Người đẹp thượng lưu

Chương 16

Mary-Ellen, Seville, mùa xuân 1972

Sắp bước vào tuần lễ Phục Sinh và Mary-Ellen đang ngóng chờ quang cảnh của ngày lễ. Sáu tháng trước cô đã sinh đôi hai đứa con trai và cô biết rằng Luis rất tự hào về chúng, sẽ mở tiệc mừng. Anh ta thậm chí còn hứa sẽ chấm dứt cờ bạc, thế nhưng chỉ được đúng một tuần lễ Mary-Ellen buồn rầu thấy rằng ngay cả sự ra đời của hai đứa con trai cũng không đưa lại kết quả gì. Cô thở dài. Sự ham mê cờ bạc và lòng ghen tuông của anh ta là những đám mây u ám phía chân trời tương lai cô trong cái điền trang cổ này, với khuôn viên có tường bao và những dòng suối, thật dễ dàng cảm thấy thoải mái và an toàn, nhưng cô có được như thế không kia chứ? Sự hoài nghi luôn ám ảnh tâm trí Mary-Ellen bởi vì cô không hề biết gì về tình trạng tài chính của chồng. Khi nghe vợ hỏi về chuyện tiền nong, Luis bảo rằng không một người Tây Ban Nha chân chính nào lại thảo luận những chuyện đó với vợ cả. Và một lần nữa, khi bị cô hỏi ráo riết thì Luis đã lồng lộn lên bỏ đi, hai ngày sau mới trở về. Tuy nhiên, lúc này thì mọi chuyện có vẻ như khá hơn. Luis đang làm việc cật lực để chuẩn bị cho một vụ xét sử ở tòa án Madrid. Sau dịp lễ anh ta sẽ đi tới đó cùng với Mary-Ellen, người em trai Ignacio, và một người em họ xa, và chừng một tháng sau thì họ sẽ trở về. Mary-Ellen vội vã xem xét lại những phòng ngủ dành cho khách, cô đã kiểm tra lại tủ quần áo của mình và hốt hoảng nhận thấy cô chẳng có gì để mặc cho phù hợp với khí hậu ở Madrid cả. Cô đã không có một bộ quần áo mới nào kể từ ngày cưới, và Luis cũng chưa bao giờ nhắc tới chuyện mua sắm cho cô. Mary-Ellen buồn bã nhìn xuống sân, mãi nghĩ tới những chiếc váy đã nhanh chóng trở nên sờn củ. Giầy dép cũng đã cần thay rồi. Cô quyết định phải nói chuyện này với chồng. Cô phun lên người một chút nước hoa mà Luis ưa thích và cô nở một nụ cười tự tin, rồi đi nhanh tới phòng làm việc của chồng. Đầu tiên cô rót cho cả hai người một cốc rượu anh đào lớn. Cô thích được thấy chồng làm việc ở nhà. Anh ta đang có vẻ vui, và miễn rằng không bị khước từ hoàn toàn, còn thì có cho rằng có được món chi cho khoản nào cũng tốt. “Luis, em cần có quần áo và giầy dép mới. Đã lâu lắm rồi, từ cuối đợt lưu diễn của ba lê Bông Hồng đến nay, em chưa có thứ gì mới cả. Quần áo củ không thể còn dùng được nữa. Anh cho em một ít tiền được chứ?” Anh ta cười thoải mái, hôn lên hai má cô.

“Tất nhiên rồi. Đây, hãy cẩm lấy mười nghìn pêxêta và tuần sau anh sẽ đưa cho em thêm trước khi chúng ta đi Madrid.” Mary-Ellen mở to mắt vì kinh ngạc. Chẳng nhẽ Luis không biết là từng này chỉ tương đuơng với một trăm hai muơi đô la thôi hay sao, suýt soát giá của hai đôi giày tươm tất? Tuy nghiên, cô bình tĩnh nói, không hề để lộ vẻ bất bình. “Em cần hơn số đó nhiều để mua váy áo, giầy dép, và những đồ lót. Em có thể mua một số nhỏ đủ dùng với chừng một trăm nghìn pêxêta. Anh có thể cho em ngần đó được không, Luis?” Quần áo của em đẹp rồi, sao em lại muống quăng đi hả?” “Em không muốn quăng đi, nhưng rất nhiều thứ đã đứt hết chỉ và sờn cả rồi. Các đôi giầy đều đã rách và đồ lót thì xơ ra hết. Em đã dùng tiền tiết kiệm của mình để mua một vài thứ, nhưng em chẳng hề có một đồng xu nào hết. Anh là chồng em và anh hẳn rất thích khi thấy mọi người thán phục quần áo em mặc, thế nhưng phải có tiền, anh biết đấy, và đây là lần đầu tiên em hỏi xin anh mà.” “Anh không thể cho em một trăm nghìn pêxêta được. Anh không có số tiền ấy.”

