Người Thăng Long

Chương 19

Dẫn đường cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đến Hàm Tử và dự trận đánh xong, cậu bé Hoàng Đỗ lại được lệnh triệu về Hành trung doanh ngay. Nửa đường Hoàng Đỗ đã gặp Hành trung doanh đang di chuyển. Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn sai cậu dẫn đường tắt trở lại bãi Màn Trò. Đây chính là cái bãi đã chứng kiến cả hai trận Hàm Tử và Chương Dương và là cửa ngõ về Thăng Long.

Điều đó làm cho Hoàng Đỗ hồi hộp. Đúng là Quốc công có ý định giải phóng Thăng Long rồi!

Hoàng Đỗ dẫn Quốc công về làng Xuân Đình, một ngôi làng nhỏ có một luỹ tre xơ xác nhưng êm đềm biết bao. Cảnh quê gợi nhớ bao kỉ niệm thời thơ ấu. Nơi này chính là nơi chôn rau cắt rốn của cậu, là nơi cậu sống những ngày ấu thơ trong tủi nhục của kiếp nô tì, là nơi cậu đã lập công và được Bảo Nghĩa vương phóng thích và nhận làm em nuôi.

Hành trung doanh bận tíu tít, Trương Hán Siêu thảo lệnh triệu hai đức ông Chiêu Minh và Trung Thành sang sông để bàn việc quân với Quốc công Hưng Đạo vương. Chắc việc quân cơ mật có nhiều điều khiến đức ông phải đắn đo suy tính nên căn lều trận của đức ông được lệnh cấm cửa. Chính Dã Tượng, viên tướng chỉ huy quân tuỳ tùng đứng canh.

Đến lúc trời tối mịt, quân canh cửa dẫn đến cho Dã Tượng một người dân binh thông hiệu của hành doanh Kiêu Kỵ. Anh ta bị thương rất nặng nhưng mang về một tin rất quý. Đó là tin của Đỗ Vỹ, do thám nổi tiếng của quân ta mà Trần Quốc Tuấn đã phái đi từ trước khi có chiến sự bên kia biên giới. Đỗ Vỹ báo tin rằng mối quan hệ giữa A Lý Hải Nha và Thoát Hoan không chỉ là mối quan hệ trên dưới. Mà A Lý Hải Nha còn được Hốt Tất Liệt giao Thoát Hoan cho và bắt Thoát Hoan nhận làm thầy.

Dã Tượng vội vào báo cho Quốc công tin đó. Chỉ thấy Quốc công trợn mắt nhìn sững. Chắc phải có điều gì trọng yếu nên đức ông mới nghĩ ngợi lung như thế chứ?

Đêm hôm ấy Trung Thành vương và Chiêu Minh đại vương từ bên kia sông Cái sang tới Hành trung doanh. Hai đức ông trình Quốc công tình hình giặc ở vùng ven kinh thành.

Trước hết, tin đáng lưu ý là giặc mở kho phát gạo cho binh lính. Giặc lùng sục các nhà dân trong kinh thành, cướp ruột tượng của đàn bà, cướp khăn, cướp khố của đàn ông. Chắc là để đựng gạo.

Thứ hai là hệ thống truyền tin của giặc bằng ụ lửa hiệu cờ, đèn lồng đang hỗn loạn.

Thứ ba là giặc giết bò kéo xe quân dụng. Thịt chia cho quân ăn ngay, và phần lớn đem sấy khô.

Thứ tư là đồn Giang Khẩu mới dựng một cọc nêu để làm hiệu cấp cứu nếu bị tấn công. Lúc nào ở dưới chân nêu cũng có một tì tướng giặc chực sẵn.

Đêm nay đức ông hoàng Bảy Trung Thành vương mặc áo chiến vải thâm bình thường nhưng chinh chiến chỉ làm sâu thêm cặp mắt đẹp có quầng thâm, cái mũi thêm thanh tú, vầng trán phẳng thông minh thêm ưu tư.

Đức ông Chiêu Minh thì sâu sắc hơn, đôi mắt vốn dĩ trầm tư càng thêm cứng rắn sắc sảo.

