Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?

Chương 5. Khám Phá Hồ Sơ Học Tập Của Bạn

Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng họ có phương pháp riêng để sử dụng trí óc của mình. Sự ngạc nhiên của họ có hai lý do.

Lý do thứ nhất là hầu hết mọi người đều được dạy rằng kiến thức học được ở trường đã định hình cho trí óc của chúng ta cách thức đúng đắn để học tập và suy nghĩ. Đó là tất cả những gì bài học về tư duy logic, kỹ năng học tập, chiến lược làm bài kiểm tra muốn nói đến. Giáo viên cho rằng đã rèn luyện chúng ta sử dụng trí tuệ của mình một cách đúng đắn, ít nhất là được như nền giáo dục truyền thống đòi hỏi. Tuy nhiên, phương pháp học tập và suy nghĩ mà chúng ta học được ở trường chỉ là một chiều. Và đó lại không phải là cách phù hợp nhất với hầu hết những người đã trưởng thành.

Lý do thứ hai khiến tại sao nhiều người lại tỏ ra ngạc nhiên khi nhận thấy rằng họ suy nghĩ theo cách riêng biệt, và rằng chúng ta không thể xác định được quá trình suy nghĩ của người khác. Bộ não là một cái hộp đen cuối cùng mà chúng ta không thể mở được. Do đó, khó có thể nhận biết được là mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và học tập khác nhau như thế nào.

Nhưng bốn thập kỷ nghiên cứu về tâm lý đã đưa đến một kết luận rằng mỗi người đều có một cách thức riêng biệt để xử lý những thông tin và các khái niệm

Sau đây là ba ví dụ điển hình về cách học tập:

  • Andrew Soltise, nhân viên đại diện bán hàng mới của một công ty dược phẩm có trụ sở đặt tại Minneapolis, nhận thấy rằng bản thân anh ta đang “chết ngộp” vì quá tải thông tin về kỹ thuật mà công ty cung cấp. Anh cũng gặp khó khăn trong việc nắm thông tin về sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.

  • Barbara Paar, luật sư tại St. Louis, phải vật lộn để nắm vững được một chương trình xử lý văn bản mới sử dụng đầy thuật ngữ chuyên môn về luật pháp. “Tôi cảm thấy khó khăn với những chi tiết trong cuốn sách hướng dẫn”, cô giải thích. “Tôi không thể hiểu toàn bộ về nó, có nhiều chi tiết rất mơ hồ”.

  • Nicholas Naritz, biên tập viên của một tạp chí thương mại về ngành công nghiệp đồ trang sức ở New York, mong muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ liên quan tới nước Pháp - từ ngôn ngữ, văn hoá đại chúng, đến xu hướng kinh doanh - để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới đến châu Âu. Nhưng ông lại cảm thấy phiền toái với những “mảnh vụn của kiến thức” mà ông đang thu thập từ một loạt sách về vấn đề này trước khi sắp xếp lại nó.

Vấn đề của Andrew nằm ở chính sự khác biệt giữa cách học của anh ta so với của Barbara. Anh ta thường có thói quen đọc sách kỹ thuật vào buổi tối, sau ngày làm việc với bác sỹ và các hiệu dược phẩm. Nhưng Andrew đã nhanh chóng khám phá ra từ bài tập đầu tiên mà bạn sẽ làm sắp tới, là anh giống loài chim chiền chiện buổi sớm chứ không giống loài cú. Buổi sáng sớm (không phải chiều muộn) là thời gian tốt nhất để anh học. Khi anh xoay lại thời khoá biểu để thức dậy sớm hơn một tiếng vào buổi sáng, đọc sách trước bữa ăn sáng, và nghỉ ngơi vào buổi tối, anh không còn những khó khăn như trên.

Một bài tập đơn giản khác mà bạn làm dưới đây sẽ làm sáng tỏ rằng Barbara thích học “từ trên xuống” hơn là “từ dưới lên”. Vấn đề của cô ấy đã dễ dàng được giải quyết khi cô gọi cho nhà sản xuất, giải thích tình huống, và được xem một cuốn sách hướng dẫn thay thế giải thích toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới theo cách mà Barbara ưa thích.

Vấn đề của Nicholas cũng xuất phát từ chính cách học ưa thích của mình. Anh đã khám phá ra bài tập tối ưu cho bộ não, rằng cách học thích hợp với anh là nắm được cốt lõi của từng lĩnh vực bằng cách hỏi chuyện người khác. Đó cũng chính là cách đưa anh trở thành người am hiểu về kinh doanh trang sức, lĩnh vực mà có rất ít tư liệu để đọc cũng như để học tập. Nhờ đó mà anh tìm thấy được cách hiểu dễ dàng hơn về nước Pháp. Nicolas dẹp những cuốn sách và tạp chí của mình đi và bắt đầu đi đến các địa điểm vào buổi tối, như tại Alliance Francaise. “Tôi sẽ tìm kiếm được những gì tôi cần biết, bằng cách “mưa dầm thấm lâu” như vậy” - Anh nói.

Điều này có ích gì với việc học tập của bạn? Nó phản ánh một sự thật đơn giản là bạn có thể làm cho việc học hữu hiệu hơn bằng chính cách học của mình. Giống như ba học viên điển hình trên, bạn có thể làm cho việc học của bạn dễ dàng hơn và thú vị hơn bằng cách khám phá ra cách học mà bạn thích và sau đó điều chỉnh lại mọi thứ để bạn có thể học theo cách đó.

Trong chương này, bạn sẽ khảo sát bốn khía cạnh về cách học của bản thân bạn. Mục đích của bài tập này là để nhận thức rõ ràng hơn về phương pháp học tập mà bạn ưa thích. (Khi bạn thực hiện theo, có lẽ bạn sẽ thấy rằng rất hữu ích khi ghi chú từng bài tập vào nhật ký học tập của mình để sử dụng sau đó, khi bạn đặt chúng lại với nhau để khám phá thông tin về cách học của bản thân bạn). Sau đó, vào phần cuối chương, bạn sẽ thấy được cách thức mà bạn dễ dàng sắp xếp để học theo một cách thích hợp nhất với bản thân mình.

THỬ NGHIỆM ĐẦU TIÊN:

THỜI GIAN HỌC TẬP HIỆU QUẢ VÀ KHÔNG HIỆU QUẢ

Mọi người đều có một khoảng thời gian ưa thích trong ngày. Đối với một số người thì đó là vào đầu giờ tối, khi đang thư giãn sau một ngày làm việc với tâm trạng háo hức chờ các hoạt động buổi tối. Đó là lúc chúng ta cảm thấy sung sức hơn, sẵn sàng để khiêu vũ cho đến tận nửa đêm. Đối với những người khác, đó lại là khoảng thời gian yên tĩnh lúc bình minh, khi chợt tỉnh giấc và dường như cảm nhận thấy ngày hôm nay tươi mới hơn. Một lĩnh vực hoàn toàn mới thuộc ngành tâm lý học, đó là tâm lý học thời gian, chuyên nghiên cứu về những khuôn mẫu thời gian và năng lượng dành cho từng người.

Ngày nay, điều đó đã được chứng minh chắc chắn rằng mỗi người chúng ta đều được cảnh báo về mặt tinh thần và được thúc đẩy vào một thời gian cố định trong suốt cả ngày. Những con chim chiền chiện thường thức dậy sớm để hót, một loại ngôn ngữ về mặt tinh thần, trong khi những con cú thì phải mất hàng giờ để khởi động cơ thể và không thể đạt đến được cao điểm của chúng cho tới lúc chiều muộn hoặc buổi tối.

Bạn sẽ được ba lợi ích khi biết về thời gian hiệu quả và không hiệu quả dành cho việc học và điều chỉnh được những nỗ lực trong việc học của bạn sao cho phù hợp:

  1. Bạn sẽ yêu thích việc học của bạn hơn khi bạn cảm thấy tâm trạng thoải mái với nó.

  2. Bạn sẽ học một cách tự nhiên và nhanh hơn vì bạn sẽ không phải chống lại những sự phản kháng, mệt mỏi, và lo lắng.

  3. Bạn sẽ sử dụng khoảng thời gian “mệt mỏi” của mình tốt hơn bằng cách làm công việc khác thay vì cố gắng học.

Bài tập này sẽ cho phép bạn xác định thời gian học tập thích hợp đối với mình.

