Người Lính - Những suy ngẫm của một người lính Đức

P 3 : Chương 15

Y tá lập tức băng bó cho những người trúng đạn. Họ xức thuốc vào vết thương của tôi và quấn băng xung quanh bàn tay và cổ tay. Vết thương vẫn tê; cơn đau vẫn chưa đến. Lính bộ binh đưa chúng ta ra xe cứu thương và cho lên 2 hàng ghế sau xe. Viên thượng sĩ bị trúng đạn ở vai, một pháo thủ bị trúng đùi, và một người bị trúng vào người bên phải. Với vết thương của chúng tôi, chúng tôi đã thành công trong việc mở đường cho bộ binh.

Chiếc xe cứu thương chở chúng tôi đến bệnh viện dã chiến vài cây số ở phía sau, bác sĩ xem xét vết thương. Họ băng bó kỹ càng hơn, chích thuốc ngừa tetanus (uốn ván) và cho uống thuốc kháng sinh. Sau đó chúng tôi được đưa lên xe buýt với những nguời lính bị thương khác chở về bệnh viện ở Noyen, từ đó, đưa về Bonn bằng máy bay vào sáng hôm sau. Đi bằng xe buýt thật không dễ chịu chút nào, vì chúng tôi bắt đầu tỉnh táo sau cơn sốc bị thương và cơn đau bắt đầu đến. Mọi người im lặng, chỉ có tiếng rên rỉ từ ai đó. Xe chạy xóc lên xóc xuống làm vết đương càng đau hơn. Cơn đau làm tiêu tan cảm giác chiến thắng.

Đến bệnh viện ở Noyen gần nửa đêm, chúng tôi mau chóng được đưa vào giường bệnh. Chúng tôi được cho thuốc giảm đau để có thể ngủ được. Và tôi nằm suy nghĩ về hành động ngu ngốc vì nhận lấy sự nguy hiểm không cần thiết. Tôi có thể mất mạng như chơi. Tôi tự hỏi là tôi hành động điều đó một cách tự nhiên hay hành động để tỏ ra can đảm. Tôi rùng mình khi suy nghĩ về điều đó. Tôi có thể bị giết trong cơn mưa đạn. Nhưng nhiều người khác cũng bị chết trong chiến dịch này, và tôi chỉ là một người nữa mà thôi. Tôi chìm vào giấc ngủ với cảm giác vui sướng là vì mình còn sống, dù cơn đau vẫn đang hành hạ.

Y tá thức chúng tôi dậy sáng sớm hôm sau, cho chúng tôi ăn điểm tâm, rồi đưa ra xe buýt rồi đưa đến máy bay đi Bonn. Bây giờ thì cổ tay tôi nhức nhối và bàn tay bắt đầu sưng. Máy bay không có ghế ngồi, nhưng tổ lái cho chúng tôi nệm để ngồi. Chúng tôi cố gắng tạo ra chỗ ngồi thoải mái trên sàn máy bay. Chúng tôi đều có thể đi lại; những người bị thương nặng phải nằm lại bệnh viện ở Pháp.

Mọi người nói chuyện râm ran với nhau trên suốt chuyến bay, hầu hết về hành động của họ lúc bị thương. Đó đây có những tiếng cười trong câu chuyện. Tôi bắt đầu nhận thấy đầu óc con người cố gắng đương đầu với sự khinh hoàng của chiến tranh như thế nào.

Đến Bonn, y tá lại đưa chúng tôi lên xe buýt và chở đến bệnh viện. Một bác sĩ khám cổ tay tôi, thay băng, và nói tôi là ông ta phải đợi cho đến khi vết sưng xẹp xuống rồi mới để nẹp lên cổ tay. Tôi được biết sư đoàn của tôi diễn hành ở Paris và tôi bị lỡ nó, như tôi đã bỏ lỡ cuộc diễn hành ở Plauen sau chiến dịch Sudetenland. Tôi gọi ba mẹ và cho họ biết tôi đang về nhà và tôi không bị thương nặng lắm.

Tôi ở Bonn gần 3 tuần, chỉ đợi vết sưng xẹp xuống. Ngày 19 tháng 6, trong khi ở Bonn, tôi được tặng huân chương Chữ Thập Sắt hạng nhì và Verwundeten-Abzeichen màu đen (huy hiệu cho binh lính bị thương - màu đen là bị thương 1 lần, bạc: bị thương 3 lần, vàng: bị thương 5 lần). Vì tôi không bị bắt phải nằm một chỗ, tôi nghĩ ngơi, đi ăn bên ngoài, đi xem phim, và dạo phố. Bonn, nơi sinh của Beethoven, lúc ấy còn là một thành phố nhỏ đang ngái ngủ.

Cuối cùng, sau gần 3 tuần, vết sưng hầu như đã tan, và bác sĩ đặt nẹp lên cổ tay. Tôi xin chuyển về bệnh viện Leipzig, quản trị bệnh viện mua vé xe lửa đi Leipzig cho tôi.

Tôi chuyển về bệnh viện Leipzig ngày 9/7/1940. Bác sĩ tháo băng và khám tay tôi. Viên đạn đã phá vài mảnh xương nhỏ ở bàn tay và làm hư hại dây thần kinh cảm giác vài ngón tay. Tuy nhiên, mạch máu chính và dây thần kinh vận động không bị hư hại, tôi thật may mắn. Bác sĩ băng bó lại. Cổ tay phải tự nó lành. Điều mà bác sĩ làm được là chống nhiễm trùng.

Tôi không bị bắt phải ở lại trong bệnh viện, và nhà bố mẹ tội chỉ 20 phút bằng xe điện. Màu xanh quen thuộc của xe điện Leipzig làm tôi cảm thấy như ở nhà. Tôi nhảy lên bậc tam cấp nhà tôi ở tầng hai của chung cư và cảm thấy hạnh phúc khi về nhà. Nục cười rạng rỡ của mẹ tôi khi bà trông thấy tôi làm tôi có cảm giác bị thương cũng đáng giá vì được về nhà.

Tôi nhìn mọi người và mọi thứ trong nhà kỹ hơn. Có lẽ tôi đã cận kề với cái chết nên có cảm giác cận kề gia đình nhiều hơn. Tôi ra nhà hàng và hộp đêm của bố tôi ngay ngày đầu về đến nhà, vì không muốn ngồi nhà đợi ông về. Ông ngạc nhiên và xúc động không kém gì mẹ, hai bố con ngồi xuống nói chuyện với nhau suốt 2 giờ. Chị Inge về nhà trể từ bệnh viện, nơi chị làm y tá. Chị cũng vui mừng khi tôi về nhà và lo lắng cho vết thương của tôi. Tôi cảm thấy rất sung sướng khi về lại với gia đình, trừ Fritz, cậu ta ở Jena. Bố tôi rất tự hào về những gì nước Đức đã đạt được, và ông tự hào là tôi là một phần trong đó.

Tôi tìm Leibelt và Ebert ở Leipzig. Và tôi không phải đợi lâu, vì họ cũng nghe tôi về. Chúng tôi gặp nhau ở hộp đêm. Họ đã ở đó khi tôi đến. Rất vui mừng gặp lại bạn bè và họ đều bình an. Cứ như lúc trước.

"Friedrich ra sao rồi?" Tôi hỏi.

"Bạn không biết à?" Ebert, giọng nhỏ hẳn xuống.

"Biết gì?" Mắt tôi phóng từ Ebert sang Liebelt. Rồi sự im lặng của họ như một cái tát vào mặt tôi. Cả hai cùng thở dài.

"Tôi tưởng bạn biết," Liebelt trả lời.

Cảm giác tuyệt vọng, chán chường tôi đã trải qua khi Rehberg chết lại ào đến với tôi. Friedrich chết vì vết thương ở Ba Lan. tôi nhớ lại lời khuyên của Raake khi Rehberg chết. Tính mạng của Friedrich là một cái giá khác chúng tôi phải trả.

Tôi đến thăm mộ của Friedrich ngày hôm sau. Tôi đứng dưới cơn mưa, trên mặt đấy ướt sủng và đầy bùn đất bên cạnh mộ anh ta, dưới bầu trời xám xịt, chỉ thấy trống vắng. Tội nghiệp Friedrich. Anh đang sống một cuộc sống tràn đầy ước vọng, và chắc chắn mọi sự tốt đẹp sẽ đến với anh. Kỷ niệm về chuyến trượt tuyết sau khi tốt nghiệp trung học tràn đến. Mới chỉ 4 năm về trước. Biết bao chuyện xảy ra từ đó, và tôi cảm thấy già dặn đi nhiều. Tôi thấy tốt nhất là không nhớ về những điều đó nữa, mà cố gắng tập trung vào những điều có thể làm được để quên đi.

Tôi điều trị ở bệnh viện hàng ngày, cuối tuần thì được phép ở nhà. Hàng ngày, tôi đi coi phim hoặc đến những tiệm ăn có nhảy nhót. Khiêu vũ nơi công cộng bị cấm một thời gian vì đang thời chiến và binh lính đang chết ở Pháp. Nhưng bây giờ đã được phép trở lại. Tôi không nhảy, vì tay tôi phải đeo băng, nhưng thích thú nhìn người khác nhảy.