Căn lều trận của Trần Quốc Tuấn vốn không rộng, ông sai dẹp hết văn án và ghế, nền lều trải chiếu cói và vài tấm thảm da dê. Gần nửa đêm, Trần Quốc Tuấn sai gọi Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Yết Kiêu đến lều trận. Đức ông Chiêu Minh cũng cho mời ông già chép sử Lê Văn Hưu, cho phép ông cùng được ngồi nghe các tướng bàn việc quân. Ông già này đã từng làm phó quan của Chiêu Minh đại vương. Năm xưa ông đỗ Bảng nhãn, đã từng làm việc trong viện Hàn lâm và viện Thái sử. Trần Quốc Tuấn vốn trạc tuổi ông già chép sử lại rất mến ông nên đã kết bạn với ông. Trần Quốc Tuấn sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu thường thấy lòng trầm lắng xuống. Lê Văn Hưu bàn chuyện thời xưa mà tưởng đâu như chuyện quanh mình vậy. Người ta có cảm giác mọi việc của các bậc đế vương, của công hầu, của sĩ dân đều đã được khối óc kia nghiền ngẫm kĩ lưỡng rồi thận trọng chép vào sách sử một dòng nào đó kể lại một việc có dính líu đến sự hưng phế của xã tắc, đến sự còn mất của một triều vua, đến sự thịnh suy của một dòng họ, đến danh thơm tiếng xấu nghìn đời của một con người. Sau mỗi lần đàm đạo với Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn thường tự hỏi mình xem đã thực hiểu chưa về phép tắc xét đoán trời, xét đoán người của ông già chép sử. Trần Quốc Tuấn vẫn liệt Lê Văn Hưu vào loại người ít ỏi của mỗi thời, thậm chí của nhiều thời nữa. Ông cho rằng ông già chép sử này là một bậc quốc sĩ mà những người hiểu biết hễ gặp phải kính phải nể. Vốn đã từng làm nhiều chức quan to, Lê Văn Hưu đã từng được dự hầu nghe nhiều cuộc họp bàn của các vương hầu còn đông và long trọng hơn thế này nhiều, nhưng ông già chép sử hiểu rằng cuộc họp này tuy chỉ tính có đôi nước cờ nhưng là mấy nước khá tinh tế và hiểm hóc.

Quả có thế. Trần Quốc Tuấn vừa mới nói vài điều mà cuộc họp căng thẳng ngay.

Ý kiến của Quốc công Tiết chế cực kì giản dị. Hiện nay, các cánh quân giặc không liên lạc được với nhau, lương thiếu, cỏ thiếu, trời nóng nực, bệnh dịch hoành hành. Tình thế này địch cần rút lui nhưng tại sao địch tỏ ra nửa muốn bỏ chạy, nửa muốn bám lấy đất này? Chính là vì cuồng vọng của địch lớn quá, bây giờ thua to đứa nào cũng lo về nước bị Hốt Tất Liệt trừng trị.

Trần Quốc Tuấn dằn mạnh từng tiếng:

- Binh pháp có câu: “Có thể đoạt được lòng tướng địch”. Nay hai thằng giặc tâm thần bất định. Chúng muốn chạy lắm mà chưa dám chạy. Chúng chưa dám chạy thì ta xua cho chúng chạy cho nhanh.

Hai đức ông hoàng Ba và hoàng Bảy cùng vỗ đùi khen kế diệu.

- Thế thì phải nổ sét ngang tai thằng nhãi Thoát Hoan. Còn thì phải xuyên cho thằng giặc già A Lý Hải Nha một mũi dao găm thấu gan thấu ruột thì mới thúc thằng này phải vắt chân lên cổ mà chạy.

Trung Thành vương chầm chậm nói:

- Cứ như lời Quốc công ta nói thì tôi thấy đuổi thằng nhãi Thoát Hoan không gì bằng lúc này ta đốt đồn Giang Khẩu và đốt luôn đội thuyền nhẹ của nó đậu ở sông Tô Lịch.

Các tướng cân nhắc thấy Giang Khẩu là một đồn nằm giữa vùng có nhiều đồn địch. Nếu từ đây vào Giang Khẩu sẽ phải qua mấy chục dặm rải rác nhiều đồn địch, có trại quân, có thám mã của giặc đi lại. Nếu đi bên bờ phải con sông Cái thì vướng một vùng đầm lầy và phải vượt con sông rộng mênh mông ấy nữa. Như vậy muốn diệt gọn nó thì phải tướng giỏi, quân tinh nhuệ. Trung Thành vương nghiêng đầu, đôi mắt ông thật đẹp sắc sảo đang đăm đăm nhìn một vết gì đó trên tấm thảm da dê. Cuối cùng ông nói:

