Người có trái tim trên miền cao nguyên

Chương 27

Đây là một truyện mà tôi có thể nói ngay là, trong đó có một cái gì hàm chứa đến nỗi không tài nào trước thuật lại được. Đó là truyện về những con người cô đơn, "Những kẻ ngoại cuộc" như ta thường gọi họ vậy, nhưng "những kẻ trong cuộc" cũng có thể mô tả họ không kém. Cái gì xảy ra và xảy ra như thế nào thì thật là bí ẩn, nhưng tôi không chắc là truyện không bị làm méo mó bởi cái nhiệt thành của một người Armenia thường có, thấy và cảm biết về những sinh thể cô đơn, nên hắn phải tránh không để cái nồng nhiệt đó vào văn cách của mình vì, hình như nó bị các nhà phê bình nghiêm nghị cho là tình cả quá đáng.

 

 

Tôi làm việc trong một nhà kho của hãng Sligo, Baylie ở đường Bryant, ngay dưới khúc quanh đường Freemont phía dốc cầu Bay Bridge ở san Francisco. Kho là một dãy nhà dài, bề rộng bằng một nửa. Kho chứa đầy những dương cầm.

Sligo, Baylie là một tiệm nhạc xưa ở San Francisco, nằm ở góc đại lộ Grant và đường Geary, cách nhà kho khoảng hai dặm. Tiệm đã hoạt động được một trăm mười một năm rồi. Công ty đặt tại toà nhà sáu tầng, buôn bán những gì thuộc về âm nhạc, cũng như những đồ gia dụng chẳng hạn các tủ hoặc hộp đông lạnh, các bếp lò hay cả dụng cụ thể thao cùng các thứ khác. Tôi chưa từng gặp Lucander Sligo II, sở hữu chủ và quản trị việc kinh doanh.

Lucander Sligo I ságn lập công ty này cùng với Elton Baylie. Công việc chỉ chuyên về buôn bán dương cầm trong nhiều năm. Baylie không có con trai, nhưng con gái ông là cô Eltonia gia nhập công ty. Baylie muốn cô lấy con trai của Lucander nhưng Eltonia lại phải lòng một người tên là Spezzafly thuở cô bốn mươi tuổi, và anh này trẻ hơn cô đến mười hay mười một tuổi gì đó. Chồng của Eltonia không quan tâm đến dương cầm, anh chỉ quan tâm đến Eltonia. Và cũng chẳng quan tâm gì đến thằng con. Anh bỏ Eltonia trước khi đứa bé chào đời.

Nhân viên ở nhà kho Sligo, Baylie gồm có con trai của Eltonia, Oliver Morgan Spezzafly, giờ đã sáu mươi chín tuổi, và tôi, Ashland Clewpor hai mươi bốn.

Tôi đã làm việc ở nhà kho một năm rưỡi rồi.

Khởi đầu là xin việc ở phòng nhân viên công ty Sligo, Baylie trên tầng sáu. Cô gái làm việc ở đó rất cảm kích hoàn cảnh của tôi, nhưng nàng lấy làm tiếc là không có chỗ thuận lợi.

Nàng nói, Trừ phi anh chịu làm việc ở nhà kho.

Việc gì vậy?

Nàng bèn nói cho tôi biết về ông Spezzafly. Rằng đã hơn hai mươi năm nay chưa ai từng làm việc cho ông ta được hơn một tháng.

Tại sao vậy?

Nàng cố hết sức dịu dàng cho tôi biết rằng O.M. Nàng gọi ông ta như vậy, dĩ nhiên đáng được một chức vụ quan trọng trong hãng, với một chỉ số lương năm ưu đãi, nhưng hai mươi lăm năm trước đây cũng tuyệt đối cần thiết phải bổ nhiệm ông làm giám đốc nhà kho – hoặc, nói một cách trắng trợn là, tống khứ ông đi.

