Người Lính - Những suy ngẫm của một người lính Đức

P 2: Chương 12

Bộ Chỉ Huy trung đoàn 24 pháo binh đóng ở Altenburg, khoảng 30 miles từ Leipzig. Tám chúng tôi về trình diện trung đoàn từ các trường khác nhau. Sáng hôm sau, cả tám người được giới thiệu với Đại Tá Hartmann, trung đoàn trưởng. Tôi nghe tiếng của ông ta, vì tôi đã phục vụ dưới quyền ông ta lúc còn ở Jena, mặc dù khoảng cách rất xa. Ông ta được biết khắp trung đoàn 24 "Cục (nước) Đá Xám" vì ông ta tóc bạc và lối cư xử nghiêm khắc của ông.

Sau vài lời chào đón của Hartmann, chúng tôi được bổ nhiệm về các đơn vị. Tiểu Đoàn 1 đóng ở Plauen, tiểu đoàn 2 ở Altenburg, tiểu đoàn 3 ở Jena. Tôi được về Tiểu Đoàn 1 ở Plauen, một thành phố công nghiệp với dân số khoảng 90 nghìn người. Tôi có đến Plauen trước đây, nhưng không để ý đến các doanh trại quân đội. Nên tôi đến sớm hơn để làm quen với doanh trại. Các thiết kế cũng giống như đồn ở Jena. Khu nhà BCH hướng mặt ra cổng chính. Ba dãy nhà phía sau là chỗ lính ở, mỗi dãy là một pháo đội. Cả ba dãy nhà hướng mặt ra 1 sân tập trung rải sỏi. Một bãi tập rất lớn nằm phía sau doanh trại. Phía sau bãi tập là 2 dãy chuồng ngựa dài, và phía sau chuồng ngựa là 2 sân cưỡi ngựa, một có mái che và một ngoài trời.

Tôi được đón bởi Thiếu Úy Gerald Niebergall, sĩ quan phụ tá tiểu đoàn, anh ta đưa tôi về pháo đội 1, chỉ huy trưởng là Đại Úy Dornberg.

Đại Úy Kurt Dorngerg đón tôi ở Pháo Đội 1. "Anh về ngay lúc chúng ta chuẩn bị di chuyển," anh ta nói. "Anh sẽ là sĩ quan quan sát mới của chúng tôi, nhưng anh sẽ không có thì giờ làm quen với mọi người trước khi chúng ta lên đường. Tôi sẽ giới thiệu anh cho sĩ quan pháo đội của chúng ta, Thiếu Úy Witzleben, vào lúc ăn tối. Hai anh cần phải hiểu biết nhau nhiều để làm việc chung, nhất là lúc huyấn luyện cũng như hành quân.

Thiếu Úy Erik Witzleben khoảng 23 tuổi, tóc vàng, cắt ngắn, và có nụ cười vui vẻ, anh có khuông mặt thân thiện, đã ở pháo đội được 2 năm. "Rất vui khi có anh về với chúng tôi," anh nói khi chúng tôi gặp nhau. "Anh sẽ thích ở đây, nhất là sau khi chúng ta xong việc di chuyển. Cuộc sống ở đây khá dễ chịu."

Chúng tôi hành quân 3 ngày sau khi tôi về Pháo Đội 1. Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng để kiểm tra binh lính trong pháo đội và kiểm tra mọi thứ. Bóng tối vẫn còn bao phủ mọi vật, nhưng binh lính đang náo nhiệt sửa soạn. Người đầu bếp đã đốt lửa lên cả tiếng đồng hồ trước, nấu trên bếp di động, và đang pha cà phê và trà. Tách trà ngon miệng buổi sáng, mùi ngựa, tiếng xích cột ngựa vào các cỗ xe, súng từ từ đưa tia sáng đầu tiên trong ngày đến. Tôi coi lại các dụng cụ của máy bộ đàm và điện thoại của lính truyền tin và ngựa của họ, cũng như các thiết bị, ngựa của các binh sĩ trong pháo đội. Đúng 7 giờ, chúng tôi nhận lệnh di chuyển và tiến về phía Grafenwohr, muc tiêu của cuộc hành quân. Chúng tôi sẽ phải đi suốt ngày.

Trung Đoàn 18 Bộ Binh hành quân bộ, theo sau là Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh. Pháo đội tôi có 4 khẩu 105 ly và mang tất cả đạn dược và thiết bị theo. Xe ngựa cũng chở đồ tiếp tế, và bếp dã chiến, rơm và lúa mạch cho ngựa, lương thực cho người. Chúng tôi có một thợ rèn, với xe ngựa riêng và lò rèn dã chiến, để thay thế đế ngựa và sửa chữa dụng cụ hư hỏng. Khoảng 3-4 người lính lo sức khoẻ cho ngựa, họ cũng như y tá cho ngựa.

Trên đường đến mục tiêu, chúng tôi di chuyển trên đường. Đến chỗ lên dốc, lính ngồi trên các xe ngựa phải nhảy xuống đi bộ để ngựa khỏi bị mệt. Cứ khoảng mỗi tiếng, chúng tôi nghỉ mười phút để ngựa và lính bộ binh nghỉ giải lao. Đến trưa, chúng tôi dừng lại cho ngựa uống nước và ăn trưa. Mỗi pháo đội và đại đội bộ binh có bếp dã chiến riêng, Một cái nồi lớn được nấu trong khi chúng tôi di chuyển. Chúng tôi dừng lại cho ngựa ăn uống và ăn chiều lúc 5 giờ chiều. Sau đó tiếp tục hành quân cho đến mục tiêu lúc vừa tối.

