Người thông minh học tập như thế nào

7. PHÁT TRIỂN ÓC PHÂN TÍCH VÀ TƯ DUY SÁNG TẠO

7. PHÁT TRIỂN ÓC PHÂN TÍCH VÀ TƯ DUY SÁNG TẠO

Trong chương này, bạn sẽ học cách sử dụng toàn bộ khả năng bộ não phục vụ việc học tập. Sử dụng những kỹ năng này cũng đơn giản như biết cách dùng đúng các cụm từ như:

“Tôi có một linh cảm về chủ đề này…”.

“Tôi có thể tưởng tượng nó hoạt động theo cách này nếu…”.

“Điều này nhắc tôi nhớ lại lúc tôi…”.

“Tôi vẫn còn trăn trở vì câu hỏi về…”.

“Khi xem xét toàn bộ, tôi nghĩ điểm cốt yếu ở đây là… “.

Những kỹ năng dưới đây sẽ chỉ cho bạn làm sao để thực hiện được điều đó. Bạn sẽ khám phá cách tư duy về kinh nghiệm học tập giúp bạn tập trung năng lực của bộ não để việc học tập của bạn hiệu quả hơn bình thường. Với những chiến lược này, bạn sẽ:

• Quản lý tốt hơn vấn đề bạn đang tìm hiểu, bằng cách đánh giá việc học tập của bạn dựa trên kết quả.

• Đặt những câu hỏi sâu sắc và sáng suốt xuất phát từ kinh nghiệm bản thân.

• Khơi dậy dòng ý tưởng sáng tạo nhờ biện pháp tư duy dựa trên khái niệm như các liên kết về hình thái học.

• Sắp xếp toàn bộ các khả năng của não bộ của bạn, bao gồm tưởng tượng, trực giác, và cảm giác theo phương pháp kết hợp.

BẬC THANG CỦA QUÁ TRÌNH HỌC TẬP

Như đã thấy ở phần trước, học tập mang ý nghĩa khác nhau với mỗi người khác nhau - thậm chí giữa những giáo viên và chuyên gia giáo dục. Sự khác nhau này đã tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi về việc các trường phổ thông và trường đại học nên làm gì. Một số người cảm thấy rằng nên tập trung vào các vấn đề cơ bản; những người khác muốn tập trung đào tạo đại cương và kỹ năng sống; còn một số khác lại quan tâm đến khả năng nhận thức hoặc phân tích. Cuộc tranh luận này diễn ra từ khắp các cuộc họp của ban giám hiệu nhà trường tại địa phương cho đến các cuộc vận động của người đứng đầu Nhà nước.

Thật may, đối với việc học tập của cá nhân khi đã trưởng thành, chúng ta không phải lựa chọn, và cũng không nên lựa chọn! Tất cả các phương pháp học tập đều rất quan trọng đối với chúng ta ở các thời điểm khác nhau và trong những tình huống khác nhau. Hơn nữa, nhận biết cách tư duy khác nhau sẽ giúp bạn mở rộng khả năng của bạn trong bất kỳ tình huống học tập nào.

Theo Giáo sư Benjamin Bloom ở Đại học Chicago và các cộng sự của ông, có sáu kết quả học tập chính. Nguyên tắc phân loại của họ được chấp nhận rộng rãi là cách tốt nhất để đánh giá kết quả học tập.

1. Nhớ lại: Nhớ các mẩu thông tin, thuật ngữ, kỹ năng, cách sử dụng,…

2. Lĩnh hội: Hiểu điều bạn đọc hay nghe, để bạn có thể tóm tắt hay giải thích điều đó.

3. Ứng dụng: Sử dụng điều bạn vừa học được trong tình huống cụ thể.

4. Phân tích: Chia vấn đề thành các phần nhỏ hơn để bạn có thể thấy được mức độ thống nhất của các phần, và phát hiện ra các sơ hở logic - điểm mà bạn có thể có cần thêm thông tin để hiểu vấn đề tốt hơn.

5. Tổng hợp: Ghép các phần lại theo cách riêng mới, trong đó các thông tin được kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau, và tạo ra những quan điểm, ý tưởng mới về vấn đề.

6. Đánh giá: Nhận xét giá trị của tài liệu với mục đích đặt ra.

Tôi muốn quay danh sách này ngược lại và coi đó như là những nấc thang thể hiện kết quả học tập theo độ phức tạp tăng dần.

Tất nhiên, các bậc này được liệt kê theo trật tự tương đối đúng của độ phức tạp. Bạn phải nắm được một số dữ kiện trước khi bạn có thể hiểu một vấn đề, và thường phải hiểu được trước khi ứng dụng. Hệ thống thứ bậc này khá toàn diện; hầu hết các kết quả nhận thức của quá trình học tập đều thuộc một trong sáu loại này. Do đó, điều này thực sự hữu ích trong việc xác định bạn thực sự muốn có được gì từ vấn đề đang tìm hiểu.

    

Ví dụ, mọi người đều nhất trí một quan điểm là khi ta tìm hiểu bất cứ lĩnh vực gì, cách học tốt nhất là dạy cái mình vừa học cho người khác. Nguyên tắc này áp dụng đối với mọi hình thức học tập, từ học để trở thành một đầu bếp giỏi đến học để nắm vững các phép vi phân. Khi chuyển từ học sang dạy, bạn cũng phải tiến thêm một bậc thang nữa. Bạn chuyển từ ghi nhớ và lĩnh hội sang ứng dụng. Hơn nữa, để dạy, thậm chí bạn còn phải lên cao hơn nữa: bạn phải phân tích, hay chia vấn đề thành các phần, và tổng hợp, hay ghép các phần lại với nhau. Cuối cùng, nếu bạn là người giáo viên tận tâm, bạn không chỉ cần đánh giá những phần nào của tài liệu có ích nhất cho đối tượng bạn dạy, mà cả mức độ truyền đạt thông tin của bạn.

Xem xét ứng dụng hệ thống này vào cách đọc của bạn. Giả sử bạn vừa đọc một tài liệu khoa học thường thức và một người bạn hỏi về cuốn sách đó. Bạn sẽ nói gì?

Bạn bắt đầu bằng việc nói rằng bạn có thích cuốn sách đó không và tại sao - hay nói một cách khác là đưa ra nhận xét về cuốn sách, tập trung vào giá trị cuốn sách trong giải thích vấn đề. Sau đó có thể bạn sẽ nói tóm tắt ngắn gọn về thông điệp của tác giả - đó chính là sự tổng hợp của riêng bạn về cuốn sách.

Phản ứng lại một điểm trong lập luận của tác giả sẽ giúp bạn giải thích sự phụ thuộc của kết luận mà bạn hay tác giả đưa ra về một số chứng cứ hay giả định nào đó. Đó là phân tích của bạn về cuốn sách.

Cuối cùng, bạn có thể chỉ nhớ một vài điểm thú vị hay thông tin rõ ràng. Tùy theo mục đích của bạn, đó là toàn bộ những gì bạn cần từ cuốn sách đó.

