Người thầy dậy đánh kiếm

CHƯƠNG 11

Chúng tôi trở lại Saint-Peterbourg vào lúc đang chuẩn bị đón ngày lễ lớn: ngày đầu năm cho toàn dân và ngày chúc phúc nước uống, hoàn toàn của tôn giáo.

Ngày đầu năm theo phong tục người Nga gọi Hoàng đế là "cha", Hoàng hậu là "mẹ". Hai mươi lăm nghìn vé phân phối như bất kỳ trên đường phố Saint-Peterbourg và hai mươi lăm nghìn khách mời ngay tối hôm ấy được vào cung điện Mùa Đông.

Một số lời đồn thổi ghê gớm lan ra. Người ta nói năm sẽ bỏ lệ tiếp dân vì có tin về những vụ mưu sát tuy cảnh sát Nga không nói gì. Vẫn là âm mưu trước đây tuy có thời gian lui vào bóng tối. Nhưng rồi những tò mò lo sợ tan biến. Hoàng đế đã nói với ông đứng đầu ngành cảnh sát rằng Người vẫn muốn tổ chức như thường lệ, tuy rằng việc hóa trang sẽ giúp dễ dàng cho kế hoạch hành thích. Theo lệ cũ trong buổi dạ hội này đàn ông đều phủ kín người. Có điều đáng để ý ở Nga là ngoài những âm mưu trong gia đình, nhà vua chỉ sợ những ông lớn, vừa là giáo chủ vừa là Hoàng đế thừa kế từ dòng dõi Cesar, là những người kế vị ở phương Đông rất linh thiêng đối với dân chúng.

Vì vậy người ta nói Alexandre có thể tìm ra thích khách trong giới quý tộc từ trong hoàng cung cho đến đội cận vệ. Người ta biết điều đó, it ra là người ta đã nói thế nhưng trong những bàn tay đưa ra với Hoàng đế, không ai phân biệt được tay bạn hay tay thù. Chỉ có chờ đợi và tự uỷ thác cho Chúa; Alexandre đã làm như vậy.

Ngày đầu năm đến. Vé vào được phân phối như thường lệ. Tôi một mình có đến mười vé vì các học trò sốt sắng muốn cho tôi xem lễ hội dân tộc này, rất thú vị đối với một người nước ngoài. Đến bảy giờ tối, các cửa của cung điện Mùa Đông rộng mở.

Sau các lời đồn, tôi nghĩ các đại lộ quanh cung điện chắc dày đặc quân lính, tôi quá ngạc nhiên khi thấy không một lưỡi lê nào được tăng cường, chỉ những lính gác như bình thường vào vị trí, bên trong cung điện thì không có bảo vệ

Người ta đoán đây sẽ là hoạt động ồ ạt của một đám đông ùa vào cung điện rộng lớn như Les Tuileries, vậy mà ở Saint-Peterbourg, lòng tôn kính Hoàng đế đã ngăn được sự lộn xộn ồn ào. Thay vì ai kêu to được thì kêu, mỗi người như thấm nhuần sự thấp kém của mình và ân huệ người trên ban cho, nói với người bên cạnh "Đừng làm ồn, đừng làm ồn".

Trong lúc dân chúng vào cung điện, Hoàng đến ngồi trong gian phòng Saint-Georges, gần Hoàng hậu, chung quanh là các ông bà Đại Quận công, và tiếp đoàn ngoại giao. Rồi các gian phòng khách đầy những ông lớn và nông dân, những bà hoàng và thôn nữ. Cửa phòng Saint-Georges mở ra, nhạc tấu vang. Hoàng đế đưa tay với nước Pháp, nước Áo, hay nước Tây Ban Nha qua đại diện là các bà đại sứ rồi đi ra cửa. Mọi người lùi lại, dồn chân, đám đông tách ra và Nga hoàng đi qua.

Người ta bảo đây là lúc chọn thời điểm mưu sát, phải thú nhận là cũng dễ thực hiện.