Chúng tôi phải bố trí các ụ súng và các thiết bị, tháo ngựa ra khỏi xe và tháo yên cương, chải ngựa, và cho ngựa ăn uống. Sau đó dựng lều. Chúng tôi thật sự nghỉ ngơi lúc nửa đêm. Sau một ngày dài, mọi người mệt mỏi lăn ra ngủ trong các lều.

Cuộc thao dượt bao gồm 2 sư đoàn, một gọi là Sư Đoàn Đỏ, một là Sư Đoàn Xanh. 2 sư đoàn sẽ giao chiến với nhau trong cuộc tập trận. Mỗi sư đoàn có 3 trung đoàn bộ binh, mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn và được yểm trợ bởi một tiểu đoàn pháo binh. Tư lịnh sư đoàn, một trung tướng, thường giữ 1 trung đoàn dự bị, dùng 1 trung đoàn để nhử địch ra khỏi vị trí, rồi dùng trung đoàn còn lại tấn công. Tất cả pháo binh, tất nhiên, được dùng yểm trợ cho trung đoàn tấn công. Chúng tôi làm mọi việc trong cuộc tập trận như đánh nhau thật, kể cả việc bắt cầu tạm qua sông. Có trọng tài xem xét trận đánh, họ quyết định đơn vị nào bị loại ra khỏi trận đánh, các thiệt hại, và đơn vị nào thắng trận.

Trong cuộc tập trận, khi có thể được, sĩ quan sẽ ở trong nhà trong các làng (dân chúng nhường phòng khách cho họ và được trả tiền). Nếu chúng tôi ở một nơi lâu và có quán ăn trong khu vực, chúng tôi sẽ cung cấp thực phẩm cho quán ăn và trả tiền công cho họ để họ nấu cho chúng tôi ăn hàng ngày. Binh lính phải ở trong các nhà kho, nông trại, trường học, nhà thờ, hoặc bất cứ chỗ nào có mái che. Nếu không có, họ phải ngủ trong lều. Nếu không có làng mạc trong khu vực, sĩ quan sẽ ngủ lều và ăn ở bếp dã chiến cùng với lính. Trong khu vực tập trận, nơi chúng tôi hành quân qua, hoặc tập đánh nhau, nông dân sẽ được trả tiền đền bù vào các thiệt hại.

Tôi biết nhiều hơn về Dornberg và Witzleben trong cuộc tập trận, vì chúng tôi dựa dẫm rất nhiều vào nhau. Dornberg, trong cương vị pháo đội trưởng, sẽ chấp thuận (hoặc thay đổi) vị trí tiền sát của tôi và vị trí đặt súng của Witzleben. Nếu anh ta không chấp thuận, anh ta sẽ giải thích lý do tại sao và chuyển đến vị trí khác.

Cuộc tập trận ở Grafenwohr rất có ích cho chúng tôi vì chỉ nơi đây chúng tôi mới được bắn đạn thật. Thao tác các động tác bắn ở bãi tập ở Plauen cũng tốt, nhưng binh lính cần được biết cảm giác bắn đạn thật cũng như sống trong điều kiện chiến trường. Tất nhiên, chúng tôi rất cẩn thận rằng không có "kẻ địch" trong khu vực đạn rơi. Cuộc tập trận kéo dài một tuần, sau đó chúng tôi quay về Plauen.

Sau cuộc tập trận, tôi thấy rằng cuộc sống ở Plauen rất an nhàn. Căn hộ của tôi ở doanh trại rất thoải mái, và tôi được cấp cho một người giúp việc để dọn dẹp và nấu nướng khi tôi có khách.

Chúng tôi làm việc 10 đến 12 tiếng 1 ngày trong tuần. Thứ 7 chúng tôi làm việc đến trưa rồi nghỉ cho đến sáng thứ hai trừ khi phải làm sĩ quan trực, công việc đôn đốc việc canh gác và các công việc chung. Chúng tôi trực cuối tuần mỗi 4 tuần 1 lần, các buổi cuối tuần khác thì ai làm gì thì làm. Nơi đóng quân chỉ cách khoảng 100 cây số và thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, nhưng thường thì tôi thấy thích hơn khi ở lại Plauen.

Sau cuộc tập trận không lâu, Witzleben tình nguyện dẫn tôi đi quanh thành phố. Chúng tôi mặc thường phục, chui vào xe của Witzleben, và đi quanh Plauen suốt buổi chiều. Mỗi khi đến nơi mới lạ, tôi luôn muốn tham quan những di tích lịch sử, nhà thờ, và những kiến trúc tiêu biểu. Witzleben tỏ ra là một hướng dẫn viên xuất sắc, vì anh ta đã ở Plauen được 2 năm và tìm hiểu khá nhiều về nơi này. Chúng tôi ngang dọc khắp thành phố, dừng lại bất cứ nơi nào chúng tôi thấy thích. Khoảng 5 giờ, Witzleben đưa tôi đến một quán ăn mà anh ta rất thích. Đó là một nhà hàng có nhạc khiêu vũ từ một máy hát vào buổi chiều, có lúc có 2 hay 3 nhạc công đến chơi nhạc khiêu vũ. Thanh niên nam nữ thường đến những nhà hàng này để có cơ hội gặp gỡ. Nếu một thanh niên muốn làm quen với cô gái nào đó, anh ta có thể mời cô ta nhảy; sau đó nếu thích cô ta, anh có thể mời cô ta ngồi chung bàn với mình. Quán bán cà phê, trà, bia, rượu và thức ăn. Witzleben lái xe đến đó và đậu xe gần quán. Khi chúng tôi vào bên trong, một ban nhạc gồm 3 người đang chơi nhạc khiêu vũ. Witzleben lập tức nhận ra một cô gái quen và kéo tôi đến bàn cô ta.