- Giang Khẩu là một đồn thấp vài trăm quân, bến thuyền cũng chỉ có vài ngũ lính canh. Ta chỉ cần một đô tinh nhuệ, nửa đêm phóng hoả đốt đồn, đốt thuyền, chọn cung thủ giỏi rình bắn chết tướng giặc. Trận đánh ắt xong. Chỉ cần một tướng lĩnh mệnh vào Kiêu Kỵ, lấy quân của Nguyễn Chế Nghĩa đi xuyên qua rừng đa chờ chập tối sang sông. Đầu canh hai đốt đồn rồi sang sông hạ thuyền nhỏ xuôi dòng mà về đây, quân kị của giặc có nhanh tài giời cũng không đuổi nổi thuyền xuôi dòng.

Kế này hẳn giống dự kiến của Quốc công nên thấy ông tươi mặt. Lê Văn Hưu vốn là ông già sâu sắc. Ông tò mò nhìn đức ông hoàng Bảy. Người đánh trận này phải là đức ông hoàng Bảy, vừa thuộc đường, vừa thuộc trận địa, lại chính là người bày ra kế hạ đồn này kì diệu thế. Nhưng giữa Trung Thành vương và Quốc công còn có một mối thù riêng từ thuở còn trai trẻ. Chuyện xảy ra vì một mối tình không thể chia sẻ được của lệnh bà Thiên Thành. Bây giờ lệnh bà Thiên Thành đã là vợ của Quốc công còn Trung Thành vương đã lập vương phi với một người khác rồi nhưng chuyện xưa nay còn ngang trái tới đâu?

Đột nhiên Trần Quốc Tuấn bàn sang chuyện khác:

- Phần thằng giặc già A Lý Hải Nha. Thằng này thao lược. Phải cho nó một đòn nặng mới được.

Trần Quang Khải mỉm cười:

- Đánh A Lỗ!

A Lỗ không phải là một trại quân khó đánh. Nó là nơi tướng giặc Lưu Thế Anh đặt hành doanh chỉ huy việc tải lương và trữ lương. Quân không tinh nhuệ lại phần lớn là lính tải, lính coi ngựa, lính chèo thuyền và bọn câu kê làm sổ sách tính toán lương tiền. Đó là một trại quân ô hợp, của cải để ngổn ngang. Nếu A Lỗ bị diệt, ngựa giặc sẽ đói. Trần Quốc Tuấn tin rằng A Lỗ bị diệt ngày nào, A Lý Hải Nha chạy ngày đó. Vậy quân tinh nhuệ của ta sẽ giãn ra chọn đất mai phục. Giặc sẽ bị đánh tả tơi ở các triền sông Thiên Đức, Lục Đầu... Giặc sẽ bị đánh tả tơi ở cửa Đầu Quỷ, ở cửa quan Anh Nhi...

Trần Quốc Tuấn tỏ ý chí quyết chiến. Ông bảo Trương Hán Siêu:

- Nhà ngươi về tụ tập thư nhi thảo lệnh cho các hành doanh tiến quân về các trận địa mai phục đã giao trước.

Các đức ông ra khỏi lều trận chuẩn bị cho hai trận Giang Khẩu và A Lỗ. Theo lệnh Quốc công, dân Xuân Đình thu xếp rất nhanh hai chục chiếc thúng cóc. Ông chọn một tay cung thủ giỏi tên là Hoa Xuân Hùng cho đi theo đội quân vào Kiêu Kỵ.

Lê Văn Hưu vẫn tò mò kín đáo nhìn Quốc công. Bỗng thấy Trần Quốc Tuấn ngoảnh nhìn Trung Thành vương và cầm lấy bàn tay nuột của ông hoàng nổi tiếng lịch sự kinh thành. Trần Quốc Tuấn trang trọng nói:

- Ta xem chiều trời đêm mai còn chuyển gió mùa đông bắc. Có thể trời trở lạnh đôi chút. Em đem cái này đi phòng sẵn.

Quốc công trao cho Trung Thành vương một chiếc áo ấm.

Đêm sang đầu canh tư, không gian chuyển sang màu chì lỏng. Lê Văn Hưu cúi đầu ngẫm nghĩ. Một điều thật là đẹp đẽ đã xảy ra nhưng ông biết chép thế nào vào trong sử nhỉ?

...

