Người ta đến khiêng đi chiếc bàn dài hai mươi bộ trong nhà, rồi bức tranh nổi tiếng của Velázquez đã có từ nhiều thời nay. Tên bức tranh là Những cái đầu của hội nghiện rượu. Mary-Ellen nghĩ lẽ ra gọi nó là Những cái đầu của hội cờ bạc thì đúng hơn, vì bức tranh là của Luis. Đây đã là lần thứ ba người ta đến nhà khiêng đồ đi bán đấu giá để trả các khoản nợ của chồng cô và lần này là khủng khiếp nhất. Mary-Ellen khiếp đảm đứng nhìn những bảo vật của gia đình nối đuôi nhau ra đi. Bức tranh cuối cùng được gỡ xuống cũng là lúc trời sập tối. Và đằng sau cánh cửa những người phu khuân vác vừa đóng sập lại chỉ còn mấy chiếc giường ngủ, quần áo lộn xộn, chỏng chơ mấy chiếc ghế và một chiếc bếp lò bởi quá nặng nên không khiêng đi được. Sáng hôm sau, đang tha thẩn quanh nhà, Mary-Ellen nghe thấy tiếng chồng cô oang oang từ ngoài cổng vọng vào. Cô nhìn ra, thấy Luis đang kéo cả nửa tá bạn bè đến uống rượu phino ở bậc tam cấp. Cô biết rồi họ sẽ đánh bạc tới tận trưa, nghĩ bụng không rõ có còn đủ dao, nĩa cho bọn họ ăn trưa không? Tệ hơn, biết đâu Luis lại đem cả ngôi nhà này ra đánh bạc không chừng. Trở về phòng, Mary-Ellen mệt mỏi gieo mình xuống giường, nghĩ cũng may là đã cho đám trẻ đi chơi vài giờ để chúng đỡ phải chứng kiến cả căn nhà của chúng cũng bị tịch biên gán nợ. Phần cô, cô đã chịu đựng quá nhiều, đến nỗi lì ra, không còn biết khóc lóc, giận dữ hay có bất kỳ một phản ứng bình thường nào khác. Cô muốn bỏ trốn nhưng Luis không bao giờ đưa tiền cho cô, trừ một khoản nhỏ nhoi để mua thức ăn mà có khi còn không đủ. Cô ngồi dậy nhìn bóng hình mình trong gương, lòng chua xót nhận thấy nhan sắc xưa kia đã biến đi và tất cả còn lại chỉ là hình bóng một người đàn bà tiều tuỵ. Hoàn cảnh khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng đã làm cô chỉ biết sống vật vờ cho qua ngày, không kháng cự, thậm chí cũng chẳng buồn tỏ thái độ. Giờ đây cô chỉ biết mình đang mệt mỏi, rất mệt mỏi. Luis bước vào phòng, nhìn quanh. "Chúng dọn gần như là sạch cả rồi". Mary-Ellen không trả lời, bối rối không hiểu vì sao ánh mắt chồng cô có vẻ hài lòng. Luis thật sự muốn họ sống như thế này, hay cũng như các con bạc khát nước khác, anh ta nghĩ cứ phải thua tới đồng xu cuối cùng rồi mới có thể thắng lại được? Anh ta nói một cách lạnh lùng. "Hãy làm cơm trưa cho tám người, nếu cô định cùng ăn thì làm chín xuất, mà đừng có léng phéng với Ignacio đấy". "Tôi chẳng bao giờ chịu được thằng em của anh, anh biết đấy". "Nhưng cô chẳng tán tỉnh nó đấy thôi. Đây, năm trăm pesetas để mua thức ăn".
