Vào ngày mười lăm tháng mười, năm 1934, cuốn sách đầu tay của tôi được ra mắt: Chàng Tuổi Trẻ Gan Dạ Trên Chiếc Đu Bay, Và Những Truyện Ngắn Khác. Năm 1934, nghe có vẻ gần lắm, nhưng thực sự thì đã hai mươi năm qua rồi, giữa thời điểm tôi đang viết những dòng này. Quá nhiều những biến cố và sự kiện xảy ra trong thế cuộc và cho đời riêng tôi.
Tôi chẳng thể kiếm được một đồng nào với các công việc gì khác hơn là viết lách. Tôi viết đủ các thể loại, nào truyện ngắn, kịch, tiểu luận, điểm sách, phê bình linh tinh, thư từ riêng chung các loại, và cả viết ca khúc nữa.
Những gì tôi viết ra hoàn toàn không theo một mệnh lệnh hay ước hội nào cả, cũng không phải vì hơi hám đồng tiền nó làm cho mê muội, cho dù phần lớn những gì tôi viết ra đều kiếm được khá tiền. Nếu một ông chủ bút tỏ ra ưa thích một thể truyện ngắn nào đó mà tôi đã viết, ông có thể mua nó, nhưng nếu ông chỉ gợi ý hay đề nghị tôi viết lại một vài phần trong đó, tôi từ chối ngay. Chả ai lại đi làm như vậy bao giờ. Một vị chủ bút nọ có lần đã tự tiện xào nấu lại một bài tôi viết về Giáng Sinh, và tác giả một cuốn sách về ẩm thực mà tôi đã viết cho Lời Tựa miễn phí, không lấy tiền, lại còn vẽ vời thêm thắt mấy hàng để biến tôi thành một chiến sĩ ái quốc. Tôi phản đối kịch liệt vị chủ bút lẫn tác giả sách ẩm thực kia, nhưng dĩ nhiên thì sự cũng...đã rồi!
Suốt cả thời kỳ Thế Chiến thứ hai, tôi không hề viết một loại văn tuyên giảng nào cả, mặc dù nhiều lần họ mời tôi cộng tác. Đó cũng là điểm chính yếu khiến tôi vẫn là một nhà văn Mỹ hoàn toàn độc lập và tự do, suốt hai mươi năm nay.
Hai mươi năm, tôi coi đó như là một nửa trước của đời viết văn và xuất bản của tôi, và hai mươi năm tới đây sẽ là một nửa sau. Lúc đó vị chi tôi sáu mươi sáu tuổi, có thể là già lắm, cũng có thể là không.Hy vọng trong hai mươi năm tới, tôi sẽ sáng tạo được nhiều hơn hai mươi năm trước, cho dù tôi khởi sự với quá nhiều trắc trở. Trước tiên là tôi nợ thuế lút đầu, đến nỗi không thể san bằng con số bằng nghề viết được, trong khi còn có những trách nhiệm tinh thần, cá nhân và tài chính khác nữa.
Tôi chưa từng được trợ cấp, chưa nhận các món tiền có dính dáng đến một giải thưởng văn chương nào cả, tôi chưa từng được cấp dưỡng, và cũng không bao giờ nhận phụ cấp hoặc quyền lợi gì ráo. Một hai năm, sau khi cuốn sách đầu tay của tôi được xuất bản, bạn bè thúc giục tôi nộp đơn xin học bổng Gugenheim. Vạn bất đắc dĩ tôi phải nộp, không phải là cố tình cầu may mà là vì hoàn cảnh. Chả hạn, làm sao tôi biết tôi muốn viết gì? Có lẽ tôi không sao diễn tả ra cho được. Đơn xin bị bác, và tôi thở phào nhẹ nhõm.
Nợ nần lút đầu, và tôi hy vọng sẽ trang trải bằng nghề viết, hoặc không gì cả. Tôi không có trương mục tiết kiệm, không cổ phần, không trái phiếu, chẳng bất động sản cũng không bảo hiểm hay tiền mặt và tài sản để có thể chấp được một số tiền ích dụng chẳng hạn. Tôi chỉ có thân trần, chen vai thích cánh để sống. Tôi kể những việc đó một cách bình thường, như những sự kiện tự nhiên chứ không để gây thiện cảm. Tôi chẳng muốn thiện cảm gì cả.