“Vậy thì hãy cho em theo mức anh có thể” “Anh có thể cho em mười nghìn bây giờ và mười nghìn nữa khi đến Madrid, có vậy thôi.” Mary-Ellen đứng bật dậy, điên người với thái độ của anh ta. “Vậy thì bán đi một bức tranh, như anh đã làm khi anh nợ Don Jose một đống tiền cờ bạc ấy.” “Nào. Đừng có nóng giận. Anh không phải là một người giàu có và hãy cố hiểu lấy điều đó nghĩa là thế nào.” “Anh không phải là người nghèo, Luis, và em cần có quần áo mới. Hãy gọi đến nhà băng và bảo họ để cho em một ít tiền mặt, và làm ngay bây giờ đi. Luis nhìn vào đôi mắt xanh mở to và như đột nhiên trở nên lạnh băng. Anh ta không biết cách nào để lái Mary-Ellen sang một hướng khác, làm thế nào để không cho cô biết rằng chẳng có một đồng tiền nào trong tài khoản nhà băng hết, thậm chí là ở đó chỉ có một khoản vay nợ mà anh ta không có hy vọng trả nổi. Không có tiền ở đâu cả, ngoài khoản tiền lương tháng của anh ta, và số tiền đó thì bị tự động thanh toán vào các khoản nhà cửa và trả cho một hóa đơn mua đố ăn uống rồi. Luis nghĩ tới những món nợ cờ bạc của mình và thở dài. Rồi anh quay qua Mary-Ellen và nhẹ nhàng nói. “Chuyện tiền bạc lúc này đang rất căng thẳng, em yêu quí. Tuy nhiên anh sẽ sớm đưa cho em số tiền em cần để mua quần áo. Xin hãy tin anh, không lâu quá đâu” Mary-Ellen trầm ngâm nói. “Em không muốn chỉ nghe thấy những lời hứa. Em không hề quá đáng gì trong chuyện mua sắm này. Chúng ta đã cưới nhau gần bốn năm nay, và trước đó, chúng ta đã ở với nhau gần một năm trời sau khi đợt lưu diễn kết thúc. Bởi vì anh không cho em đi làm, nên anh có trách nhiệm nuôi em ăn và cho em mặc. Bây giờ, em muốn có quần áo và muốn có ngay hôm nay.” “Nhưng mà anh không có tiền” “Vậy thì kiếm đi. Em không muốn đi vòng quanh Madrid như một kể khố rách áo ôm.” Rồi Mary-Ellen ầm ầm lao ra ngoài và rời khỏi nhà, vẫn biết rằng Luis rất ghét việc cô đi ra ngoài một mình. Kể từ ngày lấy chồng, cô đã là một người tù thật sự, chỉ khác là được đối xử tử tế mà thôi. Hồi đầu thì cô không mấy bận lòng với thái độ của chồng, đánh đồng sự chiếm đoạt với tình yếu, lòng ghen tuông với sự them khát. Tuy nhiên giờ đây cả hai thứ đó đã dằn vặt tâm trí cô bởi lẽ cô đã nhận ra rằng chúng chỉ là biểu hiện của chứng hợm hĩnh của Luis. Cô tiếp tục bước đi, vẫn đầy giận dữ, và rồi đột nhiên nhận ra mình đang ở trong khu vực buôn bán sang trọng nhất ở Seville. Dừng chân bên ngoài hiệu Loewe, cô nhìn thấy trong khung kính đầy những chiếc áo da. Một chiếc áo khoác làm bằng da Thụy Điển màu xanh lá thông có cổ và mép áo viền lông cáo được nhuộm màu rất hợp với màu mắt cô, kèm với đó là