Suốt một ngày hôm sau người ta thấy các cánh quân ta lên ngược về xuôi, tíu tít. Hành trung doanh làm việc hết mình để sửa soạn những trận đánh sẽ xảy ra trên đường rút chạy của giặc. Nào chuyện lương khô cho những người lính phải nằm lâu ở nơi mai phục, nào số thuyền cần thiết cho các bến đò ngang chở đỡ chân lính thông hiệu, nào đôn thúc các lộ Tam Đái, Quy Hoá nộp nứa để làm cầu phao cho các triền sông Thiên Đức, Lục Đầu, nào lấy dân phu làm gấp hai triệu mũi tên cho hành doanh Lục Đầu và làm kho cỏ vùng sông Sách dành sẵn cho đội voi trận.

Đến chiều, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản dẫn quân sang sông để tiến về sông Như Nguyệt. Sau đó thì tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn hai quân Thượng đô trảy qua để sang lộ Hồng. Phạm Ngũ Lão mang theo cả dàn trống đồng. Lính thông hiệu phi ngược xuôi hò hét:

- Tránh ra, tránh ra cho ngựa quan trảy.

Dân binh lộ Khoái và lộ Quốc Oai thì lại tiến về vùng giáp kinh thành để rút quân tinh nhuệ mặt trận này đem lên mai phục ở các triền sông đông bắc.

Sẩm tối Chiêu Minh vương qua sông. Chu sư của đức ông hoàng Ba cũng đã sẵn sàng nhổ neo. Trần Quốc Tuấn đón Chiêu Minh đại vương và cùng tế ngựa ra ven sông Cái. Tiếng quân reo, tiếng tù và, pháo hiệu làm huyên náo cảnh sông vốn êm tĩnh. Chiêu Minh đại vương nói với Trần Quốc Tuấn:

- Bên chỗ em tưởng đánh dứ mà hoá đánh thật.

Tiếng nói bị bạt gió nên Trần Quốc Tuấn nghe không rõ phải hỏi lại:

- Chú Ba bảo cái gì thật?

- A... Có nhiều trận đánh dứ để quấy rối giặc nhưng chúng nó chống cự yếu quá thành ra quân ta ùa vào đồn diệt luôn. Chúng nó hết kiếp rồi.

Hai đức ông phá lên cười. Bên kia sông, lửa đuốc kéo giăng giăng thành nhiều đường trên cánh đồng rộng mênh mông. Đó là dân mé nam kinh thành trở về làng gặt lúa chiêm sớm. Thật là hay. Công giữ nước là của dân, bây giờ dân được hưởng.

Đêm hè, gió lộng nên mát lạnh, hơi lạnh quá. Hiệu lửa từ hành doanh Kiêu Kỵ báo về: đức ông Trung Thành đã đem quân lén qua sông từ lúc chạng vạng tối. Bây giờ là canh hai. Trần Quốc Tuấn bảo Trần Quang Khải:

- Ta chờ hiệu lửa rồi lên đường là vừa. Chắc khoảng canh một trận đánh bắt đầu. Nếu đánh nhanh thì bây giờ xong rồi.

Hai đức ông nhìn về phía Thăng Long. Có nhiều đám cháy quá. Làm sao phân biệt được là cháy gì và cháy ở đâu.

Giữa canh ba hiệu nêu Kiêu Kỵ báo tin chiến thắng Giang Khẩu nhưng cũng vào lúc đó đoàn thúng cóc từ Thăng Long thuận dòng xuôi về Thiên Mạc cặp bến. Trung Thành vương chạy như bay lên ra mắt hai đức ông:

- Kính lạy hai đức ông. Nhờ phúc ấm của tổ tông đồn Giang Khẩu đã ra tro, đoàn thuyền giặc đậu trên sông Tô Lịch đã ra tro, tướng giặc Mã Vinh đã bị bắn chết.

Binh lính chung quanh reo lên:

- Đức ông hoàng Bảy muôn tuổi. Đức ông lưu thủ kinh thành muôn tuổi.

Trần Quốc Tuấn gỡ chiếc bài vàng chạm rồng đeo ở cổ mình choàng lên ngực Trung Thành vương.

- Chiến chinh mới biết anh hùng. Em ta thật là hòn ngọc của họ Đông A.

Trần Quốc Tuấn ngoảnh sang Trần Quang Khải:

- Còn em sẽ xuôi về Thiên Trường đón ngự giá tiến quân diệt Toa Đô. Mặt Thăng Long này sẽ giao cho em lưu thủ.