"Bettina, rất vui gặp lại em," anh ta nói với một cô gái cao, tóc màu hung, mỉm cười với anh ta một nụ cười dễ thương với đôi mắt màu xanh lục nhạt lúng liếng.

"Chào Erik," cô trả lời. "Cho phép em giới thiệu bạn: Gisela." Bạn của cô là một cô gái nhỏ người, tóc vàng cắt ngắn, mắt xanh lơ, với nụ cười nhẹ. Witzleben giới thiệu tôi, và các cô mời chúng tôi ngồi chung.

Tôi thấy Gíela rất lôi cuốn. Tôi nhảy với cô và nhận thấy rằng cô là người rất vui và dí dỏm. Cô nói chuyện rất có cảm tình và hơi nhẹ dạ. Bettina hơi chững chạc hơn, mặt dù cả hai đều rất vui vẻ. Chúng tôi thích thú ngồi cùng họ và có một buổi tối vui vẻ.

Ngày 1 tháng 9 năm 1938, tôi được lệnh đến gặp tiểu đoàn trưởng, Thiếu Tá Kordt. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng giấy tờ lên chức thiếu úy thực thụ đã được phê chuẩn. Tôi đến trình diện và gặp 2 người sĩ quan tập sự khác của tiểu đoàn cũng đang ở đó. Thiếu Tá Kordt tươi cười và chúc mừng chúng tôi được lên thiếu úy. Chúng tôi đã làm việc như một sĩ quan bấy lâu nay, điều khác nhau là trên cầu vai của tôi thay đổi từ sinh viên sĩ quan sang lon thiếu úy. Sau đó, chúng tôi cùng đến câu lạc bộ sĩ quan ăn mừng với các tân sĩ quan khác và bạn bè.

Có nhiều dịp xã giao ở Plauen chúng tôi có thể tham dự. Plauen là một thành phố công nghiệp với nhiều người thuộc giai cấp trung và thượng lưu và có những câu lạc bộ tư nhân, nơi chúng tôi luôn được chào đón. Chúng tôi không phải là thành viên của các câu lạc bộ xã hội dân sự, vì chúng tôi không khả năng tài chính để đóng hội phí, nhưng nhiều gia đình giàu có con gái và luôn thích con họ cùng đi với một sĩ quan trẻ. Trong hầu hết các cuộc hội hè chính trong thành phố, các sĩ quan chúng tôi đều nhận được giấy mời tham dự. Một bản thông báo dán trên bản tin tiểu đoàn báo cho chúng tôi biết các hoạt động sắp đến. Chúng tôi là một phần của cuộc sống xã hội trong thành phố. Sĩ quan quân đội được coi như một bộ phận của thành phần ưu tú trong xã hội vì những truyền thống lâu đời, hầu hết giới quý tộc đều là hoặc từng là sĩ quan quân đội. Những sĩ quan không có gốc gác quý tộc vẫn được chấp nhận do truyền thống. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy trách nhiệm đặc biệt khi chúng tôi mặc quân phục. Khi mặc quân phục, chúng tôi chấp nhận những quy ước đó. Nếu muốn thoải mái, chúng tôi sẽ mặc thường phục khi ra đường. Nếu là một buổi hội chính thức, hoặc nếu có tiểu đoàn trưởng của chúng tôi ở nơi nào đó, chúng tôi sẽ mặc quân phục nếu đến nơi đó.

Tôi tham gia buổi giao tiếp xã hội đầu tiên vào cuối tháng 9. Witzleben và tôi đón Gisela và Bettina và lái đến chỗ tiệc. Vì đây là một buổi giao tiếp quan trọng ở một câu lạc bộ tư nhân, và vì Thiếu Tá Kordt và Đại Úy Dornberg sẽ có mặt ở đó, chúng tôi mặc lễ phục. Câu lạc bộ nằm ở ngoại ô Plauen, vài dặm từ đơn vị, trong một toà nhà bằng gạch rộng lớn. Hai bên lối vào là hàng cột điện lớn với những cánh tay cong vươn ra, trên đó được treo những ngọn lồng đèn soi sáng lối đi. Khi bước vào bên trong, chúng tôi nghe dàn nhạc giao hưởng đang chơi. Vào bên trong, Witzleben chỉ cho tôi Đai Úy Dornberg và Thiếu Tá Kordt. Họ ngồi ở một cái bàn tròn lớn và mời chúng tôi ngồi chung.

Trong buổi khiêu vũ, tôi nhảy với bà Bornberg và bà Kordt. Bà Dornberg khá lịch sự và ít nói. bà Kordt vui vẻ và nói nhiều hơn. Trong lúc nhảy, bà bỗng nhảy vài bước Lambeth Walk, một kiểu nhảy của Anh rất phổ biến trong giới trẻ nhưng bị cấm bởi chính quyền như là điều "lạc hậu". Tôi hơi giật mình nhưng bà nháy mắt và cười tinh nghịch. Bà ta có vẻ thích làm cho bọn sĩ quan trẻ chúng tôi giật mình vì sự nghịch ngợm của bà.

Như những người trẻ tuổi khắp mọi nơi, chúng tôi mê nhạc và thích nhảy. Bên cạnh Lambeth Walk, một vài điệu nhạc khác cũng bị cấm vì "lạc hậu", nhất là nhạc pop Mỹ và Anh. Chúng tôi không thể nhảy nhạc cấm ở những sàn nhảy công cộng, nhưng ở những câu lạc bộ tư nhân, chúng tôi chờ chỉ huy tiểu đoàn ra về và chúng tôi nhảy tất cả các điệu chúng tôi thích. Lúc nào cũng có ban nhạc, và họ luôn biết chơi nhạc gì.