một chiếc túi khoác cũng làm bẳng thứ da mềm đó. Mary-Ellen bước vào, mặc thử chiếc áo, mua nó và yêu cầu chuyển tới nhà. Thế rồi cô đi tới hiệu La Hacienda, một cửa hiệu chuyên bán đồ lót của phụ nữ và mặc thử những chiếc váy lót làm bằng thứ hàng tơ lụa, những chiếc váy ngủ bằng hàng ren, và một bộ những chiếc váy đủ màu đủ loại có mép viền satanh. Cô chỉ mua những gì cần thiết, mấy cái xilip màu hồng thẳm và màu trắng sữa, vài chiếc váy mặc trong phòng ngủ mà cô biết là Luis sẽ rất thích. Ở hiệu Berhanyer, cô mua hai bộ váy lụa dùng để mặc khi đi ra phố, một màu hồng và một màu tím, và một bộ quần áo bằng len mỏng, có cổ bằng nhung, một chiếc áo bludông màu trắng có cài một cái nơ bướm rất đẹp với chiếc mũ nhỏ cùng bộ.

Lúc bảy giờ tối Mary-Ellen về đến nhà và thấy chồng cô đang lồng lộn đi lại ngoài sân, mặt tái nhợt. Anh ta gầm lên khi cô vừa bước qua cổng. “Tôi yêu cầu được biết cô đã ở đâu từ bấy đến giờ” “Tôi đi mua sắm” “Ở đâu? Làm sao mua được? Cô nói là không còn tiền cơ mà?” “Bằng tên tuổi của anh, Luis. Họ không nghĩ rằng những nhà quí tộc Tây Ban Nha lại không thanh toán sòng phẳng.” “Thế những thứ cô mua đâu rồi hả?” “Chúng sẽ được giao vào sáng mai. Còn bây giờ thì đừng có la hét toáng lên.” Hai người bạn của Luis đi vào cổng trong lúc hai vợ chồng đang đứng gườm nhau giữa sân như hai con bò tót đang giữ miếng. Không kiềm chế được cơn giận Luis rót rượu cho mình và cho bạn, hoàn toàn phớt lờ Mary-Ellen. Cô đang cân nhắc không biết nên đi về phòng mình hay là trả đũa anh ta thì nghe thấy chồng phân trần với hai người kia về sự giận dữ của mình, mà một trong hai người đó đã theo đuổi cô một cách dai dẳng ngay từ ngày cưới cô. “Vợ tôi đi mua sắm và yêu cầu giao chúng tại nhà. Anh biết tình trạng tài chính của tôi lúc này đấy. Tôi còn biết làm gì? Anh sẽ làm gì trong tình thế này hả? Don Antonio mỉm cười với Mary-Ellen. “Cô là một người Mỹ và không thể nào biết được các tập tục của chúng tôi. Phụ nữ Tây Ban Nha không bao giờ mua sắm gì mà không được phép.” Mary-Ellen đứng thẳng người với cái chiều cao hơn một mét tám của cô, vượt lên trên tất cả những người kia. “Tôi đã không hề mua gì kể từ khi rời Paris đến nay. Đã gần năm năm rồi còn gì. Khi tôi xin phép thì Luis nói rằng anh ấy không có tiền. Còn bây giờ thì tôi về phòng mình. Nếu như chồng tôi muốn thảo luận những chuyện riêng tư với các anh thì xin cứ việc, nhưng tôi thì không và sẽ không.” Thế rồi Mary-Ellen hiên ngang đi vào, đóng sầm cửa trước mặt ông chủ đất Antonio Duarte, em trai ông và Luis. Cô giận chồng đã đem những chuyện riêng ra nói với bạn, nhưng