Nàng nói, làm giám đốc nhà kho, O. M. đòi hỏi một ban nhân viên điều hành, và Lucander Sligo II đã quyết định cho O.M. có một thư ký, một kế toán viên,một người gác dan và một người chuyên lo về dương cầm biết lên dây và sửa chữa dương cầm. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau người thư ký xin thôi việc, và những nhân viên khác cũng cáo lui trong vòng một tháng. Dần dà O.M. đâm ra có cái ý nghĩ là chỉ có ban-nhân-viên-một-người mà thôi.

Tôi hỏi, Việc đó lương lậu ra sao?

Mới đầu thì sáu mươi lăm đô một tuần. Tuy nhiên mỗi tháng được lên lương năm đô.

Trong bao lâu?

Bao lâu anh còn làm việc.

Giả sử như tôi làm ba năm?

Mỗi tháng anh vẫn cứ được lên lương năm đô.

Phận sự tôi phải làm những gì?

O.M. sẽ nói cho anh biết.

Cô có thể gợi ý cho tôi là việc ấy nó sự thể ra làm sao, được không?

Cô gái nói, Tôi e rằng không. Tôi chỉ biết anh phải có mặt ở nhà kho tám tiếng một ngày, từ thứ hai đến thứ sáu. E rằng tôi chẳng thể khuyến khích anh nhận việc đó chút nào.

Nửa giờ sau tôi đã có mặt ở nhà kho, gõ cánh cửa trước. Tôi gõ vì cửa khoá. Và rồi tôi nghe những bước chân nhẹ và nhanh, cửa bật mở. Tôi thấy một người cao lớn, mặc bộ đồ chỉnh tề màu sẫm. Tôi tự giới thiệu và ông ta mời tôi vào văn phòng.

Văn phòng ông Spezzafly rộng và trang trí rất đẹp. Bàn giấy lớn và đắt tiền. ghế bọc da màu đen. Sau lưng là một bức chân dung lớn của ông ngoại Elton Baylie bằng sơn dầu và cạnh đó là chân dung mẹ ông, bà Eltonia.

Cuộc hội kiến ngắn ngủi, mặc dù ông Spezzafly có xem qua cái mẫu đơn tôi điền tại phòng nhân viên.

Ashland Clewpor?

Dạ vâng.

Để tôi chỉ văn phòng của cậu, cậu Clewpor.

Chúng tôi đi qua đủ loại dương cầm, đến tận cùng đàng kia của nhà kho nơi có hàng rào xây quanh một khu vực nhỏ. Rào cách mặt đất khoảng bảy tấc và cao một thước rưỡi. chúng tôi vượt qua hai cánh cửa xoay, trước mắt hiện ra một khoảng trống, chả có gì ngoài một bàn giấy đơn giản phẳng mặt và một cái ghế sơ sài không đánh vẹc ni. Trên ban gọn lỏn một máy điện thoại, chả có gì khác.

Ngồi xuống đi, cậu Clewpor.

Tôi ậm ừ ngồi xuống.

Tốt lắm, ông Spezzafly nói, rồi bỏ đi.

Tôi ngồi một mình bất động khoảng mười phút, đoạn lôi tất cả các ngăn kéo ra và thấy tất thảy sáu cái đều trống rỗng. Cả văn phòng chỉ vỏn vẹn một cái bàn, một cái ghế và được bao quanh bởi một hàng rào.

Vào lúc năm giờ thiếu mười lăm, tôi quyết định dùng điện thoại, để làm một cái gì hơn là chỉ để nói chuyện với một người. Tôi nghĩ, chắc phải gọi Newbegin và hỏi xem họ có thể giới thiệu cho một cuốn sách hay về dương cầm được không. Tôi bắt đầu quay số gọi trạm liên lạc để xin số, nhưng trong khi đang quay số thì tôi nghe có tiếng ai đó nói.

Gì cơ? Đó là giọng ông Spezzafly.

Tôi nói, Tôi nghĩ là tôi nên điện thoại đến hiệu Newbegin hỏi thử xem họ có cuốn sách hay nói về dương cầm không.

O.M. Spezzafly đây.