Phân loại

Ở phía trên của các bậc thang học tập, khi bạn chuyển sang phân tích, tổng hợp, và đánh giá, một kỹ năng quan trọng bạn cần nắm vững, kỹ năng này sẽ giúp tư duy rành mạch hơn về vấn đề. Đó là phân tích. Đây có vẻ như là nhiệm vụ tự nhiên của con người, và với bất cứ ai đã thành công trên con đường lớn tiến tới văn minh! Tất cả chúng ta đều phân loại những thứ đơn giản trong cuộc sống của mình như mua thực phẩm gì, mặc quần áo nào, nhưng đối với học tập, có thể chúng ta coi nhẹ kỹ năng này. Bất kể chúng ta đang học hay chỉ đơn giản đang trải qua một sự kiện, thì ý thức về kỹ năng chúng ta sử dụng và chỉnh sửa chúng bất cứ khi nào chúng ta lựa chọn - là chìa khóa để phân tích vấn đề, tổng hợp nên các quan điểm mới về vấn đề, và xem xét mức độ phù hợp với mục đích của chúng ta.

Chúng ta cần nhớ rằng các kỹ năng không phải là khung cứng nhắc mà là công cụ hữu ích. Những kỹ năng này hướng dẫn chúng ta cách sắp xếp tạm thời một khối lượng thông tin lớn, giống với bản đồ tư duy trong Chương 6. Một lỗi thường gặp là áp dụng tiêu chí cũ cho tình huống mới mà không xem xét điểm khác biệt trong tình huống mới. Cũng giống như vậy, cần cẩn thận không được cho rằng những tiêu chí tạm thời của chúng ta đã bao trùm toàn bộ các khía cạnh của vấn đề và không bao giờ phải chỉnh sửa.

Dưới đây là ví dụ về cách mà vợ tôi và tôi đã dạy con sử dụng phương pháp phân loại:

Vào mùa thu, khi chúng khoảng 7, 8 tuổi, chúng tôi muốn Peter và Elizabeth để ý sự khác nhau kỳ diệu giữa các lá cây - hình dáng, màu sắc… Nhưng thay vì cố gắng dạy chúng điều đó, hay thậm chí bảo chúng nhìn gần hơn, chúng tôi tiến hành một công cuộc thu thập lá cây, tìm càng nhiều loại lá khác nhau càng tốt. Người nào tìm được một chiếc lá khác những lá đã tìm thấy sẽ ghi điểm.

Sau đó, thay vì yêu cầu chúng nhìn chăm chú vào những chiếc lá để phát hiện ra điểm khác biệt, chúng tôi để chúng tự tạo ra hệ thống phân loại cho mình. Chúng có thể chọn bất cứ tiêu chí nào, miễn là cả hai đều nhất trí mỗi chiếc lá thuộc vào loại nào và xếp tất cả lá vào một số loại. Các nhóm lá này phụ thuộc vào một số nhân tố như kích cỡ, màu sắc, hình dáng, và số đầu nhọn.

Trong quá trình tiến hành phân tích để chia những chiếc lá thành các loại khác nhau, bọn trẻ đã quan sát và so sánh tỉ mỉ. Tất nhiên, đó là nhập môn phân loại học, một phương pháp khoa học cơ bản dẫn đến việc sắp xếp các nguyên tố vào Bảng hệ thống tuần hoàn Mendeleev, và phân loại các loại động, thực vật thành những loài khác nhau.

Tiếp sau đó, chúng tôi muốn bọn trẻ học phương pháp tuyên truyền chúng thấy trong chương trình quảng cáo trên ti vi, chúng tôi trở lại với phương pháp leo bậc thang. Thay vì cố gắng giảng cho chúng về phương pháp này một cách trừu tượng, chúng tôi yêu cầu chúng xác định bất kỳ phương pháp nào được sử dụng trong mỗi quảng cáo, cho nó bất cứ cái tên nào mà chúng thích. Khi bọn trẻ đã có 10 loại hoặc hơn, chúng tôi viết tên các hình thức quảng cáo lên một tấm bìa cứng và dán bên cạnh chiếc ti vi. Một số loại chúng đưa ra là “Người nổi tiếng”, “Sợ mùi khó chịu”, “Chiếc ôtô tốt hơn xe của các bạn mình,” và “Tất cả mọi người đang làm điều đó”.

Sau đó, trò chơi thay đổi. Khi mỗi quảng cáo xuất hiện, vấn đề bây giờ là chỉ ra quảng cáo đó thuộc loại nào, hay sáng tạo ra một loại mới. Trong vòng một tuần, tự bọn trẻ - bằng cách sử dụng những kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá - đã sàng lọc ra các loại tuyên truyền của riêng chúng. Bạn có thể tưởng tượng chúng hứng thú hơn như thế nào khi sau xem sách nói về chủ đề này. Chúng hứng thú tìm xem phân loại của các chuyên gia giống phân loại của chúng ở đâu và họ đưa ra một loại khác, hay chỉ là cái tên khác. Không cần phải nói, chúng không thể đưa ra những thuật ngữ như argumentum ad vercundiam (nghĩa là “sự cuốn hút của những người có ảnh hưởng”- tương đương với “người nổi tiếng”), argumentum ad populum (“mọi người đang làm điều đó”), hay argumentum ad misericordiam (lý luận xuất phát từ nỗi sợ hãi hay điểm yếu). Nhưng bạn có thể tưởng tượng chúng vui như thế nào khi biết rằng đây chỉ là những thuật ngữ bằng tiếng La-tinh cho cùng một hình thức quảng cáo mà chúng đã phân loại.

Trò chơi phân loại này có thể áp dụng trong tất cả trường hợp từ chỉ để vui đùa đến nghiêm túc. Điểm quan trọng không phải là cách phân loại của bạn đúng hay không, cũng không phải là việc các chuyên gia có đồng ý hay không. Phân loại là một công cụ phân tích để phục vụ cho mục đích học tập của bạn. Chủ động phân loại kinh nghiệm của bạn là cách để chú ý vào sự việc đang diễn ra, giúp bạn học từ đó.

HỌC TỪ NHỮNG KINH NGHIỆM CỦA BẠN

Bạn có một kho kinh nghiệm phong phú mà bạn học từ đó những điều giúp bạn giải quyết khó khăn ở thực tại. Bằng cách nhìn lại những sự kiện xảy ra trước đó trong cuộc đời bạn, bạn xác định được những bài học từ đó và áp dụng vào hiện tại.

Tất nhiên, bạn đã từng như thế này rồi. Một trong những việc thường xảy ra nhất với chúng ta là bị gợi nhắc về sự kiện nào đó trong quá khứ khi chúng ta đang trải qua sự kiện tương tự ở hiện tại. Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ đến một thầy/cô giáo đặc biệt khó chịu ở trường tiểu học mỗi khi chúng ta tình cờ thấy mụ phù thủy xấu xa trong bộ phim kinh điển Mụ phù thủy xứ Oz. Chúng ta cũng có thể nhớ đến kinh nghiệm của người bạn ở một cửa hàng khi quyết định có nên mua hàng ở đó không.

Nhà tâm lý học vĩ đại William James đã xác định quá trình nhớ lại một sự kiện có liên quan trong quá khứ là cơ sở của mọi quá trình học tập. Nhà tâm lý học đương đại, Giáo sư Roger Shank ở Đại học Yale, cũng bị cuốn hút vào hiện tượng “gợi nhớ” này giống như nhà tâm lý học James. Ông thu thập các ví dụ từ các đồng nghiệp. Ông hỏi họ xem có trường hợp nào gần đây họ thấy mình lấy bài học từ kinh nghiệm trong quá khứ để áp dụng vào hiện tại.