♦ ♦ ♦ ♦

Thời điểm tốt nhất và xấu nhất của bạn

Những câu hỏi sau đây sẽ giúp cho bạn định hướng cảm giác xem thời gian nào trong ngày bạn học tốt nhất. Có thể bạn đã có những ý niệm tổng quát về thời gian thích hợp với bạn, nhưng những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp thúc đẩy bạn hoạt động vào thời điểm đó.

Trả lời đúng hoặc sai cho mỗi câu hỏi.

Tôi không thích thức dậy vào buổi sáng ...

Tôi không thích đi ngủ vào buổi tối ...

Tôi ước tôi có thể ngủ suốt buổi sáng ...

Tôi trằn trọc rất lâu sau khi đã vào giường nằm ...

Tôi chỉ cảm thấy tỉnh ngủ sau 10 giờ sáng ...

Nếu tôi thức khuya, đầu óc tôi rất uể oải khi cần ghi nhớ một thứ gì ...

Tôi thường cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn trưa ...

Khi tôi làm một việc đòi hỏi sự tập trung, tôi thích thức dậy vào buổi sáng sớm để thực hiện nó ...

Tôi thích làm những công việc đòi hỏi cần sự tập trung vào buổi trưa ...

Tôi thường bắt đầu làm những việc đòi hỏi sự tập trung cao nhất sau bữa tối ...

Tôi có thể thức suốt đêm ...

Tôi ước tôi không phải đi làm trước buổi trưa ...

Tôi ước tôi có thể ở nhà suốt cả ngày và đi làm vào buổi tối ...

Tôi thích đi làm vào buổi sáng ...

Tôi có thể ghi nhớ mọi thứ tốt nhất khi tôi tập trung cho nó ...

vào buổi sáng ...

vào giờ ăn trưa ...

vào buổi chiều ...

trước giờ ăn tối ...

sau giờ ăn tối ...

vào đêm khuya ...

♦ ♦ ♦ ♦

(Những câu hỏi trên do Giáo sư Rita Dunn thuộc Đại học St. John, Jamaica, New York đưa ra)

Những câu trả lời của bạn sẽ đưa ra biểu đồ về cách thức thích hợp mà bạn có thể sử dụng khả năng tư duy của mình cho chương trình làm việc trong ngày. Để biết câu trả lời, hãy kiểm tra xem bạn đã trả lời đúng hay sai cho phần lớn câu hỏi chỉ ra khoảng thời gian riêng lẻ trong ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, hay ban đêm. Đó sẽ là khoảng thời gian bạn cảm thấy rằng bạn làm công việc của mình tốt nhất hay tệ hại nhất.

Bạn có thể sử dụng kết quả này như thế nào? Có hai nguyên tắc hướng dẫn đơn giản dành cho phương pháp học tối ưu để tạo cơ hội cho trí óc của bạn được làm việc trong điều kiện thích hợp nhất với nó.

Thứ nhất, phải nắm bắt được thời điểm mà bạn đạt được hiệu quả cao nhất, biết được khi nào thì trí óc của bạn thích hợp nhất để làm việc thành công với tốc độ nhanh chóng, và phải tái sắp xếp lại thời gian biểu của bạn bất cứ khi nào để dễ dàng sử dụng được nó mà không bị quấy rầy trong suốt chu kỳ đó. Thay đổi thời gian những cuộc hẹn và hoãn các cuộc gọi điện lại để tận dụng được thời gian khi trí óc của bạn suy nghĩ được tốt nhất.

Thứ hai, phải dừng lại ngay trước khi kiệt sức. Phải biết khi nào trí óc của bạn ít thích hợp nhất để sẵn sàng cho công việc, và phải lên kế hoạch trước để làm những việc khác có ích hơn hoặc tham gia những hoạt động ưa thích vào thời gian đó, ví như làm công tác xã hội, làm những việc thường nhật, hoặc thư giãn.

Đặc biệt hơn, nếu bạn nhận thấy mình là người thích hợp làm việc buổi sáng thì bạn nên tăng cường việc học bằng cách thức dậy sớm hơn khoảng một giờ hay nhiều hơn so với thường lệ. Bắt đầu ngày mới với một vài món điểm tâm, học tập thoải mái sẽ cho bạn cảm giác tốt vì đã đáp ứng được một số nhu cầu của bản thân trước khi bạn bắt tay vào công việc thường nhật. Điều này cũng cung cấp năng lượng để bạn suy nghĩ trong suốt khoảng thời gian “làm việc không hiệu quả” về những gì bạn đã học trong buổi sáng đó.

Mặt khác, nếu bạn nhận thấy mình là người thích hợp làm việc buổi tối, bạn có thể tận dụng hầu hết khoảng thời gian này. Nghĩ về việc học tập của bạn như là phần thưởng cá nhân mà bạn đã giành được sau khi thực hiện những công việc thường ngày. Hãy xem xét kỹ thời gian cuối buổi chiều và buổi tối của bạn. Bạn cảm thấy như thế nào nếu tập trung một phần thời gian vào việc đọc sách, suy nghĩ, giải quyết vấn đề, nhẩm tính lại trong đầu, sáng tạo, hay lập kế hoạch (tất cả những hoạt động của học tập ), vấn đề đi lại từ nơi làm việc về nhà? Nếu bạn biết trước những gì bạn phải hoàn thành, bạn có thể có những thứ mà bạn cần ngay trước mắt, trên xe buýt hoặc trên tàu hoả (hoặc có thể là một cái cassette sẵn sàng trên xe hơi). Thay vì chỉ ngủ hay dành hết thời gian cho tờ báo buổi tối thì bạn có thể nhận được luồng sinh khí thứ hai với những thứ mà bạn thực sự quan tâm. Và, vào thời điểm bạn về đến nhà, xem một vài chương trình tivi không mấy bổ ích có vẻ chẳng còn hấp dẫn như là bỏ ra nửa giờ hay một giờ để làm công việc mà bạn ưa thích dù cho nó là việc đọc thêm một chút hay ghi chú vào cuốn nhật ký học tập của bạn. Kết quả sẽ là những “chất bổ dưỡng” dành cho tư duy, nó đi vào trí nhớ của bạn trong khi bạn ngủ. Tôi đảm bảo rằng bạn sẽ thức giấc vào buổi sáng với cảm giác hoàn thành công việc. Thỉnh thoảng, bạn dường như thức dậy với những ý tưởng mới của bản thân về những gì mà bạn đã học.

BÀI KIỂM TRA THỨ HAI:

BẠN HỌC TỪ DƯỚI LÊN HAY TỪ TRÊN XUỐNG?

Sau đây là cách mà Carolyn ưa thích để học những điều mới: trước tiên cô ấy xác định xem kết quả thu được cuối cùng có thể là gì - ví dụ như khi đang phát triển hệ thống kế toán cá nhân - cô ấy lập kế hoạch những thứ cần thiết để thực hiện được điều đó. Cô ấy sẽ lên danh sách những thông tin cô ấy cần nắm được và xem xét về những cách thức mà cô ấy có thể sắp xếp những bước thực hiện, tạo ra những cuốn sổ cái, hoặc vài thứ khác nữa. Cô ấy có thể quyết định đầu tư vào những chương trình máy tính sẽ làm công việc cho cô, hoặc cô ấy sẽ xem xét việc tham gia một khoá học kế toán cơ bản tại một trường cao đẳng thương mại ở địa phương. Nhưng bước đầu tiên là cô ấy sẽ lập kế hoạch cho công việc của mình.

Joe thì học theo một cách khác. Ví dụ, khi anh ta muốn nắm vững được công thức nấu ăn mới, anh ta hoàn toàn không nghĩ đến những khoá học hay kế hoạch. Thay vào đó anh ta đi đến nhà hàng, nói chuyện với người bồi bàn hoặc đầu bếp, và nếm thử nhiều món ăn khác nhau. Sau đó, anh ta kiếm một cuốn sách dạy nấu ăn, và qua vài lần thử nghiệm, sẽ có được cảm giác về những mùi vị nào nên đi chung với nhau và thêm bao nhiêu chất phụ gia là cần thiết. Khi đó, anh ta sẽ bắt tay chế biến theo công thức nấu ăn của riêng mình.