Tôi dẫn Gisela đến nhiều buổi giao tiếp ở Plauen. Là một cô gái 18 tuổi đầy quyến rũ và là con gái của một ông chủ hảng giàu có, Gisela được rất nhiều sĩ quan trẻ theo, và tôi có nhiều cạnh tranh để được sự để ý của cô. Cô ta và tôi thường cưỡi ngựa với nhau vào cuối tuần và đi thi cưỡi ngựa với nhau. Chúng tôi cũng thường đi xem phim và ca nhạc. Đó là thời gian rất vui vẻ và vô tư.

Quân đội trả lương đủ để giữ cuộc sống tương đối đầy đủ. Một thiếu úy lãnh 300 Reichsmarks 1 tháng, trung úy được 400, đại uý 500, thiếu tá lãnh 600. Chỗ ở và ăn uống được cung cấp. Với số lương, chúng tôi có thể mua được một chiếc xe không đắt và một con ngựa. Tôi thấy rằng làm một sĩ quan Đức trong thời bình thật dễ chịu.

Lớp huấn luyện mới bắt đầu vào tháng 10. Tân binh năm trước đã được thăng cấp lên oberkanonier hay gefreiter, và họ giúp chúng tôi huấn luyện tân binh mới dưới hai viên thượng sĩ nhất của pháo đội, Schmundt và Ritter, và các nhân viên của họ.

Những binh sĩ đã hoàn tất 2 năm phục vụ quân đội và không muốn ở lại quân đội như một nghề nghiệp thì được giải ngũ và về nhà. Thiếu Úy Wizleben và tôi chia trách nhiệm huấn luyện với nhau. Tôi có trách nhiệm huấn luyện lính giữ ngựa, và Witzleben huấn luyện pháo thủ. Witzleben và tôi dạy lý thuyết, và các hạ sĩ quan huấn luyện ở thao trường.

Tôi dạy từng nhóm khác nhau suốt ngày, hết cưỡi ngựa rồi diễn hành, và quan sát các hạ sĩ quan huấn luyện ngoài bãi. Thường thì tôi quan sát, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng ra bãi với họ. Có một lần tôi đang quan sát một nhóm tập bắn trong bãi tập bắn súng ngắn, một hạ sĩ huấn luyện mời tôi biểu diễn. Tôi rút súng ngắn và bắn 3 phát trúng ngay "mắt bò". Dù cho tôi là người bắn giỏi, đây chỉ là điều may mắn. Mọi người đều phục, nhưng với tôi thì chỉ là sự may mắn.

Mỗi sĩ quan pháo binh có 2 con ngựa và một binh sĩ gọi pferdehalter chăm sóc chúng. Khi hành quân hay trong trận chiến, viên sĩ quan cưỡi 1 con và người pferdehalter cưỡi con kia. Khi người sĩ quan xuống ngựa trong chiến đấu, người pferdehalter dẫn cả 2 con ngựa đi giấu. Nếu dừng lại lâu, anh ta sẽ làm chuồng cho ngựa.

Mỗi năm, nhiều sĩ quan và bác sĩ thú y từ các tiểu đoàn đi đến các nơi đấu giá ngựa để mua. Họ là những người rất rành về ngựa. Ngựa mua sẽ là khoảng chừng 3-4 tuổi. Mỗi tiểu đoàn có ngân sách riêng của họ, và nếu chúng tôi cần 1 con ngựa cưỡi và 12 con ngựa kéo, chúng tôi phải cố gắng làm sao mua cho vừa số tiền đang có. Ngựa phải hoàn toàn chưa được thuần, và quân đội sẽ tập chúng. Chúng tôi có những viên trung sĩ tập ngựa liên tục dưới sự hướng dẫn của sĩ quan hoặc thượng sĩ.

Sĩ quan bỏ ra 1 ít thì giờ để huấn luyện ngựa của họ. Chúng tôi có thể mua ngựa cho mình, huấn luyện chúng, rồi bán đi kiếm lời. hầu hết các sĩ quan pháo binh và kỵ binh đề làm như vậy hàng năm. Chúng tôi mua một con ngựa chưa huấn luyện khoảng 1500 Reichsmarks và bán một con ngựa được huấn luyện kỹ với giá 4000. Chúng tôi có 1 khoảng lời lớn, và quân đội cũng vui vẻ trả cho chúng tôi. Chúng tôi huấn luyện ngựa như là một phần của công việc.

Tôi không biết cách mua ngựa, nên nhờ một đại úy chuyên gia coi ngựa mua dùm tôi một con ở gần Hannover. Tôi chỉ cần mua ngựa và bộ yên cương; chính phủ sẽ trả tiền chăm sóc nó, và tôi sẽ có một người lính lo cho nó.

Khi con ngựa của tôi rời khỏi xe, tôi có ấn tượng ngay. Đó là một chủ ngựa chừng 4 tuổi màu hạt dẻ tên Schwabenprinz (hoàng tử vùng Swabian). Đang sợ vì lần đầu tiên đi xe lửa, chú ta bước xuống xe người đầy mồ hôi, mắt mở to, và thở mạnh. Tôi nói nhẹ nhàng với nó và đưa tay vút vai và cổ làm nó bình tỉnh lại một chút. Tôi ở với chú ngựa trong chuồng thêm một thời gian, để trò chuyện và dỗ dành cu cậu.