Phải như bản tính của tôi thực tế một chút, thì giờ đây hẳn đã biết cái mà người ta gọi là bảo đảm tài chánh. Tôi thiết nghĩ, sự bảo đảm đó cũng chả có gì là xấu, nhưng tôi thích một sự bảo đảm khác hơn. Tôi thích nhìn nhận cái sự thật rằng tôi phải viết, và rằng tôi viết được.
Tôi phung phí phần lớn tiền tôi kiếm được bằng nghiệp văn chương, lại còn thua bạc một số vốn đáng kể. Hình như bản tính tôi là phung phí và cờ bạc. Tôi cũng cho đi một ít, có lẽ là một con số lớn. Chẳng phải tôi không biết cái ý nghĩa của nó, hiềm ngặt một điều là mỗi khi trong túi rủng rỉnh ít tiền là tôi cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và có một động lực bắt tôi bằng cách này hoặc cách khác phải tống khứ nó ra. Tôi nghĩ rằng tôi đã cảm nhận ra cái cần thiết của đời mình, cần thiết chỉ là một nhà văn thôi, một nhà văn viết, chứ không phải một thành công theo kiểu cách nào khác.
Cái khả năng hay động lực vơ vét tiền nong, đối với tôi hình như luôn luôn là điều rối rắm, nếu không nói là đáng tởm. Thế nhưng tôi rất nể mặt những kẻ thành thạo vơ vét, bằng những phương tiện hợp pháp, biết lao vào đúng lúc các khu vực làm tiền mới và sinh lợi, chẳng hạn như đầu tư, bất động sản, phát minh, dầu hoả, các quặng mỏ, các khế ước chính phủ, ủng hộ kịch trường, chế tạo, và tìm kiếm thị trường...Sự khôn lanh đáng chú ý của những kẻ đó luôn luôn làm tôi thú vị, ngay cả khi kể bị lường gạt lại chính là....tôi. Chẳng hạn, như khi còn ở trong quân đội, giữa mùa đông tuyết giá Ohio, một ông rất giàu, còn trẻ, có nhiều khả năng làm tiền, và không ở trong quân ngũ, bay từ New York ấm áp đến Ohio băng giá để bàn cãi với tôi về các thứ loại văn chương thơ phú, về một vài chi tiết mà ông ta thấy cần sửa đổi trong một vở kịch của tôi mà ông đã lỡ ứng trước một ngàn đô. Tôi gặp ông trong giờ nghỉ, ông ta làm mất nhiều thời gian quý hiếm của tôi bằng cách thuyết giảng huyên thuyên từ đầu đến cuối. Ông nói vòng vo tam quốc khiến tôi lùng bùng lỗ tai, rồi bỗng nhiên tôi chợt nhận ra điều ông muốn nói mà dù cho có nói mãi cũng không sao nói ra được là, ông cảm thấy vở kịch chắc sẽ không được ăn khách cho lắm, và nếu mất toi một ngàn đô thì cũng...kỳ lắm. Điều này không làm tôi ngạc nhiên. Tôi cầm tờ ngân phiếu một ngàn, đến khách sạn ông đang ở, để trên bàn và viết lại vài chữ. Tôi chỉ muốn thử xem điều mình nghĩ cảm có đúng vậy không. Và quả vậy thật. Chúng tôi lại hẹn gặp nhau vào tối hôm sau. Gặp để dứt điểm và không còn trông thấy nhau nữa. Ông ta nhẹ nhõm bay về New York với tờ ngân phiếu, và chúng tôi bặt tin nhau như một thoả thuận ngầm. Chẳng có lý do pháp lý hay đức lý gì buộc tôi phải hoàn trả lại tờ ngân phiếu. Lý do duy nhất chỉ bởi tôi không sao chịu nổi khi thấy ông quá đau khổ vì số tiền nhỏ đó, đau khổ đến buộc ông ta phải đóng giả, đóng dở vai trò một người chỉ vì quá yêu và hết sức quan tâm đến nghệ thuật.