Shank chỉ ra rằng người này đã tạo ra một danh mục chung cho các sự kiện mà anh ta nghĩ đến trong đầu. Phạm trù này có thể được gọi là “bị lừa phỉnh khi được hứa hẹn cho cái gì miễn phí,” hay “những ví dụ về nguyên tắc ”tiền nào của nấy”, hoặc “những người bán lừa bạn bằng cách chỉ nhắc đến mặt tốt của sản phẩm”. Đã lập sẵn hồ sơ trong đầu và gắn kinh nghiệm vào đó, người quan sát đã biến những kinh nghiệm ở vai trò là khách hàng trong quá khứ của anh ta hữu ích ở hiện tại.

Mặc dù, những sự kiện được “gợi nhớ” luôn đến với chúng ta, nhưng chúng ta thường không học có ý thức từ những thông tin đó. Chúng ta thường được gợi nhớ về các tình huống trong quá khứ dựa trên nguyên tắc ngẫu nhiên, và cơ chế truy cập là thuộc về tiềm thức. Đôi khi các sự kiện trong quá khứ có liên hệ rõ ràng, như trong trường hợp trích dẫn ở trên; nhưng thường thì các sự kiện xảy ra trong quá khứ xuất hiện trong đầu chúng ta có vẻ như là không liên quan.

Bài tập dưới dựa trên một số cách mà Giáo sư Shank cho rằng bạn có thể truy cập đến những sự kiện trong quá khứ hiệu quả hơn và có ý thức hơn, sử dụng biện pháp phân tích sự kiện trong quá khứ để giúp bạn hiểu sâu sắc hơn sự kiện ở hiện tại hoặc giải quyết vấn đề.

♦ ♦ ♦ ♦

Sử dụng những sự kiện bạn từng trải qua cho việc học tập ở hiện tại

Xác định tình huống, cơ hội, hay khó khăn trong cuộc sống thực tại bạn cảm thấy hiểu rõ hơn trên cơ sở sự kiện bạn từng trải qua trong quá khứ. Đó có thể là việc đối phó với một người phiền hà, quyết định thay đổi trong nghề nghiệp, hay giải thích tại sao bạn cảm thấy tích cực hay tiêu cực trong một số kiểu tình huống nhất định.

Viết hoặc nói vào một máy ghi âm các ý nghĩ tự phát trong vòng hai đến năm phút về tình huống bạn vừa xác định. Mục đích của bạn là đưa sự kiện đó vào trí óc sống động và trên mọi khía cạnh, thể hiện những suy nghĩ, cảm giác, giả định, dự đoán lên bề nổi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hoàn thành một trong những câu dưới đây hoặc một câu khác phù hợp của bạn:

Điều gì làm vấn đề này khó giải quyết…?

Điều gì làm tôi lo lắng về vấn đề này…?

Sẽ có ích nếu tôi nghĩ ra cách để…

Tôi đang phân vân tại sao tôi phản ứng bằng cách…

Những việc đang diễn ra ở đây có thể được giải thích bằng…

Bây giờ hãy chọn một hoặc hai cách gợi nhớ sau đây phù hợp nhất với tình huống của bạn, và sử dụng các câu hỏi dưới để kích thích trí nhớ của bạn về những sự kiện tương tự bạn đã trải qua. Viết một câu hay một đoạn văn về mỗi sự kiện.

Nhớ lại dựa trên giai đoạn:

Tập trung vào một giai đoạn trong cuộc sống của bạn. Nhớ lại những sự kiện liên quan trong thời gian bạn học đại học hay cấp ba, công việc đầu tiên, một trong những quan hệ trước kia của bạn, nơi bạn sống trong thời gian dài, một kỳ nghỉ hay chuyến đi, bắt đầu nuôi con, sống trong một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa lớn đối với bạn, hay nghe một số bài hát hay của nghệ sĩ nổi tiếng một thời.

Nhớ lại dựa trên đặc điểm:

Tập trung vào những đặc điểm quan trọng trong tình huống hiện tại. Nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ liên quan đến cùng một kiểu người hoặc vấn đề đó, và tự đặt những câu hỏi liên quan:

• Bạn đã đối phó với một hoặc nhiều người có kiểu tính cách này khi nào?

• Bạn đã vướng vào kiểu tổ chức có cùng đặc điểm như lần này khi nào?

• Bạn nhớ là đã có cảm xúc như bạn đang cảm thấy lúc này khi nào?

• Bạn đã phải đối mặt với kiểu sức ép như lúc này khi nào?

• Bạn đã nghe thấy những từ hay thuật ngữ mà bạn đang nghe khi nào?

• Bạn đã từng có cùng quan điểm đối với vấn đề này như bạn cảm thấy bây giờ khi nào?

Nhớ lại dựa trên mục đích:

Tự hỏi xem mục đích bạn đang hướng tới đã từng được bạn theo đuổi trong những trường hợp khác hay được những người khác mà bạn biết theo đuổi hay chưa.

• Tôi đã theo đuổi mục đích này khi nào và như thế nào?

• Có ai khác mà tôi biết đã từng theo đuổi mục đích tương tự không?

• Tôi đã đọc về ai hay xem nhân vật nào trong các vở kịch, trên ti vi, hay trong văn học, báo chí có cùng mục tiêu này?

• Những người tôi ngưỡng mộ với kỹ năng và khả năng của họ sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?

Nhớ lại dựa trên giải thích:

Tự hỏi xem trong tình huống tương tự nào bạn đã trải qua mà bạn cố gắng giải thích các sự vật theo cách tương tự. Cách làm của bạn trong các tình huống đó có thể giúp ích gì trong trường hợp này?

• Tôi đã giải thích tình huống này như thế nào trước đây?

• Tôi đã đọc hoặc nghe giải thích nào về cùng một kiểu tình huống như thế này?

• Giải thích nào của các tình huống liên quan áp dụng ở đây?

• Tình huống này giải thích như thế nào bằng cách phối hợp nhiều lý thuyết khác nhau, như tâm lý hay triết học, niềm tin chính trị, hay nguyên tắc kinh doanh?

Khi bạn đã trả lời tất cả câu hỏi làm bạn nhớ về những sự kiện có liên quan trong quá khứ, hãy ứng dụng chúng vào tình huống hiện tại. Sự kiện gợi nhớ nào giống nhất với vấn đề hiện tại của bạn? Chúng có giúp giải quyết vấn đề? Bạn có thể tìm thấy gì tương tự giữa cách bạn xử sự trong tình huống trước và điều bạn có thể làm lúc này không? Bạn phải thay đổi phương pháp trước kia như thế nào để đáp ứng những điểm khác biệt của tình huống hiện tại?

♦ ♦ ♦ ♦

Bạn sẽ có lợi ích từ việc sử dụng kỹ năng này để có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề hiện tại. Thói quen truy cập vào kho sự kiện trong quá khứ sẽ ảnh hưởng tới cách bạn ghi nhớ các sự kiện trong hiện tại. Bạn sẽ bắt đầu phân loại các sự kiện, tình huống nhiều hơn, và ghi nhớ chúng chi tiết hơn - do đó phát triển kỹ năng so sánh đối chiếu của bạn.

ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI SẮC SẢO

Trong tác phẩm kinh điển Những điều có ảnh hưởng nhất đến nhận thức, Giáo sư James Adam thuộc Đại học Sanford đã nhận thấy rằng cảm giác thích hỏi là nhân tố cơ bản trong cách học lạ thường của chúng ta khi còn nhỏ.

