Người thầy dậy đánh kiếm

CHƯƠNG 24 (Hết)

Kể từ lúc này mọi việc tiến triển tốt đẹp vì chúng tôi đi trên những đồng bằng vùng Sibérie, trải rộng đến biển băng giá Bắc cực, không một ngọn núi nào đáng gọi là đồi. Nhờ mệnh lệnh Ivan mang theo, những con ngựa tốt nhất được dành cho chúng tôi, ban đêm sợ có những tai nạn mà chúng tôi có thể là nạn nhân, có những đội hộ vệ gồm mười hoặc mười hai trang bị súng hay giáo phi ngựa hai bên xe. Chúng tôi đi qua Ekaterinbourg không dừng lại ở những cửa hàng đá quý làm ánh lên một thành phố ma thuật, đối với chúng tôi điều này càng thần kỳ hơn nhất là vừa ra khỏi sa mạc tuyết ba ngày không tìm được mái nhà tranh trú chân. Tiếp đó là Tioumen, bắt đầu thực sự là Sibérie, cuối cùng là đến thung lũng Tobol và sau bảy ngày ra khỏi những ngọn núi của rặng Ourals ghê gớm, chúng tôi vào thủ đô của Sibérie lúc trời vừa tối.

Mệt oải người nhưng Louise, vì tình cảm yêu thương tăng dần khi càng gần người yêu, chỉ muốn dừng lại vừa đủ thời gian để tắm rửa. Hai giờ sáng chúng tôi ra đi Koslovo, một thành phố nhỏ trên sông Irtych được quy định là chỗ ở của vài chục người lưu đày trong đó có Bá tước Alexis.

Chúng tôi đến chỗ viên đại uý chỉ huy và ở đây cũng như ở khắp nơi, lệnh của Hoàng đế phát huy tác dụng. Hỏi tin tức về Bá tước thì ông này vẫn ở Koslovo, sức khoẻ tốt như có thể mong muốn. Đã thoả thuận với Louise, trước hết tôi phải gặp ông, báo tin cô đã đến. Tôi xin phép ông chỉ huy, ông này cho gặp chẳng khó khăn gì. Vì tôi không biết tiếng địa phương, người ta cho một anh Cô dắc dẫn đường.

Chúng tôi đến một khu làng chung quanh có hàng rào cao bao vây, các cửa ra vào đều có lính gác, gồm khoảng vài chục ngôi nhà. Anh Cô dắc dừng lại trước cửa một nhà chỉ tay và bảo chính ở đấy. Tim đập mạnh kỳ lạ, tôi gõ cửa, nghe tiếng Alexis bảo "Cứ vào". Mở cửa, thấy ông vẫn bận quần áo nằm trên giường, một cánh tay thõng xuống, cuốn sách rơi bên cạnh.

Tôi đứng ở ngưỡng cửa, nhìn và giơ tay ra còn ông thì nhỏm dậy ngạc nhiên, lưỡng lự nhận ra tôi.

Xin chào! Chính tôi đây – tôi bảo ông.

Sao? Ông? Ông à?

Và ông nhảy từ giường dậy, lao lại choàng tay quanh cổ tôi rồi bỗng lùi lại vẻ hoảng sợ:

Lạy Chúa! – Ông kêu lên – Ông cũng bị lưu đày ư và có phải do tôi bất hạnh gây ra không?

Ông yên tâm đi – tôi nói – tôi đến đây có tính cách chơi bời thôi.

Ông cười cay đắng:

Chơi bời ở đây, Sibérie, cách Saint-Peterbourg chín trăm dặm! Ông giải thích đi..Hay trước hết…ông có thể cho tôi biết tin tức về Louise được không?

Rất tốt và tươi sốt. Tôi vừa rời cô ấy.

Ông rời cô ấy! Cách đây một tháng chứ?

Cách đây năm phút.

Lạy Chúa! – Alexis tái mặt kêu lên – ông nói gì thế?

Sự thật.

Louise?...

Ở đây.

Ôi! Người đàn bà thánh thiện! – Ông lẩm bẩm, giơ hai tay lên trời và hai giọt nước mắt chảy xuống má. Sau một lúc im lặng có vẻ cám ơn Chúa, ông hỏi:

Nhưng cô ấy đâu?

Ở chỗ Tỉnh trưởng.

Thế thì chúng ta chạy đến đấy đi.

Rồi dừng lại, nói ngay:

Tôi điên rồi! Tôi quên là mình đang bị giam cầm, không ra khỏi chỗ này được nếu không có phép của Đội trưởng. Bạn thân mến, xin ông đi tìm cô ấy đến để tôi trông thấy, ôm chặt cô trong tay. Hay ông cứ ở lại đây người này sẽ đi. Trong lúc đó chúng ta nói chuyện về cô ấy.

