Người Đàn Bà Mang Đôi Giầy Đỏ

Người Đàn Bà Mang Đôi Giầy Đỏ

Bất cứ cô cậu học trò nào cũng biết là miền Tây Ái Nhĩ Lan là nơi Cromwell° đã đày ải dân bản xứ sau khi nước Anh xâm lăng xong xứ này. Miền đất này ngày nay là một vùng khô khan, suy nhược và hoang vắng, chạy suốt 3,000 dặm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Nhưng ta cũng thấy những nét đẹp như vào mỗi buổi sáng tháng tư, không khí tràn ngập mùi hoa kim tước và xa trục thảo cùng những bầy bướm lượn trên khoảng đất chạy dài không có người ở. Chỉ những buổi sáng như vậy mới thấy hương vị nơi tiên cảnh.

Nhưng trớ trêu thay gia đình tôi lại có một sự ràng buộc chặt chẽ với miền đất này. Tổ tiên tôi theo đoàn quân viễn chinh của  Cromwell tới lập nghiệp tại đây và từ đó chẳng bao giờ nghĩ tới việc trở lại cố hương nữa. Cứ mỗi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, chúng tôi lại rời tỉnh Dublin đi về đây nghi trong hai tuần 1ễ tại khách sạn McAndrews ở phía bắc Mayo. Đó là một tục 1ệ của gia đình tôi, bắt nguồn từ ông nội và bây giờ chúng tôi tuân theo như một tín điều. Không một lý do nào có thể thay đổi được nghi thức này cả. Vào một ngày tháng tư hai mươi năm về trước khi tôi cưới Judith, dĩ nhiên là chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật tại đây và từ đó mỗi kỳ 1ễ phục sinh chúng tôi lại về nghỉ ở đây. Nếu năm nào Judith thấy buồn tẻ, nàng cũng chiều tôi và cùng tới đây để cho tôi được vui, ngược lại tôi cũng phải theo nàng đi Juan-les-Pins, nơi nàng ưa thích.

McAndrews là một nơi lạ lùng trên thế giới. Nó được xây vào cuối thế kỷ thứ mười chín và nằm tại vùng ngoại ô tỉnh lỵ Kilgory, nhìn xuống làng xóm và biển. Đó là một căn nhà gạch màu đỏ thật lớn hình vuông, trên đỉnh có một chiếc tháp, nó có một kiến trúc thời trung cổ phục hưng. Mỗi lần nhìn thấy ngôi nhà này từ xa, tim tôi đập mạnh, mạch máu chạy nhanh. Không ai hiểu rõ là nó có trước hay sau khi tỉnh lỵ Kilgory được thành lập nhưng có điều chắc chắn là xây một khách sạn tại chốn này là điều lạ lùng vì cách xa tỉnh lỵ mười lăm dặm đường, chung quanh lại không có nhà thờ hay bãi biển. Nó nằm ngay trên một mũi đất nhìn xuống biển Đại Tây Dương, nhưng vách biển dựng đứng, biển động thường xuyên nên không hề có tàu bè lai vãng hay làm nơi tắm được. Điều lạ lùng là ngôi khách sạn lại được xây ngay tại đây, điều quái gở khác nữa là khách khứa vẫn tới và công việc làm ăn đã kéo dài cả thế kỷ rồi. Khi cha tôi còn là một cậu bé, ông thường tới đây bằng xe lửa. Đường xe chính đi từ Dublin tới Westport và từ đó có một nhánh đường chạy tới khách sạn. Khi tàu ngưng ở Westport, những người phu khuân vác thường la lớn: "Có ai đi McAndrews không?".