Những lời đồn khiến tôi tò mò nhìn Hoàng đế, nghĩ rằng mình sẽ gặp một khuôn mặt buồn tôi đã trông thấy ở Tsarskoï  Selo. Tôi rất ngạc nhiên thấy ngược lại; có lẽ chưa bao giờ Người cởi mở và tươi cười như thế. Thực ra đấy là phản ứng chống lại mối nguy hiểm lớn mà Hoàng đế Alexandre đã biết sự thanh thản giả tạo ấy đã được thể hiện ở buổi khiêu vũ tại Đại sứ quán Pháp, chỗ ông De Caulaincourt và lần kia trong một lễ hội ở Zakret, gần Vilna.

Ông De Caulaincourt tổ chức một cuộc khiêu vũ mừng Hoàng đế. Đến nửa đêm, nghĩa là khách nhảy đến đông đủ nhất, người ta đến báo là ngôi nhà bắt lửa. Nhớ lại buổi khiêu vũ của Hoàng thân Schwartzenberg bị ngắt quãng vì sự cố tương tự, gây ra bao hậu quả tai hại vì nỗi sợ hãi hơn là tai nạn, Quận công De Vicence muốn tự mình xem xét, đặt ở mỗi cửa một tuỳ tùng, ra lệnh không để người nào ra ngoài, và đến gần Hoàng đế nói nhỏ:

Tâu Bệ hạ, lửa cháy trong nhà, tự tôi phải đi xem sao, không nên để ai biết trước khi biết rõ tính chất và sự nguy hiểm. Tuỳ tùng của tôi đã được lệnh chỉ để Bệ Hạ, các Điện hạ, các ông bà Đại Quận công đi ra. Nếu Bệ hạ muốn rút lui cũng được nhưng xin lưu ý với Bệ hạ rằng không nên tin có lửa khi chưa trông thấy những phòng khách bốc cháy.

Tốt đấy – Hoàng đế nói – ông đi đi, tôi ở lại.

Ông De Caulaincourt chạy lại chỗ người ta vừa báo đã bị cháy. Như ông đã dự kiến, mối nguy hiểm không lớn như người ta sợ lúc đầu, lửa được những người hầu hợp sức lại dập tắt. Viên đại sứ trở lại ngay phòng khách, thấy Hoàng đế đang nhảy một điệu polonaise! Ông và nhà vua chỉ đành nhìn nhau.

Thế nào? – Hoàng đế hỏi khi điệu vũ tạm nghỉ.

Tâu Bệ hạ, ngọn lửa đã được dập tắt  -ông De Caulaincourt chỉ nói có thế.

Chỉ qua ngày hôm sau nữa những người khách trong buổi vũ hội huy hoàng ấy mới biết mình đã nhảy trên núi lửa trong một tiếng đồng hồ.

Ở Zakret lại là một sự việc khác hoàn toàn, vì Hoàng đế không chỉ có nguy cơ về mạng sống mà còn mất cả vương quốc của mình. Giữa buổi lễ người ta đến báo cáo tiền quân Pháp vừa đi qua Niémen và Hoàng đế Napoléon, người khách ở Erfurt mà người ta quên mời, có thể bất chợt đến phòng nhảy cùng với sáu trăm ngàn vũ công. Alexandre ra mệnh lệnh vừa có vẻ như nói các việc khác với đoàn tuỳ tùng, tiếp tục đi thăm các phòng, tự hào về các nguồn chiếu sáng, cho là chỗ ánh trăng vừa lên là phòng đẹp nhất. Người chỉ rút lui vào nửa đêm lúc phuc vụ bữa ăn khuya mọi khách được mời vào ngồi ở những chiếc bàn nhỏ, lúc Người dễ vắng mặt. Trong suốt buổi tối không ai thấy trên trán Người một dấu vết lo âu nên đến khi người Pháp đến người ta mới biết.