Nhưng đó là cảm giác cơ bản trong phương pháp học tập đỉnh cao. Nếu tôi phải xác định phẩm chất chính của một người học có hiệu quả nhất, đó có thể là khả năng đặt nhiều câu hỏi, câu hỏi tốt, và biết cách làm thế nào để có câu trả lời. Người tiêu biểu cho lĩnh vực này là Socrates, người khởi xướng truyền thống tư duy phương Tây không phải bằng cách đặt ra hệ thống câu trả lời mới, mà bằng cách tiếp tục đặt câu hỏi sắc sảo.

Liệu chúng ta có thể lấy lại được cảm giác thích hỏi và thay đổi cách học tập của mình theo kiểu mà khi còn nhỏ chúng ta đã làm? Giáo sư Adams thuyết phục rằng chúng ta có thể:

Khi bắt đầu đặt câu hỏi, bạn thường xuất hiện cản trở về mặt tâm lý, vì rõ ràng là bạn đang bộc lộ sự kém hiểu biết của mình cho mọi người biết. Tuy nhiên, cản trở này sẽ mất ngay khi bạn phát hiện ra khả năng thông kim bác cổ xuất hiện ở loài người là không cao. Không ai có thể biết tất cả các câu trả lời, và người hỏi, thay vì có vẻ như ngu ngốc, lại thể hiện được quan điểm của mình.

Một trong những người hướng dẫn giỏi nhất về phát triển cảm giác thích hỏi là Roger Shank, ông đã được giới thiệu trong phần nhớ lại. Trong cuốn The Creative Attitude: Learning to Ask and Answer the Right Questions (Quan điểm sáng tạo: học cách hỏi và trả lời những câu hỏi thích hợp) của ông, có rất nhiều lời khuyên và giải thích hữu ích.

Một trong những quan điểm thú vị nhất của Shank là tư duy sáng tạo dựa trên mức độ thất bại. Ông cho rằng chu kỳ hiểu biết bắt đầu khi điều mong muốn của chúng ta không thành hiện thực - cái gì đó đã không diễn ra theo cách chúng ta nghĩ. Do đó, chúng ta hỏi tại sao. Sau đó chúng ta nghĩ ra những lời giải thích mà thường gợi nhớ đến sự kiện khác. Điều này dẫn đến một câu hỏi khác: Hai sự kiện này giống nhau như thế nào? Đến lượt mình câu hỏi này gợi ý lời giải thích mới, tổng quát hơn cho cả hai sự kiện. Vì sự khái quát hóa này dẫn đến mong muốn mới, chúng ta lại quay lại điểm bắt đầu của chu kỳ.

Tóm lại, mong muốn không thành sẽ dẫn đến câu hỏi (“Tại sao?”), dẫn đến lời giải thích (“Bởi vì”), dẫn đến hiện tượng nhớ lại (“Có vẻ giống như khi”), dẫn đến câu hỏi mới (“Chúng giống nhau như thế nào?”), dẫn đến sự khái quát hóa, và tạo ra một mong muốn mới.

Đây có vẻ như bài tập vô ích. Sao lại phải giải thích khi mong muốn của chúng ta không thành sự thật? Nhưng vấn đề không phải là nó hữu ích như thế nào trong thực tế. Một số mong ước trở thành hiện thực - và sau đó, chúng ta có thể bổ sung thêm phần giải thích về thành công của chúng vào kho kiến thức riêng của chúng ta. Vấn đề chủ yếu ở đây là: bằng cách chủ động đưa ra nhiều lời giải thích trong quá trình học, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm lời giải thích nào có ích. Bất cứ lời giải thích nào thất bại đều loại ra một vài khả năng, và mọi lời giải thích thành công đều đáng được vận dụng lại trong những trường hợp tương tự.

Ông Shank cho rằng, quá trình học của bạn hiệu quả cao nhất liên quan đến việc chủ động giải thích mọi việc cho bản thân bạn, áp dụng những lời giải thích hiệu quả trong một trường hợp vào những sự kiện mới, và rút ra thêm nhiều lời giải thích chính xác nữa mà có thể vận dụng lại trong tương lai.

Ý tưởng này sẽ áp dụng trong bài tập tiếp theo: “Hỏi chuyên gia”. Đây là một cơ hội để mài giũa kỹ năng đưa ra và loại bỏ các giải thích để tăng cường hiệu quả cho phương pháp học của bạn.

♦ ♦ ♦ ♦

Hỏi chuyên gia

Qua bài tập của Giáo sư Adam, bạn sẽ biết được hiệu quả của việc học với cảm giác thích hỏi, thay vì chỉ nghe chuyên gia nói về lĩnh vực của họ. Đặt câu hỏi đặc biệt quan trọng trong việc tìm ra vấn đề và xác định vấn đề.

Để làm bài tập này, bạn cần người cộng tác, người này hoạt động trong lĩnh vực không quen thuộc với bạn. Bài tập này sẽ tốn một số thời gian nhất định, nhưng nếu đó là bạn của bạn hoặc là người quan tâm đến những hoạt động như thế này thì anh ta/cô ta sẽ giúp đỡ bạn.

Bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi cho đến khi bạn đã xác định được vấn đề cụ thể trong nghề nghiệp của người đó. Không được hài lòng với một vấn đề mơ hồ, quá tổng quan, chung chung (Ví dụ: "Chăm sóc y tế cho người già" sẽ là quá rộng). Cố xác định một vấn đề cụ thể mà chắc chắn sẽ giải quyết được với một chút cố gắng, ví dụ như: Tại sao nhìn thấy một chiếc kim tiêm lại làm mọi người sợ?

Khi bạn đặt câu hỏi, cần nhận thức khó khăn của bạn nằm ở đâu. Những thể loại câu hỏi này có khó hỏi hơn các loại khác không? So với các loại câu hỏi khác, câu trả lời cho vấn đề bạn hỏi là gì? Bạn có thể đi từ phát biểu chung đến phát biểu cụ thể không? Bạn đã xử lý một số phát biểu để đến với phát biểu cuối cùng?

♦ ♦ ♦ ♦

Bây giờ, sau khi đã luyện tập việc sử dụng cảm giác thích hỏi, bạn có thể muốn biết thêm về cách đưa ra, hoàn thành và trả lời câu hỏi. Schank đã chỉ ra rằng hiểu biết chỉ có thể xuất phát từ những cái chưa biết. Đối với ông, chìa khóa đến với tư duy sáng tạo là cái gì chúng ta không hiểu, một điều bất thường. (Khi tôi viết từ “điều bất thường”, tôi đã thấy bản thân bất thường, vì vậy tôi tra từ này trong từ điển. Từ này có gốc từ xuất phát từ tiếng La-tinh và Hy Lạp có nghĩa là “không bình thường, thất thường, hay phi lý”).