Nhà ga xe lửa vẫn còn đó mặc dù ngày nay người ta thường tới thẳng khách sạn bằng xe hơi. Tôi thường có cảm xúc mạnh mỗi khi thấy chiếc xe hơi của tôi biến mất trong nhà để xe và có lẽ mọi người đều có cùng một cảm giác như tôi. Dù cho tới bằng xe hơi nhưng sau đó chúng tôi thường không dùng tới nữa. Không khí thật trong lành, không một chút bụi khói thành phố. Chúng tôi, những khách hàng của khách sạn McAndrews, có lẽ thủ cựu dến độ lạ lùng nữa. Có thể vài người còn chỉ trích là kênh kiệu, khinh người nữa. Cũng được đi, tôi công nhận là khinh người. Thời đại này, tôi không chịu được thái độ xấc láo của một người bán hàng hoặc một tài xế tắc xi khi họ tỏ thái độ bình đẳng với khách hàng. Tôi cảm thấy bất mãn khi nhìn thấy người hầu bàn cợt nhả vỗ vai thực khách. Tôi thấy một sự bình thản, trầm lặng và kín đáo của nhũng người tới đây, một nơi nghỉ mát phong nhã và đứng đắn. Tôi biết hầu hết những khách tới nghỉ mát nơi này và cũng giống như tôi, họ tới đây từ khi còn thơ ấu. Khi gặp bất cứ người nào trong khách sạn này, chúng tôi đều niềm nở thân mật hỏi thăm nhau. Trong không khí đầy phẩm cách và trang nhã như vậy, thật khó cho ai tới vì lý do thương mại cả.

Năm nay, Judith đau nên không đi với tôi được. Nói là đau thì quá đáng vì nếu đau thì tôi phải ở nhà để săn sóc cho nàng chứ. Thực ra thì bà chị nàng từ Luân Đôn tới thăm nên nàng quyết định ở nhà và để tôi đi Mayo một mình. Thành thực mà nói thì tôi thấy thoải mái, tôi cảm thấy Judith thật là can đảm vì phải chịu đựng trong suốt hai mươi lăm năm qua, phải sống với một ông chồng như tôi, một khúc gỗ khô khan khó tính. Tôi cũng mừng cho nàng có cơ hội được trải qua hai tuần 1ễ với chị nàng mà không có mặt của tôi bên cạnh. Tuy vậy tôi cũng nhớ nàng.

Không khí của McAndrews đập mạnh vào târn trí tôi vào buổi sáng đầu tiên khi bước chân xuống phòng ăn và khi thấy Murphy đứng ở đầu căn phòng với dáng điệu trầm lặng và phong cách. Murphy là trưởng toán hầu bàn khách sạn này trong suốt ba mươi năm qua. Đối với tôi, ông ta là một quản gia trung thành hơn là trưởng toán hầu bàn. Mối quan târn của ông đối với mỗi người khách là một cá tính và nét mặt già nua tràn đầy nét sung sướng thật chất phát khi gặp lại tôi mỗi năm. Nhìn thấy tôi, Murphy cười thật tươi:

Xin chào ông.

Chào ông Murphy, rất mừng gặp lại ông.

Tôi cũng vậy, rất mừng, thưa ông. Năm nay bà nhà không xuống đây sao, thưa ông?

Nhà tôi bận nên không đi được.

Dù sao tôi cũng mong là ông có những ngày nghỉ thật thoải mái. Nhân tiện tôi xin giới thiệu món ăn sáng nay, món cá mòi ướp muối hun khói thật đặc biệt.

Những lời trao đổi như vậy mở đầu cho cuộc sống suốt hai tuần 1ễ tại đây - nghi thức, xã giao, và hoàn toàn đoán trước được. Có lẽ đó là một triết lý mà McAdrews theo đuổi: giúp cho khách hàng thoải mái, bỏ ra ngoài những lo nghĩ của cuộc sống để trở về với bản thể của chính mình.