Như ta thấy, Hoàng đế đau khổ và buồn phiền đến tận lúc chúng tôi tới, nghĩa là ngày mùng 1 tháng giêng năm 1825, Hoàng đế lấy lại nghị lực của mình, đi khắp các phòng như thường lệ, sau lưng có triều thần. Tôi để đám đông lôi kéo theo, rồi trở lại chỗ ban đầu sau chín giờ khi đã làm một vòng trong cung điện.

Dến mười giờ việc chiếu sáng ở Ermitage kết thúc, những người có vé xem sân khấu đặc biệt được mời đến xem.

Nằm trong số những người được đặc ân, tôi ra khỏi đám đông. Mười hai người nô lệ, thật khó khăn, bận quần áo rực rỡ theo lối phương Đông, đứng ở cửa ra vào sân khấu để giữ trật tự và kiểm tra giấy mời.

Vào nhà hát Ermitage, phía đầu là một hành lang đối diện gian phòng lớn bày biện bữa ăn tối của triều thần, tôi tưởng như vào lâu đài trên thiên đàng. Hãy hình dung một phòng rộng mênh mông, tường trần là những ống thuỷ tinh lớn bằng ống xì đồng mà trẻ con dùng thổi những viên mát tíc bắn chim. Những ống kính ấy thẳng, cong, uốn vòng phù hợp theo chỗ đặt, nối với nhau bằng những giây bạc khó nhận thấy và gắn tám đến mười nghìn ngọn đèn phản chiếu và nhân đôi ánh sáng. Những ngọn đèn màu này chiếu sáng những phong cảnh, khu vườn, hoa và cây từ đó ngân vang một điệu nhạc bay bổng, vô hình. Những thác nước và hồ, giống như nhấp nhô nhiều ngàn viên kim cương, qua màn ánh sáng ấy toả ra những âm điệu của một bài thơ và một sự hư ảo tuyệt vời.

Riêng việc sắp đặt chiếu sáng ấy phải mất đến mười hai ngàn rúp và kéo dài hai tháng.

Đến mười một giờ dàn nhạc tấu lên thông báo Hoàng đế tới. Người đi giữa gia đình mình, có triều thần theo sau. Các Đại Quận công, đại sứ, sĩ quan hoàng gia, thị nữ, ngồi ngay vào bàn giữa, khách mời còn lại gồm sáu trăm người, tất cả đều là các quý tộc hàng đầu ngồi vào hai bàn kia. Chỉ một mình Hoàng đế đứng, đi giữa các bàn và lần lượt hỏi chuyện từng người khách, theo luật lệ tước hiệu, trả lời nhà vua mà không cần đứng dậy.

Tôi không thể nói cái nhìn ma thuật của Hoàng đế tác động ra sao đến những vị Đại Quận công, những ông bà lớn ấy người đầy vàng và thêu ren, kẻ đeo kim cương ánh lên như nước suối chảy, giữa một lâu đài thuỷ tinh, nhưng về phần tôi, từ trước đến nay và từ lúc đó tôi chưa bao giờ có một cảm giác lớn lao như vậy. Sau này tôi có tham gia một số lễ hội hoàng gia của nước Pháp, tôi phải thú nhận buổi lễ này hơn hẳn.

Tiệc xong, triều thần rời Ermitage trở lại phòng Saint-Georges. Đến một giờ ban nhạc ra hiệu điệu vũ polonaise thứ hai, như lần trước, do Hoàng đế dẫn đầu. Đây là lời từ biệt của Người với buổi lễ vì khi điệu vũ kết thúc, Người rút lui.

Tôi vui vẻ nhận được tin Nhà vua đã ra về. Suốt buổi tối tôi vẫn phấp phỏng lo sợ một buổi lễ tráng lệ như thế có thể trong một lúc nào đó trở thành đẫm máu.