Tại một trong những hãng phim lớn nhất Hollywood, khi tôi khám phá ra rằng tôi bị thiệt thòi, bị lừa bịp trong một chuyện làm ăn. Tôi tìm gặp nhóm người đã dàn cảnh ra vụ lừa mị khôn ranh đó, tôi nhận ra chân tướng họ và tôi bỏ đi, lái xe một mạch về San Francisco. Vài năm sau, tôi còn được biết thêm rằng mình đã bỏ lại số lương còn thiếu theo điều khoản của bản khế ước bịp bợm đó gần mười ngàn đô la. Biết vậy, nhưng tôi chẳng bao giờ bận tâm tra xét. Hãng phim và những ông chủ hưởng lợi, vơ vét hàng triệu bạc, làm việc cần mẫn và có lợi cho chính phủ về những loại phim tầm phào rẻ rúng, thế mà sáu bảy ông điều khiển lại thấy tuyệt đối cần thiết phải hành động nhất trí với nhau để đánh lừa tác giả một truyện mà họ mong muốn ghê lắm, để nhờ đó họ tóm thâu thêm ba hay bốn triệu nữa. Tôi không hiểu họ đã dùng tiền ấy để làm gì, nhưng tôi chắc họ đã tiêu xài một cách cẩn mật và vô ích.
Trước khi có sách được xuất bản, tôi không phải là một tay uống rượu, nhưng chả mấy lúc sau, tôi khám phá ra cái minh triết của ẩm chác, và tôi cho đó là một cái gì cũng đáng cứu xét lắm chứ.
Năm 1935, khi đi Âu châu lần đầu, tôi uống cũng vừa phải thôi, nhưng chín năm sau đó, cho đến khi nhập ngũ, tôi uống thả cửa, uống đều đều mỗi lần chín mươi tiếng đồng hồ.
Tuy vậy, tôi ít khi say bí tỉ. Tôi khoái cái thú uống và nói chuyện ồn ào với các bạn bè, những văn sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, nhà báo và đàn bà con gái mà chúng tôi quen ở San Francisco.
Chè chén với bạn tốt có thể là điều hay cho một nhà văn, nhưng xin nhà văn lưu ý cho lời cảnh báo khiêm nhượng và có lẽ thừa thãi này: đừng nốc thêm nữa khi uống đã có xu hướng chính nó trở thành mục đích, vì đó là một mục đích vô ích. Tôi tin tôi học hỏi được nhiều trong khi uống với bạn bè, cũng như hầu hết chúng ta thường nói rằng, chúng ta học hỏi được nhiều trong khi ngủ. Tuy nhiên, một giới hạn có thể nhận ra của những cái mà ta học hỏi được bằng cách uống. Uống vừa đủ cho niềm khinh khoái và cảm hứng giữa lòng nhân thế.
Trong những gì tôi đã viết ra suốt hai mươi năm qua, tôi có hối tiếc gì không?
Không gì cả. không một chữ.
Tôi viết có đủ không?
Không. Không một nhà văn nào đã viết đủ cả.
Lẽ ra, phải chăng tôi nên viết khác đi? Một cách thông minh hơn, chẳng hạn?
Không.
Trước hết, tôi luôn luôn cố gắng hết sức, theo như tôi hiểu chữ cố gắng. Thứ đến, tôi tin rằng lúc nào mình cũng thông minh.
Thế còn cái lý lẽ của một số nhà phê bình và cả độc giả cho rằng, tôi viết không thực tế và tình cảm quá, thì sao?
Chà chà, tôi cho là họ lầm. Vì với tôi, viết ra những gì có hiệu quả tôi thấy chẳng có gì là phi thực cả. Còn như việc viết lách của tôi, tôi cho là luôn luôn thực tế. Tôi cũng chẳng tin là văn cách của mình lại tình cảm quá đáng, cho dù con người là một sinh vật nhiều cảm tính.