Cô nhìn tờ bạc, không thể hiểu nổi. "Năm trăm mà lo ăn cho chín người, hoạ có mà mua mỗi người một cái bánh bột luộc". "Cũng với ngần này tiền, mẹ tôi có thể làm hẳn một bữa cơm năm món thịnh soạn". "Đó là bốn mươi năm trước, còn bây giờ chỉ đủ mua chiếc bánh bột luộc thôi". Luis ném thêm một tờ hai trăm xuống bàn. "Thế đã hơn một chiếc bánh bột luộc chưa?" "Đủ mua một chiếc bánh và một đĩa xalát. Tôi sẽ tự đi chợ, làm cơm lấy. Sau bữa trưa ta phải nói chuyện. Chúng ta không thể sống thế này mãi được". "Để hôm khác đi. Bữa nay sao cô có vẻ trịnh trọng thế, mà tôi thì cô biết rồi, tôi rất ghét trịnh trọng". Họ ăn xalát trộn cà chua, sau đó là bánh bột với bơ và phomát. Để bù lại bữa trưa đạm bạc, Luis xuống hầm đem lên một chai vang từ đời trước để lại, chẳng thèm để ý đến căn nhà trống trải. Đám bạn bè chẳng ai hé lời hỏi chuyện gì đã xẩy ra. Mọi người ở Seville đều biết máu cờ mạc của Luis. Nhiều người còn nghĩ, một ngày nào đó có lẽ Luis phải cho vợ đi làm thuê để trả nợ. Những người khác thì chờ Luis bán đất, bán nhà và ai nấy đều cho rằng chỉ vài tháng nữa Luis sẽ trắng tay. Trời về chiều, mặt trời như một quả cầu đỏ rực rơi xuống sau dãy núi Andalusia. Luis lừ lừ nhìn cậu em, anh ta đang hau háu ngắm Mary-Ellen khi cô bê chồng bát đĩa vào nhà. Ignacio đi theo muốn giúp đỡ, chẳng thèm để ý rằng điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được với những tục lệ của xã hội phụ hệ Tây Ban Nha. Cuối cùng, Luis không thể chịu đựng được nữa nhưng thay vì trách mắng cậu em, anh ta quay sang Mary-Ellen. "Cô cứ phải quyến rũ cậu ra như vậy mới được sao?" Mary-Ellen nghiêng đầu, lắng nghe tiếng ve sầu ra rả ngoài rặng cây quanh nhà, lòng nghĩ đến một thời cô đã hết lòng say mê mọi thứ ở Tây Ban Nha. Giờ đây cô ghét cay ghét đắng vẻ khuỳnh khoàng giả tạo của người đàn ông luôn mồm nói yêu cô nhưng hành động lại khác hẳn. Chẳng buồn trả lời chồng. Mary-Ellen bỏ vào bếp rửa bát. Gần xong chồng bát đĩa bẩn thỉu thì cô nhìn thấy cô hàng xóm Carlotta Hernandez bước vào. Cô ta mặc một chiếc váy lụa trắng rất xa xỉ, khoác ngoài là một chiếc áo choàng bằng lông cáo tuyết. Mái tóc đỏ rực, đầy vẻ sinh động cùng cặp môi bôi son bóng nhẫy và cặp mắt to của cô ta làm Luis và cả cánh đàn ông há hốc mồm. Mary-Ellen phát điên lên khi thấy chồng cô vội vã chạy xuống hầm lạnh lấy sâm banh và ngoái lại gọi cô "Vào lấy ô liu, bánh ngọt ra cho Carlotta nhanh lên". Tự Mary-Ellen cũng ngạc nhiên khi câu trả lời bật ra từ miệng cô đốp lại. "Tôi không phải con hầu của anh, đi mà lấy". Luis dừng lại, tròn mắt ngạc nhiên. Bỏ chai sâm banh xuống, Luis lừ lừ tiến về phía cô rồi bất thần túm lấy cổ cô xiết chặt. Chợt nhớ tới phản ứng của Sarah trong tình huống tương tự, khi những ngón tay Luis ngày càng xiết chặt, cô với tay túm lấy chiếc chảo cạnh đó đập mạnh vào thái dương Luis làm cho anh ta ngã vật xuống sàn trong tiếng kêu đau đớn. Bước qua Luis đang rên rỉ trên sàn, Mary-Ellen với hũ ô liu ngâm trong một thứ nước gia vị đen đặc. Cô xách chiếc hũ ra tam cấp nơi Carlotta đang õng ẹo trước những cặp mắt háu gái của đám đàn ông. Chẳng nói một lời, cô trút cả đống ô liu cùng thứ nước đen nhầy nhụa lên chiếc áo lông cáo cùng bộ váy lụa trắng tinh và mái tóc đỏ chải chuốt cẩn thận của Carlotta. Carlotta thét lên như bị đâm trộm. Đám đàn ông nhổm dậy, còn Luis loạng choạng ra khỏi bếp, mặt đầy tro, đôi chân còn run lên bần bật. Bỏ mặc những tiếng kêu thét sợ hãi, Mary-Ellen quay vào phòng ngủ, khoá trái cửa lại. Cô đang ngồi nhìn bất định vào đêm đen sâu thẳm thì Ignacio qua cổng vòm lao lên. "Cô phải trốn đi, anh tôi doạ giết cô đấy" "Anh đừng dính vào đây, không phải chuyện của anh. Tôi chẳng đi đâu cả nếu không có các con tôi". Mary-Ellen đang nằm trên giường nghĩ ngợi thì Luis qua cửa phòng bên bước vào. Cô ngạc nhiên thấy anh ta nói bằng giọng khách sáo như với một người xa lạ.