Bài tập sau đây, được phát triển bởi David Lewis và James Greene thuộc nhóm “Khả năng tư duy học tập” ở London, sẽ bộc lộ ra một khía cạnh cơ bản về cách học của bản thân bạn.

♦ ♦ ♦ ♦

Bạn là người đầu óc tổng hợp hay phân tích

Đánh dấu vào câu diễn đạt thích hợp với cách tiếp cận học tập ưa thích của bạn. Không có đáp án đúng hay sai với mỗi câu sau. Các câu hỏi được thiết kế đơn giản chỉ nhằm phân biệt sở thích của bạn mà thôi.

Khi học về một môn học không quen thuộc, bạn:

.......(a) thích thu thập thông tin từ nhiều môn học khác nhau.

.......(b) thích tập trung vào một môn học.

Bạn thích:

.......(a) biết rất nhiều môn học nhưng mỗi môn một ít.

.......(b) trở thành chuyên gia trong một môn thôi.

Khi đọc từ một cuốn sách giáo khoa, bạn:

.......(a) bỏ qua phần đầu và đọc tới những chương đặc biệt quan tâm không theo trình tự nào.

.......(b) làm việc một cách hệ thống từ chương này qua chương khác, không đi tiếp cho đến khi bạn hiểu được những tài liệu trước đó.

Khi hỏi người khác về thông tin của những môn học bạn ưa thích, bạn:

........(a) có khuynh hướng đặt những câu hỏi rộng mà cần thiết phải có câu trả lời tổng quát.

........(b) có khuynh hướng đặt những câu hỏi tỉ mỉ đòi hỏi phải có câu trả lời cụ thể.

Khi đang tham quan thư viện hay hiệu sách, bạn:

........(a) đi loanh quanh để xem nhiều sách thuộc những môn học khác nhau.

........(b) không ít thì nhiều cũng dừng lại một chỗ và chỉ xem sách thuộc những môn học liên quan tới nhau.

Bạn ghi nhớ tốt nhất:

........(a) những quy tắc chung.

........(b) những sự việc cụ thể.

Khi thực hiện những nhiệm vụ, bạn:

........(a) thích có những thông tin cơ bản không thực sự liên quan đến công việc.

........(b) chỉ tập trung vào những thông tin có liên quan thực sự.

Bạn nghĩ là các nhà giáo dục nên:

........(a) truyền đạt cho sinh viên phạm vi rộng những môn học ở trường.

........(b) đảm bảo rằng sinh viên sẽ có được phần lớn những kiến thức chuyên sâu có liên quan đến chuyên ngành của họ.

Khi ở trong một kỳ nghỉ, bạn thích:

........(a) mỗi nơi chỉ ở trong một thời gian ngắn.

........(b) ở một nơi suốt cả thời gian đó và tìm hiểu kỹ về nơi đó.

Khi học một điều gì, bạn thích:

........(a) có một hướng dẫn chỉ đạo chung.

........(b) làm theo một kế hoạch chi tiết của công việc.

Bạn có đồng ý rằng, một người nên biết thêm một chút về toán học, nghệ thuật, vật lý, văn học, tâm lý học, chính trị, ngôn ngữ, sinh học, lịch sử và y khoa? (Nếu bạn nghĩ là người ta cần học bốn hoặc nhiều hơn trong số những môn học này thì đạt điểm a cho câu hỏi).

Bây giờ hãy cộng tất cả những câu trả lời a và b lại.

Nếu bạn đạt được từ sáu điểm a trở lên, thì bạn là người có đầu óc tổng hợp, nếu bạn đạt được sáu điểm b trở lên, thì bạn là người có đầu óc phân tích. Nếu điểm a và b của bạn gần ngang nhau, bạn thấy cả hai cách tiếp cận đều thích hợp và có thể chọn ra một cách thích hợp hơn với môn học sắp đến tới.

Những câu có điểm a hoặc b của bạn càng cao bao nhiêu thì cách học của bạn càng chuyên biệt bấy nhiêu. Sự mô tả dưới đây sẽ minh hoạ cho phương pháp học của bạn một cách tỉ mỉ và làm sáng tỏ cách bạn có thể đi theo hướng của một người có tư duy diễn dịch hay một người có tư duy quy nạp.

♦ ♦ ♦ ♦

Là người có đầu óc tổng hợp, bạn thích có cái nhìn tổng quát về bất cứ môn học nào. Bạn thích tìm ra nguyên tắc chung hơn là những chi tiết tỉ mỉ và kết hợp được nhiều nhất một môn học với các lĩnh vực khác nhau của tri thức. Bạn sẽ nhanh chóng tìm được mối liên hệ và sẽ so sánh giữa những lĩnh vực khác nhau trong học tập.

Với cách học này những người có tư duy diễn dịch sẽ học một cách dễ dàng và hiệu quả trong những trường hợp ngẫu hứng (không có hình mẫu trước) và sẽ làm tệ hơn nếu như kiến thức được đưa ra theo những kế hoạch cứng nhắc. Bởi vì, bạn có khả năng tổng hợp thông tin trong một phạm vi rộng, nên có vẻ bạn tỏ ra thành công hơn những người có đầu óc phân tích khi cách tiếp cận tổng thể được sử dụng.

Ngày nay, rất ít nơi áp dụng cách giảng dạy này. Những bài học, những cuốn sách giáo khoa, và kế hoạch đào tạo, dù trong nhà máy, trường đại học, hay là trong lớp học, thường được thiết kế hệ thống, từng bước từng bước một, có lợi cho những người có tư duy phân tích. Cách tiếp cận này gây bất lợi cho những người tư duy tổng hợp muốn hiểu rõ nguyên lý chung trước khi đi sâu vào những chi tiết cụ thể của môn học.

Là một người có tư duy diễn dịch bạn nên lưu tâm đến những ý tưởng lớn, khái niệm cơ bản, và nguyên tắc có trật tự. Nhưng đồng thời, bạn cũng nên giữ lại danh sách các đề mục chi tiết của môn học mà bạn muốn nắm vững sau này. Đây là một mặt cần thiết trong học tập, mặc dù bạn có thể gạt nó qua một bên khi bạn bắt đầu công việc. Chỉ cần bạn có được bản danh sách thì bạn sẽ không phải lo lắng cho việc có quá nhiều những quy tắc mà chưa đủ kỹ năng thực hành.

Là những người có tư duy quy nạp, cách tiếp cận có phương pháp, có hệ thống là phù hợp nhất đối với bạn. Bởi vì bạn sẽ học tập thành công nhất nhờ nắm vững được những chi tiết riêng lẻ trước khi chuyển tiếp đến những khái niệm tổng quát hơn.

Cách tiếp cận tốt nhất của bạn là thiết lập một chuỗi mục tiêu đã được xác định rõ ràng mà qua đó cho phép kiến thức được tích lũy dần dần. Chỉ nên xem xét đến những điều có quan hệ trực tiếp tới vấn đề đang học, trong khi những thông tin ít liên quan hơn, dù thú vị đến mấy, cũng có thể tạm thời được bỏ qua. Những người tư duy quy nạp có khuynh hướng đạt được những thứ hạng cao trong trường học, bởi vì bản chất của các giáo trình giảng dạy có cấu trúc chặt chẽ, rất thích hợp với kiểu học đặc biệt của bạn.

Dành ra phần đầu thời gian của bạn để lên kế hoạch, chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy thoải mái với nó. Đừng lo lắng về việc dành toàn bộ thời gian bạn có cho việc này: bạn sẽ được nhiều hơn những gì bạn dành cho nó khi bắt đầu, vì nhờ đó bạn sẽ tự tin hơn vào phương pháp chi tiết trong quá trình học của mình.

Hãy tra cứu mục lục một vài cuốn sách hay trong lĩnh vực bạn nghiên cứu để xác định rõ được tâm điểm và ưu tiên trong lĩnh vực đó. Khi có được một bản đồ toàn vẹn “địa hình” rồi, bạn chọn ra những môn học muốn nắm vững và sắp xếp chúng vào một trình tự hợp lý.