Tất cả chúng ta đều đã từng thấy những câu đố của bọn trẻ yêu cầu tìm một số vật, hiện tượng không đúng trong một bức tranh. Vô cùng thích thú, đứa trẻ bắt đầu đếm những con bò lộn ngược hay những con cá đang bay trong đám mây, hay những thứ tương tự như vậy. Đây là một ví dụ khá đơn giản để nhận ra những điều bất thường. Một ví dụ có phần phức tạp hơn cùng nguyên tắc như trên là các bài kiểm tra tâm lý khác nhau yêu cầu bạn chỉ ra đối tượng nào không thuộc vào nhóm. Schank nhấn mạnh vào những điều bất thường vì:

Để sáng tạo trong một lĩnh vực, bạn phải học cách tìm điểm bất thường trong lĩnh vực đó và giải thích cho điều bất thường đó. Những ý tưởng mới bắt đầu xuất hiện. Cố gắng tìm kiếm những điều bất thường có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là đem những sự kiện ngày thường, xem xét chúng theo cách khác, coi chúng như những sự kiện mới. Điều đó có nghĩa là phát hiện tại sao ngày thường không bình thường chút nào…

Chúng ta có thể “quyết định” coi hầu hết mọi thứ là không bình thường. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta đang nắm vai trò chủ động điều khiển chu kỳ hiểu biết một cách hiệu quả, áp dụng nó trong trường hợp mà trước đó nó chỉ diễn ra một cách vô thức và thụ động.

Schank đã có nhận định đúng, đó là cơ sở cho cảm giác thích hỏi mà những người học hiệu quả nhất phát triển. Nếu bạn có thể tìm ra điều bất thường trong bất cứ thứ gì thay vì xem những sự kiện hàng ngày chỉ là mớ cũ rích giống nhau - hiện trạng - kinh nghiệm cuộc sống của bạn sẽ vô cùng phong phú, bạn sẽ phát triển một cái nhìn rộng hơn về học tập. Tôi mong rằng bạn đã chú ý một yếu tố xuất hiện trong cả bài tập của Adam và giải thích của Schank về tầm quan trọng của những điều bất thường: chủ động điều khiển. Chúng ta càng có khả năng định hướng có ý thức việc đặt câu hỏi và ghi nhớ các kỹ năng, thì việc chỉnh sửa những câu hỏi và giải thích càng đơn giản. Học theo cách này cũng thoải mái hơn là chỉ như một miếng bọt biển thụ động thấm hút những gì các chuyên gia cho rằng chúng ta nên biết.

Bài tập dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cách phát triển kỹ năng phát hiện những điều bất thường không dễ phát hiện.

♦ ♦ ♦ ♦

Kiếm tìm những điều bất thường

Schank giới thiệu bốn công cụ giúp chỉ ra các điểm bất thường. Chọn ba việc diễn ra trong ngày của bạn. Đó có thể là những sự kiện hoàn toàn bình thường mà bạn không bao giờ nghĩ có gì phải băn khoăn. Sử dụng những kỹ năng dưới đây, miêu tả mỗi sự kiện như thể chúng bất thường.

1. Giả sử mọi việc đều bất thường đến khi điều ngược lại được chứng minh. Đặt những câu hỏi như:

"Điều gì làm những món ăn Mexico khác món ăn Thái?".

"Tại sao có người lại mở nhà hàng ở đây?".

"Các chương trình quảng cáo trên ti vi cố gắng lôi kéo được tôi mua những sản phẩm đó bằng cách nào?".

2. Đưa ra điều thay thế cho mọi thứ:

"Điều gì xảy ra nếu tôi dùng hạt tiêu phương Đông cho món salsa Mexico?".

"Tôi sẽ mở một nhà hàng ở đâu trong khu vực này?".

"Thông tin gì trong một chương trình quảng cáo lôi kéo được tôi mua được mặt hàng đó?".

3. Bác bỏ các giải thích thông thường. Nhớ rằng mục tiêu ở đây không chỉ đơn giản là nhận xét, mà là đưa ra sự lựa chọn mới. Điều gì mà "ai cũng biết" là mục tiêu lớn trong suy nghĩ đầu tiên của bạn.

4. Tưởng tượng bạn là người ngoại quốc hay người hành tinh khác. Đây là một trong những cách yêu thích của tôi. Bạn sẽ giải thích như thế nào với người ngoài hành tinh những sự kiện bình thường của trái đất như: tắc nghẽn giao thông, hay phim truyền hình nhiều tập trên ti vi? Bạn phải làm rõ điều gì?

♦ ♦ ♦ ♦

Những phương châm của schank

Phần này sẽ kết thúc với danh sách kết luận của Giáo sư Schank, danh sách này tóm tắt những chiến lược để đặt câu hỏi sáng tạo, cũng như để học hiệu quả cao nhất. Một số có vẻ rõ ràng, một số đôi khi bạn đã làm rồi. Nhưng vấn đề ở đây là: Mặc dù không một điểm nào dưới đây quá khó nhận thức, nhưng Schank tin rằng những áp lực về mặt xã hội sẽ buộc chúng ta phải sáng tạo ở mức chúng ta có thể. Hoặc chúng ta sợ thể hiện cái dốt và có vẻ ngớ ngẩn, hoặc chúng ta cảm thấy đang buộc phải chấp nhận điều người ta nói với mình mà không được hỏi - cảm giác “không tạo sóng “ dường như quá lan tràn. Như Schank diễn tả: “Điều khó khăn là thay đổi thái độ của một người về khả năng tư duy của bản thân họ.”

Nếu bạn muốn, bạn có thể tạo ra một bài tập riêng của bạn cùng với những phương châm của Schank, theo mẫu chúng ta đã dùng trong bài tập trước. Trong danh sách dưới đây, những nhận xét tôi bổ sung được đặt trong ngoặc.

Các phương châm của Schank

1. Tìm kiếm những điều bất thường. Nói một cách sáng tạo, điều bất thường xảy ra ở nơi nào có hành động.

2. Lắng nghe. Bạn không thể tìm ra điều bất thường nếu bạn không chú ý điều gì đang diễn ra.

3. Tìm dữ liệu. Trước khi đưa ra giả thuyết (hay giải thích), hãy xem xét xung quanh bạn, tự hỏi chuyện gì đang diễn ra. Bạn biết càng nhiều, bạn càng có thể sáng tạo.

4. Phân loại và tạo ra bảng phân loại mới. Giá trị thực sự của việc này là sự khái quát hóa bạn có được.

5. Tổng hợp nhanh. Ý kiến đằng sau sự tổng hợp nhanh thường không chính xác, nhưng đó là ý tưởng.

6. Giải thích. Khi chúng ta học một điều gì đó, đó là bởi vì chúng ta đã nghĩ ra một lời giải thích cho điều đó. Chúng ta đã giải thích điều đó cho chính chúng ta.

7. Không học các quy tắc. Bạn phải chọn lý do phản đối, chắc chắn rằng bạn có lý do bảo vệ quan điểm của bạn, và sẵn sàng chịu hậu quả.

8. Vứt bỏ các giải thích cũ. Đặt câu hỏi tại sao… điều quan trọng là học cách không tin những lời giải thích, không phải bởi vì ai đó đang cố gắng lừa gạt bạn, mà bởi vì sự hiểu biết cũ có thể sai.

9. Hãy để trí não lang thang đâu đó. Quá trình để đầu óc bạn đi đến đâu nó muốn sẽ hữu ích nếu nơi nó đến là một điểm thú vị…

10. Thất bại sớm và thường xuyên. Thất bại là điều tốt. Chúng ta học từ thất bại. Hãy tận dụng cơ hội. Hãy có một ý tưởng và chấp nhận khả năng dù đó là một ý tưởng không hay.