Một buổi, tôi nhìn thấy một sĩ quan hải quân và 2 cô gái trong quán ăn. Cô gái nhìn quyến rũ hơn hình như không phải là đào của anh ta, mặc dù anh ta nhảy với cả hai người. Khi nhạc ngừng chơi, tôi đi đến một quán khác và tìm món gì ăn. Một lúc sau, người sĩ quan hải quân và 2 cô gái cũng đến đó. Vì là 2 quán đẹp nhất ở Leipzig, nên đó không phải là một sự ngẫu nhiên lớn. Họ nhận ra tôi khi bước vào quán, và tôi cười chào lại. Họ ngồi xuống cách tôi vài bàn, và tôi cảm thấy khó mà rời mắt khỏi cô gái dễ thương đó. Tóc cô màu hung rất đẹp, thân hình nhỏ nhắn nhưng có dáng, khuôn mặt dễ thương với gò má cao.

Khi ban nhạc chơi bản nhạc cuối cùng, tôi quyết định mời cô nhảy. Đôi mắt màu xanh dương lấp lánh khi cô cười. "Được chứ," vào đứng lên. Cô ta không hề nhìn đến cánh tau băng bó của tôi.

Tôi nhảy hơi cứng ngắt vì tay phải đeo băng. Chúng tôi vừa nhảy vừa nói chuyện, cô thật thân thiện và tế nhị. Tôi bắt đầu phải lòng cô ta. Tôi nói đến buổi biểu diễn piano vào tuần sau và hỏi cô ta có định đi không. Cô ta hơi làm dáng và không hứa chắc, nhưng tôi cảm thấy tôi có lý do để hy vọng rằng cô sẽ đến.

Tuần sau đó, ở buổi hoà nhạc, tôi đến và tìm cô ta trong số mấy trăm người đến xem. Tôi thấy cô bước vào hành lang và đến phía sau cô ta và vổ nhẹ vai cô.

"Chào đằng ấy," Tôi nói khi cô quay lại.

"Ồ", cô mĩm cười tinh nghịch. "Ngạc nhiên quá!"

Chúng tôi ngồi với nhau trong buổi hoà nhạc. Và từ đó, chúng tôi gặp nhau hàng ngày cho đến khi tôi trở lại đơn vị. Cô tên Lieselotte, gọi ngắn là Lilo, và cô là nhiếp ảnh gia 19 tuổi, có riêng cho mình một tiệm chụp hình.

Tối nào Lilo và tôi cũng hẹn nhau đi ăn tối, coi hát, nghe nhạc, đi khiêu vũ. Tôi đón cô ở tiệm hình khi đóng cửa, và chúng tôi đi chơi suốt buổi tối. Cô là một cô gái nhẹ nhàng và vui nhộn, lúc nào cũng tươi cười. Cô ta có vẻ như luôn yêu đời. Chúng tôi hẹn hò với nhau được một tháng rồi trở về với nhiệm vụ.

Thái độ của mọi người tôi gặp khi dưỡng thương đều tích cực. Sự đầu hàng của nước Pháp là một chiến thắng to lớn cho nước Đức. Chúng tôi có hiệp ước thân thiện với nước Nga, nên nước Anh là nước thù địch duy nhất. Nhưng chúng tôi biết rằng Anh có thể là vấn đề nghiêm trọng đối với chúng tôi. Mặc đù chúng tôi đẩy quân Anh ra khỏi Châu Âu, chúng tôi biết răng chúng tôi không thể tấn công nước Anh mà không thiệt hại nặng. Lúc này, mọi sự để trở lại bình thường ở Đức ngoại trừ tình trạnh chiến tranh vẫn còn hiện hữu giứa Anh và Đức. Tất nhiên, chế độ tem phiếu vẫn còn, nhưng mọi người đề thoải mái hơn, và đó là thời gian mà mọi người có tinh thần quốc gia cao nhất.

Bác sĩ nói tôi là tôi không thể trở về đơn vị nếu không thế nắm tay lại thành quả đấm. Tôi đang thích thú trong kỳ dưỡng thương này ở Leipzig, nhất là có Lilo bên cạnh. Nhưng tôi cũng muốn quay lại đời quân nhân. nên tôi bắt đầu tập cánh tay bất cứ lúc nào có thể, trong rạp phim, trong quán ăn, bất cứ nơi nào. Tháng 9 năm 1940, tôi có thể nắm tay lại và bác sĩ cho tôi xuất viện. Đến lúc này, tôi đã ở quân đội được 4 năm.

Tôi rời Leipzig vào sáng ngày 5 tháng 9 năm 1940. Lilo tiễn tôi ra ga xe lửa. Tôi thật sự không muốn xa rời Lilo. Gặp được cô là điểm sáng nhất trong thời gian bị thương, và cô là liều thuốc làm nhẹ bớt cái chết của Friedrich. Cứ mỗi lần nghĩ đến Friedrich tôi lại buồn lòng, và tôi cố gắng nghĩ đến Lilo.

Tôi đã xa đơn vị khoảng 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 9. Tôi đi Plauen, hậu cứ của tiểu đoàn. (Mỗi đơn vị Đức ở nước ngoài đều có một hậu cứ ở Đức). Plauen vẫn như trước. Tôi mới rời nơi này chỉ một năm. Nhưng không hiểu sao tôi có cảm giác rời nó lâu lắm rồi. Có quá nhiều điều xảy ra trong năm đó - núi Eifel, Leitzkau, Overath, Proyart bên sông Somme, và thất cả những thành phố, sông ngòi, nơi quân Pháp quay lại chiến đấu trong cuộc hành quân qua Pháp. Tôi cảm thấy tôi thay đổi hẳn và già đi so với lần trước ở doanh trại. Tôi nhìn ra sân thao diễn nơi chúng tôi tập dượt biết bao lần. Chúng tôi tập trận giả, bàn cãi về chiến thuật, hậu cần, rồi ăn uống, nghỉ ngơi. Một khoảng cách rất xa, rất xa giữa lý thuyết và thực tế - không về sinh lý, vì chiến đấu gần như tập dượt, mà là cái giá phải trả qua lớn lao về mạng người, về nỗi đau. Ước gì tôi có thể xoá hết trí nhớ của tôi khuông mặt của Rehberg trước lúc chôn anh ấy, và những khuông mặt của bạn bè lúc tôi biết được cái chết của Friedrich.

Tôi trình diện với sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn cũ ở Plauen, Thiếu Tá Brundt.

"Anh sẽ về lại tiểu đoàn của anh bên Pháp," ông nói. "Nhưng anh sẽ trình diện với lon trung úy." Ông cười. "Xin chúc mừng!"

"Cảm ơn thiếu tá." Tôi ngạc nhiên và vui mừng.

Tôi nhận phòng ngủ và đến câu lạc bộ sĩ quan ăn tối. Tôi không biết ai ở đó cả. Ăn tối xong, tôi đi ra Plauen. Tôi đi qua các cửa hiệu, nhìn mội người ngồi ăn uống, cười nói. Tôi chỉ đứng coi họ một cách vui thích. Mới đó mà cứ như lâu lắm. Tôi có cảm giác tôi trở về lại với thời vô tư một năm về trước. Thời gian hình như dừng lại. Chiến tranh hình như chưa giờ xảy ra! Mọi người trông hạnh phúc và không biết gì về những cái giá phải trả ở Pháp. Họ nhìn giống y như trước, còn tôi thì già đi và.... Những Donberg, những Rehberg, những Friedrich. Cái giá của chiến tranh thật cao.

Tôi đi Pháp vào ngày hôm sau và đến Paris ngày 7 tháng 9 năm 1940. Tôi ở đó vài ngày để tham quan thành phố nổi tiếng này. Tôi đi coi kịch, tham quan Panthéon, Notre-Dame, Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn), Champs Elysées, và leo lên tháp Eiffel. Ở Paris, tôi say sưa với những kiến trúc tuyệt vời và sự giàu có về văn hoá của thành phố này.

Tôi đến tiểu đoàn ở Montlhéry-Linas, khoảng 35km về hướng Nam Paris. Raake và Wimmer mời tôi ăn tối đêm đầu tiên. Họ thay nhau kể về cuộc diễn hành ở Champs-Elysées sau khi chiếm Paris. Tổng cộng cuộc hành quân từ Cologne đến Paris, chúng tôi đi bộ khoảng 800km. Tôi trải qua tất cả những giây phút ngoại trừ ăn mừng chiến thắng. Ai đó thay vào vị trí sĩ quan phụ tá tiểu đoàn của tôi trong cuộc diễn hành chiến thắng khi tôi nằm bệnh viện ở Bonn. Tôi nhất quyết tôi sẽ không bị mất dịp diễn hành ở London.

