Người Thăng Long

Chương 8

Hai ngày sau, Trần Nhật Duật và đoàn tuỳ tùng về đến Thăng Long. Trần Nhật Duật lập tức tiến triều.

Trước cung Thánh Từ là thư phòng của Đinh Củng Viên, ông quan giữ chức Hành khiển nội cung của Thượng hoàng Thánh Tông. Trần Nhật Duật được Đinh Củng Viên cho biết Thượng hoàng đang bàn việc với đức ông Chiêu Minh và chỉ bàn tay đôi. Ông tính ngồi chờ ở thư phòng của Đinh Củng Viên nhưng một viên nội giám đã từ trong cung Thánh Từ ra thưa với Chiêu Văn vương:

- Thượng hoàng truyền triệu đức ông vào chầu hầu.

Chiêu Văn vương vào lạy chầu hai anh. Ông thấy cả hai người đều mặc áo lụa mát và chắc rằng họ đã làm việc lâu rồi vì bên cạnh, trên một cái bàn tròn thấy bày đầy bánh trái và chè ngọt mà một số đĩa đã bị khuyết. Chiêu Minh vương cười:

- Thế nào, ông mối đã bị ăn cái đấm cái đạp nào chưa?

Trần Nhật Duật cũng cười:

- Thưa anh, chỉ bị uống cả rượu phạt lẫn rượu thưởng thôi ạ.

- Thế nào là rượu thưởng mà thế nào là rượu phạt?

- Dạ, thưởng công ông mối lương duyên còn rượu phạt của các cô gái châu Mai...

- Hẳn là phạt những người đi đất khác chứ gì?

- Dạ đúng thế.

Thượng hoàng bảo:

- Tốt lắm, em về đây vừa hay. Ta đang mong. Này chú Ba, thế thì việc tuần sát vùng biển ta giao cho Quốc Tảng.

- Chọn người ấy là đúng nhưng ta không nên vượt quyền đức ông Hưng Đạo. Tuần sát là việc quân. Đã là việc quân thì phải do nguyên soái chọn tướng.

Trần Nhật Duật ngẩng nhìn hai anh chăm chú. Trần Quang Khải hiểu ý em nói ngay:

- Chúng ta đã quyết định giao quyền Tiết chế các quân cho đức ông Hưng Đạo. Việc chọn tướng sẽ do anh trưởng quyết định lấy.

Thốt nhiên Trần Nhật Duật nghĩ tới câu luận bàn về anh hùng của đức ông Hưng Đạo. Phải chăng Chiêu Minh vương là một người anh hùng, một người hiểu mình, hiểu người và biết thắng mình?

Thượng hoàng giao cho Chiêu Văn vương một công việc quan trọng. Đó là việc thu xếp mọi mặt cho một cuộc họp quan trọng đông người. Thượng hoàng dặn em:

- Họp đông nhưng bàn việc lớn. Phải giữ cho thật kín đáo. Ăn uống chè rượu phải biện tại chỗ mà phải đề phòng quân gian tế bỏ độc. Em nên nhớ bọn vua chúa phương bắc thời nào cũng ỷ mình là thiên triều, chúng không thể nào bỏ được mộng xâm lăng nước ta đâu. Chỉ duy cái sự có mặt của nước Đại Việt ta ở phương nam cũng đã làm cho chúng tức tối ghen thù rồi đó.

Trần Nhật Duật hỏi Thượng hoàng về đất họp ở đâu? Thượng hoàng trầm ngâm suy nghĩ giờ lâu rồi mới đáp:

- Ở vùng Lục Đầu Giang!

Trần Nhật Duật nhìn anh đăm đăm. Ông đã hiểu rằng một khi đã định giao quyền nguyên soái cho một người chi Vạn Kiếp thì hai anh mình đã tính đến mọi lẽ hơn thiệt, nhưng chọn Lục Đầu Giang làm nơi hội họp là một quyết định can đảm của Thánh Tông sau khi đã nghiền ngẫm thấu đáo lòng người. Sông Lục Đầu nằm trong miền đất phân phong của chi trưởng. Ngày xưa Hiển hoàng Trần Liễu được phong thái ấp ở vùng này. Về sau các đức ông của ngành Trưởng đều được ban phong thái ấp quanh sông Lục Đầu từ địa giới lộ Lạng Giang cho tới vùng quần đảo Vân Đồn, Ngọc Sơn, Bạch Long Vĩ... Từ đó chi trưởng thành tên là chi Vạn Kiếp. Đi phó hội ở vùng sông Lục Đầu chính là đến họp trong đầm rồng ổ cọp của chi trưởng. Ông hỏi Thánh Tông:

- Thưa anh, ta lấy bao nhiêu quân túc vệ?

Thánh Tông mỉm cười:

- Lấy quân túc vệ lần này thì nhiều đến đâu cũng không đủ. Mà đã an toàn thì không đem quân tuỳ thân cũng vẫn an toàn. Em hãy lấy một quân là cùng. Cũng là để giữ cho tai mắt giặc ở Thăng Long không nhận ra. Còn thì lấy quân gia đồng bản thổ. Họ vừa hầu hạ trong cuộc họp vừa canh phòng.

Dùng quân gia đồng bản thổ có nghĩa là dùng quân của các vương hầu chi trưởng! Hai anh của Trần Nhật Duật thật đã biết đánh tan mối hiềm nghi nếu có trong lòng các đức ông chi Vạn Kiếp. Trần Nhật Duật thấy mình không một chút e ngại. Ông tin ở sự xét đoán người của mình, ông tin ở sự sâu sắc của anh ruột. Tình nghĩa máu mủ tông tộc trong vài năm lại đây cũng đã mỗi lúc mỗi tốt đẹp hơn. Đó là cái cớ để mà vững tin.

Ở hoàng cung ra về, Chiêu Văn vương sắp sửa ngay việc lên đường đến vùng Lục Đầu Giang vào sáng hôm sau. Buổi chiều, Chiêu Quốc vương đột ngột đến vương phủ Chiêu Văn. Tuỳ tùng cận vệ chỉ có một gã đô vật đã từng nổi tiếng lừng lẫy một thời bây giờ giải nghệ và giữ việc dạy võ nghệ cho đội quân gia nô của vương phủ Chiêu Quốc. Gã ta cũng có tên huý tên hèm nhưng bằng ở khổ người và tật tính, người ta chỉ gọi gã là Đô Trâu.