Ông nói mấy câu với anh Cô dắc, anh này đi làm công việc được giao liền.

Trong thời gian ấy tôi kể lại với Alexis những gì xảy ra từ sau khi ông bị bắt; quyết tâm của Louise, cô đã bán hết và bị lừa đảo như thế nào, việc tiếp kiến Hoàng đế và lòng tốt của Hoàng đế đối với cô, chúng tôi rời Saint-Peterbourg đến Moscou, được mẹ và các cô em ông tiếp đón ra sao, nhận chăm sóc con ông, rồi việc chúng tôi ra đi, những mệt nhọc hỉêm nguy, hành trình qua dãy Ourals ghê gớm và cuối cùng đến Tobolsk và Koslovo. Bá tước nghe tưởng như một câu chuyện hoang đường, thỉnh thoảng nắm lấy tay tôi, nhìn vào mặt để chắc chắn chính tôi đang nói với ông ấy và đang ở trước mặt ông. Rồi sốt ruột, ông đứng dậy đi ra cửa, không thấy ai tới lại vào ngồi xuống, hỏi tôi về những chi tiết mới, tôi nhắc lại và ông nghe không biết mệt. Cuối cùng cửa mở, anh Cô dắc xuất hiện một mình.

Thế nào? – Bá tước tái mặt hỏi.

Tỉnh trưởng trả lời là ông phải biết điều cấm kỵ đối với tù nhân.

Điều gì?

Cấm tiếp đón đàn bà.

Bá tước đưa tay lên trán và để rơi mình xuống ghế. Tôi cũng bắt đầu sợ và nhìn nét mặt Bá tước lộ rõ những cảm xúc mạnh trong tâm hồn. Sau một lúc im lặng, ông ngoảnh lại anh Cô dắc hỏi:

Tôi có thể nói chuyện với ông Đội trưởng được không?

Ông ấy đang gặp Tỉnh trưởng cùng lúc với tôi.

Nhờ anh chờ ở cửa, nói tôi xin ông ấy có lòng tốt đến đây một lúc.

Anh Cô dắc nghiêng mình và đi ra.

Những người ấy vâng lời đấy chứ - tôi nói với Bá tước.

Vâng, theo thói quen – Bá tước mỉm cười nói – Nhưng ông thấy có gì ghê gớm hơn thế không? Cô ấy ở đây, cách tôi một trăm bước chân, đã vượt qua chín trăm dặm đến với tôi mà tôi không thể gặp!

Nhưng chắc có sự lầm lẫn gì đấy – tôi nói – Chắc có lệnh nào đó truyền đạt sai, để rồi tôi hỏi lại xem.

Alexis mỉm cười nghi ngờ.

Chúng ta sẽ đề nghị lên Hoàng đế.

Vâng, rồi ba tháng nữa mới có  trả lời…Trong lúc đó…Ông không biết ở trên đất nước này như thế nào đâu! Lạy Chúa!

trong mắt Bá tước tràn đầy nỗi thất vọng làm tôi sợ.

Thê thì – tôi cười nói tiếp – nếu cần tôi sẽ ở đây với ông trong ba tháng ấy, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về cô ấy và ông sẽ kiên trì. Vả lại chưa biết Tỉnh trưởng phải động lòng hay cứ nhắm mắt lại.

Alexis nhìn tôi, cũng cười:

Ở đây – ông nói – Không trônng mong gì những điều ấy. tất cả đều lạnh như mặt đất. Nếu đã có lệnh thì sẽ được thi hành và tôi sẽ không được gặp cô ấy.

Lúc ấy ông Đội trưởng bước vào.

Thưa ông! – Alexis kêu lên và chạy tới – một người đàn bà dũng cảm, hy sinh tuyệt vời rời bỏ Saint-Peterbourg để đến đây với tôi, vượt qua hàng nghìn hiểm nguy, cô ấy đã ở đây và người này bảo tôi rằng tôi không được gặp…Anh ta nhầm chăng?

Không, thưa ông – Đội trưởng lạnh lùng trả lời – ông biết rõ tù nhân không được tiếp xúc với người đàn bà nào hết.

Thế nhưng, Hoàng thân Troubetskoï được phép mà tôi thì không. Có phải vì ông ấy là Hoàng thân không?

Không, nhưng vì bà ấy là vợ ông ta.

Và nếu Louise là vợ tôi, người ta không chống lại việc tôi gặp cô ấy chứ?

Không hề, thưa ông.

Ồ! – Bá tước kêu lên như trút được gánh nặng.

Sau một lúc ông nói với viên Đội trưởng:

Thưa ông, mong ông cho phép linh mục đến nói chuyện với tôi.