Raake và Wimmer có những tin khác nữa. Wimmer được giải ngũ. Rõ ràng quân đội nghĩ rằng quân Anh sẽ không tấn công và chúng tôi sẽ không cần lực lượng dự bị. Tôi vui cho Wimmer, ông là một sĩ quan chỉ huy giỏi và là một người lính tận tụy, nhưng ông có trái tim của một người dân sự. Và tôi bỗng nhớ ra là Pháo Đội 1 cần phải có người thay thế chức Pháo Đội Trưởng của Wimmer.

"Rôi bao giờ pháo đội trưởng mới sẽ đến?" tôi hỏi.

"Anh ta mới vừa đến." Raake nói, cười. "Anh không những được lên lon, mà còn lên trách nhiệm nữa. Anh sẽ là pháo đội trưởng mới của Pháo Đội 1. Chúc mừng anh."

Tôi rất phấn khởi. Tối hôm đó khi đi ngủ, đầu óc tôi quay cuồng với những tin tức. Nhiều việc xảy ra quá nhanh và tôi chưa nhập vào kịp.

Thiếu Úy Jaschke, người thay thế Rehberg ở sông Somme, vẫn là sĩ quan tiền sát của pháo đội. Sĩ quan pháo đội là Thiếu Úy Steinbach, một nguời to lớn cao 6 foot 6 và cân nặng 250 pounds (cao khoảng 1,98 met và khoảng 113 kg.) Thật tức cười khi nhìn Steinbach và Jaschke đi với nhau, vì sự khác nhau giữa 2 người, 1 foot chiều cao và 100 pounds trọng lượng.

Sau khi Paris thất thủ, nước Pháp bị chia làm 2 phần. Phía Bắc do quân Đức chiếm, và phía Nam do chính phủ Vichy quản lý. Khi tôi đến, tiểu đoàn đã di chuyển đến ngay phía Bắc của đường ranh giới phía Nam sông Loire. Chúng tôi đến vùng Blois, có thể để canh chừng những gì có thể xảy ra ở đường ranh giới. Tiểu đoàn đã được bổ sung đầy đủ sau chiến dịch Pháp và bổ sung người, ngựa, trang bị. Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho bất cứ chuyện gì xảy ra, nhất là chúng tôi gần chư chắc chắn là sẽ tấn công nước Anh.

Mỗi đơn vị trong sư đoàn được chỉ định một khu vực trách nhiệm trong khu vực chiếm đóng. Trong tiểu đoàn, mỗi pháo đội đóng trong một làng, bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng ở một làng trung tâm. Candé-sur-Beuvron, một ngôi làng nhỏ, như một bức tranh, có khoảng 2500 người, là nơi pháo đội chúng tôi đóng quân. Nó khoảng 18 cây số phướng tây nam Blois, nơi sông Beuvron đổ vào sông Loire.

Tôi không biết thái độ của người Candé ra sao. Khi pháo đội tiến vào làng, chúng tôi nhìn thấy dân làng bắt buộc phải chờ chúng tôi đến. Chúng tôi dừng lại, tôi xuống ngựa và đưa dây cương cho người lính giúp việc. Một người đàn ông lớn tuổi chống gậy bước đến. Ông ta thấp người, dáng nguời bệ vệ, và nước da rám nắng. Ông mặc một bộ comle màu đen.

"Monsieur Leclerc, thị trưởng Candé," ông nói bằng tiếng Pháp.

"Trung Úy Knappe, được chỉ định của quân đội Đức quản lý làng ông". Tôi trả lời bằng tiếng Pháp.

Hình ông ta có cảm giác e dè như tôi, thì ông ta đã che dấu nó rất kỹ. Tôi nói với ông là chúng tôi cần chỗ trú quân, chuồng ngựa, và bộ chỉ huy. Ông ta dàn xếp ngay và nói tôi biết là ông ta đã được thông báo và đã chuẩn bị.

Ông đưa tôi đến một lâu đài gần ngã ba sông Beuvron và Loire. Nó đã được xây dựng khá lâu bởi một nguời quý tộc, và người chủ hiện nay đã trốn ra nước ngoài khi chiến tranh lan đến. Nó có chuồng ngựa và sân tập cho ngựa, chỗ ở cho binh lính và kho đựng các trang bị. Đây là chỗ ở quá tốt cho vị trí đóng quân. Tôi cám ơn ông và mời ông đến ăn tối. Ông nhận lời mời và ra về.

Toà lâu đài có 15 phòng lớn có đầy đủ bàn ghế. Tôi dùng vài phòng cho bộ chỉ huy và phòng làm việc cho Thiếu Úy Jaschke, Thiếu Úy Steinbach, và Thượng Sĩ Nhất Schnabel. Tôi chọn một ngôi nhà nhỏ gần bờ sông làm chỗ ngủ. Nó có phòng ngủ, phòng khách, phòng tắm và bếp. Lammers, như mọi khi, dọn dẹp ngôi nhà rất đẹp cho tôi.

Tôi sai Lammers nhắn tin đến cho Thị Trưởng Leclerc ăn tối lúc 7 giờ. Lammers quay về vớ một tin nhắn là chúng tôi sẽ ăn tối ở nhà Leclerc. Có thể đây là sự cố gắng hợp tác của ông ta. Chúng tôi ăn tối ở ngôi nhà cổ kính của ông ta. Vợ ông phục vụ buổi ăn như là một người làm hơn là ngồi ăn với chúng tôi. Đây là một buổi ăn tối vui vẻ và thích thú. Tôi giải thích cho Leclerc là ông ta nên tiếp tục với chức vụ của ông ta như trước đây, ông sẽ đảm trách nhưng công việc dân sự. Tôi nói ông thông báo đến dân làng giao nộp hết vũ khí của họ ở chỗ chúng tôi sáng ngày mai. Tôi cũng thông báo cho ông biết nếu mọi người cần ra khỏi làng, sẽ phải xin phép và tôi sẽ cấp giấy nếu có lý do chính đáng. Ông đồng ý những điều đó, và ngày hôm sau, một số súng đạn được giao nộp cho chúng tôi.

Người Pháp ở Candé có cuộc sống khá thoải mái, nếu so với dân Đức ở các thành phố. Tôi sống ở Candé tốt hơn ở nhà khi tôi bị thương. Ở Đức, mọi thứ đều phải có khẩu phần - lương thực, áo quân, xăng nhớt, v.v.... Nhưng ở Candé, chúng tôi có thể mua bất cứ món gì mà không phần tem phiếu. Chúng tôi có thể mua thức ăn từ các nông trại. Tôi đến một tiệm may và đặt một bao súng và mua giày cưỡi ngựa rất đẹp - và họ có da để làm chúng. Dân Pháp sống thưa hơn dân Đức và dân Pháp không bị kiểm soát chặt như dân Đức. Ví dụ, ở Đức, một nông trại gà phải giao nộp một số phần trăm nào đó số lượng trứng cho chính phủ, ở Pháp thì hoàn toàn không có điều đó.

Tôi bố trí hầu hết pháo đội trong khu vực lâu đài, vì nó rất thuận lợi. Jaschke, Steinbach, và Schnabel cũng ở và làm việc trong lâu đài.

Chúng tôi trở lại với thời khóa biểu như trước chiến tranh. Phương châm của chúng tôi là luôn giữ lính bận rộn. Bên cạnh đó, chúng tôi phải sẵn sàng cho những tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi có kế hoạch hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Mặc dù binh lính vẫn là những người cũ (trừ một số thay thế), tôi giữ họ luôn hoạt động và luyện tập. Chúng tôi muốn kỹ năng của họ luôn sắc bén và tập cho họ những chức năng khác để trong trường hợp có nguời bị thương, chứng tôi có người khác làm công việc đó. Binh lính cũng bỏ nhiều thời giờ để lau chùi và giữ các thiết bị hoạt động tốt. Chúng tôi rút kinh nghiệm trong cuộc hành quân vừa rồi là các quân trang, quân dụng luôn hư hỏng dễ dàng trong khi hành quân.

Chúng tôi không cảm thấy chiến tranh kết thúc, vì nước Anh vẫn chưa thua trận. Dù chúng tôi nghĩ cuộc tấn công nước Anh có thể xảy ra, nhưng pháo binh - ngựa kéo không thể là một phần trong chiến dịch. Chúng tôi có thể lên đường sau khi đầu cầu được mở một cách chắc chắn. Chúng tôi biết cuộc tấn công sẽ không dễ dàng. Eo biển nước Anh là vấn đề rất lơn của chúng tôi và chúng tôi biết rõ khả năng tham chiến của quân Anh rất cao, vì họ được trang bị rất tốt và cuộc chiến trước đã cho thất điều đó. Chúng tôi cũng biết nước Anh có lực lượng không quân và hải quân rất ghê gớm. Chúng tôi lại không được biết rằng Luftwaffe đã thua trận, vì hệ thống thông tin bị kiểm soát chặt và không báo cáo về cuộc tấn công này - Sau này, chúng tôi được biết hệ thống báo chí của Đức chỉ đăng những tin thắng trận.