Khi viết những dòng này, tôi đang trở về San Francisco, nơi tôi từng sống khi cuốn sách đầu tiên được xuất bản, nơi tôi rời bỏ đã sáu bảy năm trời. Tôi lái xe tạn vùng Malibu để về thăm lại căn nhà trên bãi biển đang được sơn phết chỉnh trang. Tôi sẽ đến nhưng chưa vội về ngay San Francisco nhân kỷ niệm năm thứ hai mươi, ngày xuất bản cuốn sách đầu tay. Tôi tản bộ khắp các miền lân cận, nhìn lại lần nữa những nơi chốn, thôn ổ mình đã gửi thân, 384 đường Karl, 1707 Divisadero, 2378 Sutter, 123 Natoma và các nơi tôi làm việc trước khi có truyện được đăng trên một tạp chí phổ biến khắp nước, các chỉ sở bưu điện, các hàng chợ, các khách sạn, nhà hát...tôi sung sướng lắm, cảm động và hãnh diện vì đã lui tới hay làm việc ở những nơi trên, thuở còn trai tráng.
Hôm qua tôi đi bộ qua Crystal Palace Market và thăm lại chỗ có lần tôi đẩy khoai và cà chua, gian hàng Fiore d'Italia.
Tôi vào cao ốc ở Market và Six, nơi đặt văn phòng của hãng mai táng Cypress Lawn Cemetery Company. Tôi cũng có làm việc ở đó ít lâu.
Có lần, ông phó chủ tịch nói, Anh có định làm cho Cypress Lawn suốt đời không.
Tôi nói, Dạ có.
Và tôi làm việc.
Một tháng sau tôi xin thôi, nhưng làm việc ở đó cũng là một kinh nghiệm đáng giá. Tôi nhớ, tuần lễ Giáng Sinh đến và ông Phó than phiền một cách chua chát rằng, Vì không có dịch cúm nên năng suất của hãng trong tháng chạp đã giảm thấp hai mươi phần trăm so với năm ngoái.
Tôi nói, nhưng rồi mọi người sẽ bắt kịp thôi chứ?
Ông Phó nâng cặp mục kỉnh lên trán để nhìn tôi lần nữa.
Tôi nói, Tôi là nhà văn, nhà văn chưa in sách.
Ông bảo tôi đọc vài khẩu hiệu do ông sáng tác cho công ty, chẳng hạn: Chôn cất tại đây, ngắn ngày ít tốn.
Tôi nói ông ta có năng khiếu.
Tôi đi dọc theo đường Embarcadero đến nhà kho Dodd, bên kia bến 17, nơi tôi đã từng làm việc khoảng một tháng. Lương hướng đem được về nhà cũng chẳng bao nhiêu, công việc ở đó có phần rắc rối vì những cuộc chơi đổ xúc xắc của các phu phen bến tàu. Tôi quen với một người da đen to lớn, ông thường đứng tụ nhà cái, tên là Doughbelly. Ông để lòng ưu ái chăm sóc tôi. Hôm qua tôi thả bộ qua đó, và hầu như còn nghe tiếng ông già to khoẻ gọi điểm cho trò chơi, và tôi nhớ như in là mỗi khi ông không thấy tôi chen vai chơi trò đen đỏ, ông đoán trúng phóc là tôi bị cháy túi, ông liền ném cho tôi mấy đồng để có thể nhập cuộc cho đỡ tủi thân. Trên một phố cận biển, dưới ánh mặt trời ấm áp mà có chút tiền ngồi đổ xúc xắc suốt thì thật là không gì tuyệt thú cho bằng.
Có lần, tôi tránh không chơi trong ba ngày, hy vọng có dư được vài đô trong hầu bao để tiêu pha những đêm cuối tuần. Doughbelly cứ dọ hỏi mọi người mãi, xem tôi có hề hấn gì không. Mấy cha có thấy thằng bé người Abyssinian đâu không?
Tôi trốn vào trong kho hàng, vừa ăn săng uých vừa đọc Jack London.
Chính là ở số 348, đường Karl này, hai mươi năm trước cũng vào ngày 13 tháng mười này, tôi hồi hộp mở gói bưu phẩm nhà xuất bản Random gửi đến, và thấy một bản đặc biệt cuốn sách đầu tya của tôi. Thật là một giây phút kỳ diệu. Tôi xúc động đến nỗi không sao vấn được một điếu thuốc Bull Durham. Vấn đi vấn lại phải ba lần mới xong, và ngồi ghếch chân lên bàn, phì phà một cách hơi điên điên trong khi tôi quan sát cái phẩm vật nghệ thuật (và cũng là cái hoá phẩm phi lý) gần như không thể nào tin được. Một cuốn sách mới lạ làm sao, cái bìa sặc sỡ duyên dáng làm sao, những con chữ thơm tâm hồn kỳ ảo làm sao, cả tấm ảnh chân dung cũng mới lạ làm sao. Bây giờ ta thử ngắm và nghía những người đàn bà xumg quanh ra sao. Vì thực ra, một nhà văn trẻ quả có viết để mong những người đàn bà đẹp vây quanh.