Tôi nhanh chóng sắp xếp lại thói quen vốn có nơi đây để dễ dàng thích nghi như mặc lại chiếc áo cũ quen thuộc vậy. Những buổi ăn sáng thường trễ nhưng thật ngon và đầy thân mật, rồi đi bộ tới ngôi làng gần đó. Sau đó là một hay hai giờ ngồi trong thư viện đọc truyện của Boswell, những sách này chỉ đọc khi rảnh rỗi mà khi ở Dublin tôi chẳng bao giờ ngó ngàng tới. Sau bữa ăn trưa, tôi ngồi trong khu vườn hướng ra biển với giấc ngủ ngắn lười biếng. Sau bữa ăn tối là cuộc đi bộ dài, dọc theo bờ biển khoảng hai dặm rồi trở về McAndrews. Sau một ly ruợu nhẹ, tôi Iên giường với cuốn trinh thám. Những ngày hạnh phúc trên không thể nào diễn tả cho hết được, đặc biệt là những buổi chiều không mưa tôi thường ngồi trên ghế hàng giờ nhìn ra biển Đại Tây Dương. Tôi nhìn ánh nắng đổi màu -từ xanh đậm ra xanh nhạt rồi thành xám, cho tới khi những con hải âu cắt ngang tầm mắt, tôi nhìn theo chúng bay lượn như trong cảnh thần tiên. Khi người ta bị đau đớn vì tuổi đời chồng chất thì có thể tìm thấy lại chính mình trong khung cảnh nơi đây, bên bờ Đại Tây Dương này, một niềm hạnh phúc ngất ngây.

Ngay từ khi tôi mới bước chân vào đời, McAndrews đã là nơi dưỡng sức, nơi thiên đàng của tôi rồi. Cho đến khi ngày một 1ớn tuổi hơn, những lo âu thường xuyên đến với cuộc đời thì McAndrews lại trở thành quý báu hơn nhiều. Tại nơi đây tôi có thể thoát ra khỏi những người trẻ tự tin thái quá với những người vợ có những chiếc móng tay nhọn đỏ dài và nói luôn miệng. Thằng con Edward của tôi có con vợ làm nghề thẩm mỹ là tiêu biểu cho thế hệ mới này. Nó thường nói tôi là một ông già kiêu ngạo khó tính, coi tôi là loại người hèn hạ khiến mọi người khinh. Điều này đã vượt quá giới hạn chịu đựng của tôi. Ai cũng có một niềm kiêu hãnh, những điều mà nó muốn nói là tôi không thích hợp được với nếp sống mới thời nay. Nó không bao giờ ao ước tới việc nghỉ tại những nơi như vùng đặc quyền McAndrews này cũng như chẳng bao giờ nghĩ tới việc đi Costa Brava. Nó uống hàng hũ Guinness nhưng lại sợ rượu vang. Và nó cũng nói là sự khác biệt giữa tôi và nó là tôi thì khinh người một cách ngu muội còn nó thì thông minh sáng suốt.

Tôi thường nói là có một khác biệt 1ớn lao giữa thế hệ của tôi và thế hệ mới, cũng như giữa tôi và Edward vậy. Đây là một điều đau khổ đã gặm nhấm tim can tôi và hiện nay tôi ngồi đây uống ly rượu để cố quên trong lúc đợi bữa ăn tối ngon lành. Có thể tôi sẽ cười vào chính sự ngu muội của tôi và của con tôi và ngay cả những lý tưởng của loài động vật gọi là giống người nữa. Tại đây thanh thoát, quên đi hết mọi bực tức, phiền toái của cuộc đời, vì vậy McAndrews lại càng thân thươrng đối với tôi cũng như rất khó mở lời từ biệt mỗi lần phải trở về đời sống thường ngày khi kỳ nghỉ đã hết.

Thình lình cà hai chúng tôi đều hoảng hốt do một tiếng gọi chói tai:

- Bồi, lại đây.