Vâng ạ.

Ai gọi đấy?

Tôi nói, Chắc điện thoại hẳn lại làm sao ấy rồi, ông Spezzafly ạ. Tôi Ashland Clewpor đây mà.

Cái gì vậy cậu Clewpor.

Tôi đang thắc mắc là không biết có nên gọi điện thoại cho Newbegin không.

Newbegin là cái gì vậy?

Dạ đó là một tiệm sách ạ.

Ông Spezzafly nói, Tôi sẽ gọi lại cho cậu sau.

Và tôi nghĩ là ý ông muốn nói chỉ trong vài phút nữa thôi, nhưng phải đến hôm thứ sáu, lúc năm giờ kém năm. Ông nói, cậu Clewpor, lát nữa trước khi ra về hãy ghé lại bàn giấy tôi lấy ngân phiếu của cậu.

Vâng ạ.

Tấm ngân phiếu nằm trong chiếc đĩa xanh, chắc hẳn để thay thế chiếc gạt tàn. Ông Spezzafly nói, Cậu sẽ thấy tấm ngân phiếu ở đó mỗi thứ sáu.

Dạ vâng. Cám ơn ông.

Tôi lấy ngân phiếu và gấp lại, dành một chút thời gian để xem ông ta còn muốn chỉ bảo gì thêm, nhưng ông chỉ nói, Hay lắm, gấp lại như vậy thật ngộ.

Tôi cố đợi một chốc, hy vọng ông sẽ nói đôi chút  về những gì tôi có ý mong mỏi trong tuần tới, nhưng ông vẫn im như thóc. Tôi lẳng lặng thoát êm.

Sáng thứ bảy tôi ghé phòng nhân viên của hãng Sligo, Baylie, và cô gái ở đó giương mắt hỏi, Sao?

Tôi nói, Tôi đang thắc mắc ghê lắm và chẳng hay cô có thể vui lòng bật mí đôi chút về ngài Spezzafly được không?

Anh không đến để xin thôi việc đấy chứ?

Không, tôi nghĩ là chả cần phải thôi việc.

Cả tuần anh làm những gì nào?

Chả làm gì ráo.

Ông ấy làm  gì?

Tôi đâu biết.

Anh có thấy ông ấy kỳ  cục không?

Trông thì cũng d quá có gì là kỳ.

Vậy ra anh định ở lại thiệt hả?

Ở đây có chỗ nào đỡ hơn không?

Cô gái nói, Ái chà, nếu thành thật hết cỡ thì cũng có, nhưng lại ở khu bếp lò, và chả có vụ lên lương lên hướng gì ráo, ít nhất cũng một hai năm. Anh có thích diện kiến ông sếp hoả đầu quân ấy không?

Tôi nói, Chậc chậc! Tính ra nếu như tôi cứ làm việc với ông Spezzfly trong một năm, tôi sẽ có số lương một trăm hai mươi lăm đô một tuần, phải không nào?

Cô gái đáp, Đúng vậy thôi.

Thế cũng khá đấy chứ?

Vâng, khá quá đi chứ.

Tôi lại chưa có vợ.

Vâng, hôm đọc đơn xin việc của anh, tôi biết anh chưa lập gia đình.

Thế thì sau một năm làm việc với ông Spezzafly nếu tôi xin hỏi cô làm vợ, cô tính sao đây?

Cô gái nói, Tôi có chồng rồi. Cô hỏi lại, Anh có muốn gặp ông sếp hoả đầu quân không?

Tôi nói, Thôi khỏi. Cô có vui lòng cho tôi biết chút ít về ông Spezzafly không nào? Tôi muốn nói, phận sự của tôi là phải làm những gì?

Cô gái nói, Á à, nếu như anh nhất quyết ở lại với ông Spezzafly một tuần nữa, sao không để đến sáng thứ hai rồi hẵng hỏi ông ấy?