Chiêu Quốc vương nói là nghe tin Trần Nhật Duật ở sông Đà về nên đến chơi thăm em. Nhưng cách nói năng của Chiêu Quốc vương khác mọi khi mặc dù cái khác đó rất kín đáo và nhỏ bé.

Mọi việc thu xếp để lên đường đã ổn thoả rồi, Trần Nhật Duật hồ hởi tiếp anh. Ông đưa Chiêu Quốc vương vào đình sen. Mùa này sen đã hết hoa, lá úa và xơ xác rách nát, cảnh đình sen đẹp một vẻ tiêu sơ. Trần Nhật Duật sai pha trà cỗi châu Mai đãi anh. Thị nữ hầu trà bưng lên hai chén trà men nâu có nắp đậy, đặt trên một cái khay chạm.

Chiêu Quốc vương mở nắp một chén trà, khói thơm bốc lên thoảng qua.

- Trà cỗi tháng thu! - Đôi mắt Chiêu Quốc vương sáng lên. Thật là một đôi mắt đẹp, đuôi mắt dài, màu đen thăm thẳm. Những lúc Chiêu Quốc vương lim dim mắt, người ta có cảm giác như màn đêm phủ xuống không gian bí mật... Chiêu Quốc vương nhắp một ngụm trà. Thứ trà có pha thêm gỗ cây mai già mọc trên núi đá châu Mai quả có hương vị đặc biệt. Chiêu Quốc vương chợt mỉm cười, mắt sáng lên nhìn em, ngâm khẽ:

Bạch vân nhất phiến khứ du du

Thanh phong phổ thượng bất thăng sầu

Thuỷ gia kim dạ thiên chu tử

Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu (1)

Chiêu Văn vương cười gượng. Trần Ích Tắc vốn có một ma lực hấp dẫn rất mạnh. Ở chỗ vắng hay ở chỗ đông người, mặc dù Ích Tắc ít nói nhưng vẫn là cái xoáy mà nước chung quanh cứ cuồn cuộn xoay tròn. Ít lâu nay, Trần Ích Tắc và Tô Nghĩa Đông thường tụ họp với vài danh sĩ áo gấm để thưởng thức những thi phẩm cùa phái thơ Hoa gian. Những thi phẩm này lời lẽ bóng bẩy, tứ thơ lẳng lơ đã một thời được thi nhân tài tử triều Nguỵ Tống ngâm ngợi. Người ta gọi các thi sĩ phái thơ này là thi sĩ phái Hoa gian hay phái Hoa nguyệt, phái thơ của những kẻ miệt mài trong những đêm trai gái truy hoan.

Câu thơ Trần Ích Tắc vừa ngâm, gợi đúng cái nút thắt trong lòng Trần Nhật Duật nhưng Chiêu Quốc vương nói về việc này mà thực ra đang nghĩ về việc khác. Con người ấy biết tạo cho mình một bộ mặt đẹp, một dáng điệu ung dung tưởng như một con người thoát tục, không một chút bụi trần vương tới, không một thú vui trần tục nào quyến rũ được, nhưng tất cả chỉ để che giấu những khát vọng luôn luôn thay đổi và càng ngày càng mạnh hơn, càng ngày càng đen tối hơn.

Bây giờ thì Chiêu Quốc vương lại cụp mi mắt xuống

- Em sắp đi đông bắc à?

-...

- Thượng hoàng đã giao cho ta việc đó nhưng ta từ chối không nhận. Ta chẳng muốn làm việc gì mà trong lòng không muốn.

Mặc dù đã nhiều năm trước đây, Chiêu Quốc vương là thần tượng của Trần Nhật Duật nhưng lần này Chiêu Văn vương vẫn im lặng nhìn anh. Một làn heo may nhẹ thổi. Bức tranh lụa cổ vẽ cảnh Lưu Linh say ngủ bay lên, đầu trục gỗ gõ lộp cộp vào ván vách. Chiêu Văn vương cũng không hề có ý định giấu anh việc đi đông bắc. Ông biết đây là một việc trọng yếu mà Thượng hoàng và Thái sư Chiêu Minh vương đã đắn đo kĩ trong việc chọn người để giao việc. Ông chỉ nghĩ rằng Chiêu Quốc vương đáng được giao việc ấy và ông cũng ngạc nhiên tại sao anh mình lại từ chối không nhận nó.

Chiêu Quốc vương trầm ngâm nhưng không phải vì nghĩ về công việc mà là thử trầm ngâm để tìm lời thích hợp với ý nghĩ.

- Con đường đông bắc mạo hiểm quá!

- Không! Đó là con đường tất phải đi!

Chiêu Văn vương không kìm được phải thốt lên. Trần Ích Tắc nhìn em. Ích Tắc không muốn tranh cãi với em. Xưa nay Ích Tắc chưa hề làm như vậy mỗi khi có ý kiến khác ý kiến của mình về một việc gì đó. Ông ta quen để cho mọi việc tự nó nó đến sau khi ma lực hấp dẫn của mình đã hoành hành. Chiến thắng tự nhiên sẽ đến như một trái chín bình thản rụng về gốc.

- Thế tất phải như vậy! - Chiêu Văn vương tiếp:

- Giặc đang lăm le ngoài bờ cõi, triều đình và tông thất phải thành một khối bền vững, mối đại thống phải như rễ sâu gốc chắc mới mong chống trả với giặc được.

Chiêu Quốc vương chỉ cười và gọi Đô Trâu vào, sai gã về vương phủ lấy một bọc quà tặng. Đô Trâu đi rồi, Chiêu Quốc vương mới thủng thẳng nói:

- Giặc ngoài chỉ mới lăm le nhưng thù trong đã có sẵn từ mấy đời rồi.