Chúng tôi cùng một lượt quay về hướng giọng nói. Đây là một lỗi lầm lớn lao vì đã gọi Murphy là "bồi". Người phát ra lời nói trên ngồi ngay tại chiếc bàn nhỏ đặt tại giữa phòng, cách bàn tôi chừng ba thước. Đây là chiếc bàn nằm ngay phía dưới chùm đèn nên rất ít người ngồi, chỉ khi nào thật đông khách ăn mới được sử dụng tới mà thôi. Sự hiện diện của người khách lạ này là một biến cố. Ba ta không phải là người quanh đây, đó là điều lạ thứ nhất. McAndrews không phải là nơi gặp gỡ hay làm thương mại. Điều lạ thứ hai là bà ta đi một mình, một điều không những lạ mà không nên để đàn bà đi ăn một mình nơi công cộng. Nhưng điều đặc biệt nhất là bề ngoài của người đàn bà này. Khoảng ngoài năm mươi, tóc và bộ quần áo rất hợp nhau, cả hai đều màu hồng, hai bên tai có những hạt đá chiếu lóng lánh. Tuy vậy những hạt đá này cũng không so sánh được với nét trắng đẹp của đôi hàm răng, một nét kiêu kỳ và rực rỡ của người Mỹ. Bây giờ hàm răng của bà ta toả chiếu bao chùm lấy Murphy và mỗi khi cố tránh khỏi vùng hào quang này, tôi lại thấy ông ta bối rối. Nhưng rồi Murphy cũng lấy bình tĩnh lại. Chiếc lưng thẳng, đầu hơi cúi về phía hàm răng trắng, ông ta hỏi với một giọng thật trân trọng:

-  Thưa bà?

- Tôi muốn một ly “Scotch sec” có đá với chiếc thực đơn.

Đối với những người Âu Châu cả đời chưa bao giờ băng qua Đại Tây Dương thì chắc chắn đây là giọng nói của người Mỹ rồi. Tôi cũng chưa bao giờ tiếp xúc với người Mỹ nào nhưng đã coi nhiều phim trinh thám của Mỹ nên nhận ngay ra được đây là giọng Nữu Ứơc, giọng nói cộc cằn của những tên vô lại đặc biệt của thành phố này. Tự hào với khám phá này, tôi ngồi im để theo dõi câu chuyện.

Ly rượu được đem ra với tốc độ nhanh phi thường mà khách khứa ở đây đều biết. Bây giờ Murphy đứng yên bên cạnh người khách cô độc, nét mặt đầy lo lắng khi bà ta nghiên cứu thực đơn, bà ta lật tới rồi lai lật lui, nét mặt nhíu lại và căng thẳng. Tôi có thể nói là McAndrews không có thực đơn theo ý nghĩa thương mại thông thường. Bà Byrne đã nấu ở đây trên ba mươi năm và là một nghệ sĩ, nếu khách yêu cầu làm một món gì tầm thường thấy tại các tiệm ăn khác thì đó là đã chạm đến tính nghệ sĩ của bà. Trong những dịp lễ lạc, bà thường làm các món ăn cổ truyền Pháp còn ngoài ra thườmg là các món đơn giản nhưng thật ngon bằng các loại thịt cá tại địa phương cùng các loại rau trồng quanh đây mà thôi.

Người đàn bà mân mê cái thực đơn rồi nhìn Murphy. Murphy khẽ ho rồi nhỏ nhẹ nói:

- Thưa bà, có lẽ tối nay tôi đề nghị...

Nhưng bà ta nhún vai, ngả đầu ra sau.

- Không, tôi không muốn... ông bồi … tôi biết là muốn ăn gì rồi. Một miếng “fillet” bò non với rau xà lát.  Khách sạn như thế này thế nào cũng có, phải vậy không?

- Món này không có trong thực đơn, thưa bà. Nhưng nếu bà yêu cầu chúng tôi sẽ cố gắng.

Tôi nghĩ đó là lời bóng gió ám chỉ sự bất bình trong giọng nói của Murphy.

- Được rồi, tôi muốn vậy. Thịt bò phải hơi chín, tôi muốn nói là hơi chín thôi đấy nhé. Dân Ái Nhĩ Lan các ông thường nướng thịt bò quá chín đấy.

Tôi tưởng là Murphy sẽ mất bình tĩnh. Nhưng không, tôi đã lầm, bao nhiêu năm trui luyện trong nghề không có nghĩa lý gì trước lời nói châm chọc này. Murphy lấy lại bình tĩnh. Ông ta vào bếp một chút rồi trở lại, vẫn giọng nói bình thản và lịch sự:

- Thưa bà muốn uống gì?

Người đàn bà ngạc nhiên nhìn ông ta rồi đưa ly rượu lên:

- Tôi đã có ly này rồi, ông nhớ chứ?