Ông Spezzafly đang đứng trước cửa văn phòng của ông lúc tám giờ sáng thứ hai. Ông nói, Tôi thích đúng giờ đúng giấc. Bây giờ là tám giờ kém một phút. Lẽ ra tôi phải có mặt ở đây lúc tám giờ thiếu mười, nhưng cậu có mặt ở đây lúc tám giờ thiếu một thì cũng chưa đến nỗi nào.

Vâng ạ.

Tôi cũng ưa cái vẻ bề ngoài đàng hoàng. Một người đi làm vào sáng thứ hai trông khỏe khoắn là một người sẽ có vẻ khoẻ khoắn cả tuần.

Thưa ông Spezzafly, phận sự của tôi là phải làm gì?

Ông Spezzafly nói, Này cậu, công việc của cậu đang đợi cậu trong văn phòng của cậu đấy.

Ông gật đầu chào lễ độ rồi quay vào văn phòng của mình. Tôi đi qua những chiếc dương cầm vào văn phòng của tôi, như đi qua những sinh linh huyền ảo và sang cả kỳ diệu nhất thế gian. Tôi mong được trông thấy một mớ giấy tờ các thứ trên bàn nhưng chả có lấy một mảnh nhỏ. Tôi ngồi bệt xuống và cố đoán xem nàng đã lấy ai, nhưng đành chịu. Một cô gái có chồng là đã có chồng rồi, chỉ vậy thôi.

Tuần thứ nhì trôi qua cũng y như tuần thứ nhất, chiều thứ sáu lúc năm giờ, tôi lấy tấm ngân phiếu rồi về nhà. Sáng thứ bảy tôi trở lại văn phòng nhân viên, tôi muốn gặp nàng lần nữa.

Nàng nói, Có một chỗ ở khu tủ lạnh. Anh có muốn gặp ông giám đốc khu tủ lạnh không?

Ông là ai vậy?

Ông Stavros.

Lương hướng khá không?

Sáu mươi lăm đô, nhưng không hứa hẹn gì cả. anh làm việc ở nhà kho không sướng sao?

Tôi không biết mình đang làm gì đây.

Ừ, thì cứ tà tà như thế.

Tôi dọn một con đường băng qua những chiếc dương cầm.

Ông Spezzafly có tỏ vẻ hoan hỉ không?

Chả nói năng gì cả.

Ông có đi con đường đó không?

Không, nhưng cái hôm tôi dọn con đường, ổng có gọi vào lúc năm giờ kém mười lăm và bảo sau này bất cứ lúc nào trả lời điện thoại tôi phải nói "Ashland đây" xưa nay tôi vẫn nói "Alô".

Tôi tin là ông ta thích con đường anh dọn.

Ý cô muốn nói là tôi nên tiếp tục những việc đại loại như vậy?

Vâng, chắc vậy.

Tôi có phải cố bán cho được một chiếc dương cầm không?

Mà có ai hỏi mua không chứ?

Không, thế nhưng ông ta khóa cửa trước mà.

Hẳn rồi. Vì đó là nhà kho mà, chứ đâu phải là cửa hàng bán.

Những chiếc dương cầm đó để làm gì vậy?

Thiên hạ đổi đan cũ lấy thứ tân kỳ hơn, và họ để những dương cầm cũ vào nhà kho, có vậy thôi.

Thế có bao giờ họ đem chúng ra không?

Dương cầm cũ bán không được chạy cho lắm.

Chúng ta có đến một trăm hai mươi ba chiếc. Tôi đếm thử.

Anh có thích sum vầy giữa những dương cầm không?

Ồ vâng, tôi thích. Thích nhất là nhìn chúng vào mỗi buổi sáng, hẳn nhiên là tôi phải thấy chúng cả ngày, nhưng tôi muốn nói là mỗi buổi sáng vào đó ta chiêm ngưỡng nó một cách đặc biệt. Tất thảy các chủng loại. À, mà cô lấy anh chàng nào vậy?

Chồng tôi là một kế toán viên ở Weels, Fargo. Khu tủ lạnh đó suốt ngày cười đùa vì ông Stavros là một người có óc hài hước. Anh có muốn gặp ông ta không?