Trong thời gian luyện tập, tôi đến với nó hàng ngày, nói chuyện, chải lông, và dẫn ngựa đi vòng vòng 1 chút. Tôi tập cho nó những điều cơ bản, nhưng cũng dạy thêm vài bước nhảy 1 chân nhỏ. Tôi muốn đưa ngựa đi thi, nên tôi bắt đầu luyện tập cho nó sớm hơn. Vài người trong chúng tôi đem ngựa của họ đến sân đua ngựa để chúng làm quen với những con ngựa khác. Đến lúc phải bắt yên cương cho ngựa, cậu ta chấp nhận tôi nhảy lên mà không phản ứng gì dù cậu ta hơi hồi hộp một tí. Cậu biết tôi rõ và tôi chuẩn bị kỹ cho giây phút này. Sau đó tôi bắt đầu chương trình cưỡi ngựa mỗi ngày 1 tiếng.

Rồi đến sự kiện tấn công Sudetenland, một phần của Đức trước chiến tranh bị cắt cho Tiệp trong hiệp ước Versailles và người Đức vẫn chiếm đa số trong cư dân vùng này. Đầu tháng 5, khi tôi còn trong học viện quân sự Potsdam, báo chí bắt đầu tung tin về những cuộc đàn áp dân gốc Đức ở Sudetenland bởi chính phủ Tiệp. Những tin như vậy tiếp tục được đưa ra trong suốt mùa hè và ngày càng nặng nề hơn. Dĩ nhiên chúng tôi không biết chúng được tạo ra bởi bộ máy tuyên truyền của Goebbels. Chúng tôi chỉ nhận được tin tức qua báo chí đã bị kiểm soát, và họ không bao giờ cho phép chúng tôi thắc mắc điều gì. Trong cuộc diễn hành Nuremberg năm 1938, Hitter là đe doạ chính quyền Tiệp về vấn đề người Đức ở Sudetenland. Thủ tướng Anh, Neville Chamberlain, vẫn đang thương lượng với Hitler từ giửa tháng 9. Trong một bài diễn văn ở sân vận động Berlin, Hitler tuyên bố rằng ông ta muốn lấy lại Sudetenland vào ngày 1 tháng 10, kể cả khả năng lấy lại nó bằng vũ lực.

Chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị hành quân và tiến tới biên giới Tiệp vào ngày 26 tháng 9. Tôi nhớ lại lời tiên đoán của Herr Hoffer về cuộc chiến 30 tháng về trước trong khi chúng tôi đang chuẩn bị tấn công Sudeten gần nơi tôi đã gặp ông ta. Tôi nhìn thấy một vài vị trí phòng thủ của quân Tiệp trên khu trượt tuyết vùng núi Ore (Plauen chỉ cách biên giới Tiệp chừng 35km). Ngày 29 tháng 9, Hitler và thủ tướng Chamberlain gặp nhau môt lần nữa, cùng với Daladier của Pháp và Mussolini của Ý. Ngày 30 tháng 9, một bản tuyên bố được ban ra rằng Tiệp chấp nhận sự chiếm đóng của Đức ở vùng Sudetenland. Việc bàn giao bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 và kết thúc vào ngày 10 tháng 10. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi làm đúng vì hiệp ước Versailles là sai trái đối với chúng tôi.

Chúng tôi được lệnh sẵn sàng tiến quân lúc 7 giờ sáng ngày 1 tháng 10. Tôi dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị mọi việc đúng thời biểu và trơn tru. Tách trà nóng buổi sáng đẩy lùi cái lạnh sáng sớm trong thời gian này trong năm. Ngựa được cho ăn và uống, tiếp đó mọi người ăn sáng. Sự khác nhau lớn nhất giữa cuộc hành quân lần này và các cuộc thao dượt trước đây là binh lính được cấp phát đạn thật cho súng. Chúng tôi không chờ đợi sự chống trả, nhưng việc được phát đạn làm mọi người yên tâm hơn.

Tất cả các đơn vị đều trong hàng lối, và đúng 7 giờ, chúng tôi được lệnh tiến quân. Chúng tôi theo đường cái thay vì băng qua các cánh đồng, có nghĩa là chúng tôi đi về hướng Nam, rồi chuyển qua hướng Đông vào Tiệp. Mặc dù không mong có sự chống trả, nhưng chúng tôi được trang bị đầy đủ, huấn luyện kỹ càng, và có thể nhập trận ngay nếu cần thiết. Như dự đoán, dân Đức ở Sudetenland nồng nhiệt chào đón chúng tôi, và chúng tôi hoàn toàn không gặp một đơn vị Tiệp nào. Họ đã rút khỏi Sudetenland trước ngày 1 tháng 10. Tôi không thấy lạ ở đây, vì tôi đã đi trượt tuyết ở đây nhiều lần. Chúng tôi chỉ tiến vào Tiệp từ 35 đến 75km từ biên giới.

Ngày 5 tháng 10 năm 1938, chúng tôi dừng chân ở một ngôi làng gần Karlsbad, Tiệp. Mọi thứ đều im ắng, các tin tức đều tốt đẹp. Tôi ngồi cùng một số sĩ quan, có cả Niebergall, Dornberg, và Witzleben. Cả 4 chúng tôi gặp nhau trong một quán ăn trong làng vào buổi trưa.

"Cho đến giờ phút này thì mọi thứ đều tốt đẹp," Dornberg nói với vẻ tự mãn. "Đây là sự biểu hiện tố cho việc luyện tập hàng ngày. Cứ như là một cuộc thao diễn."

"Tôi nghĩ chúng ta nên ăn mừng chiến thắng này," Witzleben đề nghị, luôn sẵn sàng tiệc tùng. "Chưa bị thiệt hại nào!"

"Hay lắm," Niebergall cười đồng tình. "Tôi đề cử Knappe đi tìm Champagne hay rượu cho buổi ăn mừng, vì tất cả chúng ta đều là cấp trên hơn anh ta."