11. Một cách thông minh, Schank cũng bổ sung phương châm dưới đây vào danh sách - Phương châm thứ 11: Vứt bỏ tất cả các phương châm trên. Ai nói cho tôi biết tôi đang nói về điều gì? Liệu chúng ta có thể thực sự nâng cao khả năng sáng tạo? Đó là một câu hỏi hay.

SẮP XẾP TẤT CẢ CÁC KHẢ NĂNG CỦA NÃO BẠN

Hầu hết các kỹ năng được giới thiệu ở chương này và chương trước đều liên quan đến nhận thức; có nghĩa là các kỹ năng này liên quan đến phương pháp nâng cao kiến thức chúng ta có được từ quá trình tư duy. Thế còn các phương pháp hoạt động khác của bộ não? Một số đã được tìm hiểu ở đầu cuốn sách này, nhưng ở đây bạn sẽ học phương pháp kết hợp chúng - sắp xếp để có được hiệu quả cao nhất từ mỗi phương pháp.

Lấy những cảm xúc của bạn làm ví dụ - bạn cảm thấy thế nào về điều bạn đang học? “Phản ứng linh cảm” của bạn đối với những kiến thức mới, hay ý tưởng mới là gì? Bạn luôn có một số cảm giác mạnh với bất kỳ thông tin nào mà bạn đang xử lý. Nhận ra những cảm xúc này - sử dụng chúng như dấu hiệu phản ứng theo bản năng của bạn - có thể rất quan trọng cho học tập hiệu quả.

Tương tự như vậy, trí tưởng tượng của bạn thế nào? Trí óc bạn không bao giờ bị giam cầm bởi thực tế trước mắt. Bản chất của con người là tạo ra liên tưởng đến những sự vật khác. Làm thế nào để sử dụng khả năng tưởng tượng, hài hước, ẩn dụ, và các khả năng khác của trí tưởng tượng để làm phong phú hiểu biết của bạn?

Vậy đã có trực giác. Đây là một từ xuất phát từ tiếng La-tinh có nghĩa là “nhìn bên trong, xem xét hay nhìn và suy ngẫm”. Trực giác thường liên quan đến quá trình nhận thức có vẻ giống như cảm giác nhiều hơn là một phản ứng trí tuệ - nó ngay lập tức, nó “cảm nhận đúng”, và chúng ta không biết (một cách có ý thức) chúng ta đã đến với hiểu biết của mình như thế nào.

Lóe sáng ý tưởng bằng tưởng tượng

Tính sáng tạo được định nghĩa là có nhiều ý tưởng khác nhau về một vấn đề nào đó. Vâng, tôi biết rằng tất cả chúng ta đều được dạy là một ý tưởng hay giá trị bằng một nghìn ý tưởng tồi, nhưng làm sao bạn có thể nói được đâu là ý tưởng hay nếu không có một lượng ý tưởng tương đối để lựa chọn? Nói tóm lại, sáng tạo thực sự có nghĩa là cho phép não bạn tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt mà không đánh giá trước giá trị của chúng.

Một khía cạnh khác của tính sáng tạo là khả năng tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt trên một diện rộng chứ không phải vài dòng tư duy có liên quan hạn hẹp. Trong một bài tập, bạn được đề nghị là nghĩ ra càng nhiều công dụng của gạch càng tốt. Bạn có thể nghĩ ra rất nhiều công dụng như cách liệt kê ra các hoạt động như: “xây nhà”, “xây trung tâm mua sắm”, “xây ga-ra” và cứ tiếp tục như vậy theo cách này, nhưng những ý tưởng của bạn thiếu sự phong phú. Bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng hơn khi ai đó đem đến ý tưởng “làm một tác phẩm nghệ thuật”, “đập vỡ cửa sổ”, hay để “với cao hơn”.

Bạn làm thế nào để có được nhiều ý tưởng khác nhau và hợp lý và có thể là quan trọng, về vấn đề bạn đang tìm hiểu?

Một trong những phương pháp tốt nhất là Liên tưởng gán ghép về hình dạng, một cái tên không thiện cảm cho một quá trình vui vẻ. Dưới đây là các quy tắc và ví dụ cho quá trình này do Koberg và Bagnall đưa ra trong cuốn giáo khoa lên kế hoạch cho cuộc sống độc đáo của họ mang tên The Universal Traveler (Du lịch khắp hoàn cầu):

1. Phát biểu vấn đề.

2. Liệt kê các thuộc tính của tình huống.

3. Dưới mỗi thuộc tính, ghi tất cả những thuộc tính thay thế bạn có thể nghĩ ra.

4. Khi danh sách đã hoàn tất, chọn ngẫu nhiên một thuộc tính thay thế dưới mỗi thuộc tính, và kết hợp chúng lại tạo ra dạng mới hoàn toàn của đối tượng ban đầu bạn. (Xét cho cùng, hầu hết các phát minh chỉ là cách kết hợp mới từ những phần, bộ phận cũ).

Ví dụ:

Đề tài: Cải tiến bút bi

 

Một điểm xuất phát hữu ích khác để kích thích những ý tưởng về đề tài của bạn là cuốn sách có tên là Strategy Notebook (Sổ tay chiến lược) do Interaction Associates ở San Franciso xuất bản. Cuốn sách giới thiệu 60 chiến lược tư duy riêng lẻ có thể áp dụng vào bất cứ kế hoạch nào của bạn, giúp bạn nghĩ ra các ý tưởng. Bất cứ khi nào bạn thấy mình đang ở ngõ cụt, hay không biết đi đâu tiếp theo, bạn có thể chọn ngẫu nhiễn một khái niệm trong số đó xem trí tưởng tượng của bạn có thể làm gì. Dưới đây là danh sách các chiến lược và một ví dụ về cách bạn sử dụng một chiến lược để đưa ra các ý kiến trong một vấn đề chung chung:

 

Xây dựng Thể hiện Kích thích

Xoá bỏ Tổ chức Kiểm tra

Thụt lùi Kiểm tra Điều khiển

Kết hợp Biểu đồ Sao chép

Phân loại Đồ thị Giải thích

Khái quát hoá Diễn đạt bằng lời Biến đổi

Minh họa Hình dung Dịch

Liên hệ Nhớ lại Làm giảm

Thi hành Ghi lại Phóng đại

Trì hoãn Hạn chế Tự chủ

Nhảy vào Tìm kiếm Thích nghi

Giữ riêng Lựa chọn Kết hợp

Giải thoát Dự đoán Chia tách

Thúc đẩy Giả định Thay đổi

Thư giãn Hỏi Khác nhau

Mơ Giả thuyết Chu trình

Tưởng tượng Dự đoán Nhắc lại

Làm sạch Định nghĩa Hệ thống hoá

Ấp ủ Tượng trưng Ngẫu nhiên

Ưu điểm: ưu điểm của kỹ năng xóa bỏ nằm ở khả năng bạn có thể chắc chắn bạn cần cái gì hơn cái gì. Chiến lược này yêu cầu bắt đầu với nhiều hơn những cái bạn cần hay bạn muốn trong giải pháp và xóa bỏ một số yếu tố theo một số tiêu chí mang tính quyết định. Có yếu tố an toàn trong chiến lược này, vì bạn chưa tự mở rộng thái quá bằng cách quyết định cái bạn không cần trong giải pháp.