Nhiệm vụ chiếm đóng là một thời gian nghỉ ngơi dễ chịu. Candé và vùng phụ cận nơi tôi có trách nhiệm rất yên ổn. Chúng tôi không gặp sự đối kháng hay phá hoại nào, mặc dù chúng tôi được báo rằng những hoạt động này xảy ra khắp nơi và chúng tôi phải canh gác cẩn mật. Có thể chúng tôi ở xa các trung tâm. Ông thị trưởng và tôi giữ được hoà khí với nhau trong khi làm việc. Ông chỉ đến với tôi khi cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó muốn đi Blois để bán nông sản, ông mới đến để xin giấy phép đi đường cho nông dân và tôi ký ngay. Thường thì tôi chỉ làm việc qua ông thị trưởng, những người khác chỉ đến gặp tôi nếu có vấn đề gì lớn hơn.

Tôi nghĩ phép đầu tiên vào Giáng Sinh năm đó (tôi luôn luôn về nhà vào dịp tết). Tôi đi xe lửa dài 900km từ Blois đến Leipzig. Các chuyến xe lửa và các nhà ga đầy nhóc những hành khách đi lại, binh lính chiếm một phần lớn trong số hành khách. Mọi người đều vui vẻ và có tinh thần vì là mùa lễ. Tôi đón đêm trước Giáng Sinh đổi quà với gia đình. Fritz cũng về nhà từ Jena, và chúng tôi vui thể kể chuyện cho nhau nghe. Cậu ta có vẽ không thích kỷ luật quân đội và các hình phạt của quân đội. Tôi đến với Lilo và gia đình cô ấy vào ngày Giáng Sinh. Lilo và tôi bên nhau bất cứ lúc nào có thời gian, và tôi trở lại Candé với sự say đắm đối với cô.

Mặc dù các pháo đội đóng ở các làng khác nhau, nhưng chúng tôi phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Mỗi tháng 1 lần, Thiếu Tá Raake mời tất cả các sĩ quan dưới quyền ăn tối với nhau. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng săn bắn hoặc đi câu dọc theo sông Loire, dùng súng săn mà chúng tôi tịch thu được từ dân địa phương. Tôi làm quen với một số các sĩ quan các pháo đội khác trong những dịp này.

Cứ vài cuối tuần 1 lần, 2-3 đứa lại đón xe lửa đi Paris, chúng tôi xin phép Raake và kêu tài xế chở chúng tôi ra ga xe lửa. Xe lửa đi từ Blois đến Paris mất khoảng 1 giờ, và xe lửa miễn phí cho lính Đức chúng tôi. Chúng tôi đi vào sáng thứ 7 và trở về vào tối chủ nhật.

Blois và Orléans là những thành phố khá hay. Chúng là những nơi lịch sử, với nhiều pháo đài thời trung cổ chưa bị hư hại bởi chiến tranh. Những nơi này rất tự hào với những nhà hàng sang trọng và ngon, và trường kỵ binh nỗi tiếng nước Pháp Saumur cũng ở khá gần Candé.

Đầu tháng 3, tôi nhận được 16 ngày phép. Lilo và tôi viết thư với nhau, thỉnh thoàng bằng tiếng Pháp cho vui. Chúng tôi hẹn nhau gặp nhau ở núi Alps bên Áo để trượt tuyết. Chúng tôi dậy trể, ăn điểm tâm, rồi đến các sườn trượt. Buổi tối, chúng tôi ăn tối ở những nhà hàng sang trọng rồi đi coi phim. Sau đó nắm tay nhau đi bộ về khách sạn, thỉnh thoảng lại hát hoặc nói cười trong ánh trăng bao phủ các một vùng núi tuyệt mỹ. Chúng tôi cảm thấy đó là thời gian thần tiên để sống bên nhau.

Chúng tôi về Leipzig và tôi thăm gia đình Lilo. Tôi đi chơi với Liebelt và Ebert trong thời gian ở nhà. Chúng tôi thấy những sự kiện đã xảy ra đúng như lời Her Hoffer tiên đoán, mặc dù lời tiên đóan của ông ta chỉ là một ngụ ý.

Sau khi tôi trở lại Candé 1 thời gian ngắn, sư đoàn được lệnh di chuyển - không phải về phía eo biển nước Anh, mà đến Đông Phổ (East Prussia). Tôi không hiểu chúng tôi có hủy bỏ kế hoạch tấn công nước Anh hay không. Nếu như vậy, thì lạ thật, vì nước Anh tuyên chiến với Đức và tình trạng chiến tranh vẫn còn đó.

Với lý do nào đi nữa, chúng tôi được lệnh đến Đông Phổ, đi xa dần eo biển Anh. Là chỉ huy một pháo đội, tôi chỉ tập trung với pháo đội của tôi và những trách nhiệm trước mắt để di chuyển và đóng quân ở vị trí mới. Cuộc di chuyển dài 1200km, và mất hơn 100 đoàn tàu để di chuyển 1 sư đoàn với 18.000 quân và 2500 con ngựa và toàn bộ pháo binh và các trang thiết bị.

Pháp là một nơi sung sướng, với những cảnh đẹp vùng thôn quê, thức ăn ngon, dân chúng thân thiện, và chúng tôi không muốn đi. Nhưng Đông Phổ cũng rất đẹp. Đó là một nơi nông nghiệp, nhiều đồi, với đất cát rất tốt cho việc trồng khoai tây và lúa mạch. Vùng này có rất nhiều hồ, những bãi cát đẹp, và những khu rừng đầy bạch sồi. Nơi đây có nhiều giống ngựa tốt, những nông trại giàu có và nông dân thân thiện.

Chúng tôi xuống tàu ở Osterode và đi đến Marwalde, một ngôi làng gần đó, khoảng 270km từ biên giới Nga (lúc trước là biên giới Ba Lan). Đến nơi, chúng tôi ở ngoài đồng và tập luyện các thao tác, như bảo vệ ngựa, đóng lều trại, ngụy trang súng, đặt súng... Đây chỉ là những tập luyện thời bình, với nhiều thao tác và di chuyển trên các cánh đồng. Là một trung uý pháo đội trưởng, tôi có 2 thiếu uý và khoảng 180 binh sĩ. Chúng tôi luôn thao luyện với mấy khẩu pháo. Sau buổi tập, binh lính lại dẫn ngựa xuống sông và tắm cho chúng, hoặc cột ngựa ở bờ sông rồi nhào xuống tắm. Mọi người có một thời gian "vô tư" thoải mái ở đây.

Chúng tôi dự lễ Phục Sinh với dân địa phương, ban nhạc của trung đoàn tổ chức văn nghệ. Chúng tôi chơi đá bóng và đô vật với nhau. Trong làng có một sân khiêu vũ, các buổi khiêu vũ được tổ chức vào đêm thứ 7, và binh lính hẹn hò với các thiếu nữ địa phương.

Trong vài tháng ở Marwalde, chúng tôi hay đến nhà và chuyện trò với những người dân địa phương. Cho đến nay thì họ chưa bị ảnh hưởng gì, vì, giống như bên Pháp, họ là nông dân và họ có đầy đủ thức ăn. Họ không bị bực mình vì chế độ tiêu chuẩn, vì họ có thịt thà và trứng, mặc dù có sự kiểm soát. Họ phải xin phép để mổ heo hay bò, nhưng họ không khai tất cả súc vật họ nuôi. Nên lương thực không bao giờ là vấn đề ở dây như ở các thành phố, nơi mà bạn không thể nào có được một buổi tiệc nếu như không dư vài cái tem phiếu.

Và ở đây lại càng không lo lắng gì về chiến tranh. Mọi việc chúng tôi được nghe từ báo chí là chiến thắng. Khi có những sự kiện không mang đến chiến thắng, như cuộc tấn công bằng không quân vào nước Anh, báo chí không nói đến trận chiến này. Nên cuộc sống của chúng tôi thoải mái cho đến lúc này.

Đầu tháng 6 năm 1941, chúng tôi nhận lệnh di chuyển đến Proskten, một làng khác ở Đông Phổ chỉ cách biên giới Nga vài cây số. Prostken không lớn như Marwalde, và điều kiện sống cũng không bằng vì không đủ nhà cho binh lính nên họ phải sống trong lều. Chúng tôi cũng phải rời những người bạn mới ở làng kia, và chúng tôi không khoái di chuyển chút nào. Tuy nhiên, chúng tôi phải chấp nhận nó - không chỉ vì chúng tôi phải đi, mà còn vì chúng tôi biết rằng binh linh sẽ trể nãi nếu ở một chỗ quá lâu. Bất cứ đơn vị quân đội nào cũng sẽ mất sức mạnh của nó khi binh sĩ cảm thấy quá thoải mái quá lâu.