Không, nhưng nếu cô có em gái, tôi thích gặp nàng hơn.

Tôi không có em gái. Tuy nhiên, ở khu tủ lạnh có ba cô khá xinh đấy. Có lẽ anh nên bỏ nhà kho quách cho xong.

Tôi chả bao giờ mong làm việc trong một nhà kho. Tham vọng của tôi vẫn luôn luôn là được nổi tiếng.

Nhiều người nghĩ rằng ông Stavros hẳn sẽ rất nổi tiếng nếu như ông ấy làm ca sĩ. Nàng nói, rồi loay hoay nguệch ngoạc vài chữ trên một mảnh giấy. Nàng gấp lại và chìa ra cho tôi.

Cái gì vậy?

Thư giới thiệu cho ông Stavros.

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa muốn bỏ nhà kho.

Sáng thứ hai vào lúc tám giờ kém một phút, ông Spezzafly đứng ngoài cửa văn phòng của ông.

Ông nói, Ash, nếu cậu đi ngay vào văn phòng của cậu và ngồi xuống bàn, tôi sẽ thử một việc này.

Tôi vào văn phòng và ngồi xuống bàn, chỉ mấy phút sau thì chuông điện thoại reo vo vo, và tôi nhấc ống nghe lên.

Tôi nói, Ashland đây.

Ông Spezzafly nói, Ash, tôi định để cửa trước mở chốt, người ở phía ngoài có thể mở được mà không cần đến khoá. Tôi nghĩ, mình nên thử ngay sáng nay, và có thể cả buổi chiều nữa.

Vâng ạ.

Nếu có ai vào, tôi sẽ điện cho cậu biết.

Dạ vâng.

Tuy nhiên, trong trường hợp lỡ mà tôi không để ý, thì cậu…

Ông Spezzafly ngừng lời. Tôi đợi chốc lát, đoạn nói, Gì cơ ạ?

Này Ash, ý tôi muốn nói là, khám phá xem thử họ là ai.

Vâng ạ. Nhưng tôi có phải cho ông biết không?

Tôi thấy chả cần, Ash ạ. Đây chỉ là một thử nghiệm mà.

Vâng ạ.

Suốt ngày thứ hai chẳng thấy ma nào. Sáng thứ ba lúc mười giờ rưỡi điện thoại tôi ré lên và ông Spezzafly nói, Tôi muốn cho cậu biết, Ash ạ, là tôi để cửa mở chốt nữa đó.

Vâng ạ.

Tôi đã nghĩ kỹ lại rồi. Nếu có ai vào, cậu gọi cho tôi và chỉ cần nói "Có khách trong nhà kho" là tôi hiểu ngay.

Vâng ạ "có khách trong nhà kho".

Rõ rồi nhá.

Chả có ai vào, nhưng vào lúc năm giờ kém mười lăm, tôi nghĩ mình nên gọi nói xem ông có muốn tôi bán một chiếc dương cầm không.

Khi nhấc ống nói lên, ông liền hỏi, Có khách trong nhà kho hả Ash?

Dạ không.

Mẹ kiếp!

Tôi gọi để hỏi xem ông có muốn tôi thử bán một chiếc dương cầm không.

Ông Spezzafly nói, Này Ash, ta chỉ gọi khi có khách trong nhà kho thôi.

Vâng ạ.

Cả tuần vẫn lặng như tờ. Chiều thứ sáu tôi lấy ngân phiếu và về nhà, và sáng thứ bảy tôi lại tạt qua phòng nhân viên như thường lệ, và cô gái ở đó nói, Tôi có một chỗ khá hấp dẫn để giới thiệu cho anh trong khu bán đồ thể thao. Ông Plattock cần một thanh niên trông mạnh khoẻ để thao diễn máy chèo và xe đạp, làm sao cho dẻo dai là được. Anh có thích gặp ông Plattock không?

Tôi không biết.