Chiêu Quốc vương bằng một cách nói hết sức bình thản, nhắc lại cho em nhớ đến cuộc nổi loạn của Vũ Thành vương Trần Quốc Doãn hai mươi nhăm năm về trước.

Bấy giờ vào thời Nguyên Phong, niên hiệu của tiên đế Trần Thái Tông, nhà Nam Tống đang bị quân Thát Đát tung hoành cả một đất nước mênh mông. Phương bắc lại bị triều đình nhà Kim của người Khiết Đan bức bách. Tướng Thát Đát cho một cánh quân từ phía tây đánh vòng xuống phía nam quân Tống. Mũi tiến quân của chúng rõ ràng sẽ phải tràn qua đất Việt ta. Triều đình họp bàn cách chống giặc. Tình thế đất nước lúc đó không khác gì bây giờ cả. Lẽ tất nhiên, tiên đế Trần Thái Tông và Thái sư Trần Thủ Độ cũng đặt ra việc giữ cho bền vững mối đại thống những mong nhờ cậy ở đó để trường sức chống giặc.

- Thế mà em thử nhớ lại coi, trước khi giặc tràn tới. Vũ Thành vương dẫn cả gia quyến và quân bản bộ bỏ trốn ra khỏi biên thuỳ theo quân Tàu của nhà Tống.

Trần Ích Tắc trầm ngâm, hai mi mắt cụp xuống nhìn đăm đăm gương mặt băn khoăn của em.

Vũ Thành vương Trần Quốc Doãn là anh ruột của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Năm ấy Vũ Thành vương định vượt biên thuỳ phía bắc nhưng chỉ ít lâu sau, triều đình bắt được Doãn và cả gia quyến. Triều đình nghị tội khép vào đại nghịch và trừng trị thật nặng. Thế rồi giặc tràn đến và cuộc kháng chiến chống giặc Thát lần thứ nhất xảy ra. Tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai, vốn dòng Khiết Đan, dẫn một đạo quân thiện chiến bao gồm những tên lính Thát Đát cưỡi ngựa, những tên Ô Man chuyên đánh rừng và quân Hán miệt Xuyên Thục. Giặc tràn vào lộ Quy Hoá. Quân ta cũng dàn trận ngăn giặc từng bước một. Thế giặc mạnh quá, chúng tiến quân qua bãi bằng Binh Lệ, chúng đánh chiếm bến đò Phù Lỗ và tràn xuống Thăng Long. Thế mà quan dân cả nước không nao núng vẫn bình tĩnh chống đánh. Những trận mai phục đánh giập đầu, đánh chẹn hậu, cướp lương, bắt ngựa diễn ra khắp nơi làm cho giặc càng ngày càng khốn quẫn. Giáp tết năm Nguyên Phong thứ bảy vua ta đưa binh thuyền ngược sông Thiên Mạc đánh giải phóng kinh thành. Và sau chiến thắng lẫy lừng ấy, thừa thế quân ta đuổi tràn đi, đuổi luôn thẳng cổ lũ giặc ra khỏi đất nước. Một viên tướng lúc ấy còn trẻ đã lập công to, tiết chế mọi việc quân mạn đông bắc một cách xuất sắc và dũng cảm. Người đó là Trần Quốc Tuấn. Sử sách chép cuộc chiến tranh ấy là chiến thắng thời Nguyên Phong.

Nhắc đến chuyện xưa, Chiêu Văn vương băn khoăn. Ông thấy kiến giải của Chiêu Quốc vương nghiệt ngã và không công bằng với người chi trưởng. Vũ Thành vương làm phản, đó là một sự thực nhưng Hưng Đạo vương lập công lớn cũng là một sự thực nữa. Đã bắc cân thì phải cân cho đầy đủ và trọn vẹn mọi bề. Trong lúc giao việc cho Chiêu Văn vương, Thượng hoàng Thánh Tông đã nói tỉ mỉ tâm sự của mình cho ông nghe. Chiêu Văn vương cho rằng cách nghĩ của Thượng hoàng là đúng. Cách nghĩ của Chiêu Minh vương cũng đáng phục nữa. Đó chính là những người hiểu mình và biết dẹp đi những riêng tư của mình. Muốn thắng giặc thì tông tộc phải đại thống, muốn đại thống thì chi thứ phải làm trước tất cả mọi điều cần thiết để dẫn đến sự tin cẩn giữa hai chi. Hình như Chiêu Quốc vương đọc được những suy nghĩ của em. Ông ta bình thản nói tiếp:

- Ai chẳng mong tông tộc đại thống, thiên hạ đại thống. Nhưng em nên nhớ mối bất hoà trong họ nhà ta đã truyền từ đời ông qua đời cha. Này nhớ tiên đế và Hiển hoàng, anh hoàng Ba và Hưng Đạo vương, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Tá Thiên vương Trần Đức Việp và Chương Hiến hầu Trần Kiện... Thế là cứ từng đôi một, đôi một giữ nhau từng miếng kể đã bốn đời.

- Chương Hiến hầu là người của chi thứ, đâu phải là người của chi trưởng.

Trước câu thốt lên của Trần Nhật Duật, Trần Ích Tắc chỉ cười nhạt nhìn em. Mãi sau, Chiêu Quốc vương mới nói:

- Chắc vương đệ phải hiểu tại sao tiên đế lại nhường ngôi cho anh hoàng Hai mà không nhường ngôi cho đức ông Tĩnh Quốc?... Là vì phụ hoàng biết chắc người ấy không phải là con của mình rồi.

Đó là một vết nhơ trong gia đình mà Chiêu Văn vương xưa nay vẫn xua đuổi không muốn nghĩ tới. Nó không hợp với tâm hồn bình dị, trong lành của ông. Chiêu Quốc vương nói:

- Không nói tới thì thôi mà đả động đến nó thì phải bàn cho đến cùng kì lí. Vậy thì Nhân Huệ vương phạm tội gì mà bị trừng phạt nghiêm ngặt thế?