Là một người có tư duy quy nạp bạn nên học đầy đủ từng môn học nhỏ trước khi chuyển qua cái tiếp theo. Bạn sẽ không còn cảm giác khó hiểu trước từng vấn đề nhỏ, và tích lũy dần sự hiểu biết về từng “phân đoạn” để có cái nhìn hoàn chỉnh về chủ đề đó. Bạn nên làm gì nếu hoàn cảnh học tập cản trở không cho phép sử dụng phương pháp học ưa thích? Có bốn điều bạn nên làm:

Thứ nhất, hãy kiểm tra xem có thể thực hiện những cách sắp xếp nào khác để học những gì bạn muốn hay không. Những trải nghiệm tại trường phổ thông và bậc đại học đã tạo điều kiện cho tất cả chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng lớp học, khoá học, hay chương trình học mà chúng ta tham gia không phải là những thứ chúng ta kiểm soát được. Nhưng như một người đã trưởng thành trong “thị trường” học tập, bạn được tự do chọn lựa nhiều hơn. Ngoài ra, hầu như luôn có một loạt những nhà cung cấp - cá nhân hay tổ chức sẵn sàng đáp ứng những học viên có nhu cầu hoàn toàn khác so với truyền thống. Nếu kết quả là những trải nghiệm có ích hơn cho bạn thì cũng đáng để mất một vài giờ dành cho việc tìm một nơi học thích hợp hơn.

Nếu khả năng lựa chọn khác không sẵn có, bạn có thể phát huy cách học yêu thích bằng việc bao bọc nó quanh việc học ít phù hợp hơn. Trong trường hợp về học môn Nghệ thuật ở trên, bạn có thể thỏa mãn nhu cầu về cách học logic bằng việc đọc những cuốn sách thú vị có nhiều hình ảnh minh họa về lĩnh vực bạn nghiên cứu. Việc xử lý một môn học theo cách phân tích, cấu trúc có tổ chức, sẽ làm phấn khích và cho thấy những trải nghiệm của bạn có thể nhìn thấy được. Hoặc bạn có thể tìm những cách học khác. Trong trường hợp học từ vựng ngoại ngữ, bạn có thể nới lỏng những kỹ năng về liên kết và tưởng tượng để hình thành những mối liên hệ giữa các từ, mối liên hệ giữa các âm (ví dụ: frère và fair hay there). Những phương pháp chính thể luận công bố trong cuốn Superlearning (Cách học siêu việt) của Sheila và Lynn Schroeder đã chỉ ra rằng để giỏi một ngoại ngữ, thì cách học cả nhóm từ sẽ tốt hơn nhiều so với học từng từ một.

Cuối cùng, nếu bạn nhận thấy rằng bản thân mình đang phải đối phó với một bài tập đòi hỏi kiểu học không phải thế mạnh của bạn, hãy chấp nhận thực tế đó và nhận thức rằng bạn cần sử dụng một số kỹ năng trong phương pháp học tập đỉnh cao để vượt qua trở ngại. Tìm ra những cách khác khiến bạn thấy hứng thú với môn học của mình, trao đổi với bạn bè, cân nhắc xem bạn thu được cái gì từ việc giải quyết khó khăn trên, và cứ thế…

THỬ NGHIỆM THỨ 3:

BỐN KIỂU HỌC TẬP - BẠN THUỘC KIỂU NÀO?

Bài tập này dựa trên một nghiên cứu tiên phong của Ned Herrmann. “Công cụ đo lường ưu thế của não bộ” (Herrmann Brain Dominance Instrument - HBDI) của ông là cẩm nang số 1 được những người quan tâm tới việc điều chỉnh cách học cho phù hợp với lối suy nghĩ của mình sử dụng. Herrmann là một ví dụ sống về những thành công thu được nhờ việc ý thức được ưu thế và tiềm năng của bộ não. Tại Đại học Cornell, ông đồng thời Chủ nhiệm hai khoa: Vật lý và Âm nhạc. Sau đó, trong khi làm Giám đốc Viện Giáo dục quản lý tại General Electric, ông đã trở thành một nhà điêu khắc kiêm họa sỹ thành công. Ngày nay, Herrmann là Chủ tịch của Whole Brain Corporation, một trung tâm chuyên tổ chức các buổi hội thảo về trí tuệ và sáng kiến cho những tập đoàn đứng đầu.

Herrmann đã trình bày quan điểm của mình trong một cuốn sách thú vị có tên là The Creative Brain (Bộ óc sáng tạo), trong đó ông kể câu chuyện “kiểu học một trong bốn góc” lần đầu tiên như thế nào? Đó là một ví dụ sinh động về việc làm thế nào những kiểu nhận thức ưa thích của một người có thể dẫn dắt cho những ý tưởng mới. Herrmann đã bị thu hút bởi công trình của Roger Sperry về hai loại bán cầu não khác nhau và học thuyết của Paul McLean về bộ não gồm ba phần, (cả hai vấn đề này đã được xem xét ở Chương 2).

Herrmann đã tổ chức bài thử nghiệm với các học viên để xem xem mình có thể liên hệ những ưu thế trong học tập của họ với quan niệm về tính trội của bán cầu não hay không? Những câu trả lời thu được dường như đã phân các học viên này thành bốn nhóm, không phải hai nhóm như ông dự đoán. Sau này, một lần trên đường lái xe về nhà, ông đã kết hợp những những hình ảnh trông thấy về hai học thuyết này và ông thốt lên:

Ơ-rê-ka! Thật bất ngờ, mối liên kết mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu đột nhiên xuất hiện. Hệ thần kinh cảm xúc cũng được chia làm hai phần riêng biệt, cũng đóng góp một lớp vỏ năng lực suy nghĩ, và cũng được kết nối bởi một mối nối - giống như các bán cầu não.

Thay vì tồn tại hai phần chuyên biệt của bộ não, có tới bốn phần - số lượng các tập hợp dữ liệu được biểu hiện!

Vậy cái mà tôi vẫn gọi là não bên trái bây giờ sẽ trở thành bán cầu não trái. Và còn não bên phải, sẽ trở thành bán cầu não phải. Trung tâm bên trái, là thần kinh cảm xúc trái và trung tâm bên phải sẽ là thần kinh cảm xúc phải.

Toàn bộ ý tưởng mở ra nhanh và mạnh đến mức xóa sạch mọi ý thức về xung quanh. Sau khi những hình ảnh về một mô hình mới hình thành trong tâm trí mình, tôi mới nhận ra rằng mình đã bỏ qua chỗ rẽ một lúc lâu. Mười dặm sau cùng hoàn toàn trống rỗng.

Những ưu thế về kiểu suy nghĩ thị giác của Herrmann dẫn ông ta tới một hình ảnh thuộc về không gian, từ đó lóe lên ý tưởng mới. Tất nhiên, ông đã bám sát những hiểu biết sâu sắc của mình bằng việc sử dụng kỹ năng phân tích và diễn đạt để vạch ra cách mà các góc phần tư có thể hoạt động. Bài học mà Herrmann nhận thấy là nếu chúng ta muốn học theo cách sáng tạo hơn, “chúng ta cần học cách tin tưởng vào não phải phi ngôn ngữ của mình, để theo đuổi những linh cảm và theo sát những linh cảm đó bằng sự xác minh cẩn thận tập trung cao độ của não trái”.

Trước khi tôi giải thích bốn kiểu học mà Herrmann đã khám phá, hãy thử làm những bài tập dưới đây.

♦ ♦ ♦ ♦

Bốn kiểu học tập

Hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn ba lĩnh vực học tập bất kỳ. Thứ nhất, có thể là môn học yêu thích của bạn ở trường, chọn cái mà bạn thấy thích thú nhất. Sau đó, cố gắng tìm một môn học khác, có thể là môn học mà bạn ghét nhất. Cái thứ ba nên là một môn học bạn mới bắt đầu nghiên cứu gần đây hay một môn học mà bạn đã có ý định bắt đầu vào lúc nào đó.