Hạn chế: chiến lược này giả sử rằng trong loạt khả năng mà bạn đang xem xét, có một giải pháp tốt. Tuy nhiên, sau khi bạn loại trừ tất cả, có thể sẽ chẳng còn gì. Một khó khăn khác dễ dàng suy ra rằng bạn muốn điều ngược lại với điều bạn vừa loại bỏ (có nghĩa là, bạn không muốn mưa; như vậy chắc chắn bạn muốn trời nắng, bỏ qua các khả năng còn lại như: tuyết, sương mù, mưa đá…). Do đó, phải làm giảm tác động của loại trừ bằng các cảnh báo và đánh giá tốt.

Bài tập dưới đây giới thiệu cơ cấu để kích thích các ý tưởng mới.

♦ ♦ ♦ ♦

Ai cần sản phẩm của ta?

Mỗi thành viên trong nhóm của bạn hãy liệt kê danh sách những khách hàng có thể có cho sản phẩm mà bạn muốn bán. Không bỏ qua bất cứ ý tưởng hay mối liên hệ nào mà ai đó gợi ý gán cho nó không mấy liên quan hay không ăn nhập với nhau. Viết ra tất cả các ý tưởng.

Khi mọi người nhất trí rằng họ không nghĩ thêm được bất kỳ khả năng nào nữa, mỗi thành viên trong nhóm sẽ xem xét tỉ mỉ toàn bộ các ý tưởng bạn vừa ghi chép. Họ nên loại ra những khách hàng họ coi là không hợp lý và lập danh sách riêng cho mình. Khi tất cả các thành viên đã hoàn thành danh sách của mình sau khi đã loại trừ, ghim danh sách tất cả cá nhân lên trên cái bảng để mọi người có thể chia sẻ ý tưởng của nhau. Ưu điểm của bài tập này là cho phép các thành viên trực tiếp tham gia vào chủ đề bằng cách sử dụng chiến lược loại bỏ, bài tập này có thể được sửa đổi để xử lý các chủ đề khác nhau.

♦ ♦ ♦ ♦

Đến đây bạn có thể thấy rằng đưa ra nhiều ý tưởng về một số vấn đề giống như một trò chơi hơn là công thức cứng nhắc hay nhóm các quy định. Tưởng tượng liên quan đến vui chơi, hãy để trí não bạn thong dong. Bởi vì tưởng tượng vô cùng quan trọng đối với tính sáng tạo, nên không có gì ngạc nhiên khi coi sáng tạo giống như là một trò vui.

Cả hai ví dụ của chúng ta đều liên quan đến quá trình nhận thức - những điều mà bạn thực hiện với trí não. Bây giờ chúng ta chuyển sang khả năng có lẽ là kho sáng tạo lớn nhất mà chúng ta có: những quá trình thuộc về tiềm thức bí ẩn của trực giác.

Sử dụng trực giác

Bởi vì trực giác của chúng ta nằm ngoài nhận thức có ý thức, nên khó có thể nói nhiều về nó. Trực giác có thể được xác minh về mặt khoa học nằm ở ranh giới giữa kỹ năng học theo cảm xúc ở Chương 3 và kỹ năng liên quan đến nhận thức nhiều hơn ở phần trên.

Tuy nhiên vì mục đích của cuốn sách, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng sử dụng trực giác có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với kết quả học tập của bạn. Trực giác cho phép bạn bỏ qua những bước lập luận chi tiết để tiến tới kết luận, tập trung vào điều mà trí não bạn bảo là đúng mà không làm chậm lại quá trình tư duy để kiểm tra sai sót ở những chi tiết nhỏ. Nhờ trực giác, trong đầu bạn có thể đột nhiên lóe sáng một ý tưởng, đó có thể là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Trong nhiều trường hợp, đó là tất cả những gì bạn cần cho kế hoạch học tập. Là một người theo phương pháp học tập đỉnh cao tự định hướng, các bước ở giữa có thể không có ý nghĩa nhiều đối với bạn, nhưng nếu trong trường hợp cần thiết bạn luôn có thể quay trở lại và chỉnh sửa chi tiết sau.

Nguyên tắc cơ bản của trực giác trong phương pháp học tập đỉnh cao là nhận thức rằng học tập không chỉ là cái gì bạn làm mà còn là cái gì bạn cho phép diễn ra. Cơ hội và may mắn giúp việc học tập của bạn, nếu bạn để chúng làm như vậy. Vì vậy, bạn không nên sợ đi theo linh cảm của mình, thậm chí nếu bạn hoàn toàn không thể giải thích được chúng sẽ đi tới đâu. Bạn làm thế nào để khuyến khích cảm giác này?

Thứ nhất, là hãy đón nhận khả năng may mắn. Tất cả chúng ta đều đã trải qua những sự kiện, trường hợp mà chúng ta học được cái gì đó mới ví dụ như một từ mới, và tình cờ có vài cơ hội sử dụng từ đó trong ít tuần tiếp theo. Nếu bạn vẫn còn chào đón những cơ hội mà số phận mang đến cho bạn thì có khả năng là ít nhất một vài trong số đó có thể hữu ích. Đó là lý do tại sao người học hiệu quả nhất thường làm quen với việc thử những cái mới, đọc sách về vấn đề mà bạn không bao giờ nghĩ là để học, nói chuyện với những người tình cờ quen như bạn đồng hành trên một chuyến bay, và luôn chú ý tới những điều bất thường thú vị. Tất cả những điều này giúp chúng ta nhìn thấy sự bất ngờ, may mắn. Khi chúng ta bỏ thời gian để suy xét những sự kiện như vậy, xem xét chúng có ý nghĩa gì, chúng ta có thể tìm thấy một kho báu đầy ngạc nhiên mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến.

Thứ hai, sử dụng nhật ký để ghi lại bất cứ một ý nghĩ chợt xuất hiện mờ nhạt mà bạn thường xua đuổi, coi là không liên quan, lặt vặt, hay không có chứng cứ. Nhớ rằng chúng ta đều đã buộc phải quen với ý nghĩ là không có quyền đánh giá một vấn đề nào đó cho đến khi nắm vững được những điều mà những người được gọi là chuyên gia đã biết. Như bạn đã thấy trong Chương 6, và trong những nguyên tắc của Schank, Ấn tượng ban đầu hoàn toàn có thể cho những ý tưởng mới bởi vì chúng ta đang nhìn vấn đề với một cái nhìn mới.

Thứ ba, tham khảo trực giác của bạn. Tìm hiểu xem bạn cảm thấy thế nào về kế hoạch học tập, hay mục tiêu mà bạn đề ra, nguồn tài liệu mà bạn xem xét, và hành động mà bạn đang chuẩn bị thực hiện. Nếu bạn thấy băn khoăn với bất cứ điều gì, hãy xem xét kỹ hơn và tìm ra nguyên nhân tại sao.

Ban đầu, bạn cần phải có chút nỗ lực. Trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy là bỏ qua tất cả các cảm giác làm ta bất an; xét cho cùng thì học tập đã được coi là một việc vất vả, chứ không phải là một cảm giác thoải mái. Chúng ta có bổn phận phải điều chỉnh sở thích của mình theo kế hoạch của giáo viên. Thật là may mắn điều đó không còn đúng với chúng ta, những người đã trưởng thành.

