Uyli cũng không bén mảng đến lâu đài. Hắn chỉ quanh quẩn trong xóm Quabex và đi tới những nơi ít người qua lại. Xe ô tô hắn gửi ở một thị trấn gần đó, khi nào cần, thằng nhỏ theo hầu sẽ chạy ra bưu điện Lêxmêlăng gọi điện thoại.
Lâu đài Kecmaden thuộc quyền sở hữu của Đugan về cả hai mặt. Do là con trai trưởng của Riếch Pơnanxcôt chàng được quyền thừa hưởng gia tài này. Về mặt khác, Ivo khi đó đinh ninh chàng là con mình, cũng làm giấy trao quyền sở hữu lâu đài cho Đugan.
Một buổi tối, hai người trông nom lâu đài, gốc quê Brơtanhơ, và là hai cha con, tính tình đều trầm lặng giống nhau, thấy một chiếc ô tô đỗ trước cổng. Chàng trai Trung Hoa Vũ bước ra báo tin Ngài Bá tước Đugan Pơnanxcôt sẽ tới đây ít ngày.
- Các người không được lộ cho ai biết tin này, - Vũ nói thêm. - Ngài bị ám sát hụt, may không chết nhưng bị thương rất nặng. Ngài về nghỉ chữa bệnh tại đây và nhất thiết không được để lộ. Tên sát nhân kia mà biết là rất phiền phức.
- Chúng tôi sẽ kín như bưng, - hai cha con người trông nom lâu đài nói.
Cùng với Vũ, ba người tiến hành nhanh chóng các công việc chuẩn bị, thật ra cũng không phức tạp gì mấy bởi vì hai người trông nom lâu đài rất chu đáo.
Tối hôm sau ba chiếc ô tô lặng lẽ chạy vào, chở Đugan, bà Nuhuốcman và tùy tùng gồm có bác sĩ Tsang, đứa con nhỏ Acmaen và một số người hầu. Họ theo lối qua thành phố Lôdan để đánh lạc hướng theo dõi của Ivo Pơnanxcôt mà họ đoán đã bố trí người xung quanh vùng này.
Đugan vào ở gian phòng mà lần trước chàng đã ở. Sau hai ngày nghỉ ngơi, bác sĩ Tsang cho phép bệnh nhân dạo chơi đôi chút ngoài vườn. Nhưng bao nhiêu nỗi lo lắng, bực dọc, thậm chí căm giận đã hủy hoại thần kinh của Đugan, khiến sức khỏe của chàng rất chậm hồi phục. Bác sĩ Tsang và bà Nuhuốcman rất lo lắng.
Đugan ra ngồi ngoài lầu bát giác bằng đá cẩm thạch xây theo kiểu Trung Hoa, nơi chàng đã gặp cô gái hóa trang thành người phụ nữ Ấn Độ trong đêm hội ngày nào. Cô gái ấy đã cuốn hút chàng cho đến hôm nay sự cuốn hút đó vẫn không hề giảm. Chàng nhớ lại buổi tối hôm ấy và việc chàng lật tấm mạng để xem mặt khiến cô giận dữ hoảng hốt chạy biến đi mất. Ôi, Goen, cô gái có trái tim nồng cháy cũng thừa hưởng được dòng máu ưa mạo hiểm của họ nội. Goen, cô gái mà chàng hết lòng yêu quý và bây giờ chàng không biết số phận ra sao.
Một trong mấy ngày sau chàng ra lầu hóng gió xây theo kiểu Ấn Độ bên bờ một hồ sen nhỏ đầy những bông sen hồng. Nhắm mắt lại, chàng hồi tưởng lại những lần chàng về đây, tại lâu đài Kecmaden này mà chàng rất yêu mến vì vẻ lặng lẽ, yên tĩnh. Nghe nói lâu đài này xưa kia là sào huyệt của những đảng cướp, sau này rơi vào tay dòng họ Pơnanxcôt cũng mang trong mình dòng máu giang hồ. Do phiêu lưu nhiều nơi trên thế giới, ông cha chàng đã đem về đây nhiều thứ quý và gia tài của chàng ở đây đáng giá những khoản tiền khổng lồ. Goen, người chàng yêu cũng có nhiều nét gần với chàng. Nàng cũng mang dòng máu Đuốcden nhưng là chi trưởng mạnh mẽ chứ không phải như Hecvê cũng dòng họ Đuốcden nhưng là chi thứ nhu nhược hèn kém.
Trong dòng họ Đuốcden còn có một người nữa mà chàng quý mến. Đó là bà cô không chồng, cô họ của Goen, bà Hecmini. Ngoài việc bà cưu mang, giúp đỡ làm nhẹ đi cuộc sống lầm than của Goen, bà còn có một vẻ gì đó thẳng thắn, phúc hậu và can đảm khiến Đugan vừa kính phục, vừa yêu mến.
“Ta sẽ phải đến thăm bà. Với bà, ta có thể nói chuyện về Goen, chàng nghĩ. Nhưng không được! Đến đó không nên. Ta sẽ mời bà lại đây và mời bí mật”.
Tối hôm sau bà Hecmini đang đọc sách bên cạnh lò sưởi cháy rực do chị Masa nhen lên, lúc này đã sang tháng mười bắt đầu lạnh, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Chị Masa ra mở và thấy một chàng trai Trung Hoa, đưa lá thư và nói câu tiếng Pháp rất sõi:
- Chị làm ơn chuyển giúp cho bà Hecmini Đuốcden. Tôi đợi trả lời ngay.
Bà Hecmini lấy làm lạ, vội bóc ra đọc:
“Cháu hiện đang ở Kecmaden, rất muốn được gặp cô. Nhưng cô hãy giấu kín việc cháu về đây. Cô có thể tới lâu đài Kecmaden một ngày gần đây được không? Cô chỉ cần xưng danh ngoài cổng, người ta sẽ đưa cô vào. Xin cô phúc đáp ngay. Cảm ơn cô.
Bá tước
Đugan Pơnanxcôt”
- Ôi, cậu Đugan!
Bà reo lên hết sức ngạc nhiên.
- …Nhưng sao cậu ta lại về Kecmaden? Sao thư không nhắc gì đến con Goen thế này? Hay lại có chuyện gì nữa? Masa, chị đọc thử xem này. Rồi chị ra trả lời với anh chàng Trung Hoa ấy là tôi sẽ sang vào năm giờ chiều mai. Lúc ấy trời đã tối rồi.
Masa chuyển câu trả lời và anh chàng Trung Hoa ra về. Chị quay vào, bà Hecmini hỏi.
- Chị thấy thế nào, Masa?
Chị hầu phòng lắc đầu.
- Cháu lo cô Goen gặp chuyện gì, thưa bà! Cháu có hỏi cái ông Trung Hoa ấy “Phu nhân Goen cũng có ở lâu đài chứ?” thì ông ta đáp: “Không”.
- Quái lạ! Và đáng lo nữa chứ. Tại sao phải bí mật đến như thế này? Rồi lại sự có mặt của cậu Uyli kia ở Ticarếch! Tất cả những trò này là cái gì vậy? Xem chừng không hay ho gì cho con bé Goen của tôi, chị Masa ạ.
- Cháu cũng nghĩ thế, thưa bà, - chị hầu phòng thú nhận.
- Mai là ta sẽ rõ tất! - Bà Hecmini kết luận.