Nhưng than ôi, những người đàn bà vây quanh lại thường không được đẹp cho lắm. Đó là một bí mật vẫn tiếp tục làm cho tôi điên đầu. Đàn bà đẹp vây quanh những tên béo phệ, làm áp phe vặt. Họ sấn tới những gã sửa sắc đẹp chỉ thích khoe mẽ về mình. Họ xum xoe quanh những tên ăn mặc bóng loáng, sống lông bông vô công rồi nghề, bỏ phí hàng giờ để tán dóc những chuyện tầm phào, nhạt nhẽo.
Đàn bà đẹp bu quanh hết thảy mọi người, trừ nhà văn.
Đàn bà mộc mạc, thông minh cũng có bu quanh nhà văn.
Nhưng không phải chỉ vì muốn có đàn bà đẹp bu quanh mà tôi vội in cuốn sách đầu tiên. Tuyệt nhiên không phải chỉ vì vậy.
Tôi cũng có ý muốn làm cách mạng văn chương Mỹ.
Vào đầu những năm ba mươi, chữ "cách mạng" được phổ cập lắm và hoàn toàn đáng kính trọng. Một cuộc thăm dò dư luận để đo lường sự thành công của tôi trong văn chương cận đại Mỹ và nếu cho rằng tác phẩm của tôi chẳng có tí ảnh hưởng gì tới nền học thuật này thì thật là bất công và sai lầm. Phiền một nỗi, phần lớn tác phẩm của tôi ảnh hưởng tới các nhà văn chưa và vẫn chưa xuất bản, và để đo lường thứ ảnh hưởng đó đòi hỏi nhiều tưởng tượng và táo bạo. Một số đã có sách xuất bản, cũng biểu hiện một xu hướng chịu ảnh hưởng trên chữ nghĩa của tôi, bằng sự bắt đầu cải thiện hầu như lập tức và không phải chỉ nhận thấy trong thể truyện ngắn, mà ngay cả trong tiểu thuyết, kịch và trên điện ảnh nữa.
Việc viết lách của tôi có cái gì khả dĩ có lợi ích cho văn chương, nói chung?
Tự do.
Tôi nghĩ là tôi đã chứng tỏ nếu ta có một nhà văn, có tác phẩm, và chính nhà văn quan trọng hơn tác phẩm của hắn nhiều – trừ phi khi hắn ta tự bỏ ngang, hoặc là nửa đường đứt gánh, chết.
Vì vậy, nếu bạn đã là nhà văn, bạn không cần phải tự tử mỗi khi bạn viết xong một truyện ngắn, một vở kịch hay một cuốn tiểu thuyết.
Nhưng tại sao tôi lại muốn làm cách mạng văn chương Mỹ chứ?
Tôi phải cách mạng, vì tôi không thích việc đó, thế nhưng lại muốn cải thiện lộ trình trước mặt.
Và tại sao là một nhà văn tôi lại không sẵn lòng tỏ vẻ trịnh trọng? Chẳng lẽ tôi không thừa biết rằng nếu tôi không ra vẻ nghiêm nghị một chút thì các nhà phê bình lớn sẽ ngại viết về tác phẩm của m`inh sao? Biết quá đi chứ. Nhưng tôi không thể, chỉ vì cảm thấy chẳng có gì đáng phải trịnh trọng cả. Tôi không nên như thế chút nào, vì ra vẻ nghiêm trang chỉ là chiếc bóng biến tướng của hợm hĩnh. Một số nhà văn có bản tính trịnh trọng, nghiêm trang hay hợm hĩnh, nhưng như thế không có nghĩa là hẳn nhiên họ cũng vĩ đại, hoặc có thực tài.
Chẳng hề có chút liên hệ huyền bí nào giữa trịnh trọng và văn chương vĩ đại. Một vài nhà văn vĩ đại trịnh trọng lắm, nhưng phần đông hầu như họ chả có trịnh trọng tí nào. Họ có một cái gì khác.