Cảm giác của chúng ta có thể đóng vai trò như thiết bị đo lượng thông tin, cung cấp các đầu mối mà ngoài tầm kiểm soát của ý thức. Học để có được nhiều nhất thông tin kiểu này - bằng cách để nó xuất hiện trong đầu của chúng ta mà không vội đánh giá thông tin đó nên là gì - là một thói quen tốt. Chúng ta càng có khả năng thực hiện được điều này trong quá trình học tập, chúng ta càng tự khuyến khích mình rèn luyện kỹ năng về trực giác vì quyền lợi của chính chúng ta.

Sáu chiếc mũ tư duy

Tôi sẽ tóm lại chương này với một trong những cách tốt nhất tôi biết để kết hợp các cảm giác, tưởng tượng, trực giác, tư duy theo lý trí trong học tập, một quá trình do Eward de Bono phát triển gọi là Sáu chiếc mũ tư duy. De Bono thường được coi là người đi tiên phong trên thế giới trong việc trực tiếp giảng dạy tư duy như một kỹ năng. Ông được biết đến nhiều nhất với thuật ngữ “tư duy biên”, có nghĩa là quá trình tiếp cận vấn đề từ một bên chứ không tuân thủ các bước tiếp cận theo thứ tự chặt chẽ để kích thích các giải pháp sáng tạo.

De Bono yêu cầu bạn tưởng tượng (hay thực tế là có) sáu chiếc mũ với sáu màu, mỗi chiếc thể hiện một vai trò chính của bộ não trong quá trình học tập. Mỗi chiếc mũ sẽ khuyến khích bạn nhìn vấn đề theo một cách riêng biệt. Đồng thời sử dụng những chiếc mũ này, bạn sẽ có thể lựa chọn được hướng tốt nhất để suy nghĩ về vấn đề, chuyển từ cách này sang cách khác, và để biết được rằng bạn đã sử dụng tất cả những cách tư duy chủ yếu khi bạn hoàn tất.

Những chiếc mũ cũng giống như phép ẩn dụ quen thuộc chúng ta đã biết đến. Từ những ngày còn đi học, chắc hẳn chúng ta đã biết ý nghĩa đằng sau chiếc mũ ngu ngốc mà những giáo viên phổ thông ở Mỹ ngày xưa thường bắt những học sinh kém thông minh đội. Trong trường hợp này, chúng ta đang sử dụng những chiếc mũ thay cho vai trò.

Nào bây giờ hãy bắt đầu bằng hình thành trong đầu hình ảnh về sáu chiếc mũ, mỗi chiếc đại diện cho một cách tư duy cơ bản về bất cứ một vấn đề hay khó khăn nào:

• Mũ trắng - được dùng để nghĩ về các sự kiện, số liệu, và các thông tin khách quan khác.

• Mũ đỏ - được dùng để gợi ra những cảm giác, cảm xúc, và các cảm giác khác không dựa trên lý trí nhưng có thể rất giá trị, ví dụ như linh cảm và trực giác.

• Mũ đen - được dùng giải thích tại sao một ý tưởng nào đó không có kết quả; chiếc mũ này mang lại những lập luận theo logic, tiêu cực.

• Mũ vàng - được dùng để có cái nhìn tích cực; nhận thấy cơ hội, khả năng, và lợi ích.

• Mũ xanh lá cây - được dùng để tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo mới.

• Mũ xanh da trời - được dùng như mũ chủ kiểm soát quá trình tư duy.

Những chiếc mũ này đặc biệt có ích khi bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề, hay đưa ra một quyết định, như là có nên nhận một việc làm nào đó, thuê một căn hộ, bỏ phiếu cho một ứng cử viên, bắt đầu mối quan hệ, hay lựa chọn địa điểm cho kỳ nghỉ. Trong những trường hợp như vậy, hãy nghĩ đến những chiếc mũ khi bạn thu thập thông tin để đưa ra quyết định, và một lần nữa khi bạn thực sự quyết định.

Bài tập dưới đây mang đến cảm nhận về những lợi ích bạn có được từ trò vui với những chiếc mũ của De Bono.

♦ ♦ ♦ ♦

Sử dụng sáu chiếc mũ

1. Chọn một khó khăn hay vấn đề mà bạn cần phải đưa ra quyết định dựa trên thực tế, cảm giác của bạn, điều có thể xảy ra trong tương lai, và những nguy cơ - nói một cách khác, hầu như tất cả quyết định quan trọng từ việc đầu tư đến bắt đầu một mối quan hệ mới.

2. Diễn đạt trong một câu mục tiêu đạt tới của bạn trong bài tập tư duy nhỏ này là gì. Sử dụng nhật ký học tập của bạn hoặc một tệp giấy, nhưng bảo đảm rằng bạn có ít nhất sáu tờ giấy rời - mỗi tờ cho một chiếc mũ.

3. Quyết định chiếc mũ nào phù hợp để bắt đầu với vấn đề này. Bạn phải thể hiện ra những cảm nhận của mình không? Nghĩ xem bạn cần biết điều gì tiếp theo trong vấn đề này? Dự đoán kết quả tương lai của quyết định này? Làm rõ những tình huống bất ngờ gây lo lắng cho bạn? (Tất nhiên, ba bước đầu tiên này được tiến hành bằng cách sử dụng mũ màu xanh da trời - bạn đang quyết định nghĩ về điều gì, và làm thế nào tiếp cận vấn đề của mình).

4. Sử dụng một trang giấy để ghi chép suy nghĩ của bạn, đi qua cả sáu chiếc mũ. Sử dụng bao nhiêu thời gian tùy thích, nhưng viết ít nhất ba ý với mỗi chiếc mũ. Suy nghĩ của bạn cần đề cập đến những câu hỏi dưới đây:

Màu trắng: Thông tin nào giúp tôi đẩy mạnh quá trình đưa ra quyết định? Làm thế nào để tôi có những thông tin đó? (Từ ai? Ở đâu?).

Màu đỏ: Thực sự tôi cảm thấy như thế nào? Linh cảm của tôi trong vấn đề này là gì?

Màu đen: Những rủi ro và khó khăn có thể xảy ra là gì? Viễn cảnh xấu nhất là gì?

Màu vàng: Tất cả những lợi thế là gì? Kết quả tốt nhất là gì?

Màu xanh lá cây: Những phương pháp hoàn toàn mới, thay thế, mang tính sáng tạo nào tôi nghĩ ra? Ý tưởng sáng tạo tôi có thể tưởng tượng ra để giúp tôi nhìn vấn đề theo cách mới?

Màu xanh da trời: Cuối cùng, xem xét lại ý tưởng của bạn. Tóm tắt lại những điều bạn đã học được từ cách thể hiện toàn diện suy nghĩ của bạn về vấn đề đã chọn, và quyết định bước tiếp theo.

Khi đã hoàn tất, tập hợp tất cả sáu tờ giấy và xem xét chúng cẩn thận. Bạn có thể phát hiện ra rằng "đội mũ vào” giúp bạn nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn trong mỗi lĩnh vực.

♦ ♦ ♦ ♦

Kết thúc chương này, chúng ta đã hoàn thành hai trong ba khía cạnh của phương pháp học tập đỉnh cao mà chúng ta bắt đầu tìm hiểu: mặt dễ xúc động hay cảm xúc của việc học tập (Chương 2, 3, và 4), mặt nhận thức, hay lý trí của học tập (Chương 5, 6, và 7). Vậy còn lại gì?