Hoàng đế đi rồi, đám đông vơi dần. Trong lâu đài nhiệt độ là hai mươi lăm độ, và bên ngoài lạnh âm hai mươi độ, cách nhau bốn mươi lăm độ. Nếu là ở Pháp thì tám ngày sau chúng ta sẽ biết có bao nhiêu người chết vì sự chuyển tiếp đột ngột và dữ dội ấy. Người ta sẽ tìm cách đổ lỗi cho nhà vua, các bộ trưởng hoặc ngành cảnh sát, tạo điều kiện cho các nhà từ tâm của báo chí có một cuộc tranh cãi tuyệt vời. Ở Saint-Peterbourg người ta không biết gì và nhờ sự im lặng, lễ hội vui vẻ không có những ngày mai buồn nản. 

Còn tôi, nhờ một người hầu, điều thông minh là đã ở lại chờ tôi với áo lông ba lớp và chiếc xe đóng kín, trở lại kênh Catherine không gặp trở ngại gì.

Buổi lễ thứ hai là lễ chúc phúc nước uống. Năm nay còn trang trọng hơn vì thảm hoạ ghê gớm vừa qua, đó là nạn lụt trên sông Neva. Đã gần mười lăm ngày nay những chuẩn bị huy hoàng được tiến hành sôi nổi chen lấn với nỗi lo sợ về tôn giáo, mà những dân tộc khác không tín ngưỡng hoàn toàn không biết. Trên sông Neva người ta dựng lên một ngôi nhà lớn hình tròn, mở tám cửa, trang trí bốn bức hoạ lớn, gắn một cây thập tự. Người ta đi ra ngôi nhà ấy trên một con đập được xây dựng trước mặt Ermitage và giữa nền băng của ngôi nhà, vào sáng buổi lễ, đào một lỗ hổng lớn để giáo sĩ có thể xuống đến nước.

Ngày làm dịu cơn giận của con sông đã đến. Mặc dù trời lạnh, lúc chín giờ sáng xuống đến âm vài chục độ, những bến cảng đầy người xem và con sông hoàn toàn biến mất dưới đám người tò mò đông vô kể. Tôi không dám đứng trong số họ, sợ tuy rất vững và dày, băng có thể vỡ nứt dưới một trọng lượng như vậy. Luồn lách theo dòng người và sau bốn mươi lăm phút vất vả mà hai lần người ta báo với tôi mũi tôi bị đóng băng, tôi đến được dải bao lơn bằng đá granít xây chắn bến cảng. Chung quanh ngôi nhà có một khoảng rộng vòng tròn.

Đến mười một giờ rưỡi Hoàng hậu và các bà Đại Quận công ngồi trên một ban công được che kín của lâu đài, thông báo với dân chúng bài Thánh ca tạ ơn Chúa đã kết thúc. Từ quảng trường Mars đổ ra cả đoàn bảo vệ hoàng gia, có nghĩa là khoảng bốn mươi nghìn người theo tiếng quân nhạc đến bố trí hàng ngũ chiến đấu trên sông, trải dài thành ba hàng, từ Đại sứ quán Pháp đến tận pháo đài. Cùng lúc ấy cửa lâu đài mở. Băng cờ, ảnh các Thánh và những người hát đồng ca của nhà nguyện xuất hiện, đi trước lớp tu sĩ do giám mục dẫn đầu, rồi các thị đồng và các hạ sĩ vác những lá cờ của các trung đoàn khác nhau của đội quân cận vệ, cuối cùng là Hoàng đế, bên phải là Đại quận công Nicolas, bên trái có Đại quận công Michel, theo sau là các sĩ quan cao cấp của nhà vua, tuỳ tùng và các tướng.