Bây giờ đến lượt Murphy lúng túng. Tôi thấy rõ là ông ta đang suy nghĩ trước câu trả lời này. Người đàn bà muốn uống rượu whiskis trong khi ăn thịt bò.

Tôi nhìn những người khác chung quanh, họ cũng ngạc nhiên như tôi là không hiểu tại sao người đàn bà này lại tìm ra được đường dẫn tới McAndrews? Đây không phải là nơi lôi kéo du khách. Có những khách sạn khác trong khoảng mười dặm quanh đây quyến rũ hơn nhiều, chung quanh lại có những ngọn đèn ống màu xanh đỏ chớp chớp thật nhộn nhịp và có rất nhiều người Mỹ đã tới cũng như có rất nhiều món để cung ứng cho các đòi hỏi. Người đàn bà này nên đến những nơi đó mới phải chứ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại. Tôi không cho là bà ta tình cờ tới đây như lúc đầu đã đoán, nhưng với một lý do nào đó bà ta đã suy nghĩ chín chắn trước khi quyết định. Tôi cũng cho là bề ngoài khiếm nhã kia chỉ là che dấu nỗi lúng túng vụng về, nỗi sợ hãi và thiếu kinh nghiệm trước đám đông mà thôi. Đứa con dâu của tôi, người làm nghề thẩm mỹ, khi ra thăm tôi ở đây cũng tỏ ra khiếm nhã một cách công khai vì nó coi thường Murphy, coi thường tôi và cả thế giới chung quanh tôi nữa. Nó la Murphy, gọi ông ta là một lão già hủ lậu. Nhưng Murphy lại không đụng chạm vào thế giới của nó mà chỉ làm thiệt thòi bằng cách pha cho nó ly rượu không đúng tỉ lệ. Tôi nghĩ là ông ta sẽ có một thái độ nào đó đối với người đàn bà này. Khi người hầu bàn đặt đĩa thịt bò trước mặt, Murphy oai nghiêm tiến lại bàn bà ta:

- Hơi chín, thưa bà

Mặc dù ngồi cách một quãng, tôi cũng nhận ra giọng nói châm chọc này.

Khách khứa chung quanh cũng lưu ý tới sự việc Murphy cao giọng một cách bất thường. Tôi cảm thấy không khí bất mãn trong phòng ăn và người đàn bà kia cũng nhận thấy như vậy. Ba ta bối rối nhìn quanh rồi cũng cầm dao và dĩa 1ên. Tôi bắt đầu cảm phục lòng can đảm của bà ta.

Phép lịch sự đòi hỏi tôi không được chú ý vào việc ăn uống của người khác nên tôi quay nhìn ra biển. Những người khác cũng vậy và sau một khoảng thời gian khá lâu tôi mới nhìn lại phía người đàn bà. Bà ta đã ăn xong và đang lau miệng với nét thoải mái hiện rõ trên nét mặt. Có lẽ món thịt bò non làm bà ta hài lòng. Khi Murphy mang thực đơn lại lần nữa thì bà nhìn ông ta một cách tinh nghịch rồi xua tay mỉm cười:

- Thôi, thôi, đủ rồi. Ðàn bà chúng tôi phải ăn uống điều độ, có phải vậy không?

Murphy lạnh lùng không cười lại.

- Tốt lắm, thưa bà.

Khi thấy thái độ không thân thiện, có thể nói là thù nghịch nữa thì nụ cười lại biến dạng và trở thành nét nhăn nhó khó coi.

- Tôi nghĩ là ông mang cho tôi một ly Scotch nữa.

Giọng nói lại trở nên thách đố và trịch thượng. Khi ly rượu mang tới, bà ta nốc thẳng một hơi như người đang chết đuối - cố nuốt chửng không khí vậy. Sau đó như lấy lại bình tĩnh, bà ta uống từ từ lại rồi rút bao thuốc lá trong ví ra. Như khám phá ra điều gì, ba ta la lớn:

- Mang cho tôi chiếc gạt tàn ra đây.