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư vốn là cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ. Thời Nguyên Phong, Trần Khánh Dư đánh giặc có công lớn được Trần Thái Tông yêu quý nhận làm con nuôi. Vì là thiên tử nghĩa nam nên Nhân Huệ vương được giao chức Phiêu kị Thượng tướng quân, tên gọi khác của Điện tiền Nguyên soái. Đó là một chức trọng yếu, cần người thật tin cẩn thân thiết, xưa nay chỉ có các thân vương hoàng tử mới được trao. Nhân một tiệc rượu mo nang, Nhân Huệ vương gặp công chúa Thiên Thuỵ, vợ của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, là nàng dâu trưởng của Trần Hưng Đạo. Hai bên bằng lòng nhau rồi phải lòng nhau. Việc vỡ lở ra và Trần Thái Tông sai nọc con nuôi trên bờ hồ Dâm Đàm để đánh cho kì chết, nhưng lại dặn dũng thủ đánh nương tay. Dũng thủ bèn đánh chúc mũi côn cho chạm đất cho nên đánh tới một trăm hèo mà Trần Khánh Dư vẫn còn sống. Thế là theo bộ luật Hình Thư, đánh tới một trăm hèo mà chưa chết coi như trời tha, Trần Khánh Dư bị tịch biên gia sản đuổi về làm dân. Bây giờ ông đang làm một nghề lam lũ gì đó ở vùng Chí Linh để sinh sống. Bởi vì ở vùng Chí Linh cha của Trần Khánh Dư là Nhân Thành hầu Trần Phó Duyệt còn để lại một trang trại nhỏ ở đó.

Chiêu Văn vương cưỡng lại nho nhỏ:

- Nhưng mà tại Nhân Huệ vương đã bôi xấu cho gia đình đức ông Hưng Đạo.

Chiêu Quốc vương mỉa mai:

- Thế còn đức ông Hưng Đạo thì tô vẽ đẹp đẽ cho nhà Trung Thành vương chắc?

Chiêu Văn vương im lặng nhưng không cho lời Chiêu Quốc vương là đúng cả. Giữa Hưng Đạo vương và công chúa Thiên Thành vốn đã có một lời hẹn ước, vả chăng Hưng Đạo vương không có dã tâm gây chuyện với Trung Thành vương.

- Em còn nhỏ tuổi mới lớn lên nên chưa hiểu hết mọi uẩn khúc đó thôi. Cha sai đánh anh Trần Khánh Dư nhưng lại sai dũng thủ đánh chúc mũi côn xuống cho nên anh ấy mới thoát chết. Chẳng qua chi thứ chúng ta nhường chi trưởng mọi điều chỉ trừ có một...

- Sao cơ?

- Chỉ trừ một khi chi trưởng đòi ngai vàng. Nếu có, trị ngay, trị đến nơi đến chốn. Ví như cả nhà Vũ Thành vương vậy. Còn lần này chính là cơ hội để họ đòi cái đó. Mà như thế là không được.

Vừa lúc đó, Đô Trâu bước vào đình sen đưa trình Chiêu Quốc vương một cái bọc. Trần Ích Tắc đón lấy bọc trao cho Trần Nhật Duật:

- Thôi, đã nhận mệnh vua thì hãy làm cho tròn đạo thần tử. Ta có cái này cho em, may ra giúp em được chút gì nữa cũng hay.

Trần Nhật Duật giở cái bọc ra xem. Đó là một cái áo giáp ngắn không tay kết bằng những vảy đồng thau rất khéo. Chiêu Quốc vương từ biệt ra về. Đứng ở cổng chính vương phủ, Chiêu Văn vương nhìn lơ đãng theo cái kiệu sơn then đang đi xa dần. Ông suy nghĩ miên man...

Không! Oan cừu nên cởi không nên buộc, oan cừu tuy còn nhưng đâu đến nỗi nặng nề như anh ta đã nói. Ta đã gặp trên gác Ngoạn Hoa một bằng chứng rõ ràng. Đó là chậu tùng Yên Tử, tiêu biểu cho đức độ quân tử. Ta lại chẳng kết nghĩa đá vàng với một người thù nghịch cũ là Mai Sơn hầu đó sao? Điều cốt yếu là phải có một mục đích cao cả làm cốt lõi cho tình người. Nhưng vì cớ gì mà lòng ta xốn xang thế này? Có ai đó làm ơn chỉ cho ta khúc nhôi ấy? Thốt nhiên Trần Nhật Duật nhớ đến nỗi lo lắng của bà nhũ mẫu về ông. Chao ôi những bà mẹ, những bà mẹ hiền có sự mẫn cảm cực kì linh diệu! Mẹ đã nhiều năm bú mớm cho con, nâng giấc con những lúc con ươn, chăm bẵm con những lúc con chơi nhởi, hồi hộp chờ những thành tựu của con và lo lắng trước cho những thất bại của con. Mẹ, chỉ những bà mẹ mới nhìn thấy những gì chưa xảy ra trong đời một đứa con...

Trần Nhật Duật trở lại đình sen. Ông nghĩ về mình và bây giờ ông hiểu rằng có những cái tưởng như chẳng có gì bí hiểm nhưng định hình chúng cho được cũng không phải là dễ dàng. Lòng dạ con người thật là một cõi bao la vô định.

Lại một cơn heo may nhẹ, bức tranh Lưu Linh gõ trục vào ván vách. Còn ở trên sập là cái bọc áo giáp ngắn, loại giáp mặc sát người, kín đáo mà nhẹ nhõm.

Hai ngày sau, Trần Nhật Duật đã xuôi thuyền đến Vạn Kiếp, ấp phong của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Các con của Hưng Đạo vương cũng đều ở thái ấp này cả mặc dù họ đều được phong vương và phong ấp ở nơi khác. Trần Nhật Duật đến Vạn Kiếp để tuyên chiếu mật của Thượng hoàng giao trọng trách cho đức ông Hưng Đạo phải giúp Chiêu Văn vương sắp xếp việc canh phòng tuần sát, làm nhà cửa và biện lương cho một cuộc triều hội bí mật sẽ diễn ra trên miền đất phong của mình. Mật chiếu cũng tuyên giao cho Trần Quốc Tuấn việc truyền báo cho các đức ông chi Vạn Kiếp biết mà giúp sức và về dự cuộc triều hội.