Khi Hoàng đế đến cửa ngôi nhà hầu như tràn ngập tu sĩ và những người cầm cờ, giáo chủ ra hiệu và ngay lúc đó các bài thánh ca do hơn một trăm giọng hát của người lớn và trẻ em không nhạc đệm ngân vang hài hoà tuyệt diệu. Suốt thời gian cầu nguyện ấy, có nghĩa là khoảng hai mươi phút, Hoàng đế, không mặc quần áo lông thú, chỉ là bộ đồng phục, đứng thẳng, bất động, đầu trần, chống chọi với thời tiết mạnh hơn tất cả các vị vua trên thế giới, đối mặt với thực tế nguy hiểm còn lớn hơn cả đứng trước một trăm họng súng ở trận địa. việc bất cẩn vì tôn giáo này càng đáng sợ đối với những người xem đang được bọc kín áo choàng, đội mũ lông, thấy Hoàng đế tuy còn trẻ nhưng đã bị hói đầu.

Khi bài Thánh ca tạ ơn Chúa kết thúc, giáo chủ lấy chiếc thánh giá bằng bạc trên tay một trẻ đồng ca và giữa đám đông quỳ gối, lớn tiếng chúc phúc cho con sông, nhúng thánh giá xuống lỗ hổng được đào trong băng đưa nước lên tận chỗ ông. Ông lấy một chiếc bình múc nước Thánh ấy dâng lên Hoàng đế. Sau lễ ấy đến lượt những lá cờ.

Trong lúc những lá cờ nghiêng xuống nhận chúc phúc, một làn pháo bắn từ ngôi nhà toả khói lên không trung. Một loạt tiếng nổ ghê gớm vang lên, cả đội pháo của pháo đài đến lượt mình hát bài Thánh ca bằng giọng đồng.

Đạn được bắn ba loạt trong buổi lễ. Đến lượt thứ ba, Hoàng đế đội mũ vào, trở về lâu đài. Trong lúc đi, Người chí bước cách tôi mấy bước chân, lần này Người buồn hơn bao giờ hết. Đã biết giữa buổi lễ tôn giáo chẳng có chút nguy hiểm nào, Người trở lại là chính mình.

Khi Nhà vua đi khỏi, dân chúng đến lượt đổ xô vào ngôi nhà, những người này nhúng tay vào lỗ hổng và làm dấu thánh bằng nước vừa được chúc phúc, những người khác múc đầy bình mang về, một số thậm chí còn nhúng con vào trong nước, tin chắc ngày ấy tiếp xúc với nước sông chẳng còn gì nguy hiểm.

Cùng ngày, lễ hội ấy cũng được tổ chức ở Constantinople, ở đây mùa đông không giá rét và biển không đóng băng, giáo chủ đi trên một con thuyền ném xuống làn nước trong xanh cây thánh giá để mọi người lặn xuống bắt lấy trước khi bị chìm xuống đáy sâu.

Hầu như ngay sau những buổi lễ thánh là các cuộc vui chơi ngoại đạomà lớp vỏ mùa đông của con sông trở thành sân khấu. Tuy vậy còn tuỳ thuộc vào tính khí thất thường của thời tiết. Thường thường trong khi những căn lều đã được dựng lên, việc chuẩn bị đã được hoàn tất, trường đua chỉ còn chờ mấy con ngựa và các ngọn núi Nga chờ người trượt tuyết, thì chong chóng gió bỗng chuyển về hướng tây, mang theo làn gió ẩm của vịnh Phần lan thổi tới, băng bắt đầu tan và cảnh sát phải can thiệp ngay, trước những nỗi thất vọng của dân Saint-Peterbourg, những ngôi lều phải bị phá bỏ và chở về quảnng trường Mars. Nhưng bao giờ cũng thế, dân chúng vẫn tìm được thú vui mặc dù không có ngày hội hoá trang. Người Nga đối với sông Neva cũng giống như người Naples đối với Vésuve của mình, thích nó sắp chết còn hơn là chết hẳn.

