Trong tâm trí các bậc phụ huynh bao giờ cũng có ý nghĩ bọn trẻ của họ cần ngủ tám tiếng một ngày để khỏe mạnh. Và dĩ nhiên, không bậc cha mẹ nào ngần ngại khi nói với chúng ta điều quan trọng này; đây là một việc mà họ không bao giờ cảm thấy chán. Chúng tôi không rõ thông tin về giấc ngủ này là đúng hay sai, và thực sự đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng là bạn tự biết đối với bạn, ngủ bao lâu là đủ để giữ năng lượng cho cả ngày. Với vài người, thời gian ngủ chính xác là tám tiếng. Với những người khác, như tôi, thời gian ngủ là hơn bảy tiếng. Với một số ít người may mắn, họ chỉ cần ngủ bốn đến năm tiếng một ngày. Nếu bạn muốn thành công ở trường đại học, bạn cần có sức lực và sự tập trung suốt cả ngày. Hãy xác định xem bạn cần ngủ bao lâu trong một ngày và bạn sẽ không còn phải đấu tranh với cơn buồn ngủ vào mỗi buổi chiều nữa. Kết hợp việc này với tập thể dục, những bữa ăn có lợi cho sức khỏe và bạn sẽ có đủ sức lực cũng như sự tập trung cần thiết để làm việc ở mức độ cao.
Và đây mới là phần quan trọng nhất: Khi bạn đã tìm ra thời gian ngủ thích hợp với mình, hãy tuân thủ nhịp độ đó. Điều này có nghĩa là bạn không nên ngủ quá ít và cũng không nên ngủ quá nhiều. Không nên lãng phí thời gian vào giấc ngủ vô ích buổi sáng. Và nếu bạn phá bỏ nhịp nghỉ ngơi mà không thèm đếm xỉa gì đến chuông báo thức, thì thực sự bạn sẽ còn cảm thấy mệt mỏi hơn là ngủ ít. Chúng tôi biết điều này khó nghe với sinh viên, nhưng quy tắc cần tuân theo là: Bạn có thể ngủ nhiều hơn không đồng nghĩa với việc bạn nên ngủ nhiều hơn.
Tối đa hóa thời gian ngủ không phải là mục tiêu cuối cùng. Giấc ngủ chỉ là một công cụ giúp bạn học tập tốt. Hãy dẹp việc ngủ gật sang một bên. Cố gắng ngủ đúng lượng thời gian cần thiết để có năng lượng hoạt động cả ngày.