Bây giờ, hãy đọc những mô tả dưới đây về bốn kiểu học và quyết định xem kiểu nào là gần với cách học bạn thấy thoải mái nhất - Gán cho mô tả đó số 1 và gán cho kiểu mô tả mà bạn thấy chán nhất số 3. Với hai kiểu còn lại, hãy quyết định xem cái nào mà bạn có thể chỉ hơi thích hơn để đánh số 2 cho nó và chỉ hơi ghét, đánh số 4.

Hãy nhớ rằng ở đây không có câu trả lời sai - cả bốn cách học đều hợp lý như nhau. Tương tự như vậy, đừng cảm thấy là bạn phải chắc chắn, nếu một cách học có vẻ như tốt hơn cho phạm vi này nhưng không thích hợp cho phạm vi khác, không được gán cùng một kiểu cho cả hai trường hợp.

Kiểu A: Bản chất của bất cứ môn học nào cũng có nền tảng dữ liệu chắc chắn. Và việc học tập được xây dựng một cách bài bản dựa trên nền tảng những hiểu biết cụ thể. Cho dù bạn đang học lịch sử, kiến trúc hay kế toán, bạn đều cần một cách tiếp cận hợp lý và logic để giải quyết những vấn đề của mình đúng đắn. Nếu bạn tập trung vào những sự thật có thể xác minh được mà từ đó mọi người hoàn toàn thừa nhận, bạn có thể tiếp cận với những học thuyết rõ ràng và hiệu quả hơn để làm sáng tỏ hoàn cảnh.

Kiểu B: Tôi thành công nhờ biết sắp xếp. Tôi cảm thấy hài lòng nhất khi ai đó thực sự biết cách sắp đặt những gì được học theo một chuỗi thứ tự. Từ đó tôi có thể giải quyết cả những chi tiết nhỏ, hiểu rằng tôi sẽ th âu tóm toàn bộ vấn đề theo một trật tự đúng đắn. Tại sao phải dò dẫm tìm cách phát minh lại cái bánh xe, trong khi các chuyên gia đã hoàn thành nó từ trước đó? Cho dù đó là một cuốn sách giáo khoa, một chương trình máy tính hay một buổi hội thảo - cái tôi muốn là một chương trình giảng dạy được lên kế hoạch tốt và rõ ràng.

Kiểu C: Theo cách nào đi chăng nữa, học hành là gì, ngoại trừ việc giao tiếp giữa con người với con người? Thậm chí đọc sách một mình cũng thú vị vì bạn đã giao tiếp với một ai đó, hay chính là tác giả của cuốn sách. Quan niệm của tôi về cách học chỉ đơn giản là trò chuyện với những người khác có cùng mối quan tâm đến môn học của mình, học cách họ cảm nhận, và hiểu rõ hơn môn học đó có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Khi tôi còn ở trường học, kiểu lớp học mà tôi yêu thích nhất là thảo luận tự do, hay ra ngoài uống cà phê sau đó thảo luận về bài học.

Kiểu D: Ý nghĩa đằng sau mỗi bài học chính là cái quan trọng đối với tôi. Một khi tôi đã nắm được nó, và thực sự cảm nhận được nó cùng với sự tồn tại của mình, việc học mới trở nên có ý nghĩa. Điều này rất đúng đối với những lĩnh vực như triết học hay nghệ thuật. Nhưng thậm chí trong một lĩnh vực, ví dụ như quản lý doanh nghiệp, tầm nhìn của con người lại chẳng quan trọng hay sao? Liệu có phải họ chỉ đơn giản là theo đuổi lợi nhuận hay họ xem lợi nhuận thu được như cách để đóng góp cho xã hội? Có thể họ có một động cơ hoàn toàn bất ngờ cho những cái họ làm. Khi tôi học một điều gì đó, tôi muốn khám phá những thông tin đằng sau nó và tìm kiếm một cách thức hoàn toàn mới hơn là sử dụng những phương pháp nhồi nhét có sẵn.

♦ ♦ ♦ ♦

Thậm chí, nếu bạn khó khăn trong việc quyết định giữa hai hay nhiều kiểu học, tất nhiên lựa chọn sẽ là cái quan trọng hơn.

Herrmann đã kết hợp kiểu A với “một bậc thầy về logic và lý trí”. Kiểu A được dành cho người nắm bắt sự việc, tìm ra vấn đề một cách logic, phát biểu mọi thứ rõ ràng và rành mạch, biến những vấn đề phức tạp thành những quyết định đơn giản, và tạo ra những cách học mới hiệu quả hơn. Herrmann cho rằng một người có thế mạnh với kiểu học này hơn các kiểu còn lại là người không tin vào sự mơ hồ, trực giác hay cảm xúc.

Kiểu học B tương tự như kiểu A nhưng đặt sự tin cậy vào những gì đã thực hiện, vào việc hiểu một cách đúng đắn cả những chi tiết, vào sự hiệu quả, trình tự và sự ổn định. Họ bị thu hút bởi những câu trả lời và những hành động - thực hiện mọi việc đúng giờ và đúng lịch trình - hơn là những câu hỏi và những học thuyết mà kiểu A muốn phân tích. Cả hai đều dựa vào thực tế hành động hơn là cảm xúc và trực giác.

Kiểu C là kiểu học chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tâm trạng, không khí hay thái độ. Kiểu này có một ý thức rõ ràng về vạn vật như một quá trình của cơ thể hơn là những thông tin có thể nhìn thấy và có thể phát biểu thành lời. Họ có một mối quan tâm lớn đến những con người và việc giao tiếp; sự logic và những học thuyết chỉ đứng thứ hai để cảm giác và trải nghiệm.

Kiểu D là kiểu mà Herrmann nhận thấy nhấn mạnh nhiều nhất tới sự sáng tạo, tới cách sử dụng của phép ẩn dụ và khả năng mô tả những thứ yêu thích thành lời một cách rõ ràng. Kiểu D đầy rối loạn và lộn xộn, yêu thích những khả năng có thể đem lại thách thức, và chống lại việc đi đến kết luận cuối cùng.

Như Herrmann đã chỉ ra, cả bốn kiểu học này được cường điệu hóa. Thật khó để tìm một người nào đó sử dụng chỉ một trong bốn kiểu trong suốt thời gian. Thậm chí, nếu tất cả những kiểu số 1, số 2 và số 3 trùng nhau trên cả ba môn học, kiểu học ưu tiên nhất của bạn cho tất cả các cơ hội gần như là sự pha trộn giữa những kiểu mà bạn đánh số 1 và 2. Nói một cách khác, nếu những số mà bạn ấn định thay đổi tùy theo các kiểu khác nhau, bạn có thể có một cách tiếp cận phương pháp học linh động hơn. Thường xuyên nhất chúng ta nhận thấy mình có thế mạnh hơn trong những cách học này và chọn ra một cách tự nhiên kiểu học thích hợp trong hoàn cảnh đã cho.

Nhận thức rõ một kiểu học mà bạn cảm thấy thoải mái nhất sẽ cho phép bạn sắp đặt những điều kiện học thích hợp hơn. Tương tự, những người có tư duy phân tích và người có tư duy tổng hợp tiếp cận, việc nhận biết được bạn thích cách tiếp cận nào sẽ cho phép bạn tìm được những tình huống học tập mà ở đó, phương pháp tiếp cận làm việc tốt nhất. Bạn cũng có thể chọn một cách học ít vừa ý hơn như là một sự lựa chọn để mở rộng sức học của mình. Và khi bạn không thể tìm thấy sự kết hợp hữu dụng giữa cái mà bạn muốn học và kiểu học mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để học tập nó, bạn có thể cùng lúc sử dụng thêm kiểu học mà bạn ưa thích hơn. Bạn có thể thí nghiệm bằng cách tạo ra một bức tranh theo trực giác về môn học trong khi xây dựng và loại bỏ một số hệ thống logic, hoặc bạn có thể thảo luận về cách nhìn của một vài chuyên gia tại những buổi nói chuyện với sinh viên.

THỬ NGHIỆM 4:

KHẢ NĂNG TƯ DUY CỦA BẠN LÀ GÌ?