May thay trong mùa đông vinh quang 1825, nhờ Chúa không lúc nào người ta phải sợ băng tan. Vì vậy trong lúc vài  vũ hội quý tộc mở màn  cho những cuộc vui của dân chúng, vô số căn lều được dựng lên trước mặt toà Đại sứ Pháp, kéo dài hầu như từ bến cảng này đến bến cảng khác, nghĩa là trên một chiều rộng hai ngàn bộ. Những ngọn núi Nga cũng không chậm trễ, xem ra kém lịch sự hơn những nơi bắt chước Paris: chỉ là một đoạn dốc xuống, cao hơn một trăm bộ (mỗi bộ khoảng 0,324m), dài khoảng bốn trăm bộ được tạo từ những tấm ván trên đó người ta lần lượt đổ nước, tuyết cho đến khi tạo thành một lớp vỏ băng dày vào khoảng sáu phút (một phút bằng 27mm). Còn xe trượt chỉ là một tấm ván cong một đầu. Những người điều khiển xe trượt kẹp tấm ván dưới cánh tay đi giữa đám đông tìm người chơi không chuyên. Khi đã tìm được người tập, họ cùng leo lên đỉnh theo bậc thang được làm ở sườn núi phía bên đường trượt. Người chơi ngồi ở phía trước, chân dựa vào bờ ván, người điều khiển ngồi xổm ở phía sau, hướng xe trượt rất thành thạo; việc này rất cần thiết vì hai bên núi không có tấm chắn, có thể ngã lộn xuống nếu xe chệch đường. Mỗi chuyến giá một kopek (một phần trăm đồng rúp).

Những trò giải trí khác rất giống những lễ hội vui chơi của dân chúng ở quảng trường Champs-Elysées tuy có những trò đùa đặc thù riêng của từng dân tộc. Một trong những trò đùa khá thành công là cảnh người ta bố trí cho một ông bố phúc hậu của một gia đình nóng lòng gặp đứa con út mới sinh ngay trong ngày ông ta trở về làng. Bà vú nuôi xuất hiện, bế đứa bé được bọc kín, chỉ thấy đầu một mõm đen. Ông bố phấn khởi nghe con mình gầm gừ, cho rằng đây là toàn bộ chân dung của mình và tính tình dễ thương của bà mẹ. Nghe thấy thế, bà mẹ bước lên nhận lời khen, lời khen dẫn đến một cuộc tranh cãi, tranh cãi dẫn đến ẩu đả, đứa bé bị co kéo bởi hai bên tuột hết cả tã lót, một con gấu con xuất hiện trước những tràng vỗ tay của đám đông và ông bố phát hiện thấy người ta đã đổi đứa con của mình trong lúc cho nó bú.

Trong tuần lễ cuối của hội hóa trang, những hoạt động ban đêm được tổ chức khắp đường phố Saint-Peterbourg kích thích sự tò mò của dân chúng như ở các thị xã của Pháp. Một trong những kiểu hoá trang được áp dụng nhiều nhất là kiểu Paris. Một chiếc áo bó người, tà dài, cổ sơ mi hồ bột cao quá cà vạt khoảng ba, bốn phút, mái tóc giả uốn vòng, mảng trang trí trước ngực và đội chiếc mũ rơm nhỏ. Hình vẽ trào phúng được hoàn chỉnh bởi rất nhiều vật trang sức, dây đeo lòng thòng quanh cổ và thắt lưng. Không may khi mặt nạ bị nhận ra, tự do chấm dứt, tước hiệu bị lấy lại, và con người kỳ cục trở thành Đức Ông. Nhưng trò chơi cũng để lại vài điều thú vị.