Khi đến làng mới, chúng tôi khảo sát địa hình để luyện tập như mọi khi, và chúng tôi bắt đầu huấn luyện như thường lệ. Một ngày, Thiếu Tá Raake ra lệnh Schumann, Witnauer và tôi - các pháo đội trưởng của ông - đến văn phòng. Ông ta mở một tấm bản đồ lớn và treo lên tường.

"Quý vị, phải nghiên cứu kỷ tấm bản đồ này. Chúng ta phải tìm những vị trí pháo tốt nhất trong trường hợp tấn công Nga."

"Chúng tôi sửng sốt nhìn ông, á khẩu. Chúng tôi có hiệp ước hoà bình với nước Nga, và chúng tôi đang chiến tranh với Anh. Làm sao có thể thêm vào như thế này được.

"Tại sao chúng ta lại tấn công Nga?" Tôi hỏi.

"Đây chỉ là một cuộc tập trận," Raake trả lời. "Một tình huống xấu nhất."

Chúng tôi cùng nghiên cứu bản đồi với Raake, xác định các vị trí súng cho các pháo đội. Sau đó chúng tôi ra ngoài và đi đến các vị trí được phân chia. Nó có thể chỉ là một cuộc tập trận, nhưng không ai trong chúng tôi tin vào điều đó. Chúng tôi không được lệnh di chuyển súng vào vị trí, chỉ đến để quen với khu vực xung quanh và sẵn sàng đưa súng vào. Đây là biên giới cũ giữa Đông Phổ và Ba Lan, nhưng bây giờ Đức và Nga đã chia Ba Lan và nó trở thành biên giới Đông Phổ và Nga. Người Nga tạo khu vực biên giới thành chỗ không người bên phía họ bằng cách di chuyển mọi thứ để có một tầm nhìn không bị giới hạn. Rồi họ dựng giây thép gai và các tháp canh. Bên phía chúng tôi thì không thay đổi gì; các cánh đồng lúa mạch và khoai tây, những rừng birch và fir (là cây gì nhỉ?) ra đến tận sát biên giới.

Schumann, Witnauer, và tôi được lệnh đến văn phòng Raake một lần nữa. Lần này Raake nhìn chúng tôi có vẻ nghiêm trọng và căng thẳng.

"Các anh ra lệnh cho lính mặc đồ dân sự đem 300 viên đạn cho mỗi súng bằng xe bò của nông dân vào các vị trí súng," ông nói. "Lính của các anh phải nhìn giống nông dân làm việc, và đạn phải được ngụy trang sau khi bỏ xuống.

Chúng tôi không ai nhìn ai. Rõ ràng là chúng tôi sẽ tấn công Nga cho dù chúng tôi có hiệp ước hoà bình.

"Bao giờ chúng ta tấn công, thưa thiếu tá?" Schumann hỏi.

"Đây chỉ là một cuộc tập luyện, Schumann. Một tình huống khó xảy ra. Nhưng chúng ta phải làm như thật."

"Jawohl, thưa thiếu tá." Schumann nói. Raake rõ ràng là không được phép nói cho chúng tôi biết sự thật và cũng cảm thấy khó xử trong vị thế của ông ta.

Tôi trở về và gọi Schnabel vào.

"Anh chọn 12 người và giao việc cho họ," tôi nói. "Nói lính mượn áo quần làm việc của dân. Họ cũng cần mượn xe bò nữa. Đem 300 viên đạn ra các vị trí súng cho cuộc diễn tập. Họ phải làm cho lính Nga tưởng rằng nông dân Đức làm việc bình thường. Tất nhiên, đạn phải được ngụy trang cẩn thận."

"Jawohl, thưa trung uý."

Chúng tôi đã ở Prosken được 3 tuần rồi, và những lính coi ngựa là gốc nông dân nên biết công việc đồng án. Mượn đồ của dân cũng dễ. Chỉ cần hỏi mượn áo quần và xe bò. Nhiệm vụ này làm cho họ thích thú vì nó khác với những việc hàng ngày. Đám người ăn mặc một cách tức cười này đẩy xe ra đồng, giả vờ làm việc, bỏ đạn xuống chỗ chỉ định, và lấy cây che lại.

Ngày hôm sau, 21 tháng 6 năm 1941, các pháo đội trưởng cuối cùng được thông báo những gì sắp xảy ra.

"Trước khi trời sáng vào ngày mai, chúng ta sẽ tấn công Liên Bang Xô Viết." Raake nói một cách đơn giản. "Tôi bị cấm không cho các anh biết cho đến bây giờ."

"Tại sao lại đánh Nga?" Wittnauer hỏi.

Raake nhún vai. "Chúng ta là lính, chỉ làm theo lệnh."

Tôi không giải thích cho mình được lý do để đánh Nga. Chúng tôi có chiến tranh với Anh; có hiệp ước thân thiện với Nga, và chưa có những tin tức chống Nga gì từ guồng máy tuyên truyền của chính phủ. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền ngay lập tức bắt đầu, ngay trong cả lệnh chính thức trong quân đội mà chúng tôi vừa nhận được: "Chế độ C.S ở Nga đã đàn áp tàn bạo những nguời dân Baltic, các dân tộc thiểu số, và ngay cả dân tộc Nga; Cho nên, chúng ta phải lật đổ chính quyền tàn ác này và Đảng Cộng Sản". Lời biện hộ này đơn giản là họ là Cộng Sản và chúng tôi phải đánh họ. Chính quyên Đức lúc này dùng chữ "Cộng Sản" để bào chữa bất cứ điều gì muốn làm với nước Nga, như Liên Xô và các nước phương Tây sau này dùng chữ "Nazi" hay "Phát Xít" để biện hộ cho bất cứ điều gì họ làm với nước Đức.

Tôi không biết nhiều về Liên Bang Xô Viết: tôi biết đó là một nước lạc hậu, tôi biết nhà nước Cộng Sản hành hạ những người chủ đất, tôi biết về cuộc chiến giữa Bạch Vệ và Hồng Quân trong cuộc cách mạng Nga, tôi biết về sự bắt buộc tập thể hoá và nạn đói lớn trong dân Nga, và tôi biết về việc thanh trừng trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp trong quân đội Soviet. Tô không nghĩ Hồng Quân là một quân đội mạnh, không những vì sự thanh trừng trong hàng ngũ sĩ quan, mà vì họ có các sĩ quan chính trị trong mỗi đơn vị, người có thể gạt bỏ quyền hành của chỉ huy trưởng - và tôi không thể thấy được làm sao có thể làm như vậy được. (mỉa mai thay, chuyện tương tự xảy ra trong quân Đức năm 1944, sau khi cuộc ám sát Hitler không thành, ngoại trừ sĩ quan chính trị không thể gạt bỏ quyền hành của đơn vị trưởng.) Tôi cũng biết rằng xe lửa chạy qua lại giữa Nga và Đức hàng ngày chở vật dụng được trao đổi giữa hai nước trong sự đồng ý trao đổi của hiệp ước làm bạn của nhau. Mọi thứ dường như một giấc mơ - nhưng đó là sự thật.

Mặc dù tôi khó chấp nhận việc tấn công vào một nước chúng tôi ký hiệp ước thân thiện, tôi kết luận rằng có những điều tôi không được biết, tôi cũng có thái độ xa cách đối với chủ nghĩa Cộng Sản và thâm tâm cũng nghĩ rằng dân tộc Nga sẽ sống tốt hơn nếu chúng tôi lật đổ chính quyền Cộng Sản của họ. Có thể tôi đã hành theo duy lý, hoặc có thể chỉ là sự bồng bột của tuổi trẻ. tôi không bao giờ hoặc bất cứ ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ không đẩy lùi quân đội Nga. Sự tự tin của chúng tôi là tuyệt đối.

Pháo vẫn để trong làng cách đó vài km. Khi bóng đêm đổ xuống, chúng tôi di chuyển pháo ra khỏi làng và đưa chúng vào vị trí. Tiếng động của súng di chuyển và bộ binh vào vị trí chắc chắn nghe được từ các vọng gác của Nga. Các tháp canh của họ cách các ổ súng chưa đến 4 km, và bộ binh di chuyển đến gần hơn. Tất nhiên, có lẽ họ đang ngủ. Đây là một công việc rất chán, chỉ ngồi trên tháp canh hết ngày này sang ngày khác. Không có đường xá quan trọng, không đường xe lửa, không có gì quan trọng đặc biệt gần bên, và họ đã gác hai năm trời và chẳng có gì xảy ra.

Chúng tôi đặt dây điện thoại giữa súng và các vị trí quan sát và hoàn tất việc chuẩn bị chiến đấu.

Tôi đi tuần đêm quanh pháo đội, chắc chắn mọi việc đều chuẩn bị và mọi người đều ở vị trí. Giờ này chắc những việc tượng cũng xảy ra hàng trăm cây số dọc theo biên giới. Các khu rừng dọc mặt trận đông nghẹt lính Đức đang nghỉ ngơi, ngủ, hoặc chờ đợi cuộc tấn công.