Trần Nhật Duật khi tuyên chiếu, nhận thấy vầng trán dạn dày của Trần Quốc Tuấn nhuốm bâng khuâng. Những ý nghĩ gì đang chuyển vần trong khối óc trí lự kia?

Trần Nhật Duật được Trần Quốc Tuấn đưa đi xem cảnh thái ấp. Phong cảnh Vạn Kiếp đẹp một vẻ hùng tráng. Ba bề núi, một mặt sông. Thái ấp nằm lọt giữa vùng sông núi ấy. Trần Quốc Tuấn đã lập một khu nhà dựa lưng vào núi Phượng Hoàng. Vài chục năm trước đạo sĩ Huyền Vân đã đến đây lập cái quán tre trúc lợp cỏ đặt tên là quán Lệ Kỳ. Phong cảnh đất này quả xứng đáng với người muốn lánh đời để tu tiên. Đứng ngay trên thềm chính đường của thái ấp, người ta có thể nhìn thấy hai ngọn núi nhỏ nằm sát bờ sông như hai đồn binh thiên nhiên canh giữ cho thái ấp. Tô Nghĩa Đông có lần đến chơi thái ấp, nhìn thấy hai quả núi đó, khen thế núi đẹp, đặt tên chúng là núi Nam Tào, Bắc Đẩu nhưng người Vạn Kiếp không thích những cái tên nhuốm màu sắc phong thuỷ đó. Họ vẫn cứ gọi núi đó là núi Thuốc.

- Trên ấy, đám trẻ ấp này có trồng được vài giống thuốc quý.

Trần Quốc Tuấn cắt nghĩa cái tên núi Thuốc cho em nghe. Ông chỉ ra xa:

- Cái bãi mờ mờ xa kia là hòn Châu. Sáu đầu sông như sáu con rồng quay đầu lại vờn hòn Châu ấy.

Trần Nhật Duật nhìn cái doi bãi xa tít tắp một màu xanh non. Sông Lục Đầu mênh mông. Vòm trời Lục Đầu đầy mây mùa thu trôi giạt bềnh bồng. Trên cánh đồng nhỏ trước cửa thái ấp, những chấm cò trắng đỗ la liệt, những gia nô đang gặt gấp vụ mùa. Đã lâu lắm, Trần Nhật Duật mới được đằm mình vào cảnh sống một thái ấp đồng quê vụ mùa. Trần Quốc Tuấn rủ em:

- Ta xuống đồng xem đi.

Ý ông muốn cho Trần Nhật Duật hiểu cảnh một nắng hai sương của nhà nông. Điều đó thật có lợi cho một người quyền quý quen sống thị thành như Chiêu Văn vương. Hai đức ông đi qua khu nào trong thái ấp cũng thấy gia nô tíu tít làm việc.

Hương lúa phơi được nắng bốc lên phảng phất như mùi cốm. Những đàn gà lăn xả vào mổ lấy mổ để những hạt thóc mẩy. Tiếng lúa rót vào cót, tiếng cối xay, tiếng chày giã chân thậm thịch, tiếng những suy thất phụ (2) chuyện trò với nhau vui vẻ trong nhà bếp... gợi lên cảm giác phong túc của một trang trại trù phú. Lần nào được sống trong không khí này, Trần Nhật Duật cũng tự hứa sẽ về làm như vậy trong thái ấp của ông nhưng sau thì không lần nào thực hiện được lời hứa. Quả thật việc nông trang khó quá đối với ông.

Từ cánh đồng, Trần Quốc Tuấn lại đưa Trần Nhật Duật về hậu đường. Ở đây ông có một căn phòng biệt lập, sáng, mát, và yên ắng. Cửa sổ căn phòng trổ ra một cái sân nhỏ chung quanh bày những chậu cây cảnh chăm chút kĩ lưỡng. Kể ra với một người quen sống với núi sông hùng vĩ thiên nhiên mà chơi cây cảnh thì cũng thật kì lạ. Nhưng thực ra Trần Quốc Tuấn muốn dùng những lúc xén cây, tỉa cây trải qua nhiều năm liền để rèn luyện đức tính kiên nhẫn của mình. Kế cái sân nhỏ là một thửa vườn trồng cúc. Rất nhiều giống cúc khác nhau. Một kiến thức chợt thoáng qua trong trí Trần Nhật Duật: Cúc là giống hoa cần được chăm sóc tưới tắm, bắt sâu, diệt muỗi hàng ngày. Người ta thường dặn nhau hễ ai còn phải xa nhà vài ngày thì đừng có mà trồng cúc. Đó là thứ hoa dành riêng cho những người già ít đi xa và những cao sĩ ở ẩn. Vườn cúc là vườn của ẩn sĩ...

Vườn cúc của Trần Quốc Tuấn đã trồng tỉa để đón vụ hoa tết Nguyên Đán. Những luống cúc non lên mơn mởn, chồi nào cũng mập mạp. Tuy chưa tới tuổi trồng cúc nhưng Trần Nhật Duật cũng là người sành hoa. Ông nhận ra các loại cúc gấm, cúc giấu hương, cúc móng ưng, cúc đeo ngọc, cúc lù, cúc vàng bông to, cúc tơ trời... Những khóm cúc này hứa hẹn một yến tiệc hương sắc vài tháng tới.

Bên kia vườn cúc là một dãy nhà trúc vàng lợp lá thông non nhã thú. Đó là nhà sách của Trần Quốc Tuấn. Nửa đời người xa lánh kinh đô, xa lánh công danh phú quý, Trần Quốc Tuấn đã bỏ bao công sức, bao tiền của để chuốc lấy những pho sách quý báu các loại chứa vào đó. Tuy Trần Quốc Tuấn không nói ra nhưng Trần Nhật Duật cũng hiểu rằng nơi ấy, Trần Quốc Tuấn đã bao phen ngồi trầm tư nghiền ngẫm việc đời, việc người. Ở đấy biết bao tư tưởng đến với Trần Quốc Tuấn, biết bao kiến thức được lật phải lật trái để rồi được xếp thứ tự sau vầng trán ưu tư kia.