Hầu hết mọi người vẫn cho rằng khả năng học tập của họ phụ thuộc vào trí thông minh. Tất cả chúng ta đều nhớ những bài trắc nghiệm về chỉ số thông minh (IQ) mà chúng ta đã làm trong thời thơ ấu, và hầu hết chúng ta đều biết kết quả của nó. Bài kiểm tra chỉ số thông minh được đưa ra với mục đích đo lường khả năng học tập của bạn và từ đó dự đoán mức độ thành công của bạn ở trường học. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học đương thời đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến về khả năng học tập duy nhất là khả năng tư duy của bạn. Bạn có không chỉ một mà ít nhất là bảy loại trí thông minh khác nhau - và bạn có thể sử dụng hầu hết chúng để nâng cao việc học.

Theo nghĩa này, mỗi loại trí thông minh là một loại năng khiếu học có vẻ dễ dàng với từng người. Một người có thể xuất sắc hơn về sự phối hợp tay - mắt trong các môn thể thao, chơi một nhạc cụ hay giải quyết các vấn đề toán học, một số khác có thể dễ dàng thông cảm với những nhu cầu của người khác, dù là làm một cái tổ chim hay học một ngôn ngữ. Sự kết hợp những kỹ năng theo đúng cách có thể sinh ra từ sự kết hợp giữa các năng khiếu và yếu tố môi trường.

Chỉ dẫn tốt nhất về những khả năng tư duy của bạn nằm trong cuốn Tầm vóc của trí tuệ.

Tác giả là một nhà tâm lý thuộc đại học Harvard tên là Howard Gardner. Bảy loại trí thông minh mà Gardner đưa ra là:

  1. Trí thông minh về ngôn ngữ

  2. Trí thông minh về logic - toán học

  3. Trí thông minh không gian

  4. Trí thông minh âm nhạc

  5. Trí thông minh vận động thân thể

  6. Trí thông minh nội tâm (nhận thức về bản thân)

  7. Trí thông minh hiểu và làm việc với những người khác (khả năng giao cảm)

Hầu hết, chúng ta đều có một hình dung tốt về những khả năng tư duy mà chúng ta đã trau dồi nhiều nhất và chúng ta cảm thấy tự tin với năng lực đó. Tuy nhiên, như là một sự nhắc nhở, dưới đây là một bài tập đơn giản để xác định điểm mạnh của bạn.

♦ ♦ ♦ ♦

Đâu là khả năng tư duy vượt trội của bạn?

Khoanh tròn những miêu tả mà bạn thấy đúng với mình:

  1. Bạn dễ dàng nhớ được các cách diễn đạt hay, những lời trích dẫn đáng nhớ và vận dụng chúng một cách khéo léo trong giao tiếp.

  2. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận được người đang nói chuyện với bạn lo lắng về điều gì.

  3. Bạn bị mê hoặc bởi những câu hỏi liên quan đến khoa học hay triết học như "Khi nào thì thời gian bắt đầu?".

  4. Bạn có thể nhanh chóng tìm ra con đường tại một khu vực mới hay khu phố lân cận.

  5. Bạn được đánh giá là khá duyên dáng và hiếm khi cảm thấy lúng túng trong hành động.

  6. Bạn có thể hát đúng giai điệu.

  7. Bạn thường xuyên đọc các thông tin khoa học trên báo và xem xét các tạp chí về khoa học hay công nghệ.

  8. Bạn nhận thấy lỗi dùng từ hay ngữ pháp của người khác, dù bạn không sửa các lỗi này.

  9. Bạn thường xuyên tìm hiểu vài thứ hoạt động như thế nào hay làm cách nào để sửa chữa cái gì đó mà không cần sự giúp đỡ.

  10. Bạn có thể dễ dàng tưởng tượng những người khác thực hiện vai trò của họ như thế nào trong công việc và gia đình rồi hình dung ra bạn đang đóng vai trò của họ.

  11. Bạn có thể nhớ chi tiết sơ đồ bố trí và các ranh giới (landmark) của những nơi mà bạn đã tới thăm trong những kỳ nghỉ của mình.

  12. Bạn yêu âm nhạc và có một vài nghệ sỹ yêu thích.

  13. Bạn thích vẽ.

  14. Bạn khiêu vũ giỏi.

  15. Bạn sắp xếp mọi thứ trong bếp, phòng tắm hay trên bàn học của bạn theo từng loại và theo một khuôn mẫu.

  16. Bạn thấy tự tin trong việc lý giải hành động của người khác theo điều mà họ đang cảm thấy.

  17. Bạn thích kể chuyện và bạn được coi là một người kể chuyện có duyên.

  18. Đôi khi bạn thích nghe những tiếng động khác nhau từ môi trường xung quanh.

  19. Khi bạn gặp một người lạ, bạn thường liên hệ đặc điểm của họ tới đặc điểm của những người quen khác.

  20. Bạn cảm thấy mình có một dự cảm chắc chắn về những cái bạn có thể làm và những cái bạn không thể làm.

Nếu cả ba trong số các bộ ba câu trả lời dưới đây đúng với bạn, thì bạn có thế mạnh về khả năng tư duy đó, kể cả khi bạn chưa bao giờ trau dồi chúng.

Câu hỏi 1, 8 và 17: Trí thông minh về ngôn ngữ

Câu hỏi 6, 12 và 18: Trí thông minh âm nhạc

Câu hỏi 3, 7 và 15: Trí thông minh logic toán học

Câu hỏi 4, 11 và 13: Trí thông minh không gian

Câu hỏi 5, 9 và 14: Trí thông minh vận động thân thể

Câu hỏi 10, 16 và 20: Trí thông minh nội tâm (nhận thức về bản thân)

Câu hỏi 2, 10 và 19: Trí thông minh hiểu và làm việc với những người khác (khả năng giao cảm).

♦ ♦ ♦ ♦

Bất kể loại trí thông minh mạnh nhất của bạn có thể là gì, bằng việc lựa chọn giữa nhiều phương pháp khác nhau, bạn có thể thu thập cả một vốn liếng các phương pháp học và cách tận dụng chúng. Bằng cách hướng việc học theo lĩnh vực tốt nhất của mình, bạn có thể khiến việc tiếp thu trở nên dễ dàng hơn, bổ ích hơn và vui hơn. Không cần kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, bạn có thể trau dồi các kỹ năng bằng việc thử thách bản thân học một thứ gì đó mà không tuân theo cách truyền thống; và bằng việc kết hợp các kỹ năng từ nhiều loại loại trí thông minh, bạn có thể học theo cách toàn diện hơn và cuốn hút hơn.

THIẾT LẬP HỒ SƠ HỌC TẬP CỦA BẠN

Chúng ta vừa tìm hiểu một số quan niệm về cách học riêng của từng người, bây giờ bạn hãy chuẩn bị gom những gì bạn thu thập được để xây dựng hồ sơ đầu tiên về bản thân bạn với tư cách là một học viên. Bạn sẽ hoàn thành hồ sơ về kiểu học của bản thân dựa vào những gì bạn biết về cách để bộ não hoạt động có hiệu quả nhất.

Đừng lo lắng nếu bạn không hài lòng với kết quả ở giai đoạn này; bài tập này chỉ là bản nháp mở đầu. Bạn có thể nhớ lại khi xem các bộ phim hình sự, cảnh sát đã làm thế nào để phác họa chân dung của kẻ bị tình nghi từ mô tả của nạn nhân. Phác thảo đầu tiên này chỉ là bản nháp gần đúng. Nhưng có thể ngay sau khi xem lại, nạn nhân sẽ nói: “Không, cái mũi chưa chính xác, cần phải dài thêm chút nữa” hay: “Đôi mắt thì đúng rồi nhưng lông mày thì hơi rậm.” Đó là mục đích của bản nháp đầu tiên của hồ sơ về cách học của riêng bạn. Chỉ bằng cách viết ra bạn mới có thể nói: “Vâng, tôi muốn có một cái nhìn tổng quát trước. Nhưng tôi cũng muốn biết có cách nào từng bước từng bước xem xét toàn bộ tài tiệu khi tôi cần.”