Lúc này Murphy đang đi lại phía bàn tôi, ông ta quay lại, im lặng nhìn người đàn bà trong năm giây.

-Xin lỗi, thưa bà ...

Hầu như mọi người trong phòng ăn chăm chú theo dõi cuộc đối thoại.

- Xin lỗi bà, thực khách ở đây không hút thuốc trong phòng ăn này..

Thực vậy, mọi người đều đồng ý là hơi thuốc lá trong phòng có thể làm bữa ăn của người khác kém ngon đi. Đối với tôi, sự đồng ý không văn bản này như là một chứng tích của một nền văn minh siêu phàm vậy, đôi khi có người, nhất là những người lạ mặt tới đây lần đầu, cũng hút thuốc trong phòng ăn và mặc dù không ưng ý nhưng Murphy cũng không phản đối. Tôi để ý xem phản ứng của ông ta như thế nào.

- Cà phê trong phòng xanh kia, thưa bà, chiếc gạt tàn thuốc lá cũng có ở trong đó. Tuy vậy nếu bà muốn, tôi cũng...

Người đàn bà đứng bật dậy như đụng thẳng vào người Murphy. Mặt và cổ đỏ rừng, như muốn đẩy ông ta ra chỗ khác.

- Không, không cần. Tôi cũng muốn một ly cà phê.

Rồi bà ta lảo đảo bước ra cửa. Quãng đường từ phòng ăn sang phòng uống cà phê như dài lê thê.

Tôi ăn vội miếng phó mát rồi cũng bước vào phòng cà phê. Tôi đang thắc mắc về giọng nói của người đàn bà. Tôi từng tự hào là có đôi tai rất thính và tôi thấy mặc dù bà ta nói tiếng Anh với giọng Mỹ nhưng có gì đó không phải hoàn toàn là người Mỹ. Có gì đó quen thuộc nhưng lại khác về các mẫu âm và th'. Giờ đây ngồi trước ly cà phê vói điếu xì gà trên tay, tôi chợt nhận ra một điều đã đánh mất từ lâu cho đến nay mới gặp lại. Đó là giọng nói của người đàn bà này, đó là thổ ngữ của dân vùng Mayo, một giọng đặc xệt mà trước kia tôi vẫn nghe mỗi khi xuống nghỉ ở đây. Tôi đã bị Mỹ hóa hầu như hoàn toàn nhưng 1ỗ tai vẫn còn nguyên vẹn, nghe vẫn rõ ràng và phân biệt âm thanh một cách chính xác. Bây giờ thì tôi đoan chắc là bà ta sinh ra tại đây, trong khoảng mười dặm trở lại quanh khách sạn này mà thôi.