Trần Nhật Duật bước xuống vườn cúc. Trần Quốc Tuấn im lặng dẫn em đến nhà sách. Ở chái đầu nhà, Trần Quốc Tuấn dành làm chỗ ngủ và chỗ làm việc cho một cậu bé mười lăm tuổi. Người thư nhi này tên là Trương Hán Siêu giữ việc coi sóc nhà sách và ghi chép những điều kín nhẹm riêng tư của Trần Quốc Tuấn. Chái nhà sách đầu kia là chỗ nghỉ đêm và học tập của người con trai thứ ba của Hưng Đạo vương. Lúc này trong chái nhà, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng đang đọc bộ sách Nam Bắc phiên giới địa đồ, một bộ trước tác đã ngót hai trăm năm, từ thời vua Lý Anh Tông. Đây là bộ sách chép về hình thế sông, núi và kể ra phong tục cùng sản vật các vùng trong đất nước.

Thấy cha dẫn chú đi tới, Trần Quốc Tảng vội buông sách, sửa lại khăn áo ra lạy chào. Là hàng cháu nhưng Trần Quốc Tảng còn hơn Trần Nhật Duật hai tuổi. Hai người đã nhiều năm theo học ở Quốc Tử viện và Giảng Võ đường. Về mặt kiến văn, Trần Nhật Duật rất phục Trần Quốc Tảng. Chiêu Văn vương còn coi Hưng Nhượng vương là người khác thường vì con người này hầu như không đếm xỉa tới mọi thú vui quen thuộc của thế nhân. Cũng chỉ một người có nết lạ đáng chú ý như thế là Hưng Ninh vương Trần Tung. Hàng năm Trần Quốc Tảng hay bỏ đi chơi lang thang khắp nơi ít nhất vài ba tháng. Mỗi lần đi đều ăn mặc như người dân thường, ăn uống trong những quán bên đường, chen vai thích cánh với dân chúng xem hội, nghe hát xẩm, trò chuyện với mọi người trên một chuyến đò. Những chuyến đi như thế mở rộng kiến văn của chàng và cũng làm cho Trần Quốc Tảng thấu rõ tình người. Cha chàng coi chàng là một người hiểu biết người, biết cách xử thế quyền biến và có những người bạn tri kỉ trong đủ mọi hạng người. Nhưng những lần lang thang sông hồ cũng làm cho dung mạo của chàng thêm phong trần và có khi làm cho con người tiều tuỵ đi nhiều. Đến nỗi có lần một người lính gia đồng vương phủ Hưng Đạo đã ngáng giáo không cho Hưng Nhượng vương vào, thậm chí còn quát tháo nạt nộ chỉ vì sau những ngày lang thang trong bộ quần áo dân thường, ăn uống thất thường Trần Quốc Tảng chẳng còn mấy tí phong độ của một bậc vương giả.

Những cuộc gặp gỡ chuyện trò với Trần Quốc Tảng bao giờ cũng đem lại cho Trần Nhật Duật những bất ngờ hết sức thú vị. Có khi là chuyện hèm của một làng, có khi là tính nết của một giống hoa, có khi là một suy nghĩ thoạt mới nghe tưởng như kì quặc nhưng lúc nghĩ kĩ mới thấy nó mới lạ và sâu sắc, có khi là một vần thơ thoát tục nhuốm mùi thiền, có khi là một phương thuốc gia truyền chữa bệnh hiểm nghèo... Những bất ngờ ấy đến với Trần Nhật Duật qua cách kể bình thường và dung dị của Trần Quốc Tảng. Mấy năm gần đây, những cuộc nói chuyện giữa hai người đã sang một bước mới. Trần Quốc Tảng hay dẫn dắt Trần Nhật Duật đến những địa hạt hết sức rối rắm của lí học, tâm học. Đó là cuộc bàn luận không kết thúc và sau đó cả hai người chia tay ra đi thường vẫn mang theo những vấn đề chưa có kiến giải. Tuy vậy, Trần Nhật Duật biết rằng Trần Quốc Tảng rất ghét các đạo sĩ cung Cảnh Linh và các sư phái Mật Tông ở chùa Chân Phúc. Các đạo sĩ và thiền sư này rất có thế lực trong triều và mặc dù vậy, họ vẫn kiêng sợ Hưng Nhượng vương. Nghe đâu trong đôi ba cuộc khẩu chiến, Hưng Nhượng vương bằng cách nói lạnh lẽo mỉa mai và rất thông minh, đã đẩy các đạo sĩ và thiền sư ấy lâm vào cảnh tự mình lại cãi nhau với mình một cách hăng hái và hung hãn...

Trần Quốc Tuấn nói với Chiêu Văn vương:

- Em sẽ đi thăm thú thế đất quanh vùng và chọn nơi họp. Cháu Ba sẽ đưa chú đi.

Ông bảo Trần Quốc Tảng:

- Con sẽ theo hầu chú! Chú chịu mệnh vua về đó.

Trần Quốc Tảng chắp tay nghiêm chỉnh vâng lời cha.

Tối hôm ấy, Trần Quốc Tuấn thết Chiêu Văn vương một bữa tiệc bằng toàn các sản vật đồng quê trong vùng. Đó là một bữa ăn hết sức thân mật giữa hai người nhưng cả bốn con trai của Hưng Đạo vương đều ngồi hầu rượu cha và chú. Chiêu Văn vương nắc nỏm khen món nhệch om béo và ngọt thịt hơn lươn đồng nước ngọt. Ông khen cả món sò huyết nướng và món chả rươi bùi béo. Trần Quốc Tảng nói:

- Bẩm chú, rươi cuối mùa không thật ngậy cho lắm nhưng lại thơm hơn.

Trần Nhật Duật cười:

- Đó là lẽ bù trừ của thiên nhiên đó thôi.

Ông ít khi uống một bữa rượu thoải mái thế này, kể cả những lúc uống tay đôi với một người tri kỉ ở phủ đệ kinh thành. Hình như những bữa đó ở Thăng Long đã bị cái ồn ào của kẻ chợ chen vào, chúng bị thêm vào một chút gì phù phiếm của nghi lễ và giàu sang...