Anh se được phép ăn mặc quần áo thể thao do Sligo, Baylie cung cấp, và tôi nghĩ là anh sẽ gây được cảm tưởng tốt đẹp.

Nàng lại bắt đầu nguệch ngoạc trên miếng giấy nhỏ, nhưng tôi không nghĩ đến việc trưng bày một mái chèo hay dẻo dai trên một chiếc xe đạp, tôi đang mải nghĩ đến việc có một người khách trong nhà kho.

Thứ hai tới, vào giờ ăn trưa, cô đến nhà kho được không?

Cô gái nói, Dĩ nhiên là được. Thế nhưng, có một lý do đặc biệt nào và tại sao tôi phải tới đó không?

Tôi nói, Thì ông Spezzafly đang thử nghiệm một cái gì. ông mở hờ cửa trước, và bất cứ ai muốn vào nhà kho từ đường Bryant cũng được, nhưng cả tuần rồi vẫn vắng teo. Tôi nghĩ, nếu có cô vào, tôi có thể điện cho ông Spezzafly hay.

Tôi hiểu.

Sau đó chúng ta có thể đi ăn ở cái tiệm gần kho hàng S.P.

Aí dạ tôi lại thường ăn trưa với chồng tôi ở một tiệm nhỏ cạnh Well, Fargo.

Cô có thể bỏ ăn trưa với ông xã một  bữa thứ hai này được không?

Thế anh không muốn gặp ông Plattock à?

Không phải vậy. Cô xem, khi tôi khởi sự một việc gì, tôi thích cô nhìn thấy nó xong xuôi trót lọt.

Ồ, bộ anh cảm thấy mình đang khởi sự một cái gì đó thiệt sao?

Vâng, đúng vậy.

Thế anh cảm thấy anh đang khởi sự cái gì vậy cà?

Tôi đã bắt đầu hiểu ông Spezzafly.

Thật sao?

Vâng, và một vài điều khác nữa.

Thế anh đã bắt đầu hiểu cái gì khác nữa chưa?

Thì sự nổi tiếng chẳng hạn. Nổi tiếng như những người khua chiêng múa trống thì chưa phải thực sự nổi tiếng, nhưng nổi tiếng theo kiểu ông Spezzafly mới thực sự là nổi tiếng. Và một ít người khác mà tôi biết được.

Ở Sligo, Baylie ai mà chả biết tiếng tăm ông Spezzafly đã bao năm nay. Thế còn những người khác là ai nào?

Ờ, cái cách mà cô muốn nói đó còn ác liệt hơn cả sự nổi tiếng đình đám của các nữ ca sĩ hay tài tử điện ảnh.

Chà, anh tử tế quá, nhưng cả thế giới này hiếm có ai biết đến tôi.

Đó là cái phần mà tôi bắt đầu hiểu. Cô nổi tiếng mà không cần đến lắm người tung hứng, nhưng những ai đã biết đến cô, họ…

Sao anh biết là họ biết?

Riêng tôi thì chưa, nhưng tôi biết là cô nổi tiếng, cứ thử tưởng tượng xem với những người thực sự biết cô thì sao, chẳng hạn như chồng hoặc con cô.

Tôi chưa có con.

Nhưng nếu như cô có con, hẳn chúng lại không biết cô nổi tiếng hay sao?

Vâng, tôi cho là chúng biết chứ.

Thế cô có đến nhà kho không?

Ờ, có lẽ thứ hai chưa được đâu, chắc là phải đến thứ ba hay thứ tư gì đó.

Cô sẽ thấy cửa đóng hờ, mở chốt. Văn phòng tôi ở đàng sau, phía tay phải.

Ngày thứ hai tôi lấy cơm trưa và ngồi ăn ở đường Freemont, bên dốc cầu Bay Bridge, trong khi ông Spezzafly ăn ở bàn giấy. Tôi không hiểu tại sao ông ăn săng uých ở văn phòng. Tôi ăn ở ngoài đường vì tôi thích vừa tản bộ vừa ăn.