"Tôi sẽ cùng Carlotta đi Madrid. Tôi sẽ ở với cô ấy ít nhất một tháng và sẽ mang các con trai tôi theo cùng. Tôi đã gán lại ngôi nhà này cho bố Carlotta để trả nợ, do đó cô và Lucy phải đến ở căn nhà của gia đình tôi ở ngoại ô Madrid. Ignacio sẽ đưa cô đến đó khi cô thu xếp xong đồ đạc. Tôi không rõ liệu tôi sẽ quay lại với cô hay sẽ ở hẳn với Carlotta". Mary-Ellen lòng đầy hoảng sợ song vẫn cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. "Tôi sẽ kiện anh nếu anh không cho tôi gặp các con tôi" "Sẽ chẳng ăn thua gì đâu. Cô là cả sự thất vọng đối với tôi. Khi cuới cô xinh tươi là thế còn bây giờ, hãy nhìn lại xem, ra đường chẳng ma nào ngoái nhìn. Tôi thấy cô không phải là một người đàn bà đức hạnh". "Thế còn anh, anh là cái quái gì?" "Tôi là một người Tây Ban Nha thượng lưu" "Anh là một kẻ phù phiếm, một người chồng tồi, người cha vô trách nhiệm. Hãy xéo đi cùng người tình của anh. Carlotta vớ phải anh kể cũng đáng lắm." Mary-Ellen đứng nhìn những gói đồ của Luis được chất lên xe. Cô lo lắng không hiểu anh ta liệu có thể thực sự ngăn cản cô gặp các con trai cô không? Tại sao anh ta lại không mang theo Lucy, con út của cô. Trên bàn, có mẩu giấy do chồng để lại: Tôi sẽ đón các con tôi từ nhà cô chúng. Còn Lucy không phải là con tôi, tôi cũng chẳng biết cha nó là ai nên tôi để cô lo liệu cho nó. Mary-Ellen ngồi trên chiếc ghế sơn, lặng lẽ khóc, lòng cô quặn đau nhớ tới những năm tháng khổ đau, và bao lần cô tìm cách làm chồng hài lòng nhưng chẳng kết quả gì. Ngoài kia là những âm thanh đặc trưng Tây Ban Nha: bài hát của một ả Gypsy đang trên đường tới hội chợ, tiếng ếch nhái từ bể phun vọng lại, tiếng ngựa của những người từ vùng đầm lầy Las Marismas trở về hí vang. Đã một thời, những âm thanh này rất thân thuộc với cô. Còn giờ đây, cô chỉ muốn chạy nhanh ra khỏi Seville, khỏi Tây Ban Nha trước khi cô phát điên lên. Tâm trí cô hướng về Paris và khách sạn Ritz, nơi không đầy một năm nữa cô sẽ gặp lại bạn bè của mình. Cô tự nhủ phải cố gắng đứng lên, sắp xếp lại cuộc đời trước khi đến nơi hẹn. Cuộc hẹn, với cô, là một giấc mơ giúp quên đi những căng thẳng thường ngày nhưng trước mắt cô phải tập trung lo cho cuộc sống, công việc để có thể giữ và nuôi dưỡng những đứa con mà cô yêu quí. Đồng hồ điểm mười hai giờ đêm, Mary-Ellen lên gác nằm thắc thỏm chờ trời sáng để Ignacio sẽ đến đón cô cùng đứa con nhỏ đi đến nơi vô định.