Đêm khuya, Trần Nhật Duật ngắm trăng muộn chiếu qua cửa sổ căn phòng Trần Quốc Tuấn dành cho ông. Trần Nhật Duật không sao ngủ được, lòng bâng khuâng thậm chí không tập trung tâm trí để nghĩ về một vấn đề gì. Khối núi Phượng Hoàng đen lạnh, tiếng nước Lục Đầu thầm thào, hương phấn thông và hơi đá núi tạo thành một khung cảnh vừa xa lạ vừa thân thiết khiến cho ông suy nghĩ miên man...

Liền trong mấy ngày Trần Quốc Tảng đưa Trần Nhật Duật đi quanh vùng sáu đầu sông. Hai đức ông chỉ đem theo mươi người hộ vệ. Tất cả đều cưỡi ngựa, những con ngựa béo mượt trong tàu ngựa của Thái ấp Vạn Kiếp. Từ ngòi Chiêu đến sông Phượng Hoàng qua những cánh rừng tre, rừng trúc đầy vắt, từ núi Phao, núi Lừng xuống bãi lầy Đan Hội, từ Khê Cầu qua Phong Cốc, Cổ Đô, Trần Nhật Duật phóng ngựa về bến đò Đại Than. Trần Quốc Tảng đã hứa với chú là về đây sẽ sửa một bữa chén thật lạ để chú thưởng thức gỏi cá đầy phong vị sông nước mênh mang vùng sông Lục Đầu.

Họ về đến Đại Than vào một buổi chiều vàng, nắng hanh còn le lói nhưng không gian đã sớm lạnh lẽo. Từ ngôi chùa Phả Lại tít mù xa, tiếng chuông thu không thong thả buông lẩn vào gió thu. Giữ đúng lệ của con nhà tướng, Trần Nhật Duật vẫn dẫn đầu đoàn người ngựa xuống bãi sông. Ai nấy đều tắm và tắm chải luôn thể cho ngựa. Sau đó họ cùng thay quần áo sạch.

Trần Quốc Tảng đưa chú đến một cái bè vó cắm ở mé trên bến Đại Than. Chủ cái bè vó là một ông già thấp nhỏ, vẻ rụt rè, có một đôi mắt gấp gay đã kém tinh tường. Đó là cụ Uẩn, người làm nghề kiếm cá và chở đò ngang qua bến Đại Than. Theo lời Trần Quốc Tảng thì ông cụ giỏi võ lắm, những người lính trong đội quân gia đồng thái ấp Vạn Kiếp rất quý ông cụ. Họ thường đến xin ông cụ chỉ giáo cho những đường kiếm hiểm hóc và nghe cụ kể chuyện chinh chiến thời trai trẻ. Họ coi ông cụ là thầy. Đối với cụ Uẩn, Trần Quốc Tảng là người chịu ơn. Nghe đâu, trong một lần đi săn, Trần Quốc Tảng ngã ngựa sái xương hông. Lính gia đồng mời cụ Uẩn đến thái ấp Vạn Kiếp chữa cho đức ông Hưng Nhượng. Bằng thủ thuật bí truyền trong chốn giang hồ, ông cụ đã nắn cho Trần Quốc Tảng khỏi sái. Sau đó Hưng Nhượng vương thưởng gì ông cụ cũng không nhận, ngoài ba chén rượu uống suông. Từ đó, Hưng Nhượng vương mỗi lần có dịp thường ghé thăm ông cụ và lần nào cũng được ông cụ thết món gỏi cá.

Cụ Uẩn đăm đăm ngắm Chiêu Văn vương. Đức ông hoàng Sáu hồ hởi bảo ông cụ:

- Kính chào ông lão, tôi ở kinh thành về Hải Đông qua đây ghé thăm ông lão.

- Kính lạy đức ông, kẻ dân hèn này được hai đức ông đến thăm thật quá đỗi lo lắng và mừng rỡ.

Ông cụ mời hai đức ông xuống bè vó. Chiếc bè có một khoang nhỏ mui lá rất sạch sẽ. Hai chiếc chiếu cói đan lấy rất khéo trải gần kín khoang. Một lưỡi đòng, một thanh quất chuôi đồng thau giắt trên mui mái. Mặc dầu đã được Trần Quốc Tảng kể qua lai lịch ông già độc thân này, Trần Nhật Duật vẫn tò mò ngắm ông cụ và có cảm tưởng như được gặp một bậc du hiệp kì tài. Cụ Uẩn pha trà Yên Tử mời hai đức ông uống.

- Bẩm trà núi đá hái tiết sương giáng!

Đã cuối tháng mười trăng mọc muộn. Đêm ấy Trần Nhật Duật được ăn một bữa gỏi cá kì lạ nhớ đời. Mỗi người một cái vó con nhỏ xíu. Họ tự bắt lấy những con cá chép thả trong chiếc chậu da lươn để giữa mâm, những con cá chép bằng ngón tay út đã được cụ Uẩn nuôi bằng nước vo gạo nếp. Rượu là thứ rượu cất bằng quả kim anh Yên Tử hâm nóng trên hoả lò than đặt ngay cạnh mâm.

Rượu say, họ ngủ ngay trong khoang bè vó. Gió sông ào ạt thổi bên ngoài mui mái, nước vỗ lóc bóc đầu bè. Càng về khuya, thiên nhiên càng thuộc về côn trùng và muông thú, chim chóc. Tiếng chim vỗ cánh lưng trời, tiếng dế nỉ non, tiếng phì của rái cá ở vụng nhỏ cuối bè... Trước khi ngủ thiếp đi, Trần Nhật Duật thoáng nhớ một lần Trần Quốc Tảng nói về cái dung dị thoát phàm của những đêm đất lạ. Trong thiên nhiên trong lành, người ta chợt thấy cũng có những điều nhân loại bày đặt ra thành vô nghĩa và một câu hỏi tự nảy ra: Thế nào là có nghĩa đối với một con người?