Tôi đi xuống đường Thứ Nhất đến Bến 38, hoặc đường Bryant đến Bến 28, nhìn những chiếc tàu lênh đênh dưới đó, và suy nghĩ các thứ. Tôi nghĩ về dĩ vãng, về hiện tại và tương lai, mặc dù tôi không sao quên được dĩ vãng, những ngày sống bấp bênh và mông muội, những ngày lính tráng ở Cao Ly, rồi bị thương và nằm viện cả năm trời, và được giải ngũ năm hai mươi hai tuổi.

Tuy nhiên, phần nhiều những lúc đi bộ trong giờ ăn tôi nghĩ hoài về tương lai.

Vào lúc mười hai giờ trưa ngày thứ ba tôi không rời văn phòng, mặc dù tôi không có cơm ăn. Tôi chỉ ngồi nơi bàn, lắng nghe. Chả có gì để lắng nghe cả, nhưng biết đâu chẳng mấy chốc lại có thể có, và tôi sẵn sàng để nghe. Mười hai giờ mười lăm, tôi nghe cái tiếng mà mình trông đợi.

Đó là một người khách trong nhà kho tôi.

Những bước chân đến gần hơn, rồi thì hai cánh cửa tự động của văn phòng tôi bật mở. Tôi chộp lấy điện thoại.

Thưa ông Spenzzafly, có khách trong nhà kho.

Ai vậy, Ash?

Một cô gái mặc áo xanh.

Cám ơn, Ash.

Ông Spezzafly gác máy, tôi cũng gác máy. Và cô gái mặc áo xanh bước đến bàn tôi, chìa cho tôi tờ giấy gấp. Đó là một mẩu thư giới thiệu của phòng nhân viên hãng Sligo, Baylie, trong đó viết: giới thiệu cô Stella Mayhew cho ông Ashland Clewpor. T.B.: Chúc may mắn.

Tôi đi vòng qua bàn và đưa tay ra, Stella Mayhew và tôi  bắt tay.

Stella có vẻ hốt hoảng ra mặt, nhưng chính tôi cũng hốt hoảng hết sức, vì trước hết là tôi quá mong đợi người khách đầu tiên trong nhà kho, thứ nữa quả là tôi chưa từng thấy một cô gái nào khiến tôi mê thích đến như vậy.

Stella nhanh nhẹn mở xắc tay và lấy thêm một lá đơn gấp. Tôi mở ra và đọc những câu trả lời mà nàng điền vào những câu hỏi in sẵn.

Tôi gắng tỏ ra một vẻ đứng đắn, nên sau khi đọc vài câu trả lời, tôi nói "Tôi hiểu". Đọc thêm vài câu nữa và tôi lại nói "Tôi hiểu".

Và rồi…rằng thì tôi ôm nàng trong tay, tôi hôn nàng. Biết lắm chứ, đây là lúc tôi nên cố tỏ ra đứng đắn hơn bao giờ hết, nhưng…tôi cứ nghĩ về dĩ vãng và tương lai như tôi vẫn hàng mong ngóng nó như vậy – một căn nhà nhỏ nhiều riêng tư, cả hai đều nổi tiếng, một thằng con trai lừng lẫy, và không lâu sau, một đứa con gái cũng không thua kém gì anh nó.

Tôi đang hôn Stella thì điện thoại reo.

Ashland đây.

Khách muốn gì vậy, Ash?

Tôi cũng không biết nữa.

Tất cả đều đâu vào đấy cả chứ?

Vâng ạ.

Ông Spezzafly gác máy và tôi cũng gác máy.