Ánh trăng soi sáng những khu rừng ở Đông Phổ, ánh trăng xuyên qua những tàng lá. Cũng ánh trăng này đã theo dõi biết bao cuộc chiến tranh qua các thời đại; ánh trăng đã soi đường khi quân Ba Tư hành quân đến Hy Lạp, khi Napoleon tấn công vào Nga, khi quân của Kaiser đánh nhau ở Pháp. Cách vài cây số, ngôi làng mục tiêu đầu tiên của chúng tôi ngủ say trong ánh trăng dịu dàng. Cảnh vậy như một bức tranh tuyệt đẹp, nhưng tôi biết rằng mọi vật sẽ thay đổi rất nhanh. Chiến tranh sẽ lấp kín ngày mai với những tiếng nổ, khói bụi, đổ nát, xác người, và bông băng đẫm máu. Những người lính đang ngủ say sẽ không còn ngủ được với cảm giác thanh bình.

Mùi lá thông thơm ngát trong khi tôi thơ thẩn đi từng vị trí của pháo đội. Tiếng cú kêu từ đâu đó trong đêm từng hồi thê lương. Tôi nghĩ ngợi nhiều hơn về từng người lính nhiều hơn lúc nào hết. Người thì nhút nhát, người thì ồn ào; người thì buồn rầu, người vui vẽ, có người cầu tiến, người thì thụ động, người này phóng khoáng, người kia keo kiệt. Những suy nghĩ khác nhau của họ nằm phía sau những cái nón sắt trong khi chờ đại trận đánh. Lòng ái quốc và nỗi sợ chết chắc chắn không thiếu trong tư tưởng của họ. Một người lính ngồi thiền và lẩm bẩm cầu nguyện. Có người lo lắng về những điềm gỡ, có người thì suy nghĩ về gia đình và người thân.

Binh lính mạnh khỏe và biết công việc của họ. Họ đã được thường xuyên huấn luyện, và họ biết họ có thể làm việc một cách tốt nhất. Lòng tự tin mạnh mẽ, như người thợ bạc câm một miếng đá và sẽ biến nó thành một viên ngọc. Họ ngồi từng nhóm với nhau, cười đùa về mọi chuyện, ngoại trừ những gì sẽ sắp xảy ra. Tôi tin tưởng ở họ, sự thông minh, dũng cảm, và kỹ năng của họ sẽ đúc kết thành một sự liên kết và khi điều đó xảy ra thì không thể chặn đứng họ. Thiếu Úy Steinbach cũng quanh quẩn bên binh sĩ, vui đùa khích lệ họ.

Tôi ra vị trí quan sát, nơi Jaschke và vài binh sĩ tiền sát đang ở đó. Jaschke hình như hơi cau có, nên tôi bắt chước Steibach cười đùa họ. Người lính mang máy truyền tin, hạ sĩ Seldte, và người lính điện thoại, binh nhất Hugenberg trông có vẻ bình tỉnh hơn Jaschke.

Vào giờ định sẵn lúc sáng sớm ngày 22 tháng 6 năm 1941, pháo đội của tôi nổ súng vào ngôi làng nhỏ Sasnia, vài cây số từ pháo đội. Tôi không ở tuyến trước với bộ binh nhưng ở trên một ngọn đồi khoảng nửa cây số gần đó, nơi tôi có thể nhìn rõ và theo dõi việc tác xạ. Tôi có thể nhìn thất đạn nổ rõ ràng từ nơi này, từng cụm khói đen-vàng tung lên. Mùi khét khó chịu từ thuốc súng mau chóng tràn ngập bầu không khí khi pháo binh tiếp tục bắn, và tiếng tạch tạch và ánh chớp rộ lên khắp nơi khi bộ binh nổ súng và tấn công.

Khi bộ binh xung phong, bóng đêm của buổi sáng sớm ngập trong tiếng la, tiếng súng trường, từng loạt ngắn của súng máy, và tiếng nổ chát chúa của lựu đạn. Tiếng súng trường nghe như một chiếc xe với bánh xe bằng kim loại lăn nhanh trên mặt đường bằng đá. Bộ binh vượt qua hàng rào kẻm gai mà quân Nga dựng lên cả hai phía của khu đất không người và ào đến các tháp canh và các công sự của Nga ngay phía sau đoạn đường chết. Mặc dù chúng tôi gặp một số chống cự, quân Nga đã hoàn toàn bất ngờ và hoảng hốt. Bộ binh gặp sự chống trả mạnh mẽ nhưng rất ngắn ngủi vì quân Nga bị bất ngờ. Họ bắt làm tù binh những ai đầu hàng, và giết những ai chống cự. Một số quân Nga cố rút lui và bị dồn vào ở cây cầu. Máy bay ném bom Stuka tiêu diệt họ. Họ nằm ngổn ngang, trong quân phục nàu nâu đất, những cái chết trong chiến đấu tôi đã gặp trong cuộc tấn công Pháp. Mặc dù tôi không còn kinh hoàng, nhưng vẫn không quen được với cảnh tượng này.

Chúng tôi chiếm Sasnia và Grạewo ngày đầu tiên, và bắt đầu cuộc hành quân dài đến Moscow. Chúng tôi là một bộ phận của Phương Diện Quân Trung Tâm, Tập Đoàn Quân 9, Sư Đoàn BB 87. Các sư đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới. Phương Diện Quân Bắc - em tôi, Fritz theo hướng đó - tiến về Leningrad, và Phương Diện Quân Nam theo hướng Stalingrad.

Chúng tôi đi theo xe tăng và bộ binh cơ giới, vì chúng tôi không thể theo kịp họ. Vì chiều dài của mặt trận Nga, pháo binh - ngựa kéo là bộ phận của thành phần tấn công chứ không phải là lực lượng dự bị như ở Pháp. Chúng tôi không đủ lực lượng cơ giới để bao hết mặt trận dài 2500km, cho nên pháo binh - ngựa kéo phải được dùng; tuy nhiên các đơn vị cơ giới tiến quá nhanh. Cũng là một blitzkrieg, nhưng không như Ba Lan hay Pháp, mà toàn bộ mặt trận tiến nhanh. Ở Nga, lực lượng cơ giới như những mũi tên phóng ra xa trước chúng tôi.

Sau trận đầu tiên ở Sasnia, tôi ở gần với tiểu đoàn trưởng bộ binh mà tôi yểm trợ, Thiếu Tá Kreuger, để chúng tôi có thể thấy và hợp tác làm việc với nhau tại chỗ. Từ ngày đó trở đi, bất cứ khi nào chúng tôi vào trận, tôi ở bên cạnh ông ta. Sau Sasnia và Grạewo, chúng tôi chiếm Osơiec, Bialystok, Grodno, và Lida trong tuần đầu, tiến chừng hơn 200km. Khi chúng tôi tiến qua Bialystok, trước đây thuộc Ba Lan, dân Ba Lan từ trong các nhà thờ ra chào đón chúng tôi; họ vui mừng vì người Nga không cho họ đi lễ nhà thờ và họ cảm thấy được giải phóng.

Vì tăng và các đơn vị cơ giới vượt xa phía trước, pháo binh ngựa kéo và bộ binh không cơ giới, sư đoàn 87 bộ binh tự động trở thành lực lượng dự bị. Khi các đơn vị phía trước gặp một phòng tuyến và dừng lại, chúng tôi lại có cơ hội theo kịp và giúp họ tấn công tiêu diệt phòng tuyến. (quân Nga thườngdừng lại chống cự khi nào họ ở các khu vực cao hơn hay gặp một con sông). Khi không gặp phản ứng, chúng tôi lại tụt ra phía sau. Không quân Nga hầu như bị tiêu diệt vào ngày đầu tiên, nên chúng tôi có thể hành quân suốt ngày mà không bị quấy nhiễu.

Lính trinh sát - thường là lính mô tô, mặc dù chúng tôi có kỵ binh (ngựa) - được tung ra phía trước và trinh sát. Nếu họ bị bắn, tiểu đoàn đi đầu lập tức tản ra. Các đơn vị đi sau cũng tản ra khỏi con đường cái. Khi chúng tôi biết được sức mạnh của lực lượng chống cự, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị tấn công. Chúng tôi biết được sức lực của quân chống cự bằng loại vũ khí bắn vào chúng tôi. Người bắn đầu tiên thường là súng trường, thỉnh thoảng súng máy, nhưng tiếp theo đó - cối, tăng, pháo - và chúng tôi biết họ mạnh hay yếu. Và chúng tôi quyết định theo những thông tin đó.

Thật lạ, lính trinh sát ít khi bị giết, thậm chí ít khi bị trúng đạn. Những người lính Nga bắn họ thường không phải ở đó để chiến đấu, mà chỉ tạm thời dừng chân chúng tôi rồi quay về báo cho chỉ huy của họ những gì họ thấy. Những người lính Nga này chắc là hoảng sợ và sẵn sàng rút lui, vì họ biết rằng vị trí của họ sẽ bị lộ khi bắn, và chúng tôi sẽ bắn lại. Họ dễ bị trúng đạn hơn là lính trinh sát của chúng tôi. Vì họ phải bắn và rút lui thật nhanh, nên họ không nhắm chính xác.