Sáng hôm sau cụ Uẩn hạ chiếc thuyền con vẫn úp trên mui mái bè xuống nước để đưa hai đức ông đi thăm thú trên sông. Cụ chống thuyền dọc theo soi Tiểu Than xuống soi Đại Than. Đây chính là cái bãi giữa Lục Đầu giang mà Trần Quốc Tuấn gọi là hòn Châu có sáu rồng vờn. Cái bãi rất rộng, bốn bề là nước. Trên bãi lau sậy um tùm, mùa này chim mùa từ phương bắc tránh rét bay xuống phương nam đậu lại nghỉ cánh, nào ngỗng trắng xám, nào sâm cầm, sít chân đỏ mỏ đỏ, vịt trời... hàng vạn con.

Cụ Uẩn kéo thuyền ghếch mũi lên bãi soi. Hai đức ông nhanh nhẹn nhảy lên cạn đi vào trong soi. Đây thật là nơi tốt nhất để làm chỗ họp sắp tới: bãi Bình Than.

Trần Nhật Duật tính toán rất nhanh những việc cần làm để có một nhà rạp thật lớn chứa đủ vài trăm người. Ông lập tức cùng Trần Quốc Tảng về Vạn Kiếp. Những mệnh lệnh liên tiếp ban ra.

Hàng loạt bến thuyền dành cho quân thuỷ của vương hầu được dọn dẹp chờ thuyền chiến vào đậu.

Những người lính hoả đầu vận chuyển gạo, cá khô đến lập kho ở hai ven sông.

Những đội tuần sát được phái đi các làng ven sông Lục Đầu để xét hỏi những người lạ mặt khả nghi.

Một đô lính trạo nhi gia đồng của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn được lệnh đi dắt mấy bè gỗ và tre luồng từ phủ Lạng Giang về Đại Than.

Những người lính khác được lệnh phát quang bãi Bình Than. Họ làm một nhà rạp rất lớn mái lá gồi ở giữa bãi. Họ làm thêm những dãy nhà thay quần áo, nhà mộc dục để tắm rửa, ở cuối bãi là nhà bếp. Những suy thất phụ khiêng đến Bình Than những chiếc nồi đồng ba mươi, những chiếc chảo cực lớn và những chiếc chum đựng mỡ. Họ lấy đất thó nặn đầu rau bắc bếp rồi dùng thuyền nhỏ chuyên chở đến kho thực phẩm các loại hạt khô như đậu, ngô, vừng, lạc... Theo lệnh Trần Nhật Duật, quan trấn thủ lộ Lạng Giang ra lệnh ngừng tạm thời việc khai thác lâm sản. Những người lái bè, những người buôn củ nâu, trầu vỏ, lá gồi... phải hàng ngày đến trình diện ở dinh trấn thủ. Cũng theo lệnh Trần Nhật Duật, viên tướng chỉ huy quân thuỷ ở cửa Vân Đồn rải thuyền chiến tuần sát đường biển từ Vân Đồn về các cửa Nam Triệu, cửa Lục... Viên tướng ấy cũng ra lệnh nghiêm cấm lái buôn nước ngoài vào quá cửa Vân Đồn.

Trần Nhật Duật còn cho triệu các viên chỉ huy lính tuyển phong xưa nay chuyên đảm nhận việc giữ gìn trật tự, pháp luật ở mấy phủ huyện chung quanh đến và đặt ra cho họ nhiệm vụ là phải lưu tâm tới những kẻ lưu manh du đãng, buộc chúng phải ở nhà ban đêm, còn những kẻ chuyên đi buôn sang Trung Quốc thì phải lên sung vào các đội tu tạo sửa chữa các dinh thự.

Tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc triều hội đã được đốc thúc làm rất nhanh chóng. Trần Nhật Duật như muốn thử sức mình, đã tỏ ra linh hoạt và quả quyết vô cùng. Lần này là lần đầu tiên Trần Nhật Duật không có Hoàng Mãnh bên cạnh. Nhưng cũng là lần đầu tiên ông làm việc công có một người chỉ giáo rất ít lời nhưng cực kì thâm thuý: Trần Quốc Tuấn. Đức ông Hưng Đạo thẳng thắn bảo em: “Tất cả những gì anh nói với chú thì chú cứ xem xét, nếu thấy phải làm thì làm còn nếu có cách nào hay hơn thì tuỳ chú. Con người ta phải quả đoán. Anh mong rằng chú cũng được cái tính ấy như em hoàng Ba.”

Trần Nhật Duật làm hết mình. Người ta thấy đức ông hoàng Sáu có mặt khắp nơi, thông minh, tháo vát, tự tin. Đức ông quên bẵng chiếc áo giáp ngắn mang từ Thăng Long về. Chỉ đến hôm các việc lớn đã xong xuôi, duy còn việc cho lính giăng màn lụa và thảo sớ dâng vua công việc hoàn tất, Trần Nhật Duật mới chợt trông thấy cái bọc áo giáp. Bấy giờ trời đã tối và ông đang cùng với Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng bàn soạn về ý tứ sẽ viết trong mật sớ tại căn phòng cuối thái ấp Vạn Kiếp.

Trần Nhật Duật cầm cái áo giáp lên đưa cho Trần Quốc Tảng xem. Trần Quốc Tảng vốn có kiến văn rộng rãi và đi giang hồ cũng nhiều. Hưng Nhượng vương cầm xem cái áo và nói về nơi ra đời của nó:

- Loại áo của bọn Tuốc! Bọn này học được thuật đúc áo giáp của những thương nhân Nhã Điển.

Trần Quốc Tảng khen cái áo tốt, Trần Nhật Duật nói:

- Cháu hay đi chơi lang thang một mình thì cầm lấy nó mà dùng.

Trần Quốc Tảng ngẩng nhìn chú và kín đáo nhìn rất lâu.

..............

Chú thích:

(1)Trích thơ Trương Nhược Hư. Bài Xuân giang hoa nguyệt dạ.

Dịch:

Mảnh mây trắng bông lông bay mãi

Rừng phong xanh trên bãi gợi sầu

Thuyền ai lơ lửng canh thâu

Trên lầu trăng dõi đất nào nhớ nhau

(2) Suy thất phụ là những đàn bà nô tì làm việc trong bếp.