Ông ấy sẽ được thông báo ngay – Đội trưởng nói.

Còn ông, bạn thân mến – Bá tước nắm chặt cánh tay tôi tiếp tục đề nghị - sau khi là người bạn đường và là người bảo vệ Louise, ông là người làm chứng và đại diện cho cha cô ấy được chứ?

Tôi quàng tay vào cổ ông, vừa hôn vừa khóc, không nói lên được lời nào.

Nhờ ông đi tìm Louise – ông lại nói – bảo cô ấy ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau.

Ngày hôm sau, vào lúc mười giờ sáng, Louise do tôi và ông Tỉnh trưởng hướng dẫn, Bá tước Alexis, theo sau là Hoàng thân Troubetskoï và tất cả những người lưu đày khác, mọi người bước qua một cửa ra vào của nhà thờ Koslovo, vào quỳ im lặng trước bàn thờ rồi nói với nhau những lời đầu tiên.

Đấy là tiếng "có" trịnh trọng gắn chặt họ vào với nhau vĩnh viễn.

Hoàng đế gởi cho ông Tỉnh trưởng một bức thư đặc biệt do Ivan chuyển giao mà chúng tôi không biết, ra lệnh Bá tước chỉ được gặp Louise với danh nghĩa vợ mình.

Bá tước, như ta đã thấy, đã đi trước ý muốn của Hoàng đế.

 

°

Trở lại Saint-Peterbourg, tôi nhận được những bức thư gọi tôi nhất thiết phải về Pháp.

Đang là tháng hai, đường biển không đi được nhưng người ta đã tổ chức hoàn hảo xe trượt tuyết, tôi không hề ngần ngại đi theo con đường này.

Tôi quyết định rời thành phố của Pierre Đại đế cũng dễ dàng vì đi vắng không xin phép nghỉ nhưng Hoàng đế có lòng độ lượng không thay thế tôi trong đơn vị, tôi đã mất vì cuộc âm mưu một phần học trò và tuy họ phạm tội tôi cũng không ngăn được sự nuối tiếc họ.

Vậy là tôi theo con đường đã đi khi tôi đến đây mười tám tháng trước, lại qua Moscou cổ và một phần Ba Lan, nhưng lần này trên một tấm thảm tuyết mênh mông.

Vừa vào đất nước của Hoàng đế Phổ, ló đầu ra ngoài xe tôi rất ngạc nhiên nhìn thấy một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, cao, mảnh dẻ, khô khan, mặc áo gi lê và quần đen, đi giày nhẹ đế mỏng có khoá, đội mũ nhẹ cao thành, mang một chiếc túi bên tay trái, cầm một chiếc vĩ cầm bên tay phải. Bộ quần áo có vẻ thật lạ và chỗ này thật khác thường đối với việc dạo chơi trên tuyết lạnh dưới hai mươi lăm độ. Vả lại thấy người lạ mặt giơ tay ra hiệu, tôi dừng lại chờ. Vừa thấy tôi dừng xe, ông sải bước dài tới nhưng vẫn không vội vàng, vẻ trịnh trọng duyên dáng. Khi ông càng tới gần, tôi nghĩ đã nhận ra con người này, đến bên cạnh thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đấy là người đồng hương tôi đã gặp trên con đường lớn khi vào Saint-Peterbourg, cũng trang bị như thế nhưng trong hoàn cảnh khác hẳn. Cách xe tôi hai bước chân, ông dừng lại lấy tư thế, đưa chiếc vĩ vào dây đàn, ba ngón tay nắm chặt lấy mũ:

Thưa ông – ông ta vừa nói vừa chào theo thể thức của một vũ công – chẳng phải thiếu kín đáo,tôi có thể hỏi ông tôi đang ở phần đất nào trên thế giới đây?

Thưa ông – tôi trả lời – ông đang ở quá Niémen một ít, cách Koenisberg khoảng ba mươi dặm, bên trái ông là Friedland và bên phải là biển Baltique.

A! A! – người đối thoại với tôi thốt lên, rõ ràng hài lòng về câu trả lời có vẻ văn minh của tôi.

Nhưng thưa ông, đến lượt tôi cũng chẳng phải thiếu kín đáo, ông có thể cho tôi biết làm sao ông lại trang bị như thế, đi bộ, tất lụa đen, mũ cao thành, vĩ cầm mang vai, cách dân cư đến ba mươi dặm và trong cái rét như thế này

Vâng, đặc biệt đấy, đúng không? Nguyên do thế này. Ông đảm bảo tôi đã ở ngoài địa phận vương quốc Nga hoàng rồi đấy chứ?

Ông đang ở trên đất của vua Fréderic-Guilliame.