- Như vậy anh trưởng không phò giá đem quân chiến thắng về kinh thành chăng?

- Đúng đó. Thăng Long sẽ giải phóng sớm. Bây giờ ta tiến quân đánh A Lỗ rồi sang ngay sông Lục Đầu đánh mai phục lớn. Giặc có thể còn sang phục thù cho nên ngay lần này phải đánh cho tan niềm tin vô địch của chúng.

Trần Quốc Tuấn dặn ông già Lê Văn Hưu:

- Tiên sinh đi theo đức ông Chiêu Minh. Lễ ban sư hội triều sẽ cực kì long trọng, cần đến sử bút của tiên sinh... Rồi có thể lúc đó đức ông Chiêu Minh nổi hứng sẽ làm được một vần thơ tuyệt diệu. Tiên sinh sẽ chép bài thơ tráng khí võ công ấy vào chính sử cho muôn đời sau.

Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho Hành trung doanh lên đường. Hành trung doanh tiến về phía A Lỗ.

Lệnh lên đường đến hành doanh của Chiêu Văn vương lúc trưa. Đầu tiên là các đạo quân sơn cước phải hoả tốc về ngay đất cũ. Thế là Hoàng Mãnh và Hà Chương ra đi. Hoàng Mãnh đến từ biệt Chiêu Văn vương. Viên hổ tướng dũng thủ vô địch kinh thành đã bị thương trong trận Hàm Tử. Một nhát kiếm chém trúng bả vai, nhát kiếm ấy lẽ ra giáng trúng cổ Trần Nhật Duật. Vết thương ở vùng thịt mềm, không nặng lắm và đã được dịt thuốc dấu. Nó cũng chẳng làm cho tính của Hoàng Mãnh đổi đi tí nào. Anh chàng Minh tự ngang ngược tinh ma cười nói với ông anh lúc chia li:

- Thế là anh lại xuôi nam, em lên bắc. Sao mà khéo thế!

Như vậy có hai khu vực quyết chiến. Một ở đông bắc, một ở vùng hạ lưu sông Cái. Ở khu vực này quân ta sẽ đánh tiêu diệt tàn quân của Toa Đô.

Trần Nhật Duật được tin hai vua sẽ ngự giá thân chinh đánh thắng Toa Đô và ông được cử làm quan tướng hộ giá, có nghĩa là bộ não của đạo ngự binh tinh nhuệ.

Trần Nhật Duật ra ngay những mệnh lệnh khẩn cấp. Phát lương khô cho tất cả quân tướng trong đạo quân riêng. Sửa soạn buồm lái cho tất cả thuyền bè. Đưa các binh tướng bị thương vào các làng xa nhờ dân làng chăm sóc giùm.

Binh lính reo mừng nhận lệnh. Ai nấy lăn xả vào công việc sửa soạn đi chiến trường mới.

Mờ sáng hôm sau, Trần Nhật Duật ra lệnh cho đạo quân của ông lên đường. Một cánh quân bộ thì đi đường thượng đạo. Còn cánh quân chính hành binh bằng đường thuỷ theo sông Cái. Thuyền tướng treo hiệu phướn của Chiêu Văn vương. Đoàn thuyền của đức ông hộ giá lên đường. Những lá buồm nâu dữ dội căng gió. Thuyền bồng bềnh dàn rộng ra trên mặt sông mênh mang. Trống đồng đánh điệu xuất quân hùng tráng. Binh lính đứng trên sạp thuyền, mui thuyền cất tiếng hò một điệu sông xa:

Hò... ơ... ơ

Làng tôi có bãi dâu xanh.

Có nàng dệt lụa nghĩa tình sắt son

Ơ... ơ

Nàng ơi nuôi mẹ, dạy con

Anh đi đánh giặc, giặc tan anh sẽ về...

Hò... ơ... ơ

Đoàn thuyền thuận dòng xuôi băng băng. Trần Nhật Duật lên đứng trên mui thuyền tướng nhìn về hướng trước mặt. Đó là vùng hạ lưu sông Cái nơi ông làm tròn một tướng mệnh mới. Xa hơn nữa một chút là lộ Thanh Hoá Ngoại. Lộ Thanh Hoá Ngoại có hương Hoằng và một người con gái làng biển hiền hậu, dũng cảm, sắt son...

...............

Thăng Long năm Toàn Thắng.

Hết