"Chắc đó là cái giá phải trả vì anh là người trẻ nhất ở đây, Knappe ạ," Dornberg nói.

Sau buổi ăn trưa, tôi cố gắng tìm mua rượu khắp làng nhưng không tìm thấy. Ngôi làng quá nhỏ, và tôi phải đi đến thị trấn lớn hơn để mua rượu hay champagne. tôi quyết định lấy một chiếc mô tô và đi ra thị trấn, khoảng chừng 30 phút cưỡi mô tô. Tôi lấy vài cái xách bỏ lên xe, và phóng ra con đường nhựa đi ra thị trấn.

Điều tiếp đó là tôi thấy mình nằm trên giường bệnh. Tôi không thể hiểu tại sao cho đến khi một y tá bước vào phòng và tôi hỏi cô ta. Tôi được biết là tôi đang ở bệnh viện ở Grafenwohr, Đức. Sau này tôi được biết những gì xảy ra. Sau đó, vị bác sĩ thú y tiểu đoàn nhìn thấy tôi nằm bất tỉnh gần một ống cống khi đi ngang qua, chiếc mô tô nằm gần đó. Ông ta quay lại và kêu xe cứu thương. Họ đưa tôi về bệnh viện quân sự ở Grafenwohr, khoảng 90km về phía đông bắc Nuemberg. Người y tá nói với tôi là tôi đã bất tỉnh 36 giờ. Điều cuối cùng tôi có thể nhớ là lái mô tô ra khỏi làng. Con đường tráng nhựa, và tôi bị mất kiểm soát tay lái ở chỗ nhựa đường bị tróc. Một cột mốc cây số gần ở chỗ họ tìm thấy tôi, chắc đầu tôi va vào đó, tôi đội nón sắt, hay có thể tôi đã chết. Tôi không bị gãy xương hay thương tích gì nặng, chỉ vài vết trầy. Thậm chí không thấy đau đầu. Thật khó tin chuyện như thế có thể xảy ra.

Bác sĩ từ chối không cho tôi về đơn vị, vì tôi đã bất tỉnh, để theo dõi bệnh tình, tôi phải nằm tại chỗ trong 3 tuần. Sau đó tôi được phép về Plauen, nhưng chưa được làm việc. Tôi về Leipzig vài ngày vào cuối tháng 10, khi tôi được phép đi lại.

Em trai tôi, Fritz, hầu như thất vọng vì chúng tôi không đánh nhau trên đươcng vào Sudetenland. "Thậm chí anh không thấy một tên lính Tiệp nào à?" Anh chàng hỏi một cách chán chường.

"Không," tôi khẳng định với cậu ta. "Nếu anh không lao đầu vào cột cây số đó, có lẽ không có một sự bạo lực nào cả."

Trung đoàn chúng tôi trở về lại Plauen đầu tháng 11 và tổ chức lễ chiến thắng. Lúc đó, tôi đã ra khỏi bệnh viện và về chung cư trong đơn vị, nhưng chưa được phép làm việc nên phải coi buổi lễ từ cửa sổ. Witzlenben và một số người khác tặng tôi băng (ribbon) chiến thắng.

Chỉ sau khi tôi trở lại với công việc, sự kiện Kristallnacht ("Đêm pha lê") xảy ra. Một thanh niên Đức gốc Do Thái, gia đình anh ta bị bắt vào trại tập trung, đã bước vào tòa đại sứ Đức ở Paris và bắn chết một nhân viên người Đức. Để trả thù, Đám áo nâu Nazi đã tấn công, đốt cháy giáo đường, phá hủy cửa hiệu, nhà cửa của người Do Thái trên khắp nước Đức vào đêm 9 thang 11. Ở vài nơi, nhiều người Do Thái bị giết và bị thương khi họ cố gắng chống lại. Sự kiện đó được gọi là Đêm Pha Lê vì những cửa kiếng cửa sổ bị vỡ.

Tôi thật sự hy vọng rằng Michaelis không có trong số họ. Radio và báo chí miêu tả là hành động tự phát vì sự lăng nhục tinh thần của người Đức. Tất nhiên, không có điều đó, và ai cũng biết vậy. Chúng tôi không nói về sự kiện này trong đơn vị, vì chúng tôi cảm thấy nhục nhã vì chính quyền đã cho phép những điều đó xảy ra. Chúng tôi không muốn thừa nhận điều đó, ít ra đối với người xung quanh, nên chúng tôi không nói về những điều này. Một làn sóng bài chống Do Thái luôn luôn chảy dưới mặt nước trong dân Đức, nhưng không có ai trong số người tôi biết ủng hộ những hành động này. Chúng tôi cảm thấy Hitler làm việc rất tốt cho nước Đức - giải quyết nạn thất nghiệp, dẹp hết những bất ổn chính trị trên đường phố, tái lập niềm tự hào quốc gia - nhưng có những sự thô lỗ của ông ta mà chúng tôi ghê tởm ngấm ngầm. Sự thù ghét của ông ta về người Do Thái không có ý nghĩa gì đối với chúng tôi, và chúng tôi chỉ muốn tránh xa với những mặt xấu của ông ta. Khuông mặt của Herr Hoffer lại hiện lên trong tôi trong giấc mơ đêm đó - giấc mơ luôn theo tôi với điệp khúc "Với giá nào?".

Ngày thánh Barbara, 4 tháng 12, luôn là ngày hội với chúng tôi (Saint Barbara là vị thần hộ mệnh của thợ mỏ và lính pháo binh). Các sĩ quan dựng một vở kịch về cuộc hành quân Sudetenland và tính tôi trong số "thiệt hại", cùng với gà và thỏ con, những con vật bị xe chở đạn cáng chết. Thật xấu hổ, nhưng cũng rât vui.