Đời sống điều khiển thế gian, đời sống tự do bình thường. Những người sống vô danh kể chuyện đời họ mỗi ngày, với sự trợ giúp của những nhà văn chuyên nghiệp hay tài tử, nhưng người kể chuyện vĩ đại nhất của tất cả chúng ta là thời gian và sự biến dịch, hoặc là sự chết. Nhưng chết chưa phải là tận vong cũng không phải là kẻ thù của chúng ta. Nó là quà tặng quý báu cho chúng ta sau khi chào đời, và là bạn tốt nhất của chúng ta, sau chân lý.
Tôi trở lại San Francisco vào dịp kỷ niệm lần sinh nhật thứ hai mươi, ngày xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình – bắt đầu đời sống nhà văn, là một sức mạnh trong sinah hoạt, như một đại diện được bầu lên từ cái ngã- vô-danh của tôi, cũng như của tất cả những người khác mà nguyện vọng của họ tương tự với nguyện vọng của tôi – sống một cách sáng tạo, sống một cách vẻ vang, tận lòng tận sức mà không phải mưu hại ai, hân thưởng thân phận con người, không sợ chết cũng chẳng sợ bất tử, yêu mến những kẻ điên dại và thất bại hơn cả những người khôn ngoan và bậc thánh nhân, chẳng qua những hạng người trên có nhiều hơn, tin tưởng, hy vọng, làm lụng, và sinh hoạt như thế một cách trào lộng.
Chấp nhận, chứ không nói lời phủ nhận.
Tôi có lời khuyên gì đối với các nhà văn mầm non?
Chả có gì cả, vì thực ra chẳng có ai là mầm non hay mầm già, nhà văn là nhà văn, không cần khuyên răn và cũng chẳng phải kiếm lời khuyên răn làm gì.
Thế còn những giờ dạy viết văn ở trung và đại học thì sao?
Vô bổ, hoàn toàn vô bổ.
Nhà văn là một kẻ vô chính phủ trên phương diện tâm linh cũng như tận sâu thẳm linh hồn của hắn. Hắn bất mãn với mọi sự và mọi người. Nhà văn là bạn thiết, cũng là kẻ thù thực sự và duy nhất – kẻ thù lương thiện và vĩ đại – của con người. Hắn không đi với quần chúng và cũng không a dua hô hoán với họ. Một nhà văn đúng nghĩa một nhà văn là, một kẻ nổi loạn không ngừng. Hắn không hơi đâu tuân theo một phép tắc nào. Ngay cả nghỉ ngơi và ngủ ngáy cũng vậy, chẳng giống ai. Khi chết, có lẽ hắn cũng sẽ chết như những người khác, nhưng khi còn sống hắn sống khác với mọi người, cũng không giống bất cứ một nhà văn nào. Nhà văn đúng như một nhà văn, cũng là một tên ngu nữa. Hắn là kẻ dễ bị xem thường,dễ bị chế giễu, bị bỏ rơi, và dễ bị khinh thị nhất. Điều đó cũng dễ hiểu và cũng phải vậy thôi. Nhà văn cũng hơi điên một chút, nhưng lại sáng suốt hơn ai hết, một sự sáng suốt bậc nhất, sự sáng suốt sống động, sáng tạo, can đảm, vô uý, và ngạo mạn của một con người tự do. Tự do bát ngát.
Tôi là một nhà văn đúng nghĩa một nhà văn, như tôi đã là hai mươi năm nay, và hy vọng sẽ là như vậy, hai mươi năm tới.
Tôi đến đây, quyết định ở lại đây như bao người trong thiên hạ. Tôi không cần phải làm oai làm phách với ai hết. Biết và tin vậy, nhà văn chân chính phải liều liệu giữ sức khoẻ cho mình được thư thái, và viết tác phẩm càng lúc càng tinh vi, có khí sắc và đầy tình thương hơn.
Tôi hãnh diện về hai mươi năm qua của tôi, dù không màu mè gì lắm. Tôi hãnh diện là một nhà văn, nhà văn như đã, và tôi chẳng cần phải biết người khác hãnh diện về cái gì nữa.
HẾT