♦ ♦ ♦ ♦

Hồ sơ Cách học của cá nhân

Hoàn thiện mỗi câu sau đây vào cuốn nhật ký học tập của bạn, xem lại những kết quả bạn có được từ bài tập của những chương trước. Ví dụ, đọc bài tập đã được hoàn tất ở mục thứ hai của bạn có thể thấy ghi: "Tôi là một người có tư duy quy nạp. Tôi thích học từ ví dụ rồi rút ra khái niệm. Tôi thích tập trung vào những cơ sở lập luận chắc chắn. Ví dụ năm ngoái, khi học về cách xử lý các kết quả, tôi nhớ là tôi cảm thấy tẻ nhạt thế nào với những bài viết lý thuyết; để bắt đầu, tôi luôn tìm kiếm những bài tập tình huống, những ví dụ cụ thể”.

Tiếp tục theo cách này để hoàn thành từng mục một. Bạn nên trở lại hồ sơ này một cách thường xuyên trong quá trình bạn làm việc với cuốn sách này. Bạn có thể tiếp tục chỉnh sửa hồ sơ đầu tiên, và khi làm như vậy hồ sơ của bạn sẽ ngày càng có ích trong việc lập kế hoạch học tập hay dự đoán những vấn đề bạn sẽ gặp phải.

  1. Đưa ra từ câu trả lời cho bài tập "Thời gian học tập tốt nhất và tồi nhất của bạn":

  2. "Thời gian học tập tốt nhất của tôi là……………, vì vậy tôi cảm thấy thoải mái nhất khi sắp xếp thời gian học tập của tôi vào……………".

  3. Đưa ra từ câu trả lời cho bài tập "Từ ví dụ đến khái niệm” hay "từ khái niệm đưa ra ví dụ":

  4. "Tôi là một người (tư duy diễn dịch, tư duy quy nạp, kết hợp), tôi thích đi (từ ví dụ đến khái niệm, từ khái niệm đưa ra ví dụ), vì vậy, khi tìm hiểu một môn học mới tôi ưu tiên hướng tiếp cận……………".

  5. Đưa ra từ câu trả lời cho bài tập "Bốn góc một phần tư"

  6. "Tôi thích học từ (thực tế, cấu trúc, con người, cảm giác), vì vậy, khi tìm hiểu một môn học mới, hướng tiếp cận ưu tiên của tôi là………………”.

  7. Đưa ra từ câu trả lời cho bài tập "Những khả năng tư duy nào là điểm mạnh của bạn?":

  8. "Hai khả năng tư duy mạnh mẽ nhất của tôi là ……………, vì vậy, tôi hứng thú học nhất khi vấn đề đó liên quan ……………".

♦ ♦ ♦ ♦

KẾT HỢP PHONG CÁCH CỦA BẠN VỚI NGUỒN TÀI LIỆU HỌC TẬP

Bất kể bạn muốn học gì, bạn đều cần dùng đến một nguồn tài liệu nào đó. Nguồn tài liệu trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa là bất cứ thứ gì đáp ứng hoặc cung cấp thông tin cho việc học tập của bạn. Nguồn tài liệu chính mà ta có thể sử dụng được nhiều là:

  • Các ấn phẩm như: sách, báo và tạp chí.

  • Kinh nghiệm từ các hoạt động, đặc biệt là những hoạt động sáng tạo trong học tập, ví dụ như đóng kịch, hoạt động theo nhóm hoạt động hoặc nghiên cứu, và các hội thảo.

  • Các phương tiện như: TV, phim, băng hình, tiếng, slide, và đồ họa.

  • Tự nhiên: nghiên cứu của riêng bản thân bạn về một số mặt của môi trường xung quanh mình.

  • Những người khác, đặc biệt là những trường hợp được đào tạo để bồi dưỡng kiến thức từ các bài giảng, lớp học, hội thảo, và các nhóm thảo luận.

Đối với bất cứ cách học nào, sở thích của bạn cũng là yếu tố quan trọng trong cách học. Nếu bạn có thể sắp xếp phương pháp học tập của mình để sử dụng nguồn tài liệu mà bạn thích - kiểu hay trạng thái - mà bạn thích thì một điều chắc chắn là bạn sẽ tìm thấy những khoảng thời gian thú vị và hiệu quả hơn.

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất ở đây là liệu bạn thích học một mình hay học cùng người khác. Thật may mắn, đó cũng là một trong những điều dễ xác định nhất, bởi vì bạn luôn biết rõ mình thích gì. Bạn đã bao giờ tìm ai đó để học cùng ở trường chưa? Có phải bạn thích đến lớp phần nào vì ở đó có nhiều người không? Bạn có cảm thấy vô cùng bí bách nếu bạn đang đọc một cuốn sách thú vị nhưng không có ai để bàn luận? Nếu câu trả lời của bạn là khẳng định thì không còn gì phải bàn cãi nữa, chắc chắn bạn sẽ thành công nếu học tập theo nhóm.

Mặt khác, bạn có thể thích tìm hiểu vấn đề mới một mình. Bạn cảm thấy rằng sự hiện diện của những sinh viên khác trong lớp có thể làm bạn chậm tiến bộ hoặc khiến bạn mất tập trung vào lĩnh vực mà bạn hứng thú nhất? Những cảm giác như vậy cho thấy rằng, đối với bạn, thật thú vị khi tự mình lái con tàu đi đến bến bờ tri thức.

Trong cả hai trường hợp, đều có cách để thỏa mãn sở thích của bạn. Nếu làm việc theo nhóm là lựa chọn của bạn, có nhiều biện pháp để giao lưu với những người khác đơn giản hơn việc đăng kí vào một lớp học. Nếu bạn thích học một mình, có nhiều phương tiện và nguồn tài liệu mới làm phong phú thêm cho chuyến phiêu lưu khám phá thế giới tri thức của bạn.

Bài tập dưới đây có hai mục đích: trước hết, nó cho thấy mức độ phong phú của các nguồn tài liệu mà bạn có thể dùng vào hầu hết các mục tiêu học tập; thứ hai là tăng cường nhận thức của bạn về nguồn tài liệu học tập ưa thích của bản thân.

♦ ♦ ♦ ♦

Kết hợp các nguồn tài liệu học tập với cách học của cá nhân

Giả sử rằng bạn muốn tìm hiểu thêm về các loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Dưới đây là những việc bạn có thể tiến hành, mỗi cách làm sẽ dẫn tới những hiểu biết quan trọng về môn học này. Ba cách nào dưới đây khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất?

  1. Đọc một hoặc hai cuốn sách về môn học này.

  2. Tham gia vào việc mô phỏng mẫu thủ tục hành chính để tuyên bố một loài được bảo vệ.

  3. Tham dự một số bài giảng.

  4. Phỏng vấn những người am hiểu về lĩnh vực này.

  5. Xem băng hình hay xem phim.

  6. Thăm một khu bảo tồn động vật, chụp ảnh, thu thập tài liệu liên quan.

  7. Viết thư xin thông tin và quan điểm của nhóm người quan tâm về lĩnh vực này.

  8. Viết luận văn, báo, thuyết trình về môn học này dựa trên bất cứ cách nào kể trên.

  9. Đóng vai để tranh luận những quan điểm trái ngược của những người khác nhau về vấn đề này.

  10. Tham gia vào một nhóm sáu người thúc đẩy việc lên kế hoạch một cuộc vận động ở địa phương thay mặt cho những sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.

  11. Tự thiết kế một chiến dịch thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình chung và kêu gọi hỗ trợ cho những tổ chức quốc gia hoạt động trong lĩnh vực này.

  12. Ở nhà một nhà động vật học sống cạnh trường trong một tuần.

  13. Xác định câu hỏi để phỏng vấn trong một cuộc điều tra về thái độ của cộng đồng với vấn đề này

♦ ♦ ♦ ♦

Tìm hiểu thêm về cách học của mình

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các phương cách để não bạn hoạt động ở tình trạng tốt nhất, bạn có thể đi theo một số hướng.

Cách dễ nhất mà cũng có hiệu quả nhất là thường xuyên ghi chú về cách học, cũng như các ý tưởng khác vào nhật ký học tập của bạn. Bạn có thể phân biệt từng ghi chú một bằng cách viết với mỗi loại một màu mực riêng, hoặc dán lên một cái hộp hay một quả bóng. Khi việc này đã trở thành thói quen của bạn, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được hành vi học tập riêng của mình.