Thế này! Phải nói với ông tôi không may đã dạy khiêu vũ cho những chàng trai khốn khổ có tội âm mưu chống Hoàng đế. Để hướng dẫn nghệ thuật của mình, tôi thường xuyên đến nhà người này, người khác, họ nhờ tôi chuyển cho nhau những bức thư giê't người. Thưa ông, xin thề danh dự, tôi trao tay những bức thư ấy, ngây thơ như đấy chỉ là giấy mời đi ăn tối hoặc đi dạo chơi. Cuộc âm mưu nổ ra, chắc ông đã biết.

Tôi gật đầu ra hiệu có.

Không hiểu vì sao người ta biết vai trò của tôi đến mức, thưa ông, tôi phải vào tù! Trường hợp nghiêm trọng vì bị coi là đồng loã, không tố cáo. Sự thực là tôi chẳng biết gì hết nên ông hiểu cho, tôi không tố cáo được. Điều ấy cũng thấy rõ đúng không?

Tôi gật đầu tỏ vẻ hoàn toàn tán thành ý kiến của ông.

Thế là thưa ông, trong lúc chờ đợi bị treo cổ, người ta đưa tôi vào một chiếc xe đóng kín, cũng rất tốt nhưng mỗi ngày chỉ ra ngoài hai lần cho những việc cần thiết như ăn trưa, ăn tối.

Tôi gật đầu ra hiệu rất hiểu.

Tóm lại, thưa ông, cách đây mười lăm phút chiếc xe bỏ lại tôi trên cánh đồng này rồi phi nước đại. Vâng, rồi phi nước đại, không nói gì với tôi, thật thiếu lễ độ nhưng cũng không đòi hỏi tiền lót tay, là điều khá tế nhị. Cuối cùng tôi nghĩ mình đang ở Tobolsk, quá dãy Ourals. Ông biết Tobolsk không?

Tôi gật đầu tỏ rõ trình độ kiến thức của tôi cũng đạt đến mức ấy.

Do vậy tôi chỉ còn xin lỗi đã quấy rầy ông và muốn hỏi ông nên sử dụng phương tiện giao thông ở đất nước này như thế nào?

Ông đi về hướng nào, thưa ông?

Thưa ông tôi muốn trở về Pháp. Người ta có để lại tiền cho tôi, tôi nói điều này vì ông không có vẻ gì là một kẻ trấn lột. Người ta có để lại tiền cho tôi và do tôi chỉ có một khoản tài sản nhỏ, gần một nghìn hai trăm livres lợi tức,thưa ông, nên không đi ngao du thiên hạ được, nhưng nếu tiết kiệm thì cũng đủ sống. Vậy là tôi muốn trở về Pháp để bình yên sử dụng một nghìn hai trăm livres của tôi, xa lánh mói thăng trầm của đời người và trốn tránh con mắt của các chính quyền. Để trở về tổ quốc, tôi muốn hỏi ông những phương tiện giao thông nào ít…ít tốn kém nhất?

Theo tôi, ông bạn thân mến – tôi đổi giọng nói và bắt đầu thương hại con người này, tuy vẫn giữ nụ cười và tư thế của một vũ công nhưng đã run rẩy cả người – nếu ông muốn, tôi có một phương tiện giao thông rất đơn giản và dễ dàng.

Cách nào vậy?

Tôi cũng trở về Pháp, tổ quốc tôi. Ông hãy lên xe tôi, đến Paris tôi để ông xuống đại lộ Bonne-Nouvelle như tôi đã để ông xuống khách sạn Londres khi tôi tới Saint-Peterbourg.

Sao? Đi cùng ông ư, ông Grisier thân mến?

Vâng, hân hạnh được phục vụ ông, nhưng đừng để mất thì giờ. Ông đang vội, tôi cũng thế. Đây là một nửa áo khăn lông thú của tôi, ông ủ vào cho ấm.

Thực tình tôi đã bắt đầu thấy lạnh. A!..

Ông để chiếc vĩ cầm xuống, có đủ chỗ đấy.

Không, cám ơn. Nếu ông cho phép tôi mang nó trong tay.

Tuỳ ông. Anh đánh xe ngựa, lên đường thôi.

Và chúng tôi lại phi nước đại

Chín ngày sau, tôi để ông bạn đi đường xuống trước mặt đường qua rạp Opéra. Từ đấy không bao giờ tôi gặp lại ông nữa.

Về phần tôi, do không có tính thích làm giàu, tôi tiếp tục việc dạy. Chúa ban phúc cho nghệ thuật của tôi, rất nhiều học trò nhưng không người nào bị giết trong cuộc đấu. Đấy là hạnh phúc lớn nhất mà một thầy dạy đánh kiếm có thể mong muốn.

 

HẾT