Tuy vậy những ngày lễ ấy nay tuy vẫn còn huy hoàng đã thoái hóa nhiều so với xưa kia. Ví dụ năm 1740, Hoàng hậu Anne Ivanova có một quyết định vượt hẳn những gì người ta đã làm cho đến nay về loại ấy, muốn cho tổ chức một buổi lễ chỉ có Hoàng hậu nước Nga mới làm được. Để đạt yêu cầu, bà định những hôn lễ anh hề của bà được tổ chức vào những ngày cuối của lễ hội hoá trang và ra lệnh mỗi thủ hiến cử đến tham dự một đôi vợ chồng theo từng sắc tộc trong vùng, mặc quần áo dân tộc, mang theo đồ trang bị thích hợp với nó. Mệnh lệnh của Hoàng hậu được chấp hành triệt để và tới ngày đã định, bà hoàng uy quyền thấy kéo đến đoàn đại biểu của một trăm dân tộc khác nhau mà một số trong đó bà còn không biết tên. Đấy là những người Kamchatdales và Lapons đi trên xe trượt do chó hoặc tuần lộc kéo. Đấy là người Kalmouk cỡi bò, người Buchar cưỡi lạc đà, người Indien cỡi voi và người Ostiak đi giày trượt băng. Lần đầu tiên từ các địa đầu của vương quốc, các sắc tộc đến giáp mặt nhau, người Finnois tóc hung, người Circassiens tóc đen, Ukrainien khổng lồ, Samouyiede thấp lùn, cuối cùng người Bachkir mà người láng giềng Kirghiz gọi là Istaki nghĩa là bẩn, và người dân đẹp đẽ của Georgie và Iaroslavl. Có các cô gái làm vinh dự cho các khuê phòng ở Constantinople và Tunis.

 Trong lúc họ đến, đại biểu của từng dân tộc được sắp xếp theo nước của mình ở dưới một trong bốn lá cờ xuân, hạ, thu đông. Và khi đã tập trung đầy đủ, buổi sáng họ được tổ chức thành một đoàn người lạ lùng diễu hành trên đường phố Saint-Peterbourg. Trong tám ngày, mỗi ngày đoàn người đều đi diễu hành mà vẫn chưa thoả mãn được sự tò mò của dân chúng.

Cuối cùng ngày hôn lễ được tổ chức. Vợ chồng mới cưới sau khi làm lễ ở nhà nguyện của lâu đài, cùng đoàn hộ tống ngông cuồng đến lâu đài của Hoàng hậu đã cho chuẩn bị, xứng đáng về phần kỳ cục với phần còn lại của buổi lễ. Đấy là một lâu đài đẽo gọt trong băng, dài năm mươi hai bộ, rộng hai mươi bộ, được trang trí trong ngoài, bàn ghế, đèn, đĩa, tượng, giường tân hôn trong suốt. Những đường trên mái, tầng tường trên cửa ra vào, sơn hoàn toàn giống cẩm thạch xanh và được bảo vệ bằng sáu khẩu ca nông băng tuyết, mỗi khẩu được nạp khoảng một livre thuốc súng và một viên đạn bắn chào khi họ đến, viên đạn đâm thủng tấm gỗ dày hai phút cách đấy bảy mươi bước. Phần lạ nhất của toà lâu đài mùa đông này là tượng một con voi khổng lồ do một người Perse cưỡi được trang bị đủ thứ và do hai nô lệ dắt, ban ngày từ vòi phun ra nước, ban đêm phun ra lửa, rồi thỉnh thoảng rống lên những tiếng kinh khủng vang khắp Saint-Peterbourg nhờ tám hoặc mười người chui vào thân hình rỗng của nó.

Không may những buổi lễ như vậy, dù ở Nga, cũng chỉ thoảng qua. Mùa chay đưa một trăm dân tộc trở về quê nhà và băng tan làm toà lâu đài sụp đổ. Từ đó người ta không bao giờ được thấy lại nữa và mỗi năm mới, lễ hội hoá trang lại càng buồn.

Ngày lễ năm 1825 còn kém vui hơn bình thường, giống như chỉ là bóng ma của những ngày vui nhộn trước đây. Nỗi buồn của Hoàng đế Alexandre ngày càng tăng, lan ra trong triều thần. Sợ làm Người không hài lòng, dân chúng tuy không thân quen họ, cũng chia xẻ nỗi lo lắng với họ.

Như một số người nói thì nỗi buồn ấy là do hối hận.