Giáng sinh năm 1938, tôi ở Plauen để trực - một cái giá khác phải trả vì là sĩ quan nhỏ tuổi nhất trong pháo đội.

Trong kỳ nghỉ phép năm mới, Friedrich, Ebert, Liebelt, Michaelis, và tôi gặp nhau. Nhưng đây là một buổi hội ngộ buồn tẻ. Lúc đầu tương đối vui, nhưng càng lúc Michaelis càng ít nói. Cuối cùng tôi hỏi lý do tại sao.

"Chúng tôi phải rời khỏi nước Đức," anh nói nhỏ. "Và đây là quê hương duy nhất của tôi."

"Tại sao phải đi?" Friedrich hỏi.

"Vì chúng tôi là người Do Thái. Bọn Áo Nâu phá hủy văn phòng khám bệnh của ba tôi trong đêm Kristallnacht, và bệnh nhân của ông ấy sợ không dám đến nữa. Họ sợ bọn Áo Nâu trả thù."

Sự im lặng rơi xuống. Chúng tôi tránh không nhìn thẳng vào mắt nhau, cố gắng nghĩ cách nói không làm nặng nề hơn.

"Thật tệ," Ebert cất tiếng. "Cảm thấy rất khó chịu khi nó xảy ra đến với những người quen biết."

"Đừng để những điều ấy làm chúng ta mất vui đêm nay," Michaelis nói, lắc đầu và cố gượng cười. "Đêm cuối cùng của bạn bè chúng mình. Hãy vui lên."

Đây là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy Michaelis. Gia đình anh ta dọn qua Anh, nơi đó anh ta có thể học tiếp.

Tháng 2 năm 1939, tôi nhận lệnh trình diện thiếu tá Kordt.

"Vào đi," ông trả lời tiếng gõ cửa. Ông chào trả tôi và ra hiệu cho tôi ngồi. "Cái này mới đến cho anh bửa nay," ông nói và đưa tôi một tờ giấy.

Đó là lá thư mời đến bữa tiếp tân của Hitler ở Dinh Quốc Trưởng ở Berlin!

"Thành tích của anh ở học viện Potsdam đã mang đến cho anh vinh dự này," Kordt nói và mĩm cười. "Chỉ có những người tốt nghiệp xuất sắc từ bốn học viện được mời. Chúc mừng anh!" Kordt rất hài lòng khi có một sĩ quan của mình được mời đến buổi tiếp tân.

Thật là một kinh nghiệm lý thú. Các sĩ quan trẻ chúng tôi tập họp trong một phòng giải lao bên cạnh phòng tiếp tân lớn trong dinh Quốc Trưởng mới và chờ ở đây. Ở phòng để áo khoác cho khách có một cây gậy thống chế và một cái mũ lớn với nhiều viền vàng của Hermann Goring. Một sĩ quan trẻ câm lấy cây gậy, đội mũ lên, và bắt đầu bắt chước dáng điệu Goring. Mọi người đều cười và dọa anh chàng ta. Tất nhiên không có ai ngoài chúng tôi, và chúng tôi chờ cho đến khi được gọi vào một căn phòng lớn. Chúng tôi được mời uống champagne.

Căn phòng lớn được bày với những ghế da mà xanh lá cây, có rất nhiều đá hoa cương. Nó được trang hoàng rất đẹp với những bức tượng, phù điều và tranh. Tất cả các nhân vật cao cấp của quân đội đều đã có mặt: Goring, von Brauchitsch (tổng tham mưu trưởng), và nhiều tướng lãnh khác. Himmler và những người lãnh đạo chính trị cũng có mặt. Tất cả các nhân vật nổi tiếng ăm mặt như trong những phim thời sự. Thật là một kinh nghiệm đáng tự hào cho một sĩ quan trẻ 22 tuổi. Chúng tôi đứng trong phòng, nói chuyện với nhau. Khi Hitler bước vào, mọi người đều đứng nghiêm và ông ta bắt đầu đi đến từng nhóm, trò chuyện mỗi người một chút. Chúng tôi đã đưa tên của mình cho sĩ quan tùy viên của Hitler, một thiếu tá, bây giờ ông giới thiệu từng người cho Hitler.

"Thiếu Úy Knappe," ông ta nói với HItler khi họ đến chỗ tôi.

Hitler cười thân mật và chìa tay ra. "Chào thiếu úy", ông nói. "Tôi rất vui được gặp anh, anh từ đâu đến?"

"Tôi từ Leipzig, mein Fuhrer," tôi trả lời.

"Anh đóng quân ở đâu?"

"Ở Plauen, Trung Đoàn 24 Pháo Binh, mein Fuhrer."

"Chúc mừng anh về những thành tích ở học viện." Hitler ta nói xong rồi bước qua người kế tiếp.

Hitler đang ở đỉnh cao của quyền lực. Mọi việc đều xảy ra theo ý ông: chiếm lại Rhineland, xây dựng quân đội, sáp nhập nước Áo, thôn tính Sudetenland. Ông toả ra sự nhiệt huyết và sinh lực cho mọi người trong phòng. Mọi việc ông đã làm ngoại trừ sáp nhập Áo đểu là sự "lấy lại công đạo" cho chúng tôi từ hiệp ước Versailles(°), và nước Áo được sáp nhập bởi cuộc bỏ phiếu từ chính dân Áo. Ông ta làm chúng tôi vô cùng tự hào khi là một sĩ quan Đức, và tôi chắc rằng ông cũng cảm thấy sự từ hào đó của chúng tôi.