Chúng tôi cùng ngồi đây nhấm nháp cà phê, tiếng kêu leng keng của chiếc muỗng vang lên giữa hai chúng tôi. Tôi nhìn bà ta đang ngồi cô độc một mình trong chiếc ghế rộng, mắt nhìn ra vườn. Ngoài kia, ánh sáng nhợt nhạt phản chiếu từ những vì tinh tú xuống mặt biển và tôi biết là dưới xa kia có những đứa trẻ đang thu nhặt những bó rong biển cuối cùng trước khi trở về nhà. Dân quanh vùng này phần nhiều sống bằng nghề thu nhặt rong biển bán cho nhà máy chế tạo phân bón. Vì thế, những đứa bé tuy còn nhỏ tuổi đã có bàn chân chai và nứt nẻ. Đời sống vẫn còn khó khăn trên vùng đất miền tây Ái Nhĩ Lan này. Tôi nhìn xuống chân người đàn bà, đôi giầy màu đỏ cao gót có chiếc đế rộng. Mắt bà ta nhìn nhưng không thấy gì cả và buồn, thật buồn và mệt mỏi. Tôi nhớ lại giọng nói và chúng tôi đang ngồi đây uống cà phê. Thình lình trong bóng tối âm u của tiềm thức chợt lóe 1ên một điểm sáng, điểm sáng này lan rộng ra dần và tôi nhận biết là đã từng quen với người đàn bà này. Cuộc đời của bà đang trải rộng trước mặt tôi, tôi biết bà ta khi còn là một cô bé nhỏ sống trong một căn lều xiêu vẹo gần đây. Một buổi sáng mẹ tôi dắt tay tôi đi qua nhà, cô bé với bộ quần áo tả tơi nhìn theo bằng đôi mắt thèm thuồng. McAndrews phải là một nơi ghê gớm, biểu tượng cho một thế giới giàu có và sang trọng mà lại nằm ngay tại ngưỡng cửa nghèo đói của gia đình cô. Có lẽ cô ta đã từng làm hầu bàn cho một khách sạn, tiết kiệm cho đủ tiền vé đi Mỹ, mảnh đất của cơ hội. Và tại Mỹ, nơi xa lạ này cô ta cô đơn và sợ hãi giữa những người không quen biết, đời sống nơi đây lại hoàn toàn khác hẳn với nếp sống tại Mayo. Cô đã trải qua bao đêm không ngủ vì nhớ nhà. Nhưng cô ta vẫn tiếp tục sống, gửi tiền về cho gia đình và trong những năm tháng sống nơi xứ lạ, cô ta luôn luôn có một giấc mơ không đổi: một ngày nào đó sẽ trở về Kilgory với tư cách một bà Mỹ giàu có, sẽ tới khách sạn McAndrews không phải với tư cách một người hầu bàn mà là một nguười khách, sẽ gọi một bữa ăn sang trọng, làm lóa mắt mọi người với bộ y phục, giọng nói Nữu Ước và sự giàu sang.

Bây giờ bà ta ngồi đây giống như một con búp bê mặc chiếc áo màu hồng và đôi giầy màu đỏ đã bị bỏ xó. Giấc mộng của bà đã bị tan ra. Tôi muốn tới ngồi với bà ta, nói chuyện và giảng nghĩa cho bà biết là trên cõi đời này chẳng có việc gì là quan trọng cả. Cả thế giới này tự nó cũng đã rã rời rồi. Bà phải hiểu là những nơi như McAndrews này không còn quan trọng gì nữa và bây giờ người ta chỉ cười nó mà thôi. Không có lý do gì mà buồn cả. Đối với bà và cả với những cô bé Ái Nhĩ Lan suốt ngày lau chùi nhà cửa cho người khác hay nấu thức ăn cho người ta cũng nên hưởng lấy những gì thiên nhiên, trái đất đem lại. Vòng quay của thời gian đã quay trọn một vòng.

Dĩ nhiên là tôi không tới ngồi cùng bàn và nói chuyện với người đàn bà kia. Khi uống xong ly cà phê, tôi lên thẳng phòng ngủ, suy nghĩ đời sống thay đổi quá nhanh. Rồi một ngay kia McAndrews cũng tiêu tan, nhưng đối với tôi nó sẽ sống mãi, in đậm trong tôi với những vị anh hùng, anh thư của nó, như người đàn bà mang đôi giầy đỏ kia. Và cũng dĩ nhiên là khi đọc xong bài này, bạn cho tôi là một lão già khó tính khinh người lại quá nhiều tưởng tượng, bịa ra câu chuyện vì tôi cô đơn và không có việc gì làm cả. Nhưng tôi biết là tôi hiểu những gì khi viết ra đây cho quý vị đọc.

°Trần Hồng Văn

(Chú thích:° Oliver Cromwell, 1599-1658, một nhà quân sự, chính trị và tôn giáo Anh)

Tác giả: Tại Ái Nhĩ Lan, Ita Daly được mọi người biết tiếng là một nhà văn thuộc đợt sống mới. Cô đậu bằng M.A. tại University College, Dublin. Đã hai lần cô được trao giải thưởng cao quý nhất của nền văn hoc Ái Nhĩ Lan. Cô đã từng đoạt giải thưởng ưu hạng về truyện ngắn do nhật báo Irish Times tổ chức trên toàn quốc.

(Trích trong “Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục”, tuyển tập truyện ngắn quốc tế chọn lọc, tập 1)