Tham gia các công trình nghiên cứu mới và viết những bài báo hàn lâm là cách để bạn mở rộng kiến thức rất tốt. Nói một cách đơn giản: Nghiên cứu là nơi tập trung tất cả mọi hoạt động học thuật. Nếu bạn thực sự muốn trở nên nổi trội trong trường đại học, bạn cần phải tham gia những hoạt động học thuật này, tham gia vào guồng quay những nghiên cứu mới xung quanh bạn. Bạn cần chạm tay vào những cơ hội quý giá được trao, để bạn – một sinh viên đại học – có thể thực sự tạo ra sự khác biệt trong vô số những sinh viên khác.
Tại sao lại như vậy? Trước hết, nghiên cứu khoa học thực sự giống như bồi dưỡng sức mạnh cho trí tuệ. Cùng một lúc, nó mang lại thách thức, sự hứng khởi và sự bổ ích cho bạn. Một khi bạn đã viết một bài bình luận đáng giá cho tạp chí khoa học, bài luận môn Nhà nước ở lớp trở nên cực kỳ dễ dàng. Thứ hai, công việc nghiên cứu thực sự rất ấn tượng. Cho dù bạn muốn làm gì sau khi tốt nghiệp, việc bạn từng tham gia nghiên cứu khoa học cũng tạo ra những ấn tượng tốt – bạn thông minh, bạn hăng say làm việc, bạn giỏi hơn rất nhiều người. Và thứ ba, không có cách nào để bạn có thể gần gũi với giảng viên hơn là suốt dịp cuối tuần cùng nghiên cứu với giảng viên trong phòng thí nghiệm. Nếu bạn làm cho bản thân mình trở thành một phần không thể thiếu của công trình nghiên cứu, giảng viên sẽ trả công bạn bằng những lời giới thiệu và các hỗ trợ khác.
Thời gian rất quan trọng trong vấn đề này. Nếu bạn tham gia nghiêm cứu quá muộn trong quá trình học đại học, có thể bạn sẽ không có đủ thời gian để tạo ảnh hưởng. Ngay từ năm đầu tiên, hãy dành thời gian tìm hiểu những lĩnh vực bạn quan tâm. Cuối năm học đầu tiên, hãy bắt đầu tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu. Đơn giản nhất là truy cập website của những khoa có liên quan và xem xét các dự án nghiên cứu đang được thực hiện. Gửi email cho những giảng viên có dự án khiến bạn hứng thú. Nói với họ rằng bạn mong muốn có được nhiều trải nghiệm hơn trong môi trường học thuật. Đề cập một số đặc thù trong những dự án nghiên cứu đặc sắc của họ để gây ấn tượng, rồi hỏi liệu họ có đang cần một trợ lý nghiên cứu là sinh viên hay không. Ngay cả khi họ trả lời không, họ cũng có thể sẽ tiến cử bạn cho một giảng viên khác cần trợ giúp. Bên cạnh đó, luôn luôn để ý khi có những khoản tài trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Kiếm những khoản tài trợ như thế này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tìm ra ai đó sẵn lòng đưa bạn tham gia vào dự án của họ. Đơn giản là như vậy.
Một quan niệm sai lầm của sinh viên là: chỉ có thể nghiên cứu ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Điều này không đúng. Các giảng viên ngành khoa học xã hội thường xuyên viết bài trên các tạp chí hàn lâm giống như các giảng viên ngành khoa học tự nhiên. Làm việc với giảng viên khoa học xã hội có thể bao gồm các việc tra cứu, tìm kiếm các nguồn tham khảo và photo, in ấn tài liệu, còn làm việc với giảng viên ngành khoa học tự nhiên có thể là sắp xếp khu vực phòng thí nghiệm và đo đạc kết quả. Những lợi ích thu được từ cả hai kiểu công việc trên là như nhau. Dù bạn học ngành nào, bao giờ cũng có những công trình nghiên cứu khoa học mà bạn có thể tham gia hỗ trợ.
Một quan niệm sai lầm khác là nghiên cứu khoa học chỉ được thực hiện ở các trường đại học lớn. Có thể nói các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn tập trung vào nghiên cứu khoa học nhiều hơn là các trường đại học nhỏ, tuy nhiên điều ngày không có nghĩa là những trường nhỏ hơn không có các dự án nghiên cứu. Trên thực tế, ở ngôi trường nhỏ, bạn có lợi thế là ít sinh viên tham gia hỗ trợ nghiên cứu hơn, nghĩa là hầu như bạn sẽ có nhiều cơ hội thú vị để lựa chọn hơn là ở những trường đại học quy mô lớn.
Tham gia nghiên cứu khoa học sớm giống như uống một liều thần dược của sự thành đạt. Đó là một trong những bí quyết thành công hiệu quả nhưng dễ bị bỏ qua nhất ở trường đại học. Đừng lãng phí cơ hội này.