Khi chúng tôi gặp một tuyến phòng thủ, chúng tôi không những tản ra mà còn bắt đầu đào hầm phòng thủ. Sau đó chúng tôi thăm dò coi thử tuyến phòng thủ đó dài bao xa và mạnh cỡ nào. Chúng tôi xem bản đồ coi thử có sông và cầu cống trong khu vực không, hoặc địa hình có những chướng ngại vật hay thuận lợi nào. Quân đoàn cũng lấy các báo cáo của những sư đoàn bên cạnh, một bức tranh lớn hình thành. Nếu đây là một tuyến phòng thủ dài và chúng tôi phải chọc thủng, tiểu đoàn tiên phong được tăng cường và một cuộc tấn công được chuẩn bị. Chúng tôi tấn công vào sớm ngày hôm sau. Tuyến phòng thủ thường được lập bởi vài thuyến giao thông hào. Khi lực lượng tấn công chiếm được chiến hào đầu tiên, lính Nga còn sống sót đứng lên và đưa tay lên cao. Đợt kế tiếp của quân tấn công sẽ tập trung họ lại và đưa về tuyến sau. Điều này được tiếp tục cho đến khi các tuyến phòng thủ bị chiếm.

Khi bóng đêm đổ xuống, trận đánh tiếp tục hay tạm dừng tuỳ thuộc vào có ánh trăng để tiếp tục hay không, cũng như căn cứ vào địa hình, thời tiết và tin tình báo từ các cuộc do thám. Thỉnh thoảng, chúng tôi thận trọng mở cuộc tấn công đêm, nếu bộ binh quen với địa hình khi chiến đấu ngày hôm đó và nếu pháo binh biết được các vị trí và có thể bắn trúng vào ban đêm. Tuy nhiên, các trận đánh thường chấm dứt khi đêm đến. Trong bóng đêm, bộ binh sẽ mở các cuộc do thám để biết các vị trí mới nhất của địch và cố gắng bắt tù binh để chúng tôi biết đơn vị nào đang chiến đấu đối mặt chúng tôi. Lính do thám tiến lên cho đến khi bị bắn, rồi họ bọc cánh cố gắng thọc sườn vị trí bắn họ. Nếu may mắn, và nếu họ không trúng đạn, họ có thể làm bất ngờ lính địch và bắt làm tù binh. Tù binh được đem lêm sư đoàn, có thông dịch viên hỏi cung và cố gắng tìm ra thông tin về đơn vị đang phòng trú, trang bị của họ, và họ đã chiến đấu được bao lâu.

Lúc đầu chúng tôi tiến khoảng 30-40km một ngày. Tôi ngồi trên yên ngựa suốt ngày, từ mờ sáng cho đến chiều tối trong thời gian này. Nếu không có chống cự, chúng tôi có 3 hoặc 4 người đi xe đạp hay mô tô di phía trước cho đên khi gặp làng hay nông trường làm mục tiêu hành quân trong ngày để chuẩn bị cho chúng tôi đến. Bộ binh ở trong ngôi làng phía trước pháo binh để cuộc tấn công ngày mai chuẩn bị đúng thời gian.

Chúng tôi lập những vị trí canh gác quanh làng để không ai có thể thâm nhập vào.

Thỉnh thoảng, thay vì dừng đêm, chúng tôi chỉ dừng nghĩ ngơi 1 giờ vào lúc tối, rồi tiếp tục hành quân suốt đêm, vì nó sẽ tiếp tục đẩy lùi quân địch và không cho phép địch dừng lại để tổ chức phòng thủ. Sau một lúc, binh lính mệt nhoài, nhưng họ cũng tỉnh táo nhanh chóng nếu đụng trận. Hành quân đêm không xảy ra nhiều, nhưng khi cần, mọi người đều cố gắng, vì chúng tôi biết rằng nó giảm được thương vong về lâu dài.

Khi chúng tôi còn ở trong vùng Ba Lan bị Nga chiếm đóng, một sự kiện xảy ra chứng minh với tôi những gì hệ thống tuyên truyền của đảng Quốc Xã đã làm cho dân Đức. Một buổi tối, trong khi đang làm việc, tôi bỗng nghe tiếng la hét. Tôi nghe giọng của Thượng Sĩ Nhất Schnabel và bước ra xem. Tôi thấy anh ta trong một trường học với một người Ba Lan trung niên. Anh ta không những la mắng người đàn ông, anh còn tát vào mặt ông ta.

"Schnabel!" Tôi hét lên.

"Jawohl, trung uý," anh ta lập tức đứng nghiêm.

"Anh nghĩ anh đang làm cái gì vậy?" Tôi hỏi.

"Nhưng hắn ta là Do Thái, thưa trung úy," Schnabel quả quyết.

"Tôi không cần biết ông ta là ai, chừng nào anh còn làm việc dưới quyền tôi, anh không được ngược đãi bất cứ ai," Tôi ra lệnh.

Hành động của anh ta rõ ràng là kết quả của sự tuyên truyền chống Do Thái liên miên của chính phủ Nazi. Sự việc làm tôi phải ra lệnh cho binh lính là tôi sẽ không chấp nhận những thái độ đó, và nó đã không xảy ra lại trong đơn vị của tôi.

Những ngôi làng bốc cháy, những xác chết của lính Nga, xác ngựa, xe tăng cháy, những trang bị bỏ trống là những biển chỉ đường cho cuộc hành quân. Bộ binh phải đi bộ, nhưng chúng tôi cưỡi ngựa hay ngôi trên các xe ngựa chổ hàng. Thỉnh thoảng, khi có sự chống cự phía trươc, quân đội đưa xe tải về chớ bộ binh lên phía trước cho nhanh.

Tuyến cung cấp hậu cần đi theo chúng tôi cung cấp đạn dược, rơm hay lúa mạch cho ngựa, lương thực cho người, và xăng nhớt cho các đơn vị cơ giới. Nếu chúng tôi vượt qua giới hạn của tuyến tiếp vận, chúng tôi phải kiếm những vật xung quanh, nhưng hầu hết, dòng tiếp vận luôn luôn theo kịp. Trung sĩ Boldt bổ sung cho khẩu phần của chúng tôi bằng cách lục lọi xung quanh chỗ đóng quân và đem về gà, heo, hay bất cứ thứ gì anh ta tìm được. Anh ta luôn luôn cho chúng tôi ăn no.

Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng lại nghỉ một ngày, vì người ngựa mệt mỏi và không thể đi tiếp được nữa. Trong khi chúng tôi dừng, lực lượng xe tăng và cơ giới vẫn tiếp tục đẩy sức ép về phía địch. Chúng tôi nghỉ lần đầu tiên trong 1 làng Nga vào cuối tháng 6 sau 15 ngày hành quân cực nhọc. Thời tiết rất nóng, và chúng tôi thấy rất thoải mái ngồi ngâm nước, chân cởi giày, và chỉ nghỉ ngơi. Chúng tôi đặt súng trong vị trí chiến đấu, nhưng quân Nga đã chạy xa và không có gì nguy hiểm cho chúng tôi.

Trong ngày nghỉ, binh lính có cơ hội tắm giặt và viết thư. Chúng tôi được ăn ngon hơn vì có nhiều thì giờ chuẩn bị thức ăn, và nhất là khi Boldt có thể tìm được chú heo hay vài chú gà xổng chuồng. Trong một ngày nghỉ, lính tráng tìm được mấy chiếc thuyền dọc bờ sông và tổ chức cuộc đánh thuyền. Chiếc thuyền hẹp có 2 mái chèo hai đầu. Một người chèo và một người đứng, cùng với 1 thuyền khác, họ "đánh nhau" với 1 cặp thuyền phe bên kia, đội này phải tìm cách làm cho đội kia ngã xuống sông. Những người khác đứng coi và cổ vũ. Những hoạt động như vậy làm cho binh lính thoải mái và lên tinh thần. Họ luôn luôn tìm mọi cách vui chơi và nghỉ ngơi.

Trong một ngày nghỉ khác, chúng tôi tổ chức buổi nhận huân chương. Tôi được nhận huân chương Chữ Thập Sắt Hạng Nhất trong ngày này, vì giúp chọc thủng tuyến phòng thủ địch trong tuần lễ đầu tiên của cuộc tấn công. Thiếu Tá Kreuger tiến cử tôi vì ông cảm thấy tôi sẵn sàng mạo hiểm ra đến tuyến trước để điều chỉnh pháo binh giúp lính ông ta ít thương vong hơn.

Chúng tôi bắt tù binh từ ngày đâu tiên của cuộc tấn công. Bộ binh dẫn về hàng ngàn người, hàng chục ngàn người, thậm chí cả trăm ngàn người. Càng đi sâu vào nội địa Nga, dòng tù binh Nga đi nguơc chiều càng nhiều. Tôi tự hỏi chúng tôi có chuẩn bị lo cho con số nhiều như vậy không, và con số càng cao thì tôi càng chắc là không. Hệ thống tiếp vận làm tốt chỉ để giữ cung cấp cho quân Đức, và chúng tôi không thể nào lo hết cho tù binh. Họ tỏ vẻ thờ ơ và không biểu lộ tình cảm. Quân phục đơn giản của họ tạo nên cảm giác là một đám đông đần độn.