Tôi xách ghế đến bên bàn và mời Stella Mayhew ngồi, tôi muốn nói chuyện với nàng. Nàng ngồi xuống, và tôi kể tự sự về đời mình cho nàng nghe, dĩ vãng, hiện tại và tương lai, tôi nói, Thực ra, tôi chẳng phải là một người điều khiển buôn bán hay bất cứ một việc nào đại loại như vậy, tôi chả lo cho ai được việc gì, phần mình thì có tí việc xoàng xĩnh và định giữ lấy nó, nhất là nếu có cái gì hay hay đáng kể có thể làm với số tiền kiếm được. Tôi muốn mua trả tiền mặt một căn nhà đâu đó, nhưng cũng chẳng quan tâm gì mấy, trừ phi khi tôi có được một ai đó để cùng dọn về, chung hưởng cuộc sống lứa đôi. Đó là việc duy nhất tôi có thể đề nghị và giao cho cô – nếu như mọi sự tốt đẹp. Tôi đã đọc cái đơn xin việc và tôi thích tất cả các điều khoản trong đó. Và dĩ nhiên tôi có thể đến vấn an cô. Thực tình mà nói, tôi rất mừng khi cô chỉ mới đến San Francisco một tuần nay và cũng không giấu được niềm vui là cô không có ai thân thích cả - khi đã có nhau, tôi chắc việc đó cũng có một ý nghĩa gì chứ. Như thế, cô thấy có được không?

Stella Mayhew nói, Dạ vâng.

Khi tôi đang hôn nàng thì ông Spezzafly bước vào theo lối đi mà tôi đã dọn, giữa những quần thể đàn dương cầm, ông đi như một đấng cứu rỗi, nhưng tôi không thể dừng lại được. Ông Spezzafly đẩy hai cánh cửa tự động mở ra, và tôi nói, Thưa ông Spezzafly, xin được giới thiệu cô Stella Mayhew.

Chào cô Mayhew.

Tôi nói, Cô Mayhew sẽ là bà Ash Clewpor trong tương lai.

Ông Spezzafly nói, Này Ash, tôi thấy tuyệt vời quá. Dẫu cậu có lùng sục khắp thế gian đi nữa cũng không sao có được một cô gái dễ thương hơn như vậy. Ông ngừng một chút để mỉm cười với Stella, và nói tiếp, Còn cô, cũng đừng hòng tìm cho ra một cậu bé nào dễ mến hơn.

Stella lễ phép, Xin cám ơn ông.

Ông Spezzafly nói, Không có chi. Ông rời văn phòng, Stella và tôi lắng nghe bước chân của ông xa dần, về phía lối đi đến văn phòng ông.

Rồi Stella kể cho tôi nghe những gì về đời nàng, dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Đôi khi nàng cố nén để đừng bật khóc, lúc được lúc không. và tôi cùng không sao cầm lòng cho được.

Một năm rưỡi làm việc ở hãng Sligo, Baylie – kể từ cái ngày thứ ba định mệnh với sự xuất hiện bất ngờ của người khách áo xanh trong kho chứa dương cầm – có thể nói đó là cái thời hạnh phúc nhất đời tôi, những hợp âm vui rộn luôn phát triển một cách bất ngờ và ngoạn mục, mơ hồ và vang dội. Tôi không bao giờ mong thôi việc, mặc dù tôi có bảo cô gái ở phòng nhân viên hãy ngưng việc tăng lương năm đô mỗi tháng cho tôi.

Nàng nói, Bây giờ thì chưa, có thiếu gì lúc để ngưng tăng lương. À, mà này, chứ ông Spezzafly thế nào rồi?

Nổi tiếng, vẫn luôn luôn như vậy.

Thế còn vợ anh, cô Stella thì sao?

Cũng nổi tiếng không kém, cám ơn cô rất nhiều.

Thằng nhóc con anh?

Ái dà dà, thằng con tôi nó nổi tiếng khắp thế giới, cô ạ.

Tôi có thể giới thiệu cho anh một chỗ làm khá hấp dẫn ở khu truyền hình. Cô gái phòng nhân viên nói, nhưng cô chỉ nói cho vui thôi, vì nàng thừa biết tôi nào muốn bỏ nhà kho chứa dương cầm. Nàng còn lạ gì tính cách con người tôi, khi khởi sự một việc gì, tôi hết lòng theo đuổi và thích thấy nó xong xuôi đâu vào đấy. Bạn còn nhớ không?