hài lòng là ít nhất thì cô cũng đã nói rõ được phần mình. Cởi bỏ quần áo, cô chạy vào phòng tắm và đứng dưới vòi hoa sen, nhắm mắt lại và cố không lo lắng với ý nghĩ chuyện gì sẽ xãy ra ngày hôm sau khi mà quần áo được chuyển tới. Liệu Luis sẽ gửi trả lại không? Anh ta có khùng lên không? Và liệu anh ta làm thế nào mà thanh toán được? Mary-Ellen lau khô người và ngắm mình trong gương, thâm tâm biết rằng cô đã hành động sai. Chỉ sáng ra mới biết thái độ của cô có biện minh được cho những hậu quả của cơn giận của Luis hay không. Mười một giờ trưa, cái sân trong đầy những hộp và gói được chuyển đến từ mấy cửa hiệu sang trọng nhất thành phố. Trong phòng, Luis đang điên lên với Mary-Ellen, còn ngoài sân, bạn bè anh ta đang ngồi uống rượu anh đào và cố làm như không có gì xãy ra hết. Sau cùng, họ cho rằng cuộc cãi vã đã là quá đủ và Don Antonio thong thả đi vào phòng nơi Luis đang gào théo với vợ mình. Giọng Don Antonio ngọt ngào. “Luis, anh bạn của tôi, hãy ra với chúng tôi nào. Rốt cục thì anh làm ầm lên vì chuyện gì vậy. Mấy bộ quần áo thì có đáng giá gì.” “Chúng đáng giá một trăm sáu mươi nghìn Pêxêta đấy, và tôi thì không có tiền. Hãy cố mà hiểu những cảm giác của tôi.” “Tôi sẽ cho anh mượn tiền. Mary-Ellen, hãy mang mấy cậu con trai của cô đến thăm chúng tôi và chúng ta sẽ cùng uống một ly rượu vang trắng. Anh Luis này, tôi là bạn anh hai mươi năm nay và tôi xin sẵn sang nhận gánh hộ anh điều lo lắng này. Bây giờ, khi mà Mary-Ellen đã có quần áo mới, cô ấy sẽ vui vẻ, và anh có thể trả lại tôi với một đêm bạc may mắn nào đó mà.” Sau lúc nửa đêm, Luis nằm trên giường nhìn Mary-Ellen mặc thử những đồ mới. Cặp mắt tối của anh sáng lên trước những đường cong trên thân thể cô và đôi bờ hông đầy khiêu gợi. Rồi anh ta chau mày khi nhớ lại lúc Antonio Duarte, người bạn trai hai mươi năm của anh ta, quyết định cho anh ta mượn tiền để thanh toán cho những bộ quần áo mới này. Vì sao hắn lại làm điều đó? Luis thấy Mary-Ellen và người Mỹ nói chung thật là khác. Đối vợi họ, mọi thứ đều đơn giản và cuộc sống cứ như trên một con đường thẳng. Luis thấy mình khó mà hiểu nổi họ. Anh ta định tâm sẽ để mắt tới Mary-Ellen trong những tuần lễ tới. Nếu như cô ta, dù chỉ một dấu hiệu ve vãn nhỏ nhất với Duarte, anh ta sẽ gửi cô đến một trong những ngôi nhà của gia đình mình ở miền Bắc chừng một năm. Còn bây giờ thì anh ta sẽ chỉ đơn thuần quan sát mọi cử chỉ của cô mà thôi. Sáu tháng sau vụ quần áo mới, Mary-Ellen phát hiện cô lại có mang. Cô vừa rời khỏi phòng mổ của bác sĩ và đang lảo đảo thì Antonio Duarte dừng xe và ra hiệu cho cô ngồi vào xe.