Đám thiếu úy chúng tôi đều thích thú buổi tiếp tân. Mặc dù chúng tôi thật sự cảm thấy hãnh diện khi được đến đó, nhưng chúng tôi đều tỏ ra "trò đùa" với nhau. Vài thiếu uý trẻ uống quá nhiều champagne, và mọi người phải canh họ vì không muốn làm quân đội mất mặt.

Ngày 15 tháng 3 năm 1939, quân Đức tấn công toàn bộ lãnh thổ Tiệp nhưng không gặp sự kháng cự nào, đơn vị tôi không tham gia chiến dịch. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến sự không ủng hộ ngấm ngầm từ dân chúng đối với hành động của chính phủ. Sudentenland là của Đức trước kia, nhưng sự chinh phục toàn bộ nước Tiệp hoàn toàn không có lý do chính đáng.

Tháng 5 năm 1939, cuộc thi cưỡi ngựa toàn quốc được tổ chức ở Bad Elster, gần Plauen, nên nhiều người trong chúng tôi tham gia. Chúng tôi đem ngựa đến đó tập dượt vài ngày trước khi tổ chức. Đây là một cuộc thi rất phổ biến, và cơ hội cho mọi người thử tài huấn luyện ngựa. Cuộc thi 2 ngày, được chuẩn bị suốt năm của giới thượng lưu. Mặc dù tôi bị loại một cách nhanh chóng, nhưng tôi rất thích cuộc thi này.

Tháng 6, tôi nhận được thư của em tôi, Fritz, cậu ta đang học nghề với một thương gia ở Hamburg, muốn đến thăm tôi dịp cuối tuần. Tôi mời cậu em tôi đến và lập ra một kế hoạch 2 ngày cuối tuần cho cậu. Tôi lấy một xe ngựa - 2 ngựa kéo, có lính lái, và mặc lễ phục ra đón cậu ta. Em tôi tới vào chiều thứ bảy. Năm nay đã 17 tuổi, và mặt anh ta đờ ra khi thấy xe ngựa, lính điều khiển, và lể phục tôi đang mặc. Tối đưa cậu đến khoe con ngựa của tôi. Cậu ta rất khoái chuyện tôi tự huấn luyện ngựa và đi thi nhảy ngựa.

Chúng tôi thay thường phục và đi ăn tôi cùng với Witzleben và Niebergall. Fritz rất khoái mấy cô gái ở đây, cậu ta liên tục khiêu vũ, và cố gắng uống một chút rượu giữa các bản nhạc để lấy hứng. Anh em chúng tôi có một thời gian đáng nhớ bên nhau.

Sau bữa ăn trưa ở câu lạc bộ sĩ quan, tôi mượn xe của Witzleben và đưa Fritz ra ga xe lửa. Cả hai chúng tôi đều thích một cuối tuần bên cạnh nhau.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu chiến tranh sắp đến. Hành lang Ba Lan, một dải đất thuộc Đức đã được trao cho Ba Lan trong hiệp ước Versailles để cho nước này có hải cảng trên biển Baltic, đã ngăn vùng Đông Phổ ra khỏi nước Đức, và Hitler tỏ ra muốn lấy lại vùng đất này, cùng với thành phố một thời thuộc Đức Danzig, đã trở thành một "thành phố tự do" bởi hiệp ước Versailles. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào Balan hình như không dễ dàng như như chiến dịch trước đó. Pháp và Anh đều lên tiếng họ sẽ nhảy vào cuộc nếu chúng tôi tấn công Ba Lan, và ngày càng có dấu hiệu cuộc tấn công không thể tránh được. Tôi nhớ lại lời nói của Her Hoffer. Liệu Hitler có nhảy vào ván cờ để đổi lấy sự thất bại?

Mọi người chúng tôi đều giật mình, nếu không nói kinh ngạc, khi nghe công bố hiệp ước không tấn công nhau giữa Đức và Liên Xô tối ngày 21 tháng 8. Chính phủ xưa nay luôn rao giảng những điều chống Liên Bang Xô Viết, bỗng dưng - qua một đêm - hai nước là bạn. Chúng tôi không biết cái gì làm nên chuyện này. Bộ máy tuyên truyền của Goebbel cố gắng tạo ra những mặt tốt của hiệp ước bằng cách nói lên sự quan trọng của những nguyên liệu nhập từ Liên Bang Xô Viết, nhưng chẳng có một lời giải thích hợp lý nào của sự thay đổi đột ngột này. Chúng tôi, những sĩ quan trẻ nghi ngờ về thái độ lạ này của chính phủ, nhưng chúng tôi biết rằng đây không phải là nơi để hỏi những câu hỏi về quyết định chính trị.

Ngày 27 tháng 8 năm 1939, chính phủ công bố chế độ hạn chế thực phẩm, xà phòng, giày dép, vải và than đá. Báo chí và truyền thông Đức đăng tin tức về những sự xúi giục quá khích của chính phủ Ba Lan; họ làm như thể Ba Lan chuẩn bị tấn công Đức, và chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ những điều được nghe. Ngày càng nghiêm trọng, bây giờ chúng tôi cảm thấy rằng cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ đến. Tuy nhiên, nếu nó đến thì chúng tôi phải nhận lấy và đối mặt; chúng tôi đã được huấn luyện rất kỹ và đã rất sẵn sàng.

Tôi đã quen với cuộc sống quân đội, và tôi thích nó. Tôi đã bỏ suy nghĩ đi học hoặc giai nhập trường đại học như lúc mới tốt nghiệp trung học. Tôi đã quyết định chọn quân đội làm nghề nghiệp của tôi.

Cuối tháng 8 năm 1939, chúng tôi được đặt trong tình trạng báo động chiến tranh.