẳn khỏi tầm nhìn.

*

- Có chuyện gì không ổn vậy? mẹ tôi hỏi khi tôi về đến nhà.

- Mọi việc đều ổn cả, điều gì làm mẹ lo lắng vậy?

- Con đã lùi ngày quay về, để mặc bạn gái về một mình chỉ để trải qua một buổi tối bên cạnh mẹ sao?

Tôi ngồi xuống bên bà tại chiếc bàn ăn trong bếp, rồi nắm lấy hai bàn tay bà trong tay tôi.

- Con nhớ mẹ lắm, tôi vừa nói vừa hôn lên trán mẹ.

- Được rồi, mẹ hy vọng rồi con sẽ nói cho mẹ biết điều gì làm con bận tâm.

Mẹ và tôi ăn tối trong phòng khách, mẹ đã chuẩn bị cho hai chúng tôi khay đồ ăn tối tôi ưa thích, với giăm bông và mì trứng, giống như ngày xưa. Mẹ ngồi xuống trường kỷ bên cạnh tôi, lặng lẽ nhìn tôi ăn ngon lành mà không hề động đến phần của bà.

Tôi đang định dọn đĩa đi thì mẹ cầm lấy tay tôi, nói với tôi những chiếc đĩa có thể đợi sau. Bà hỏi liệu tôi có sẵn lòng mời bà lên căn gác áp mái của tôi không. Tôi đưa mẹ lên tận mái, kéo thang xuống, đẩy cửa sập lên, và hai mẹ con tôi cùng tới ngồi trước khung cửa sổ.

Tôi do dự một lát trước khi hỏi mẹ câu hỏi vẫn luôn cháy bỏng trên môi tôi từ bấy lâu nay.

- Mẹ không bao giờ biết được tin tức gì của bố sao?

Mẹ tôi nhướng mày. Tôi lại tìm thấy trong đôi mắt bà ánh nhìn của một y tá vẫn luôn xuất hiện khi bà muốn tìm hiểu xem có phải tôi đang che giấu điều gì hay không, hay liệu tôi có đang vờ ốm để né tránh một bài kiểm tra lịch sử hay toán.

- Con vẫn còn hay nghĩ tới ông ấy sao? bà hỏi tôi.

- Mỗi khi có một người đàn ông trạc tuổi bố xuất hiện ở khoa Cấp cứu, con luôn cảm thấy lo lắng, con sợ nhỡ đó chính là bố, và cứ mỗi lần như thế con lại tự hỏi con sẽ phải làm gì nếu bố không nhận ra con nữa.

- Ông ấy sẽ nhận ra con ngay lập tức.

- Vậy tại sao không bao giờ bố tới thăm con?

- Mẹ đã phải mất rất nhiều thời gian để có thể tha thứ cho bố con. Có lẽ là quá nhiều thời gian. Chuyện đó đã làm mẹ nói ra những điều khiến mẹ hối tiếc, song cũng chỉ vì mẹ vẫn còn yêu bố con. Mẹ chưa bao giờ thôi yêu ông ấy. Người ta vẫn hay làm những điều khủng khiếp khi tình yêu và hận thù trộn lẫn vào nhau, những điều về sau khiến họ phải tự trách mình. Điều khiến mẹ oán trách bố nhất không phải là việc ông đã bỏ rơi mẹ, cuối cùng rồi mẹ cũng đã đi đến thừa nhận phần trách nhiệm của mình trong chuyện đó. Nỗi khổ sở vò xé hành hạ mẹ chính là phải hình dung ra bố con hạnh phúc bên một người đàn bà khác. Mẹ từng rất hận ông ấy vì đã yêu bà ta đến mức đó. Mẹ cần thổ lộ với con một điều, và mẹ biết con sẽ thấy mẹ thật cổ hủ khi nói ra điều này, nhưng bố con là người đàn ông duy nhất mẹ từng biết đến. Nếu giờ đây mẹ gặp lại bố, mẹ sẽ cảm ơn ông ấy đã tặng mẹ món quà tuyệt vời nhất trên đời: con.

Không phải cái bóng của mẹ thổ lộ cho tôi tâm sự thầm kín đó, mà đúng là bà.

Tôi ôm chặt lấy mẹ, nói với bà rằng tôi yêu bà.

Có những khoảnh khấc vô cùng quý báu trong cuộc đời rốt cuộc lại xuất phát từ một vài điều giản dị. Nếu tối hôm đó tôi không ở lại cùng mẹ, tôi tin chắc sẽ chẳng khi nào có được cuộc trò chuyện đó với bà. Khi mẹ và tôi rời khỏi căn gác áp mái, tôi quay lại nhìn lần cuối cùng về phía khung cửa và thầm lặng nói lời cảm ơn cái bóng của mình.

 

Tôi đặt đồng hồ báo thức để nó đổ chuông lúc 3 giờ sáng. Tôi mặc quần áo, rón rén rời khỏi nhà lần bước theo con đường đi học ngày nào. Vào giờ đó, cả thị trấn vắng tanh. Tấm cửa kéo bằng sắt che kín khung kính của tiệm bánh, tôi băng qua cửa tiệm, nhẹ bước rẽ vào con hẻm kế bên. Đứng im trong bóng tối, cách một khung cửa nhỏ bằng gỗ chừng năm mươi mét, tôi chờ đợi khoảnh khắc thích hợp.