“Sao cô xanh nhợt thế hả? Có chuyện gì xấu không, Mary-Ellen?” “Em vừa biết mình lại có mang. Có trời biết Luis sẽ nói gì. Anh ấy đang phiền muộn đến phát ốm về chuyện tiền bạc, và việc này sẽ lại thêm một khoản chi phí không nhỏ đâu.” “Anh ta sẽ sung sướng. Tất cả đàn ông Tây Ban Nha đều thích trẻ con. Nào, tôi sẽ đưa cô về nhà. Cô phải nghỉ ngơi mới được. Suốt nhiều tuần liên tục cô có vẻ sút cân đấy. Có chuyện gì thế.?” “Em buồn lắm” “Hãy nói cho tôi nghe” Cô đã muốn nói cho nhẹ bớt, nhưng rồi lại cho rằng khôn ngoan hơn cả là phải im lặng. Bởi vì Duarte đã bỏ tiền mua cho cô quần áo mới, Luis đã theo dõi cô như một con diều hâu bám mồi và cô biết chính xác là chồng đang nghĩ gì. Cô cũng biết mình đang tạo cớ cho anh ta với việc để Duarte chở cô về nhà, thế nhưng cô thấy chóng mặt và thấy cần được giúp đỡ đến mức không còn muốn bận tâm tới sự ghen tuông vô lý của chồng nữa. Duarte đã không có biểu hiện lợi dụng gì kể từ vụ mua quần áo kia và cô thành thực tin chắc là anh ta đã tự thấy thực tế là không thể có cô được. Cô nghĩ một cách đầy thách thức rằng Luis cứ việc cáu kỉnh nếu như anh thích thế. Lúc này, tất cả những gì cô muốn là về nhà nằm vào giường. Luis đứng nhìn trong lúc Duarte đưa tay đỡ Mary-Ellen ra khỏi xe và theo cô đi vào trong nhà. Cô đi ngay đến phòng mình và nghe thấy tiếng đóng cửa. Nổi giận và mối lo sợ bị xúc phạm tràn đầy trong tim, nhưng anh ta vẫn giữ vẻ bình thản và đi xuống thư viện, nơi Duarte đang tự rót cho mình một ly rượu vang trắng. “Chúng ta phải uống sâm banh, Luis thân mến ạ. Vợ anh nói với tôi rằng cô ấy sắp có một đứa con nữa. Tôi thấy cô ấy ra khỏi chỗ bác sĩ Alvares, và bởi vì cô ấy nhợt nhạt quá nên tôi chở cô ấy về cho anh đấy. “Và cô ấy nói với anh là cô ấy có chửa à.? “Tất nhiên rồi. Đừng có choáng người đi như thế. Mary-Ellen là người hay nói thẳng. Đã đến lúc anh phải quen với việc cô ấy không giống như những phụ nữ của chúng ta. Và điều sau cùng, tôi đã là bạn của gia đình anh cả hai chục năm nay rồi.” Luis nuốt ngụm rượu và nhìn với vẻ khó hiểu vào mắt Duarte. Rồi hoàn toàn đột ngột, và với sự ngạc nhiên của Duarte, anh ta lao ra ngoài, ngồi vào xe và phóng đi. Duarte là tình nhân của Mary-Ellen và cái thai là của anh ta. Luis đã rất khó có thể ân ái với vợ mình suốt từ khi cãi cọ chuyện quần áo mới vì lẽ Mary-Ellen vẫn chưa hết giận và luôn bẳn gắt. Bây giờ cô ta có chửa và Luis sẽ không bao giờ biết chắc đứa trẻ là con mình hay con của Duarte. Luis phóng xe điên cuồng chừng một tiếng đồng hồ. Rồi anh ta trở về nhà và quát lên với vợ. “Xuống ngay, tôi có mấy câu hỏi cho cô đây. Và thằng người tình của cô đâu? Hắn đã chạy rồi à? Hắn nói với tôi rằng cô lại có chửa, và tôi yêu cầu được biết ai là người cho cô cái thai đó?” Mary-Ellen nhỏm ngồi dậy, cố kìm cơn tức giận. Rồi cô nhẫn nhục đi xuống thư viện. Cô cảm thấy bị đánh đập mệt mỏi và thiếu vắng cái ngọn lửa từng là một phần nơi con người cô. Cô lại nghe thấy tiếng quát tháo của Luis và cân nhắc việc giải thích với anh ta thế nào và liệu làm như thế thì có ý nghĩa gì không. Anh ta sẽ không bao giờ tin cô và cô cũng không chắc là cô có bận tâm đến điều đó không. Cô chỉ bận tâm đến hai con trai và việc nuôi dạy chúng trong tương lai…Tất cả những gì còn lại đều trống rỗng và vô nghĩa, một tương lai không có tình yêu trong một ngôi nhà đầy sự phẫn nộ và giận dữ.