Họ không được chăm sóc đúng đắn, thật sự là vậy, nhiều người họ bị chết đói. Họ được phát lương thực từ các nông trại và thịt từ ngựa bị chết trong chiến trận, nhưng không đủ để cung cấp cho họ. Đây là tình huống tệ hại, nhưng không phải là sự bỏ bê - mà chỉ không cách nào cho họ ăn uống vì con số khổng lồ trong khi phải lo cho chính binh lính chúng tôi.

Chúng tôi đã được nghe về các tiếng xấu của các chính uỷ. Những chính uỷ Cộng Sản trong quân Nga được coi là đặc biệt nguy hiểm vì họ kích động và xúi giục người khác, nên chúng tôi tách họ ra những tù binh khác và giao cho sư đoàn. (Chúng tôi không biết là sư đoàn giao cho đảng Quốc Xả, và bị xử tử.) Chúng tôi không có ý kiến gì về việc này, vì các pháo đội pháo binh hiếm khi bắt được tù binh.

một buổi tối vào giữa tháng 7, pháo đội được bố trí nghỉ đêm ở cùng một làng với BTL sư đoàn. Họ đến đây vì đây có nhà đẹp, và tôi ở đây vì có nhiều chỗ tốt cho ngựa. Thiếu Tướng von Studnitz được thông báo là có pháo đội cùng đóng trong làng, nên ông cho người đến mời ăn tối với ông.

Ông vào khoảng giữa 50 và tướng hơi mập. Ông là một người lính chuyên nghiệp một cách hoàn hảo với hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật chiến tranh và là người làm việc rất hiệu quả. Ông là người thông minh, có suy nghĩ về chính trị và triết lý, và là người luôn thèm thuồng sách. Ông rất được tôn trọng và kính nể bởi những người dưới quyền và xung quanh.

"Trung Uý Knappe, Pháo Đội Trưởng Pháo Đội 1, Trung Đoàn 187 PB, xin trình diện Thiếu Tướng." Tôi trình diện ông ta.

"Chào anh, Knappe," ông cười tươi và bắt tay tôi. "Ngồi xuống", ông bước đến bàn ra ra hiệu cho người phục vụ rót rượu. "Mọi thứ ra sao với anh hả?"

"Đều tốt, thưa thiếu tướng."

"Tinh thần mọi người ra sao?"

"Tốt lắm, họ là những người lính giỏi, và thái độ của họ không thể tốt hơn được"

"Bọn ngựa thì sao, có đủ sức không?"

"Chúng cũng tốt. Nếu chúng được nghỉ ngơi đều và được chăm sóc, chúng sẽ khoẻ."

"Anh có nhận đủ lương thực cho binh lính và ngựa không?"

"Thưa thiếu tướng, chúng tôi nhận được đầy đủ."

Ông đang kiểm tra các hoạt động tiếp vận. Chúng tôi là lực lượng của ông, và ông phải dùng chúng tôi để đạt được kế hoạch. Tôi trung thực cung cấp cho ông về tình trạng của chúng tôi. Đến lúc đó, tôi bị thương vong ít, và ông rất vui về điều đó.

Ông có vẻ trầm ngâm một lúc. "Anh thấy chiến dịch tiến hành như thế nào?"

"Rất tốt ạ," tôi nói với sự nhiệt tình. "Mọi thứ hình như theo kế hoạch."

Ông không nói gì, suy nghĩ của ông dường như đâu đó khá xa. "Tôi đã ở Nga trong cuộc chiến trước," cuối cùng ông lên tiếng. "Tôi đã trải qua mùa đông ở Nga. Nó rất khủng khiếp, không giống bất cứ ở đâu. Nó sẽ đến, và nó sẽ đến sớm. Chúng ta chỉ mới ỏ trong 1 phần nhỏ của nước Nga. Chúng tôi còn cả một khoảng trống mênh mông phía trước, và nếu chúng ta không chiếm được Moscow trước khi thời tiết trở lạnh, tôi lo sợ điều đó sẽ xảy ra."

Rõ ràng ông ta không lạc quan. Tôi sửng sốt, vì mọi việc đều thuận lợi cho đến nay, nhưng tôi biết ông là người thông minh, kinh nghiệm và có năng lực, và tôi bắt đầu bớt lạc quan từ đó. Nếu có ai đó nghe lén câu chuyện của chúng tôi và báo cho đảng Quốc Xã, nó có thể làm cho sự nghiệp của tướng von Studnitz chấm dứt. Nhận xét của ông có thể bị dịch thành kẻ chiến bại, và Đảng Quốc xã đối xử với những người này một cách nghiêm trọng.

Trong thời gian này, hầu hết thời giờ của chúng tôi là hành quân, rất ít khi gặp sự chống trả. Tiếp tục hành quân, chúng tôi đi trên con đường đất đầy những vết lún khá sâu, qua những hố đầy đá và đầy bụi. Chân chúng tôi chìm trong đất và cát, rồi tung bụi vào không khí và chúng bay lên và bám chặt vào người. Ngựa ho trong bụi làm bốc thêm mùi hăng hắc. Cát lún làm cho ngựa mệt như đi trên bùn lầy. Mọi người im lặng bước, người đầy bụi, môi và cổ họng khô rang. Đièu kiện như thế này làm cho người ngựa kiệt quệ nếu không thận trọng.

Trong vài ngôi làng, Những đồ trang trí hội tháng 5 vẫn còn treo và chúng tôi lúc đầu tưởng là dân làng chào đón chúng tôi. Chúng tôi nghe đồn là dân Nga chào đón quân Đức như những người giải phóng, nhất là vì chính quyền Cộng Sản cấm họ không được đi lễ nhà thờ. Chúng tôi đi qua xác xe tăng của Đức và Nga cũng như xác máy bay bị bắn rơi.

Trên đường đi băng qua nước Nga, chúng tôi bắt đầu thấy được sự mênh mông của đất nước này. Trong những khu rừng, mặt đất cọt kẹt dội lên như lò xo theo tường bước chân. Lá cây trên mặt đất khô và giòn, nhưng phía dưới là những lớp lá rụng từ nhiều năm trước và tạo thành những đống mùn màu nâu với đầy côn trùng. Nơi khác, những bụi cây chết gãy giòn dưới chân chúng tôi. Những khu rừng đầy mùi mốc với lá cũ, và cây cối đầy tiếng chim ồn ào. Cây sống có mùi tươi và ẩm ướt, và mùi cây chết khô và nồng.

Ngoài đồng trống, ánh nắng mặt trời hun nóng mặt đất, cùng với nút, đai nịt, dây xích, và những vật kim loại. Bướm vàng, bọ hung màu xanh-đen, và kiến nâu khá nhiều. Rắn cỏ len lỏi qua những bụi cỏ, rất khó thây. Châu chấu rất nhiều và coi những người lính như những cái cây và thường đậu vào họ để "đi ké". Từng đàn muỗi nhỏ li ti và ruồi tấn công chúng tôi..

Chúng tôi tiếp tục đi, những ngọn đồi nhỏ xuất hiện từ chân trời phía trước rồi từ từ chìm xuống chân trời phía sau chúng tôi. Cứ như là cùng một ngọn đồi cứ tiếp tục xuất hiện phía trước, từng cây số một. Chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng không một bóng cây và tầm mắt phóng xa tít, cánh đồng trống trải mọc đầy một loại cỏ cao. Rồi chúng tôi gặp những đồng lúa bất tận thỉnh thoảng che giấu lính Nga trong đó. Hoặc những cánh đồng hoa hướng dương dài hết cây số này đến cây số khác. Trong một chỗ khác, chúng tôi gặp những khu rừng rộng lớn như rừng nhiệt đới với cây cối chen chúc nhau mọc lên. Chúng tôi khó khăn vượt qua đầm lầy vùng Byelorussia rộng bằng hai tỉnh ở Đức. Những con sông đều chảy hướng bắc - nam, nên chúng tôi phải vượt qua chúng và chúng tạo thành những vị trí phòng thủ thiên nhiên cho quân Nga đang rút lui.

Sau bữa ăn với Thiếu Tướng von Studnitz, chúng tôi đến Minsk, thủ đô và là thành phố lớn nhất của Byelorussia. Quảng trường trung tâm của thành phố có bức tượng của Lenin cao khoảng 10 mét. Nó đã bị kéo xuống và đầu Lenin đã bị lấy mất. Chúng tôi không biết lính Đức hay dân Nga đã làm điều này sau khi quân Nga rút đi. Minsk bỏ trống như một thành phố ma. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là giao thông của quân Đức. Chúng tôi không dừng lại ở đây.