Có rất nhiều cách hấp thu kiến thức và biến nó thành của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp đã được kiểm nghiệm qua thời gian, có hiệu quả với rất nhiều sinh viên, thì bạn chẳng cần gì hơn ngoài phương pháp đố-vui-và-nhớ-lại. Phương pháp này rất đơn giản. Đối với bất kỳ kiến thức nào, dù là các lý thuyết khoa học xã hội phức tạp, cách chia động từ của các môn ngoại ngữ, hay công thức vật lý, bạn nên dùng phương pháp đố vui và nhớ lại. Chúng tôi không đùa bạn chút nào. Thỉnh thoảng đặt ra nhiều câu hỏi ôn tập chỉ là cách học tự phát. Bạn nên xây dựng hẳn một phương pháp học nhằm giúp mình có thể nghiên cứu thật kỹ khái niệm, khiến bạn có thể hồi tưởng lại những thông tin cụ thể. Đó chính là cách học tuyệt vời nhất.
Hãy xem một ví dụ, với một bài thi môn xã hội, bạn sẽ được giao những câu hỏi tự luận về các chủ đề khác nhau. Khi bạn học theo hệ thống học tập cụ thể của mình, hãy đặt ra các câu đố cho mỗi chủ đề. Câu đố có thể bao gồm những câu hỏi cơ bản về người sáng lập ra lý thuyết, lý thuyết đó được công bố khi nào, và những nội dung cụ thể của nó ra sao. Nếu bạn đang học bốn luận cứ lớn chống lại một lý thuyết cụ thể, hãy đặt ra câu hỏi như sau: “Hãy liệt kê bốn luận cứ lớn chống lại lý thuyết X, ai là người đưa ra từng luận cứ, và họ đã chỉ ra những sai lầm nào.” Mục đích cuối cùng của việc học là giải đáp hết những câu đố này mà không nhìn vào vở. Một khi bạn có thể làm được như vậy, nghĩa là bạn đã sẵn sàng cho bài thi cuối kỳ.
Hãy thử lấy một ví dụ khác về bài thi tin học môn hệ điều hành. Bạn biết rằng bài thi sẽ bao gồm cả những câu hỏi ứng dụng, bạn phải sử dụng những phương pháp học trên lớp để giải quyết một vấn đề mới mẻ, và cả những câu hỏi lý thuyết cụ thể. Như vậy, phần câu đố của bạn có thể bao gồm những câu hỏi liên quan đến các chủ đề lý thuyết, cũng như một bài tập ví dụ cho mỗi phương pháp ứng dụng có thể sắp tới bạn phải sử dụng. Một lần nữa, nếu bạn có thể hoàn thành những câu đố này, thì bạn đã sẵn sàng.
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả bởi nó buộc bạn phải khôi phục đầy đủ thông tin. Chính điều đó sẽ giúp bạn củng cố kiến thức vững chắc hơn nhiều so với việc chỉ đọc qua tài liệu vài lần. Đọc đi đọc lại phần ghi chép về một chủ đề nào đó cũng không có nhiều tác dụng. Trừ phi bạn có trí nhớ siêu phàm, đọc một vài lần là nhớ như in, còn không, bạn sẽ không thể nhớ nổi điều gì trọn vẹn nếu chỉ nhìn và đọc ra rả hàng trăm lần. Nhưng nếu bạn bắt mình nhìn vào tờ giấy trắng và nhớ lại kiến thức mà không sử dụng nguồn tài liệu nào khác, bạn sẽ nhớ kiến thức đó. Chúng tôi xin bảo đảm điều này. Một bí quyết nữa là hãy thêm cảm xúc vào việc ôn tập. Đừng chỉ ngồi ở bàn và thì thầm. Hãy đứng dậy, đi quanh phòng, nói thật to các câu trả lời, đọc thật rõ ràng như thể đang giảng bài cho một lớp học thú vị, và bật chút âm nhạc hào hứng làm nền. Kích thích não bộ càng nhiều, bạn càng có nhiều mối liên hệ với kiến thức được tạo dựng, rồi bạn sẽ nhớ và hiểu kiến thức đó tốt hơn.
Trên thực tế, phương pháp này giúp bạn tiết kiệm thời gian và mang lại cho bạn sự thoải mái về đầu óc. Mục tiêu của bạn đối với việc học không còn là lời hứa hẹn mù mờ “ôn tập lại tất cả những kiến thức đã học”; mà nó trở thành một mục tiêu cụ thể hơn “ôn tập lại tất cả những kiến thức đã học cho đến khi tôi giải được mọi câu đố.” Nếu bạn giải hết câu đố trong hai giờ, nghĩa là bạn đã học xong trong hai giờ. Nếu bạn mất ba ngày để giải hết các câu đó, nghĩa là bạn đã học xong trong ba ngày – nhưng ít nhất, cuối cùng bạn cũng biết rằng mình đã sẵn sàng cho bài thi.
Phương pháp đố-vui-và-nhớ-lại giống như một phép màu có thể mang lại cho bạn những kết quả tốt nhất. Và khi nhớ lại các kiến thức, nếu bạn sáng tạo hết mức có thể nhằm duy trì năng lượng ở mức cao, quá trình ôn tập thậm chí có thể rất vui nhộn. Dù bạn sử dụng bất kỳ phương pháp nào khác để học tập, đừng bao giờ tiếp cận một bài thi mà không nhớ lại tất cả các thông tin.