Cách thứ hai bạn có thể tìm hiểu thêm về cách học của mình bằng cách tham gia thảo luận theo nhóm. Những nhóm thảo luận này thường dùng một trong những bài test xác định cách học được sử dụng phổ biến trong một nhóm, sau đó mỗi thành viên sẽ đưa ra lời khuyên về cách học của chính bản thân bạn.

Không có cuốn sách nào đi sâu vào phương pháp học của người lớn. Cách giải quyết tốt nhất đối với vấn đề này là bạn hãy đọc cuốn Theo cách của chính họ (In Their Own Way) của tác giả Thomas Amstrong. Cuốn sách này tập trung vào phát hiện và khuyến khích phương pháp học riêng của trẻ em, nhưng cũng có thể áp dụng cho người lớn.

Bây giờ bạn đã biết làm thế nào để tìm cách học nào là phù hợp với bạn, làm cho học tập trở nên thú vị và hiệu quả. Bạn có thể sắp xếp lại sách vở, góc học tập để phù hợp với phương pháp học hiệu quả nhất của bạn; điều chỉnh thời gian để có được những giờ làm việc hiệu quả nhất; và học những gì bạn thích.

Tuy nhiên, một phần quan trọng không kém là bạn cần có khả năng điều chỉnh cách học của mình bằng cách áp dụng theo những phương pháp mà bây giờ bạn ít áp dụng nhất hoặc ít cảm thấy thoải mái nhất.

Nếu khả năng tư duy chủ yếu của bạn là về ngôn ngữ và không gian thì bạn có thể thử sức mình với một kế hoạch học tập hấp dẫn có “hương vị” toán học hay âm nhạc. Nếu bạn là người có lối tư duy tổng hợp, bạn có thể thử tiếp cận với lối suy nghĩ phân tích một vấn đề nào đó. Nếu bạn là một người làm việc hiệu quả nhất vào buổi sáng, bạn có thể ở lại công ty muộn một tối và xem xem liệu có công việc nào bạn thực sự làm có hiệu quả hơn vào thời điểm đó không. Nếu bạn thường đăng ký vào một lớp học khi bạn muốn học cái gì đó mới, bạn hãy thử lên kế hoạch tự học cho mình.

Có ba cái lợi trong việc thử thích nghi phương pháp học của mình. Trước tiên, có những môn học và một số trường hợp nhất thiết yêu cầu cách học này hay cách học khác. Khi gặp trường hợp đó, bạn sẽ gặp bất lợi nếu bạn không thể chuyển sang cách làm việc đó và thực hiện được, nếu không đạt hiệu quả cao nhất thì ít nhất cũng có kết quả. Các khóa học mang tính chất học thuật là một ví dụ. Các khóa học này thường yêu cầu bạn có cách tiếp cận diễn dịch.

Thứ hai, bạn có thể phát hiện ra rằng một phương pháp khác có khi lại hiệu quả không ngờ. Tất cả chúng ta đã không chú ý tới những khả năng của phương pháp này. Phát hiện của bạn có thể là một khám phá và bổ sung thêm một ghi chú tích cực vào danh sách những kỹ năng về tư duy của bạn. Hàng nghìn người cho rằng mình không thể thảo ra hay viết ra - hai cách học hiệu quả và thoải mái, nhưng họ đã phát hiện ra họ có thể nhờ hai cuốn sách đã xuất bản trước đó trong loạt sách về môn học này. Đó là cuốn Drawing on the Right Side of the Brain (Tiếp cận bán cầu não phải) của Betty Edwards, và Writing the Natural Way (Cách tự nhiên thể hiện) của Gabriele Rico. Và thứ ba, tiến hành những cách học khác sẽ phát triển khả năng chia sẻ với những người có phương pháp học đó.

Áp dụng phương pháp đó không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của bản thân bạn, mà bạn còn có nhận thức mới về những phương pháp học đặc biệt hữu ích cho trẻ em, nếu bạn là những bậc phụ huynh hay giáo viên, và cho nghề nghiệp của bạn. Trong cả hai trường hợp, những khó khăn thường gặp có thể giải quyết nhờ phương pháp này.

Trong giới công chức, người ta nhận thức sâu sắc sự cần thiết của việc nắm được những phương pháp học khác nhau trong các nhóm. Điều đó có nghĩa là bạn có thể xác định xem cách học của bạn phù hợp với những nhiệm vụ trong công việc hiện tại của bạn đến mức nào. Bạn cũng có thể hiểu cách học của những người khác, điều này có thể mang đến sự hiệu quả hơn trong các buổi thảo luận.

Trong nhóm của tôi, chúng tôi minh họa điều này bằng một đường bán nguyệt. Tất cả các thành viên của chúng tôi sẽ ngồi theo hình bán nguyệt sao cho vị trí của họ thể hiện mức độ ưu tiên của họ đối với hai phương pháp học diễn dịch và quy nạp. Những người ngồi bên trái hình bán nguyệt thích phương pháp học từng bước, phân tích rồi hệ thống; những người bên phải hình bán nguyệt thích phương pháp học theo chỉnh thể, khái quát, từ tổng quát đến cụ thể. Sau đó, chúng tôi nói về việc làm thế nào để hai nhóm này có thể giải thích hay truyền đạt thông tin một cách tốt nhất.

Một người bên trái sẽ nói: “Đợi chút nào, sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn bắt đầu bằng cách đưa ra một số ví dụ cụ thể về vấn đề bạn đang nói. Bạn đang làm đảo lộn hết lên thay vì bắt đầu với những điều cơ bản trước tiên”. Nhưng ngay sau đó, một người bên phải sẽ phản đối, “Này, tôi làm sao tôi có thể thấy rừng nếu chỉ dựa vào đám cây cối mà bạn ném vào tôi. Liệu chúng ta có thể hiểu lệch lạc vấn đề nếu chỉ dựa vào các chi tiết và liệu chúng ta có thể có được cái nhìn tổng quan về vấn đề? Vấn đề ở đây là gì? Chúng ta hướng đến cái gì?”.

Tạo ra các nhóm hợp tác làm việc hoặc giải quyết vấn đề là điều quan trọng, trong đó không thể không có các cách đảm bảo khả năng thành công cao hơn. Một số vấn đề mang tính kỹ thuật cao cần các thành viên trong nhóm có cùng nghĩ cách xử lý thông tin, tìm kiếm các cách lập luận mới, giải mã dữ kiện, và đi đến kết luận. Các nhiệm vụ điều tra thực tế hay giải quyết vấn đề khó khăn, ví dụ như quyết định thực thi các mệnh lệnh nhờ vào ban quảng cáo, cũng là một trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, bạn có thành công hay không lại phụ thuộc vào việc bạn có chọn đúng nhóm hay không, có nghĩa là các thành viên trong nhóm phải có những cách tư duy bổ sung cho nhau. Bạn cần có từ một đến hai người có cách tiếp cận vấn đề theo lối tổng hợp, có cái nhìn bao quát, số còn lại có cách làm việc hệ thống và logic. Lên kế hoạch hoạt động trong năm tới là nhiệm vụ cần một nhóm có phương pháp hỗn hợp.

Mối quan hệ giữa nhân viên và sếp cũng là khía cạnh mà phương pháp học tập hay tư duy có ảnh hưởng lớn tới thành công của mỗi người hay của cả doanh nghiệp. Một tình huống điển hình xảy ra hàng ngày trong ngành kinh doanh hay ngành công nghiệp là: người giám sát viên than phiền rằng anh công nhân mới dường như không thể làm được một nhiệm vụ bình thường.

Trong chương này, bạn đã biết về cách thức tiếp cận vấn đề mới mà bạn yêu thích. Bạn đã phát hiện ra não bạn “thích” cách xử lý thông tin nào hơn, hình thức, phương tiện nào của hướng dẫn phù hợp với bạn nhất, thời gian nào trong ngày bạn làm việc hiệu quả nhất, và cách bạn thích nghi phương pháp tư duy. Bạn ý thức về bản thân với tư cách là người học, đó là điều kiện tiên quyết của phương pháp học tập đỉnh cao. Bây giờ bạn đã có thể tận dụng tối đa những kỹ thuật, chiến lược để có phương pháp học hiệu quả nhất đối với bản thân.